Đạo Học
29/11/2020 - 12:14 PMLê Công 846 Lượt xem

xem lại phần trên>>>>>

Những đóng góp của sách Trung Dung 

Xưa nay ai cũng công nhận rằng Trung Dung là tâm pháp của Nho giáo. Sách bắt đầu bằng chữ Thiên. Từ đó suy diễn ra Tam Đức (NHÂN, TRÍ, DŨNG), Ngũ Luân (Quân thần, phụ tử, phu phụ, côn đệ, bằng hữu), Cửu kinh (chín phép trị nước) (Xem Trung Dung, chương I, XX). Sau đó lại dùng Cửu kinh, Ngũ luân, Tam đức như là những nấc thang thần giúp cho con người triển dương, tiến hoá đến cùng cực tinh hoa (Trung Dung, 1)[26] đến Trung Dung, Trung Đạo [27] đến chỗ kết hợp với Trời mà Trung Dung gọi là Phối Thiên. [28] Như vậy sách Trung Dung cũng kết thúc bằng chữ Thiên, vô thanh, vô xú.

Sách rất cao siêu, nhưng cũng khó hiểu. Chính vì thế mà chúng ta cũng nên đặc biệt để tâm khai thác những điều huyền nhiệm mà Trung Dung tàng trữ bấy lâu, để đóng góp vào công trình đi tìm con đường Qui nguyên phản bản.

Hai chữ Trung Dung:

Chữ Trung, theo từ nguyên, là một mũi tên bắn trúng hồng tâm. Hội ý tiên nho, nhất là Trình Tử và Chu Hi, tôi đã giải hai chữ Trung Dung như sau:

Trung là tâm điểm,

Dung là hằng cửu, bất biến.

Như trên tôi đã trình bày, trong vòng biến thiên ảo hoá của vũ trụ, vạn hữu chỉ một tâm điểm bất biến, hằng cửu, ấy là Bản thể tuyệt đối, là Thái cực, là Đạo, là Trời.

Chính vì thế mà Kinh Dịch đã vẽ Thái cực ở tâm điểm vòng Dịch, còn các quẻ tượng trưng cho vạn hữu, hình tướng biến thiên bên ngoài thì vẽ lên vòng tròn bên ngoài, lên vòng biến dịch bên ngoài.

Tâm điểm vì ở giữa vòng biến thiên của vạn hữu, nên không hề nghiêng lệch bên nào. Tâm điểm, vì là cơ cấu, là căn cơ gốc gác môun loài, nên cũng không dựa nương vào đâu. Chính vì thế mà Trình Tử mới nói: Trung là Bất Thiên, Bất Ỷ.

Muôn loài, muôn vật biến thiên, ắt phải có một căn do bất biến hằng cửu làm chủ chốt. Chính vì thế mà Trình Tử giải: DUNG là Bất Dịch. Thế tức là chỉ với hai chữ TRUNG DUNG, đức Khổng đã vạch ra cho chúng ta cả một chương trình hành động, cả một con đường giải thoát.

Nghĩa là:

Sống trong muôn ngàn hiện tượng biến thiên, chúng ta phải tìm cho ra căn cơ bất biến.

Ở đâu có biến thiên, ở đấy có căn cơ làm chủ chốt.

Ở nơi con người ta, có đày dãy mọi hiện tượng biến thiên. Như vậy trong con người chúng ta, phaỉ có một căn cơ bất biến làm chủ chốt.

Mà như trên đã trình bày, chỉ có trời có Đạo, có Thái cực mới bất biến. Suy ra: trong ta, chắc chắn phải có Đạo, có Trời, có một nguồn sống siêu nhiên vĩnh cửu làm chủ chốt.

Cái gì còn biến thiên thì còn ở trong vòng sanh tử. Cái gì bất biến mới thoát ra ngoài vòng biến thiên sanh tử. Thế nên, nếu con người muốn thoát vòng sinh tử, Phải đạt cho được tới TÂM ĐIỂM BẤT BIẾN, đạt tới TRUNG DUNG.

Đức Phật cũng đã nói: «Hỡi các tỳ khưu, có một thực trạng bất sinh, bất thành, bất ỷ, bất tạp, vì nếu không có thực trạng ấy, thì làm sao giải thoát được cái sinh, thành, ỷ, tạp.» [29]

Vivekananda cũng đã viết: «Chúng ta trước hết phải đi tìm cho ra một tâm điểm phát sinh ra mọi bình diện sinh hoạt khác. Khi đã tìm ra được tâm điểm rồi, chúng ta mới mong tìm ra được một giải pháp. Đó là chương trình của chúng ta. Tâm điểm ấy ở đâu? Thưa nó ở ngay trong lòng ta. Các hiền triết cổ thời đã tìm sâu mãi vào tâm con người, cho đến khi khám phá ra được rằng TÂM KHẢM CON NGƯỜI CHÍNH LÀ TRUNG TÂM VŨ TRỤ. Tất cả mọi bình diện khác đều xoay quanh tâm điểm duy nhất ấy, và chỉ từ đó, chúng ta mới tìm ra được giải pháp chung cho mọi người.» [30]

Văn Đạo Tử cho rằng: TÂM ĐIỂM chính là Thiên Đạo.

Vào được tâm điểm của lòng người, tức là vào được tâm điểm của vòng Dịch, tức là thoát luân hồi sinh tử, tức là vào được trục pháp luân theo danh từ của Phật giáo.

Ta hãy nghe Văn Đạo Tử trình bày: «Thiên đạo cư trung lập cực, nên vận chuyển muôn loài không sai thất, cũng như trong bánh xe, các vành xe và tai hoa xe vận chuyển không ngừng là nhờ trục xe. Nếu ta giữ vững được Trung điểm, tận dụng được Thái Cực, thì có thể chuyển vận vạn vật và có thể góp phần được với trời đất trong công trình hoá dục. Cho nên người quân tử tu nhân đạo để hợp thiên đạo. Hợp thiên đạo tức là vào được trục của vòng Dịch, thoát ra ngoài vòng kiểm tỏa của hiện tượng, hỗ trợ muôn vật mà không tơ vương dính bén muôn vật, xoay chuyển vòng biến Dịch mà chẳng chuyển dịch với bánh xe biến thiên luân hồi.»

Hoàng Đế nói: «Vũ trụ ở trong tay, vạn hoá sinh trong mình. Phật nói: Thu bể khơi vào trong sợi lông, đem núi TU DI lồng vào trong hạt cải, đâu phải là thuật lạ. Bất quá là các ngài đã nắm được trục của pháp luân. Ôi vi diệu thay, trục của pháp luân, hỏi mấy ai đã biết? Chẳng rõ được trục mà chỉ biết nói pháp luân, luôn vận chuyển, thì chóng thì chày cũng bị vận chuyển theo pháp luân, làm sao thoát vòng sinh tử được?» [31]

Như vậy nếu ta hiểu Trung Dung là Tâm Điểm Bất Biến, Nếu ta đặt hai chữ Trung Dung vào Tâm điểm vòng tròn, ta sẽ có ngay một chià khoá thần để mở các chốt then Đạo Giáo, thấu triệt được huyền cơ vũ trụ và con người. Thực vậy, nếu ta nhận định rằng Tuyệt đối hằng cửu bất biến ở tâm điểm vòng biến dịch, ta sẽ định ngay được rằng Tuyệt Đối Hằng Cửu ở ngay tâm điểm, ở ngay Trung Tâm Điểm não bộ ta, vì đầu ta chính là một hình tròn, vì não bộ ta chứa đựng muôn biến hoá. Lão Giáo gọi trung tâm não bộ là HUYỀN QUAN KHIẾU, là CỐC THẦN, là NÊ HOÀN. Phật giáo Tây Tạng với lời chú: Oum Mani Padme Hum đã xác nhận rằng giữa bông hoa sen nghìn cánh, não bộ con người đã có sẵn ngọc châu viên giác.

 Học giả Lilian Silburn, trong tác phẩm Instant et Cause đã viết: «Tìm ra được chân tâm tương đương với Brahman Thượng Đế, vừa là tâm điểm của lòng mình, vừa là tâm điểm của vũ trụ, là một khám phá lớn lao của các vị đạo sĩ Bà La Môn, sự khám phá này đã dẫn tới sự hình thành cuả bộ Áo Nghĩa Thư.» [32]

Những nét đặc thù của Trung Dung:

a/ Con người với Trời có đồng một bản tính.

 Trung Dung với mấy chữ vắn vỏi «Thiên mệnh chi vị Tính» 天命之謂性 nơi đầu sách đã cho chúng ta thấy rằng: Con người muốn bước vào Thiên đạo, muốn phản bản hoàn nguyên, trước hết phải có một nhận thức nghiêm chỉnh về bản thể mình, về bản tính mình. Trung Dung cho rằng bản tính con người là Thiên tính. Nói nôm na Bản tính con người và bản tính Trời là một.

 Thế tức là sau những bộ mặt nạ hoá trang mà sân khấu đời đã bắt ta mang, sau những lớp bùn đất thời gian, ngoại cảnh, của những con nguời thực tại (Le moi empirique), còn đang luân lạc trong chốn hồng trần, còn có bộ mặt vô cùng xinh đẹp của con người lý tưởng (Le moi idéal) ẩn khuất ở bên trong. Bộ mặt đó, người Á Đông thường gọi là Bản Lai Diện Mục.

Từ khi tôi khám phá ra được điều quan trọng này, tôi đã dùng nó như một kim chỉ nam để tìm cho ra đại Đạo khuất lấp trong những cánh rừng sâu tôn giáo và triết học trên thế giới.

Gần đây, có dịp đọc quyển Lịch Đại Cao Tăng Cố Sự, tôi thấy đại sư Đạo Sinh, sống vào thời đại Nam Bắc triều bên Tàu, đời Lưu Văn Đế (424- 453) Cũng đã có chủ trương y hệt tôi. Đạo Sinh quả quyết rằng: Nhà Nho gọi là Thiên Mệnh, thì nhà Phật gọi là Phật tính, mà Phật tính tức là Thiên tính. [33]

Ba La Môn cũng cho rằng: con người chân thực trong chính ta là Atman, là Brahman, Thượng Đế.

Phật giáo nhất là trong kinh Đại Niết Bàn đã chủ trương rằng: Mọi người đếu có Phật tính.

Thánh Kinh Công giáo cũng có một câu làm tôi hết sức sung sướng đó là: Thượng Đế chính là sự sống của bạn. [34]

Nếu Thượng Đế là sự sống của chúng ta, thì chắc chắn ngài là bản thể của ta vậy.

 Hội nghị Thông thiên học quốc tế họp tại Salzbourg nước Áo, năm 1966, cũng có những lời tuyên ngôn hết sức nảy lửa. ví dụ:

– Trong ta có một vô cùng. [35]

– Giác ngộ tâm linh sẽ mặc khải cho thấy yếu tố thần linh duy nhất trong tâm thần mọi người. [36]

– Thời buổi này cần phải nhận chân rằng trong mọi người có một tàn lửa Thiên Chân, và những khả năng vô tận, vô biên. [37]

– Tôn giáo xưa cho rằng Trời và người xa cách nhau, phẩm và chất xa cách nhau. Thông Thiên ngày nay dạy rằng: Trời Người là Một. [38] 

b/ Nhân tâm thuận tòng Thiên tính, Thiên lý thế là chân đạo (Suất tính chi vị đạo 率性之謂道 ).

Theo Trung Dung đạo Trời thật chí giản chí dị. Muốn theo đạo Trời, muốn theo Thiên lý, con người chỉ cần lắng nghe tiếng gọi của lương tâm. Trung Dung gọi thế là Suất Tính.

Lương tâm luôn luôn dạy ta làm điều cao đại minh chính, luôn luôn dạy ta Từ Bi Hỉ Xả, coi người như mình, trọng lễ nghĩa, khinh lợi.

Còn tâm tư chúng ta luôn luôn làm những điều tà ngụy, bất trung, bất chính, ích kỷ, hại nhân, luôn luôn muốn vọng hành, vọng niệm.

Như vậy thuận tòng thiên lý, tức là gạt bỏ những điều tà ngụy, để tiến tới công chính, từ bỏ mọi điều ti tiện cục cằn để vươn lên tới tinh hoa cao đại.

Bà H. P Blavastsky, trong quyển Mật giáo (Doctrine Secrète) đã viết: «Chỉ có nguyên lý tuyệt đối, bất khả tư nghị, căn nguyên vạn hữu mới đáng có đền thờ và bàn thờ trong khu đất thiêng liêng và u tịch của long ta. Nguyên lý ấy mình không thấy, bắt không được, mung lung huyền ảo, nhưng ta vẫn có thể cãm thấy được qua trung gian tiếng nói thầm lặng của lương tâm. Kẻ nào thờ phượng Nguyên lý tuyệt đối ấy, phải thờ trong yên lặng và trong sự u tịch thiêng liêng ấy cuả tâm hồn mình.» [39]

Bà Blavastsky còn viết: «Atman, Đại ngã […] sẽ tỏ quyền năng cho kẻ nào có khả năng nghe được ‘tiếng nói thầm lặng’ của lương tâm. Từ thủa ban sơ cho đến thời hiện đại, không một triết gia chân chính nào mà không mang trong đền đài u tịch của tâm hồn mình chân lý cao đại và huyền diệu đó. Nếu là trường hợp người được điểm đạo, thì sự học biết về lương tâm lại trở thành một khoa học thiêng liêng.» [40] 

c/ Trời, luật trời, Đạo trời chẳng hề rời xa con người một phút giây.

Đọc câu «Đạo dã giả bất khả tu du ly dã» 道也者不可須臾離也 nơi đầu sách Trung Dung tôi đã tìm ra được ba nhận định hết sức quan trọng của người xưa về đạo giáo.

① Một là trời chẳng hề xa con người.

② Hai là luật trời chẳng hề có ở ngoài con người, mà đã được ghi tạc ngay trong tâm khảm, thâm tâm conngười.

③ Ba là Chân đạo hay là con đường dẫn người tới trời đã có sẵn ngay trong tâm hồn mỗi một người.

Tôi cho rằng đó là những quan niệm hết sức xác đáng.

① Trời chẳng hề xa con người.

Nếu trời là căn cơ gốc gác con người, thì Trời làm sao mà rời xa con người được?. Chính vì tin rằng Trời chẳng lìa xa mình, nên người quân tử trong đạo Nho luôn luôn e dè kính cẩn, dẫu là khi ở một mình.

E dè cái mắt không nhìn,

Tai nghe không nổi cho nên hãi hùng.

Càng ẩn náo lại càng hiện rõ,

Càng siêu vi, càng tỏ sáng nhiều,

Nên dù chiếc bóng tịch liêu,

Đã là quân tử chẳng siêu lòng vàng.

(Trung Dung chương I)

② Luật Trời chẳng lià xa con người.

Chương XII Trung Dung viết:

Đạo luôn gần gũi người đời,

Những ai lập đạo xa rời chúng dân,

Hiếu kỳ lập dị là nhầm.

Kinh Thi viết:

Đẽo cán rìu có liền bên cán mẫu,

Trông lại nhìn cố dấu cho in.

Ngắm đi, ngắm lại liền liền,

Đẽo lui đẽo tới mắt xem chưa vừa,

Nên người quân tử, khi lo giáo hoá,

Sửa trị người sẵn có khuôn người,

Thấy người giác ngộ thời thôi,

Đã chiều cải hoá liệu bài ta ngưng.

③ Con đường từ người dẫn đến Trời đã có sẵn trong tâm thần con người.

Nhận định này chỉ là một sự suy diễn tự nhiên của quan niệm Trời chẳng xa người đã đề cập ở nơi trên. Thực vậy đạo chẳng qua là sự tìm ra được Trời ngự trị trong lòng mình, tìm lại được bản tính thần minh sang cả cuả mình, bắc được nhịp cầu giữa lòng mình với Thần Trời trong mình, phát quang được gai góc, lách lau của thất tình, lục dục, phá tan được lớp sương mù dày đặc của sự ngu si mê vọng. Cho nên con đường trở về Thiên quốc, con đường quy nguyên phản bản Nho giáo, không thể nào tìm thấy được trên muôn vạn nẽo đường của trần ai ngọai cảnh, của muôm dặm thinh không mà chính là đã có sẵn trong tâm thần chúng ta.

Chu Hi khi bình chương nhất Trung Dung viết:

Tử Tư nương ý chân truyền,

Trung Dung hạ bút nói liền duyên do,

Nguồn đạo ấy phát từ Thượng Đế,

Chẳng đổi thay, chẳng thể biến rời,

Hoàn toàn đầy đủ nơi người,

Một giây một phút chẳng rời khỏi ta.

Rồi bàn tiếp chi là cần thiết,

Lẽ Dưỡng, Tồn, Tỉnh, Sát v.v…

 Cuối cùng, tác giả luận bàn, sức thiêng biến hoá thánh thần uy linh.

Những học giả muốn tìm đạo ấy,

Tìm đáy lòng sẽ thấy chẳng sai,

Dẹp tan cám dỗ bên ngoài,

Căn lành sẵn có đồng thời khuếch sung.

(chương nhất, lời bình của Chu Hi).

Thông Thiên học cũng chủ trương phải tìm Đạo, tìm Trời ngay trong lòng mình.

Ông Joy Mills, trong một bài thuyết trình tại đại hội Thông thiên quốc tế ở Salzbourg, có trích dẫn một đoạn Upanishad như sau: «Có một ánh sáng chiếu soi khắp cùng trời đất, đó là ánh sáng chiếu soi trong lòng chúng ta. Có một nhịp cầu nối liền thời gian và vĩnh cưủ, và nhịp cầu ấy là Thần con người. Trên cầu ấy, chẳng có ngày đêm, chẳng có lão tử, chẳng có sầu muộn ưu tư. Một khi đã tìm thấy nhịp cầu ấy, con người sẽ nhìn thấy rõ tương lai và sẽ khỏi hết thương tích, bệnh tật. Đối với ai đã vượt được qua cầu ấy, đêm sẽ trở thành như ngày, vì trong thế giới thần linh, có một ánh sáng vĩnh cửu.» [41]

Đại hội Thông Thiên ở Salzbourg còn nhận định rằng: «Người ta thấy được Thượng Đế trong tạo vật Ngài. Ngay trong lòng mình, con người có thể tìm thấy đời sống Thượng Đế. Về phương diện đạo giáo, sự khám phá này cũng vĩ đại như sự khám phá ra nguyên tử năng. Nó cho con người quyền lực tinh thần không bờ bến, cũng như nguyên tử năng đã cho con người một sức mạnh kỳ diệu.» [42] 

d/ Những phương pháp tổng quát để tiến tới Trung Dung, tới tuyệt điểm tinh hoa.

Sau khi đã vạch rõ cho con người thấy rằng mình có một căn cơ hết sức sang cả, đó là Thiên tính, sau khi đã cho con người thấy rằng, Trời và định luật Trời, con đường đưa về Trời dã có sẵn cả trong tâm, Trung Dung đề ra ba phương pháp chính yếu để giúp con người tiến tới hoàn thiện.

① Mở mang trí tuệ để đi đến chỗ đại trí, đại giác. Đó là TRÍ.

② Luôn luôn thực thi những điều hay, để trở nên hoàn thiện. Đó là NHÂN.

③ Cố gắng không ngừng để đi đến chỗ tinh vi cao đại. Đó là DŨNG.

Trung Dung viết:

Muốn thông thái không ngoài học vấn,

Muốn tu nhân phải gắng công lao,

Muốn nên hùng dũng, anh hào,

Hai câu liêm sỉ ghi vào thâm tâm.

Trí, Nhân, Dũng, tu thân ấy lý,

Biết tu thân ắt trị nổi người,

Trị người hiểu biết khúc nhôi,

Con thuyền thiên hạ âu tài đẩy đưa. (Trung Dung, XX)

Muốn phát huy những năng lực nội tại, những đức tính nội tại, con người không cần phải vào thâm sâu cùng cốc, mà chỉ việc vui sống với mọi hoàn cảnh mình gặp trên bước đường đời (Trung Dung, XIV), mà chỉ cần kiên gan bền chí, đừng bán đồ nhi phế (Trung Dung, XI).

e/ Mục đích của con đường phản bản hoàn nguyên là PHỐI THIÊN.

Sau khi đã dùi mài học hỏi, suy tư đến mức khai thông được trí huệ, sau khi đã tha thiết thực thi những điều hay, điều phải đến mức Nhân Dức vẹn toàn, sau khi đã cố gắng phát huy được những năng lực tinh thần, để có thể tiến tới mức tinh vi cao đại, đến chỗ chí cao, chí mỹ, chí thành, chí thiện lúc ấy con người sẽ đạt đích.

Trung Dung gọi sự đắc đạo, đạt đích là đạt tới Trung Dung. Trung Đạo, là «Thung dung Trung Đạo», là PHỐI THIÊN, là sống phối kết, hợp nhất với THƯỢNG ĐẾ.

Trung Dung phác họa bậc thánh nhân ấy như sau:

Chỉ có đấng chí thánh trong trần thế,

Mới có đầy đủ thông minh trí huệ,

Y như thể có Trời ẩn náo, giáng lâm,

Mới khoan dung, hoà nhã, ôn thuần,

Y như thể có dung nhan Trời phất phưởng,

Phấn phát tự cường, kiên cương, hùng dũng,

Y như là đã cầm giữ được sức thiêng,

Trang trọng, khiết tinh, trung chính, triền miên,

Y như thừa hưởng đôi phân kính cẩn,

Nói năng văn vẻ, rỡ ràng, cẩn thận,

Y như là đã chia được phần thông suốt, tinh vi.

Mênh mang sâu thẳm ứng dụng phải thì

Mênh mang như khung trời bao la vô hạn,

Sâu thẳm như vực, muôn trùng sâu thăm thẳm,

Thấy bóng Ngài dân một dạ kính tôn,

Nghe lời Ngài dân tin tưởng trọn niềm,

Ngài hành động muôn dân đều hoan lạc.

Nên thanh danh Ngài vang lừng Trung quốc,

Vượt biên cương lan tới các nước ngoài,

Đâu xe có thể đi, người có thể tới lui,

Đâu có được trời che, và đất chở,

Đâu còn có nhật nguyệt hai vầng tở mở,

Đâu có móc đọng, đâu có sương rơi,

Đâu còn có dòng máu nóng con người.

Ở nơi đó, Ngài vẫn được tôn sùng quý báu,

Thế nên gọi là «CÙNG TRỜI PHỐI NGẪU». (Trung Dung, XXXI)

TỔNG LUẬN  

Trên đây tôi đã dùng Tứ Thư, Ngũ Kinh phác họa lại con đường phản bản, hoàn nguyên. Tôi đã đi vào nhiều chi tiết, viện dẫn nhiều chương cú, để trình bày cho cặn kẽ các khía cạnh, các giai đọan của con đường đó. Trong khi làm công việc đó, tôi sợ đã làm tản mạn tâm tư của quý vị. Để đền bù lại, tôi xin toát lược thực giản dị lập trường và chủ trương của Nho giáo về vấn đề Qui Nguyên Phản Bản như sau:

Muốn phản bản hoàn nguyên, phải nhận ra được rằng mình có Thiên tính, mình là dòng dõi Trời, là những vì thiên tử, những vì con của Thượng Đế luân lạc xuống cõi hồng trần này, cho nên phải phấn đấu để phục hồi nguyên vị cũ, trở lại quê hương cũ.

Thứ đến phải nhận định được rằng Trời hay Đạo chẳng có ở đâu xa, mà đã tiềm ẩn ngay trong lòng con người. Như vậy liền biết được ngay là muốn tìm Đạo, tìm Trời phải trở về nơi tâm mà tìm kiếm.

Vì trong ta có Trời, có thiên tính, cho nên muốn trở về với Trời phải rũ bỏ phàm tâm, nhân tâm để mặc lấy Thiên tâm, Thiên tính.

Mà nhân tâm là những gì bất toàn, những gì qui ước, những gì nhân vi nhân tạo, những gì phản ảnh lại hoàn cảnh lịch sử, điạ dư, chủng tộc, phong hoá, tập quán bên ngoài.

Mà Thiên tính là những gì toàn hảo, chí công, chí chính, siêu không gian và thời gian, những gì thiên nhiên, thiên tạo.

Rũ bỏ nhân tâm, phàm tâm. Mặc lấy Thiên tâm tức là vượt lên trên những gì biến thiên, để đi vào vĩnh cửu, vượt lên trên sinh tử, để đi vào trường sinh, vượt lên trên những gì ti tiện, để trở về tinh hoa, cao đại, vượt lên trên khiếm khuyết, bất toàn, để thực hiện viên mãn, toàn hảo.

Có làm xong được công trình này mới mong hợp nhất được với Thượng Đế, Phối Thiên, Phối mệnh, Thung dung Trung Đạo, duy Nhất, duy Tinh.

Cách đây hơn hai mươi năm, trong khi soạn thảo Trung Dung, tôi đã đúc kết lại Tinh hoa đạo Nho bằng ít vần thơ lục bát. Những vần thơ ấy đồng thời cũng phác họa lại con đường Phản Bản Hoàn Nguyên của Nho giáo, nay xin đem cống hiến quí vị và cũng là để tổng kết lại đề tài thuyết trình hôm nay:

Luân lạc mãi tới bến bờ xa lắc,

Trong đêm tăm, phiêu dạt biết về đâu,

Lênh đênh sống trên trùng dương thời khắc,

Chẳng buông neo, dừng lại được ngày sao?

Biên khu luân lạc từ bao,

Tìm sao cho thấy đường vào Trung Dung,

Đường Trung Dung linh lung ẩn khuất,

Nẻo Bồng Lai gai dấp, lau che,

Bao giờ mới tỉnh giấc mê,

Bao giờ tâm tư mới hướng về tinh vi?

Bao giờ cái thế nguy mới hết,

Biết bao giờ Nhân hiệp với Thiên?

Bao giờ Thiên mệnh sáng lên,

Trời mây khắp chốn ấm êm, hiệp hoà

Gẫm cho kỹ Tính là thiên mệnh,

Là tinh hoa, là chính đạo Trời,

Vừng trăng minh đứùc sáng ngời,

Mà mây nhân dục lấp vùi mất trăng.

Nhưng trăng sáng muôn năm vẫn sáng,

Mây dù che, chẳng phạm đến trăng,

Chỉn e trần thế tối tăm,

Con đường phiêu lãng muôn phần gian lao.

Trời cao cả lẽ nào chẳng sợ,

Trời chẳng xa, trời ở đáy lòng.

Cho nên nội kính, ngoại cung,

Mắt nhìn chẳng thấy, tưởng chừng kề bên,

Trời tuy thị vô biên, vô tận,

Nhưng mà trời vẫn lẩn trong tâm.

Thật là kỳ ảo khôn cùng,

Không hơi không tiếng vẫn lừng uy danh.

Khuôn phép Trời chí thành chí thiện,

Tiếng của Trời là tiếng lương tâm,

Mới hay trong chốn cát lầm,

Muôn ngàn đã sẵn vô ngần ngọc châu,

Mới hay giữa sông sâu, núi thẳm,

Vẫn có đường bằng phẳng thênh thênh,

Đường Trời rong ruổi mặc tình,

Không xiên, không vẹo, không vênh, không tà,

Đường Trời nọ bao la thảng đãng,

Không quanh co, không vặn, không xiên,

Đường Trời phẳng lặng êm đềm,

Không hề tráo trở, đảo điên vạy vò,

Đường Trời nọ thẳng vo thẳng tắp,

Vút một lèo tới cực cao minh,

Đó là duy Nhất, duy Tinh,

Đó là Thái cực tinh thành xưa nay.

Cuộc phù thế chớ say danh lợi,

Bả lợi danh phất phới, hão huyền,

Chớ mê những cái đảo điên,

Mà quên mất cái vững bền ngàn thu,

Sông thế sự hãy ưa chèo ngược,

Chèo ngược dòng lên tuốt căn nguyên.

Căn nguyên là chính THANH THIÊN,

Vô biên vô tận triền miên không cùng.

Bỏ phù phiếm, tìm tông, tìm tích,

Dương cung thần ngắm đích Thân Tâm,

Bắn vào Trung điểm Tâm Thần,

Ấy là thoát cõi hồng trần lầm than,

Như trăng sáng băng ngàn trần thế,

Rẽ Đẩu Ngưu, đượm vẻ thần tiên.

Ấy là tâm pháp thánh hiền,

Ấy là Trung Đạo tương truyền xưa nay.

Máy tạo hoá phơi bày trước mắt,

Lẽ huyền vi đâu bặt tăm hơi,

Mới hay muôn sự tại người,

Một lòng vàng đó Trời cũng thua.

Hãy học hỏi cho ra gốc ngọn,

Hãy cố công làm trọn mệnh Trời,

Tim kia lạc lõng tả tơi,

Thu về đừng để vãi rơi ngoài đường,

Tính Trời ấy khuôn vàng thước ngọc.

Phải chắt chiu bao bọc ngày đêm.

Tồn tâm dưỡng tính cho chuyên,

Tơ hào nhân dục, chớ hoen gương Trời.

Lòng băng tuyết thảnh thơi, thãng đãng,

Sống đơn sơ, kết bạn vô biên,

Rộng dày cùng đất sánh duyên,

Cao minh kết ngãi thanh thiên muôn nghìn.

Mỗi động tác phải nên gương mẫu,

Mỗi hành vi nên dấu nên khuôn,

Lời lời, ngọc nhả châu phun,

Lưu cho hậu thế muôn ngàn dài lâu.

Gẫm đạo lý có sau có trước,

Lẽ âm dương có ngược có xuôi.

Ngược là gío cuốn bụi đời

Đẩy đưa vào chốn trần ai, cát lầm

Có thử thách mới phân vàng đá,

Có lầm than mới rõ chuyện đời.

Khi xuôi, sấm chớp tơi bời,

Tầng sâu bày giải căn trời nội tâm.

Trông tỏ đức chí nhân chí chính,

Biết mục tiêu sẽ định, sẽ an.

Rồi ra suy xét nguồn cơn,

Con đường Phối Mệnh chu toàn tóc tơ.

Vốn hoàn thiện quang hoa mọi nhẽ,

Ấy tính trời muôn vẻ tinh anh,

Quang minh rồi mới tinh thành,

Ấy nhờ giáo hoá tập tành mà nên.

Đã hoàn thiên tất nhiên thông tuệ,

Thông tuệ rồi ắt sẽ tinh thành.

Việc gì tính trước cũng linh,

Không toan tính trước âu đành dở dang.

Lời xếp trước hoang mang khôn nhẽ,

Việc tính rồi, hồ dễ rối ren,

Hành vi đã sẵn chốt then,

Sẽ không vấp vướng, sẽ nên tinh thành.

Đạo làm người có rành duyên cớ,

Sẽ mênh mang muôn thủa muôn đời.

Hoàn toàn là đạo của Trời,

Trở nên hoàn thiện, đạo người xưa nay.

Người hoàn thiện cất tay là trúng,

Chẳng cần suy, cũng đúng chẳng sai,

Thung dung Trung Đạo tháng ngày,

Ấy là vị thánh từ ngay lọt lòng.

Còn những kẻ cố công nên thánh,

Gặp điều lành phải mạnh tay co,

Ra công học hỏi thăm dò,

Học cho uyên bác, hỏi cho tận tường.

Đắn đo suy nghĩ kỹ càng,

Biện minh thấu triệt, mới mang thi hành.

Đã định học chưa thành chưa bỏ,

Đã hỏi han, chưa tỏ chưa thôi.

Đã suy, suy hết khúc nhôi,

Chưa ra manh mối, chưa rời xét suy.

Biện luận mãi tới khi vỡ lẽ,

Chưa rõ ràng, không thể bỏ qua,

Đã làm làm tới tinh hoa,

Tinh hoa chưa đạt, việc ta còn làm.

Người một chuyến thân toàn thắng lợi,

Ta tốn công dở dói trăm khoanh,

Người làm mười bận đã thành,

Ta làm nghìn thứ ta ganh với người.

Đường lối ấy nếu ai theo được,

Dẫu u mê, sau trước sẽ thông.

Dẫu rằng mềm yếu như không,

Rồi ra cũng sẽ ra lòng sắt son.

 

Đạo quân tử như in lữ thứ,

Muốn đi xa phải tự chỗ gần.

Đạo người như cuộc đăng san,

Muốn lên tới đỉnh, đầu đàng là chân.

Việc trời thực muôn phần huyền ảo,

Thực sâu xa, ẩn náo khôn cùng,

Cho hay đức nhẹ như lông,

Nhưng lông chưa thoát được vòng trọng khinh,

Đức Trời thực uy linh siêu việt,

Không tiếng tăm trác tuyệt vô cùng.

Cho người cái đạo Trung Dung,

THIÊN NHÂN NHẤT QUÁN, thần thông diệu huyền.

Khủng cụ rồi, phối thiên phối mệnh. [43]

Ấy đầu đuôi, động tĩnh phù trầm.

Nguyên lai, bản mạt, thiển thâm,

Hiển vi tụ tán, xa gần, ngược xuôi. [44]

Cái tạm bợ bao ngoài vĩnh cửu,

Áo thô sơ che dịu gấm hoa.

Rồi ra vàng ngọc chói loà,

Trời người định vị, Trung Hoà vô biên.

CHÚ THÍCH

[1] Thuỷ chi tự trung thuận hành nhi sinh, chung nhi phục nghịch tàng, qui ư Trung Hoàng Thái Cực nhưng kiến phụ mẫu vị sinh chi tiền chi diện mục. 始之自中順行而生 , 終而復逆藏歸於中黃太極 , 仍見父母未生之前之面目. – Văn đạo Tử, Giảng đạo tinh hoa lục, tr. 101.

[2] Thái cực thuỷ vu Nhất nhi chung vu Nhất dã. Vạn vật thuỷ vu Nhất nhi chung vu Nhất, tức Trang tử xuất cơ, nhập cơ chi nghĩa. 太極始于一而終于一也 . 萬物始于一而終于一 , 即莊子出機入機之義 .  Nguyễn Ấn Trường, Tạo hoá thông, tr. 52.

[3] Nghịch nhi thành tiên, thuận khứ sinh nhân, sinh vật. 逆而成仙 , 順去生人 , 生物 . (Đạo Nguyên tinh vi ca, q. hạ, tr. 9b). Xem Trung Dung Tân khảo của tác giả, tr. 251.

[4] Đơn tự nhật đầu nguyệt cước, trung gian nhất hoạch hệ Nhật Nguyệt hợp nhất chi vị dã. Kỳ nội nhất điểm vi tinh khí hỗn hợp dĩ tượng nhất lạp kim đơn hĩ. 丹字日頭月腳中間一劃係日月合一之謂也 . 其內一點為精氣混合以象一粒金丹矣 . (Tu Chân bất tử phương, tr. 26).

[5] Thái Hư thị viết: Đơn đạo, thánh công bất ngoại hoàn phản. 太虛氏曰 : 丹道聖功不外還返 . (Thượng Phẩm đơn pháp tiết yếu, tr. 7).

[6] Ân Thương chi lữ, kỳ hội như lâm, thỉ vu Mục Dã, duy dư hầu hâm, Thượng đế lâm nhữ, vô nhị nhĩ tâm. 殷商之旅 , 其會如林 , 矢于牧野 , 維予侯興 . 上帝臨女 , 無貳爾心 . Kinh Thi, Đại Nhã, Văn Vương, Đại minh, thất chương. (James Legge, The She King, tr. 435)

[7] Mục dã dương dương, Đàn xa hoàng hoàng, Tứ nguyên bành bành, Duy sư Thượng phụ, Thời duy ưng dương, Lượng bỉ Võ Vương, Tứ phạt Đại Thương, Hội triêu thanh minh. 牧野洋洋 , 檀車煌煌 , 駟騵彭彭 . 維師尚父 , 時維鷹揚 , 涼彼武王 , 肆伐大商 , 會朝清明. Kinh Thi, Đại Nhã, Văn Vương, Đại minh, bát chương. (James Legge, the She king, p. 436)

[8] Minh minh tại hạ, hách hách tại thượng. 明明在下 , 赫赫在上 . Kinh Thi, Đại Nhã, Văn Vương, Đại minh nhất chương. (James Legge, the She King, p. 432)

[9] Bất hiển diệc lâm, vô dịch diệc bảo. 不顯亦臨 , 無射亦保 . Kinh Thi, Đại Nhã, Văn Vương, Tư Trai, tam chương. (James Legge, the She King, p. 447)

[10] Thượng thiên chi tải, vô thanh vô xú, nghi hình Văn Vương, Vạn bang tác phu. 上天之載 , 無聲無臭 . 儀刑文王 , 萬邦作孚 . Kinh Thi, Đại Nhã, Văn Vương, Văn vương, thất chương, (James Legge, The She King, p. 431)

[11] Duy thử Văn Vương, Tiểu tâm dực dực, Chiêu sự Thượng Đế, Duật hoài đa phúc, quyết đức bất hồi. 維此文王 , 小心翼翼 . 昭事上帝 , 聿懷多福 . 厥德不回 , 以受方國 . Kinh Thi, Đại Nhã, Văn Vương, Đại Minh, tam chương, (James Legge, p. 433)

[12] Vô niệm nhĩ tổ, Duật tu quyết đức, Vĩnh ngôn phối mệnh, Tự cầu đa phúc, Ân chi vị táng sư, khắc phối Thượng Đế, Tuấn mệnh bất dị. 無念爾祖 , 聿脩厥德 . 永言配命 , 自求多福 . 殷之未喪師 , 克配上帝 . 宜鑒于殷 , 駿命不易 (James Legge, p. 431)

Kinh Thi, Đại Nhã, Văn Vương, Văn vương, lục chương.

[13] Mệnh chi bất dị, Vô át nhĩ cung, Tuyên chiêu nghĩa vấn… 命之不易 , 無遏爾躬 . 宣昭義問. Kinh Thi, Đại Nhã, Văn Vương, Văn vương, thất chương. (James Legge, the She King, p. 431)

[14] Thiên chi dũ dân, Như huân như trì, Như chương như Khuê, Như thủ như huề, Huề vô viết ích, Dũ dân khổng dịch. 天之牖民 , 如壎如篪 . 如璋如圭 , 如取如攜 . 攜無日益 , 牖民孔易 . 民之多辟 , 無自立辟 . Kinh Thi, Đại Nhã, Sinh Dân, thập chương, Bản, lục chương. (James Legge, tr. 502)

[15] Lễ Ký, Lễ Vận, chương VII, tiết IV, mục 5, 6, 7.

Nguyễn văn Thọ, Chân Dung Khổng tử, chương XI.

Couvreur, Liki I, Introduction, p. IX.

Nho Giáo, Trần Trọng Kim, quyển I, tr. 147 và tiếp theo.

Lễ Ký, Lễ Vận, 7.

Couvreur Liki I, tr. 527, 528 chú thích.

Lễ Ký, Lễ Vận tr. 4.

[16] Tư tri nhân bất khả dĩ bất tri thiên. Trung Dung chương XX.

Tôi đã dịch thoát câu nàu như sau:

Biết người, trước phải biết Trời,

Hiểu Trời chẳng nổi, hiểu người làm sao?

[17] Hai chữ Cách vật của sách Đại học đã là một đề tài tranh luận của Nho Gia từ trước đến nay.

Ta cũng đã biết có 2 quan niệm khác nhau về vấn đề này: Một là của Chu Hi, hai là của Vương Dương Minh. Riêng tôi, tôi giải Cách Vật là tìm ra Cốt Cách muôn loài, muôn vật, tìm cho ra Khuôn Trời trong muôn loài, muôn vật. Trong bài Tự Tình Khúc của Cao Bá Nhạ có câu: «Bình dẫu phá còn lề cốt cách, Gương dù tan vẫn sạch trần ai.» Chữ Hán cũng có câu: «Bình phong tuy phá, cốt cách do tồnQuân tử tuy bần, lễ nghĩa thường tại.» 屛風雖破 骨格猶存 君子雖貧禮儀常在 .

[18] Tôi dịch Cách là Khuôn Trời (ở nơi muôn vật) vì hiểu Cách là Cốt cách. Trung Dung cũng cho rằng trời dựng nên muôn loài chỉ có một khuôn: «Thiên địa chi đạo, khả nhất ngôn dĩ tận dã, kỳ vi vật bất nhị, tắc kỳ sinh vật bất trắc.» 天地之道 , 可一言而盡也 , 其為物不貳 , 則其生物不測 (Trung Dung, chương 26.)

[19] Khắc kỷ phục lễ… Phi lễ vật thị, phi lễ vật thính, phi lễ vật ngôn, phi lễ vật động. 克己復禮 […] 非禮勿視非禮勿聽非禮勿言非禮勿動. (Luận Ngữ XII, 1)

[20] Khắc kỷ phục lễ… Phi lễ vật thị, phi lễ vật thính, phi lễ vật ngôn, phi lễ vật động. 克己復禮 […] 非禮勿視非禮勿聽非禮勿言非禮勿動. (Luận Ngữ XII, 1)

[21] Vạn vật giai bị ư ngã, phản thân nhi thành; lạc mạc đại yên. 萬物皆備於我矣 . 反身而誠樂莫大焉 . (Mạnh Tử, Tận Tâm Chương cú thượng, 4).

[22] Mạnh tử viết: Tận kỳ tâm giả, tri kỳ tính dã. Tri kỳ Tính tắc tri Thiên hĩ. 孟子曰 : 盡其心者 , 知其性也 . 知其性 , 則知天矣 . (Mạnh tử, Tận tâm chương cú thượng, 1).

[23] Tồn kỳ tâm, dưỡng kỳ tính, sở dĩ sự Thiên dã. 存其心 , 養其性 , 所以事天也. (Mạnh Tử, Tận Tâm chương cú thượng, 1).

[24] Trắc ẩn chi tâm, nhân chi đoan dã; Tu ố chi tâm, nghĩa chi đoan dã; Từ nhượng chi tâm, Lễ chi đoan dã; Thị phi chi tâm, trí chi đoan dã… Nhân chi hữu thị tứ đoan, do kỳ tứ thể dã. 惻隱之心 , 仁之端也 ; 羞惡之心 , 義之端也 ; 辭讓之心 , 禮之端也 ; 是非之心 , 智之端也 . 人之有是四端也猶其有四體也 (Mạnh Tử, Công tôn Sửu, chương cú thượng, 6)

… Chu Hi bình giải về chữ Tính của Mạnh tử như sau: «… Tính là Bản thể của Thái Cực, khó dùng lời lẽ mà mô tả được. Tuy Tính hàm súc vạn lý nhưng đại khái có 4 cương lĩnh lớn là: Nhân, Nghĩa, Lễ, Trí.» (Dịch theo Tống Nguyên Học Án, q. 48, tr. 19 – Hối Ông học án.)

[25] Phàm hữu tứ đoan ư ngã giả, tri giai khuếch nhi sung chi hĩ, nhược hoả chi thuỷ nhiên, tuyền nhi thuỷ đạt. Cẩu năng sung chi, túc dĩ bảo tứ hải; cẩu bất sung chi, bất túc dĩ sự phụ mẫu. 凡有四端於我者 , 知皆擴而充之矣 . 若火之始然 , 泉之始達 . 苟能充之 , 足以保四海 ; 苟不充之 , 不足以事父母 . Mạnh tử, Công Tôn Sửu, chương cú thượng, 6

Chu Hi bình: «Nên, theo Mạnh Tử, thì căn cứ vào nhân tình, ta có thể suy ra điều thiện – thiện đây là tính thiện – ý nói đi ngược dòng tình cảm, sẽ hay biết Tính vậy.» (Dịch theo Tống Nguyên Học Án, q. 48, tr. 19 – Hối Ông học án)

[26] Cố quân tử tôn đức tính, nhi đạo vấn học, trí quảng đại nhi tận tinh vi, cực cao minh nhi đạo Trung Dung. 故君子尊德性而道問學 , 致廣大而盡精微 , 極高明而道中庸 . Trung Dung XXVII.

[27] Cực cao minh nhi đạo Trung Dung. 極高明而道中庸. Trung Dung XXVII.

[28] Cố viết Phối Thiên. 故曰配天. Trung Dung XXXI.

 [33] Sở vị Phật tính, tựu thị Thiên Tính. Dã tựu thị Nhu Gia sở vị Thiên Mệnh, sở vị Đạo Liêu. Nan quái Khổng tử viết: Triêu văn Đạo, tịch tử khả hĩ. 所謂佛性 , 就是天性 . 也就是儒家所謂天命 , 所謂道了 . 難怪孔子曰 : 朝聞道 , 夕死可矣. ― Lịch đại Cao Tăng cố sự, q. 7, tr. 30.

[43] Trước thời kính sợ Trời tiềm ẩn đáy lòng. Sau trở nên hoàn thiện phối hợp với Trời. Thế là đầu đuôi của công cuộc tu trì.

[44] Đặt Trời vào Tâm Điểm con người, sẽ hiểu rõ lẽ:

Động (người) ― Tĩnh (Trời)

Phù (nổi: người) ― Trầm (chìm: Trời).

Nguyên (nguồn gốc: Trời) ― Lai (phóng xuất ra: người)

Bản (gốc: Trời) ― Mạt (ngọn: người).

Thiển (nông: người) ― Thâm (sâu: Trời).

Hiển (hiển lộ: người) ― Vi (vi ẩn: Trời).

Tụ (tụ lại: về với Trời) ― Tán (tán ra, lìa xa: Trời). v. v…

 st; Lê Công 


Tin liên quan

Chia sẻ bài viết: 



Bình luận:

Hỗ trợ trực tuyến

Lê Công

0369.168.366

Nhà đất bán theo tỉnh thành
Nhà đất cho thuê theo tỉnh thành
Kinh Dịch
Tử vi
Huyền không Phi Tinh
Văn Hóa_Tín Ngưỡng
Thước lỗ Ban
Xen ngày tốt
Đạo Học
TIN NỔI BẬT

LÊ LƯƠNG CÔNG

Trụ sở: Số 31 - Mương An Kim Hải - Kenh Dương, Le Chan, Hai Phong

Tel: 0369168366 - Hotline: 0919.168.366 - Email: nhadatcongminh@gmail.com

Copyright © 2019 https://leluongcong.com/