Văn Hóa_Tín Ngưỡng
13/02/2024 - 10:20 AMLê Công 167 Lượt xem

KIÊNG KỴ TRONG THỜ CÚNG, TÍN NGƯỠNG

 1/. Kiêng kỵ trong việc thờ cúng tại gia

 Người Việt Nam ta rất xem trọng tục thờ cúng Tổ Tiên. Vì vậy, ở mỗi gia đình người Việt dù giàu hay nghèo cũng phải có bàn thờ Gia tiên đặt chính giữa ngôi nhà chính. Xuất phát từ quan niệm vong hồn Gia tiên luôn ở gần mình nên vào các dịp lễ Tết, sóc vọng hay trước mỗi biến cố quan trọng của gia đình như: Sinh con, dựng vợ gả chồng, làm nhà... dân ta đều làm lễ dâng hương tại bàn thờ Gia tiên. Bàn thờ là nơi tôn nghiêm, nơi thể hiện tấm lòng thành kính, hiếu thảo của con cháu đối với Tổ tiên, vì vậy mà người ta có những điều kiêng kỵ đối với bàn thờ như sau:

 - Kỵ nhìn thẳng vào bàn thờ vì cho rằng như vậy là bất kính. Vì lý do này mà bàn thờ của hầu hết các gia đình đều có tấm y môn hay bức mành, bức trướng che ở phía trước.

- Kiêng kê giường ngủ ở gian nhà giữa, đối diện với bàn thờ, vì bàn thờ là nơi tôn nghiêm, thanh tịnh, kê giường ngủ đối diện với bàn thờ sẽ làm uế tạp nơi thờ tự.

- Kiêng để những thứ đồ dùng, hay những thứ không thanh khiết như quần áo, nón mũ, giày dép... lên hay trước bàn thờ, lúc nào cũng phải giữ cho bàn thờ sạch sẽ và có thái độ tôn kính đối với nơi này.

- Kiêng bày lễ cúng bằng thịt chó, thịt mèo, đỗ đen, bún, ốc, cua... Vì theo quan niệm dân gian, chó là con vật ăn cả những thứ uế tạp nên không thể lấy thịt của nó làm món ăn cúng các cụ; mèo lại là con vật quá gần gũi, thân thiết với con người vì nó giúp con người diệt chuột, bảo vệ hoa màu nên người ta không những không cúng bằng thịt mèo mà một số nơi còn kiêng không ăn thịt mèo.

   Cua, ốc là loài sống dưới nước, chuyên sục xuống bùn và ăn những thứ bẩn thỉu nên người ta cũng cho những món ăn chế biến từ cua ốc là những món không tinh khiết nên không thể bày lên bàn thờ.

   Tương tự như thế, bún và thịt bò cũng được coi là món ăn không tinh khiết nên người ta không dùng để cúng.

- Kiêng cúng thịt sống ở bàn thờ gia tiên.

- Kỵ xê dịch bát hương, kỵ để bát hương không đúng giữa bàn thờ, kỵ đun chân hương hay đổ tro bát hương ra vườn, ra đường, vào bếp... mà phải đem đổ xuống ao; vì người ta cho rằng làm như vậy là độc, gia đình sẽ gặp chuyện chẳng lành.

- Kiêng thắp hương số chẵn (2,4,6...) mà phải thắp số lẻ (3,5,7...) vì người ta quan niệm số chẵn là biểu thị của cõi âm, chỉ có người cõi dương (biểu thị qua số lẻ) mới thắp hương cho người cõi âm, chứ người cõi âm không thắp hương cho nhau được.

- Kỵ cắm nén hương vào bát một cách siêu vẹo, không ngay ngắn hoặc so le nén thấp nén cao vì như vậy là không thành kính.

- Kỵ dùng miệng thổi tắt ngọn lửa ở nén hương vì cho rằng làm như vậy sẽ bị thôi miệng. Khi nén hương bốc chảy thành ngọn lửa thì nhất thiết phải dùng tay phẩy tắt chứ không được thổi.

- Kỵ người không sạch sẽ, ăn mặc không chỉnh tề vào thắp hương hay khấn lễ: Thời xưa, trong các cuộc tế lễ của làng thì chỉ có những người được trọng vọng trong làng mới được bầu làm chủ tế đứng khấn lễ, còn trong họ thì chỉ có trưởng họ, trưởng chi mới được khấn lễ, trong gia đình thì con trưởng, cháu trưởng mới được khấn lễ... Trong các cuộc tế lễ này, người ta rất kỵ để những người không sạch sẽ cả về nhân cách và thân thể vào khấn lễ. Vì vậy mà trước khi định vào khấn lễ ở một nơi thờ tự nào đó, người ta phải tắm gội sạch sẽ, kiêng quan hệ nam nữ, ăn mặc khăn đóng áo dài, đi guốc... cho thật chỉnh tề. Theo quan niệm dân gian thì nếu để những người không sạch sẽ vào khấn lễ sẽ bị Thần Thánh hoặc Tổ tiên quở phạt khiến những người trong làng, con cháu trong họ hay trong gia đình cũng bị vạ lây.

- Kỵ trẻ con đánh chửi nhau khi đang tiến hành lễ cúng vì sợ làm các cụ phiền lòng, quở phạt.

- Kiêng để những người đàn bà không sạch sẽ nấu cỗ cũng vì sợ uế tạp.

- Kỵ nếm và ăn bốc cỗ cúng khi chưa tiến hành xong lễ cúng, vì cho rằng như thế là ăn vụng đồ cúng, không thành kính, mạo phạm.

- Khi đốt vàng mã kiêng đốt không hết, kiêng đồ mã bị rách trước khi đốt, kiêng sắm thiếu, khấn sai, kiêng quỷ sứ cướp mất. Sở dĩ có tục kiêng kỵ này là do quan niệm dân gian cho rằng, nếu đốt đồ mã không cháy hết hoặc làm rách trước khi đốt thì khi xuống âm phủ những thứ này cũng bị rách nên Tổ tiên không thể dùng được; thứ hai, là trước khi đốt vàng mã người ta phải chia ra từng cỗ tương đương với từng vị được phụng thờ, khi chia phải chia sao cho đủ các thứ mà từng vị đáng được hưởng; lúc chuẩn bị đốt cỗ vàng của vị nào thì phải khấn mời vị đó đến nhận. Người ta cho rằng nếu chia thiếu phần của vị nào đó hoặc khấn sai cỗ vàng của vị này sang vị khác thì sẽ bị các vị quở phạt, làm cho gia đình lục đục, làm ăn không may mắn.

2/. Kiêng kỵ trong việc thờ cúng tại Chùa, Đình, Đền, Miếu, Phủ

- Kiêng đến Chùa, Đình, Đền, Miếu, Phủ hành lễ khi người không sạch sẽ, quần áo không chỉnh tề.

- Kiêng đội nón mũ khi vào Chùa, Đình, Đền, Miếu, Phủ.

- Kiêng cưỡi ngựa, ngồi võng, ngồi kiệu vào Chùa, Đình, Đền, Miếu, Phủ.

  Tất cả những điều kiêng kỵ trên đều để thể hiện lòng thành kính đối với các nơi thờ tự này.

- Kỵ lấy của Đình, của Chùa, của Đền, của Miếu, của Phủ.... Dân gian ta rất kỵ lấy của ở những nơi thờ tự này đem về nhà dùng. Người ta cho rằng, của cải dù là vật nhỏ bé nhất ở những nơi này đều là của Thần, Phật, Thánh; nếu lấy mang về nhà thì sẽ bị các vị này vật chết hoặc làm cho ngớ ngẩn, bệnh tật, gia đình lụn bại... không có cách nào khắc phục được, trừ khi phải làm lễ tạ và mang trả những thứ đó. Vì vậy trong dân gian mới có câu ca sau để răn người ta không nên dại dột mà lấy của Đình, của Chùa...:

“Của Bụt mất một đền mười

Bụt vẫn còn cười, Bụt chẳng nhận cho".

- Kiêng làm nhà trên đất của Đình, Chùa, Miếu, Phủ.... Dân gian ta quan niệm rằng: Làm nhà trên đất của những nơi thờ tự nói trên thì gia đình sẽ bị tuyệt tự, làm ăn lụn bại, nghèo khó hết đời này sang đời khác hoặc nếu có con cái thì sẽ bị ngớ ngẩn, khuyết tật... Vì vậy, người ta rất kỵ việc làm nhà trên đất đai của Đình, Chùa, Miếu, Phủ...

- Kỵ hưởng lộc Thần, lộc Thánh, lộc Phật một mình: Từ xưa tới nay, các cụ đi lễ ở Chùa, Đình, Đền, Miếu... về bao giờ cũng có lộc mang về. Lộc ở đây gồm những thứ quà bánh, phẩm oản, xôi, chuối... mỗi thứ một chút đỉnh.

   Dù món lộc rất nhỏ bé nhưng các cụ không bao giờ ăn một mình mà thường chia ra làm năm, mười phần để chia cho trẻ nhỏ trong nhà và hàng xóm. Người ta quan niệm rằng, nếu hưởng lộc Thần, Phật, Thánh một mình thì sẽ vô phúc, cô quả, cô độc... nên phải đem tản lộc cho càng nhiều người thì càng tốt, phúc lộc sẽ lại càng nhiều.

- Kỵ gọi các con vật được thờ ở Chùa, Đình, Đền, Miếu, Phủ là con: Ở các nơi thờ tự này thường thờ các con vật như ngựa, hổ, chó, rắn, rùa, hạc..., người ta quan niệm rằng. Mặc dù chúng chỉ là loài bò sát nhưng khi đã được thờ ở chốn linh thiêng thì chúng cũng được thiêng hóa. Vì vậy mà người ta kiêng gọi chúng là con mà phải gọi là ông, là ngài như: Ông hổ, ông ngựa, ông rùa...

***

 


Tin liên quan

Chia sẻ bài viết: 



Bình luận:

Hỗ trợ trực tuyến

Lê Công

0369.168.366

Nhà đất bán theo tỉnh thành
Nhà đất cho thuê theo tỉnh thành
Kinh Dịch
Tử vi
Huyền không Phi Tinh
Văn Hóa_Tín Ngưỡng
Thước lỗ Ban
Xen ngày tốt
Văn Hóa_Tín Ngưỡng
TIN NỔI BẬT

LÊ LƯƠNG CÔNG

Trụ sở: Số 31 - Mương An Kim Hải - Kenh Dương, Le Chan, Hai Phong

Tel: 0369168366 - Hotline: 0919.168.366 - Email: nhadatcongminh@gmail.com

Copyright © 2019 https://leluongcong.com/