Đạo Học
29/11/2020 - 4:45 PMLê Công 802 Lượt xem

CON ĐƯỜNG QUI NGUYÊN PHẢN BẢN THEO NHO GIÁO

Nhân Tử Nguyễn Văn Thọ

Hôm nay tôi rất vinh hạnh được trình bày cùng quý vị đề tài: QUI NGUYÊN PHẢN BẢN THEO NHO GIÁO.

Được làm công việc này để tấu khúc hoà ca cùng quý vị đại diện cho nhiều tôn giáo có mặt nơi đây, và cũng là để đóng góp trong muôn một vào công trình chung, đi tìm một chân lý đại đồng, tôi rất hứng khởi và liên tưởng đến mấy lời đức Khổng xưa đã nói trong Hệ từ hạ (chương 5).

Thiên hạ hà tư hà lự            天 下 何 思 何 慮

Thiên hạ đồng qui nhi thù đồ   天 下 同 歸 而 殊 途

Nhất trí, nhi bách lự        一 致 而 百 慮

Thiên hạ hà tư hà lự !          天 下 何 思 何 慮

Tạm dịch:

Dạy rằng: muôn sự trên đời

Cần chi lo nghĩ rối bời mà chi

Muôn đường nhưng vẫn đồng qui

Trăm chiều lo lắng rút về một căn

Cần gì mà phải băn khoăn

Cần gì mà phải bận tâm lo lường.

Trong bài thuyết trình này, tôi sẽ lần lượt trình bày cùng quí vị những đóng góp của Tứ Thư, Ngũ Kinh vào công trình đi tìm Thượng Đế tiềm ẩn đáy lòng, tức là vào công trình xây đắp con đường Qui Nguyên Phản Bản, lý tưởng theo thánh hiền Nho giáo.

Trong bài thuyết trình này, tôi sẽ dùng TÂM ĐIỂM và vòng TRÒN bên ngoài với hai chiều thuận nghịch để trình bày những tư tưởng then chốt của Tứ Thư, Ngũ kinh, đồng thời cũng để minh định rằng con đường quy nguyên phản bản cuả Nho giáo chính là con đường hồi hướng, con đường quay về Tâm để mà tìm Đạo, tìm Trời hoặc quay về gốc, trở về nguồn.

Nhìn vào đồ hình này, ta sẽ thấy ngay chủ trương chính yếu của Nho giáo có thể tóm tắt như sau:

Thái Cực, hay ĐẠO hay TRỜI hay THƯỢNG ĐẾ là bản thể tuyệt đối, là căn nguyên duy nhất, sinh suất ra quần sinh vũ trụ, vừa siêu suất (transcendent), vừa ẩn tàng (immanent) trong lòng sâu, trong TÂM ĐIỂM vạn hữu, nhân quần, để làm trục cốt, căn cơ, âm thầm chỉ huy, hướng dẫn mọi cuộc biến thiên, tiến thoái.

Vạn hữu, vạn tượng, vũ trụ, quần sinh, những hình tướng biến thiên, những công dụng biến thiên đa tạp cuả một bản thể tuyệt đối, của một Thái Cực hợp lại thành một vòng biến thiên Sinh Tử. Những Vòng Tròn biến thiên bên ngoài, tuy là biến thiên sinh tử, nhưng vẫn có vinh hạnh mang trong lòng mình một căn cơ, một nguồn sinh HẰNG CỬU, BẤT DIỆT.

Thượng Đế hay Thái Cực, ở nơi tâm điểm với vạn tượng, vạn hữu hay giữa các quẻ ở vòng tròn bên ngoài có liên lạc mật thiết với nhau:

– Từ tâm điểm, từ Thượng Đế ra vòng tròn bên ngoài hay ra vạn tượng vạn hữu bên ngoài là chiều suy thoái, phóng phát ly tán, phân kỳ, hướng ngoại. Đó là chiều NHẤT TÁN VẠN, đó là chiều sinh Nhân sinh Vật.

– Từ TÂM ĐIỂM chuyển dịch, biến hoá ra vòng bên ngoài, rồi lại từ vòng bên ngoài chuyển dịch biến hoá quay trở về Tâm Điểm vẽ thành một vòng CHU DỊCH, hay một vòng biến hoá ĐẠI TUẦN HOÀN, hay ĐẠI CHU THIÊN.

Thế tức là VẠN VẬT TUẦN HOÀN CHUNG NHI PHỤC THỦY, để thực hiện điều Đại Huyền Kỳ của Trời Đất là Thủy Chung Như Nhất, mà Âu Châu gọi là Alpha = Omega (Alpha là đầu, là Thủy, vì chữ Alpha là chữ đầu trong mẫu tự Hi Lạp, Omega là chữ cuối cùng.)

– Kinh Dịch gọi là:

Nguyên Thuỷ Yếu Chung 原 始 要 終 (Dịch, Hệ Từ Hạ, chương IX)

Nguyên Thuỷ Phản Chung 原 始 反 終 (Dịch, Hệ Từ Thượng, chương IV)

– Thiệu Khang Tiết viết: «Vạn Vật tòng trung nhi khởi, tòng trung nhi chung.»

– Văn Đạo Tử viết: «Mới đầu từ trong thuận hành mà sinh, cuối cùng lại trở lại để ẩn tàng tại trung điểm tại trung Hoàng Thái Cực tìm lại được Bản Lai Diện Mục của mình. » [1]

– Nguyễn Ấn Trường, tác giả quyển Tạo Hoá Thông cho rằng: «Thái Cực là Một vậy. Vạn vật bắt đầu từ một và kết thúc ở Một. Trang Tử gọi thế là: «Xuất cơ, nhập cơ.» [2]

Cuộc biến dịch, tuần hoàn trong vũ trụ như vậy thực là có nhịp điệu, tiết tấu, chiều hướng, giai trình. Ta có thể theo dõi sự diễn biến ấy từ đầu đến đuôi được. Tất cả chỉ là một Nguồn sinh hoá diễn biến dần dà từ trung tâm ra tới các tầng lớp bên ngoài, rồi lại chuyển hoá, xoay mình băng qua các lớp biến thiên từ ngoài vào trong, cho tới Trung Tâm Nguyên Thủy, tạo thành một vòng biến thiên, một vòng sinh hoá có lớp lang, tiết tấu mạch lạc, có nguyên ủy thủy chung.

Vòng đại tuần hoàn này của vũ trụ chẳng qua cũng như tình non nước lúc tan lúc hợp, mà

Tản Đà đã ngâm vịnh bằng những lời thơ thắm thiết như sau:

Cho dù sông cạn đá mòn,

Còn non còn nước hãy còn thề xưa.

Non cao đã biết hay chưa

Nước đi ra bể lại mưa về nguồn.

Nước non hội ngộ còn luôn

Bảo cho non chớ có buồn làm chi.

Nước kia dù hãy còn đi

Ngàn dâu xanh tốt non thì cứ vui.

Nghìn năm giao ước kết đôi

Non non, nước nước, chưa nguôi lời thề.

4- Trông vào đồ hình trên (tâm điểm và hình tròn), ta thấy về phương diện nhân sinh quan, Nho giáo chủ trương con đường lý tưởng của nhân loại có hai chiều, hai mặt khác nhau:

Một chiều hướng ngoại, cốt phục vụ nhân sinh, điểm tô cho ngoại cảnh, cho gia đình, cho quốc gia, xã hội, cho xác thân, cho vấn đề cơm áo, vật chất. Dịch Kinh gọi thế là chiều Âm.

Một chiều hướng nội, cốt để tìm cho ra tinh hoa cốt cách con người, tìm cho ra con đường tâm linh, hướng nội để quy căn, phản bản, tìm cho ra Đạo, ra Trời tiềm ẩn nơi lòng mình. Dịch kinh gọi thế là chiều Dương.

Hai chiều hướng Đạo, Đời nói trên rất là quan yếu.

Kinh Dịch nơi chương 5 Hệ Từ Thượng viết: «Nhất âm, Nhất dương chi vị Đạo. Kế chi giả thiện dã, thành chi giả, tính dã.» 一 陰 一 陽 之 謂 道 . 繼 之 者 善 也 , 成 之 者 性 也.

Tạm dịch: Một âm một dương là đạo. Theo được là tốt, thành toàn được là thực hiện được Thiên tính mình.

Dĩ nhiên trong bài thuyết trình này, tôi sẽ không đề cập đến chiều Âm, chiều phục vụ đời sống gian trần, chiều đem lại phú cường thái thịnh cho giang sơn đất nước, vì đó không phaỉ là chủ đề nghiên cứu của chúng ta hiện nay. Tôi sẽ dùng Tứ thư, Ngũ kinh để đề cập đến chiều Dương, đến một vấn đề mà nhiều người tưởng là sở đoản cuả Nho giáo, đó là con đường Đạo đức tâm linh, con đường qui nguyên phản bản.

Những đóng góp của kinh Dịch 

Kinh Dịch cho rằng:

– Học Dịch cốt là tìm cho ra tâm điểm của bất dịch, ở giữa lòng mọi biến thiên. (Lôi phong hằng, quân tử dĩ lập bất dịch phương. (xem Đại Tượng quẻ Hằng)

– Học Dịch cốt là để tìm cho ra Căn Cơ, Vĩnh Cửu, Tuyệt Đối, tiềm ẩn sẵn trong lòng mình, trở về được CHÍNH VỊ, THIÊN VỊ, sống hạnh phúc, thanh sảng. Để diễn tả ý ấy:

– Văn ngôn hào lục ngũ, quẻ Khôn có mấy câu bất hủ như sau: «Quân tử Hoàng Trung thông lý, chính vị cư thể, mỹ tại kỳ trung nhi sướng ư tứ chi, phát ư sự nghiệp, mỹ chi chí dã.» 君 子 黃 中 通 理 , 正 位 居 體 , 美 在 其 中 而 暢 於 四 支 , 發 於 事 業 , 美 之 至 也.

Dịch:

Hiền nhân thông lý Trung Hoàng

Tìm nơi chính vị mà an thân mình,

Đẹp từ tâm khảm xuất sinh,

Làm cho cơ thể xương vinh mỹ miều,

Phát ra sự nghiệp cao siêu,

Thế là đẹp đẽ đến điều còn chi.

– Học Dịch cốt là CÙNG LÝ, TẬN TÍNH, CHÍ MỆNH. (Thuyết Quái, chương I)

Cùng lý: Là hiểu biết rành rẽ về nguyên lý sự vật.

Tận tính: Là hiểu biết rành rẽ về Bản Tính cao cả của con người.

Chí mệnh: Là thực hiện được định mệnh sang cả của con người, trở thành thánh nhân sáng láng như hai vừng nhật nguyệt, cao xa như trời đất, uyển chuyển tiết tấu như bốn mùa trời. (Phù Đại nhân giả dữ Thiên địa hợp kỳ đức, dữ nhật nguyệt hợp kỳ minh, dữ tứ thời hợp kỳ tự, dữ qủi thần hợp kỳ cát hung). (Xem Kiền quái, Văn ngôn, hào cửu ngũ).

Văn Đạo Tử, gần đây cũng chủ trương rằng học Dịch cốt là để tìm cho ra căn cốt tinh hoa của mình, tìm cho ra định mệnh sang cả của mình, tìm cho ra lẽ phản bản hoàn nguyên, chứ không phải vụ chuyện bói toán, sấm vĩ. (xem Văn Đạo Tử, Giảng Đạo Tinh Hoa Lục, trang 9, quyển I. – Xem Dịch Học Nhập Môn của tác giả).

Dịch Kinh dạy chúng ta phải (Tẩy Tâm, thoái tàng ư mật). Hệ Từ Thượng chương XI: «Tẩy rửa tâm hồn, rút lui về nơi tâm linh ẩn náu.»

Dịch Kinh dạy cho chúng ta biết lẽ đời, lẽ Đạo hết sức là rõ ràng:

Thuận thì sinh nhân, sinh vật,

Nghịch thì sinh Thánh, sinh thần. [3]

Tán thời sinh nhân, sinh vật (THÁI CỰC ―> ÂM + DƯƠNG)

Tụ thì sinh thánh, sinh thần (ÂM + DƯƠNG ―> THÁI CỰC)

 KHÍ + THẦN ―> ĐƠN [4]

 NHÂN +THIÊN ―> ĐẠO, NHẤT.

Và như vậy: Nương theo dịch lý, Chúng ta có thể khẳng định rằng: Không biết hướùng nội, không biết hướng tâm, không biết thu thần định trí, suốt đời hướng ngoại, để cho tâm thần tản lạc vào những công việc vụn vặt, bên ngoài thì không thể nào thành thánh, hiền, tiên, phật được.

Thái Hư thị cũng đã nói: «Đơn Đạo, thánh công, không ngoài công trình hoàn phản.» [5]

 

Những đóng góp của Kinh Thư

Kinh Thư nơi thiên Đại Vũ Mô, tiết 15, cho ta khẩu quyết để thành thánh hiền:

Nhân tâm duy nguy,          人 心 惟 危

Đạo tâm duy vi,                  道 心 惟 微

Duy tinh, duy nhất,             惟 精 惟 一

Doãn chấp, quyết trung.    允 執 厥 中

Dịch:

Lòng của trời siêu vi, huyền ảo,

Lòng con người điên đảo, ngã nghiêng,

Tinh ròng, chuyên nhất ngày đêm,

Ra công, ra sức, giữ nguyên lòng Trời.

Những đóng góp của Kinh Thi 

Nơi thiên Đại Nhã đã cho chúng ta thấy cả một hoạt cảnh của dân chúng Trung Hoa thời cổ sơ, với niềm tín ngưỡng rất lạ lùng.

Thủa xa xăm ấy, dân chúng như dây dưa mọc lan man, chưa có nhà cửa sống trong hang cốc. (Kinh Thi, chương Đại minh, Miên miên qua diệt)

Họ tin sùng Thượng Đế là tin rằng Thượng Đế sống rất gần gũi với con người. Trong cuộc giao tranh quyết liệt vơí binh sĩ vua Trụ ở Mục Dã, Võ Vương muốn gây tinh thần cho quân sĩ mình đã kêu lên: Thượng Đế ở với ba quân, ba quân đừng nghi ngại.

Kinh Thi viết:

Quân Thương Ân bạt ngàn Mục Dã,

Một rừng người chật cả sa tràng,

Cho ba quân thêm dạ sắt gan vàng,

Võ Vương kêu: Thượng Đế ở cùng ta đó,

Ba quân hãy vững lòng, vững dạ. [6]

Lời kêu gọi đó làm cho binh sĩ nhà Châu, hứng khởi, ào lên đánh tan quân Thương Ân trong có một buổi sáng.

Kinh Thi viết thêm:

Nơi Mục Dã mênh mang rộng rãi,

Xe bạch đàn chói chói chang chang,

Ngựa tứ nguyên phau phau đẹp rỡ ràng,

Khương thượng phụ trông oai phong lẫm lẫm,

Ngài như chim ưng xoè tung đôi cánh,

Giúp Võ Vương thế mạnh xiết bao,

Cả phá Thương, ba quân tiến ào ào,

Sau một sáng, trời thanh quang trở lại. [7]

Thời buổi thô sơ ấy, nhân loại đã tin rằng Trời từ đáy thẳm lòng sâu tâm hồn, chiếu diệu ánh sáng muôn trùng ra để làm khuôn phép mẫu mực, để ra mệnh lệnh. Các bậc vương giả, hiền nhân thời ấy cố sống sao đức hạnh tuyệt vời, để kết hợp với Trời, để có thể nên vẻ sáng của Trời như Văn Vương. Họ mong muốn được được đức hạnh như Trời (dữ Thiên, đồng đức).

Hễ thấy ai:

Đức sáng quắc sáng choang ở dưới,

Họ liền biết:

Mệnh hiển dương, chói lọi ở trên. [8]

Thời buổi thô sơ ấy, các bậc thánh hiền, vương giả đều tin rằng có Trời ngự trị trong lòng mình. Văn Vương nói:

Chẳng thấy nhãn tiền, nhưng vẫn giáng lâm,

Chẳng phải long đong nhưng vẫn giữ được. [9]

Văn Vương lên tới trình độ đức hạnh siêu việt, nên như vẻ sáng của Thượng Đế, vì thế goị là Văn Vương, ý nói Thượng Đế là chất mà ngài là Văn, là vẻ sáng Trời được phát huy ra.

Kinh Thi viết:

Việc Trời chẳng tiếng, chẳng tăm,

Nên dùng dạng thức vua Văn hiển hình,

Cho muôn dân thấy mà tin. [10]

Kinh Thi viết thêm:

Văn Vương trọn một niềm kính nể,

Làm chói chang Thượng Đế ra ngoài,

Muôn nghìn phúc lộc chiêu lai,

Một lòng nhân đức chẳng phai lòng vàng. [11]

Thời buổi thô sơ ấy, dân chúng quan niệm rằng giữ vẹn đạo Trời, ấy là nối chí tổ tiên, ấy là hiếu kính. Mà giữ vẹn đạo Trời chính là sống một cuộc đời vẹn hảo, phối kết tất giao với Thượng Đế.

Kinh Thi viết:

Muốn nhớ tới tổ tiên khi trước,

Hãy gắng công tích đức tu thân,

Mệnh trời phối hiệp vào thân,

Muôn ngàn phước lộc xa gần chiêu lai,

Thủa nhà Ân còn thời thịnh trị,

Đã từng Thượng Đế tất giao,

Gương nhà Ân hãy soi vào,

Mệnh Trời cao cả lẽ nào dễ đâu. [12]

Kinh Thi viết thêm:

Mệnh Trời ấy há đâu có dễ

Muốn cho ta đừng kể tư thân,

Biểu dương phóng phát thiện chân. [13]

Tóm lại thời buổi ấy, những hiền nhân quân tử đã thông hiểu lẽ «Thiên Nhân tương dữ» 天 人 相 與, tình Trời người cá nước duyên ưa, thiên ý, nhân tâm hoà hợp. Trời người cùng tấu khúc nhạc hoà hài.

Kinh Thi viết:

Trời xanh dẫn dắt chúng dân,

Như là tấu khúc nhạc huân, nhạc trì,

Trời, Người, đôi ngọc chương khuê,

Bên cho, bên lấy, đề huề, xiết bao,

Tay cầm, tay giắt, khéo sao,

Trời xanh, dẫn dắt dân nào khó chi. [14]

 

Những đóng góp của Kinh Lễ 

Xuyên qua Kinh Lễ, ta thấy Nho giáo chủ trương:

Thời nào cũng như thời nào, con người sinh ra ở đời, không thể tự do muốn làm gì thì làm, mà phải tuân theo các định luật tự nhiên, các định luật sinh lý, tâm lý, nhân sinh, các định luật giao tế, xã hội. Tuân theo các định luật thiên nhiên ấy, ta mới có thể tạo cho mình một đời sống lý sự, đẹp, tươi vui, tạo cho mọi người và xã hội an vui, hoà hợp. Đó là điều kiện căn bản để tiến tới Chân, Thiện Mỹ.

Những định luật tự nhiên ấy đã được gắn liền ngay vào cơ cấu, ngay vào bản chất muôn loài, muôn vật, đã được gắn liền vào mọi động tác, mọi hành vi, mọi biến hoá để định thế nào là hay, là phải.

Nhưng, muốn tìm cho ra những định luật thiên nhiên ấy không phải là chuyện dễ.

Ta có thể tìm cho ra những định luật thiên nhiên ấy hoặc bằng trực giác, hoặc bằng phương pháp loại suy, hoặc bằng cách khảo sát lại lịch sử, quan sát hiện tại, hiện tình, hay dùng Dịch Lý mà suy diễn ra. Thế tức là: Muốn tìm ra những định luật thiên nhiên, phải hiểu vật, hiểu người, biết nay, biết xưa, khảo sát lại hiến chương của đời trước, tham khảo lại sự thành bại đời nay. (Bác vật, Thông nhân, tri kim, ôn cổ, khảo tiên đại chi hiến chương, tham đương thời chi đắc thất. 博 物 通 人 , 知 今 温 古 , 考 先 代 之 憲 章 , 參 當 時 之 得 失 (Lễ ký chính nghĩa, tựa, tr. I. Xem Tống Bản Thập Tam Kinh, Lễ Ký). [15]

Nhận định trên rất quan trọng về phương diện đạo giáo, về phương diện tu thân, hoàn nguyên phản bản, vì lẽ nó xác định rằng: ĐỊNH LUẬT THIÊN NHIÊN chính là LUẬT TRỜI. Luật Trời ấy đã được ghi tạc ngay trong LƯƠNG TÂM con người, trong tâm khảm con người.

Những định luật gì không phải là thiên nhiên đều là nhân vi, nhân tạo, và không thể nào đem lại hạnh phúc thật sự cho con người, Chân, Thiện, Mỹ, thật sự cho hoàn vũ.

Chính vì vậy mà nếu ta muốn qui nguyên phản bản mà lại phóng ngọai, mà hưóng ngoại tìm cầu, thì chẳng khác nào mò trăng đáy nước, bắt cá ngọn cây.

Những đóng góp của kinh Xuân Thu 

Kinh Xuân Thu, theo Đổng Trọng Thư, đưa ra hai ý niệm triết lý và đạo giáo sau đây:

– Trời Người có quan hệ mật thiết với nhau,

– Con người đúng với danh nghĩa của nó, phải toàn thiện, hoàn hảo như Trời.

Đổng Trọng Thư cho rằng sách Xuân Thu cốt là để xiển minh cái quan niệm THIÊN NHÂN TƯƠNG DỮ, Nghĩa là Trời và Người có quan hệ mật thiết với nhau. Trời là Tổ của vạn vật, là tổ của con người. (Xem Trần Trọng Kim, Nho giáo, quyển II, tr. 35).

Cho nên, khi ta mới sanh, chưa phải là người, vì con người xứng đáng với danh hiệu nó phải hoàn toàn như Trời. (Trần Trọng Kim, Nho giáo, quyển II, tr. 35.)

Thế tức là, trong con người đã sẵn có Thiên Chân, Thiên tính, và đã sẵn có mầm mộng hoàn thiện. Con người có bổn phận làm triển dương mầm mộng hoàn thiện ấy, cho tới tinh vi cao đại. Chính trị, có bổn phận hướng dẫn, giáo hoá dân, thành toàn sứ mệnh cao cả ấy.

Những đóng góp của sách Đại Học 

Nho giáo trước sau vẫn chủ trương rằng: Trời chính là căn bản, là gốc gác con người. Cái gốc gác, căn bản ấy lại tiềm ẩn, sâu xa, trong đáy lòng nhân loại, để làm Bản tính nhân quần.

Bản tính Trời, ấy là Gốc, mọi việc khác như tâm tư, thân xác, gia đình, quốc gia, xã hội, thiên hạ, sự vật, v.v… là thân là cành, là ngọn. Không biết được gốc, làm sao mà trị được ngọn, không hiểu được Trời, làm sao hiểu nổi người. (Tư tri nhân bất khả dĩ bất tri Thiên. 思 知 人 , 不 可 以 不 知 天 (Trung Dung, chương XX.) [16]

Cho nên Đại Học chủ trương rằng người quân tử phải cố gắng học hỏi, mài miệt suy tư, để tìm cho ra cái khuôn Trời, cái Gốc Trời nơi mình (Cách vật). [17] Đó là cái học cao siêu nhất, rốt ráo nhất (Trí tri) rồi ra mới có thể «chính tâm, thành ý, tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ được.»

Tất cả chủ trương trên, đã được trình bày ngay ở đầu sách Đại Học.

Đại Học có mục phiêu rõ rệt,

Đuốc lương tâm cương quyết phát huy,

Dạy dân lối sống tân kỳ,

Chưa nơi hoàn thiện còn đi chưa ngừng,

Có mục phiêu rồi lòng sẽ định,

 Lòng định rồi, nhẹ gánh lo toan,

Hết lo, lòng sẽ bình an,

Bình an, tâm trí rộng đàng xét suy,

Suy xét rộng, tinh vi thấu trọn,

Thấu sự đời, ngành ngọn đầu đuôi,

Trước sau đã rõ khúc nhôi,

Thế là gần Đạo, gần Trời còn chi,

Muốn Đức, sáng truyền đi thiên hạ,

Người xưa, lo cải hoá dân mình,

Trị dân, trước trị gia đình,

Gia đình muốn trị, sửa mình trước tiên,

Dày công học vấn sẽ hay KHUÔN TRỜI. [18]

Hay Khuôn Trời, ắt thôi thấu triệt,

Thấu triệt rồi ý thiệt lòng ngay,

Lòng ngay ta sẽ hoá hay,

Ta hay, gia đạo mỗi ngày một yên,

Nhà đã yên, nước liền thịnh trị,

Nước trị bình, bốn bể bình an,

Từ vua cho tới dân gian,

Tu thân, một mực lấy làm căn cơ. (Đại Học, I).

Những đóng góp của sách Luận Ngữ 

Xuyên qua đời sống đức Khổng, xuyên qua tâm tư, ý nguyện, xuyên qua những lời giảng giáo của đức Khổng trong Luận Ngữ, ta sẽ rút tỉa ra được những bài học sau đây:

Con người phải có niềm tin vững mạnh về định mệnh sang cả của mình. Khi bị vây ở đất Khuông, đức Khổng đã nói: «Văn Vương đã thác rồi, vẻ sáng ấy chẳng ở lại nơi ta sao? Nếu Trời muốn để mất vẻ sáng ấy, thì khi Văn Vương đã thác, chẳng có ban nó cho ta. Bằng Trời chưa muốn mất vẻ sáng ấy, thì người đất Khuông làm được gì ta (Luận Ngữ,IX, 5)

Người quân tử phải biết lẽ: Nhất quán Của Trời Đất.

Đức Khổng nói: «Ngô Đạo Nhất dĩ quán chi.» 吾 道 一 以 貫 之 (Luận Ngữ, IV, 15).

Thế tức là có thể dùng chữ Nhất, mà tổng hợp, mà quán xuyến hết cả đạo Nho.

Nhất, như trên đã trình bày: là căn nguyên muôn loài, muôn vật,

Nhất là nguồn gốc mọi biến hoá.

Nhất là cùng đích muôn loài.

Con người từ Nhất từ Trời mà ra, chung cuộc lại trở về phối hợp với Nhất với Trời.

Đó chính là cái đạo Phối Thiên, đó chính là Trung Đạo (Luận Ngữ, XIII, 21) đó chính là Thiên Đạo, là cái Đạo mà sáng được nghe, chiều chết cũng cam: «Triêu văn Đạo, tịch tử khả hĩ.» 朝 聞 道 , 夕 死 可 矣 (Luận Ngữ, IV, 8)

Người đạo hạnh thực sự chỉ cần sống thuận thiên lý. [19]

Nghe, nhìn, nói, làm, luôn luôn phù hợp với định luật tự nhiên của đất trời. [20]

Người đạo hạnh thực sự phải biến đời mình thành một bài kinh trường thiên. Đó chính là câu «Khâu chi đảo cửu hĩ» 丘之禱久矣của đức Khổng (Luận Ngữ, VII, 34)

Người hành đạo thực sự phải sống phối kết với Trời, phải bắt chước Trời mà hành sự.

Đức Khổng nói: «Ta muốn thôi không nói nữa.» Tử Cống nói: «Nếu thày chẳng nói, bọn đệ tử chúng tôi làm sao đem lời dạy của thày mà truyền lại đời sau cho được?» Đức Khổng đáp: «Trời có nói gì đâu mà bốn mùa vẫn vần xoay, vạn vật luôn sinh hoá. Trời có nói gì đâu?» (Luận Ngữ, XVII, 18).

Người đạo hạnh thực sự sẽ đạt tới tứ tuyệt như Khổng tử. (Luận Ngữ, IX, 4).

Vô ý 毋 意: Không còn tình ý riêng tây.

Vô tất 毋 必: Không còn bị ngọai cảnh gò bó.

Vô cố 毋 固: Không cố chấp, mà cởi mở, mà khoan quãng, hoà đồng.

Vô ngã 毋 我: Không còn cái tiểu ngã, không còn cái mình nhỏ nhoi ti tiện, mà hoàn toàn cao minh phối thiên 高 明 配 天, bác hậu phối địa. 博 厚 配 地 (Xem Trung Dung, chương XXVI)

Những đóng góp của sách Mạnh Tử 

Mạnh tử là người đóng góp khá nhiều vào công trình khám phá cho ra con đường Qui nguyên phản bản của đạo Nho.

Ông dứt khoát chủ trương phải quay về tâm mà tìm đạo, tìm Trời. Nơi chương Tận tâm thượng ông viết:

Cả vạn vật ở trong ta đó,

Quay về ta, ta cố tinh thành.

Kiện toàn, hoàn thiện tinh anh,

Vui nào hơn được vui mình đang vui. [21]

Ông cho rằng trong thâm tâm ta đã sẵn có con đường đưa tới Đạo tới Trời, nhưng con đường ấy đã bị lau lách dục tình vùi lấp mất. (Kim mao tắc tử chi tâm hĩ. 今茅塞子之心矣. Mạnh Tử, Tận Tâm Chương Cú Hạ.)

Ông khuyên mọi người thu hồi con tim phóng đãng luân lạc nơi ngoại cảnh trở về: «Học vấn chi đạo vô tha, cầu kỳ phóng tâm nhi dĩ hĩ.» 學問之道無他, 求其放心而已矣(Mạnh Tử, Cáo Tử, chương cú thượng, câu II.)

Ông chủ trương rằng: Đi sâu về phía tâm linh, sẽ tìm ra được Thiên tính, sẽ tìm thấy Thượng Đế tiềm ẩn sẵn trong lòng con người. Nơi chương Tận Tâm Thượng ông viết:

Thấu triệt lòng, sẽ hay biết tính,

Hay biết tính, nhất định biết Trời. [22]

(Tận kỳ tâm giả, tri kỳ tính dã.

 Tri kỳ tính, tắc tri thiên hĩ.)

Ông cho rằng: Bảo toàn được tinh hoa cốt cách con người, bảo toàn được thiên tính, đó là chân đạo, đó là cách phụng sự thượng đế tốt đẹp nhất. Ông viết:

Tồn tâm dưỡng tính chẳng rời,

Ấy là giữ đạo, thờ Trời chẳng sai. [23]

«Tồn kỳ tâm, dưỡng kỳ tính, sở dĩ sự thiên dã.»

存 其 心 , 養 其 性 , 所 以 事 天 也 .

Vì ông trực giác được rằng Bản thể tuyệt đối, đã tiềm ẩn sẵn trong đáy lòng con người, vì ông trực giác được rằng Thượng Đế đã tiềm ẩn trong đáy lòng nhân loại để làm căn cơ gốc gác cho con người để làm khuôn phép, mẫu mực cho con người, nên ông mạnh dạn chủ trương: BẢN TÍNH CON NGƯỜI THÌ HOÀN THIỆN (Mạnh Tử, 1)

Mạnh Tử cũng là một trong những triết gia Nho giáo đã phân tách được rằng:

Dưới lớp nhân tâm còn có Thiên tính,

Dưới lớp Nhân dục, còn có Thiên lý làm chủ chốt.

Nhân tâm thời bất toàn,

Thiên tính thời vẹn hảo.

Nhân tâm mới chỉ là mầm mộng cuả sự toàn thiện, mới chỉ gồm có những mối manh hoàn thiện, như lòng trắc ẩn, tu ố, từ nhượng, thị phi.

Thiên tính mới là sự hoàn thiện tuyệt vời, gồm đủ cả Nhân, Nghĩa, Lễ, Trí, Tín. (Mạnh Tử, 2) [24]

Bồi dưỡng nhân tâm, cho nhân tâm triển dương tới mức độ tuyệt vời của thiê tính, khế hợp được với thiên tính, đó chính là công trình tu thân mà Mạnh Tử chỉ vẽ cho chúng ta. (Mạnh Tử, 3) [25]

còn tiếp >>>>>


Tin liên quan

Chia sẻ bài viết: 



Bình luận:

Hỗ trợ trực tuyến

Lê Công

0369.168.366

Nhà đất bán theo tỉnh thành
Nhà đất cho thuê theo tỉnh thành
Kinh Dịch
Tử vi
Huyền không Phi Tinh
Văn Hóa_Tín Ngưỡng
Thước lỗ Ban
Xen ngày tốt
Đạo Học
TIN NỔI BẬT

LÊ LƯƠNG CÔNG

Trụ sở: Số 31 - Mương An Kim Hải - Kenh Dương, Le Chan, Hai Phong

Tel: 0369168366 - Hotline: 0919.168.366 - Email: nhadatcongminh@gmail.com

Copyright © 2019 https://leluongcong.com/