Đạo Học
07/09/2020 - 4:56 PMLê Công 1065 Lượt xem

QUAN NIỆM TAM TÀI VỚI CON NGƯỜI NHÂN TỬ NGUYỄN VĂN THỌ 1

Dưới nhan đề này, tôi sẽ dùng quan niệm Tam Tài để tìm hiểu về con người và đề phân loại các Ðạo giáo. Bàn về con người tuy là một vấn đề hết sức thông thường, quen thuộc, nhưng không bao giờ vô ích.

Quan niệm Tam Tài với con người

Nhân Tử Nguyễn Văn Thọ

Soplocles xưa đã nói: «Dầu trong vũ trụ này có gì đáng quí báu, đáng tôn sùng nhất đi chăng nữa, thì cũng chẳng có gì đáng quí báu, đáng tôn sùng hơn con người.»

Nhưng nếu con người đáng quí báu, đáng tôn sùng nhất, thì con người cũng là cái gì khó hiểu nhất từ xưa đến nay. Từ bao thế hệ nay, chúng ta am hiểu về con người, nhưng cho đến nay, con người vẫn còn là một vấn đề khó hiểu. Thật đúng như câu ca dao:

Sông kia còn có kẻ đo,

Lòng người, ai dễ mà dò sâu nông.

Chúng ta thực ra chẳng ai dám nói là đã biết rõ mình. Ta thấy mặt mũi người khác, bóng dáng người khác, nhưng mà oái oăm thay, mặt mũi ta, bóng dáng ta, ta phải mượn gương, mượn nước, mượn máy ảnh, mới nhìn ra được.

Như thế tức là, ngay con người phiến diện của ta đã hết sức xa lạ với ta rồi. Chúng ta dùng nó hằng ngày, mà thực ra chẳng biết nó hính thù ra sao, hoạt động ra sao. Ðọc câu ca dao sau đây sẽ rõ:

Ðàn ông năm, bảy lá gan,

Lá ở cùng vợ, lá toan cùng người !

Ðến như óc, chất trí não, tâm tư chúng ta, thì ta lại càng mù tịt. Cho đến cuối thế kỷ 20, người ta vẫn tưởng rằng, chúng ta yêu bằng tim – bằng con tim thịt nằm trong lồng ngực – vì thấy nó hồi hộp, khi ta rung động, cảm xúc. Nhưng bây giờ thấy trong các bệnh viện, người ta thay tim rầm rầm, thay bằng tim thật, tim giả, thay van tim, mới vỡ lẽ ra rằng mình đã lầm. Gần đây, triết học Âu Châu còn khám phá ra rằng dưới lớp ý thức, còn có vô thức – hoặc là tiềm thức, hoặc là Vô thức đại đồng. Khám phá mới mẻ này thật ra chỉ mới mẻ cho Âu Châu, chứ Á Châu, từ mấy ngàn năm nay đã bàn hoài về vấn đề này, dưới những danh từ khác như: Ðại Ngã, Tiểu Ngã; Chân Tâm, Vọng Tâm; Nguyên Thần, Thức Thần;Thiên địa chi tính, khí chất chi tính, v.v.

Tóm lại, ta quả thật là một con người xa lạ đối với ta. Hằng ngày, ta sống kề cận với ta, với tâm tư ta, mà ta chẳng biết tâm tư ta ra sao.

Hằng ngày, ta khoe ta thế này, ta thế nọ, nhưng đến khi hỏi ta là ai, ta là gì, thì ta đành chịu không biết trả lời ra làm sao.

Chính vì thế, khi đem quan niệm Tam Tài, để soi rọi vào vấn đề con người, tôi thấy mình đã không làm một chuyện vô ích. Ðó chính là một cách suy tư, tìm hiểu về mình. Mà có chịu suy tư, tìm hiểu về mình, mới có thể biết mình, biết Trời.

Mạnh Tử viết:

Thấu triệt lòng, sẽ hay biết Tính

Hay biết Tính, nhất định biết Trời.

Tồn tâm dưỡng tánh chẳng rời,

ấy là giữ đạo, thờ Trời chẳng sai.

Trung Dung cũng viết:

Biết người, trước phải biết Trời.

Hiểu Trời chẳng nổi, hiểu Người làm sao?

Chia con người thành 3 phần, chỉ là một cách chia để tiện việc học hỏi. Khi cần tôi cũng có thể chia con người thành 7, thành 10. Nhưng dẩu sao, thì chia con người làm ba thành phần cũng đã giúp cho chúng ta có một cái nhìn khá chính xác, khá đứng đắn về con người.

Trước đây trong bài THÂN THẾ VÀ ÐỊNH MỆNH CON NGƯỜI trong Đất Nước Tôi số 13, tôi đã kể lại hành trình của tôi từ quan điểm nhị nguyên – con người có Hồn có Xác – đến quan niệm Tam Tài – con ngườl có Xác, Hồn, Thần. Ðại khái tôi đã kể lại rằng: tôi đã tìm ra được quan niệm Tam Tài trong mấy giây đồng hồ giác ngộ tâm linh và từ khi biết được trong lòng có Ðạo có Trời, cuộc đời tôi đã chuyển hóa hết sức là mãnh liệt.

Quan niệm Nhị Nguyên, tôi học được do truyền thống xã hội; Quan niệm Tam Tài tôi học được do giác ngộ tâm linh. Nhưng nói cho đúng hơn, lẽ Nhất Quán của Trời đất mới là điều rốt ráo mà tôi đã lĩnh hội được.

Sau khi nhận ra rằng con người có ba phần: Tính (Thần), Hồn, Xác, tôi lại thấy được rằng: Các tôn giáo, tuy khác nhau bề ngoài, nhưng chung qui là đưa con người tới Thiên Ðạo, tới Ðại Ðạo. Thiên Ðạo, Ðại Ðạo hoàn toàn ở trong nội tâm ta, nó chính là đường đi từ Hồn, đến Thần, biến hóa Hồn con người thành Thần trời đất.

Trời, Ðạo Trời hằng tiềm ẩn trong lòng ta, và không hề rời ta một phút giây.

Những quan niệm trên đã đến với tôi hết sức là bất ngờ, nhưng hết sức là mãnh liệt. Và riêng tôi, tôi coi đó là một đại hồng ân mà Thượng Ðế đã ân tứ cho tôi.

Tôi nhận định thêm rằng từ trước tới nay, tôi đã đánh mất chiều kích sâu xa, cao đại của con người, mà chỉ mới sống hời hợt trên bình diện nhân tâm, chưa hề có ý tưởng, hay ước mơ sống vươn vượt lên trên cái Nhân tâm, chưa hề có ý tưởng đạt tới Thiên tâm. Và tôi tự nhủ rằng từ trước đến nay tôi đã sống mơ màng, ù cạc, không biết được chính bản thân mình.

Tuy nhiên, theo đúng tinh thần khoa học, tôi thấy những điều tôi vừa lãnh hội được khi ấy, nếu đem chia sẻ với chúng nhân, thì sẽ bị coi như là một giả thuyết. Nên tôi thấy nó còn cần được chứng minh.

Như quí vị đã thấy: Ðiều tôi được truyền dạy là:

Dưới lớp nhân tâm, còn có Thiên tâm, Thiên tính. Cho nên con người thực ra có 3 phần chính yếu:

Ði từ trong ra đến ngoài, ta có:

1- Phần Tính, phần Thiên Tính, hay phần Thiên, phần Trời phần Thần vĩnh cửu, làm căn cốt.

2- Phần Tâm, hay phần Nhân Tâm, tức là phần Nhân, phần Người, phần Hồn gồm trí lự, thất tình lục dục, bao phủ bên ngoài phần Thiên.

3- Phần ngoài cùng là phần xác, phần Ðịa, phần Ðất, phần vật, đóng vai trò hỗ trợ, bao bọc cho các phần cao quí bên trong, chẳng khác nào phần vỏ bên ngoài nơi cây, nơi quả.

Mục đích chân chính và cao siêu nhất của các đạo giáo là làm sao dạy con người rũ bỏ được phần xác, phần hồn, biến thiên, luân lạc trong vòng sinh tử, và chỉ giữ lại phần Thiên, vĩnh cửu và bất tử, y thức như một vệ tinh nhân tạo, càng lên cao, càng phải vất đi dần dần những phần phụ thuộc không còn cần thiết, mới có thể thoát vòng áp lực của khí quyển, mà đi vào không gian.

Hôm nay, khi viết đến vấn đề rất quan trọng này, một vấn đề đi ngược lại với quan điểm của quần chúng, tôi liền cầu chứug thánh hiền. Phép cầu chứng thánh hiền muôn thủa của tôi rất giản dị. Tôi nhìn quanh quất thấy một quyển sách nào mà mắt tôi nhìn thấy, liền cầm lên, và dở ra đọc. Trong trường hợp này, tôi rút ra quyền Thiền học, bộ thượng, do Suzuki viết và Trúc Thiên dịch. Tôi dở ra trúng vào trang 276, mà tôi chưa từug đọc, thấy có đoạn viết như sau:

Một thầy Bà la môn tên là Móng Tay Ðen mang đến cúng Phật hai cây bông nguyên cành rễ khổng lồ, thầy dùng phép thần thông nắm chặt mỗi tay một cây. Phật gọi tên, thầy dạ. Phật liền bảo: «Buông xuống đi». Thầy Bà la môn bỏ cây hoa tay trái xuống trước mặt Phật. Phật lại bảo buông xuống nữa. thầy bỏ luôn cả cây hoa tay mặt. Phật lại bảo buông nữa .Thầy Bà la môn bạch: «Tôi có gì đâu nữa mà buông bỏ. Phật muốn dạy gì?» Phật đáp: «Tôi không hề bảo thầy buông hết mấy cây hoa, tôi bảo thầy bỏ là bỏ sáu căn, sáu trần, sáu thức. Khi thầy bỏ được hết đến không có gì nữa để bỏ, đó là lúc thầy thoát ly tất cả ràng buộc của sanh tử, luân hồi…»

Như vậy cái nhìn của tôi bây giờ chính là cái nhìn mà Phật xưa đã có, và ý nghĩ của tôi đã được sự hưởng ứng, sự đồng vọng của Tiên Phật muôn đời.

Sau đó, ngẫu nhiên tôi lại đọc một đoạn của Ðại sư Paramahansa Yogananda tự thuật lại kinh nghiệm của một lần ông xuất thần đầu tiên. Ông tả rằng: «…Tôi thấy rằng từ Trung điểm thiên cung, tức là từ trung điểm Linh đài tôi, tung tỏa ra muôn ánh hào quang soi cùng Vũ trụ. Nguồn sống vĩnh cửu, như quỳnh tương tiên tửu rạo rực trong tôi. Âm thanh sáng tạo của Thượng Ðế, tôi nghe thành chữ Aum chuyển rung trời đất…Nhưng bỗng đâu phổi tôi bắt đâu thở lại. Tôi rất thất vọng vì thấy rằng, cái bao la vô cùng tận của tôi đã mất. Tôi lại trở về cái xác thân hữu hạn của tôi, chẳng xứng chút nào với Thần con người. Tôi như một đứa con hoang đàng đã từ bỏ đại thể vô biên, mà giam mình vào trong tiểu thể hữu hạn…» [4]

 Tôi cho đây không phải là một sự trùng hợp ngẫu nhiên, mà chính là khi lòng mình mà thành sẽ cảm động được trời đất, khi ý mình mà thành, thì thần minh sẽ phụ họa. Trở lại vấn đề, điều mà tôi cần chứng minh là con người có ba phần Thần, Hồn, Xác. Ðể chứng minh vấn đề này, tôi sẽ dùng thánh thư các đạo giáo kỳ thư bí điển trong thiên hạ văn chương triết học và ngôn ngữ Ðông Tây. Sự tương đồng tìm ra sẽ là ấn chứng cho một chân lý phổ quát, đại đồng.

Thuyết Tam Tài với Khổng giáo

Nhờ dùng chìa khóa Tam Tài tôi mới mở ra được kho tàng Khổng giáo. Khổng giáo nhận con người có 3 phần: Xác, Hồn, Thần. Nhưng danh từ Khổng giáo dùng hơi khác:

– Xác

– Tâm, Nhân tâm, Nhân dục, Khí chất chi tính.

– Tính, Thiên tính, Thiên tâm, Thiên địa chi Tính, Ðạo tâm, Trung.

 Kinh Thư, Thiên Ðại Vũ Mô, kể lại rằng khi vua Nghiêu truyền ngôi cho vua Thuấn, đã truyền luôn cả tâm ấn sau:

Nhân tâm duy nguy,          人 心 惟 危

Đạo tâm duy vi,                  道 心 惟 微

Duy tinh, duy nhất,             惟 精 惟 一

Doãn chấp, quyết trung.    允 執 厥 中

Tôi dịch:

Lòng của Trời siêu vi, huyền ảo,

Lòng con người điên đảo, ngả nghiêng.

Tinh ròng, chuyên nhất ngày đêm,

Ra công, ra sức giữ nguyên lòng Trời

Mạnh Tử cũng phân biệt Tâm và Tính.

Trong sách Mạnh Tử, chương Tận tâm hạ, ông đã viết: «Tận kỳ tâm giả tri kỳ Tính dã; tri kỳ Tính tắc tri Thiên hĩ.» 盡 其 心 者 , 知 其 性 也 . 知 其 性 , 則 知 天 矣.

Dịch:

Thấu triệt lòng sẽ hay biết Tính,

Hay biết Tính nhất định biết Trời.

Chính vì Khổng tử và Mạnh tử hiểu rằng con người có Thiên tính nên đã chủ trương: Nhân chi sơ, tính bản thiện. Tống Nho sau này, hay dùng chữ Thiên địa chi tính để chỉ Thiên Tính, và Khí chất chi tính để chỉ nhân tâm, nhân dục.

Thuyết Tam Tài với Bà La Môn giáo

 Bà La Môn giáo từ xa xưa vốn đã chia con người ra làm ba thành phần:

– Xác (thô thân)

– Nhân tâm (Jiva) (tế thân)

– Brahman, Atman, Ngã tuyệt đối (Absolute Self, Metaphysical Self).

 Bà La Môn gọi hồn con người là Tiểu Ngã, Thần con người là Ðại Ngã hay Atman.

 Atman hay Thượng Ðế ngự trị trong tâm khảm con người cũng chính là Brahman, Tuyệt đối thể trong vũ trụ. Ðối với Bà La Môn; con người chân thực của ta không phải là Tiểu Ngã nhỏ nhoi, mà là Ðại Ngã vô biên tế. Tat tvam Asi = Con chính là Cái Ðó; nghĩa là con chính là Atman, là Ðại Ngã bất khả tư nghị.

Katha Upanishad viết: «Ðại Ngã trổ cửa giác quan ra phía ngoài, cho nên người ta nhìn ra ngoài, mà không biết nhìn vào trong lòng mình. Có vài kẻ khôn ngoan trong khi đi tìm trường sinh, bất tử, nhờ nội quan quán chiếu, đã trực diện quan chiêm được Ðại Ngã.»

Chandogya Upanishad viết: «Bao quát mọi hoạt động, bao quát mọi ước mơ, bao quát mọi hương vị, bao quát cả hoàn võ nầy, mà vẫn vô ngôn, vô ý, đó là Ðại Ngã của tôi, lồng trong tâm khảm tôi, đó là Brahman Thượng Đế. Sau khi từ biệt cõi trần này, tôi sẽ thể nhập vào trong Ngài…»

Radhakrishnan, cựu Tổng Thống ấn Ðộ, cũng là một đại triết gia lừng danh quốc tế, đã viết: «Chân thể, lồng trong tâm khảm muôn loài, chính là tinh hoa tâm hồn con người. Bé hơn hết mọi sự, mà cũng lớn hơn hết mọi sự, tinh hoa âý tiềm ẩn trong tâm vạn hữu. Cái học thuyết làm cho bộ kinh ÁO NGHĨA THƯ được nhiều người trên thế giới hay biết, đó là học thuyết TA T TVAM ASI (Con Là Cái Ðó). VĨNH CỬU đã ở ngay trong con người, THẦN LINH đã ngự trị nơi tâm khảm con người. Vị THỦY TỔ Muôn Loài, mà ngũ quan chẳng biết, chảng hay, mà bao lớp lang hiện tượng như những bức màn vân vụ đã làm khuất lấp; vị Thủy Tổ ấy vẫn ngự trị, vẫn sống động trong tâm hồn con người…» [7]

Thuyết Tam Tài với Phật giáo

Phật giáo cũng phân biệt nơi con người Vọng tâm và Chân tâm.

Vọng tâm hay Vọng ngã tức là Nhân tâm, gồm thất tình, lục dục sinh diệt, biến thiên; Chân tâm, hay Bản Lai diện mục, thời trường tồn vĩnh cửu.

Kinh Thủ Lăng Nghiêm cho rằng có tìm ra được phần chân thường nơi con người thì mới mong thoát bến mê, bể khổ; bằng cứ chấp nhất nơi phần vọng tâm, vọng ngã, thì muôn đời luân lạc trong muôn kiếp phù sinh.

Phật nói với vua Ba Tư Nặc: «Ðại vương có biết trong thân có cái Bất Diệt không?»

Phật lại dạy A Nan: «A Nan, ngươi muốn tu cho thành Ðạo, thì phải biết hai thứ căn bản: Một là căn bản vô thủy sinh tử, tức là hiện nay, ngươi và chúng sinh đều lấy cái tâm vọng tưởng mà nhận làm tư tính đó. Hai là Căn bản Niết Bàn tức là Thức Thứ Tám, vi tế tư tưởng của ngươi đang có, ngày nay gọi là Thức tinh nguyên minh đó. Bởi đem cái Thức tinh nguyên minh bỏ đi, nên tuy hằng ngày vẫn dùng đến, mà chẳng biết đặng cái thể của Bổn minh Tư Tính, đến nỗi lặn lội vào các thú mà thọ nghiệp sinh tử, luân chuyển, Thiệt là uổng thay?» [9]

Ðại đức Thích Chân Giám, khi bình đoạn này, đã viết: «Phải biết rằng chỗ thủ thắng của kinh này là toàn phá nơi Thức tâm, mà hiểu rành Căn Tánh, vì dùng theo Thức tâm mà tu, thì dầu trải qua trần hà sa số kiếp cũng không đặng đạo Bồ Ðề; còn do nơi Căn Tánh mà vào, thì trong lúc vừa khảy móng tay, cũng vượt lên đặng bậc Vô Học. Cho nên muốn quyết định thành chánh giác và chứng Niết Bàn, thì cứ lấy Căn Tính mà làm cái Tâm “nhân địa” rồi sau mới có thể viên thành được cái Giác ở nơi “quả địa”.»  [10]

Thuyết Tam Tài với Lão giáo

Nhìn sang phía Lão Trang, ta cũng thấy rằng các Ngài chủ trương trong tâm còn có Ðạo, có Trời Tâm thì ở trong vòng tương đối, biến thiên, hữu vi, hữu tướng. Ðạo thì tuyệt đối, hàng cửu, vô vi, vô tướng, bất khả tư nghị. Muốn tu trì, dĩ nhiên là phải xây căn cơ trên Ðạo, phải hiểu thấu đáo về Ðạo phải siêu lên trên cõi hữu vi, hữu tướng, nhân vị, nhân tạo, mà đi vào cõi Vô vi, Tuyệt đối.

 Chính vì coi Ðạo là căn cốt muôn loài, nên ngay đầu sách Ðạo Ðức kinh, Lão Tử đã dành một chương nói về Ðạo.

Hóa công hồ dễ đặt tên,

Khuôn thiêng hồ dễ mà đem luận bàn.

Không tên, sáng tạo thế gian,

Có tên, là mẹ muôn ngàn thụ sinh.

Tịch nhiên cho thấy uy linh,

Hiển dương cho thấy công trình vân vi,

Hai phương diện, một Hóa Nhi,

Huyền linh khôn xiết, huyền vi khôn lường,

Ấy là chúng diệu chi môn,

Cửa thiêng phát xuất mọi nguồn huyền vi.

 Trang Tử, chính vì thấy rằng trong tâm mình còn có Ðạo, có Trời, có Bản thể bất sinh, bất tử, nên đã nói trong thiên Tề vật luận, Nam Hoa kinh:

Ta và Trời đất cùng sinh,

Ta và muôn vật sự tình chẳng hai.[11]

Âm Phù Kinh viết:

Thiên tính Nhân dã,     天 性 人 也

Nhân tâm cơ dã.          人 心 機 也

Lập Thiên chi đạo,      立 天 之 道

Dĩ định nhân dã.          以 定 人 也

Dịch:

Thiên tính là Người,

Nhân tâm là máy.

Lập ra Thiên đạo,

Ðịnh mực phiêu Người.

còn tiếp,........


Tin liên quan

Chia sẻ bài viết: 



Bình luận:

Hỗ trợ trực tuyến

Lê Công

0369.168.366

Nhà đất bán theo tỉnh thành
Nhà đất cho thuê theo tỉnh thành
Kinh Dịch
Tử vi
Huyền không Phi Tinh
Văn Hóa_Tín Ngưỡng
Thước lỗ Ban
Xen ngày tốt
Đạo Học
TIN NỔI BẬT

LÊ LƯƠNG CÔNG

Trụ sở: Số 31 - Mương An Kim Hải - Kenh Dương, Le Chan, Hai Phong

Tel: 0369168366 - Hotline: 0919.168.366 - Email: nhadatcongminh@gmail.com

Copyright © 2019 https://leluongcong.com/