Đạo Lão theo đà thời gian đã khoác nhiều bộ mặt khác nhau:
– Biến thái thứ 1 là từ một triết thuyết, một nghệ thuật sống, một đạo huyền đồng siêu việt, dành cho một ít ẩn sĩ siêu phàm, đạo Lão đã trở thành một tôn giáo ẩn sâu vào lòng quần chúng với những tín ngưỡng, những phù chú ma thuật, những đền miếu, những lễ nghi thờ phụng.
Đạo, hay Nguyên lý tối cao lúc ban đầu dần dần được hình dung hóa, nhân cách hóa thành Thái Nhất, Nguyên Thủy Thiên Tôn hay Ngọc Hoàng Thượng đế. Lão Tử được suy tôn thành Thái Thượng Lão Quân và được tôn sùng như là hiện thân của Thượng đế từ đời nhà Hán.
Đó là công trình của các vua nhà Hán như Hán Văn Đế (179–156) Hán Vũ Đế (140–86) các vua nhà Đường như Đường Cao Tổ Lý Uyên (620–627), Đường Huyền Tông (713–756), Hiến Tông (806–820), Mục Tông (821–825), Vũ Tông (841– 847), các vua nhà Tống như Tống Chân Tông (998–1023), Tống Huy Tông (1101–1126), các vị Thiên sư, cái vị đạo sĩ như Trương Đạo Lăng, Trương Giác, Trương Lỗ, Trương Tu, Trịnh Tư Viễn, Khấu Khiêm Chi, Bão Phác Tử v.v… Về phương diện đạo giáo, đạo Lão đã đặt nặng vấn đề giao tiếp với thần tiên, cầu trường sinh bất tử.
– Biến thái thứ 2 của đạo lão là bùa chú, phù thủy môn, hô phong, hoán võ, hô thần, trừ quỉ v.v… Đó là những bí thuật của các thầy phù thủy pháp môn, mà ngày nay rất ít người biết được.
– Biến thái thứ 3 của đạo Lão là các phương thuật dưỡng hình, dưỡng sinh với của thủ thuật, công phu như:
. Đạo dẫn, ma sát.
. Võ công như Bát đoạn cẩm, Lục đoạn cẩm, Thái cực quyền.
. Khí công tức là vận khí điều tức.
. Tĩnh công tức là đặt nặng vấn đề giữ yên tâm thần, định hồn phách.
– Biến thái thứ 4 là đi tìm các phương dược để bổ dưỡng thân tâm.
Chính vì thế mà đã có một số đạo sĩ đã trở thành những y sư danh tiếng như Đào Hoằng Cảnh (452–536), Cát Hồng (281–340), Tôn Tư Mạc (581–682) v.v…
– Biến thái thứ 5 của đạo lão là chủ trương sống thoát vòng cương tỏa của xã hội, sống tùy ý, tùy thích. Đó là chủ trương của Trúc Lâm thất hiền thời Tam quốc gồm các nhân vật như Nguyễn Tịch, Kê Khang, Lưu Linh, Nguyễn Hàm, Sơn Đạo, Hướng Tú, Vương Nhung…
– Biến thái thứ 6 của đạo Lão là luyện nội đan để cầu Trường sinh bất tử mà người chủ xướng là Ngụy Bá Dương thời Hán (thế kỷ 2) tác giả bộ Tham Đồng Khế.
Phương pháp luyện nội đơn này chẳng qua là vận khí, điều tức, tập trung tâm thần để đi đến chỗ xuất thần huyền hóa. Cho nên, tuy dùng những thuật ngữ đặc biệt, nhưng bộ mặt thực của khoa luyện nội đơn cũng chỉ là tu luyện tâm thần để đi đến chỗ phối kết với Trời với Đạo, mà ta đã đề cập đến rất nhiều ở bên trên.
– Biến thái thứ 7 của đạo Lão là những phương thuật luyện ngoại đơn, gồm tất cả các phương thức làm cho thân xác trở nên khinh phiêu bất tử.
Từ thế kỷ thứ 4 trước Tây lịch, Tống Vô Kỵ học trò Tiện Môn Tử Cao đã có chủ trương rằng con người có thể thoát xác để trường sinh. Rồi tiếp đến có Bão Phác Tử một người đã dùng cả đời để luyện thuốc trường sinh. Công cuộc cầu trường sinh này gồm:
– Phương pháp Tịch cốc để cho cơ thể trở nên nhẹ nhàng, tinh khiết.
– Hấp thụ khí âm dương tinh hoa của trời đất. Tắm ánh sáng mặt trời để hấp thụ khí dương. Uống sương móc hứng giữa thinh không lúc ban đêm để hấp thụ tinh hoa của khí Âm.
– Dùng những loại kim thạch, tinh hoa của âm dương để luyện thành kim đơn mà uống.
Người xưa cho rằng Lưu Hoàng (Soufre) và Vàng là tinh hoa của Dương. Những chất liệu trên không thể dùng thẳng được nên cần phải chuyển biến tinh luyện.
Muốn ăn Lưu Hoàng người ta dùng Đơn Sa hay Chu Sa hay Thần Sa (Cinabre) tức là một hợp chất gồm Thủy ngân và Lưu Hoàng (S2Hg).
Muốn điều chế vàng nhân tạo người ta dùng Chì có pha bạc hay Thạch tín (Plomb argentifère hay arsénifère). Điều chế chất chì này người ta được Hùng hoàng (Sulfure d’arsenic rouge) hay Thư Hoàng (Sulfure d’arsenic jaune) mà người ta coi như là vàng nhân tạo.
Đơn Sa, Chu Sa, Thần Sa và Hùng Hoàng, Thư Hoàng sau này được coi là linh đơn, hay ít nữa là được coi là những chất liệu chính dùng để chế linh đơn.
Đọc những thành phần các chất liệu dùng để luyện linh đơn như thấy trong bài Bát quỳnh đơn hay Cửu chuyển hoàn đơn, ta thấy chúng toàn là những loại kim thạch tối độc cho cơ thể con người. Hậu quả là các vua chúa đã uống qua linh đơn đều trở nên điên cuồng hay chết non ví dụ:
– Ai Đế nhà Đông Tấn (361–366)
– Đường Hiến Tông (805–820)
– Đường Mục Tông (820–824)
– Đường Vũ Tông (840–847)
Vị tiên ông chuyên luyện thuốc trường sinh là Cát Hồng Bão Phác tử cũng chỉ hưởng thọ có 61 tuổi.
Sau khi thấy các linh đơn rất là nguy hiểm, các vua chúa đã có những phản ứng khác nhau như sau:
1. Ra lệnh hành quyết hết các thầy luyện đan như đời vua Đường Y Tông (860).
2. Nhận thuốc trường sinh, nhưng chỉ sẽ uống lúc hấp hối như vua Văn Tuyên Đế nhà Bắc Tề (550–559).
3. Bắt các tử tội phải thí nghiệm thuốc trường sinh như trường hợp vua nước Ngụy là Đạo Vũ Đế đã làm năm 400.
Nhà văn hào Tô Đông Pha được biếu thuốc trường sinh, đã viết thư cho bạn như sau: “Mới đây đệ có nhận được một ít chu sa thần dược màu tuyệt đẹp, nhưng đệ không đủ can đảm dùng linh đan ấy.” (Xem Trần Văn Tích, Tư tưởng Lão Trang trong Y thuật đông phương, tr. 141).
IV. NHỮNG ĐIỀU CHÚNG TA CÓ THỂ HỌC NƠI LÃO TRANG
Những trình bày và nhận xét trên đã cho chúng ta thấy:
– Phương pháp luyện ngoại đơn đã hoàn toàn thất bại.
– Chủ trương xác thân con người có thể nhờ dược liệu, nhờ công phu tu luyện mà trở nên bất tử được chỉ là một ảo vọng, vì hễ là hợp chất, tạp chất thời trước sau cũng phải ly tan. Mà Á Đông vẫn cho thân này là Tứ đại giả hợp thì làm sao mà trường cửu được cho cam?
– Những chuyện con người có thể bạch nhật thăng thiên cũng là những chuyện huyền thoại hoang đường.
– Những ma thuật phù chú sẽ dần dần đưa dân chúng vào một thế giới nghi kỵ lẫn nhau, và sợ hãi lẫn nhau. Đời xưa khi vua Hán Vũ Đế lâm bệnh, triều đình đã giết trước sau cả vạn người vì nghi là đã trù ếm vua.
– Chủ trương con người có thể tịch cốc để cho xác thân trở nên phiêu bồng bất tử cũng đi ngược lại với định luật thiên nhiên.
– Còn như nói rằng con người cần phải dưỡng sinh, cần phải phòng bệnh, ăn ở cho sạch sẽ, ăn uống cho có tiết độ, lao tác sống động cho có chừng mực, đừng quá lao tâm lao lực, giữ cho lòng mình ung dung thoải mái, hồn nhiên khinh khoát, để sống cho khỏe mạnh, để sống cho trọn tuổi đời thì là những bài học hết sức là khôn ngoan và hữu lý, rất đáng cho chúng ta theo.
– Quan niệm vui sống, vui chết là một quan niệm hết sức là hào sảng. Thái độ này sẽ làm cho chúng ta sống bình thản hồn nhiên hết mọi lo âu, sợ hãi.
– Lão Trang lại còn chủ trương sống theo thiên nhiên, rũ bỏ nhân tạo. Đó là một chủ trương hết sức đẹp đẽ, cao siêu, nếu hiểu và áp dụng cho đúng đắn, nhất là vào thời buổi văn minh này, con người đang bị đủ mọi thứ gông cùm ngoại cảnh, lý thuyết, xã hội, tập quán, chính trị, văn minh vật chất buộc ràng, những bậc thức giả cũng nên rũ bỏ bớt những gì nhân vi, nhân tạo, rũ bỏ những gì giả tạo, bôi bác mà sống một cuộc sống đơn thuần, thành khẩn, an nhiên.
– Cao siêu nhất là lời kêu gọi của Lão Trang khuyên ta tìm về với Thiên Chân, trở về với Đạo với Trời.
Thiết tưởng chúng ta nên nghe theo lời kêu gọi đó mà rũ bỏ bớt những kiến thức đa đoan phù phiếm của tiểu trí để mà có cái nhìn bao quát của những bậc đại trí, đại huệ, thấy rằng mình hồn dung liên kết với Đạo, với Trời với vũ trụ vạn hữu, để mà sống cho khinh phiêu siêu thoát, tẩy rửa tâm tư cho sạch những tà tâm tà niệm, trở nên thuần nhất, tinh toàn, dữ Đạo hợp chân, dữ Thiên tương phối …
KẾT LUẬN
Như vậy Lão Trang đã cho chúng ta thấy rõ rằng mục đích của đời người là thực hiện thiên chân, thực hiện Đạo thể.
Con người chúng ta sinh ra ở đời có Tiểu dụng, có Đại dụng mà cũng có Vô dụng. Tiểu dụng là phao phí cuộc đời mình vào những mục phiêu, và những công cuộc hèn hạ.
Đại dụng là dùng cuộc đời mình vào những mục tiêu những công cuộc cao đại.
Còn Vô dụng theo Lão Trang là dùng cuộc đời mình để siêu xuất quần sinh, sống huyền hóa với Đạo với Trời.
Trong đường lối tư tưởng đó, tôi xin mạn phép dùng lời lẽ thiên Tiêu Diêu Du của Trang Tử mà kết luận như sau:
«Hồn ta hỡi hãy phiêu diêu,
Tung đôi cánh rộng khinh phiêu chín tầng.
Hãy tung cánh chim bằng muôn dặm,
Cưỡi gió mây bay thẳng về Nam.
Bay về quê cũ giang san,
Hồ Trời vùng vẫy miên man thỏa tình.
Mặc nhân thế rẻ khinh đàm tiếu,
Óc phàm phu sao hiểu chí nhân…
Vùi thân trong chốn gian trần,
Họ như ve sẻ qua lần tháng năm,
Tầm mắt hẹp mà tâm ti tiểu,
Kiếp phù du nào hiểu chi đâu.
Thân lươn bao quản lấm đầu,
Cốt sao cho khỏi co cầu thì thôi.
Phận sâu bọ đành rồi sâu bọ,
Thân nấm rêu nào rõ tuần trăng.
Ve sầu nào biết thu xuân,
Minh linh ngoài mấy, vạn năm hay gì.
Như Bành Tô có chi là thọ,
Mà chúng nhân quá cỡ tan dương.
Người vui tước phận lý hương,
Người vui mũ áo xênh xang trị vì.
Kìa Liệt Tử thích đi mây gió,
Cưỡi gió mây đây đỡ thỏa lòng.
Còn ta khinh khoát vô cùng,
Sánh vai nhật nguyệt vẫy vùng khinh phiêu.
Quên mình quên hết mọi điều,
Quên tên quên cả bao nhiêu công trình.
Sống đời sống thần linh sảng khoái,
Như Hứa Đô chẳng đoái công hầu.
Sống ăn nào có chi đâu,
Mà lo với lắng cho rầu lòng ai.
Ta chẳng nói những bài phách lối,
Lời của ta đâu nỗi hoang đường.
Lời ta minh chính đàng hoàng,
Vì người không hiểu trách quàng trách xiêu.
Kẻ mù tối sao xem màu sắc,
Người điếc tai sao bắt âm thanh.
Cho nên những kẻ vô minh,
Tối tăm ù cạc ngọn ngành hiểu chi.
Sao biết được uy nghi sang cả,
Của những người huyền hóa siêu linh.
Đất trời gom tóm trong mình,
Lồng vào muôn vật sự tình nào hai.
Dầu sóng cả ngất trời không đắm,
Dầu nóng nung cũng chẳng làm sao.
Trời mây mặc sức tiêu dao,
Cho dù Nghiêu Thuấn dễ nào sánh vai.
Kiếp sống nọ mấy ai biết dùng,
Biết cách dùng cho đúng cho hay.
Có dưa năm hạch trong tay,
Bổ ra năm bảy, dưa nào vứt đi.
Nhưng nếu biết để y như trước,
Dùng làm phao sống nước nó băng.
Đổi “bất qui thủ” lấy vàng,
Ngỡ là đã khéo tính toán lãi lời.
Ai ngờ nó giúp Ngô thắng Việt,
Giúp chủ nhân mãn kiếp vinh quang.
Biết dùng thời thực mênh mang,
Dùng sai dùng dở oán than nỗi gì.
Nhưng hay nhất là khi vô dụng,
Thoát vòng đời tù túng lợi danh.
Sống trong Vô cực siêu linh,
Xa bể khổ ải mặc tình nhởn nhơ…»
HẾT CHƯƠNG 1
Chia sẻ bài viết:
LÊ CÔNG
0919.168.366
PHÚC THÀNH
0369.168.366
Một số cách an sao vòng Trường Sinh trong tử vi
TÍNH CÁCH, MẪU NGƯỜI, TRONG LÁ SỐ TỬ VI
7 nguyên tắc cơ bản sau cần phải xem kỹ trước khi bình giải một lá số Tử Vi
THẾ NÀO LÀ TUẾ PHÁ & NGŨ HOÀNG ĐẠI SÁT
BÍ QUYẾT SONG SƠN NGŨ HÀNH VÀ THẬP NHỊ THẦN ĐẠI PHÁP (TIÊU SA NẠP THỦY THEO THỦY PHÁP TRƯỜNG SINH)
Ý nghĩa của việc thờ bàn thờ Ông Địa
“BẢN GỐC” CỦA THƯỚC LỖ-BAN DÀNH CHO CÁC BẠN THẬT SỰ HAM MÊ PHONG THỦY !!!
LÊ LƯƠNG CÔNG
Trụ sở: Số 12, Trực Cát , Vĩnh Niệm, Lê Chân, Hải Phòng
Tel: 0919.168.366 - Hotline: 0919.168.366 - Email: nhadatcongminh@gmail.com
Copyright © 2019 https://leluongcong.com/