Đạo Học
23/08/2021 - 9:39 AMLÊ CÔNG 502 Lượt xem

III. CÁC NHÀ BÌNH GIẢI TRANG TỬ

Các nhà bình giải Trang Tử xưa nay rất nhiều. Mỗi người giải Trang Tử theo một khía cạnh, một đường lối. Người thì giải Trang theo Lão, người thì giải Trang theo Khổng, người thì giải Trang theo Phật, người thì giải Trang theo Trang.

Trong bộ sách này, tôi không chú trọng đến những vấn đề chi tiết này, vì xét ra ai cũng có thể tìm ra được các người đã bình giải Trang một cách dễ dàng. Thật ra tôi chỉ chú trọng tìm ra những tư tưởng then chốt của Trang, cho nên những công việc gì có tính cách máy móc, tôi đều lướt qua. Tuy vậy tôi cũng toát lược sau đây một đồ bản ghi ít nhiều tên các bình giải, với thời đại, và nếu có thể được, sách họ chép về Trang Tử.

Những người giải Trang theo Lão, tôi ghi bên cạnh chữ (L)

Những người giải Trang theo Khổng, tôi ghi bên cạnh chữ (K)

Những người giải Trang theo Phật, tôi ghi bên cạnh chữ (P)

Quí vị nào muốn biết chi tiết hơn xin đọc:

– Léon Wieger, Le Canon Taoiste, Bibliographie générale.

– Léon Wieger, Nan Hoa Tchenn King. Nơi đầu sách, Wieger đã liệt kê các tác giả bình giải về Trang Tử theo:

– Hán Thư Nghệ Văn Chí.

– Đường Thư Nghệ Văn Chí.

– Tùy Thư Kinh Tịch Chí.

– Tống Sử nghệ văn chí.

– Đường Lục Đức Minh kinh điển thích văn.

– Tống Trịnh Tiều thông chí.

– Minh Vương kỳ tục văn hiến thông khảo.

– Tiều Hoằng kinh tịch chí.

– Đạo tạng mục lục.

– Trầm Yến Mưu Kính, Trang Tử soán tiên.

 

 

Đời

Tên tác giả

Sách

 

 

NGỤY 魏

(221-265)

Nguyễn Tịch  阮籍 

Đạt Trang luận 達莊論 

 

 

TẤN 晉

(265-419)

Hướng Tú 向秀 

Quách Tượng 郭象 

Tư Mã Bưu 司馬彪 

Thôi Tuyển  崔譔 

Chi Độn 支遁 

Trang Tử giải nghĩa  莊子解義 

(Bình giải Trang Tử)

 

 

LƯƠNG 梁   

(502-557)

Lương Giản Văn Đế

梁 簡文帝 

Trang Tử giải sớ

莊子解疏 

 

 

ĐƯỜNG 唐

(620-905)

Lục Đức Minh 陸德明  

Thành Huyền Anh (P) 成玄英

Kinh điển thích văn 經典釋文

Trang Tử sớ  莊子疏

 

 

TỐNG 宋

(960-1278)

Thang Hán 湯漢

Trần Cảnh Nguyên 陳景元 

(Bích Hư Tử) 碧虛子 

Vương Bang 王雱 (con Vương An Thạch 王安石)

Lã Huệ Khanh 呂惠卿

Lâm Hi Dật (N) 林希逸

Chử Bá Tú (L) 褚伯秀 

 

 

La Miển Đạo (L) 羅勉道 

Lưu Thần Ông 劉辰翁 

Nam Hoa chương cú 南華章句 

 

Trang Tử chú 莊子注 

 

Trang Tử chú 莊子注 

Trang Tử khẩu nghĩa 莊子口義 

Nam Hoa chân kinh nghĩa hải soán vi 南華真經義海纂微   

Nam Hoa quản kiến 南華管見 

Trang Tử tuần bản 莊子循本

Trang Tử điểm hiệu 莊子點校

 

 

NGUYÊN 元 

(1280-1333)

Ngô Trừng 吳澄 

Lý Trị 李治 

 

 

 

MINH 明   

(1368-1628)

Đường Thuận Chi

Trương Tứ Duy

Thích Đức Minh

Tiều Hoằng 焦竑 

Lục Trường Canh 陸長庚 

Lục Tây Tinh (P) 陸西星

Qui Hữu Quang 歸有光 

Phương Dĩ Trí 方以智 

Chu Đắc Chi 朱得之

Tôn Gia Cẩm 孫嘉淦 

Ngô Thế Thượng 吳世尚 

NH Kinh thích lược 南華經釋略

Trang Tử bổ chú 莊子補注

TrangTử Nội thiên chú 莊子內篇注 

Trang Tử Dực 莊子翼

Nam Hoa Chân Kinh phó mặc

南華真經副墨

 

Nam Hoa Thông Nghĩa 南華通義

Nam Hoa Thông 南華通

Trang Tử giải 莊子解

 

 

THANH 清

(1644-1911)

Vương Phu Chi 王夫之 

Cao Thu Nguyệt 高秋月

Diêu Nãi 姚鼐 

Lưu Hồng Điển (N) 劉鴻典

Lục Thụ Chi (N) 陸樹芝

Lâm Tây Trọng 林西仲 

Chương Bính Lân章炳麟 

Trang Tử giải nghĩa 莊子解義 

Trang Tử thích ý 莊子釋意 

Trang Tử chương nghĩa 莊子章義 

Trang Tử tuyết 莊子雪 

Trang Tử nhân 莊子因 

 

 

CẬN KIM

Mã Tự Luân 馬敘倫

Trương Thế Lao (P) 張世犖

Cao Hanh 高亨 

Chương Thái Viêm (P)  章太炎 

Lưu Văn Điển 劉文典

Nghiêm Phục 嚴復

Trang Tử giảng chứng 莊子講證

Trang Tử kim tiên 莊子今箋 

 

Trang Tử bổ nghĩa 莊子補義 

Trang Tử bình 莊子評 

 

 

VIỆT NAM

Nguyễn Duy Cần

 

Nhượng Tống

Nam Hoa Kinh

Trang Tử tinh hoa

Nam Hoa kinh

 

 

ANH

H. Giles (trans.)

James Legge

Chuang Tzu 1961 ed.

The Texts of Taoism 1959

 

 

PHÁP

Léon Wieger

Les Pères du Système Taoiste, v.v

 

 

IV. ĐẠI CƯƠNG HỌC THUYẾT TRANG TỬ

Lâm Tây Trọng cho rằng: «Trong 33 thiên, nói đi nói lại hơn 100.000 chữ, đại ý chẳng qua là: tỏ rõ Đạo Đức, rẻ rúng nhân nghĩa coi sống chết như nhau, phải trái như nhau, hư tĩnh điềm đạm, vắng lặng, không làm thế đấy thôi.»

Tóm tắt Trang như vậy, chưa làm nổi bật được tinh thần của Trang, chủ trương của Trang.

Thực ra Trang là một nhà huyền học, cũng như Lão Tử.

«Thiên hạ thiên» bình về Trang Tử như sau: «Thượng dữ Tạo vật giả du, nhi hạ dữ ngoại tử sinh vô chung thủy giá vi hữu…» Trên thời vui chơi cùng đấng Tạo Hóa, dưới thời bè bạn với những người đã thoát vòng sinh tử, thủy chung…» (Thiên Hạ thiên, F). Như vậy muốn hiểu Trang Tử phải hiểu qua những nguyên tắc những chủ trương chính yếu của khoa huyền học.

Nơi chương Đại Cương Đạo Đức Kinh, trong quyển Đạo Đức Kinh tôi đã giải thích thế nào là Huyền Học, tưởng cũng nên nhắc lại nơi đây.

Huyền học (Mystique) là một danh từ tặng dữ cho những ai có một đời sống siêu nhiên mãnh liệt, y thức như đã tiếp xúc được với luồng huyền lực vô biên của vũ trụ.

Những nhà huyền học là những người:

1. Có tâm thần rất thông minh tinh tế.

2. Nhìn thấy Đạo, thấy Trời nơi tâm khảm mình.

3. Nhận thức được tấn tuồng biến thiên ảo hóa của vũ trụ cũng như của lịch sử nhân quần.

4. Cố tu luyện, cố thanh lọc tâm thần để đi đến chỗ cao minh linh diệu.

5. Sống phối hợp với Trời, coi mình như là hiện thân của Thượng Đế.

Các nhà huyền học Đông cũng như Tây đều tin tưởng rằng sau bức màn hiện tượng biến thiên, chất chưởng, còn có một bản thể siêu việt, tuyệt vời.

Cái Ngài không biết dùng danh từ gì để mô tả Tuyệt đối thể ấy cho hay, cho phải, cho nên hoặc là tuyên bố mình bất lực trước Tuyệt đối vô biên ấy, hoặc là dùng những danh từ tiêu cực mơ hồ để diễn tả, để đề cập đến Tuyệt đối thể ấy.

Các Ngài cho rằng con người sinh ra phải tìm về cho được tới nguồn mạch linh thiêng huyền diệu ấy, và tất cả các sự biến hóa của vũ trụ lúc chung cuộc cũng kết thúc trọng đại thể vô biên vô tận ấy.

Mà nguồn mạch linh thiêng huyền diệu ấy đã tiềm ẩn ngay trong lòng con người. Con người chỉ việc lắng lòng lại, chỉ việc thu thần định trí, nhìn sâu vào tâm khảm mình sẽ tìm ra được bản thể siêu việt huyền nhiệm ấy.

Khi đã đạt tới cõi tâm linh siêu vi, huyền nhiệm ấy, con người sẽ thoát đựợc mọi trạng thái vong thân, và vươn vượt được lên trên cái thế giới tương đối gồm các cặp mâu thuẫn như: Thị phi, thiện ác sinh, tử, và thoát ly được hết những gì hữu hạn, nhân vi, kiềm tỏa tù túng con người.

Khi đã đạt được tới cõi tâm linh ấy thì lập tức cũng sẽ thâm nhập hòa động được với cõi vô biên man mác, và chính nhờ đó mà con người lấy lại được cái phẩm giá vô song của mình. Vì nhận ra được chiều kích Mênh Mông vô hạn, vì nhận ra được giá trị vô biên của mình, con người sẽ không còn chịu cho ai đặt một thứ cùm xiềng, triền phược nào trên con người, không chịu cho mình trở thành công cụ của ngoại cảnh, không chịu lệ thuộc vào bất cứ cái gì bên ngoài.

Lúc ấy đời sống con người sẽ trở nên hồn nhiên, tiêu sái thảnh thơi hạnh phúc. Và từ đây, sẽ không còn lo âu, không còn háo hức, vì biết rằng ngoại cảnh chẳng qua chỉ là những tấn tuồng phù du, hư ảo. Và cũng từ đây, con người sẽ hạnh phúc, thoải mái vì biết rằng mình đã nắm giữ được một cái gì quí báu nhất, linh thiêng nhất trần gian.

Tóm lại nhà huyền học luôn luôn lo trau chuốt nhân cách, cố sống sao cho tinh ròng viên mãn, để có thể rung cảm, để có thể hòa nhịp, để có thể hòa đồng được với Đạo, với Đạo thể, với vũ trụ chi tâm, với Thiên địa chi tâm. Đạo chỉ mặc khải cho những tâm hồn tinh ròng, thanh khiết, siêu vi, cho nên chỉ có những bậc chí nhân trong thiên hạ mới khám phá ra được Trời, được Đạo nơi tâm khảm mình, mới thường xuyên đối thoại với Đạo với Trời, mới khám phá ra được những điều kỳ bí trong cõi siêu linh, huyền diệu.

Nếu một nghệ sĩ dùng tài nghệ mình, tâm linh mình, mà khám phá ra được và diễn tả ra được Thần Linh hay Thái Hòa tiềm ẩn trong đáy lòng vũ trụ, trong đáy lòng vạn vật, khiến cho người khác cũng được thưởng thức và được cảm thông với nguồn mạch huyền linh ấy một phần nào, thì các nhà huyền học có bổn phận khám phá ra và diễn tả lại Thần Linh ngự trị nơi đáy lòng mình, bằng lời lẽ, bằng đời sống để những người bàng quan cũng được cùng mình chia sẻ sự cảm thông, hòa hợp ấy…

Trang Tử là một nhà huyền học nên lời lẽ của Ông, tư tưởng của Ông tuy là ẩn ước, bóng bảy, nhưng nếu chúng ta tìm được chốt then đường hướng của Ông, cũng như của đời Ông, ta sẽ thấy chúng trở nên hết sức rõ ràng.

Ông viết trong thiên Ngoại vật:

«Có nơm là vì cá,

Được cá hãy quên nơm.

Có dò là vì thỏ,

Được thỏ hãy quên dò.

Có lời là vì ý,

Được ý hãy quên lời.

Ta tìm đâu được người biết quên lời,

Hầu cùng nhau đàm luận…»

Thế tức là ông muốn nhắn nhủ chúng ta đừng nên câu nệ vào những lời nói của Ông, những bút pháp của Ông, đừng có bận tâm đến những CHI NGÔN (gặp đâu nói đó).

TRÙNG NGÔN (Gán lời mình nói cho một nhân vật lịch sử nào).

NGỤ NGÔN (Nói bằng thí dụ, sự tích, bóng gió) (Xem Thiên hạ, F), nhưng phải chú trọng đến những tư tưởng của Ông, đến chủ trương chính yếu của Ông.

Đại khái Trang Tử chủ trương:

Vũ trụ này có hai phần:

1. Một là Đạo. Mà Đạo thời vô sở bất tại, vô biên tế, duy nhất bất khả phân, vĩnh cửu trường tồn (6 f, g).

2. Hai là Hình tướng biến thiên, luẩn quẩn trong vòng tương đối, sinh tử (6 e, f).

Hai đàng tuy vô cùng khác biệt, nhưng lại liên lạc hết sức chặt chẽ, hết sức mật thiết nhau, đến nỗi có thể nói được là: Đâu có hiện tượng, thời đấy có Đạo, và như vậy cái hữu hạn vừa nằm trong cái vô cùng vừa hàm chứa được cái vô cùng …

Từ trong lòng Đạo mà nhìn ra, thì muôn loài muôn vật là một, hoàn toàn giống nhau, vô cùng vô tận như nhau.

Từ trong cảnh giới hiện tượng mà nhìn ra, thì muôn loài muôn vật hết sức khác nhau, biến thiên, phù du, ảo hóa.

Trong con người cũng có hai phần:

1. Một là Đạo thể vô biên tế bên trong.

2. Hai là Con người phàm tục bên ngoài, với những thất tình lục dục, niệm lự biến thiên, tri thức, phán đoán thường nhật, thông thường, tử sinh vô định.

Thiên XVII Thu Thủy có một câu bất hủ, tóm tắt được quan niệm này, đó là: THIÊN TẠI NỘI NHÂN TẠI NGOẠI (Thu Thủy, A)

Trong xã hội loài người ông cũng cho thấy có hai phần:

– Một là Thiên nhiên: Thiên nhiên là cái gì thuộc thiên chân Thiên tính, và như vậy chắc chắn là hoàn mỹ.

– Hai là Nhân tạo. Mà nhân tạo là tất cả những gì do khối óc con người bày vẽ ra, cho nên dĩ nhiên là kém cỏi, dĩ nhiên là vụng về, không thể nào đem lại hạnh phúc thật cho con người được (Xem Chương XI, f. – 6 a).

Và dĩ nhiên Ông chủ trương con người đạo hạnh phải siêu xuất:

– Khỏi vòng hiện tượng có giới hạn, để vươn lên tới Đạo thể vô biên, vô hạn (Xem 17a, 6g, 12i, k, 16b).

– Khỏi vòng niệm lự, tri thức, nhận định gian trần để đạt tới siêu thức (Xem Chương 2, c).

– Thoát vòng kiềm tỏa của nhân vi, nhân tạo, để trở về với Thiên nhiên, vì nhân vi nhân tạo không thể nào đem lại hạnh phúc thực sự cho con người (Xem 8 a, b, c, d. – 9 a, b, c. – 10 d, 11 a, 12 o, 13 b, c, 14 f, 17 a, 25 g).

Chính vì thế mà Ông đả kích tất cả những gì mà con người đã vẽ vời ra, bất kỳ về phương diện gì:

– Kiến thức (25 h)

– Luân lý (8 a, 17 a, 25 h)

– Chính trị (9 c, 19 a, 29 b)

– Nghệ thuật (9 a)

– Kỹ thuật, cơ khí văn minh (12 k)

Ông hoàn toàn thoát sáo, thoát hết mọi khuôn khổ bên ngoài, và cho rằng có vậy tâm thần mới được phiêu diêu sảng khoái.

Tuy nhiên Ông không hề đả phá một cách tiêu cực, nhưng thực ra Ông tích cực dạy con người phải đi tìm cái cao siêu, vĩnh cửu, cái lý tưởng, tinh hoa, dạy con người phải sống phối kết với Trời, với Đạo, cùng đất trời trường sinh, bất tử. Có như vậy mới đáng gọi là đại nhân, có như vậy mới là biết được cái đại dụng cái vô dụng của cuộc đời (Chương I).

Ông cũng chủ trương cái tuyệt đối nằm sẵn ngay trong lòng cái tương đối, cũng như thường xuyên bao trùm, khỏa lấp cái tương đối, cho nên khi đã vươn được lên cõi Đại Nhất, Đại Đồng, con người sẽ hóa giải được mọi chuyện phân biệt lăng nhăng do khối óc con người tự tạo ra.

Cho nên chủ trương của Ông là coi thường mọi chuyện đời tương đối, coi in một như nhau mọi cuộc biến thiên: sống chết, vắn dài, xa gần, cao thấp, quí tiện, hay dở, phải trái, yểu thọ v.v… (xem Chương 2).

Trong quyển Creativity and Taoism, Chuang Chung Yuan cho rằng đạo Lão có hai phương pháp, hai con đường để đạt tới Tuệ giác, đó là:

– Minh (hoặc là Trí): Nhìn thấu Bản thể.

– Định (hoặc là Điềm): Giữ tâm thần định tĩnh.

Tư Mã Thừa Trinh (Ssu– Ma Cheng Chen) một đạo sĩ thế kỷ thứ 10, đã cho rằng chữ TRÍ (nơi thiên THIỆN TÍNH, a) tương đương với chữ HUỆ (prajna), chữ ĐIỀM (Thiên Tính, a) tương đương với chữ ĐỊNH (Dhyana).

Nơi chương 22, Trang Tử viết:

“Khiết Khuyết hỏi Bị Y về Đạo. Bị Y bảo: ‘Hãy giữ thần hình cho ngay ngắn. Hãy tập trung tinh thần mà nhìn vào Duy Nhất. Trời sẽ hòa điều với bạn. Hãy thu nhiếp trí lự, hãy hợp nhất với Tuyệt đối. Thần sẽ giáng xuống lòng Bạn. Đức sẽ trở nên vẻ đẹp của Bạn. Đạo sẽ là nhà của Bạn. Bạn hãy hồn nhiên, ngây thơ như con nghé mới sinh, đừng tìm duyên cớ mà chi.’Nói chưa dứt, Khiết Khuyết đã ngủ say (nhập định). Bị Y rất đẹp lòng, vừa đi vừa hát:

«Xác như xương khô,

Lòng như tro nguội.

Đã có chân tri,

Xá gì duyên cớ...

Mịt mịt mờ mờ,

Vô tâm khinh khoát,

Người ấy là ai.» (Thiên 22e)

Chuyện này có mục đích cho ta thấy con người có siêu xuất lên trên tâm tình, trí lự, có định tĩnh, vô vi, mới có thể tiến vào cõi tâm linh siêu việt.

Thiền Tông sau này cũng đã đúng theo hai phương pháp này để đi đến giác ngộ.

Trang Tử cũng còn dạy chúng ta đừng để cho ngoại cảnh, đừng để cho thất tình lục dục làm điên đảo, làm hư hoại tâm thần (5c, 23f).

Mỗi xuyến xao tâm thần là một tai hại, vì nó vừa làm giảm thọ con người, vừa làm cho chúng ta mất bình tĩnh trong sáng (23g, f)

Những câu khuyên bảo, chỉ dẫn của Trang Tử về đường tu đạo nhiều khi rất là vắn vỏi, nhưng rất là thâm trầm ý vị. Nơi chương 23, Trang Tử viết:

«Dục tĩnh tắc bình khí. Dục thần tắc thuận tâm. Hữu vi dã dục đáng, tắc duyên ư bất đắc dĩ. Bất đắc dĩ chi loại, thánh nhân chi đạo.» 欲 靜 則 平 氣. 欲 神 則 順 心. 有 為 也 欲 當, 則 緣 於 不 得 已. 不 得 已 之 類, 聖 人 之 道 (Muốn được tĩnh lãng, hãy giữ cho khí bình. Muốn có thần, hãy giữ cho tâm thuận. Muốn làm cho phải, thì chỉ khi cần thiết, bất đắc dĩ mới làm. Chỉ bất đắc dĩ, mới chịu lam làm, chịu bỏ trạng thái tĩnh lãng tâm thần, đó là đường lối thánh nhân vậy).

Chương 12, Trang Tử viết: «Thần toàn giả thánh nhân chi đạo dã.» 神全者聖人之道也 (Giữ thần cho toàn vẹn là đạo thánh nhân).

Ông lại để Khổng Tử bình luận về những người theo huyền học như sau:

«Họ là những người theo thuật của Ông Hỗn Độn. Họ chỉ biết Tuyệt đối, mà không biết Tương đối. Họ chuyên trị tâm, mà không cần trị ngoại cảnh. Họ rõ được quang minh, về được với Thuần phác Duy Nhất. Họ vô vi tĩnh lãng để trở về trạng thái thuần phác nguyên thủy. Họ hòa đồng với Tính, ôm ấp lấy Thần…»

Trang Tử cũng còn khuyên chúng ta an thời thuận xử (23 g, f), đừng bon chen vào chốn công danh lợi lộc, đừng có chống lại với thiên nhiên, với tha nhân (6b, 33b), có vậy mới được sung sướng hạnh phúc.

Lại cũng đừng nên để cho những khuôn phép gian trần ràng buộc tâm tư mình (ch.2, ch.3), hãy có một đời sống cao đại, một tâm hồn thoát tục (11e). Hãy rũ bỏ hình tướng hữu hạn mà băng lên sống trong vô tận, vô cùng (5e, 11e, 15a, 16b, 19e, 22e, 23b, c, 24h).

Ngoài ra cũng đừng muốn nhốt, đừng cố nhốt mọi người vào cùng một khuôn khổ, nhưng hãy để cho muôn loài phát triển theo căn cơ, theo thiên tính của chúng (2 a).

Thiên Biền Mẫu có nói: “Cẳng le thì ngắn, cố mà nối dài thì nó khổ. Chân hạc thì dài, chặt bớt thì nó đau. Cho nên tính mà dài không phải là cái nên chặt bớt, tính mà ngắn không phải là cái nên nối thêm: thế thì không có gì là lo.” (Cố phù hĩnh tuy đoản, tục chi tắc ưu, hạc hĩnh tuy trường, đoạn chi tắc bi. Cố tính trường phi sở đoản, tính đoản phi sở tục, vô sở khứ ưu dã) 有 虞 氏 舜 是 故 鳧 脛 雖 短, 續 之 則 憂; 鶴 脛 雖 長, 斷 之 則 悲. 故 性 長 非 所 斷, 性 短 非 所 續, 無 所 去 憂 也 (Biền Mẫu, VIII a).

Thực đúng như trong Thiên hạ thiên đã nói: «Trang Tử trên thì vui cùng tạo Hóa, dưới thì bè bạn với những người đã thoát vòng sinh tử, thủy chung …» (Thượng dữ Tạo Vật giả du, nhi hạ dữ ngoại tử sinh, vô chung thủy giả vi hữu …) 上 與 造 物 者 游, 而 下 與 外 死 生, 無 終 始 者 為 友. (Thiên hạ, 33 f).

Những lời nói của Trang Tử hết sức sắc bén, như cợt, như đùa, nửa hư, nửa thực, nhưng chung qui Ông chỉ muốn cho người nghe Ông có cái nhìn rộng hơn, lối sống hay hơn, lý tưởng hơn, nhất là bỏ được hữu hạn, mà vươn lên tới vô cùng … (6 g, j).

Lúc thì ông vui miệng nói ngay (chi ngôn 卮 言), lúc thìông làm sống động lại các nhân vật lịch sửcho họnói những lời màông muốn (trùng ngôn 重 言), lúc thìông kểtruyện ngụngôn (ngụngôn 寓 言) (ba chữ chi ngôn, trùng ngôn, ngụ ngôn này ta sẽ thấy trong thiên Thiên hạ, 33f), lúc thì ông tranh luận, lúc thì ông lý luận, so sánh, lúc thì đàm thoại, lúc thì vấn đáp, tất cả đều có mục đích phá cái vỏ “ngã chấp” của ta, để cho chúng ta mở mắt ra nhìn thấy khung trời nội tâm, khung trời bản thể vô biên, vô tận.

Bất kỳ một hoàn cảnh nào, bất kỳ một câu chuyện gì, đối với Trang, cũng như là một chiếc bàn đạp, để tung mình lên cho đến cõi siêu vi.

Nhờ đó Trang không xa lìa phàm nhân, không xa lìa đời sống hằng ngày, mà vẫn giữ được cái nhiệm vụ là giúp con người siêu lên khỏi những cái nhỏ hẹp của cuộc sống hằng ngày, để bay vào tới cõi u linh, huyền diệu.

Đọc Trang, ta sẽ nhận định được rằng nếu ta còn câu nệ, không thoát sáo, không thoát được ràng buộc của tha nhân, của xã hội, thì không bao giờ chúng ta có thể có được một đời sống nội tâm phong phú đích thực…

Trang chỉ duy muốn cho chúng ta được sống tiêu diêu, khinh khoát trong cõi Tuyệt đối vô cùng, mà ông gọi là:

Vô vi chi nghiệp (6g) (cái nghề nghiệp Vô vi)

Vô hà hữu chi hương (1f) (cái làng ở nơi đâu)

Khoáng mạc chi dã (1f) (Cánh đồng không bao la rộng rãi)

Trang cũng chỉ muốn chúng ta trở thành những:

– Thần nhân

– Thánh nhân

– Chí nhân

– Chân nhân (1c, 2c, f)

– Những người đạt tới Chí đạo (11c)

Mà chân nhân thì trên phải hòa mình được với Đại thể, dưới thì vui sống được với mọi người, mọi loài, mọi vật, với cảnh trí thiên nhiên, với mọi hoàn cảnh mình gặp. (2h, 3 abc, 5d v.v…)

Tâm hồn thì như làn nước lắng chiếu soi được trời đất nhân quần một cách hết sức vô tư và chân thật. (4, 13a)

Đọc Trang, trước hết phải hiểu tinh thần của Trang, chủ trương của Trang.

Sách của Trang là cả một kho tàng châu báu, nhưng thay vì để kho tàng ấy chất đống vào một nơi, ông đem nó vung vãi ra trong một vùng lớn lao gồm mười vạn chữ, dấu chúng vào trong những ngụ ngôn, những huyền thoại, những câu chuyện bông lơn. Ta hãy quên lời, quên chuyện của Trang kể, mà chỉ lưu tâm lượm lặt lấy những tư tưởng của Trang, đó chính là những châu ngọc thực sự mà Trang dành cho chúng ta vậy.

ST: LÊ CÔNG 


Tin liên quan

Chia sẻ bài viết: 



Bình luận:

Hỗ trợ trực tuyến

Lê Công

0369.168.366

Nhà đất bán theo tỉnh thành
Nhà đất cho thuê theo tỉnh thành
Kinh Dịch
Tử vi
Huyền không Phi Tinh
Văn Hóa_Tín Ngưỡng
Thước lỗ Ban
Xen ngày tốt
Đạo Học
TIN NỔI BẬT

LÊ LƯƠNG CÔNG

Trụ sở: Số 31 - Mương An Kim Hải - Kenh Dương, Le Chan, Hai Phong

Tel: 0369168366 - Hotline: 0919.168.366 - Email: nhadatcongminh@gmail.com

Copyright © 2019 https://leluongcong.com/