Đạo Học
23/08/2021 - 9:10 AMLÊ CÔNG 572 Lượt xem

II. TINH HOA LÃO TRANG

Những người đại diện chân chính cho đạo Lão vẫn là:

– Lão Tử với quyển Đạo đức Kinh.

– Liệt Tử với Xung Hư Chân Kinh.

– Trang Tử với Nam Hoa Kinh.

Vậy muốn tìm hiểu tinh hoa Đạo Lão, ta phải đọc 3 tác phẩm nói trên. Ba tác phẩm nói trên xưa nay nổi tiếng là kỳ bí, khó hiểu, nhưng nếu chúng ta có ít nhiều quan niệm then chốt dẫn lộ để đi vào những tác phẩm ấy, chúng sẽ trở nên giản dị.

Sau đây là những quan niệm then chốt ấy:

A. Lão Trang, thay vì chấp nhận rằng vũ trụ này là một tác phẩm do Hóa Công tạo dựng nên, đã chủ trương rằng vũ trụ này do một Nguyên lý phóng phát ra.

Nguyên lý ấy siêu việt, tuyệt đối, vô biên tế, vô cùng tận, là căn nguyên vạn hữu, vừa bao dung lại vừa ẩn áo giữa lòng vạn hữu, vô thủy vô chung, không bút nào tả cho xiết, không tên nào gọi cho vừa. Lão Trang tạm gọi nguyên lý ấy là Đạo.

Nơi chương 25 của Đạo Đức Kinh, Lão Tử viết:

Có một vật an nhiên tự hữu,

Trước đất trời, vĩnh cửu tự thành.

Tịch liêu vắng ngắt vắng tanh,

Một mình mình biết, một mình mình hay.

Muôn vàn chẳng chút đổi thay,

Đó đây quanh khắp đó đây chẳng chồn.

Sinh muôn vật, mẹ muôn thiên hạ,

Tính danh Ngài ta há biết sao?

Gọi liều là Đạo, xưng ào là to.

Vì quá to nên xa thăm thẳm,

Thăm thẳm xa mà vẫn gần kề.

Đạo to, to lớn muôn bề…

Nơi chương I của Đạo Đức Kinh, Lão Tử cũng đã bàn ngay về Đạo. Xin dịch thoát nghĩa như sau:

Hoá công hồ dễ đặt tên,

Khuôn thiêng hồ dễ mà đem luận bàn.

Không tên sáng tạo thế gian,

Có tên làm mẹ muôn vàn thụ sinh.

Tịch nhiên cho thấy uy linh,

Hiển dương cho thấy công trình vân vi,

Hai phương diện một Hóa Nhi,

Huyền linh khôn xiết huyền vi khôn lường,

Ngài là chúng diệu chi môn,

Cửa thiêng phát xuất mọi nguồn huyền vi…

Trang Tử nơi chương Đại Tông Sư đã bàn về Đạo đại khái như sau:

Đạo thời hữu tín, hữu tình,

Vô vi mà lại vô hình mới hay.

Dễ truyền, khó bắt lạ thay,

Giữ thời giữ được, trông rày hẳn không.

Tự sinh, tự bản vô cùng,

Có từ trời đất còn không có gì.

Sinh trời, đinh đất ra uy,

Quỉ thần âu cũng là tùy sở do.

Cao cao vô tận khôn đò,

Cao hơn Thái cực vẫn cho là thường.

Thẳm sâu sâu mấy ngàn muôn,

Sâu hơn vũ trụ mà nhường không hay.

Lâu lai nào kể tháng ngày,

Trước trời, trước đất, lâu này lâu chi.

Sống từ muôn thủa vẫn y,

Ngàn muôn tuổi thọ đã gì già nua…

Hi Vi, Hoàng Đế, Kiên Ngô,

Kham Phi, Chuyên Húc, đã nhờ thần thông.

Đạo trời soi sáng cõi lòng,

Mới thành thần thánh, sống cùng trời mây.

Lão Bành, Phó Duyệt nhờ tay,

Ngung Cường, Vương Mẫu may thay được Ngài,

Mới nên thần thánh tuyệt vời.

Ngự cung Thiếu Quảng, chơi nơi Ngân Hà.

Biết bao thỏ lặn ác tà,

Hai vầng nhật nguyệt khôn qua đạo Trời.

Kìa như Bắc đẩu thảnh thơi,

Cũng nhờ Đạo cả mới ngôi Cửu trùng.

Đạo trời ngẫm thật vô cùng,

Bao nhiêu quyền phép thần thông nhiệm mầu.

Để giải thích chữ Đạo rõ hơn, tôi xin mượn lời Hoài Nam Tử, trong thiên Nguyên Đạo huấn, mà trình bày như sau:

Hóa công chở đất che trời,

Mênh mông bốn hướng chơi vơi tám tầng.

Cao cao vô tận vô ngần,

Thẳm sâu sâu mấy muôn tầm đo sao.

Trùm trời mà đất cũng bao,

Vô hình vô tượng, nhẽ nào hình dung.

Nguồn tung, suối tỏa tưng bừng,

Ngỡ là sắp cạn bỗng dưng đầy tràn.

Ào ào cuồn cuộn vang vang,

Ngỡ là vẩn đục, vẫn hoàn trong veo.

Giồng lên đất ngợp trời teo,

Tung ra bốn biển có chiều mung lung.

Ra tay linh diệu khôn cùng,

Quang âm khôn cản dặm chừng vân du.

Khi tung trời đất không vừa,

Khi thu nhỏ xíu lọt vừa nắm tay.

Tuy co mà giãn như mây,

Tuy mờ mà sáng như ngày nắng chang.

Tơ non mà rất cương cường,

Mềm nhung mà rắn in tuồng thép gang.

Gồm tứ đức vai mang tuế nguyệt,

Ngất trời mây soi hết trăng sao.

Mịn màng thắm thiết biết bao,

Tế vi tiêm tất tả sao cho cùng.

Núi nhờ thế mà tung cao vút.

Vực dựa uy sâu vút ngàn trùng.

Ngài cho thú chạy trong rừng,

Chi chim tung cánh chín từng mây xanh.

Ngài tô ánh quang minh nhật nguyệt,

Ngài rong cương ruổi hết tinh huy.

Kỳ lân đùa rỡn cũng vì,

Phượng long bay bổng quyền uy không ngoài.

Đời thái cổ có hai hoàng đế,

Nhờ ơn Ngài chỉ vẽ trước sau,

Mới nên nhân đức nhiệm mầu,

Thần thông hóa đục đứng đầu muôn phương.

Quyền uy Ngài khôn lường khôn tả,

Rung cả trời lắng cả đất đai.

Quay cho trời đất vần xoay,

Xô cho nước chảy đêm ngày chẳng thôi.

Thủy chung để sánh vai muôn vật,

Thổi gió giông ủ ấp làn mây.

Việc gì cũng có dúng tay,

Ầm ầm sấm động mây bay tỏ quyền…

B. Đạo vì phóng xuất ra muôn loài, nên Đạo ở khắp mọi nơi, tiềm ẩn ngay trong lòng vạn hữu.

Đông Quách Tử hỏi Trang Tử:

– Cái gọi là Đạo ở đâu?

– Không có chỗ nào mà không có Nó.

– Xin chỉ ra mới được.

– Trong con kiến.

– Thấp hơn nữa.

– Trong miếng sành vỡ.

– Thấp hơn nữa.

– Trong cục phẩn.

Đông Quách Tử không hỏi nữa. Trang Tử nói: Lời hỏi của ông không đi đến đâu cả. Nó giống cách người giám thị dùng để xem heo gầy béo ra sao, cứ mỗi lần đạp trên lưng heo là một lần ấn mạnh cẳng xuống thêm. Vì thế người ta mới gọi Đạo là lớn, là tuyệt luân, là toàn bích, là phổ quát, là viên mãn. Tất cả những từ ngữ ấy đều áp dụng cho một thực thể duy nhất, đó là Bản thể vũ trụ. (Trang Tử, Nam Hoa Kinh, Tri Bắc Du).

C. Nếu Đạo đã ở khắp mọi nơi, ở trong mọi vật, thì Đạo dĩ nhiên phải xui khiến cho mọi vật biến thiên, sống động một cách hoàn hảo. Như vậy, người hiểu Đạo, sẽ không dùng tiểu trí, tiểu năng của mình mà gàng quải cuộc sống hồn nhiên của muôn vật, đừng đem nhân vi, nhân tạo mà làm loạn thiên vi, thiên tạo.

Trang Tử nói: «Đừng lấy người làm hại Trời» (Vô dĩ nhân diệt thiên – Thu Thủy) chính là vì ý đó.

«Một người nước Tống lấy ngọc chạm trổ thành một lá dó, để dâng vua, ba năm mới xong. Đầu nhọn, chỗ mỏng, sống, cuống, lông, gai đều tinh vi, láng bóng, để chung với cái lá dó thật, không sao phân biệt được. Người đó nhờ tài khéo mà được vua Tống khen, cấp lương bổng cho. Liệt Tử nghe nói bảo: «Trời đất khi sinh vạn vật này mà phải mất ba năm mới thành một cái lá, thì ít cây có lá lắm! Cho nên thánh nhân trông vào cái Đạo mà cải hóa chứ không trông vào trí xảo.» (Liệt Tử VIII. – Nguyễn Hiến Lê, Liệt Tử và Dương tử, tr.126)

Trang Tử viết trong thiên Chí Lạc:

«Xưa kia có con chim biển đậu ở cửa thành nước Lỗ … Lỗ hầu ngự ra nghênh tiếp, rước về chuốc rượu ở đền Thái miếu, cho tấu nhạc Cửu thiều cho nó vui, giết trâu bò mời nó ăn. Chim ấy ngó dớn dác, bộ sầu bi không dám ăn, dám uống. Cách ba hôm thì chết. Đó là dùng cách nuôi người mà nuôi chim. Nếu như muốn dùng cách nuôi chim mà nuôi chim, thì phải để cho nó đậu ở rừng sâu, dạo ngoài gò đất, trôi nổi sông hồ, kiếm ăn lươn cá, đỗ theo hàng liệt, thích đâu ở đó. Cứ nghe người nói là nó không ưa rồi, lựa là còn đem tiếng nhạc mà làm cho nó kinh tâm…» (Nguyễn Duy Cần, Trang Tử Nam Hoa Kinh, tr. 73).

Chính vì vậy mà Lão Trang không muốn rây vào chuyện người khác, không muốn cai trị người khác.

Lão Tử viết:

Những muốn nặn, muốn nhào thiên hạ,

Suy cho cùng chẳng khá được nào.

Lòng người nghệ phẩm tối cao,

Ai cho ta nặn ta nhào tự do.

Ngao ngán kẻ mưu đồ như vậy,

Chẳng chóng chày hủy hoại lòng người.

Lòng người ai nắm giữ hoài,

Già tay nắn bóp, bao đời tiêu ma.

Người trần thế muôn hoa đua nở,

Có nhanh chân cũng có chậm chân.

Người nóng nảy, kẻ lân chần,

Người in gang thép, kẻ thuần đào tơ.

Người kiên gan, kẻ như cánh bướm,

Nên thánh hiền sùng thượng chữ khoan.

Chỉ ngăn quá lạm cực đoan,

Quá giàu, quá chướng, quá ham tiền tài. (ĐĐK, 29)

Cho nên về phương diện chính trị, Lão Trang khuyên vua chúa đừng nên nhiễu sự, quấy dân, vì “nhất tác sinh nhất tệ”, “sinh sự thì sự sinh”. Trang Tử là người ghét cay ghét đắng những điều nhân vi, nhân tạo, tù túng con người, làm hư hỏng Thiên chân nơi con người. Nơi thiên Mã đề, ông viết đại khái như sau:

Kìa thiên hạ ung dung tự tại,

Sống đơn sơ vui với muông chim.

Sống đời mộc mạc tự nhiên,

Thung dung cùng Đạo một niềm sắt son.

Vì đâu nên mỏi mòn nhớn nhác?

Vì đâu nên tan tác phân ly?

Bày ra nhân nghĩa mà chi?

Để cho thiên hạ suy vi tần phiền?

Gỗ không nát sao nên được chén,

Ngọc không tan sao vẹn chương khuê?

Đạo tan đức nát ê chề,

Mới bày ra được những bề nghĩa nhân.

Loạn năm sắc mới văn, mới vẻ,

Rối âm thanh bày vẽ đàn ca.

Ai làm đạo đức xác xơ,

Lập ra nhân nghĩa vẩn vơ hại đời.

Lập nghi lễ, hình hài trói buộc,

Lập nghĩa nhân, bày chước ủi an.

Lòng người vì thế ly tan,

Khôn ngoan càng lắm, gian ngoan càng nhiều.

Trong thiên Biền mẫu, Trang Tử lại viết đại khái như sau:

Vậy đừng có suy bì, vẽ sự,

Đừng chia phôi quân tử, tiểu nhân.

Đã cùng đánh mất Thiên chân,

Dù phân biệt hão cũng ngần ấy thôi.

Đem thiên tính làm tôi nhân nghĩa,

Giỏi Sử, Tăng ta kể như không.

Vì ăn mà tổn tấc lòng,

Du nhi có giỏi chớ hòng ta khen.

Đem nhã nhạc đảo điên tính khí,

Sư Khoáng kia nào quí chi đâu.

Tính trời lệ thuộc năm mầu.

Ly Chu ta cũng trước sau coi hèn.

Ta sau trước chỉ khen đạo đức,

Phục tính Trời chẳng phục nghĩa nhân.

Thông minh chẳng tại kiến văn,

Mà do tìm được cốt căn của mình.

Bỏ căn cốt thông minh đâu nữa?

Đạo Chích kia cũng lứa Bá Di.

Đều là đắm đuối sân si,

Đều là thiên lệch có gì khác đâu!

Nên ta chẳng tìm cầu nhân nghĩa,

Chẳng mơ mòng dâm tị đảo điên.

Cốt sao giữ vẹn căn nguyên,

Tính Trời cốt giữ tinh tuyền trước sau.

còn tiếp >>>


Tin liên quan

Chia sẻ bài viết: 



Bình luận:

Hỗ trợ trực tuyến

LÊ CÔNG

0919.168.366

PHÚC THÀNH

0369.168.366

Nhà đất bán theo tỉnh thành
Nhà đất cho thuê theo tỉnh thành
Kinh Dịch
Tử vi
Huyền không Phi Tinh
Văn Hóa_Tín Ngưỡng
Thước lỗ Ban
Xen ngày tốt
Đạo Học
TIN NỔI BẬT

LÊ LƯƠNG CÔNG

Trụ sở: Số 12, Trực Cát , Vĩnh Niệm, Lê Chân, Hải Phòng

Tel: 0919.168.366 - Hotline: 0919.168.366 - Email: nhadatcongminh@gmail.com

Copyright © 2019 https://leluongcong.com/