Thưa: TRỊ THÂN (Trang Tử, Tại Hựu, C) để được trường cửu về phương diện tinh thần.
Muốn trị thân, con người phải:
1. Dưỡng sinh tức là sống Khỏe.
2. Vui theo mệnh trời tức là Sống vui, chết vui.
3. Sống hòa đồng với Đạo tức là Sống siêu thoát.
1. Dưỡng sinh theo Lão Trang, chỉ là sống một cuộc sống thảnh thơi, khỏe mạnh cho đến chết, chỉ là sống đủ số năm tháng trời dành cho mình.
Trang Tử viết: «Cái sống của ta đã thọ nơi trời đất hãy biết giữ gìn nó cho tới cùng tột, đừng bao giờ làm cho nó hư hoại trước giờ hạn định của nó.» (Trang Tử, Nam Hoa Kinh, Đại Tông Sư, A).
Liệt Tử chống lại quan niệm muốn sống lâu quá số trời.
Ông viết: «Vua Tề Cảnh Công đi chơi núi Ngưu Sơn, khi tới phía bắc quốc đô, thì ứa lệ than thở:
– Đẹp thay nước ta! Cây cỏ tươi tốt, sum xuê, dầm dề sương mai kìa. Rồi đây ta phải chết mà bỏ nước này ư? Nếu tự cổ không ai chết, mà nếu quả nhân phải từ biệt nước này thì sẽ đi đâu?
Viên sử quan họ Khổng và Lương Khâu Cứ đi theo hầu, đều nhỏ lệ, tâu:
– Bọn hạ thần chúng tôi đội ăn đại vương mà ăn rau và thịt, thường được ngồi xe xấu, ngựa còm, mà còn không muốn chết, huống hồ đại vương.
Duy có Án Tử đứng bên là cười. Cảnh Công chùi nước mắt, quay lại hỏi Án Tử:
– Hôm nay quả nhân đi chơi mà xúc cảm sinh buồn, Khổng và Cứ đều khóc theo quả nhân, riêng ông cười là tại sao?
Án Tử đáp:
– Nếu những bậc hiền tài mà cứ sống hoài thì các đức Thái Công và Hoàn Công còn sống đến ngày nay. Nếu những người dũng cảm mà sống hoài thì đức Trang Công, Linh Công còn sống đến ngày nay. Nếu tất cả những vị đó còn sống đến ngày nay, thì nhà vua tất bận áo tơi, đội nón lá mà đứng ở giữa đồng, lo việc ruộng nương, chứ đâu được nhàn hạ mà nghĩ tới chết như vậy. Nhà vua đâu được lên ngôi như vậy? Nhờ cái lẽ thay phiên nhau kẻ ở người đi, nên ngôi vua đó mới đến đại vương. Đại vương chỉ vì vậy mà khóc thì quả là bất nhân quá. Thần thấy một ông vua bất nhân, lại thấy những bề tôi nịnh hót này, mới riêng cười thầm.
Cảnh Công xấu hổ, nâng chén rượu lên uống để tự phạt mình, rồi phạt hai người bề tôi mỗi người hai chén.» (Nguyễn Hiến Lê, Liệt Tử và Dương tử, Lá Bối, 1972, VI, 12, tr. 113– 115).
Như vậy Lão Trang chỉ mong sống cho đủ số năm trời đã hạn định cho mình, chứ không mong cho cái hình hài này được sống mãi cùng với trời đất.
Thực ra chỉ có tinh thần mới tồn tại mãi được.
Hiểu được điều này cho thấu đáo ta mới thấy tất cả các phương thuật sau này để luyện cho thân xác sống lâu muôn tuổi đều là bàng môn tả đạo, đều là huyễn vọng, ảo tưởng, và chỉ có thể đưa đến những thất bại chua cay. Chúng ta sẽ trở lại vấn đề này.
Chính Lão Trang cũng không tránh cái chết, vì Ngài đã hiểu thế nào là Trường sinh.
Nơi chương 33 Đạo Đức Kinh, Ngài viết:
«Tử nhi bất vong giả thọ» 死 而 不 亡 者 壽 (Chết mà không hết đó là thọ trường). Quan niệm trên thực là hết sức chính đáng. Con người sinh ra ở đời, không phải cứ chết là hết. Hãy xem các bậc thánh hiền: Các ngài chết đi nhưng ảnh hưởng các ngài vẫn còn tồn tại, và hơn thế nữa, càng ngày ảnh hưởng đó càng lan rộng. Các ngài vẫn được dân chúng sùng thượng. Như vậy đúng là: Tử nhi bất vong vậy.
– Làm thế nào để dưỡng sinh, để sống cho đủ số năm tháng trời đã hạn định.
Đại khái Lão Trang cho rằng:
– Phải biết phòng bệnh.
– Phải sống mực thước tiết độ, đừng làm hao tán khí lực tâm thần.
– Hãy sống một cuộc đời tĩnh lãng, thung dung thoải mái, đừng để cho ngoại vật khiên dẫn.
Đạo Đức Kinh nơi chương 71, viết:
«Bệnh nàn mà biết lo âu,
Rồi ra mới được trước sau khang cường.
Thánh nhân bệnh hoạn chẳng vương,
Vì hay phòng bệnh nên thường khang an.»
Đạo Đức Kinh nơi chương 46 viết:
«Nguy thay những kẻ bon chen
(Suốt đời chẳng lửng dạ thèm khát khao.)
Hại thay những kẻ vơ vào,
(Vơ vơ vét vét, biết bao giờ cùng).
Ở đời muốn được thung dung,
Nhiều no, ít đủ, ta không phàn nàn.»
Đạo Đức Kinh nơi chương 52 viết:
«Âm thầm ấp ủ tấc son,
Một đời trần cấu chẳng mòn mỏi ai.
Mặc ai đày đọa hình hài,
Một đời tất tưởi, phí hoài tâm thân.»
Và đây là chủ trương của Trang Tử:
Hoàng Đế thưa cùng Quảng Thành Tử: «Tôi nghe rằng Ngài đã đạt tới chí đạo. Dám hỏi về phép Trị thân; làm sao để có thể trường cửu?» – Quảng Thành Tử vùng dậy mà nói: «Câu hỏi rất hay, lại đây, ta sẽ chỉ dạy cho nhà ngươi cái đạo cao siêu. Cái tinh hoa của Đạo cao siêu thì mờ mờ mịt mịt, cái cực điểm của đạo cao siêu thời tối tăm, lặng lẽ. Người đừng nghe, đừng nhìn. Lấy tĩnh lãng ôm ấp cái thân thời hình hài nhiên hậu sẽ hẳn hoi. Hãy tĩnh, hãy thanh, đừng mệt cái hình, đừng động cái tinh. Như vậy thời có thể trường sinh.» (Nam Hoa Kinh, Tại Hựu XI, C).
Hoàng Đế Nội Kinh đúng theo truyền thống Lão Trang đã trình bày về phương pháp dưỡng sinh như sau:
«Hoàng đế hỏi Thiên sư rằng: Tôi nghe người đời thượng cổ đều sống tới linh trăm tuổi, mà sức khỏe không hao sút, đến người đời nay mới 50 mà sức khỏe đã kém sút. Đó là vì thời thế khác chăng? Hay là lỗi tại người chăng?
«Kỳ Bá thưa rằng: “Về đời thượng cổ, những người biết Đạo, bắt chước Âm Dương, điều hòa thuật số, uống ăn có mức, khởi cư có thường, không làm quá sức, cho nên gìn giữ được cả hình hài và tinh thần, sống trọn số trời, linh trăm tuổi mới thác.
«Người đời nay, thì không thế: lấy rượu thay làm nước uống, lấy càn bậy làm sự thường, đang lúc say lại nhập phòng: vì lòng dục làm kiệt mất tinh, hao tán mất khí chân nguyên; không biết giữ gìn cẩn thận, không biết điều dưỡng tinh thần, chỉ cốt cho được khoái tâm, không biết được cái thú dưỡng sinh, khởi cư không có điều độ … Cho nên mới độ 50 tuổi đã rất là suy yếu.
«Bậc thánh nhân đời thượng cổ đã răn dạy người dưới biết xa lánh hư tà tặc phong, trong lòng điềm đạm hư vô, chân khí thuận thủ, tinh thần bền vững, bậnh tật còn do đâu mà sinh ra được. Vì vậy nên chi sống nhàn mà ít dục, tâm yên mà không sợ, hình mệt mà không quá, chân khí điều hòa, mọi sự đều được mãn nguyện.
«Ăn đã đủ ăn, mặc đã đủ mặc, phong tục vui vẻ, trên dưới êm hòa, không hề ganh tị … Nên dân về thời kỳ đó gọi là Phác.
«Do đó những điều dâm tà không thể làm bận tâm họ, những điều ham muốn không thể làm mỏi mắt họ. Kẻ ngu, người khôn, người hay kẻ kém không phải sợ ngoại vật, nên mới hợp với đạo. Vì thế nên mới có thể sống linh trăm tuổi, mà sức khỏe vẫn không kém sút … Đó là bởi đức toàn vậy …» (Hoàng Đế Nội Kinh, Thượng cổ Thiên chân luận, Kinh Tố Vấn).
2. Người hiểu Đạo chẳng những phải biết vui khi sống, mà lại phải vui cả khi chết, vì đó là Thiên mệnh.
«Khổng tử đi chơi núi Thái Sơn, gặp Vinh Khải Kì bận cái áo lông bằng da hươu, quần dây lưng bằng thừng vừa gảy đàn cầm vừa hát lang thang trên cánh đồng Choanh.
Khổng Tử hỏi cụ: Cụ có cái gì mà vui vậy?
Đáp: Ta có nhiều cái vui lắm. Trời sinh ra muôn loài, chỉ có người là quí, mà ta được làm người, đó là một cái vui. Đàn Ông so với đàn bà, đàn ông được trọng, đàn bà bị khinh, vậy đàn Ông là quí, mà ta lại là đàn ông, đó là hai cái vui. Có những kẻ sinh ra không được thấy mặt trời mặt trăng, còn bọc trong cái tả đã chết rồi, nay ta đã được chín chục tuổi, đó là ba cái vui. Nghèo là cảnh thường của kẻ sĩ, và chết là số phận của mọi người. Ở vào cảnh thường mà được số phận của mọi người, có gì mà buồn?
Khổng Tử bảo: Đạt quan như vậy sáng suốt thay!» (Nguyễn Hiến Lê, Liệt Tử và Dương Tử, tr. 100. Liệt Tử, 1,5).
«Tử Lai có bệnh, hơi thở mạnh, sắp chết. Vợ con bao chung quanh mà khóc ré lên. Tử Lê đến thăm, thấy vậy nói: “Đừng có khóc. Ra hết đi. Chớ làm kinh động người gần chết”. Rồi đứng dựa cửa nói với Tử Lai: Lạ thay Tạo hóa! Rồi đây không biết buộc anh làm gì, bắt anh đi chỗ nào? Bắt anh làm gan chuột, hay bắt anh làm cánh trùng? Tử Lai nói: Cha mẹ sai con đi đông tây nam bắc, thời con phải vâng mạng. Đối với người, âm dương còn hơn cha mẹ. Đó bắt ta chết, mà ta không vưng, là ta nghịch mạng. Vả trời đất lấy hình chở ta, lấy sống làm nhọc ta, lấy già làm khỏe ta, lấy chết làm yên ta. Trời đất tốt với ta lúc sống, thì cũng tốt với ta lúc chết.
Tỉ như thợ đúc nấu kim khí. Nếu kim khí đòi: Tôi chỉ muốn thành cây kiếm Mạc Gia mà thôi, ắt thợ đúc cho nó là kim khí bất tường. Cũng như một người kia lúc chết nói: Tôi chỉ muốn trở lại làm người mà thôi, ắt Tạo Hóa sẽ cho nó là người bất tường. Trời đất là lò lớn. Tạo Hóa là thợ đúc. Tạo Hóa đúc ra hình nào, ta phải chịu lấy.» (Nam Hoa Kinh, Đại Tông Sư – Nguyễn Duy Cần, Trang Tử tinh hoa, tr. 171).
Chết chẳng qua là từ một cảnh này đổi qua một cảnh khác. Từ cảnh này đổi qua cảnh khác mà lo sợ, thì là một việc lo sợ hão như cảnh nàng Lệ Cơ… «Nàng Lệ Cơ, con một vị quan trấn thủ phong cương xứ Ngại, gả về cho vua nước Tấn. Lúc xuất giá rơi lụy đâm bâu. Khi tới hoàng cung, cùng vua đồng sàng, nếm mùi sô hoạn, rồi nàng lại hối hận giọt lệ ngày xưa…» (Tề Vật luận – Nguyễn Duy Cần, Trang Tử Nam Hoa Kinh, tr.79).
Với một quan niệm lành mạnh về sống chết như vậy, nên nơi thiên Dưỡng sinh chủ, Trang Tử đã thẳng thắn nói là Lão Tử đã chết, trong khi những người theo đạo Lão sao này thường đưa ra luận điệu rằng Lão Tử đã trở nên bất tử.
Và như vầy thì những chuyện bạch nhật thăng thiên sau này của đạo Lão chỉ là những huyền thoại không hơn không kém.
Sách Tính Mệnh Khuê Chỉ, nơi cuối quyển I đã cho biết là từ trước đến nay đạo Lão đã có tất cả 10.000 tiên lên trời giữa ban ngày, người thì cưỡi rồng, người thì cưỡi hạc, người thì cưỡi cá, người thì cưỡi gió mà lên tiên. Trong số đó, còn có 8000 lên trời cùng với cả nhà cửa.
Rất tiếc là vào thời ta, chẳng ai được diễm phúc bạch nhật thăng thiên, cũng như được chứng kiến những vụ bạch nhật thăng thiên. Suốt ngày nhìn lên trời, chẳng thấy chân nhân đâu, mà chỉ thấy chim chóc bay lượn, mà chỉ thấy phi cơ các loại tung bay trên nền trời.
3. Nhưng đối với Lão Trang, sống khỏe chưa đủ, sống vui chưa đủ, còn phải sống cho siêu thoát, còn phải tìm cho ra Đạo, còn phải trở về với Đạo, còn phải sống phối kết với Đạo.
Lão Tử viết:
«Muôn loài sinh hóa đa đoan,
Rồi ra cũng phải lai hoàn bản nguyên
Hoàn bản nguyên an nhiên phục mệnh,
Phục mệnh rồi trường vĩnh vô cùng.
Biết trường tồn mới là thông,
Trường tồn không biết ra lòng tác yêu.
Biết trường tồn muôn điều thư thái,
Lòng ung dung hưởng khoái công hầu.
Công hầu vương tước xa đâu,
Vượt thanh thần thánh lên bầu trời cao.
Lên trời thẳm hòa vào Đạo cả
Cùng đất trời muôn thủa trường sinh,
Xác tan chẳng hại chi mình.» (ĐĐK, ch.16)
Chương 10 Đạo Đức Kinh viết:
«Làm sao đem hết xác hồn
Hòa mình với Đạo chẳng còn lìa xa
Làm giữ vẹn tinh hoa,
Sống đời thanh thản như là Anh Nhi
Làm sao rũ sạch hà tì,
Gương lòng vằng vặc quang huy vẹn tuyền.
Thương dân trị nước cho yên,
Làm sao trong ấm ngoài êm mới là.
Cửa trời mở đóng lại qua,
Thuận theo chẳng dám phôi pha mệnh trời.
Muôn điều thông suốt khúc nhôi,
Ở sao vẫn tựa như người vô tri.
Những người đức hạnh huyền vi,
Dưỡng sinh muôn vật chẳng hề tâng công.
Sống đời vẫn tựa như không,
Cần cù lao tác chẳng mong đáp đền.
Giúp dân nhưng chẳng tranh quyền,
Ấy là đức hạnh nhiệm huyền siêu vi.»
Liệt Tử cho rằng: Muốn tìm được Đạo phải Hư Tâm. (Xem Liệt Tử, IV, 5. Nguyễn Hiến Lê, Liệt Tử và Dương Tử, tr. 145).
Và đây là sống Đạo theo Trang Tử:
«Tìm Trời phải quên đời, quên cảnh,
Quên phù sinh ảo ảnh bên ngoài.
Tâm hồn khi hết pha phôi,
Mới mong rực rỡ ảnh Trời hiện ra.
Đã thấy Đạo đâu là kim cổ,
Hết cổ kim vào chỗ trường sinh.
Ham sinh thời lại liêu linh,
Phù sinh chẳng chuộng, thần minh ấy là.
Hãy cố gắng vượt qua nhân nghĩa,
Hay quên đi nghi lễ của đời.
Quên mình quên cả hình hài,
Thông minh trí tuệ gác ngoài tâm linh.
Hãy hợp với vô hình vô tượng,
Cùng Đại Thông vô lượng sánh đôi.
Thế là được Đạo được Trời,
Thoát vòng biến hóa muôn đời trường sinh.
Ai chỉ vẽ sự tình sau trước,
Ấy Thày ta đại lược cho ta.
Thày ta muôn vậy điều hòa,
Mà nào kể nghĩa với là kể ơn,
Ban phúc trạch cho muôn thế hệ,
Mà chưa hề lấy thế làm nhân.
Trường tồn đã mấy muôn năm,
Mà chưa hề thấy có phần già nua.
Thày ta chở cùng che trời đất,
Lại ra tay điêu khắc muôn loài,
Thế mà một mực thảnh thơi,
Chưa hề có bảo là tài là hay.»
(Nam Hoa Kinh, Đại Tông Sư, các đoạn G. H. I. K.)
Các nhà bình giải đạo Lão trên thế giới ngày nay đều công nhận rằng: Tinh hoa Lão Trang cốt tại sự sống phối hợp với Đạo với Trời. Ngày nay người ta gọi thế là Đời sống huyền đồng, đời sống lý tưởng của các bậc thánh hiền trên thế giới không phân đạo giáo.
Đời sống Huyền đồng gồm ba giai đoạn:
1. Tẩy tâm (Vie purgative)
2. Viên giác (Vie illuminative)
3. Phối thiên (Vie unitive)
Trang Tử đã mô tả rất kỹ lưỡng về các giai đoạn của con đường Phối kết với Trời với Đạo ấy:
1. Trước hết là giai đoạn Hồi phục: Đừng để cho các công việc vụn vặt hằng ngày làm mình quên lãng mất bổn phận và mục phiêu tối hậu của cuộc đời. (Nam Hoa Kinh, Sơn Mộc XX, H)
2. Thoát vòng kiềm tỏa của ngoại cảnh, bế tỏa giác quan (Nam Hoa Kinh, Tại Hữu XI, C), siêu xuất khỏi tầm tri thức, và hình tượng thông thường (Nam Hoa Kinh, Thiên Địa, XII, D) gạn đục khơi trong tâm hồn, mà Trang Tử gọi là Tầm trai, hay Hư Tâm (Nam Hoa Kinh, Nhân Gian Thế IV, A. Liệt Tử, IV, N)
3. Tập trung tinh thần, xuất thần nhập định. Trang Tử gọi thế là Tọa Vong (Tề Vật luận, Đại tông sư, J).
4. Cuối cùng là sống hòa đồng với Đạo.
Nơi Thiên Tri Bắc Du (XXII, C) Nam Hoa Kinh, Trang Tử viết:
«Khiết Khuyết hỏi Bị Y về Đạo. Bị Y bảo: «Hãy giữ thân hình cho ngay ngắn, hãy tập trung tinh thần vào Duy Nhất, Trời sẽ hòa điệu với bạn. Hãy thu nhiếp trí lự, hãy hợp nhất với Tuyệt đối, Thần sẽ giáng xuống lòng bạn, đức sẽ trở nên vẻ đẹp của bạn, Đạo sẽ là nhà của bạn. Bạn hãy sống hồn nhiên ngây thơ như con nghé mới sinh, đừng tìm duyên cơ mà chi.» Nói chưa dứt lời, Khiết khuyết đã ngủ say (nhập định). Bị Y rất đẹp lòng, vừa đi vừa hát: «Xác như xương khô, Lòng như tro nguội, đã có chân tri, sá gì duyên cớ… Mịt mịt mờ mờ, vô tâm khinh khoát, người ấy là ai?»
Chuyện này có mục đích cho ta thấy con người có siêu xuất lên trên tâm tình, trí lự, có định tĩnh, vô vi, thì mới có thể tiến được vào cõi tâm linh siêu việt.
– Sống hòa mình với Đạo, Lão cũng như Trang gọi thế là Vô vi. Vô vi đây không phải là không làm, nhưng là một thứ hành động trác tuyệt, một đời sống siêu phàm, làm cho con người sống hợp nhất với Thượng đế. Chính vì vậy mà Đại sư Cưu Ma La Thập xưa đã dùng hai chữ Vô vi để dịch chữ Niết Bàn của Phật giáo. Lão Tử còn gọi đời sống này là Phối Thiên (ĐĐK 68), là Bảo Nhất (ĐĐK, 10). Trang Tử gọi thế là Đắc Nhất (Nam Hoa Kinh, Thiên Địa XII, A) là Hưu hồ Thiên quân (An nghỉ trong Thượng đế. Tề vật luận II, C), là Đắc kỳ hoàn trung (Nắm được điểm Trung của vòng tròn. (Tề vật luận II, C). Con người hoàn hảo như vậy Lão Trang gọi là Chân nhân (Trang Tử, Nam Hoa Kinh, Đại Tông Sư VI, A), hay Thiên Tử (Con Trời. Canh tang Sở, XXII, B).
Trang Tử viết: «Con người giác ngộ sẽ phát huệ, sẽ rũ bỏ hết những gì nhân tạo, chỉ còn thuần những gì thiên tạo. Ai mà đạt tới mức độ đó mới được gọi là dân trời (Thiên dân) hay con Trời (Thiên tử).» (Canh Tang Sở XXII, D. Nhân gian thế IV, A).
còn tiếp >>>
Chia sẻ bài viết:
LÊ CÔNG
0919.168.366
PHÚC THÀNH
0369.168.366
Một số cách an sao vòng Trường Sinh trong tử vi
TÍNH CÁCH, MẪU NGƯỜI, TRONG LÁ SỐ TỬ VI
7 nguyên tắc cơ bản sau cần phải xem kỹ trước khi bình giải một lá số Tử Vi
THẾ NÀO LÀ TUẾ PHÁ & NGŨ HOÀNG ĐẠI SÁT
BÍ QUYẾT SONG SƠN NGŨ HÀNH VÀ THẬP NHỊ THẦN ĐẠI PHÁP (TIÊU SA NẠP THỦY THEO THỦY PHÁP TRƯỜNG SINH)
Ý nghĩa của việc thờ bàn thờ Ông Địa
“BẢN GỐC” CỦA THƯỚC LỖ-BAN DÀNH CHO CÁC BẠN THẬT SỰ HAM MÊ PHONG THỦY !!!
LÊ LƯƠNG CÔNG
Trụ sở: Số 12, Trực Cát , Vĩnh Niệm, Lê Chân, Hải Phòng
Tel: 0919.168.366 - Hotline: 0919.168.366 - Email: nhadatcongminh@gmail.com
Copyright © 2019 https://leluongcong.com/