Đạo Học
23/08/2021 - 9:07 AMLÊ CÔNG 452 Lượt xem

Chương 1 TÌM HIỂU VỀ LÃO, TRANG

 

Nhân Tử Nguyễn Văn Thọ

Cho nên dành ít thì giờ để khảo sát Lão Trang, thiết tưởng không phải là một điều vô ích.Song song với đạo Phật, đạo Khổng, Đạo Lão là một đạo có tầm ảnh hưởng rất lớn đến dân chúng Trung Hoa và Việt Nam.

Trong bài này tôi sẽ lần lượt thuyết trình về:

1. Cái nhìn bao quát về đạo Lão.

2. Tinh hoa Lão Trang.

3. Những biến thái của đạo Lão qua các thời đại.

4. Những điều ta có thể học hỏi nơi Lão, Trang.

Sau cùng là Kết luận

I. CÁI NHÌN BAO QUÁT VỀ LÃO TRANG

Người có công sáng lập ra đạo Lão dĩ nhiên là đức Lão Tử.

Ngài tên thật là Lý Nhĩ, người nước Sở. Ngài sinh năm nào, mất năm nào, hiện nay các học giả vẫn còn bàn cãi. Phái thì cho rằng Ngài sinh ra trước đức Khổng. Phái thì cho rằng Ngài sinh ra sau thời đức Khổng. Học giả Henri Doré cho rằng Ngài sinh khoảng năm 584 và mất vào khoảng năm 500. Và cuộc hội kiến với Khổng tử được coi là vào năm 503.

Trong thiên Dưỡng sinh chủ của Nam Hoa Kinh, Trang Tử chép Ngài đã chết. Nhưng theo đà thời gian, các tín đồ đạo Lão tin rằng Ngài bất tử. Sử gia Tư Mã Thiên sống sau Trang Tử khoảng 200 năm đã chép rằng lúc cuối đời, Ngài qua ải quan rồi không biết đã đi về đâu.

Học thuyết của Ngài sau này đã được Liệt Tử (Liệt Ngự Khấu, khoảng 430–349), Trang Tử (Trang Chu, khoảng 360–280) làm cho sáng tỏ hơn. Trang Tử có tiếng hơn Liệt Tử nhiều, vì thế mà đạo Lão sau này còn được gọi là đạo Lão Trang.

Tuy nhiên để tăng uy tín cho đạo Lão, nhiều người còn gọi đó là đạo Hoàng Lão. Tức là muốn nói đạo Lão đã được Hoàng đế (– 2697) và Lão Tử sáng lập.

Ở Việt Nam hiện nay, đạo Lão có thể được gọi bằng những danh hiệu sau đây:

– Đạo Lão

– Lão giáo

– Đạo giáo

– Hoàng Lão

– Lão Trang

Đạo lão, thoạt kỳ thủy chỉ là một triết học, một nghệ thuật sống, một phương pháp tu luyện giải thoát dành cho một vài ẩn sĩ, nhưng từ thời Hán (Tây Hán: 206 tcn–23 cn; Đông Hán: 25–220 cn) với sự canh tân của Trương Đạo Lăng (chết năm 156) thuộc dòng dõi Trương Lương, vị quân sư lỗi lạc của vua Hán Cao Tổ (206–195) và của các anh em họ Trương cùng là con cháu sau này như Trương Giác, Trương Bảo, Trương Lương, Trương Lỗ, Trương Tu thời Tam Quốc (220–280) và của Cát Huyền (229–251), Trịnh Tư Viễn (cuối thế kỷ 3), Khấu Khiêm Chi (423), Cát Hồng Bão Phác Tử (281–340), đạo Lão đã trở thành một đạo giáo phổ cập vào quần chúng với các cuộc tế lễ, kinh kệ sám hối, công cộng, bùa chú, phương thuật v.v… Trương Giác, Trương Lỗ thời Tam Quốc suýt lật đổ được triều đình, và cuộc khởi nghĩa của Trương Giác được mệnh danh là giặc Khăn Vàng.

Các vua chúa đời nhà Đường (618–907) nhận Lý Lão quân là tổ phụ vì thế nên rất trọng vọng các đạo sĩ, lập đền thờ Thái Nhất và Ngũ Đế, cùng Lý Lão quân, cố gắng đi tìm tòi thần tiên để mong tiếp xúc. Nhiều vua Đường đã uống linh dược để mong được trường sinh. Các vua Hiến Tông (806–821), Mục Tông (821–826), Vũ Tông (841– 847), Tuyên Tông (847–860) đã điên loạn, hay đã tử vong vì linh đan của các đạo sĩ.

Các vua đời nhà Tống cũng rất trọng vọng đạo Lão. Năm 1015, Tống Chân Tông phong cho Trương Chính Tùy, cháu chắt Trương Đạo Lăng làm thiên sư, và ân tứ cho cả vùng núi Long Hổ Sơn.

Con cháu Trương Đạo Lăng từ đó được kế thế làm Thiên Sư và được thừa hưởng vùng núi Long Hổ Sơn. Vùng Long Hổ Sơn mãi đến thời Trung Hoa Dân Quốc mới bị quốc hữu hóa.

Đến đời nhà Nguyên (1260–1367), Nguyên Thế Tổ năm 1275 cũng phong cho Trương Tống Diễn làm Thiên Sư, nhưng đến năm 1281, nhân vụ kiện giữa Phật giáo và Lão giáo về quyển Hóa Hồ Kinh của Vương Phù (thế kỷ IV) – Hóa Hồ Kinh cho rằng sau khi Lão Tử đi qua ải Hàm Cốc đã sang Thiên Trúc để dạy đạo cho đức Phật – Nguyên Thế Tổ đã truyền đốt hết các sách đạo Lão, ngoại trừ quyển Đạo Đức Kinh.

Nhà Minh cũng không ủng hộ đạo Lão là bao lăm. Thời vua Vũ Tông (1506–1521) và thời vua Thế Tông (1522– 1566) đạo Lão đã cho in lại bộ Đạo Tạng. Bộ Đạo Tạng tức là toàn bộ thư tịch về đạo Lão gồm tất cả là 1464 bộ lớn nhỏ. Ở Việt Nam, không thấy đâu có được toàn bộ Đạo Tạng, chỉ thấy ít nhiều quyển sách lẻ tẻ về Đạo Lão. Ngoài các quyển Đạo Đức Kinh của Lão Tử, Xung Hư Chân Kinh của Liệt Tử, Nam Hoa Kinh của Trang Tử, ta còn thấy ít nhiều cuốn sách danh tiếng khác như: Tham Đồng Khế của Ngụy Bá Dương, Huỳnh Đình Kinh, Âm Phù Kinh, Thanh Tĩnh Kinh, Tính Mệnh Khuê Chỉ, v.v…

Đến đời nhà Thanh đạo Lão cũng không được hâm mộ.

Ngày nay, ở Đài Loan đạo Lão vẫn còn thịnh hành. Tất cả có 86 giáo phái, hoặc tổ chức đạo Lão được chính quyền bảo trợ, nhưng có 6 môn phái nổi bật nhất. Đó là:

1. Phái Chính Nhất hay phái Thiên Sư thuộc Long Hổ Sơn ở Giang Tây xưa.

2. Phái Mao Sơn với hai loại pháp môn: nội luyện theo Huỳnh Đình Kinh và võ thuật theo Kỳ Môn Độn Giáp.

3. Phái Thái Cực thuộc Võ Đương Sơn xưa với pháp môn tu luyện theo truyền thống Trương Tam Phong, và pháp môn vũ thuật trừ tà ma.

4. Phái Toàn Chân tu luyện theo tôn chỉ của Vương Trùng Dương.

5. Phái Thần Tiêu.

6. Phái Lư Sơn thiên về bí thuật giống như phái Chân Ngôn của Phật giáo.

Ở Việt Nam ta đạo Lão thường được biết nhiều về phương diện phù thủy, pháp môn. Nhưng thời Pháp thuộc, người Pháp đã chém giết rất nhiều thày phù thủy, nên ngày nay ảnh hưởng Lão giáo không còn mấy mạnh trong dân gian. Trong mấy chục năm gần đây, ở miền Nam Việt Nam Lão giáo lại được phục hồi, và đứng vào hàng Tam Giáo trong các đạo Cao Đài, hay Tam Tông Miếu.

còn tiếp >>>


Tin liên quan

Chia sẻ bài viết: 



Bình luận:

Hỗ trợ trực tuyến

Lê Công

0369.168.366

Nhà đất bán theo tỉnh thành
Nhà đất cho thuê theo tỉnh thành
Kinh Dịch
Tử vi
Huyền không Phi Tinh
Văn Hóa_Tín Ngưỡng
Thước lỗ Ban
Xen ngày tốt
Đạo Học
TIN NỔI BẬT

LÊ LƯƠNG CÔNG

Trụ sở: Số 31 - Mương An Kim Hải - Kenh Dương, Le Chan, Hai Phong

Tel: 0369168366 - Hotline: 0919.168.366 - Email: nhadatcongminh@gmail.com

Copyright © 2019 https://leluongcong.com/