Nhân Tử Nguyễn Văn Thọ
Trước hết tôi trân trọng cảm tạ ban tổ chức đã có nhã ý cho tôi được thuyết trình cùng quí vị trong một dịp quan trọng như hôm nay, quan trọng vì đánh dấu một thời gian ba năm tròn đối chiếu tôn giáo và mở màn cho một giai trình khảo sát mới.
Tôi rất phấn khởi vì thấy trong ba năm qua sự khảo cứu về các tôn giáo đã được diễn tiến hết sức nghiêm chỉnh, sự chia sẻ kinh nghiệm đời sống nội tâm trong tình huynh đệ cũng được thực thi một cách chân thành. Ngoài ra còn có nhiều diễn giả đã tỏ ra có những hiểu biết rất sâu rộng về các tôn giáo, đã tháo gỡ được nhiều then chốt đạo giáo, và đã phát quang được nhiều gai góc, cho Đại Đạo dần dần hiển lộ ra…
Đề tài tôi thuyết trình hôm nay là:
CÁC TẦNG LỚP TRONG CON NGƯỜI VỚI KHOA TÔN GIÁO ĐỐI CHIẾU.
Có điều đáng chú ý là Ban nghiên cứu giáo lý hình như cũng đã bắt đầu thuyết trình mọi loạt bài về CON NGƯỜI theo nhãn quan của mọi đạo giáo. Đó thực là một sự trùng hợp ngẫu nhiên lý thú. Dẫu sao thì bài thuyết trình này cũng sẽ không trùng phức với bài nào khác, vì đây là những riêng tư, những cảm nghĩ riêng tư, những cống hiến riêng tư của tôi đóng góp vào công cuộc tìm hiểu đạo giáo.
Nguyên tắc mà tôi theo khi soạn thảo đề tài này là: Trình bày về các tầng lớp con người làm sao cho giản dị nhất, đồng thời cũng để kiểm chứng nhất, dễ chứng nghiệm nhất, nhưng vẫn đem lại một cái nhìn hết sức bao quát, hết sức tinh tế về con người và đạo giáo.
Suốt hai mươi năm nay, ngay từ khi mới bước vào lãnh vực khảo sát các tôn giáo, tôi đã có một nhận định sơ khởi rằng: Nếu ta không hiểu rõ về con người, về bản thể con người, thì chúng ta không thể nào hiểu biết được thân thế và định mạng con người, cũng như không thể nào hiểu được bộ mặt đa dạng của các tôn giáo, cũng như không thể nào đánh giá được cho đứng đắn vai trò của các đạo giáo.
Chính vì thế mà cổ nhân Âu cũng như Á, khuyên ta trước hết phải BIẾT MÌNH.
Trên tiền điện nền thờ thành Delphes, có viết câu: GNOHTI SEAUTON, có nghĩa là BẠN HÃY BIẾT MÌNH.
Mạnh Tử từ hơn 2000 năm nay cũng đã viết: «Tận kỳ tâm giả, tri kỳ tánh dã. Tri kỳ tánh, tắc tri Thiên hĩ.» [2] 盡 其 心 者 知 其 性 也.知 其 性 則 知 天 矣.
(Thấu triệt lòng sẽ hay biết tính,
Hay biết TÍNH nhất định biết TRỜI…)
Và gần đây, Ben Aliona một thánh hiền Hồi giáo, mất năm 1934 cũng đã viết: «Ai biết Chân thể mình sẽ biết Thượng đế. Ai khảo sát Chân thể mình một cách chăm chú, sẽ tiến gần đến Thượng đế.» [3]
Trong bài thuyết trình này tôi sẽ trình bày cùng quí vị hai sơ đồ về con người. Sơ đồ nào cũng có cái lý của nó.
SƠ ĐỒ 1
Sơ đồ 1 về con người của tôi như sau:
Sơ đồ trên có rất nhiều lợi ích.
* Lợi ích thứ 1 là nó hết sức giản dị và rất dễ kiểm chứng. Chẳng hạn nó giản dị hơn quan niệm Thông Thiên học về con người với nhiều tầng lớp.
* Lợi ích thứ 2 là giúp ta hiểu ngay được chân lý cốt cán mà thánh hiền kim cổ bất phân đạo giáo đều nhất luật chủ trương. Chân lý cốt cán đó là: Con người có Thiên Tính, trong cái vỏ Nhân còn có cái cốt Thiên.
Chính theo chiều hướng đó mà thánh Paul đã nói: «Chính Thần Chúa hợp với thần ta để chứng minh rằng chúng ta là những con Thiên Chúa.»(La Mã, 8,16).
Về phía đạo Nho, Kinh Thư đã viết:
Nhân tâm duy nguy, 人 心 惟 危
Đạo tâm duy vi, 道 心 惟 微
Duy tinh duy nhất, 惟 精 惟 一
Doãn chấp quyết Trung.[4] 允 執 厥 中
(Lòng của Trời siêu vi huyền ảo,
Lòng con người điên đảo ngả nghiêng,
Tinh ròng chuyên nhất ngày đêm,
Ra công ra sức giữ nguyên lòng Trời.)
Kinh BrHadaranyaka Upanishad có lời: «… Đấng ngự trong quần sinh, tuy vẫn khác biệt quần sinh. Đấng mà quần sinh chẳng biết, chẳng hay, Đấng mà quần sinh là thân xác, Đấng chi phối quần sinh từ phía bên trong, Đấng ấy là Đại Ngã của bạn, là đấng Chỉ Huy nội tại, trường sinh bất tử…» [5]
Về phía Phật giáo đại sư Vô Cấu Tử có bài kệ sau:
«Ngũ uẩn sơ đầu nhất đoạn không,
五 蘊 山 頭 一 段 空
Đồng môn xuất nhập bất tương phùng,
同 門 出 入 不 相 逢
Vô lượng kiếp lai nhầm ốc túc,
無 量 劫 來 賃 屋 住
Đáo đầu bất thức Chủ nhân ông.» [6]
到 頭 不 識 主 人 翁
(Đầu non ngũ uẩn một vầng không,
Vào ra cùng cửa chẳng tương phùng,
Từ bao nhiêu kiếp thuê nhà ở,
Tới nay nào biết chủ nhân ông…)
Âm Phù Kinh bên đạo Lão đã được mở đầu như sau:
«Thiên Tính nhân dã, 天 性 人 也
Nhân tâm cơ dã, 人 心 機 也
Lập Thiên chi đạo, 立 天 之 道
Dĩ định nhân dã…» 以 定 人 也
(Thiên tính là người,
Nhân tâm là máy,
Lập ra Thiên đạo
để định con người…)
Tập san Cao Đài Giáo Lý, số 85, trong bài QUI Y PHẬT có thơ:
Ai cũng muốn thành Tiên cho chóng,
Mà quên rằng Phật sống nơi tâm.
Đầu non chót núi vái thầm,
Hang cùng nẻo tận ráng tầm cho ra,
Sao không nhớ lại lời Cha,
Định tâm thì thấy có xa đâu nào.
Lại có thơ khác:
Tỉnh giấc chiêm bao ở trẻ bầy,
Đừng tìm non núi hoặc cung mây,
Cao Đài vốn ở lòng con đó,
Bỏ tính tham si sẽ gặp thầy.
Ta có thể mượn lời cựu tổng thống Ấn Độ là Radhakrishnan mà quảng luận thêm như sau:
«Chân thể, lồng trong tâm khảm muôn loài, chính là tinh hoa tâm hồn con người. Bé hơn hết mọi sự mà cũng lớn hơn hết mọi sự, tinh hoa ấy tiềm ẩn trong tâm vạn hữu. Cái học thuyết làm cho bộ kinh Áo Nghĩa Thư được nhiều người trên thế giới hay biết, đó là học thuyết TAT TVAM ASI (Con là Cái Đó). Vĩnh Cửu đã ở ngay trong con người, Thần Linh đã ngự trị nơi tâm khảm con người. Vị Thủy Tổ Muôn Loài, mà ngũ quan chẳng biết, chẳng hay, mà bao lớp lang hiện tượng như những bức màn vân vụ đã làm khuất lấp, vị Thủy Tổ ấy vẫn ngự trị, vẫn sống động trong tâm hồn con người.» [7]
* Lợi ích thứ 3 là nhờ suy nghiệm được rằng: Trong mình có Trời, có bản tính Trời, có Chân Như Phật tính, con người đã nhận ra được giá trị siêu việt của mình làm cho mình trở nên trang trọng, đồng loại đồng chung trở nên trang trọng:
Chính vì thế mà Nho gia luôn luôn có một thái độ trang kính: «Xuất môn như kiến đại tân, sử dân như thừa đại tế!» [8] 出 門 如 見 大 賓, 使 民 如 承 大 祭 (Ra khỏi cửa trang trọng như đón khách quí, sai sứ dân nghiêm cung như hành đại tế…)
Xưa nay các vị đạt nhân, đạt đạo, vì tin tưởng rằng mọi người đều có Thiên tính, nên đã xác quyết rằng mọi người nếu biết đường tu luyện đều có thể đắc đạo, thành Tiên, Phật, Thánh.
Đạo Sinh (372-434) thời Nam Bắc Triều đã nói một câu bất hủ sau đây: «Xiển đề chi nhân, giai hữu Phật tánh, giai đắc thành Phật.» 闡 提 之 人 皆 有 佛 性,皆 得 成 佛 (Những kẻ cùng hung cực ác, cũng đều có Phật tính, cũng có thể thành Phật.) [9]
Gần đây Radhahrishnan cũng viết: «Từ niềm xác tín rằng: Trong con người có Thần, ta suy ra rằng: Không một ai dù tội lỗi đến đâu, mà không thể được cứu rỗi không thể được giải thoát. Không nơi đâu mà trên khung cửa lại có viết rằng: ‘Vào đây là tuyệt vọng.’ Không có ai hoàn toàn xấu. Có lẽ những kẻ cùng hung cực ác là những con người bệnh hoạn, mà tình yêu đã mất mục phiêu chính đáng. Tất cả mọi người đều là con cái của sự trường sinh bất tử. Thần linh ở trong mọi người, như là phần thân thể mọi người, phần Chân Thể mọi người. Ở nơi một số người, thần linh ấy có thể bị vùi sâu, như một kho tàng chôn giấu dưới đống gạch vỡ vụn, hoang tàn của thô bạo, hung hãn, nhưng thần linh ấy vẫn y nhiên là thần linh, vẫn sống động, vẫn sẵn sàng hiển lộ khi có thời cơ thuận tiện.» [10]
* Lợi ích thứ 4 là cho ta thấy một cách sáng láng, rõ ràng rằng: Tìm ra được Chân Thể ấy dưới muôn lớp lang hiện tượng, và băng qua được muôn lớp lang hiện tượng, hình danh, sắc tướng để trở về được Chân Thể ấy chính là mục đích của con người và là tuyệt điểm của đạo giáo.
Đó là Đắc đạo, đó là Đắc Nhất, đó là Phối thiên, đó là đạt tới Niết Bàn, đó là TAT TVAM ASI «Con chính là Cái Đó.»
Thế là trở nên một, là kết hợp với Thiên Chúa theo các nhà huyền học Công giáo, hay Cơ Đốc giáo như Jean De La Croix, Thérèse d’Avila, Eckart, Tauler, Suso, Jacob Boehme (1575-1624) v.v… hay các nhà huyền học hồi giáo như Al-Hallag (?-922), Abu-Yazid, v.v…
Sự phối hợp này, theo Radhakrishnan, không thể giảng giải bằng những từ ngữ ngoại tại. Đây không phải là kính mến, không phải là thờ phượng Thượng Đế mà chính là một hoạt động có thể mô tả đuợc như là ta lồng trong Chúa, Chúa lồng trong ta. Chính vì thế mà Chúa Jesus mới nói:
«Ai thấy ta, thì thấy Cha. Sao ngươi có thể nói: Hãy chỉ cho tôi thấy Cha. Ngươi há không tin rằng: ta ở trong Cha và Cha ở trong ta. Những điều ta nói cùng các ngươi, không phải là tự ta nói, mà chính là Cha ở trong ta đã làm công việc. Hãy tin ta đi, ta ở trong Cha và Cha ở trong ta.» [11] Vị đại thánh Hồi giáo là Al-Hallag cũng nói y thức như vậy:
«Ta cùng với đấng ta yêu,
Hai đằng là một không chiều qua phân,
Một thân mà có hai thần,
Thấy ta, thấy Chúa cũng ngần ấy thôi.» [12]
Abu-Yazid, một vị thánh Hồi giáo khác cũng đã viết: «Một hôm Thượng Đế đem tôi lên đặt trước mặt Ngài và phán: «Hỡi Abu-Yazid, tạo vật ta muốn thấy Con.» Tôi liền thưa: «Xin Chúa trang điểm con bằng sự duy nhất Chúa, xin hãy mặc cho con cá tính Chúa, xin hãy nâng con lên cho tới sự hợp nhất với Chúa để hễ thấy Con, tạo vật sẽ nói: «Ta đã thấy Chúa. Và đó là Chúa chẳng còn có con nữa.» [13]
* Lợi ích thứ 5 là nó cho chúng ta thấy rõ ràng 2 quan niệm khác nhau về con người, về Thượng Đế, về đạo giáo về định mệnh con người. Hai quan niệm khác nhau này đã chia rẽ nhân loại từ mấy nghìn năm nay, và cho đến bây giờ vẫn còn tiếp tục chia rẽ như vậy.
Một quan niệm thì chấp nhận thuyết Tam Tài về con người, nghĩa là tin rằng:
Trong nhân tâm còn có Thiên Tính, còn có Thần Linh hoạt động, còn có Thượng Đế ẩn áo ngự trị.
Và như vậy, Thượng đế chẳng ở đâu xa mà đã ở sẵn ngay trong tâm khảm con người, không hề rời ta được phút giây, vì Ngài chính là sự sống của ta.[14]
Đạo giáo chỉ cốt dạy con người rũ bỏ phàm tâm, để mặc lấy thiên tâm, thiên tính, để kết hợp nên một với Trời, để có thể nói như Chúa Jesus:
«Ta ở trong Cha và Cha ở trong ta.» (Joan, 14,9,10) hay như thánh Paul: «Tôi sống chẳng phải là tôi sống, mà là Chúa sống trong tôi.» (Galates, 2,20)
Nếu con người đã có sẵn Thiên Tính tàng ẩn nơi tâm, thì có thể tự giải thoát mình bằng sự bừng tỉnh tâm linh, giác ngộ bản tính. Thế tức là:Minh tâm kiến tính thoát luân hồi. (Phật giáo); thế tức làBát Nhã Ba La Mật; thế tức là Viên Giác (Gnose) của các nhà huyền học đông tây.
Định mệnh sang cả của con người là sau trước sẽ trở thành Thần Linh, sẽ thực hiện được Chân Như, Chân Thể sẽ Phối Thiên. Ai hay thì đạt đích trước, ai dở thì đạt đích sau. Ai hay thì đạt đích trong một đời, ai dở thì đạt đích sau nhiều hay rất nhiều kiếp. Nhưng chung cuộc, nhưng rốt ráo thì ai cũng như ai. Đó chính là thuyết:Vạn hữu chung cuộc sẽ phục hồi nguyên thểcủa các nhà huyền học Đông Tây, mà Origène một giáo phụ Công giáo (thế kỷ thứ 3, mất khoảng 253 hay 254) gọi là Apocastatase Universelle.[15]
Quan niệm thứ hai cho rằng:
Con người chỉ có xác và hồn, chứ không có Thần, do đó con người chỉ có Nhân Tính, chứ không có Thiên Tính.
Cộng đồng Latran IV (1215) và Vatican I (1869-1870) đã xác định con người chỉ có hai phần hồn và xác, và không chấp nhận quan niệm tam tài của Platon, của phái Manichéens, của phái Gnostiques, của phái Apollinaristes, v.v…[16]
Do đó Thần Linh hay Thượng Đế không thể nào có được thường xuyên nơi tâm hồn con người. Ngài ngự trên thiên đường huy hoàng rực rỡ, xa cách hồng trần muôn vạn dặm, luôn sống trong hoan lạc âu ca, giữa muôn tiếng tung hô, xưng tụng của thần thánh, hay cùng lắm là ngự nơi những giáo đường nguy nga đồ sộ. Do đó, đạo giáo cốt là dạy con người thời phượng kính sợ, van vái, khẩn cầu Thượng Đế, đấng oai nghiêm, công thẳng, chí tôn vô đối đó, chịu lụy Ngài, làm tôi Ngài, để sau này được lên thiêng đàng, hướng Thiên nhan, cùng thần thánh muôn đời ca tụng Ngài.
Do đó, con người không thể kết hợp với Trời, và bao giờ cũng như bao giờ Trời người xa cách nhau muôn trùng, vì bản thể đôi đàng cách biệt nhau hết sức.
Do đó, nhân loại xưa cũng như nay, chỉ là thứ nhân loại sa đọa, dơ dáy, xấu xa, cần được thương xót, cần được cứu vớt bằng hồng ân Thượng đế, bằng ơn cứu chuộc, bằng máu cực thánh Ngôi Hai giáng thế…
Và như con người có tốt xấu khác nhau, thì định mệnh con người có sướng khổ khác nhau. Sau một kiếp người thử thách, nếu tốt thì lên thiên đường hưởng phúc đời đời, nếu xấu thì sa đọa địa ngục hỏa hào muôn đời muôn kiếp…
Phương cách trình bày trên đây đã làm nổi bật lên một cách hết sức rõ rệt rằng: sự khác biệt giữa các tôn giáo đông tây, giữa các môn phái công truyền và mật truyền xưa nay thực ra cũng chỉ xoay quanh hai vấn đề trên: hai quan niệm trên về con người.
Ta có thể nhận định một cách khái quát như sau:
– Các phái huyền tông, mật giáo theo quan niệm 1, nghĩa là theo quan niệm Tam Tài về con người.
– Các đạo giáo công truyền, ngoại giáo đều theo chủ trương 2, nghĩa là theo quan niệm lưỡng nguyên về con người. Người là người, Trời là Trời, không thể trộn lẫn.
Chẳng hạn như ở Hy Lạp xưa, thì các phái mật tông của Dionysos, hay của Orphée đều theo quan niệm 1, cho rằng con người có thể trở thành thần minh, còn phái theo Homère và quần chúng Hy Lạp thì cho rằng con người vĩnh viễn chỉ là con người…
Cũng nên thêm rằng xưa nay Hiền Thánh, Tiên, Phật đều nhất luật theo quan niệm 1.
Cho nên điều tối quan trọng đối với chúng ta, khi khảo sát, khi đối chiếu tôn giáo, là phải cân nhắc, là phải suy cứu về hai quan niệm nói trên, để rồi ra dứt khoát lập trường, lựa chọn cho mình một niềm tin, và một hướng tiến.
* Lợi ích thứ 6 là sau khi đã xác định rằng Thần Minh chính thực đã nội tại, đã tiềm ẩn nơi lòng sâu mỗi một con người, nếu ta vẽ thêm vào sơ đồ trên hai hướng tiến: Hướng ngoại, hướng nội, thì sơ đồ trên sẽ giúp ta đánh giá được mọi hoạt động của con người, mọi hoạt động của đạo giáo.
Hướng ngoại cốt là để phục vụ tha nhân và ngoại cảnh.
Hướng nội cốt là để phục hồi Thiên Tính, trở về Thiên vị, chính vị.
Trong bài Trung Thu mẹ nhủ con hiền, do đức Vô Cực Từ Tôn Diêu Trì Kim Mẫu giáng cơ ngày 1 tháng10- 1972 và đăng trong Cao Đài Giáo Lý số 80, nơi trang 6, có đoạn sau:
«Biết rằng đời tu thân hành đạo của các con phải có hai phần: Một là hướng ngoại, hai là hướng nội.
Hướng ngoại để liên ái đoàn kết, trao đổi kinh nghiệm học hỏi, làm phương tiện để cầu tiến. Còn hướng nội để các con lắng nghe tiếng nói của lương tâm lời dặn dò của bản linh chân tánh, cái Chân lý của tâm linh.
Hướng nội để các con rời bến mê đến bến giác mới mong trở về cùng Thầy cùng mẹ, hay nói một cách khác trở về cùng khối Đại Linh Quang…»
Thánh hiền xưa nay đều nhất luật chủ trương như vậy. Nói lại cho rõ hơn: Con đường tìm đạo, tìm trời, con đường giải thoát, con đường từ phù sinh khổ ải dẫn tới Niết Bàn tất yếu phải là con đường Nội Tâm.
Katha Upanishad đã viết:
«Đại Ngã trổ cửa giác quan thông ra phía ngoài,
Cho nên người ta nhìn ra ngoài, mà không biết nhìn vào trong lòng mình.
Có vài kẻ khôn ngoan, trong khi đi tìm trường sinh bất tử,
Nhờ nội quan quán chiếu đã trực diện quan chiêm được Đại Ngã.» [17]
Chandogya Upanishad viết: «Bao quát mọi hoạt động, bao quát mọi ước mơ, bao quát mọi hương vị, bao quát cả hoàn võ này, mà vẫn vô ngôn, vô ý đó là Đại Ngã của tôi, lồng trong tâm khảm tôi, đó là Brahman Thượng Đế. Sau khi từ biệt cõi trần này tôi sẽ thể nhập vào trong Ngài…» [18]
Thánh Thomas d’Aquin đã nói: «Nhiều tâm hồn thật hết sức là mù quáng, hết sức là điên cuồng. Họ luôn luôn tìm cầu Thượng đế, khao khát ước mơ Thượng đế, trong khi mà tâm hồn hồn họ thực ra lúc nào cũng là tòa ngai Thượng đế, vì tâm hồn họ chính là nơi sở cư của Thượng đế.» [19]
Lục Tổ Huệ Năng cũng thường đề cập đến bí quyết: «Tìm Phật ở đáy lòng.» Ngài nói: «Phật tự tính trung tác, mạc hướng thân ngoại cầu.» 佛 自 性 中 作, 莫 向 身 外 求.[20]
(Phật do trong tính khởi lên,
Chứ đừng vất vả kiếm tìm ngoài thân.)
Bồ Đề Đạt Ma sư tổ, vị sáng lập Thiền Tông tại Trung Quốc, là người tha thiết nhất với vấn đề đi vào nội tâm để tìm Phật tính, tìm Bồ đề, Niết bàn. Ngài chủ trương: «Bất lập văn tự, trực chỉ nhân tâm, kiến tính thành Phật.» 不 立 文 字 直 止 人 心, 見 性 成 佛.
Lĩnh hội vi ý sách Đạt Ma Huyết Mạch Luận[21] ta có thể thâu tóm tư tưởng của ngài Bồ Đề Đạt Ma bằng mấy vần thơ sau đây:
Chân tâm bao quát đất trời,
Xưa nay chư phật chẳng ngoài Chân tâm.
Chẳng cần lập tự lập văn,
Trước sau chư Phật tâm tâm tương truyền.
Tâm ta gồm mọi sự duyên,
Mọi đời sau trước, mọi miền gần xa.[22]
Tâm ta là chính Phật đà,
Phật đà ở tại tâm ta chẳng ngoài.
Niết bàn, Viên giác, Như Lai,
Ngoài tâm tìm kiếm công toi, ích gì.
Ngoài tâm tìm kiếm được chi,
Niết Bàn đâu có lối về ngoài tâm.
Tự tâm chí chính, chí chân,
Tự tâm là Phật, tự tâm Niết Bàn.[23]
Ngoài tâm tìm kiếm đa đoan,
Tay không bắt gió mơ màng hư vô.
Tâm ta tạo Phật cho ta,
Bỏ tâm tìm Phật hỏi là tìm đâu.
Phật tâm, tâm Phật trước sau,
Ngoài tâm tìm Phật hỏi sao chẳng lầm.
Cho nên phải biết hồi tâm,
Nội quan quán chiếu mà tầm siêu linh.
Bản lai diện mục của mình,
Muốn tìm thời phải ly hình nhập tâm.[24]
* Lợi ích thứ 7 là nhờ vẽ ra hai chiều hai hướng nói trên, chúng ta sẽ hiểu những danh từ mà xưa nay ý nghĩa hết sức là mơ hồ. Đó là :
– Trở lại Đạo
– Tái sinh (Sinh ra lần thứ hai)
– Hồi hướng
– Phục, Phục phản (Quay trở về, quay trở lại), v.v…
Trước hết, theo Kinh Dịch, khi mà Âm đã tiến tới cùng cực, thì Dương bắt đầu tái sinh. Dịch gọi sự chuyển hướng biến hóa đó là Phục, là quay trở lại.
– Trong một ngày thì điểm hồi phục ứng với giữa giờ Tý, tức là 12 giờ đêm, và lúc ấy là khởi điểm cho một ngày mới.
– Trong 1 tháng, thì điểm hồi phục ứng với ngày mồng 1, vì mồng 1 là ngày mặt trăng sinh lại (Tô ¬ ), sau mấy đêm trời tối của cuối tháng.
– Trong 1 năm thì điểm hồi phục ứng với ngày Đông Chí, vì Đông Chí thì nhất Dương sinh, và trên bầu trời thì vừng Dương cũng xoay trở lại.
– Vì điểm hồi phục nói trên bao hàm ý nghĩa một sự sinh lại của vạn hữu, nên nó ứng với Tý trong 12 chi, với Nhâm trong thập can, với Thai của vòng Trường sinh, với Hư nhật thử của vòng Nhị thập bát tú, mà Thử là chuột cũng vẫn lại là Tý. Tất cả những chữ Nhâm, chữ Tý, chữ Thai đều nói lên ý nghĩa một sự thai nghén, một sự xuất sinh.
– Mà Dương tức là Tinh thần, nên tới điểm hồi phục ở vào khoảng nửa đời, khi mà:
«Mùi tục lụy, lưỡi (đã) tê tân khổ,
Đường thế đồ gót (đã) rỗ kỳ khu…»
Khi mà trên đầu mái tóc đã ngả màu sương, khi mà làm tâm sự bắt đầu đã ngả sang mùa thu của cuộc đời…
– Đối với nhân quần thì điểm hồi phục sẽ được đánh dấu bằng những sự văn minh tân tiến cùng cực của vật chất, bằng sự băng đọa của tinh thần, bằng sự suy thoái của các tôn giáo hữu hình bên ngoài, bằng sự tạm lánh mặt của thần minh để rồi sau đó lại tái xuất hiện với một nguồn sống mới, một chiều hướng văn minh tinh thần mới, một nhân loại mới vừa được tinh luyện qua nhiều gian truân, nhiều thử thách do chinh chiến, do khủng hoảng gian trần gây nên…
– Theo Dịch, thì Phục là kiến thiên địa chi tâm 見 天 地 之 心, là khi mà con người nhận ra được Tính chất Thần linh của mình, nhìn nhận ra được chân thể cao sang của mình, để rồi từ đó bước vào con đường thực hiện Thiên Chân.
Lúc mà con người bắt đầu nhìn ra được bản tâm, bản tính của mình, nhìn ra được chân giá trị của mình, nhì ra được mình chính là dòng dõi thần linh tiên phật, lúc ấy chính là lúc con người: TRỞ LẠI ĐẠO.
Trở lại đạo: đây không phải là bỏ tôn giáo này theo tôn giáo khác, mà chính là hết còn hướng ngoại, hết còn để cho vật dục, ngoại cảnh sai sử tâm linh mà chính là tâm linh đã biết sai sử ngoại cảnh, xác thân. Trở lại đạo là không còn để cho viên tâm, mã ý rong ruổi lạc lõng trên muôn ngả đường đời, mà quay về tu luyện bản tâm, bản tính.
Trở lại đạo: đây chính là trở về với Đại Đạo tiềm ẩn nơi tâm. Phật giáo gọi thế là: Hồi hướng, Hồi quang phản chiếu, Hồi tâm, Hồi tâm hướng đại, v.v… (xem Đoàn Trung Còn, Phật học từ điển).
Nho gia gọi thế là Phản thân nhi thành 反 身 而 成 (Mạnh Tử, Tận tâm chương cú thượng), Phản cầu chư thân 反 求 諸 身 (Trung Dung, chương I, Chú thích của Chu Hi), phản cung (quay về với mình).
Công giáo gọi thế là: Trở lại đạo, là hồi hướng (conversion), là ăn năn tội, là hối hận, phàn nàn (repentir) là tái sinh, là sinh lại lần thứ hai. (Joan 3, 1-9)
Trong một bài diễn văn thuyết giảng tại trường đại học Mc Gill ở Canada năm 1955, cựu tổng thống Ấn Độ Radhakrishnan đã nói như sau:
«Nước Trời thực ra là một tâm trạng, là một cuộc sống trên một bình diện cao đẹp hơn, một sự giác ngộ, một sự phát huệ tâm linh…
«Chân lý sẽ cho chúng ta tự do. Khi đức chúa Jesus nói: ‘Hãy ăn năn đền tội’, người đã muốn ám chỉ đến một sự thay đổi tâm trạng con người.
«Tiếng Hy Lạp dịch chữ Hãy ăn năn đền tội’là Meta-noia. Đó là một sự thay đổi tâm tư, một sự tiến hóa theo chiều hướng nội âm, một sự hiểu biết cao rộng hơn. Tâm thức con người đã hiểu được Siêu thể.
«Như vậy, đây không phải là một sự ăn năn thống hối thông thường, mà là một sự thay đổi toàn diện tâm tư, một sự thay đổi toàn diện về tầm nhìn, lối nghĩ, một sự phá mê, chuyển giác. Đó là một lối suy tư mới, cảm giác mới, hành động mới. Đó là một sự Tái sinh.» [25]
Chúa Jesus đã nói cùng ông Nicodème: «Con người nếu không tái sinh, sẽ không thấy được nước Trời. Tái sinh đây không phải là phàm nhân tái sinh, mà là con người huyền bí, nội tại, mà chính là thần nhân nơi con người tái sinh. Thế là bước lên một giai trình tiến hóa mới.»
Câu «Hãy ăn năn, hãy trở lại» ám chỉ sự quay trở lại của tâm hồn chúng ta. «Trừ phi các ngươi trở lại, và nên giống như con trẻ» Thế nghĩa là trong ta có một anh nhi , một xích tử, biết thưởng thức cái huyền bí, cái kỳ diệu của trời đất. Ngày nay, vì chúng ta lạc lõng trong cái thế giới thiên nhiên, vật chất, ngoại cảnh, nên cái huyền bí, cái ảo diệu của cuộc sống đã bị thực tại chôn vùi, khuất lấp mất, nó chỉ còn chập chờn đôi lúc trong ký ức ta, và lúc ấy chúng ta phảng phất hồi tưởng lại một cái gì chúng ta đã biết và đã có. Chúng ta phải phục hồi của sở hữu đã mất ấy, và phải phục hồi cái hồn nhiên, cái thư thái của tuổi thơ… Con người cần phải cải hóa mình, canh tân, tái tạo mình. Thánh Paul đã viết cho dân thành Ephèse: «Bạn hãy thức dậy đừng còn mê ngủ nữa, và hãy trỗi dậy khỏi hàng ngũ kẻ chết.»
Đạo Công giáo lúc ban sơ, khi chưa bị đoàn ngũ hóa, hình thức hóa, thực ra cốt là dạy con người làm bừng tỉnh khỏi giấc trầm kha mê lú. Chúa Jesus cũng như đức Phật là những người đã bừng tỉnh tâm linh, và dạy con người phương cách làm cho tâm linh bừng tỉnh. Nước trời không phải là cái gì ở trong tương lai, lai sinh, lai thế. Nước trời ở trong tầm tay chúng ta. Nước trời ở trong chúng ta. Khi nào chúng ta liễu đạt được trạng thái đó, chúng ta sẽ không còn bị những lề luật qui ước gian trần chi phối. Ngày thứ bảy đã được dựng lên vì con người, chứ không phải con người đã được dựng nên vì ngày thứ bảy.»[26]
* Lợi ích thứ 8 của sơ đồ với 2 chiều biến hóa nói trên, đối với tôi, đã giúp tôi nhìn thấy chiều hướng biến thiên của các đạo giáo qua các thế hệ từ xưa tới nay, và từ nay tới chung cuộc. Tôi xin trình bày cùng quí vị cái nhìn mới mẽ của tôi về đạo giáo này, và xin quí vị hãy coi nó như một giả thuyết…
Theo sự nhận xét của tôi, thì lịch sử các tôn giáo từ thuở ban sơ cho tới nay đã trải qua 3 thời kỳ:
THỜI KỲ I
Thời kỳ này bắt đầu từ ban sơ cho tới khoảng năm 1250 trước công nguyên, tức là cho tới khi Moise lập đạo Do Thái ở miền núi Sinai, khi đem dân Do Thái từ Ai Cập ra sống lang thang trong sa mạc.
Thời kỳ này có thể nói được là đạo giáo ở trong giai đoạn chữ Thiên, tuy là một chữ Thiên phù phiếm, ngoại tại… Lúc ấy, đại đạo lưu hành, chưa có tôn giáo cá biệt. Đặc điểm của thời kỳ này đối với các chân nhân là:
– Tin rằng con người có Thiên Tính, có Thần.
– Tin rằng Trời chẳng xa người và hằng lồng trong tâm khảm nhân quần vạn hữu.
– Tin rằng con người có thể tu luyện để phát huy thiên tính phát huy thần thông, thần uy thần lực.
– Tin rằng con người có thể vươn lên tới tuyệt điểm tinh hoa là Phối Thiên ngay từ khi còn ở gian trần này.
Chính vì thế mà nơi chương 68 Đạo Đức Kinh, Lão tử mới nói: «Thị vị Phối Thiên cổ chi cực.» 是 謂 配 天, 古 之 極. Thế mới nói được rằng Phối Thiên, kết hợp với Trời là tuyệt điểm tinh hoa của người xưa.
Đối với quần chúng thì đó là thời kỳ mà thần linh, mà ma quái tràn ngập trái đất. Đâu cũng có thần, đâu cũng có ma. Đúng là Thần cây đa, ma cây đề, hay một ngọn cỏ một giỏ ma.[27]
THỜI KỲ II
Thời kỳ từ khoảng những năm 1250 trước công nguyên đến những năm 1400 công nguyên.
Trong thời kỳ này lịch sử đạo giáo bước sang chữ Nhân. Lúc này, đại đa số nhân loại tin rằng:
– Con người chỉ Xác, có Hồn mà không có Thần.
– Trời Người tách biệt nhau muôn trùng. Trời cũng tách rời khỏi quần sinh vũ trụ.
– Con người chỉ có thể tu tâm, làm lành lánh ác.
Thời kỳ này là thời kỳ các vị giáo chủ lục tục giáng trần:
– Moise khoảng 1250 tcn.
– Lão tử khoảng 600 tcn.
– Đức Zoroastre khoảng 600 tcn.
– Đức Phật khoảng 500 tcn.
– Đức Khổng (551–479)
– Pythagore (580–500)
– Socrate (470–399)
– Platon (429–347)
– Jesus (–6 – +30)
– Mahomet (570-632).
Từ ấy mới có những tôn giáo riêng biệt: Do Thái giáo, Lão giáo, Bái hỏa giáo, Phật giáo, Khổng giáo, Thiên Chúa giáo, Hồi giáo,v.v…
Các vị giáo chủ giáng trần, tùy căn cơ mà dạy dỗ con người. Đối với những người có đại căn, thì dạy cho đại đạo, dạy cho chân truyền nội giáo, dạy cho biết rằng trong mình có Thần, có căn cốt Thần Tiên, Phật Thánh, dạy hồi quang quán chiếu, dạy thanh hư, định tĩnh để phục hồi Nguyên Tính, phục hồi Chân thần.
Đối với những người có hạ căn, thì dạy cho tiểu đạo, dạy cho ngoại giáo công truyền, nghĩa là dạy thờ phượng thần linh, làm lành lánh dữ, để cầu phúc thiên đường, thoát lửa địa ngục…
Và chúng ta thấy rằng suốt trong thời kỳ này, song song với các đạo giáo công truyền dành cho đại đa số quần chúng, lại còn có thứ nội giáo mật truyền dành cho một số đệ tử thân yêu. Chẳng hạn như đạo Phật có Chánh Pháp nhãn tàng truyền cho Ma Ha Ca Diếp, và đạo Phật công truyền dành cho đại chúng. Sau này thì có Thiền Tông và Tịnh Độ Tông tiêu biểu cho hai khuynh hướng đó.
Về phía Công giáo, nếu ta đọc Thánh Kinh, ta thấy rất nhiều đoạn ám chỉ hai thứ đạo đó. Ví dụ nơi câu 11, chương 4, Phúc Âm Marc, chúa Jesus phán: «Sự mầu nhiệm của nước Đức Chúa Trời đã tỏ ra cho các ngươi. Nhưng về phần người ngoài, thì dùng cách thí dụ để dạy mọi sự, hầu cho họ xem, thì xem mà không thấy, thì nghe mà không hiểu, để họ hối cải mà được tha tội chăng.»
Như vậy thì các vị giáo chủ xuống trần không phải là đem lại cái gì siêu việt mới cho nhân loại, cho trần hoàn, mà chính là muốn vớt vát lại cái gì siêu việt xưa mà nay đã mất. Các ngài thực ra là những nhân chứng sống động cho cái siêu việt xưa đã mất ấy. Mới hay:
Đạo Cả hết, đạo Huyền Đồng hết,
Mới lan tràn học thuyết nghĩa nhân,
Trí sinh, trá ngụy sinh dần,
(Dân gian còn biết Thiên Chân là gì.)
Tình gia tộc một khi suy giảm,
Hiếu tử sinh trong đám cháu con,
Giang sơn gặp lúc ám hôn,
Trung thần xuất hiện, giang sơn ly loàn.
(Đạo đức kinh, chương 18)
THỜI KỲ III
Từ khoảng thế kỷ XV cho đến nay, nhân loại đang đi tới chữ Địa. Đó là thời kỳ được khởi đầu bằng Phong trào Phục Hưng (Renaissance) ở Âu Châu, đó là thời kỳ mà Gutenberg đánh dấu bằng sự sáng chế ra nghề in, mà Magellan đánh dấu bằng những cuộc chu du bốn biển (1470-1521), mà Christophe Colomb đánh dấu bằng sự khám phá ra Mỹ Châu (1451-1500)
Trong thời kỳ này, nhân loại dần dần đánh mất luôn cái hồn của mình, và lại còn muốn khai tử từ Thượng đế đến các vị thần linh.
Nhiều triết gia đã chủ trương con người chỉ có xác, còn hồn là cái gì phụ thuộc, là sản phẩm của thân xác, mà phản ánh của thân xác. Từ nay xác thân là chính, ngoại cảnh là chính, xã hội là chính, kinh tế là chính, còn tâm thần chẳng qua là cái gì hư ảo.
Trong thời kỳ này, chua xót thay, các đạo giáo cũng càng ngày càng hướng ngoại, càng dính líu vào thế quyền, vào chính trị, càng thiên về phần hình thức sắc tướng, nghi lễ, cầu đảo, mà sao nhãng phần tinh hoa cao đại.
Chia sẻ bài viết:
LÊ CÔNG
0919.168.366
PHÚC THÀNH
0369.168.366
Một số cách an sao vòng Trường Sinh trong tử vi
TÍNH CÁCH, MẪU NGƯỜI, TRONG LÁ SỐ TỬ VI
7 nguyên tắc cơ bản sau cần phải xem kỹ trước khi bình giải một lá số Tử Vi
THẾ NÀO LÀ TUẾ PHÁ & NGŨ HOÀNG ĐẠI SÁT
BÍ QUYẾT SONG SƠN NGŨ HÀNH VÀ THẬP NHỊ THẦN ĐẠI PHÁP (TIÊU SA NẠP THỦY THEO THỦY PHÁP TRƯỜNG SINH)
Ý nghĩa của việc thờ bàn thờ Ông Địa
“BẢN GỐC” CỦA THƯỚC LỖ-BAN DÀNH CHO CÁC BẠN THẬT SỰ HAM MÊ PHONG THỦY !!!
LÊ LƯƠNG CÔNG
Trụ sở: Số 12, Trực Cát , Vĩnh Niệm, Lê Chân, Hải Phòng
Tel: 0919.168.366 - Hotline: 0919.168.366 - Email: nhadatcongminh@gmail.com
Copyright © 2019 https://leluongcong.com/