Đạo Học
29/11/2020 - 5:24 PMLê Công 871 Lượt xem

xem lại phần trên >>>>>

THỜI KỲ CHUYỂN TIẾP

Nhưng Dịch cùng tắc biến, sau thời kỳ này, sẽ là thời kỳ mà nhân loại bừng tỉnh, nhận lại được rằng trong xác còn có hồn, trong hồn còn có thần và nhận định ra được rằng mục đích đạo giáo chính là giúp con người trở thành thần linh, và trong toàn thế giới nảy sinh ra phong trào đối chiếu tôn giáo để mong tìm cho ra Đại Đạo, cho ra chân lý Vĩnh cửu.

Có lẽ ngày nay chúng ta đang dần dần bước vào thời kỳ chuyển tiếp này. Và Cao Đài giáo đang muốn phất lá cờ tiên phong, băng qua các tôn giáo để đi tìm lại Chân Đạo, đi tìm lại Đại Đạo, lâu ngày đã bị cát bụi thời gian lịch sử che mờ, khuất lấp.

Và sau đó sẽ có:

– Thời kỳ mà nhân loại biết đánh giá ngoại cảnh cho đúng mức, sẽ khắc phục được ngoại cảnh và dùng được ngoại cảnh làm phương tiện đắc lực giúp mình bồi dưỡng tâm thần.

– Sẽ có thời kỳ mà nhân loại, sẽ ra công tu luyện nội tâm, khắc phục dần dần được Phàm Tâm để khiến Thiên Tâm hiện.

– Và cuối cùng sẽ là thời kỳ mà nhân loại biết hàm dưỡng Thiên Tâm, biết triển dương Thiên Tâm cho tới mức tinh vi cao đại, để đi đến tuyệt điểm tinh hoa là phối Thiên. Nói hàm dưỡng, nói triển dương âu là nói để cho dễ bề hình dung, chứ Thiên Tâm là cái gì tuyệt diệu, là cái gì bất biến, là cái gì hằng cửu là cái gì bất tăng bất giảm, thì làm sao mà trau chuốt, thì làm sao mà tài bồi được. Thế tức là lúc Đắc Đạo mới thấy Đạo vốn đã sẵn có từ muôn thuở nên chẳng thể nói được là Đắc đạo, lúc đạt tới viên dung toàn mãn, mới thấy Đạo vốn toàn mãn viên dung, chẳng thể trau chuốt tài bồi, và mới thấy rõ ràng là người xưa đã nói đúng, khi nói:

Ly tâm duyên tướng, ly văn tự tướng, ly ngôn thuyết tướng. (Kinh Phật)

SƠ ĐỒ II

Trong phần trên đây, với những quan niệm Tam Tài và Lưỡng nguyên về con người, chúng ta đã thấy một cách khái quát giá trị và ý nghĩa các đạo giáo.

Tuy nhiên những hiện tượng đạo giáo đối với ta hãy còn hết sức là phức tạp. Chúng ta phải làm sao có thêm được ít nhiều tiêu chuẩn vững chãi khác để do đó có thể tháo gỡ và phân loại các hiện tượng đạo giáo.

Sau nhiều thời gian suy tư, tôi đã phác họa thêm 1 sơ đồ thứ hai như sau:

1- TÍNH = Thái Cực, Đạo (LOGOS, ESPRIT)

2- KHÍ = Hồn (âme aérienne, ANIMUS)

3- TÂM = Phách (âme liquide, ANIMA)

4- TRÍ = Trí (Mental, intellect)

5- XÁC = Xác (Corps)

6- GIA ĐÌNH, QUỐC GIA, XÃ HỘI (Famille, société, nation)

7- NGOẠI CẢNH VẬT CHẤT, BÁCH NGHỆ (Millieu physique mêtiers)

Đồ bản này tuy phức tạp hơn, nhưng thực vẫn là từ Đồ bản 1 suy diễn ra. Ta hãy so sánh:

SƠ ĐỒ I

SƠ ĐỒ II

THIÊN

TÍNH

NHÂN

HỒN – PHÁCH – TRÍ

ĐỊA

XÁC: Gia đình, Quốc gia, Xã hội, Ngoại cảnh, Vật chất, Bách nghệ

Và bây giờ nếu ta dùng Đồ bản 2 này như là một chiếc chìa khóa để mở các cánh cửa Hiện tượng đạo giáo, ta sẽ thấy mọi sự trở nên sáng tỏ.

– Vì con người sống trong thiên nhiên, bị ngoại cảnh vật chất chi phối nên con người phải làm làm để chế ngự ngoại cảnh, phải có nghề có nghiệp để làm ăn. Các đạo giáo khuyên ta nên lựa chọn nghề nghiệp hay mà làm.

– Vì con người có gia đình, quốc gia, xã hội, nên các đạo giáo có bổn phận dạy người tương thân tương ái, đối đạm với nhau cho công bình, cho bác ái. Đạo giáo nào cũng phải góp phần hữu hiệu vào công cuộc cải tạo xã hội.

– Vì con người có xác, có ngũ quan, nên đạo giáo nào cũng có những lễ nghi hình thức, cũng cần đến trống chiêng, đàn sáo, hương hoa, đèn sáp bên ngoài. Đó là hiện tượng Lễ nghi hình thức (Formalisme).

– Vì có trí khôn biết suy xét, lý luận, nên tôn giáo nào cũng có một số giáo lý để cắt nghĩa sự hình thành của vũ trụ, thân thể và định mệnh con người. Lạ lùng nhất, là cũng một giáo lý đạo này cho là chính, thì đạo kia lại cho là tà, và các tín hữu thì đều cho lập trường đạo giáo mình là chính đáng, giáo lý đạo mình là chân lý. Đó là hiện tượng Giáo điều (Dogmatisme)

– Vì con người có nhân tâm, có phách, là nơi dung chứa thất tình lục dục, nên đạo giáo nào cũng có một số giới luật, đại khái dạy làm lành lánh dữ, tôn trọng các huấn thị mà các vị lãnh đạo đạo giáo mình ban bố ra. Đó là hiện tượng Giới luật, tu trì (Morale et ascétisme)

– Vì con người có hồn, mà hồn là khí khinh thanh, nên bao giờ cũng ưa cái hay cái đẹp. Chính vì thế mà đạo giáo nào cũng thấy cần thiết phải đem cái hay cái đẹp lồng vào đạo giáo mình. Tất cả những hiện tượng đàn ca, trang trí hội họa điêu khắc, kiến trúc trong các tôn giáo, chính là mỹ thuật phục vụ tôn giáo. Đó là hiện tượng Mỹ thuật, nghệ thuật của đạo giáo (Esthetique et Art).

Có một số ít đạo gia, tu sĩ, sau khi đã chế ngự được dục tình, đã biết sống một cuộc sống thanh cao, khinh khoát, sảng khoái, hồn nhiên. Thế là họ đã biết đem mỹ thuật, đem nghệ thuật lồng vào đời sống họ. Họ đã học được nghệ thuật sống. Như vậy cái hiện tượng nghệ thuật nói trên thay vì điểm tô cho giáo đường, cho đền đài miếu mạo bên ngoài, đã xoay chiều để điểm tô cho tâm thần khí sắc con người…

– Cuối cùng vì con người có Tính có Thần, mà Thần mà Tính thì viên dung toàn mãn, nên đạo giáo nào cũng dạy con người thực hiện viên dung toàn mãn, tiến tới tinh hoa cao đại, tiến tới Chí Thiện, Chí Mỹ. Khi mà con người đã đạt tới viên dung toàn mãn, thuần túy chí thiện, thì tuệ giác sẽ triển khai. Lúc ấy Thần mình và Thần Trời đất là một, lúc ấy con người đã vượt được lên trên hết mọi hình thức sắc tướng biến thiên ảo hóa, thực hiện được Chân Thể vĩnh cữu trường tồn. Đó là Phối Thiên, đó là Niết Bàn, đó là thực hiện được Kim Cương thân, hay Pháp thân, hay luyện thành Cửu chuyển hoàn đan, hay Đắc Đạo, Đạt Thiên.

Đó là hiện tượng Huyền Đồng (Mysticisme) theo từ ngữ Âu Châu. Đó là lên hàng Tiên, Phật, Thánh, Thần, theo từ ngữ Á Châu.

Tất cả những hiện tượng đạo giáo nói trên một đàng thì tương ứng với các tầng lớp con người, phản ánh lại các tầng lớp trong con người, một đàng thì như là những nấc thang, những nhịp cầu đưa con người từ phù sinh đến vĩnh cữu. Còn kết quả hay dở là tùy con người có biết sử dụng hay không, những nấc thang ấy, những nhịp cầu ấy…

Đồ bản trên, cũng như các hiện tượng đạo giáo trên giúp ta hiểu thế nào là tùy cơ thuyết đạo, tùy căn truyền đạo.

Gặp hạ căn, thì dạy van vái cúng quải, cầu an, cầu phúc, gặp sĩ phu thì dạy suy tư, gặp tu sĩ thì dạy tu tâm luyện kỷ, gặp hiền nhân, thì dạy sống đời sống linh sảng, phiêu diêu, thoát tục. Gặp đại căn đại trí, thì truyền tự giác, tự ngộ, sống một lối sống tự nhiên, viên dung, bao quát, toàn thiện, toàn mỹ.

Cũng có thể thêm rằng:

– NGOẠI GIÁO CÔNG TRUYỀN thì dạy van vái cúng quải, dạy suy tư, dạy tu tâm luyện kỷ.

– NỘI GIÁO MẬT TRUYỀN thì dạy đời sống nghệ thuật, thần tiên, linh sảng, tự nhiên, viên mãn, cao siêu, vĩnh cữu trường tồn…

ÁP DỤNG THỰC HÀNH

Vương Dương Minh xưa đã thường chủ trương Tri hành hợp nhất. Tôi cũng chủ trương đã tri thời phải hành.

Nếu chúng ta đã tốn nhiều công khảo sát các đạo giáo, để tìm ra chân lý rốt ráo, để tìm cho ra Tinh hoa nhân loại, thì ta phải cố tìm cho ra chân lý rốt ráo và cố thực hiện cái Tinh hoa nhân loại đó cho mình, và cho người. Và như trên đã nói, chúng ta có lẽ đang sống trong một thời kỳ chuyển tiếp về phương diện đạo giáo, một thời kỳ so sánh, kiểm điểm, nhặt nhạnh, bòn mót, gạn lọc, chọn lựa, đào thải. Đào thải những cái gì dơ, chọn lựa nhặt nhạnh những cái gì hay, và như vậy chúng ta có những bổn phận hết sức là rõ rệt hết sức là bức thiết.

– Trước hết, chúng ta có bổn phận xác minh lại cho mình, cho người, cho nhân loại hay rằng: Con người vốn có Thiên Tính, có Phật Tính. Và chính vì có Thiên Tính, có Phật Tính, nên chúng ta đích thực là những vì Thiên tử tương lai, chứ không phải là con sâu cái kiến, chứ không phải là tôi đòi, chứ không phải là con nuôi, con xin, con nhặt. (Xem La Mã, 8, 14-18.8,29)

Đức Vạn Hạnh Thiền sư có nói: «Con người đứng trong hàng Tam Tài (Thiên, Địa, Nhân) nhờ đó con người dễ thường được gần gũi với các đấng Thiêng Liêng ở hàng thượng đẳng; vì trong con người đã sẵn có Thiên Tính, Thiên Tính có phát hiện, bộc lộ ra khi nào phàm tính được câu thúc, chế ngự…» [28]

Thánh kinh Công giáo cũng đã có lần long trọng minh xác: Con người chính là Thần linh, con người chính là Con Thiên Chúa, con người chính là dòng dõi Thượng Đế.

Thánh David đã nói trong Thi Thiên 82, câu 6: «Ta đã nói: Các người là Thần Linh và tất cả đều là con cái dòng tối cao.» Và chúa Jesus sau này cũng đã long trọng nhắc lại lời thánh kinh ấy trong Phúc Âm (John, 10,34).

Thánh Paul đã viết: «Chính Thần Chúa đã phối kết với Thần ta để xác minh rằng chúng ta là Con Thiên Chúa. Đã là con, thì cũng là kẻ được thừa hưởng gia tài, thừa hưởng gia tài Thiên Chúa, và cộng hưởng gia tài ấy với Chúa Jesus.» (La Mã, 8,16)

Thánh Paul đã long trọng tuyên bố trước Tối cao Pháp viện Hy Lạp rằng: «Chúng ta sống động trong Thượng đế, chúng ta là dòng dõi Thượng Đế.»(Công vụ sứ đồ, 17, 28-29).

Như vậy chúng ta là những kẻ không hèn, chúng ta là những người thuộc dòng dõi sang cả. Kẻ nào bảo chúng ta phàm hèn, kẻ nào làm nhụt nhuệ khí của chúng ta, làm mất niềm hiên ngang, hứng khởi của chúng ta, những kẻ ấy là những kẻ đầu độc tâm hồn ta, ta chớ có nghe theo họ…

– Kế đến chúng ta phải góp phần trả lại phần Thần cho con người, phải đem Thần Linh về với con người.

Thực vậy đã từ nhiều nghìn năm nay, nhân loại đã đánh mất Thần mình (Genesis, 6, 1-4) vì thế nên sa đọa, vì thế nên coi rẻ mình, coi rẻ người, vì thế nên cam tâm coi mình là những kẻ hèn hạ tù đầy nơi thế tạm, cho nên ngày nay chúng ta phải rao giảng cho mọi người rằng họ có phần Thần, phần Thiên trong mình, mà họ chẳng biết chẳng hay.

Ngày nay có lẽ là thời điểm, mà Thượng Đế sẽ trả lại phần Thần cho con người. Thời kỳ đó đã được tiên tri Ezechiel báo trước. Tiên tri Ezechiel nói lại lời Chúa như sau: «Ta sẽ ban lòng mới cho các ngươi, và đặt Thần mới trong các ngươi. Ta sẽ cất lòng bằng đá khỏi các ngươi, và sẽ ban cho các ngươi lòng bằng thịt. Ta sẽ đặt Thần ta trong các ngươi, và khiến các ngươi noi theo mệnh lệnh ta, thì các ngươi sẽ giữ mệnh lệnh ta và làm theo.» [29]

Chúa lại phán: «Ta sẽ đặt Thần ta trong các ngươi, và các ngươi sẽ sống.» [30] Và Chúa lại phán qua cửa miệng tiên tri Joel: «Sau đó, ta sẽ để Thần ta trên mọi xác thịt, con trai con gái các ngươi sẽ nói tiên tri, kẻ già sẽ chiêm bao, người trẻ sẽ thấy điềm lạ…» [31]

Và lạ lùng thay đức Cao Đài khi sáng lập ra Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ, đã tuyên bố rõ ràng: là muốn đem Thần mà trả lại cho con người.

Trong bài Thánh ngôn ngày 25-2-26, đăng tải trong Thánh Ngôn Hợp Tuyển, trang 8, có lời đức Cao Đài phán:

«Thần là khiếm khuyết của cơ mầu nhiệm từ ngà đạo bị bế. Lập Tam Kỳ Phổ Độ này, duy Thầy cho Thần hiệp Tinh Khí đặng đủ Tam bửu là cơ mầu nhiệm siêu phàm nhập thánh.»

«Từ ngày đạo bị bế, thì luật lệ hãy còn nguyên, luyện pháp chẳng đổi, song Thiên Đình mỗi phen đánh tản thần không cho hiệp cùng Tinh Khí. Thầy đến đặng hoàn nguyên Chân Thần cho các con đắc đạo.»

«Con hiểu Thần cư tại nhãn. Bố trí cho chư đạo hữu con hiểu rõ. Nguồn gốc Tiên Phật do yếu nhiệm tại đó. Thầy khuyên con mỗi phen nói Đạo hằng nhớ đến danh thầy.» [32]

Lời cơ trên kỳ kỳ ảo ảo, nhưng chung qui đã xác quyết: Lập ra đạo Cao Đài để hoàn nguyên Chân Thần lại cho con người. Và nếu con người không được hoàn nguyên Chân Thần, thì không sao thành Tiên, thành Phật được.

Điều bức thiết thứ 3 là đem được Thượng Đế trở về ngự trị nơi lòng mọi người.

Từ mấy nghìn năm nay, nhân loại vì quá sợ hãi Thượng Đế, vì quá kính trọng Thượng Đế, nên đã đưa người lên ngự trị trên những miền biên viên vũ trụ xa xôi, hoang vắng, lạnh lẽo. Chúng ta ngày nay, sau khi đã đối chiếu các tôn giáo, đã hiểu biết về chân thể con người, chúng ta có bổn phận mời mọc Thượng Đế trở lại ngự trị trong lòng nhân loại, trong lòng mỗi một người chúng ta, để Ngài được sưởi ấm lòng tình thương mến của chúng ta. Chúng ta hãy mạnh dạn, chúng ta hãy tha thiết mời mọc Ngài, khẩn khoản Ngài, như các môn đệ thành Emmaus xưa và nói: «Xin Thầy hãy ở lại cùng chúng tôi, vì bóng chiều đã ngả.» (Luke, 24,29)

Các thánh hiền xưa nay đều tin rằng: Thượng Đế không ở trong những đền đài miếu mạo do tay người làm ra, và Ngài chỉ muốn ngự trị trong lòng con người, chỉ muốn lấy lòng con người làm những đền thờ cho ngài yên nghĩ.

Nếu thực tình Thượng Đế thích ngự trị trong những đền đài huy hoàng do tay người tạo dựng nên, thì Chúa Jesus, thì Đức Phật, thì đức Lão, thì đức Khổng chắc chắn suốt đời đã đốc thúc môn đệ, đã khuyến cáo mọi người xây cất đền thờ. Thế mà các ngài chẳng có ai đã làm việc ấy.

Nếu Thượng Đế ưa ở những đền đài miếu mạo cao sang, thì ngay khi mở đạo Công giáo thánh Etienne (Công vụ sứ đồ, 7, 48-50) rồi thánh Paul đã chẳng tuyên xưng rằng: «Thượng Đế đấng tạo nên hoàn võ quần sinh, chúa tể càn khôn chẳng có ở trong những đền đài do tay con người tạo dựng nên.» (Công vụ sứ đồ, 17, 24)

Thánh Paul cũng đã nhiều lần xác quyết rằng: Lòng con người mới chính là đền đài của Thượng đế (1. Corinthians, 3- 16) mới chính là sở cư Thượng đế (Ephesians, 2-22), mới chính là đền đài của chúa Thánh Thần (1. Corinthians, 6- 19), và ngài khuyên chúng ta: «HÃY NGỢI KHEN VÀ HÃY MANG THƯỢNG ĐẾ TRONG THỂ XÁC ANH EM.» (1. Corinthians, 6-20)

Và đó cũng là những đặc điểm then chốt của đạo Cao Đài hiện nay. Trong một bài Thánh giáo có thơ rằng:

«Thầy ngự trong lòng mỗi chúng sinh,

Chúng sinh giác ngộ biết tu hành,

Thương yêu mựa tách người khôn dại,

Điều độ đừng chia kẻ dữ lành…»[33]

Trong một đàn cơ ngày 18, tháng 3 năm Nhâm Tý, tại Bát Nhã Tịnh Đường ta thấy có thơ:

«Thử hỏi Cao Đài ở chốn nao?

Người tu trở lại, trở về đâu?

Phải chăng tìm đến Cao Đài thượng,

Đài thượng vô vi tại đỉnh đầu…» [34]

Và trong nhiều đàn cơ Thượng Đế đã xưng mình là Thiên Nhãn, ngự trị nơi Nê Hoàn Cung, trung tâm đầu não con người. [35]

Khảo sát kỹ lưỡng các thánh giáo Cao Đài, tôi đã đi đến kết luận sau: «Sứ mạng chính yếu của Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ chính là đem Thượng Đế vào tâm khảm con người.»

Đức Ngô Minh Chiêu cũng đã khuyên chúng ta: «Hãy nhường cho Chí Tôn Thượng Đế ngự trị thật sự bền bĩ nơi tâm não của mỗi hiền.» [36]

Với sứ mạng ấy, với những đường nét chính yếu ấy, ta nhận định ngay được rằng Cao Đài giáo muốn phục hưng lại cái Đại Đạo mà từ lâu con người đã đánh mất, hay chỉ còn hiểu một cách hết sức lờ mờ. Và Đại Đạo chủ trương dạy người Vô Vi Tâm Pháp.

Sứ mạng Cao Đài buổi trước tiên,

Vô vi tâm pháp độ người hiền,

Tam Kỳ mạt hạ khai chân lý,

Dẫn dắt người phàm có thiện duyên.[37]

Tôi không phải là một tín hữu Cao Đài, nhưng thực ra đã đóng góp với Cao Đài tìm lại những đường nét chính yếu của Đại Đạo vốn lưu truyền từ thuở mới có loài người cho đến nay. Và những đường nét chính yếu của Đại Đạo tôi đã trình bày trong bài: MÙA XUÂN VŨ TRỤ TƯƠNG LAI VÀ ĐẠI ĐẠO, đăng trong tập san Cao Đài Giaáo Lý, rằm tháng 2, năm Mậu Ngọ.

Thưa quí vị,

Tôi xin tổng luận bài thuyết trình này bằng mấy lời tâm sự chân thành của tôi như sau:

Đem cống hiến qúi vị bài thuyết trình này, thực ra không phải là cống hiến suông tình, mà thực ra đã gửi gấm tất cả một mối nhiệt tình, tất cả một niềm mến thương vô hạn của tôi đối với quí vị. Cống hiến quí vị bài thuyết trình này cốt để làm rực sáng lên, làm sống động lên cái phần Thần nơi tâm linh quí vị. Tôi muốn làm bừng tỉnh lại cái phần Thần Linh nơi quí vị.

Thưa quí vị, hỡi các bạn thân yêu, các bạn chính là những thần linh, mà bùa mê, cháo lú không gian, thời gian hoàn cảnh, mà bùa mê bã dột các học thuyết đa đoan, đã làm cho quên mất dòng dõi sang cả của mình, quên mất định mệnh sang cả của mình.

Các bạn hãy thức tỉnh dậy, hãy thức tỉnh dậy, hỡi các bạn, hỡi những thần linh còn đang mơ màng trong giấc điệp triền miên của hồng trần, của tâm thức. Các bạn hãy tỉnh dậy đi, tỉnh dậy với một niềm xác tin rằng trong mình có căn cốt thần linh, trong mình còn tiềm ẩn những nguồn năng lực vô biên vô tận. Hãy tỉnh dậy để sống một cuộc sống mới, đầy sinh khí, đầy ánh sáng đầy hiểu biết, đầy thơ mộng, hãy sống chan hòa với tha nhân với vạn vật, hãy dùng đũa thần của con tim khối óc, của tay chân, của sự đồng tâm nhất trí, của bầu nhiệt huyết, của tình yêu thương kính trọng chân thành đối với đồng loại, để tạo dựng cho ta cho người một tương lai huy hoàng xán lạn…

Chúng ta phải đổi quan niệm về hạnh phúc lai sinh, về sự thanh quí lai sinh, bằng chủ trương mới là: Một đạo giáo chân chính không dạy con người trốn thoát đời, không dạy con người rằng họ sẽ phải khổ sở mãi mãi, ở cõi đời này, chờ tới khi lai sinh mới được thanh nhàn, cực lạc, mà phải dạy cho con người trở nên thanh quí ngay từ đời này, giúp con người hưởng hạnh phúc ngay từ khi còn ở cõi trần gian, giúp con người sống phối kết với Thượng Đế ngay từ trong cuộc sống này để chẳng còn bao giờ phải chia phôi.

Chính cũng trong chiều hướng này mà thi hào Tagore đã viết: «Kẻ tưởng rằng trốn khỏi cuộc đời, sẽ gặp được Thượng Đế, họ sẽ gặp được Thượng Đế bao giờ và ở đâu. Dẫu rằng họ có thể tháp cánh bay muôn vạn dặm, nhưng hỏi họ có bay được tới nơi hư tịch, không tịch được chăng ? Không! Kẻ hèn nhát, đã nghĩ trốn chạy, sẽ không gặp được Thượng Đế ở nơi đâu cả… Chúng ta phải có can đảm mà nói lên rằng: Tôi sẽ bắt gặp Thượng Đế ngay bây giờ, ngay ở nơi đây. Chúng ta phải xác tín như vậy, và trong mọi hành vi lao tác của chúng ta, chúng ta vừa thực hiện ta, vừa thực hiện Thượng Đế trong ta, vì Ngài là Chân ngã của ta…» [38]

Chân xác thay là cái nhìn của Tagore, hào hùng thay là niềm tin của Tagore. Trong Cao Đài Giáo Lý, số 85, bài Quy Y Phật cũng đã viết:

Ai cũng muốn thành Tiên cho chóng,

Mà quên rằng Phật sống nơi tâm;

     Đầu non chót núi vái thầm,

Hàng cùng nẻo tận ráng tầm cho ra.

     Sao không nhớ lại lời Cha,

Định tâm là thấy có xa đâu nào.

Theo gót các bậc thánh hiền kim cổ, từ nay sấp tới, thay vì tin rằng Nước Trời ở đây ở đó, hay Nước Trời ở giữa chúng ta, chúng ta sẽ đồng thanh tuyên xưng rằng: «Không! Không! Nước Trời ở đây, không ở đó; nước Trời không lộ liễu, mà nước Trời đã ở ngay trong tâm khảm ta.» (Luke, 17, 21)

Và nếu Nước Trời đã ở trong ta, thì Trời, thì Thượng Đế dĩ nhiên ở trong ta. Và dĩ nhiên, chúng ta phải đi con đường nội tâm mới tìm thấy đạo thấy trời.

Thế tức là: TRỰC CHỈ NHÂN TÂM, KIẾN TÍNH THÀNH PHẬT. (Thiền)

Thế tức là:

       Cả vạn vật ở trong ta đó,

       Quay về ta ta cố tinh thành,

       Kiện toàn hoàn thiện tinh anh,

       Vui nào hơn được vui mình đang vui… [39]

Đó là Chân lý, đó là Chân Đạo, đó là Đại Đạo vĩnh cửu miên trường mà trước khi ngừng lời tôi muốn trao lại hiến quí vị.

Sau hết xin kết thúc bằng một lời nguyện chúc: «Ước gì Thượng Đế, là đấng đã truyền cho ánh sáng bừng lên chói lọi trong tăm tối, sẽ bừng lên chói lọi trong tâm hồn quí vị…» (2. Corinthians. 4,6). Kính chúc quí vị thân tâm an lạc.

CHÚ THÍCH

[1] Bài thuyết trình tại Ban nghiên cứu giáo lý của Cơ Quan Phổ Thông Giáo Lý Cao Đài Giáo.

[2] Mạnh tử, Tận tâm chương cú thượng.

[3] Qui pourrait connaître son proprium, connaîtrait Dieu. Qui le scrute avec attention, s’approche de Dieu. – Lotus Bleu, Paris 39, p. 89-106. Gabriel Gobron, Histoire du Caodaisme, p. 91.

[4] Kinh Thư, Đại Vũ mô, 15.

[5] He who, dwelling in all things, yet is other than all things, whom all things are, who controls all things from within – He is your Self, the Inner Controller the Immortal…

 Br. Upanishad III, VII, 15,23. Cf. A Source book in Indian Philosophy, edited by Sarvepalli Radhakhrisnan and Charles A. Moore, Princeton University Press, London: Oxford University Press, 1957, p. 84.

[6] Tính Mệnh khuê chỉ, quyển 2, trang 11.

[7] The Real, which is the inmost of all things, is the essence of one’s soul. ‘Smaller than the smallest greater than the greatest, this essence of being lies hidden in the heart of the creature.’ The one doctrine by which the Upanishads are best known to the outside world is that of TAT TVAM ASI: The ETERNAL is in oneself. The Divine dwells in the secret places of the heart. ‘The ancient being imperceptible to the senses’ the BEING deep in the unknown wrapped in shadows, dwelling in the abyss, lives in one’s heart…’ Rhadhakrishnan, East and West. Some reflections. Harper and Brothers, Publishers, New York, 1956, p.22.

[8] Luận Ngữ, Nhan Uyên, 3-2.

[9] Lịch đại cao tăng cố sự, (Đạo Sinh), tr. 55.

[10] From the emphasis on the immanence of the Divine in man, it follows that there is not a single individual, however criminal he may be, who is beyond redemption. There is no place at whose gates it is written ‘Abandon all hope, ye who enter here. There are no individuals who are utterly evil. Their characters have to be understood from within the context of their lives. Perhaps the criminals are diseased fellowmen, whose love has lost its proper aim. All men are children of immortality, amrtasya putrah. The spirit is in every one, as a part of oneself, a part of the substratum of one’s being. It may be buried in some like a hidden treasure, beneath a barren debris of brutality and violence, but it is there all the same, operative and live, ready to come to surface at the first suitable opportunity. (Ib.27).

[11] Jean, 14, 9,10,11.

[12] «Je suis celui que j’aime, et celui que j’aime est moi.

Nous sommes deux esprits infus en un seul corps,

Si tu me vois, tu le vois, et si tu le vois, tu me vois.»

 Le divin Al-Hallag, éd. Massignon, p.57.

 Marijan Molé, Les mystiques musulmans, p.70.

[13] Abu-Yazid dit: « IL m’éleva un jour et me placa devant Lui»… et dit: «O Abu-Yazid, mes créatures veulent te voir.»Je dis alors: «Orne-moi de ton unicité, habille moi de ton individualité, élève moi à ton unicité, afin que me voyant, tes créatures disent: Nous t’avons vu. Et ce sera Toi et moi je n’y serai pas.»

 Marijon Molé, Les mystiques musulmans, p.56.

[14] Xem Thi Thiên 36, 9: «Vì nguồn sự sống ở nơi Chúa, trong ánh sáng Chúa chúng tôi thấy sự sáng.»– Kinh Thánh, Société biblique britannique et étrangère, Shanghai, 1925, tr. 660. (Joan, 15, 1-8. Joan, 14,6)

[15] Cf. Berthold Altaner, Précis de Patrologie, Les Précis Salvator, Editions Salvator Mulhouse, 1961, p.306.

 Xem Cao Đài Giáo Lý, số 76, tháng 3-1992, tr.1.

[16] Nguyễn Văn Thọ, Hướng tinh thần, tr.47.

[17] «The Self-existent pierced the openings (of the senses) outward,

Therefore one looks outward, not within himself.

A certain wise man, while seeking immortality,

Introspectively beheld the SELF face to face.»

Katha Upanishads, IV, 1-4,10-11. Cf. A Source Book in Indian Philosophy, p. 47.

[18] «Containing all works, containing all desires, containing all odors, containing all tastes, compassing this whole world, the unspeaking, the unconcerned – this is the SELF of mine within the heart, this is Brahman. Into him I shall enter on departing hence.» Chandogya Upanishad III, XIV, 1-2,4. A Source Book of Indian Philosophy, p.65.

[19] Baron von Hugel quotes the following passage attributed to St Thomas Aquinas: «Great is the blindness and exceeding the folly of many souls that are ever seeking GOD, continuously sighing after GOD, and frequently desiring GOD, while all the time, they are themselves the tabernacles of the living GOD… since their soul is the seat of GOD, in which he continuously reposes.» De Beatitudine, III, 3. Baron von Hugel, The Mystical Element of Religion, 1923, II, pp. 151-2. Cf. Radhakhishnan, East and West. Some Reflections, Harpers and Brothers Publishers, New York, 1956, p.72, note 1)

[20] Pháp bảo đàn kinh, quyết nghi phẩm.

[21] Tài liệu viết tay của Tam Tông Miếu (phần phiên âm). Léon Wieger có toát lược trong quyển Histoire des Croyances religieuses et des opinions philosophiques de la Chine, tr. 524 và tiếp theo (sách trên xin viết tắt Léon Wieger, HCROPC).

[22] Đạt Ma Huyết Mạch Luận: Tam giới bản khởi đồng qui nhất tâm. Tiên phật hậu Phật dĩ tâm truyền tâm, bất lập văn tự… Tùng vô thỉ khoáng đại kiếp lai, nãi chí thị vi vận động nhất thiết thời trung, nhất thiết xứ sở giai thị nhữ bản tâm, giai thị nhữ bản Phật… (Le monde tout entier est pensé dans le coeur. Tous les Buddhas passés et futurs ont été et seront formés dans le coeur. La connaissance se transmet de coeur à coeur, par la parole. Alors à quoi bon tous les écrits? Le coeur de chacun communie à ce qui fut dans tous les temps à ce qui est dans tous les lieux… (Léon Wieger, HCROPC, p.524)

[23] Tức tâm thị Phật diệc phục như thị. Trừ thử tâm ngoại mích Bồ Đề, Niết Bàn vô hữu thị xứ. Tự tính chân thật, phi nhân phi quá pháp, tức thị tâm nghĩa. Tự tâm thị Niết Bàn … (Đạt Ma Huyết Mạch Luận). Xem thêm: Wieger, HCROPC, p. 524, và: Nguyễn Văn Thọ, Tinh hoa Phật giáo, tr.89.90.

[24] Nhược ngôn tâm ngoại hữu Phật, cầu Bồ Đề khả đắc vô hữu thị xứ. Phật cập Bồ Đề giai tại hà xứ. Thí như hữu nhân, dĩ thủ đề hư không, đắc phủ… Trừ thử tâm ngoại kiến Phật, chung bất đắc dã… Tâm tức thị Phật, Phật tức thị tâm, tâm ngoại ký vô Phật, hà khởi Phật kiến, tế tương cuống hoặc… Nhược dục kiến Phật, kiến tính tức thị Phật… (Đạt Ma Huyết Mạch Luận) … Imaginer un Bouddha en dehors de son coeur, se figurer qu’on le voit dans un lieu extérieur, c’est du délire. Donc il faut tourner son regard, non vers le dehors, mais vers le dedans; il faut le concentrer en soi-même, et contempler en soi sa buddhéité… Wieger, HCROPC, p. 524. Xem thêm: Nguyễn Văn Thọ, Tinh hoa Phật giáo, tr. 91.

Dẫn chứng thêm ít nhiều câu khác của Phật giáo:

➀ «Hướng ngoại mà tìm cầu; Tất cả đều ngoan si; Hướng nội mà tùy xứ tiện nghi; Tất cả đều là chân thật.»(Lâm tế Lục thị chứng) cf. Đại đức Thích Thiên Ân, Triết học Zen, q. I, tr.103.

➁ Lục Tổ Huệ Năng còn nói: «Tự mình tu, tự mình hành, thấy Pháp thân mình, thấy Phật ở tự tâm mình, độ lấy mình, răn lấy mình mới được.» [Pháp Bảo Đàn Kinh – Sám hối phẩm, tr.61, Đoàn Trung Còn dịch].

Ngài còn nói: «Qui y Phật, thì Phật ở nơi đâu? Nếu không thấy Phật thì biết nơi nao tìm về.» Hoa Nghiêm kinh viết: «Qui y với Phật của mình, chớ chẳng qui y với Phật khác.» [Pháp Bảo Đàn Kinh – Sám hối phẩm, tr.64-65, Đoàn Trung Còn dịch].

[25] The kingdom of heaven refers to a state of mind, a higher level of being, the state of enlightenment, bodhi, vidya. Truth makes for freedom. When Jesus says «Repent», He refers to a change of conciousness. The Greek work translated as repentance is Meta-Noia. It is a change of consciousness, an inner evolution, a higher level of understanding. The heart of man can comprehend the higher reality. It is not penitence or regret but a complete change of mind and heart, a revolution in our outlook, the displacement of ignorance, avidya by knowledge, vidya. It is a new way of thinking, feeling, and acting. It is a rebirth. —  Radhakrishnan, East and West, p.73.

[26] «Unless a man is born anew, he cannot see the kingdom of God,» said Jesus to Nocodemus. Rebirth belongs not to the natural man, but the secret, internal, the spiritual man. It is another step in evolution. ‘Repent and be turned.’ It is a wirling round of our consciousness. ‘Except ye turn and become as little children.’ There is a child in us that is responsive to the magic and mystery of the world. We are generally lost in the world of objects and the things of sense. The mystery of life is destroyed by life and remains only a memory, dimly felt at moments recalling for a fleeting instant something that we knew once and possessed. We must recover this lost possession, recapture freshness and spontaneity. Man must change himself. The writer to the Ephesians says, ‘Awake thou that sleepest and arise from the dead.’ Christian teaching in its origin before it became organised and externalised was awakening from sleep through the light shed by the inner wisdom. Jesus like the Buddha was one who had awakened and taught others the way of awakening. The Kingdom of Heaven is not something in the future. It is at hand. It is within us. When we attained this state, we are freed from law. ‘The Sabbhath is made for man and not man for the Sabath.’ Radhakrisnan, East and West, Some Reflestions, p.73.

[27] Le Dieu un, en effet, et seulement véritablement un, celui qui est la source unique, non seulement de toute vie morale, intelligence, sagesse, justice, amour, c’est un Dieu qui durant des siècles, est resté comme une sorte de Deus Ignotus et qui n’a dautel que dans le coeur de l’homme: c’est Panthée, Panthée est le divin qui réside dans tout ce qui vit et se meut, dans les mortels comme dans les immortels. —  Jules Baissac, Les Origines de la Religion, Tome I, Paris, G. Decaux, Libraire éditeur, 7 Rue du croissant, 7, 1877, p.77.

[28] Xem bài Thiên Tính trong con người, Vạn Hạnh thiền sư, Cao Đài Giáo Lý, số 78, tr. 23, 27.

[29] Ezechiel, 36,25-27.

[30] Ezechiel, 37, 14.

[31] Joel 2,28. Xem thêm Công vụ sứ đồ, 2, 17-21.

[32] Đồng Tân, Lịch sử Cao Đài, Đại đạo Tam Kỳ Phổ Độ, quyển 2, phần phổ độ, 1926-1927. Cao Hiên xb, 1972, tr.97.

[33] Đàn cơ tại Nam Thành Thánh Thất, giờ Ngọ, Mùng 1, tháng giêng năm kỷ dậu. – Xem Cao Đài Giáo Lý, số 91, tr.31.

[34] Xem Cao Đài Giáo Lý số 91, tr. 31.

[35] Xem: Đại Thừa Chân Giáo, tr. 56, 61; Cao Đài Giáo Lý, số 74 tháng giêng năm Nhâm Tý, tr.5; Cao Đài Giáo Lý, kỷ niệm rằm tháng hai Mậu Ngọ, tr.20.

[36] Cao Đài Giáo Lý, số 93, tr.22.

[37] Cao Đài Giáo Lý, số 93 tr.17.

[38] «Celui qui croit atteindre Dieu en s’enfuyant du monde, quand et òu s’attend-il à le rencontrer? Si loin qui’il s’envole, pourra-t-il s’envoler jusque dans le réant lui-même? Non, le lâche qui voulait prendre la fuite ne le trouvera nulle part. Il nous faut avoir assez de courage pour le dire: nous l’atteignons ici même, maintenant, à l’instant. Il nous faut en être sure, de même que dans nos actions, nous nous réalisons, ainsi, en nous-mêmes, nous le réalisons, lui qui est le moi du moi.» —  Tagore, Sadhana, p.130 – Cf. Jean Murphy, Origines et Histoire des Religions, Traduction française de Jacques Marty, Payot Paris, 106 Boulevard St. Germain. 1951, p.312.

[39] Mạnh tử, Tận tâm chương cú thượng: Vạn vật giai bị ư ngã hĩ, phản thân nhi thành, lạc mạc đại yên. 萬 物 皆 備 於 我 矣,反 身 而 成,樂 莫 大 焉.

 st: Lê Công 


Tin liên quan

Chia sẻ bài viết: 



Bình luận:

Hỗ trợ trực tuyến

LÊ CÔNG

0919.168.366

PHÚC THÀNH

0369.168.366

Nhà đất bán theo tỉnh thành
Nhà đất cho thuê theo tỉnh thành
Kinh Dịch
Tử vi
Huyền không Phi Tinh
Văn Hóa_Tín Ngưỡng
Thước lỗ Ban
Xen ngày tốt
Đạo Học
TIN NỔI BẬT

LÊ LƯƠNG CÔNG

Trụ sở: Số 12, Trực Cát , Vĩnh Niệm, Lê Chân, Hải Phòng

Tel: 0919.168.366 - Hotline: 0919.168.366 - Email: nhadatcongminh@gmail.com

Copyright © 2019 https://leluongcong.com/