Đạo Học
29/11/2020 - 4:55 PMLê Công 840 Lượt xem

xem lại phần trên 

Rồi tôi xét lại mình tôi, thấy thông minh chẳng bằng ai, học hành chẳng bằng ai, đức độ chẳng bằng ai, thế mà tự nhiên được trời đất thương tình, run rủi vào con đường đạo hạnh chân chính, đó là đạo Phối Thiên.

Cách đây gần 50 năm nay, mà tôi đơn thương độc mã, đi được vào con đường này, thật là một chuyện hi hữu. Thoạt đầu tôi học đạo Khổng, nhưng lại được Trời chỉ vẽ cho biết con người gồm đủ Tam Tài: Thiên, Nhân, Địa, và gồm đủ Vật Đạo, Nhân Đạo, Thiên Đạo. Và từ đó tôi thấy rất là mãnh liệt rằng con người sinh ra, theo Nhân Đạo không, thì không đủ.

Vì con người có Thần, nên còn phải thành Thần nữa. Mà làm thế nào để thành Thần. Thưa là phải Phối Thiên.

Tôi gặp mấy chữ: Cao minh Phối Thiên trong Trung Dung, nơi chương 26 và 31, sau đó tôi gặp câu Thị vị Phối Thiên cổ chi cực trong Đạo Đức Kinh ch. 68, và 2 chữ Phối Thiên nhiều nơi trong Trang Tử, ví dụ nơi Chương 12, Thiên Địa, tiết E (Les Pères du Systène Taoiste, Tchuang Tzeu, 12, p. 297).

Tôi mới suy rằng nếu mà Tam Giáo Đồng Nguyên, thì chữ Nirvana phải có nghĩa là Phối Thiên, là Niết Bàn.

Sau đó, tôi mượn được 1 cuốn sách của Nathan Soderblom, nhan đề là La Vie Future d’après le Mazdéisme (Paris Ernest Leroux Éditeurs, 28 Rue Bonaparte, 1901, p. 363). Sách này giải thích Nirvana là Phối Thiên.

Le Nirvana avait fait partie d’une Brahmavidya, đ’une métaphysique de Brahman, avant de faire partie de l’agnosticisme religieux bouddhique.

Le Nirvana avait signifié l’union avec le Brahman, Tat Tvam Asi «tu es cela», avant đ’être prêché par Gautama comme une délivrance pure et simple, sans but positif, sans préoccupation métaphysique, dans une religion uniquement occupée du salut religieux au sens négatif. – Sđd., tr. 363.

Le Brahman, l’être infini, éternel, inébranlable, est atteint dans le Nirvana. Être Brahman, arriver au Nirvana, veut dire posséder la paix suprême dans cette vie et après la mort. – Sđd., tr. 363.

Cách đó vài tháng tôi gặp một Thiếu Tá Ấn Độ làm trong Ủy Ban Đình Chiến. Tôi hỏi: Nirvana trong tiếng Ấn Độ nghĩa là gì? Ông lập tức trả lời: Union with God (Phối Thiên).

 Có điều đặc biệt là khi Cưu Ma La Thập (Kumarajiva; dịch kinh Phật tại Trường An từ năm 401 đến 412, đời Đông Tấn), đã mượn hai chữ Nê Hoàn của Đạo Lão để dịch chữ Nirvana. Mà Nê Hoàn chính là Tổ Khiếu, là Đạo trong ta. Tôi đã xác định Nê Hoàn là Não Thất Ba, là Trời trong ta, theo Bà La Môn.

Thế là tôi nắm được khẩu quyết: Sống phối hợp với Trời là đắc Đạo. Từ đó tôi đi vào các đạo giáo như chơi. Sáng tôi học Đạo Khổng. Trưa đem Đạo Đức Kinh ra dịch mà lại dịch bằng thơ, rất dễ dàng.

– Tôi đã để ra khoảng hơn 10 năm để học Nho giáo, học Kinh Dịch, học Khổng tử (551-481 tr. C.N.), Mạnh Tử (372-288 tr. C.N.), Đổng trọng Thư (thời Tây Hán), Trương Tái (Trương Hoành Cừ 1020-1076), Thiệu Tử (1011-1077), Chu Liêm Khê (1017-1073), Trình Hạo (1032-1085), Trình Di (1033-1107), Chu Hi (1130-1200), Lục Tượng Sơn (1139-1192) Vương Dương Minh (1472-1528) v.v…

– Tôi may mắn được các vị Cao Đài ở Đà Nẵng đem cho tôi mượn khoảng 100 quyển trong bộ Đạo Tạng dạy về Lão giáo. Nhờ đó mà tôi nắm được Đạo Lão và từ từ biết các cao nhân, danh phái Đạo Lão.

Tôi biết Lão Tử (Thế kỷ VI trước C.N.), Trang tử (khoảng330 trướcC.N.), Liệt tử (Cuối thế kỷ IV trước C.N.), biết Hán Chung Ly, Lữ Động Tân (798-), biết Nam Tông với Lưu Thao (khoảng 911), Trương Bá Đoan (984-1082) v.v…, biết Bắc Tông với Vương Trùng Dương (1112-1170) và 7 đệ tử, Khưu Xử Cơ (1148-1227), Lưu Xử Huyền, Đàm Xử Đoan (1123-1185), Mã Ngọc (1123-1183), Hác Đại Thông (1140-1212), Vương Xử Nhất (1142-1217), Tôn Bất Nhị (1119-1182), biết Đông Phái với Lục Tiềm Hư (1520-1606), biết Tây Phái với Lý Hàm Hư, Trung Phái với Lý Đạo Thuần v.v…

– Sau đó tôi sang Bà La Môn. Tôi có dịp đọc các bộ Thánh Thư Ấn Giáo như Rig-Veda, như Upanishads, và được đọc đời sống các vị Thánh như Shankara, hay Shankaracharya (Cuối thế kỷ thứ VIII), Ramakhrisna (1636-86), và đại đệ tử của Ông là Vivekananda (1863-1902), và các vị khác như Sri Aurobindo (1872-1950, Tagore (1861-1941), Gandhi (1869-1948), Sai Baba v.v… Tôi thấy Ấn giáo quả đã đạt tới đỉnh cao trí tuệ loài người.

 – Sau đó, tôi quay sang đọc các kinh Phật, nhưng tôi chỉ chú tâm đến những đoạn liên quan đến tư tưởng của tôi. Nhờ đó tôi học được nhiều về đời sống Đức Phật (khoảng 568 tr. C.N – khoảng 463tr. C.N.) và các tổ Thiền như Bồ Đề Đạt Ma (528), Huệ Khả (486-593), Tăng Xán (606), Hoằng Nhẫn (601-674), Huệ Năng (628-713) v.v..

 Không bao lâu, tôi cũng nắm được tinh hoa các đạo giáo đó (Nho, Thích, Lão, Bà La Môn).

– Tôi quay sang khảo về Thiên Chúa Giáo, Tin Lành, Chính Thống v.v… và tôi đã thấy Chúa Giêsuthánh John, thánh Paul, là những vị thánh Phối Thiên. Tôi khảo thêm về khoảng 100 nhà huyền học Công giáo khác cũng đã đi theo đường lối này, và tôi đã tìm ra những khuôn mặt cự phách như Meister Eckhart (khoảng 1260-1327) và các đệ tử xa gần của Ông như thánh Thomas Aquinas (1226-1274), John Tauler (khoảng 1300-1361), Henri Suso (c. 1295-1363) v.v… Bên Tây Ban Nha tôi đọc thánh John of the Cross (1542-1991) và bà thánh Thérèse d’Avila (1515- 1582).

Phía Tin Lành tôi thấy có Jacob Boehme (1575-1624), Emmanuel Swedenborg (1688-1772).

Chính Thống giáo có Giám mục Ignatius Brianchaninov, Nicephorus the Solitary v.v…

– Tôi nghiên cứu Do Thái giáo và mật tông Kaballah của Do Thái giáo. Tôi thấy Kabbalah rất cao siêu.

– Rồi tôi sang các Mật Tông như Tam Điểm (Free-masonry) hoạt động vào khoảng 1717, Rose-crucians (Khoảng 1420), Alchemy, và Hermetism.

– Sau đó tôi sang Hồi Giáo đọc Coran và các môn phái Hồi Giáo. Tôi thấy môn phái Sufism có chủ trương Phối Thiên.

– Tôi nghiên cứu Cao Đài hết sức hẳn hoi. Tôi rất quí Cao Đài vì chủ trương Vạn Giáo Nhất Lý và Cao Minh Phối Thiên.

Tóm lại, tôi không đóng khung tôi trong một Tôn Giáo nào, và bao giờ tôi cũng chỉ đi tìm Đạo Phối Thiên mà thôi.

Tuy tôi đọc nhiều và nhớ nhiều, nhưng thực sự không vất vả vì những tư tưởng mà tôi đi tìm y như đã là của tôi tự bao giờ.

Đức Khổng xưa đã dạy Tử Cống: «Ngươi cho ta học nhiều mà biết, có phải không? Không phải. Ta đây chỉ học cái Một mà suốt hết cái đó.»[19]

Tôi nghĩ cái học sách vở không quan hệ vì những bậc Đại Thánh như Ramakhrishna, như Huệ Năng, như Jacob Boehme hầu như là thất học.

Tôi nhớ khi ở Đà Nẵng có một kỹ sư Trung Hoa là Phương Dật Nguyên biếu tôi quyển Chu Dịch Xiển Chân ngày 6-1-1963, tôi đọc suốt đêm vì thấy có nhiều hình giống như tôi đã vẽ ra. Tôi có trích dịch Bài Trung Đồ và viết vào Trung Dung Tân Khảo của tôi.

Tôi cảm ơn Trời đã hướng dẫn tôi trong mọi bước tôi đi, đã run rủi cho tôi gặp nhiều duyên may, cho tôi biết những điều cần biết, nên dù nay tôi bị tật nguyền tôi thấy nó không đáng gì, so với những hồng ân mà tôi đã được.

Tôi thấy rằng chân đạo sao mà ít người nhận ra thế. Họ đi tìm ngược, tìm xuôi, mà cái gì trước mắt thì bỏ qua. Biết một chút cái gì, thì cho là mình đã nắm được chân lý nên không thèm tìm tòi thêm điều gì nữa.

Thực ra đạo Trời hết sức giản dị, vì Lương Tâm chính là Phật tính, là Thiên Tính là Chân Ngã, là cái gì Bất Biến. Còn Vọng Tâm là cái gì biến thiên.

Bỏ biến thiên tìm về bất biến; bỏ bóng tối tìm về ánh sáng; bỏ sự Chết tìm về sự Sống; bỏ Giả tìm Chân, đều là chuyện hợp lý, chuyện có thể làm được.

Và lời hứa Phối Thiên là Niết Bàn là hạnh phúc trường cưủ cũng không phải là cái gì viển vông, vô nghĩa.

Lục Tượng Sơn viết: «Mạnh Tử bảo: «Không nghĩ mà biết là lương tri, không học mà giỏi là lương năng, ấy là cái Trời phú dữ cho ta, ta vốn có rồi, không phải do ở ngoài đúc ra cho ta vậy. Cho nên nói rằng: Vạn vật đều đủ ở ta, ta trở lại thân ta, mà thành thực, thì không có cái vui nào lớn hơn vậy.» Đó là cái bản tâm của ta vậy. Cái gọi là an trạch, là chính lộ, là cái ấy; cái gọi là quảng cư, chính vị, Đại Đạo là cái ấy. Cổ nhân tự đắc cái ấy, cho nên có cái chân thực, nói lý là thực lý, nói sự là thực sự, đức là thực đức, hạnh là thực hạnh.» [20]

Lão tử viết trong Đạo Đức Kinh, chương 70:

Lời ta dễ biết, dễ làm,

Nhưng mà thiên hạ chẳng am, chẳng tường.

Lời ta nói có chủ trương,

Việc ta vốn có lối đường chốt then.

Nhưng mà tục tử ngu hèn,

Hiểu ta chẳng nổi, nên xem thường tình.

Hiểu ta mấy bực tinh anh,

Ít người hiểu nổi, nên danh càng lừng.

Xưa nay những bậc thánh nhân,

Ngọc tàng dưới lớp áo quần xác xơ.

Tông Bổn Thiền Sư, trong quyển Qui Nguyên Trực Chỉ, bài 49, Đỗ Thiếu Lăng dịch, tr. 240 và 252, tóm tắt cách tu Đạo Phật như sau: «Tu Phật không cần học nhiều, chỉ cần biết niệm Di Đà, biết nội quan quán chiếu, để tìm ra Bản Lai Diện mục của mình, và biết đâu là Nê Hoàn thì sẽ biết căn do sinh tử là tại đó.»

 Bài kệ nguyên văn như sau:

Tây phương bất dụng học đa đoan,

Nhất cú Di Đà tại phản quan.

Kiến đắc Bản Lai Chân Diện Mục,

Thủy tri sinh tử tại Nê Hoàn.

Tây phương chẳng buộc học cho nhiều,

Một nịêm Di Đà xét sớm chiều,

Thấy được buổi xưa mày mắt thiệt,

Mới hay sống chết ấy Nê Hoàn.

Mới hay:

Chí đạo đừng tìm trong biến hóa,

Lẽ Trời đừng kiếm chỗ tần phiền.

(Chí đạo bất kỳ ư biến hoá,

Giản dị nhi Thiên Địa chi lý đắc.)

Dịch Kinh, Hệ Từ hạ, chương I, viết:

Càn Khôn dễ biết, dễ làm,

Dị nên dễ biết, giản càng dễ theo.

Dễ hay, nên sẽ dễ yêu,

Dễ theo, nên sẽ chắt chiu thi hành.

Có yêu, trường cưủ mới sinh,

Có làm mới có công trình lớn lao.

Hiền Nhân đức cốt bền lâu,

Hiền Nhân, sự nghiệp cơ mầu lớn lao,

Lẽ Trời giản dị xiết bao,

(Tìm trong phiền toái thấy sao lẽ Trời),

(Lẽ Trời giản dị thấy rồi,)

Ngôi Trời cao cả tức thời hiện ra.

Kinh Thi viết:

Thiên chi dũ dân,

Như Huân như Trì,

Nhu Chương, như Khuê,

Như thủ như huề,

Huề vô viết ích,

Dũ dân khổng dịch.

Trời xanh dẫn dắt chúng nhân,

Như là tấu khúc nhạc Huân, nhạc Trì.

Trời Người đôi ngọc chương khuê,

Bên cho bên lấy đề huề biết bao.

Tay cầm, tay dắt, khéo sao,

Trời xanh dẫn dắt dân nào khó chi. [21]

CAO ĐÀI CŨNG CHO RẰNG: TU TRÌ LÀ TÌM LẠI ĐƯỢC BẢN THÂN

Đức Chí Tôn có dạy rằng: «Lập một nước còn dễ hơn Thầy lập đạo kỳ Ba này. vì Đạo kỳ Ba này chỉ dùng huyền diệu cơ bút chọn nhân sinh, giao phận sự thế Thiên hành hóa, vì nhân sinh tức là Thày đó vậy.» (Đàn cơ Văn Tuyên Khổng Thánh)

Tôi đã để ngót 60 năm tìm hiểu so sánh đạo trời nhưng chưa thấy đạo nào mà lại coi trọng tín đồ, mà lại đối đãi với giáo dân như với chính mình bằng đạo Cao Đài.

Đàn cơ Lấy Tĩnh chế Động, Minh Lý Thánh Hội, 2- 4 Kỷ Dậu(15- 7- 1969) viết: «Chư hiền sĩ, hiền muội, Trời là Đại Thiên Địa, con người cũng như tất cả chúng sinh là Tiểu Thiên Địa. Trời đã có những gì, trong vạn vật vẫn có những vật ấy. Chỉ khác nhau là ở chỗ lớn bé trên hình thức hoặc biến dịch không ngừng, khi bày khi ẩn vậy thôi. Thế nên Thượng Đế hằng nói: Thày là các Con, các con là Thày. Tất cả chúng sinh sẽ thành Phật, đồng trở về hợp nhất cùng khối Đại Linh Quang, chẳng qua là sự tiến hóa mau chậm mà thôi.»

Một trường hợp khác, đời thường nói hai chữ «thiên hạ» ám chỉ con người. Thiên thượng là Trời. Thiên hạ là người. Vậy người cũng có đủ điều kiện làm Trời.

Phương pháp tu trì

Đời có hai mặt: Thanh trọc, trái phải, động tĩnh. Tất cả đều theo lý Âm Dương mà ra.

 Người tu biết đạo, Thiêng liêng thường khuyên nên lấy Tĩnh chế động, lấy Thiện chế Ác, lấy Phải chế Trái,

Nên lấy Tĩnh chế động là nguồn gốc Tu Trì. Cũng như Nước sông mới Gánh về thì Đục, đánh phèn hay để cho lắng lại sẽ thành trong.

Tu trì được chi phối bởi định luật Nhân Quả:

Nhân quả:

Nhân nào quả nấy lẽ xưa nay

Nhân Trời, Tính Phật hỏi sao đây:

Gieo chi được nấy, đành là vậy,

Biết được muôn loài Cốt không hai.

Trên mặt biến thiên muôn hình trạng,

Dưới lòng vĩnh cửu một Thể thôi.

Kiếp này nếu biết mình là Phật,

Bao kiếp Luân hồi mới như nay.

Tu Trì cũng được chi phối bởi danh từ Hữu Vô.

Hữu Vô.

Tòng Vô nhập hữu, Hữu tài thông

Hữu hữu, Vô vô xứ xứ đồng.

Nhân Vô sinh Hữu sinh biến hóa

Biến cùng Hóa tận, tái hoàn không

Vủ trụ tuần hoàn, tư lý đạt.

Tự thân minh liễu hiển thần thông

Tri đắc biến thiên, tri tạo hóa.

Tạo hóa ký tri Ngã thị Ông.

Dịch:

Từ Không sinh Có, Có sẽ thông

Hữu Hữu, Vô Vô khắp chốn đồng.

Từ Vô sinh Hữu sinh Biến Hóa

Biến Hóa sinh rồi trở lại Không.

Vũõ trụ tuần hoàn mà đạt lý,

Thân mình hiểu rõ, sẽ thần thông,

Bíến thiên rõ lẽ, thông Tạo Hóa,

Tạo Hóa thông rồi, ta là Ông.

 (Nguyễn Văn Thọ)

Suy ra, muốn tu trì cho đứng đắn Con người cần biết rằng Mình vốn có Căn Trời, Cốt Phật từ muôn thủa.

Vì ta có Căn Trời Cốt Phật, nên Thượng Đế mới nói: Thày là các Con, các Con là Thày.

Đàn cơ Lấy Tĩnh Chế Động viết: «Vì chư hiền sĩ, hiền muội mỗi người đểu có phép nhiệm mầu vạn năng của Thượng Đế đã chia phần từ khi mang thề xác vi nhân chốn hồng trần này, chỉ cần lau chùi cho sạch lớp bụi vô minh thì phép màu sẽ hiện lên như lòng mong muốn… Riêng chư hiền sĩ hiền muội hãy an lòng luôn luôn lấy tĩnh chế động thì mọi động sẽ trở lại an tĩnh.»

Đạo LÃO gọi căn Trời, cốt Phật trong mình là: Tính Mệnh, là Đạo Tâm.

Đạo Nho gọi căn Trời cốt Phật trong Mình là Tính Mệnh, là Lương Tri.

Đạo Phật gọi Căn Trời Cốt Phật là Đại Ngã là Phật Tính.

Nó vốn dĩ toàn hảo, nên Ba đạo biểu tượng nó là Vòng Tròn Vô Cực. (Vòng tròn chỉ sự Viên Mãn.

Con người nếu biết rằng trong mình có sẵn Đạo Tâm, Lương Tri, phật Tính, theo gương mẫu đó mà tu trì, thì sẽ thành Tiên Phật.

Trung Dung chương 13 viết: «Phạt kha, Phạt kha, kỳ tắc bất viễn.» : Đẽo cán rìu, có liền bên cán mẫu, Trông lại nhìn cố đấu cho in, Ngắm đi, ngắm lại liền liền, Đẽo lui đẽo tới mắt xem chưa vừa. Thì ra cán mẫu đã ở sẵn trong mình.[22]

Vừa qua, tôi có được quyển Đại Thừa Chân Giáo của Phái Chiếu Minh xuất bản năm Canh Dần (1950) có kèm theo bản dịch tiếng Pháp. Sách dịch theo nghĩa bóng, rất là hay. Quyển sách này, đã được Thiên Lý Bửu Tòa, in lại năm 2000. Sách này không giống các sách Đại Thừa Chân Giáo khác, vì đi hẳn vào Đại Đạo chân truyền, và dịch Đại Thừa Chân Giáo là Le Grand Cycle de l’ésotérisme và chú thích thêm: Sur l’Ordre Divin, le grand Cycle s’ouvre pour unir les âmes dans l’Âme Universelle (Dieu) (Đại thừa Chân Giáo trang bìa sách). Tôi chuyên khảo về Ésotérisme (Mật tông) nên đọc sách này rất thích thú.

Ví dụ 2 câu:    Trung Dung noi đấy làm gương,

                        Chỉ Minh Minh Đức là phương siêu phàm (Đại thừa Chân giáo, tr.32- 33)

Mà dịch ý là: Amour et justice, Piété et Fraternité, telle est la Destinée Humaine, Montrez à votre prochain le Dieu que vous portez en vous, voilà le secret de l’Ascension thật là thâu toát ý tưởng của Trung Dung của Đại Học và của Nho Giáo muôn đời.

 Đại Thừa Chân Giáo có mục đích dạy người tìm lại Căn Nguyên, Cốt Cách của Con Người.

 Đại Thừa Chân Giáo víết:

Chiếu sắc Đại Thừa qui Bổn Tính

Minh truyền Chân Giáo phục Linh Căn

 Trong bài Tu hành là gì tôi cũng chỉ vẽ cho Con Người con đường Qui Nguyên Phản Bản, tìm về Bản Tính Trời trong con người mình. Tóm lại, tôi không đi ra ngoài Thánh Giáo.

CHÚ THÍCH

[1] Arthur Avalon, La Puissance du Serpent, Lyon, 1959, p. 60.

[2] Sđd., tr. 179.

[3] Kinh Thư, Đại Vũ Mô.

[4] Kinh Thi, Tản Đà dịch, 168.

[5] Tập San Đại Đạo Phổ Thông, số 16, tr. 111.

[6] Trung Dung, ch. VIII.

[7] Trung Dung Ch. XXVII.

[8] Rabindranath Tagore, Lời Dâng, Đỗ Khánh Hoan dịch, 1999, tr. 5.

[9] Abu Yazid dit: «Tl me placa devant Lui… et dit: «O Abu Yazid! Mes créatures veulent te voir.» Je dis alors: «Orne- moi de ton unicité, habille-moi de ton individualité, élève-moi à ton unité, afin que me voyant, ces créatures disent: Nous t’avons vu. Et ce sera Toi, et moi je n’y serai pas.» – Marijan Molé, les Mystiques Musulmans p. 56.

[10] Mysticism, Everly Hill,1974, p. 426.

[11] The Knower and the Known are one. Simple people imagine they should see God as if He stood there and they here. God and I we are One in knowledge. The eye with I see God is the same as that with he sees me. –  F.C. Happold, Mysticism, 1970, p. 67.

[12] Eckhart therefore did no more than expand the patristic view when wrote: «Our Lord says to every living soul, I became man for You, if You do not become God for me, you do me wrong.» — Every Hill, Mysticism, p. 502.

[13] Eckhart in whom the language of deification assumes its most extreme form, justifies it on this necessity. «If, he says, I am to know God directly, I must be completely He, and He is so that this He and this I become and are one I.» Sđd., tr. 502.

[14] The thirteen principal Upamishads, Robert Ernest Hume, 1988, p. 50-51, p. 246-250.

[15] Huỳnh Đình Kinh chúNgoại cảnh Ngọc Kinh tr. 17.

[16] Sđd.. tr. 51.

[17] Abu Yazid dit: Je vis le Seigneur de la Puissance en rêve et lui demandai: «Quel est le chemin qui mène vers Toi?» Il me dit: Dépouille-toi de ton Toi et élève-toi.» –  Marijan Molé, Les Mystiques Musulmans, p. 54.

[18] Trung Dung hoặc vấn, tr. 127.

[19] Luận Ngữ, XV, 2; Trần Trọng Kim, Nho Giáo, q. 2, tr. 266.

[20] Trần trọng Kim, Nho giáo, q. 2, tr. 183.

[21] The She King, James Legge, p. 502.

[22] Nguyễn Văn Thọ, Trung Dung tân khảo, tr. 343- 350.

Lê Công 


Tin liên quan

Chia sẻ bài viết: 



Bình luận:

Hỗ trợ trực tuyến

Lê Công

0369.168.366

Nhà đất bán theo tỉnh thành
Nhà đất cho thuê theo tỉnh thành
Kinh Dịch
Tử vi
Huyền không Phi Tinh
Văn Hóa_Tín Ngưỡng
Thước lỗ Ban
Xen ngày tốt
Đạo Học
TIN NỔI BẬT

LÊ LƯƠNG CÔNG

Trụ sở: Số 31 - Mương An Kim Hải - Kenh Dương, Le Chan, Hai Phong

Tel: 0369168366 - Hotline: 0919.168.366 - Email: nhadatcongminh@gmail.com

Copyright © 2019 https://leluongcong.com/