Đạo Học
29/11/2020 - 5:01 PMLê Công 802 Lượt xem

TU HÀNH LÀ GÌ? & DỮ THIÊN ĐỒNG ĐỨC tức PHỐI THIÊN

Nhân Tử Nguyễn Văn Thọ

 Muốn trả lời câu này, chúng ta cần biết mình và biết mình là ai. Tu là gì và Tu để làm gì. Chúng ta cần phải thấu triệt các vấn đề này.

Trước hết ta là ai?

Ít người biết trong ta có hai thứ con người:

Con người phàm phu, nhem nhuốc vì hồng trần đã làm cho ta nhơ bẩn.

Con người lý tưởng, nấp ngay sau bộ mặt hóa trang bên ngoài.

 Con người lý tưởng này hoàn thiện và linh diệu. Phật giáo gọi đó là Bản Lai Diện Mục (bộ mặt thật của chúng ta). Con người lý tưởng này chính là Trời, là Tiên, Phật, Thánh trong ta. Nó chính là Bản Thể của ta.

Tuy nhiên các đạo giáo quan niệm khác nhau về vấn đề này:

Công giáo: Ngoại trừ những người theo môn phái Giác Ngộ (Gnosticism hay Mysticism) thì cho rằng Trời là Trời, Người là người. Trời ở trên Trời, còn Người và Tạo Vật quần sinh thì ở dưới đất và do Trời tạo ra. Hai đằng có một vực sâu ngăn cách, nên Con Người chỉ có thể thờ Trời, yêu kính Trời, hưởng Thiên Nhan Trời chứ không bao giờ kết hợp được với Trời.

Còn Hiền Thánh khắp nơi trong hoàn võ và nhất là Hiền Thánh Á Đông thì nhất nhất đều tin rằng Trời chính là Bản Thể con người, và con người có thể sống kết hợp với Trời mà họ gọi đó là Đạo Phối Thiên, là Đạo Huyền Đồng. Như vậy Trời chính là Tinh Hoa con người, và đã ngự ngay trong lòng sâu con người.

Chính vì thế mà Cao Đài mới nói: Thày Ngự trong lòng mỗi chúng sinh.

Bà La Môn nói: Thượng Đế ở trong mọi vật thụ sinh, và điều khiển vạn vật từ bên trong. [1]… Ta không cần phải ngửa mặt lên Trời mà tìm Trời. Ngài đã ở trong ta. (Sđd, tr. 56). Yoga là một môn phái chuyên luyện tập xác, hồn để tìm cho ra bản thể siêu vi của con người, đó chính là đấng Tối Cao[2]

Đại học gọi Trời là Nhất, và xin mọi người; Dừng chân nơi Hoàn Thiện, mà họ gọi là Chỉ ư chí Thiện 止 於 至 善, là Chỉ Nhất 止 一 : Ngừng nơi chữ Nhất. Mà chữ Chính 正 là Chỉ Nhất 止 一 .

Như vậy khi chưa tu, thì ta có hai lòng: Lòng Trời, Lòng người.

Lòng của Trời siêu vi huyền ảo,

Lòng con người điên đảo, ngả nghiêng.

Tinh ròng chuyên Nhất ngày đêm,

Ra công ra sức giữ nguyên lòng Trời.

Nhân Tâm duy nguy,

Đạo Tâm duy vi,

Duy tinh, duy Nhất,

Doãn chấp quyết Trung. [3]

 Còn Tu là dẹp bỏ lòng người mà giữ nguyên lấy lòng Trời.

Công giáo gọi Con Người chưa tu (lòng người) là Con Người Cuõ, và Con người tu luyện (lòng Trời) là Con Người mới (Rom. 6, 6; Ephes 4, 22; Colos 2, 9.- Ephes 4, 24; Colos 3, 10 ), và gọi Con Đường Tu là Cửa Hẹp (Mat 7, 14; 7, 18; Luc 13, 24)

Nho Giáo cũng cho rằng con người phải cắt, đánh, rũa, mài mới nên đẹp đẽ được.

Kinh Thi viết:

Kìa xem bên nẻo sông Kỳ,

Tre non mới mọc xanh rì vườn ai,

Người đâu văn vẻ hỡi người,

Như cắt, như xén, rũa, mài bấy nay.

Lẫm liệt thay, rực rỡ thay,

Hỡi người quân tử biết ngày nào quên.[4]

 Cao Đài dạy Tu là dẹp bỏ Phàm Tâm:

Các trẻ muốn gặp Thày cũng dễ,

Dẹp «Phàm Tâm» đừng để dây dưa.

Thiệt hư, quấy phải ngăn ngưà,

Tham, sân, ái, ố ráng chừa cho xa.[5]

Nho gia cho rằng Thiên Lý hay Thiên Tâm thời quang minh chính đại. Nhân dục hay Nhân Tâm thời Tư Tà. Bao giờ cũng phải sống cho Quang Minh Chính Đại, nếu để Nhân Dục thắng, thì Thiên Lý sẽ vong. Nhân dục có tận, thì Thiên Lý mới hiện.

Lúc nào cũng phải:

Minh kính, chỉ thủy dĩ tồn tâm,

Thái Sơn, kiều nhạc dĩ lập thân.

Thanh thiên, bạch nhật dĩ ứng sự,

Thanh phong, minh nguyệt dĩ đãi nhân.

Tâm như gương sáng, nước trong.

Thân như non Thái phong long cao vời.

Thanh thiên bạch nhật đối đời,

Thanh phong, minh nguyệt với người ở ăn.

Như vậy là phải luôn dẹp trừ tạp niệm, loạn niệm. Đạo Lão và Kinh Dịch gọi thế là

Mộc Dục là Tẩy Tâm để giữ cho lòng luôn trong sáng.Dĩ nhiên cũng còn là phải Từ, Bi, Hỉ, Xả, thương người như mình.

Nho gia luôn luôn dạy con người phải Xét Mình:

Tăng Tử viết: «Ta một ngày xét mình ba lần.» (Ngô nhật tam tỉnh ngô thân.  Luận Ngữ, 1, 4)

Nếu xét mình mà không có gì đáng trách, thì không có gì đáng sợ. (Luận Ngữ, XII, 4)

Như vậy muốn tu sửa Con Người ta đã có sẵn khuôn mẫu ở ngay trong con người.

Trung Dung viết:

Đẽo cán rìu, có liền bên cán mẫu,

Trông lại nhìn cố đấu cho in.

Ngắm đi ngắm lại liền liền,

Đẽo lui đẽo tới, mắt xem chưa vừa,

Nên quân tử khi lo giáo hóa,

Sưả trị người, sẵn có khuôn người.

Thấy người giác ngộ thì thôi,

Đã chiều cải hóa liệu bài ta ngưng.[6]

 Tôi yêu đạo Nho vì nó dạy tu thân rất là hay, mà Tu Thân theo Nho Gia là Tu Đạo Trời.

Đạo thánh nhân to sao, to lớn quá,

Nó mênh mang biến hóa chúng nhân,

Nó cao, cao vút tới trời thẳm muôn tầm,

Nó rộng, rộng bát ngát khôn tả xiết.

Gồm thâu mọi điều lễ nghi, chi tiết,

Bao uy nghi quán triệt hết chẳng trừ,

Đợi thánh nhân Trời mới phú thác cho,

Không Đức cả, Trời không ngưng Đạo cả.

Nên quân tử dốc một lòng một dạ,

Trọng Tính Trời, quyết gắn bó học hành,

Tiến sao cho đến mức rộng rãi tinh anh,

Mức cao sáng của Trung Dung Đạo cả.

Ôn điều cũ, học thêm điều mới lạ,

Chuộng lễ nghĩa, sống đời sống nết na,

Ở ngôi cao, không có thói kiêu xa,

Ở cấp dưới không làm điều trái nghịch.

Nước có Đạo, chỉ một lời làm tiến ích,

Nước đảo điên: lặng lẽ đủ dung thân.

Thơ rằng: Khôn lại còn ngoan,

Khôn ngoan nên mới bảo toàn tấm thân.[7]

 Nhưng mà chương Trung Dung hay nhất chính là chương XX, mà tôi dịch như sau:

Hoàn toàn là Đạo của Trời,

Trở nên hoàn thiện đạo người xưa nay.

Người hoàn thiện cất tay là trúng,

Chẳng cần suy cũng đúng chẳng sai.

Thung Dung Trung Đạo tháng ngày,

Ấy là vị thánh, từ ngay lọt lòng.

*

Còn những kẻ cố công nên thánh,

Gặp điều lành phải mạnh tay co,

Ra công học hỏi thăm dò,

Học cho uyên bác, hỏi cho tận tường.

Đắn đo suy nghĩ kỹ càng,

Biện minh thấu triệt, quyết mang thi hành.

Đã định học, chưa thành chưa bỏ,

Đã hỏi han, chưa tỏ chưa thôi,

Đã suy, suy hết khúc nhôi,

Chưa ra manh mối chưa rời xét suy.

Biện luận mãi tới khi vỡ lẽ,

Chưa rõ ràng, không thể bỏ qua.

Đã làm làm tới tinh hoa,

Tinh hoa chưa đạt, việc ta còn làm.

Người 1 chuyến thâu toàn thắng lợi,

Ta tốn công dở dói trăm khoanh.

Người làm 10 bận đã thành,

Ta làm nghìn thứ ta ganh với người.

Đường lối ấy nếu ai theo được,

Dẫu u mê, sau trước sẽ thông,

Dẫu rằng mềm yếu như không,

Sớm chày, cũng sẽ ra lòng sắt son.

 Cái hay của Trung Dung là một khi đã đi vào con đường tu luyện, thì không bao giờ được bỏ nửa chừng (Trung Dung, XI), mà phải bền chí cho tới chết mới thôi. (Luận Ngữ,VIII, 8)

Như vậy tu luyện đòi hỏi sự bền chí.

Nó cũng đòi hỏi sự quyết tâm, sự thành ý. Người tu luyện lúc nào cũng phải bắt chước con chim khi ấp trứng, phải chuyên chú vào công việc của mình.

Không có quyết tâm, thành ý, không bao giờ nên công.

Ngươì xưa nói:

Tinh thành sở chí kim thạch vi khai.

Lòng mình mà tinh thành, thì vàng đá sẽ mở ra.

 Phúc Âm nói: Hãy xin thì sẽ được, hãy tìm thì sẽ thấy, hãy gõ thì sẽ mở ra. (Matth 7, 7, Luc 11, 9, Marc XI, 24)

Thế là mới đầu thì có: Nhân tâm, Đạo Tâm, cuối cùng chỉ còn Đạo Tâm, thế là: Advaita, thế là Bất Nhị Pháp Môn, thế là Tâm tử Thần Hoạt, thế là Doãn Chấp Quyết Trung (Giữ nguyên lòng Trời của Nho Giáo).

Đây tôi không luận Tu Hành theo lối thông thường, là mỗi ngày để ra mấy tiếng để hít thở để tĩnh tọa công phu.

 

Công trình chúng ta là thành Trời, thành Đạo, là dữ Thiên hợp Nhất, là Phối Thiên.

Tôi viết Phối Thiên nghĩa là con người sẽ được sống phối kết với Trời, như Trời. Tôi thấy cần phải nói rõ hơn về vấn đề này để tránh mọi nhận định sai lầm.

Khi tôi viết xong bài này, ngẫu nhiên tôi đọc bức thư sau đây của thi hào Rabindranath Tagore (1861-1941) trả lời cho một độc giả người Anh hỏi về tôn giáo.

Ông viết:

Thưa bà.

Tôi rất cảm ơn vì nhận được quí thư. Xin phúc đáp để bà rõ tôi không thuộc giáo phái nào và cũng chẳng nghiêng theo đức tin nào cả. Điều tôi biết là lúc sinh ra tôi, Đấng tối cao đã biến mình thành tôi rồi. Người vẫn hằng tiếp tục triển khai, qua tôi luyện trong cuộc sống, và luôn luôn nâng niu con người tôi với sinh lực khác nhau cùng vẻ đẹp chuyển biến trong thế giới chung quanh. Sự kiện tôi hiện hữu đã mang cho nó tình yêu vĩnh cửu, thưa bà. Kính chào bà. [8]

Thật là ngắn gọn, thật là tự nhiên, thật là hào hùng. Như vậy Ông đã công nhận mình là Hiện Thân của Thượng Đế.

Trong thế giới xưa nay, nhiều người đã cho mình là hiện thân Thượng Đế: như chúa Giêsu, như Al-Hallag, như Abu- Zazid, như Jalalu’d Din, như Eckhart v.v…

– Chúa Giêsu nói: Ta và Cha ta là một. (John 10 30)

– Al-Hallag (ob. 922) viết:

Ta cùng với đấng ta yêu,

Hai đằng là một, khôn chiều qua phân,

Một thân mà có 2 Thần,

Thấy ta, thấy Chúa cũng ngần ấy thôi.

(Je suis Celui que j’aime, et celui que j’aime est moi.

Nous sommes 2 esprits infus en 1 seul corps.

 Si tu me vois, tu le vois; et si tu le vois, tu me vois. (Le Divin d’AL-Hallag, éd. Massignon, M. 57; Marijan Molé, Les mystiques musulmans, p. 70.)

– Abu-Zazid viết: «Một hôm Thượng Đế đem tôi lên đặt trước mặt ngài mà phán: Hỡi Abu-Zazid, tạo vật, Ta muốn thấy Con… Tôi liền thưa: Xin Chúa trang điểm cho Con bằng sự duy nhất Chúa; xin hãy mặc cho con cá tính Chúa. Xin hãy nâng con lên cho tới sự hợp nhất với Chúa, để hễ thấy Con, tạo vật sẽ nói: Ta đã thấy Chúa… Và đó là Chúa mà chẳng còn có ta nữa.» [9]

– Jalalu’d Din có thơ:

Hồn Ta, hồn Chúa tuy hai,

Như Nước và Rượu hòa hài khó phân.

Nước kia rượu ấy hợp quần,

Chúa tôi nên một, ai phân, ai rời.

Chuá là Đại Ngã của tôi,

Bao dây rợ nhỏ khôn bài buộc tôi.

«Cái tôi», Chúa đã lấy rồi,

Thế thì Chúa chính là tôi còn gì?

Chúa- tôi cho thấy điều chi?

Phải chăng tôi-Chúa tương tri gót đầu?

Tình Ngài tôi bị đớn đau,

Xuyên qua xương thịt, móc sâu vào người.

Sáo- tôi Ngài để trên đùi,

Tôi là Đàn, để ngực Ngài dựa nương.

Thở đi, tôi sẽ phát thanh,

Đàn đi, tôi sẽ long lanh lệ trào.

(With Thy Sweet Soul, this soul of mine,

Hath mixed as Water doth with Wine.

Who can the Wine and Water part,

Or Me and Thee when combine?

Thou art become my greater self;

Thou hast my being taken on,

And shall not I now take on Thine?

Me Thou for ever hast affirmed,

That I may ever know Thee mine.

Thy love has pierced me through and through,

Its thrill with Bone and Nerve entwine,

I rest a flute laid on thy lip.

A lute, I on thy breat recline,

Breathe deep in me, that I may sigh,

Yet strike my strings, and tears shall shine…) [10]

– Meister Eckhart viết: «Người Biết và cái Biết là một. Phàm nhân thì thấy Chúa như Chúa ngồi đây và họ ngồi đó. Còn tôi với Chúa, chúng tôi là một, trong hiểu biết.» Hoặc: «Mắt mà tôi nhìn Chúa cũng chính là mắt mà Ngài nhìn tôi.» [11]

– Eckhart viết: «Chúa nói với mỗi linh hồn: Ta đã làm người vì Con, nếu Con không thành Chúa vì ta, thì Con chẳng tốt đối với ta.»[12]

– Eckhart còn viết: «Nếu tôi biết Chúa trực tiếp, thì nhất định tôi phải trở thành Ngài, và Ngài trở thành tôi. Ngài và tôi trở nên một tôi.»[13]

– Bà La Môn là đạo nói rõ nhất về Phối Thiên.

Chandogya Upanishad dùng nhiều đoạn chỉ vẽ cho chúng ta biết chúng ta là Thượng Đế. Tat tvam Asi = Con là Cái Đó. [14]

Phối Thiên là thoát Phàm Cách, Nhân Cách, mặc lấy Thiên Cách. Huỳnh Đình Kinh chủ trương: Tâm có chết, thì Thần mới sống. [15]

– Upanishad cũng cho rằng Phàm tâm phải được tẩy trừ sạch sẽ, thì Thiên Tâm mới hiện.[16]

– Abu Yazid viết: «Tôi đã gặp Chúa toàn năng trong giấc mộng, và hỏi Ngài: «Đường nào đưa tới Chúa», và ngài trả lời tôi: «Hãy chút bỏ Ngã Chấp và hãy vươn lên.» [17]

Lam Điền Lữ Thị viết: Từ người lên tới Trời là Thượng Đạt (Tự Nhân nhi Thiên tắc thượng đạt.) [18]

Tiên Nho cho rằng đi cho tận Nhân Đạo rồi mới lên tới Thiên Đạo (Tận Nhân Đạo, tắc Thiên Đạo chí).

Lên tới Thiên Đạo là đạt đạo Trung Dung, là Phối Thiên.

Tuy nhiên Phối Thiên là nói về phần Tâm Tình, phần Tâm Linh.

Nho gia nói Phối Thiên là Dữ Thiên Đồng Đức.

Chứ không một ai dám nói: Mình là Trời trên mọi bình diện.

Thật ra Trời thông minh hơn ta muôn vàn, quyền phép hơn ta muôn vàn, khéo léo hơn ta muôn vàn.

Trong một bức thư tôi viết cho Ông Phạm Mạnh Lương ngày 4/13/95, tôi có viết như sau:

«Thực sự cho tới nay, chưa ai chứng minh được có Thượng Đế và sự bất tử, nhưng nếu ta đi sâu vào tâm tư ta, và suy tư về vũ trụ, ta sẽ thấy rằng vũ trụ này thật là lớp lang, tiết tấu, có trật tự hẳn hoi, và tất cả những sinh vật quanh ta là những gì hết sức kỳ bí. Con người dù giỏi giang mấy cũng chưa tạo ra được một con muỗi hay một con ruồi.

Tôi nhìn vào tâm linh tôi, tôi thật xấu hổ vì sự hiểu biết của tôi còn hết sức thô sơ, nông cạn, không có được lấy một phần tỉ cái thông minh, trí tuệ của Trời Đất. Chẳng những thế, lại còn thấy mình gần đất, xa trời, bị bệnh hoạn vây quanh, càng ngày càng thấy những khả năng của mình suy giảm đi. Tôi thấy tôi thật là một hạt muối sắp tan trong biển cả vô biên…»

còn tiếp >>>>


Tin liên quan

Chia sẻ bài viết: 



Bình luận:

Hỗ trợ trực tuyến

Lê Công

0369.168.366

Nhà đất bán theo tỉnh thành
Nhà đất cho thuê theo tỉnh thành
Kinh Dịch
Tử vi
Huyền không Phi Tinh
Văn Hóa_Tín Ngưỡng
Thước lỗ Ban
Xen ngày tốt
Đạo Học
TIN NỔI BẬT

LÊ LƯƠNG CÔNG

Trụ sở: Số 31 - Mương An Kim Hải - Kenh Dương, Le Chan, Hai Phong

Tel: 0369168366 - Hotline: 0919.168.366 - Email: nhadatcongminh@gmail.com

Copyright © 2019 https://leluongcong.com/