Lược dịch Nội Thiên
Nhân Tử Nguyễn Văn Thọ
Cách đây hơn một năm tôi đã có dịp thuyết trình về: Lão Tử và Đạo đức kinh. Bài đó đã được đăng trong Cao Đài giáo lý, số Tân niên, Ất Mẹo. Vì thế nên, ngày hôm nay, tôi tiếp tục bàn về Trang Tử với Nam Hoa Kinh. Tôi sẽ không khai thác khía cạnh văn chương của Trang. Tôi cũng không lưu tâm đến bút pháp của Trang, đến tài biện bác của Trang. Bình Trang, tôi thủy chung chỉ muốn làm nổi bật lên những phương thức mà Trang đã dùng để đi lên siêu việt, để giúp mọi người sau này nhìn thấy rõ con đường dưỡng sinh, tu thân, cầu Đạo, đắc Đạo của Trang.
I. LƯỢC SỬ TRANG TỬ THEO TƯ MÃ THIÊN
Trang Tử 莊 子 là người xứ Mông 蒙 [1] tên Chu 周. Chu vốn làm chức lại, coi vườn sơn (Tất Viên 漆 園) ở Mông, đồng thời với Huệ Vương nước Lương,[2] Tuyên Vương nước Tề[3] Trang Tử đa văn quảng kiến, học thức uyên thâm, nhưng căn cốt vẫn là lời Lão. Cho nên sách ông viết hơn mười vạn chữ, đại để đều là ngụ ngôn.
Làm những bài Ngư phủ, Đạo chích, Khư khiếp để chế giễu những người theo Khổng Tử, và làm sáng tỏ học thuật Lão Tử. Những tên Úy Lũy, Hư Cang Trang Tử đều là chuyện bịa không có thực. Nhưng khéo viết văn, xếp lời, chỉ việc, tả tình, để bài bác bọn nhà Nho, nhà Mặc. Dù những người học rộng thời ấy, cũng không sao cãi, để gỡ lấy mình được. Lời Trang Tử mênh mông phóng túng, cốt cho sướng ý mình, cho nên các bậc vương công, đại nhân không thể dùng được.
Uy Vương nước Sở (339-328), nghe biết Trang Tử là người hiền, sai sứ mang nhiều lễ vật sang mời, hứa cho làm tướng quốc. Trang Chu cười nói với sứ giả nước Sở: «Nghìn vàng là lợi lớn, khanh tướng là ngôi tôn. Ông chẳng thấy con trâu đem tế Trời (trong lễ Giáo) đó sao? Nuôi nấng trong vài năm, cho mặc đồ gấm vóc, để cho vào Thái miếu. Lúc ấy, dù muốn làm con lợn con côi cút cũng không được nữa. Ông đi ngay đi. Đừng làm bẩn tôi. Tôi thà chơi đùa trong rạch bùn cho thích, chứ không để cho kẻ có nước buộc ràng. Chung thân tôi không làm quan, để sống cuộc đời thoải mái như ý thích.» [4]
II. KHÁI LƯỢC NAM HOA KINH
Trang Tử viết một bộ sách, sau này gọi là Nam Hoa Kinh 南 華 經 hay Nam Hoa Chân Kinh 南 華 真 經.
Theo Hán thư nghệ văn chí, thì Nam Hoa Kinh thoạt kỳ thủy có 52 thiên. Sau này Quách Tượng dồn lại còn có 33 thiên.
33 thiên lại chia làm 3 phần (theo bản Quách Tượng): Nội thiên, Ngoại thiên và Tạp thiên.
NỘI THIÊN 內 篇 gồm bảy thiên: 1. Tiêu diêu du 逍 遙 游, 2. Tề vật luận 齊 物 論, 3. Dưỡng sinh chủ 養 生 主, 4. Nhân gian thế 人 間 世, 5. Đức sung phù 德 充 符, 6. Đại tông sư 大 宗 師, 7. Ứng đế vương 應 帝 王.
NGOẠI THIÊN 外 篇 gồm 15 thiên: 8. Biền mẫu 駢 拇, 9. Mã đề 馬 蹄, 10. Khư khiếp 胠 篋, 11. Tại hựu 在 宥, 12. Thiên địa 天 地, 13. Thiên đạo 天 道, 14. Thiên vận 天 運, 15. Khắc ý 刻 意, 16. Thiện tính 繕 性, 17. Thu thủy 秋 水, 18. Chí lạc 至 樂, 19. Đạt sinh 達 生, 20. Sơn mộc 山 木, 21. Điền tử Phương 田 子 方, 22. Trí bắc du 知 北 游.
TẠP THIÊN 雜 篇 gồm 11 thiên: 23. Canh tang Sở 庚 桑 楚, 24. Từ vô Quỉ 徐 無 鬼, 25. Tắc dương 則 陽, 26. Ngoại vật 外 物, 27. Ngụ ngôn 寓 言, 28. Nhượng vương 讓 王, 29. Đạo chích 盜 跖, 30. Duyệt kiếm 說 劍, 31. Ngư phụ 魚 父, 32. Liệt Ngự Khấu 列 禦 寇, 33. Thiên 天 下.
Các nhà bình giải thường cho rằng:
Nội thiên là của Trang Tử viết (có thể trừ ra một vài đoạn như đoạn Tử Tang Hộ trong thiên Đại tông sư. Có người cho rằng Nhân gian thế cũng không do Trang Tử viết.
Còn Ngoại thiên và Tạp thiên thì hoặc do môn đệ Trang Tử viết ra, hoặc người sau viết ra mà mượn tên Trang Tử.
Lâm Tây Trọng, đời Thanh toát lược Nam Hoa Kinh như sau: «Trong 33 thiên, nói đi nói lại hơn 10.000 chữ. Đại ý chẳng qua là: Tỏ rõ đạo đức, rẻ rúng nhân nghĩa, coi sống chết là một, coi phải trái in nhau, hư tĩnh điềm đạm, vắng lặng, không làm, thế đấy thôi. Xét ra thì: Bảy bài Nội thiên là văn có đầu đề, do chính tay Trang Tử định lấy. Còn Ngoại thiên, Tạp thiên đều lấy chữ trên đầu thiên mà đặt tên… Ấy là những văn không đầu đề. Người đời sau lấy những bài vặt vãnh của Trang sắp đặt lại.»
Lâm Tây Trọng bình tiếp đại ý bảy chương Nội thiên như sau: «Tiêu diêu du cốt nói lòng người quen thành tựu nhỏ nhen, nhưng LỚN 大 mới là quí. Tề vật luận cốt nói lòng người thường quen câu nệ, nhưng HƯ 虛 mới là hay. Dưỡng sinh chủ cốt nói lòng người thường miệt mài đối phó với vật ngoài, nhưng THUẬN 順 mới là phải. Nhân gian thế là phép vào đời. Đức sung phù phép ra đời. Đại tông sư là phép trong có thể là thánh 內 聖. Ứng đế vương là phép ngoài có thể là vua 外 王. Ấy là nghĩa riêng của bảy bài Nội thiên. Thế nhưng lòng người có lớn mới có thể hư, có hư thì mới có thể thuận… Vào được đời rồi mới ra được đời… Trong làm nổi Thánh, thì ngoài mới làm nổi vua… Ấy là những lẽ đi theo nhau của bày bài Nội thiên. Cứ thế thôi là cũng đã hết được ý chính…»
Từ xưa tới nay, đã có rất nhiều nhà bình giải Trang, phiên dịch Trang. Mỗi người giải Trang theo một khía cạnh, một đường lối. Người thì giải Trang theo Lão, người thì giải Trang theo Khổng, người thì giải Trang theo Phật. Trong số các nhà bình giải Trang từ xưa đến nay, chúng ta ghi nhận ít nhiều tên quen thuộc như Quách Tượng, Lâm Hi Dật, Lâm Tây Trọng, Chương Bính Lân, Mã Tự Luân, Cao Hanh, Nghiêm Phục, v.v.
III. CHÂN TƯỚNG TRANG TỬ
Muốn hiểu tư tưởng Trang, phải biết chân tướng của Trang là gì. Xưa nay người ta thường cho rằng Trang Tử là một triết gia, thích sống đời sống phóng khoáng. Có người lại nói cho Trang là một nhà biện luận có tài như Công Tôn Long, hay Huệ Tử. Đánh giá Trang như vầy là rất thấp.
Vậy Trang Tử là ai? Từ lâu đọc Lão Trang, tôi vẫn đinh ninh rằng các Ngài là:
- Những nhà Huyền học (Mystiques), nói theo từ ngữ Âu Châu, Những bậc tiên thánh đã siêu phàm, thoát tục, nói theo từ ngữ Á Châu.
- Những vì Thiên dân (Canh Tang Sở, 22-D) hay Thiên tử (Nhân gian thế, IV, A) hay Chân nhân (Đại Tông sư, 6-A), hoặc Chí nhân, Thần nhân hay Thánh nhân (Tiêu diêu du, 1-C) theo lời Trang tử. Trang Tử cũng là một nhà Huyền học, một bậc chí nhân như Lão tử.
Chương Thiên hạ trong sách Nam Hoa Kinh bình về Trang Tử như sau: «Trên thời vui chơi cùng đấng Tạo Hóa, dưới thời bè bạn với những người đã thoát vòng sinh tử, thủy chung…» [5]
Như vậy muốn hiểu Trang tử, phải hiểu thế nào là một nhà Huyền học, thế nào là một bậc Chí nhân.
Huyền học (Mystique) hay Chí nhân hay Chân nhân là những danh từ tặng cho những ai có một đời sống siêu nhân, mãnh liệt, y thức như đã tiếp xúc được với luồng huyền lực vô biên của vũ trụ.
Nhà Huyền học là người:
- Có tâm thần rất thông minh, tinh tế,
- Nhìn thấy Đạo, thấy Trời nơi tâm khảm mình.
- Nhận thức được tấn tuồng biến thiên, ảo hóa của vũ trụ cũng như của lịch sử nhân quần.
- Cố tu luyện, cố thanh lọc tâm thần để đi đến chỗ cao minh, linh diệu.
- Sống phối hợp với Trời, coi mình như một hiện thân của Thượng Đế.
Các nhà Huyền học Đông cũng như Tây, đều tin tưởng rằng sau bức màn hiện tượng biến thiên, chất chưởng, còn có một bản thể siêu việt tuyệt vời.
Các Ngài không biết dùng danh từ gì để mô tả Tuyệt đối ấy cho hay, cho phải, cho nên hoặc là tuyên bố mình bất lực trước Tuyệt đối vô biên ấy, hoặc là dùng những danh từ tiêu cực, mơ hồ để diễn tả, để đề cập đến Tuyệt đối thể ấy.
Các Ngài cho rằng con người sinh ra phải tìm về cho được tới nguồn mạch thiêng liêng, huyền diệu ấy, và tất cả các sự biến thiên của vũ trụ lúc chung cuộc cũng kết thúc trong đại thể vô biên, vô tận ấy.
Mà nguồn mạch linh thiêng huyền diệu ấy đã tiềm ẩn ngay trong lòng con người. Con người chỉ việc lắng lòng lại, chỉ việc thu thần định trí nhìn sâu vào tâm khảm mình sẽ tìm ra được Bản thể siêu việt huyền nhiệm ấy.
Khi đã đạt tới cõi tâm linh siêu vi huyền nhiệm ấy, con người sẽ thoát được mọi trạng thái vong thân, và vươn lên bên trên cái thế giới tương đối đầy mâu thuẫn như: Thị phi, thiện ác, sinh tử, và thoát ly được hết những gì hữu hạn, nhân vi, kiềm tỏa con người.
Khi đã đạt tới cõi tâm linh ấy, thì lập tức cũng sẽ thâm nhập, hòa đồng được với cõi vô biên man mác, và chính nhờ đó mà con người lấy lại được cái phẩm giá vô song của mình. Vì nhận ra được chiều kích mênh mông vô hạn, vì nhận ra được giá trị vô biên của mình, con người sẽ sống hồn nhiên, tiêu sái, thảnh thơi, hạnh phúc…
Tóm lại, một con người đi trên con đường huyền học lúc nào cũng lo trau chuốt nhân cách, cố sống sao cho tinh ròng viên mãn, để có thể rung cảm, để có thể hòa nhịp, hòa đồng được với Đạo, với vũ trụ chi tâm.
Nếu một nghệ sĩ dùng tài nghệ mình, tâm linh mình mà khám phá ra được và diễn tả ra được Thần linh hay Thái hòa tiềm ẩn trong đáy lòng vũ trụ, trong đáy lòng vạn vật, khiến cho người khác cũng thưởng thức và được cảm thông với nguồn mạch huyền linh ấy một phần nào, thì các nhà huyền học có bổn phận khám phá ra và diễn tả lại Thần linh ngự trị nơi đáy lòng mình, bằng lời lẽ, bằng đời sống, để những người bàng quan cũng được cùng mình chia sẻ sự cảm thông, hòa hợp ấy…
Gần đây, có dịp đọc quyển Sáng tạo và Lão giáo (Creativity and Taoism) của Trương Trung Viên (Chuang Chung Yuan), tôi thấy tác giả cũng có những nhận định tương tự như vậy về Lão, Trang. Trương Trung Viên viết: «Đối với Lão, Trang, đạt tới bản thể tuyệt đối là vào được lãnh vực siêu việt vô cùng, vào được cảnh giới hư vô, nơi đó ta có thể cảm thông được với vạn hữu…
«Chúng ta có thể đi vào cảnh giới hư vô bằng Điềm hay bằng Trí. Điềm là Điềm đạm Hư vô, Phật gia gọi thế là Định. Trí là Huệ hay Bát nhã…» [6]
«Điềm tĩnh là phương pháp tiệm tu. Tuệ trí là phương pháp đốn ngộ. Hai phương pháp này đều được đạo Lão mô tả, và cũng có một mục đích là để vào được cảnh giới Hư vô…
«Hư vô có thể là Thiên quang, hay là Thuần phác hỗn độn. Đó là hai phương diện của một Thực thể.» [7]
«Cho nên muốn tiến vào được cảnh giới Hư vô, Vô thức Đại đồng, vào tới Thiên chân Bản thể, phải có chân trí huệ. Trí huệ mới là chiếc chìa khóa để mở cửa Đạo, để phanh phui ra được mọi kỳ bí của Hư vô, ở nơi đó không còn phân biệt nhĩ ngả, ở nơi đó vạn sự, vạn hữu là một…» [8]
Vào trong cảnh giới hư vô, vì cảm thông được với vạn hữu, nên coi mọi sự như một, hòa hợp tuyệt đối, hết còn phân nhĩ ngã…[9]
Như vậy, nhờ điềm đạm hư vô, nhờ trí huệ, con người sẽ chuyển hóa được mình, sẽ cảm thông được với vạn hữu.[10]
Trang Tử cũng chủ trương cần phải thoát ly mọi ràng buộc của thế giới biến thiên, mọi giá trị tương đối của ngoại cảnh. Càng rũ bỏ được cái phù du, hư ảo bao nhiêu, thì càng đạt được đời sống đích thực bấy nhiêu…[11]
Như vậy, đối với Trang tử, Chân nhân hay là con người giác ngộ là con người đã phá vỡ được cái kén Tiểu ngã, để hòa mình với Đại ngã…[12]
Những nét trên tưởng đã phác họa được chân tướng Trang tử.
còn tiếp >>>
CHÚ THÍCH
[1] Mông 蒙theo Địa lýchíthìthuộc nước Lương; theo Lưu Hướng biệt lục thìthuộc nước Tống. Phùng Hữu Lan cũng cho rằng Trang Tửlàngười nước Tống.
[2] Lương Huệ Vương nguyên niên và khoảng năm 6 đời Chu Liệt vương (370).
[3] Tề Tuyên Vương (332-313). Trang Tử đồng thời với Mạnh tử (372-289). Huệ Tử (380-300), Công Tôn Long (320-250). Như vậy, Trang Tử sống vào những khoảng năm (360-286).
[4] Sử Ký Tư mã Thiên, Lão, Trang, Thân, Hàn liệt truyện.
[5] «Thượng dữ Tạo vật giả du, nhi hạ dữ ngoại tử sinh, vô chung thủy giả vi hữu…» 上與造物者游而下與外死生,無終始者為友 (Thiên hạ, F).
[6] To the Taoist, the attainment of absolute reality is to be in the realm of the great infinite, the realm of non being. To enter the realm of non-being is to have reached the ground of the great sympathy.
One may enter the realm of non-being either through quiescence, t’ien 恬, or though intuitive knowledge, chih 智. The former concentrates upon repose, or what the Buddhists call Dhyana. The latter stresses on intuition or prajna.
The concentration on repose is often referred to as the method of gradual attainment; stress on intuition is referred to as sudden enlightenment. Both methods are described in Taoist writings. But the goal of either method is the entry into the realm of non-being. - Chuang Chung Yuan, Creativity and Taoism, p. 49.
[7] Non being manifests itself either as the Heavenly light or the uncarved block. They are two aspects of the same thing. (Ibid. p.49)
[8] The first approach, through Chih, or intuitive knowledge is pure self consciousness through immediate, direct, primitive penetration instead by methods that are derivative, inferential, or rational. In the sphere of intuitive knowledge, there is no separation between the knower and the known, subject and object are identified… (Ibid. p. 49)
[9] Free identification and interfusion in the realm of non-being are the functions of the great sympathy. In short, it is the Tao, the higher unity of all things. (Ibid. p.50)
[10] In the realm of non-being the interfusion and identification of multiplicity takes place as a manifestation or the great sympathy. (Ibid, p.49-50)
[11] Emancipation from the bondage of the ever-changing world, from the relative value of external things, and from the unstable and evasive existence, is achieved through the denial and denial. (Ibid, p.120).
[12] Psychologically speaking, it is the transformation from «a consciousness limited to ego-form of the non-ego-like-self.» (Ibid, p.121).
Chia sẻ bài viết:
LÊ CÔNG
0919.168.366
PHÚC THÀNH
0369.168.366
Một số cách an sao vòng Trường Sinh trong tử vi
TÍNH CÁCH, MẪU NGƯỜI, TRONG LÁ SỐ TỬ VI
7 nguyên tắc cơ bản sau cần phải xem kỹ trước khi bình giải một lá số Tử Vi
THẾ NÀO LÀ TUẾ PHÁ & NGŨ HOÀNG ĐẠI SÁT
BÍ QUYẾT SONG SƠN NGŨ HÀNH VÀ THẬP NHỊ THẦN ĐẠI PHÁP (TIÊU SA NẠP THỦY THEO THỦY PHÁP TRƯỜNG SINH)
Ý nghĩa của việc thờ bàn thờ Ông Địa
“BẢN GỐC” CỦA THƯỚC LỖ-BAN DÀNH CHO CÁC BẠN THẬT SỰ HAM MÊ PHONG THỦY !!!
LÊ LƯƠNG CÔNG
Trụ sở: Số 12, Trực Cát , Vĩnh Niệm, Lê Chân, Hải Phòng
Tel: 0919.168.366 - Hotline: 0919.168.366 - Email: nhadatcongminh@gmail.com
Copyright © 2019 https://leluongcong.com/