Nhập đại định đối với người xưa tức là:
– Nhập vào Đại Thể của vũ trụ.
– Trở về với Chân Nhất.
– Thoát vòng hiện tượng biến thiên.
– Thoát vòng không gian thời gian.
– Siêu nhân, hợp Thiên.
– Phối Thiên.
– Đắc Đạo.
– Nhập Niết Bàn.
– Giải Thoát.
– Trở thành Chân Nhân.[3]
Vì trọng tâm của Đại Đạo nói trên là trở thành con người toàn diện, là tìm cho ra những định luật đất trời mà theo, mà giữ; tìm cho ra những môi trường thuận tiện mà sinh sống, cho nên người theo đại đạo:
– Tìm những nơi có không khí trong lành mà sinh sống.
– Những nước bình trị mà cư trú.
– ăn uống thanh cảnh, giữ gìn sức khỏe.
– Sống điều độ, mực thước, không làm gì quá mức, quá lạm.
– Giữ cho óc chất quang minh.
– Giữ cho tâm hồn tĩnh lãng.
– Giữ cho tinh thần thanh sảng.
Họ thích những nơi tịch mịch, như những lùm cây, những núi non hưu quạnh, hay những phòng ốc thang vắng, vì ở những nơi đó, tâm thần họ đỡ bị tản lạc, và sự hòa đồng với Trời, với Đạo dễ dàng hơn. Cũng có người chủ trương rằng có những linh địa, thánh địa như Thiên Thai, Nga Mi (Tàu), Tarakeswar (Ấn Độ), hay Hi Mã Lạp Sơn có thể phả ra những làn sóng điện giúp con người trở nên thanh sảng, dễ xuất thần.
Họ muốn sống lại bằng thân ánh sáng của Bản Thể, nên cố gắng rũ bỏ cái thân «từ điện» của hiện tượng. Thân «từ điện» là thân có yêu có ghét, có chấp, có cầu. Nên muốn rũ bỏ được thân «từ lực», phải hoạt động trong vô chấp, vô cầu, phải sống vượt lên trên yêu ghét thường tình. Thân «từ lực» chính là vọng tâm, vọng ngã, luôn luôn sống trong vòng nhân duyên, duyên nghiệp, luân hồi. Người xưa, khi viết các chữ DUYÊN 緣, chữ TRIỀN 纏, chữ PHƯỢC 縛, đều có bộ TI 糸 là Tơ một bên. Tơ đây thực ra không phải là tơ tằm mà là tơ duyên từ điện, phát ra những từ trường, từ lực, từ tuyến. Những từ tuyến, từ lực, từ trường nói trên chính là những sợi dây kiên cố giam hãm tâm linh chúng ta. Rũ bỏ VỌNG TÂM, VỌNG NGÃ chính thoát khỏi từ trường của nhân quần.
Đứng về một phương diện khác, họ cũng cố tìm cách thoát vòng không gian, thời gian:
Muốn thoát vòng không gian thời gian, phải thoát khỏi những gì biến thiên, sinh tử.
Muốn vậy:
Phải sống vượt trên ngoại cảnh, bằng cách đóng khóa ngũ quan, để thoát ảnh hưởng của hình danh, sắc tướng, của ngoại cảnh, cũng như của ngũ quan.
Phải dừng những suy tư về những công truyện gian trần, thường hay có tính cách làm cho loạn trí. Thế là sống Vô Niệm.
Giữ cho tâm tư tĩnh lãng, hồn nhiên, không cho thất tình, lục dục tung hoành, thao túng.
Tập trung thần khí vào Nê Hoàn Cung. Người xưa gọi thế là Tam Hoa Qui Đỉnh, Ngũ Khí Triều Nguyên hay Nhập Đại Định.
Bốn phương cách này cũng na ná như bốn trạng thái Thiền mà Phật giáo đề cập.[4]
Mục đích của Yoga là tìm cho ra Thượng đế nội tại.[5]
Mircea Eliade gọi các các thiền sư xưa nay là «cái điểm hình học» (the geometrical point), để Trời người gặp gỡ, hòa hàì với nhau.[6]
Chữ «điểm hình học» trên làm tôi liên tưởng đến công trình suy khảo của tôi để tìm cho ra chỗ TRỜI NGƯỜI HOÀ HÀI (THIÊN NHÂN HỢP NHẤT) nơi con người. Lạ lùng thay trong đầu có một cung mà đạo Lão gọi là Động Phòng, Âu Châu gọi là Thalamus, mà Thalamus cũng có nghĩa là Động Phòng. Nhưng vì Thalamus là cái gì có thể thấy được, nên tôi lại đi tìm sâu hơn, và tôi đã tìm thấy rằng nơi chính trung đầu não con người có những động trống (ventricles), Đạo Lão gọi động chính giữa là Thiên Cốc hay Nê Hoàn Cung. Lão giáo cho rằng nơi ấy là nơi Thần trời đất ngự trị, [7] Bà La Môn gọi đó là Liên Hoa Tâm (Sahasrara), hay Thiên Môn (Brahma-randhra Brahmagate).[8] Mircea Eliade còn cho rằng; nếu nhìn bảy luân xa của con người, từ trên xuống dưới, thì thấy chúng họp lại thành một Mandala duy nhất, mà Tâm Điểm chính là Brahmarandhra.[9] Thiết tưởng không còn cách nào xác định Tâm Điểm của đầu não con người, tâm điểm tâm linh, tâm điểm vũ trụ chính xác hơn được nữa.
Cao Đài cũng gọi đó là Nê Hoàn Cung, Huyền Tẫn Môn, hay Thiên Môn.[10]
Tuy nhiên cái «Tâm điểm» trong đầu não con người ấy không phải là ai cũng tìm được ra. Ngày nay, vô số người tu trì vẫn còn đặt trọng tâm vào Hạ Đơn Điền nơi dưới rốn.
Thời Trung cổ, bên Âu Châu có «môn phái tu nhìn rốn» (Hesychasm). Họ chuyên tu nhìn rốn, trong khi kêu tên Chúa Jesus Christ, và họ cho rằng sau nhiều ngày đêm tu trì khổ hạnh như vậy, họ sẽ tìm ra «tâm sở» (the place of the heart), nơi chứa đựng mọi điều huyền diệu.[11]
Trên đây tôi đã chứng minh:
– Đạo giáo nội tại có đường hướng hẳn hoi: Đó là hướng nội.
Chủ trương, đường lối, sự diễn biến của nó đều theo những định luật bất biến của trời đất, và luôn luôn được cảm nghiệm nơi mình. Tu đúng đường thì xác thân sẽ cường tráng, con người sẽ yên vui sung sướng, óc chất sẽ quang minh, tâm tư sẽ hòa hoãn, sảng khoái, lạc quan, tràn đầy nhựa sống.
– Đạo giáo nội tại vì là con đường của các vị hiền thánh đã băng qua, vì đã được chi phối bởi những định luật vĩnh cửu, nên khi hiểu rành rẽ về đại giáo nội tại này ta hiểu được tâm tư các vị giáo chủ, cách tu trì của quí vị cũng như lối sống thường nhật của các ngài. Có thể nói được rằng chúng ta đã được «tha tâm thông». Lát nữa chúng ta sẽ áp dụng những hiểu biết của chúng ta để soi rọi vào đời sống của ít nhiều vị giáo chủ.
– Đạo giáo nội tại có mục đích đưa con người đến chỗ phối thiên, thành Trời, thành Phật, thành Thần, nên bao giờ cũng chỉ có ít người theo nổi.
– Nó đòi hỏi con người phải thành khẩn tìm cầu, ao ước vươn vượt, không cố chấp, không câu nệ, trọng kính chính mình, tin tưởng vào giá trị vô biên của mình, vào định mệnh sang cả của mình, tin thật rằng mình chẳng hề bao giờ lìa xa khỏi Hóa Công.
Đọc lịch sử Đức Phật ta thấy ngài đã thụ giáo với đại sư Arada Kalama về học thuyết tiền– Samkya (đại khái là phép nội quan quán chiếu, na ná như Phân Tâm Học ngày nay) tại Vaisali, và với đại sư Udraka Ramaputra về căn bản và mục đích của Yoga.[12]
Chúng ta cũng đã thấy rằng chính nhờ thiền định trong 49 ngày dưới gốc Bồ Đề mà Ngài đã giác ngộ.
Trong quyển Đức Phật và Phật Pháp, của Narada Maha Thera, Phạm Kim Khánh dịch, nơi Chương 13, khi thuật lại đời sống hằng ngày của Đức Phật, tác giả ghi: «Đời sống bên trong là tham thiền nhập định và chứng nghiệm hạnh phúc Niết Bàn còn bên ngoài là phục vụ vị tha, và nâng đỡ phẩm hạnh của chúng sinh trong khắp thế gian.» (Sách trích dẫn, tr, 233).
Nếu Ngài chủ trương Niết Bàn đã sẵn có trong tâm linh con người, thì rõ ràng là ngài dẫn chúng ta vào Nội Giáo.
Chúa Giê Su với chủ trương: Nứơc trời ở trong anh em (Luke 17, 21), và khi đọc kinh chớ ra ngã ba đầu chợ, mà hãy vào buồng đóng cửa lại (Mat.6,6) hay không còn thờ Chúa ở núi này, hay ở Jerusalem, nhưng vì Chúa là Thần, nên phải thờ Ngài bằng thần (John, 4:22–24; thánh Paul khi dạy rằng Thần Chúa ở trong ta, ta là đền thờ Chúa (1 Cor.6, 19–20) rõ ràng là dạy chúng ta nội giáo: Tìm Chúa Đáy Lòng…
Đạo Lão với những chủ trương: «Thiên tại nội, nhân tại ngoại» 天 在 內 人 在 外 [13] hoặc: «Ngoại du giả cầu bị ư vật, nội quan giả, thủ túc ư thân» 外游者求備於物 內觀者取足於身 (Đi ra bên ngoài, là cầu cạnh vào ngoại vật mới mong thành toàn; nội quan quán chiếu là thấy trong tâm có đầy đủ tất cả) [14]
Trong Nam Hoa Kinh, ta thường thấy đề cập đến trạng thái «xuất thần, nhập định», mà tác giả gọi là Táng Ngã 喪 我 (Sách trích dẫn, Chương 2, Tề vật luận, đoạn 1.)
Như vậy mục đích đạo Lão cũng cốt là chỉ vẽ cho ta nội giáo chân truyền.
Nho giáo với chủ trương:
«Cả vạn vật ở trong ta đó,
Quay vào ta, ta cố tinh thành.
Kiện toàn, hoàn thiện tinh anh,
Vui nào hơn đươc vui mình đang vui.» [15]
của Mạnh Tử; và:
«Quay vào ta mà tìm đạo ấy,
Tìm đáy lòng sẽ thấy chẳng sai,
Dẹp tan cám dỗ bên ngoài,
Căn lành sẵn có đồng thời khuếch sung.» [16]
của Trung Dung, rõ ràng là chủ trương nội giáo.
Có điều lạ là theo đà thời gian tất cả các đạo giáo lớn đều biến từ nội giáo chân truyền thành ngoại giáo công truyền, vì thấy rằng có làm như vậy mới có người theo!
Mới đầu tôi cứ tưởng rằng Nội Giáo Tâm Truyền là của Á Đông, nhưng càng ngày tôi càng thấy rằng từ cổ xưa không biết bao nhiêu là môn phái Âu Châu, và ngày nay cũng có rất nhiều giáo phái Âu Mỹ chủ trương nội giáo:
Dưới đây tôi xin đan cử một số giáo phái, triết phái, mật tông, mật giáo chủ trương NỘI GIÁO:
– Neo-Platonism (Tân Bá Lạp Đồ).
– Gnosticism (Giác Ngộ).
– Kabala (Mật tông, huyền học Do Thái).
– Free-Masonry (Tam Điểm).
– Theosophy (Thông Thiên Học).
– Rosicrucianism (Hồng Hoa Hội).
– Sufism (Bạch Y Phái của Hồi Giáo).
– Alchemy (Luyện đan phái – Nội đan phái).
– Trancendentalism (Siêu việt phái).
– Modern Gnosticism (Tân Giác Ngộ phái).
– The Ramakrishna Mission and Vedanta Societies.
– The Self– Realization Fellowship.
– The Maharishi Mahesh Yogi’s Transcendental Meditation.
– International Sivananda Yoga Society.
– The International Society for Krishna Consciousness v.v…
Tôi không thể đi vào chi tiết các giáo phái này, nhưng đại khái họ cũng có những nét chính yếu mà tôi đã phác họa về Nội Giáo.
Tôi chỉ xin giới thiệu hai cuốn sách trong nhiều cuốn sách nói về các giáo phái trên:
Religious and Spiritual Groups in Modern America của Robert’s Ellwood, Jr., Prentice Hall Inc., Englewood Cliff, New Jersey, 1973.
The Kingdom of The Cults của Walter R. Martin, Bethany House Publishers, Minneapolis. Minnesota 55438, 1982.
Mục đích tôi viết bài này, cốt là để chứng minh rằng con đường nội tâm chính là con đường chắc nhất, gần nhất để về với Đạo với Trời.
Chỉ có Nội giáo này mới đem lại giá trị siêu việt lại cho con người, giải thoát thực sự con người, đem lại hạnh phúc thực sự cho con người, và đồng thời cũng cho thấy sự thông minh siêu tuyệt sự sắp đặt siêu tuyệt của Trời, là đã dựng nên con người với những khả năng vô biên vô tận, đã chia sẻ cho con người chính Bản Thể mình, và đã cho con người thời gian vô tận, không gian vô tận, và những nguồn năng lực vô tận của vũ trụ để thực hiện sứ mạng sang cả của mình là biến trần ai tụy lụy thành thiên đường, biến con người ngày nay thành những con Trời, những Phật Tiên mai hậu. Thật là cao siêu vô cùng, đẹp đẽ vô cùng.
CHÚ THÍCH
[1] Herbert B. Puryear, Ph.D., Edgar Cayce Reflections on the Path, Bantam Books, Toronto, New-York, 1979, p. 13, 14.
[2] Luke, 17-21. 1, Cor. 6, 19-20.
[3] Trong cuốn Yoga, Immortality and Freedom của Mircea Eliade, Bolinger Series, Princeton, 1958, ta còn thấy những tiếng đồng nghĩa sau đây:
– Transcending the human condition, p. 4.
– Rebirth to a non-conditioned mode of being, p. 4.
– The true union of the human soul with God, p. 5.
– Moksa, Nirvana, Asamskrta…, p. 6.
– Absorbed (or reabsorbed) into the primordial substance, p. 9, 93.
– Final withdrawal from the phenomenal world, p. 96.
– Reintegration of the different modalities of the real in a single modality
– The undifferentiated completeness of precreation, the primordial Unity, p. 98.
– The divinization of man, p. 103.
– Return to the primordial unity, p. 109.
– Union of the soul with the Cosmic Soul, p. 141.
– Attain the unconditioned, p. 179.
– Emergence from time, p. 182.
– Entrance into the unconditioned, p. 182.
– Withdraw to the center of oneself, p. 193.
– Return to the Primordial Unity, pp. 45-46.
– Transcend the phenomenal world and pass into that non-conditioned and timeless state, p. 271.
– Transcend the opposites, p. 271.
– Coincidence of time and eternity, p. 271.
– Reconquest of the completeness that precedes all creation, p. 271.
– Regression to the undiscriminated state of the original Totality, p. 270.
– Coincidentia oppositorum, p. 272.
– Recover the «paradisial» state of primordial man, p. 272.
[4] a.To purify the mind and the sensibility from «temptations» – that is, to isolate them from external agents; in short, to obtain a first autonomy of consciousness;
to suppress the dialectical functions of the mind, obtain concentration, perfect mastery of a rarefied consciousness;
to suspend all «relations» both with the sensible world and with memory, to obtain a placid lucidity without any other content than «consciousness of existing»;
To reintegrate the «opposites,» obtain the bliss of «pure consciousness.»
Ib. p. 171.
[5] Yoga through which divinity is found within, is doubtless the highest road.
Paramahamsa Yogananda, Autobiography of a Yogi, Self-Realization Fellowship, 3880 San Rafael Avenue, Los Angeles, California, 90065, USA, 1981, p. 136.
[6] Clearly, his (the yogin’s) situation is paradoxical. For he is in life, and yet liberated; he has a body, and yet he knows himself and thereby is purusa; he lives in duration, yet at the same time shares in immortality; finally, he coincides with all Being, though he is but a fragment of it, etc. But it has been toward the realization of this paradoxical situation that Indian spirituality has tended from its beginnings. What else are the «men-gods» of whom we spoke earlier, if not the «geometrical point» where the divine and the human coincide, as do being and non-being, eternity and death, the whole and the part?
Mircea Eliade, Yoga, Immortality and Freedom, Bolingen Series, Princeton University Press, 1958, p. 95.
[7] Đầu hữu Cửu cung trung hữu Nê Hoàn. 頭 有 九 宮 中有 泥 丸 (Kim Đơn Đại Thành Tập, tr. 4)
Nhân đầu hữu cửu cung, trung hữu nhất sở, danh viết Thiên Cốc, thanh tịnh vô trần, năng tương nguyên thần an trí kỳ trung, hào bất ngoại trì, tắc thành chân chứng thánh…
人 頭 有 九 宮 中 有 一 所 名 曰 天 谷 清 凈 無 塵 能 將 元 神 安 置 其 中毫 不 外 馳 則 成 眞 證 聖 (Huỳnh Nguyên Kiết, Lạc Dục Đường ngữ lục, Chân Thiện Mỹ xuất bản xã, ấn hành, 1936, tr. 87.
[8] The seventh center, the «thousand-petaled lotus» in the brain, is the throne of the Infinite Consciousness. In the state of divine illuminatipon the yogi is said to perceive Brahma or God the Creator as Padmaja, «the One born of the lotus.»
Paramahamsa Yogananda, Autobiography of a yogi, p. 158n.
[9] Dr. Vasant G. Rele, in analyzing the word Brahmarandhra, reminds his readers that the word randhra may as well be translated «cavity» as «hole». He, therefore, visualizes the Brahmarandhra not as an opening but as a cavity surrounded “by a chakra or plexus of a thousand branches, known as sahasrara.
[10] Xem Đại Thừa Chân Giáo, nơi các tr. 56, 61 (ấn bản cũ) hoặc 322, 432 (ấn bản mới.)
[11] Cf. Mircea Eliade, Yoga, Immortality and Freedom, Bolingen, Princeton p. 63.
[12] Asvaghosa, Buddhacarita, XII, 17ff. id. Saundarananda, XV-XVII; Majjhima-nikaya, I, 164 ff.
[13] Nam Hoa Kinh, Chương 17, Thu Thủy, đoạn 1.
[14] Liệt Tử, Xung Hư Chân Kinh, Ch.4, Trọng Ni đệ tứ, đoạn G. Xem Léon Wieger, Les Pères du Système Taoiste, pp. 122–123.
[15] Vạn vật giai bị ư ngã hĩ, phản thân nhi thành, lạc mạc đại yên. 萬 物 皆 備 於 我 矣 . 反 身 而 誠 樂 莫 大 焉. – Mạnh Tử, Tận tâm chương cú thượng, câu 4.
[16] Cái dục học giả ư thử, phản cầu chư thân nhi tự đắc chi, dĩ khử phù ngoại dụ chi tư nhi sung kỳ bổn nhiên chi thiện. 蓋 欲 學 者 於 此, 反 求 諸 身 而 自 得 之, 以 去 夫 外 誘 之
私 而 充 其 本 然 之 善.– Trung Dung, Chương Nhất.
ST: Lê Công
Chia sẻ bài viết:
LÊ CÔNG
0919.168.366
PHÚC THÀNH
0369.168.366
Một số cách an sao vòng Trường Sinh trong tử vi
TÍNH CÁCH, MẪU NGƯỜI, TRONG LÁ SỐ TỬ VI
7 nguyên tắc cơ bản sau cần phải xem kỹ trước khi bình giải một lá số Tử Vi
THẾ NÀO LÀ TUẾ PHÁ & NGŨ HOÀNG ĐẠI SÁT
BÍ QUYẾT SONG SƠN NGŨ HÀNH VÀ THẬP NHỊ THẦN ĐẠI PHÁP (TIÊU SA NẠP THỦY THEO THỦY PHÁP TRƯỜNG SINH)
Ý nghĩa của việc thờ bàn thờ Ông Địa
“BẢN GỐC” CỦA THƯỚC LỖ-BAN DÀNH CHO CÁC BẠN THẬT SỰ HAM MÊ PHONG THỦY !!!
LÊ LƯƠNG CÔNG
Trụ sở: Số 12, Trực Cát , Vĩnh Niệm, Lê Chân, Hải Phòng
Tel: 0919.168.366 - Hotline: 0919.168.366 - Email: nhadatcongminh@gmail.com
Copyright © 2019 https://leluongcong.com/