V iết sách khó, nhưng tìm nhan đề sách cũng chẳng phải dễ. Sách là nhan đề phân tán ra, nhan đề là sách cô đọng lại.
Tiền nhân xưa chắc đã lao tâm, khổ tứ nhiều mới tìm ra được hai chữ Trung Dung. Hơn nữa, với sự sâu sắc thâm trầm cố hữu, chắc các ngài cũng đã cố làm sao cho hai chữ Trung Dung được thật sâu sắc thâm trầm.
Ngược lại, ngày nay muốn tìm hiểu hai chữ Trung Dung cũng không phải là chuyện dễ. Phải khảo cứu từ nguyên, nghiên cứu tượng hình (symbole), căn cứ vào lời giải thích của các danh nhân danh sĩ lịch đại, mới mong tìm ra manh mối được.
Trung 中, theo từ nguyên[1] là một mũi tên bắn trúng hồng tâm.
Trung 中là giữa, là tâm điểm (centre); Dung 庸 là thường (permanent, éternel), là bất biến (immuable, invariable).[2]
Hội những ý trên ta đã thấy mục đích Trung Dung là muốn tìm cho ra tâm điểm vũ trụ, tâm điểm cuộc đời, băng qua mọi biến thiên, để trở về tâm điểm bất biến hằng cửu ấy.
Xét về tượng hình (symbole), ta thấy trung điểm, trung cung từ Á sang Âu, tự cổ chí kim, luôn luôn tượng trưng cho ngôi vị tối thượng.
HÌNH 5: Trung Quốc tinh tòa khái lược đồ.
Để chứng minh điều ấy, chúng ta hãy nên phóng khoáng, đừng gò bó mình vào trong đời Xuân Thu, Chiến Quốc, trong biên giới Trung Hoa, hay phạm vi Nho giáo, mà hãy tạm cho lòng chu du khắp bốn phương, tung hoành trong lịch sử nhân loại để tìm hiểu chữ Trung.
Khảo sát thư tịch Nho giáo, ta thấy trung điểm, trung dung bao giờ cũng tượng trưng cho ngôi chí tôn vô đối. Đó là:
– Hoàng Cực trong thiên văn.[3]
– Thiên Trì trong la bàn địa lý.[4]
– Thái Cực trong thiên Tiên thiên bát quái.
– Ngũ thập trong Hà Đồ.[5]
– Ngũ trong Lạc Thư.
– Hoàng Cực trong Hồng Phạm Cửu Trù.
– Trung Cung trong Minh Đường.[6]
Dịch luôn đề cập đến Trung,[7] Trung Hành,[8] Trung Đạo.[9]
HÌNH 6: Trung Điểm trong Đồ Thư.
Dịch chủ trương: Chính trung là ngôi vị của trời[10] và người quân tử phải thông hiểu nghĩa lý của chữ Trung.[11]
HÌNH 7: Đế xuất Chấn đồ
Hình trích trong Dịch kinh lai chú đồ giải của Lô lăng Cao tuyết Quân và Vĩnh xuyên Lăng hậu tử.
Trung điểm của bát quái đồ có viết chữ Đế 帝 và 5 chấm (Nơi dưới chú: «Vương Tạo hóa chi tôn xưng tức Thiên, Ngũ dã.» 王造化之尊稱即天五也. Nghĩa là: Đế hay Vương là tiếng để tôn xưng đấng Tạo hóa tức Trung, tức ngũ.
Trong quyển Dịch kinh lai chú đồ giải có một đồ hình Hậu thiên bát quái, ở tâm điểm có chữ Đế.[12]
Lễ Ký cho rằng: Trung Dung là đạo của bậc vương giả.[13]
Đọc Mạnh Tử ta cũng thấy chữ Trung bao hàm nghĩa hoàn thiện.[14]
Đời Hán, Vương Thông cũng đề cập tới «trung thuyết» theo vi ý của Dịch và chủ trương:
«Mặc cho biến hóa muôn nghìn,
Trung tâm ta vẫn giữ nguyên chẳng rời.» [15]
Đến đời Tống, chữ Trung trở nên minh xác hơn.
Ngũ Phong (Hồ Hoằng, ?-+1163) định nghĩa Tính là tuyệt đối siêu việt trên các quan niệm thiện ác, và chủ trương Trung tượng cho Tính.[16]
Lam Điền Lữ Thị cũng cho rằng: «Trung chính là Tính, là Thiên đạo.» [17]
Nhưng đọc những lời tranh luận của Chu Hi và Lục Tượng Sơn chữ Trung và chữ Thái Cực[18] ta mới hiểu rõ ràng quan niệm của tiên nho về chữ Trung.
Chu Hi cho rằng Thái Cực ở trung tâm vạn vật nhưng Thái cực không phải là trung điểm. Trung như vậy chỉ là ngôi vị của Thái Cực.[19]
Ông viết: Gọi là cực để diễn tả sự chí cực của Lý ây, gọi là Trung để diễn tả sự không lệch lạc của Lý ấy. Tuy cùng một lý, nhưng danh nghĩa phải dùng cho tùy nghi, thích dáng.[20]
Lục Tượng Sơn phóng khoáng hơn, chủ trương dứt khoát rằng: Trung là cực. Ông viết: Cực cũng là Lý ấy, Trung cũng là Lý ấy.[21]
Lại nói: Gọi là Nhất hay Trung cũng vẫn là Thái Cực.[22]
Khảo sát nền văn học nước nhà, ta thấy Cụ Nguyễn Bỉnh Khiêm (1491-1585) cũng đã thấu nghĩa chữ Trung, thấu hiểu định mệnh cao sang con người.
Năm Nhâm Thìn (1532)- lúc ấy Cụ 41 tuổi – nhân cùng các hương lão dạo chơi bến Trung Tân 中津 bên sông Tuyết Giang, Cụ thấy hai chữ Trung Tân có thể bao quát đạo làm người nên cho xây một quán gọi là quán «Trung Tân», dựng một bia gọi là bia «Trung Tân» trên bến sông, để truyền sở học uyên nguyên lại cho hậu thế.
Cụ cắt nghĩa Trung là hoàn thiện, Tân là bến bờ, ý muốn nói con người chỉ được dừng chân nơi bến bờ hoàn thiện.[23]
Nhân sinh quan của Cụ Nguyễn Bỉnh Khiêm chính là nhân sinh quan của Trung Dung, Đại Học; nhân sinh quan của các bậc thánh hiền.
Tổng hợp các quan điểm thánh hiền Nho giáo, ta thấy Trung là ngôi vị của Thái Cực, của Hoàng Cực, bất thiên, bất ỷ, là nguồn gốc vạn vật, và là tuyệt đỉnh hoàn thiện làm tiêu chuẩn cho muôn loài, muôn vật vươn lên.
☸
Mở rộng tầm khảo sát, ta sẽ thấy trung tâm, trung điểm bao giờ cũng tượng trưng cho căn nguyên, cho Tuyệt đối thể và Trung đạo là đạo «vô thượng», là đạo Huyền đồng (mysticisme), hay là Thiên đạo. Vì thế các nhà huyền học (mystiques), tự cổ chí kim, không phân đạo giáo, đều truyền thụ cho nhau một chữ Trung.
Huyền học Hồi giáo gọi trung điểm là thiên cung (station divine).[24] Huyền học Do Thái (Qabbalah hébraðque) gọi Trung điểm là «Thánh điện» (Saint Palais),[25] hay Trung cung (the Middle Chamber).[26]
Phật giáo cũng đề cập nhiều tới Trung Đạo (Majjhimā patipadā). Đức Phật Thích Ca đã tìm ra Trung Đạo và Trung Đạo đem lại cho con người viên giác thanh tịnh, niết bàn.[27]
Thiên Thai Tông gọi Thật Tướng là Trung Đạo.
Hoa Nghiêm Tông lấy Pháp Giới làm Trung Đạo.
Pháp Tướng Tông lấy Duy Thức làm Trung Đạo.
Trung là duy nhất, tuyệt đối, tuyệt đãi, là căn nguyên sinh vạn pháp.[28]
Trung Đạo, trung điểm ấy tức là điểm bất biến, là chân tâm nằm giữa mọi biến thiên. Quan niệm này được tượng hình bằng chữ Vạn 卍 và trục các bánh xe «Bát Chính Đạo», «Thập nhị nhân duyên», ý nói trong thân «Tứ đại giả hợp» vẫn có một điểm chân nguyên vĩnh cửu, trường tôn hay niết bàn bao giờ cũng nằm trong trung tâm luân hồi.
HÌNH 8: Oum mani padme hum = Ngọc châu viên giác chiếu diệu trong liên hoa tâm
= Tuyệt Đối Thể chiếu diệu ở trung tâm não bộ.
HÌNH 9: Oum (Trung điểm, Tuyệt Đối Thể) là con đường đại đồng. (Oum the the path of universality)
Nói cách khác, đó chính là ngọc châu viên giác chiếu diệu trong liên hoa tâm.[29]
Chu Hoành, tác giả quyển «Trúc song tùy bút», trong bài «Phát chân qui nguyên» cũng chủ trương chữ Trung của Trung Dung tức là Chân Nguyên của Phật giáo.[30]
Trong thư tịch đạo Lão, ta thường thấy đề cập đến Trung Đạo, Trung Cung. Trung Cung ấy được gọi là Huyền 玄, là Cốc Thần 谷 神, là Đạo 道, v.v…
HÌNH 10: Hình khắc vào đá để lưu truyền lời chú: «Oum mani padme Hum.»
HÌNH 11: Cốc Thần là Trung Điểm trong đạo Lão
HÌNH 12: Nê Hoàn Cung 泥丸宮 (Thời chiếu đồ 時照圖)
Lão Tử chỉ có một nguyện vọng, một lý tưởng là Thủ Trung bão Nhất 守中抱一. Như trên trời, Thiên Tâm ở Bắc Cực, thì trong đầu não con người Thiên Tâm ở cung Nê Hoàn, mà Nê Hoàn ở trung tâm não bộ.[31]
HÌNH 13: Nê Hoàn Cung 泥丸宮 (Tẩy tâm thoái tàng đồ 洗心退藏圖)
Thiên tâm ấy không phải là Nhân tâm mà chính là Đạo.[32]
Sách Thái Ất Kim Hoa Tông Chỉ 太乙金華宗旨 thường đề cập tới Trung điểm ấy dưới danh hiệu Trung Hoàng[33] và tất cả công phu tĩnh tọa, theo đạo Lão, là cốt tập trung tâm thần cho qui tụ về trung điểm ấy.[34]
Những nhận xét cổ kính của các đạo gia thực ra không đến quá viển vông như ta tưởng.
Các nhà sinh lý học Âu Mỹ tiên tiến hiện nay đang cố dùng các phương pháp khoa học để tìm cho ra «điểm hội tụ» trong đầu não mà họ gọi là «giác giới» (lieu de la compréhension) hay là «não tâm» (le foyer centrencéphalique, le foyer centrencéphalique d’integration) và cho rằng bản ngã ẩn áo sau điểm hội tụ ấy. Tuy nhiên, họ chưa xác định được trung điểm, trung cung là điểm hội tụ. Họ giả thiết: Hạ thị tằng (hypothalamus) là nơi các thần kinh giao hội.
Nhưng nếu ta áp dụng định luật tương tự (loi d’analogie: phép loại suy) ta sẽ phải nhận rằng Trung cung, trung điểm mới là điểm hội tụ, và Nê Hoàn cung của các đạo gia chính là não thất 3 (3e ventricule) trong đầu não con người; vì nơi ấy, phía dưới là giao tuyến của thần kinh mắt (chiasma optique), là nơi giao tiếp các mạch máu trong đầu, nơi ấy cũng là điểm hội tụ của các thần kinh, đồng thời cũng là «trung diểm hình học» của đầu não như các đồ hình giải phẫu, sinh lý và quang tuyến y học hiện đại chứng minh. triết học và đạo giáo, và đồng thời cũng là điểm hội tụ của muôn vạn nẻo đường suy tưởng.
Khảo sát phong tục, ta thấy dân gian bao giờ cũng trọng trung điểm: Chiếu giữa, gian giữa, trung ương đều là chỗ tôn trọng nhất.
HÌNH 14 A
Medical sagittal section of brain; Relationship of the central
sulcus and lateral frissure to the ventricules and skull.
HÌNH 14 B
HÌNH 14 C
HÌNH 14 D
HÌNH 14 E: Le Foyer centrencéphalique
HÌNH 15: Não thất 3 chụp thẳng
Nếu giả thuyết này được chấp nhận thì ta sẽ thấy tâm điểm não bộ sẽ là trung điểm tâm hồn, tuy nằm trong não mà chẳng phải là não; tâm điểm não bộ cũng sẽ là điểm gặp gỡ giữa khoa học thực nghiệm. Nhưng mở rộng tầm quan sát ta thấy trung điểm còn nhiều kỳ bí, huyền diệu hơn: Đài hoa, nhụy hoa điều là tâm điểm của hoa; lúc hoa rơi cánh rã thì đài hoa vẫn còn và chứa đầy nguồn sống cho các thế hệ cây sau.
Nhân, hạt thường nằm trong giữa quả. Những cái vỏ bên ngoài dù có thối nát, thì nhân và hạt vẫn trường tồn với thời gian, để rồi ra đóng lại tấn kịch đời với quang âm, với gió mưa, đất nước.
Đặc biệt nhất là nếu ta dùng được những kính hiển vi tối tân mà nhìn vào đáy lòng vật chất, đáy lòng các tinh thể vi ti của vật chất, ta vẫn thấy Trung điểm uy nghi quen thuộc đó hiện ra bất biến hằng cửu giữa sự tuần hoàn, giao động của muôn nghìn nguyên tử. Ta vẫn thấy sau những biến thiên chất chưởng bên ngoài, còn có chủ chốt hằng cửu bền vững bên trong.
Xưa kia tuy chưa có những phương tiện khoa học tiến bộ như hiện nay nhưng có lẽ vì cứ tiến lên lần hồi trên các nấc thang suy luận mà hiền thánh xưa đã tìm ra Thượng Đế trong trung tâm vũ trụ và trung tâm con người.
Trung tâm vũ trụ, trung điểm tâm hồn chính là lò cừ tạo hóa, sẽ phối hợp mọi mâu thuẫn, khắc phạt.
Tinh thể nước đá dưới X-quang |
Tinh thể Tungstène phóng đại 5 triệu lần. |
HÌNH 16
Thay vì đứng theo một chiều nào trong tứ duy lục hợp, để bị quáng lòa vì bóng tối, bóng sáng tương tranh, ta vào trung điểm để nhìn bao quát trái phải, thấp cao, ta sẽ thấy mọi tương phản tan biến như mây khói.[35]
Thay vì chuyển vận bằng chân tay, bằng ngũ quan tri giác trong những nẻo đường vô tận của thời gian lịch sử, ta hãy dùng tâm thần một vút bay lên tới Thái Cực, trung tâm, chỗ phát xuất và hội tụ của không gian và thời gian. Ở đấy ta sẽ thấy mọi sự đều có lớp lang, tiết tấu, việc trước hỗ trợ việc sau, lớp ngoài bảo vệ lớp trong, tầng dưới nâng đỡ tầng trên. Tầng tầng lớp lớp bao quanh một tinh hoa duy nhất như muôn cánh hoa ấp ủ đài hoa với nhụy hoa.
Nếu đúng vậy thì đạo Trời cũng rất giản dị chỉ cần phá tan tấm màn vật chất ngu muội, dục tình bên ngoài là vầng dương muôn thủa sẽ hiện ra sáng quắc.[36]
Sau khi khảo sát ý nghĩa chữ Trung, sau khi đã tìm hiểu ý nghĩa của Trung điểm trong thiên văn, địa lý, trong các đồ bản, trong đầu não con người; ta có thể trở lại Nho giáo, trở lại với đề tài của ta.
Bây giờ chắc ta phải nhận chân rằng hai chữ Trung Dung thực là cao diệu. Trung là ngôi vị của Thái Cực, Hoàng Cực. Trung Dung, Trung Đạo chính là đạo «Phối thiên».
Có hiểu như vậy thì nhan đề sách mới hợp với ý nghĩa sách, và hai chữ Trung Dung sẽ nên ngọn đuốc sáng, soi rọi cho công trình khảo cứu của ta sau này.[37]
CHÚ THÍCH
[1] Léon Wieger, Leçons étymologiques No 190, p. 290.
[2] Bất dịch chi vị dung. 不易之謂庸 (Trung Dung).
Dung giả thường nhi bất dịch chi lý. 庸者常而不易之理 (Tống Nguyên Học Án, quyển 92, tr. 4)
[3] Trung Quốc tinh tòa khái lược đồ. 中國星座概略圖 (Trung Hoa ngũ thiên niên sử, quyển, tr. 49)
[4] a) Thiên Trì hư hàm Thái Cực bản Vô Cực dã. 天 池 虛 咸 太 極 本 無 極 也 (La kinh giải định, quyển I, tr. 2)
b) Coi hình la bàn (La kinh giải định,quyển II, tr. 12)
[5] – Ngũ theo từ nguyên viết là ㄨ, nghĩa là Ngũ hành (trung ương và bốn hướng) sau thêm hai nét trên dưới ( 二 ) mà thành , tượng trưng âm dương ngũ hành chuyển Vận giao phối trong trời đất.
– Thập cũng gồm đủ Ngũ hành (Đông, Tây, Nam, Bắc, Trung)
– Ngũ- Thập vì vậy ở trung ương nơi âm dương giao thái, ngũ khí triều nguyên, (cf. Wieger, Leçons étymologiques No 24A, No 39, p. 68, 109)
[6] Ainsi quand est fini le troisième mois de l’été, interrompt-il le travail qui lui permet de singulariser les diverses durées, il se vêt alors de jaune et cessant d’imiter la marche du soleil, va se poster au centre du Ming-t’ang 明堂. S’il veut animer l’Espace, il faut bien qu’il ocupe cette place royale et dès qu’il s’y arrête, c’est d’elle qu’il semble animer le temps: il a donné un centre à l’année. (Marcel Granet, La pensée Chinoise, p. 103, 179, 180)
[7] Đọc các quẻ: Khôn, Nhu, Tụng, Tỉ, Đồng nhân, Đại hữu, Khiêm, Dự, Khuê, Kiển, Giải, Ích, Quải, Tỉnh, Chấn, Phong, Tiết, Trung phu, Tiểu quá, Vị tế. (Dịch kinh)
– Hệ từ hạ: Càn khôn thành liệt, nhi dịch lập hồ kỳ trung hĩ. 乾坤成列, 而易立乎其中矣.
[8] Trung hành 中行: đọc các quẻ: Thái (cửu nhị), Phục (lục tứ), Ích (lục tam; lục tứ), Quải (cửu ngũ) (Dịch kinh).
[9] Trung đạo 中道 : đọc các quẻ: Cổ, Ly, Giải, Ký tế (Dịch kinh).
[10] Thiên vị dĩ chính trung dã. 天位以正中也. (quẻ Nhu, lời soán)
[11] Quân tử hoàng trung thông lý, chính vị cư thể, mỹ tại kỳ trung nhi sướng ư tứ chi, phát ư sự nghiệp, mỹ chi chí dã. 君子黃中通理, 正位居體, 美在其中而暢於四支, 發於事業, 美之至也.
[12] Xem hình: Đế xuất Chấn.
[13] Trung Dung dã, vương giả chi sở thường hành dã. 中庸也, 王者之所常行也 (Lễ Ký 禮記 – Tang phục tứ chế, quyển 63, tr. 213)
[14] Mạnh Tử, Tận tâm [hạ], 37.
[15] Thiên biến vạn hóa, ngô thường thủ trung yên. 千變萬化, 吾常守中焉 (Trung thuyết Chu công)
[16] Bửu Cầm, Tống Nho, tr. 114, 115, 116.
[17] Hựu viết: Sở vị Trung giả, tính dữ thiên đạo dã. 又曰: 所謂中者性與天道也. (Trung Dung hoặc vấn, tr. 22)
[18] Tống Nguyên học án, quyển 12. Phụ chú lục Thái cực đồ thuyết giải, tr. 2, 3, 4, 5, 6, 7, 8.
[19] Thù vấn cực chi vi ngôn. Cứu cánh chí cực bất khả hữu gia chi vị; dĩ trạng thử lý chí danh nghĩa tắc cử thiên hạ vô dĩ gia thử chi xưng dã. Cố thường tại vật chi trung, vi vật chi đích. Vật vô chi, tắc vô dĩ vi căn chủ nhi bất năng dĩ hữu lập. Cố dĩ vi tại trung chi nghĩa tắc khả nhi tiện vị cực vi trung tắc bất khả. 銖問極之為言. 究竟至極不可有加之謂; 以狀此理之名義則舉天下無以加此之稱也. 故常在物之中, 為物之的. 物無之, 則無以為根主, 而不能以有立. 故以為在中之義則可而便謂極為中不可 (Stanislas Le Gall S.J., Tchou Hi: Sa doctrine, son influence, p. 116)
– Vấn Lưu Tử sở vị thiên địa chi trung, tức Chu Tử sở vị Thái Cực phủ. Viết chỉ nhất ban, đãn danh bất đồng. Trung chỉ thị kháp hảo xứ. Thư duy hoàng Thượng Đế, giáng trung ư hạ dân diệc chỉ thị kháp hảo xứ. Cực bất thị trung. Cực chi vi vật chỉ thị tại trung như giá cá chúc đài, trung ương trâm xứ tiện thị cực. 問劉子所謂天地之中, 即周子所謂太極否. 曰只一般, 但名不同. 中只是恰好處. 書惟皇上帝, 降衷於下民亦只是恰好處. 極不是中. 極之為物只是在中如這個燭臺, 中央簪處便是極 (Ibidem, tr. 104)
[20] Chu viết: cực thị danh thử lý chi chí cực, trung thị trạng thử lý chi bất thiên, tuy nhiên đồng thị thử lý, nhiên kỳ danh nghĩa các hữu du đáng, tuy thánh hiền ngôn chi, diệc vị cảm hữu sở sai hỗ dã. 朱曰: 極是名此理之至極, 中是狀此理之不偏雖然同是此理, 然其名義各有攸當, 雖聖賢言之, 亦未敢所差互也 (Tống Nguyên học án, quyển 12, tr. 5)
[21] Lục viết: Cực diệc thử Lý dã, Trung diệc thử Lý dã. Ngũ cư Cửu Trù chi trung nhi viết Hoàng Cực, khởi phi dĩ kỳ trung nhi mệnh chi hồ. Dân thụ thiên địa chi trung dĩ sinh, nhi Thi ngôn lập ngã chưng dân, mạc phi nhĩ cực, khởi phi dĩ kỳ trung mệnh chi hồ. 陸曰: 極亦此理也. 中亦此理也. 五居九疇之中而曰黃極豈非以其中而命之乎. 民受天地之中以生而詩言立我烝民莫非爾極, 豈非以其中命之乎 (Tống Nguyên học án, q.12, tr. 5)
[22] Cái Cực giả Trung dã. 蓋極者中也 (Tống Nguyên Học Án, quyển 12, tr. 3) – Viết nhất trung tức Thái Cực dã. 曰一曰中即太極也 (Ibidem, tr.2)
[23] Quán dĩ Trung Tân danh, hà sở thủ nghĩa. Dư ngữ chi viết: Trung giả trung dã, toàn kỳ thiện vi trung, bất toàn kỳ thiên tắc phi trung dã. Tri sở chỉ vi yếu tân, bất tri sở chỉ tắc mê tân hĩ. 館以中津名, 何所取義. 余語之曰: 中者中也, 全其善為中, 不全其善則非中也. 知所止為要津, 不知所止則迷津矣 (Trung Tân quán bi minh, Trạng Trình. Tài liệu viết tay của giáo sư Lê Hữu Mục)
[24] René Guenon, Le Symbolisme de la croix, p. 66.
[25] Ibidem, p. 72.
[26] Mackey’s revised Encyclopedia, volume 2, p. 665.
[27] Le Bouddha a découvert «la voie moyenne» qui procura la vue, qui donna la connaissance, qui conduit au calme, à la vue intérieure, à 1’éveil, au nibbanā. (Présence du Bouddhisme, p. 268-269)
[28] Pháp tướng dĩ duy thức vi Trung Đạo, Thiên Thai dĩ thật tướng vi Trung Đạo, Hoa Nghiêm dĩ pháp giới vi Trung Đạo. Trung giả bất nhị chi nghĩa, tuyệt đãi chi xưng, song phi song chiếu chi mục dã. 法相以唯識為中道, 天台以實相為中道, 華嚴以法界為中道. 中者不二之義, 絕待之稱, 雙非雙照之目也. Trung Luận kệ viết: Nhân duyên sở sinh pháp, ngã thuyết tức thị không, diệc danh vi giả danh, diệc thị Trung Đạo nghĩa. 中論偈曰: 因緣所生法, 我說即是空. 亦名為假名, 亦是中道義 (Phật học đại từ điển)
[29] «Oum mani padme hum» (Au cœur du Lotus brille le Joyau de la Sagesse) Cf. Sciences et Voyages, Aout 1962, No 200; Le Boutan, petit royaume himalayen của Francis Brunel.
Hình khắc vào đá để lưu truyền lời chú: «Oum mani padme Hum.»
[30] Hội thông nhu, thích giả vị trung tức chân nguyên dã. 會通儒, 釋者謂中即真元也 (Phát chân qui nguyên – Trúc song tùy bút, tr. 35)
[31] (1a) Đầu hữu cửu cung, trung viết Nê Hoàn. 頭有九宮中曰泥丸 (Kim đơn đại thành tập, tr. 4)
(1b) Thiên tâm chi cư ư Bắc Cực, vi tạo hóa chi khu cơ giả. Thử tâm dã, cố đẩu tiêu nhất vận, tứ thời ứng tiết, ngũ hành thuận tự, hàn thử trúng độ, âm dương đắc kỳ nghi hĩ. Tại nhân diệc nhiên. Thủ hữu cửu cung, thượng ứng cửu ngung, kỳ trung nhất cung viết thiên tâm, nhất viết tử phủ thiên uyên, thiên luân, thiên quan, thiên kinh, thượng đô quan, côn lôn đỉnh. Kỳ danh phả chúng. Tổng nhi ngôn chi, viết Huyền quang nhất khiếu… 天心之居於北極, 為造化之樞機者此心也, 故斗杓一運, 四時應節, 五行順序寒暑中度陰陽得其宜矣. 在人亦然, 首有九宮, 上應九隅其中一宮曰天心一曰紫府, 天淵, 天輪, 天關天京, 上都關, 崑崙頂其名頗眾, 總而言之, 曰玄關一竅. (Kim đơn đại thành tập, tr. 2) (1c) Nê Hoàn cung đối chiếu với cơ thể học hiện đại là não thất 3 (3e ventricule). Cho tới nay chưa có giả thuyết y học nào nói Nê Hoàn cung hay não thất 3 là điểm hội tụ và phát xuất các ý tưởng và cảm giác. Trong quyển Vie et Rénovation các nhà sinh lý học Pháp giả thuyết là điểm hội tụ ở khoảng hypothalamus (minh đường hay hạ thi tằng).
[32] Năng tri vận dụng giả, dĩ đạo quán tâm, tâm tức đạo dã, dĩ tâm quán đạo, đạo tức tâm dã. Thị tâm dã phi nhân tâm chi tâm, nãi thiên tâm chi tâm dã. 能知運用者, 以道觀心, 心即道也, 以心觀道, 道即心也. 是心也非人心之心, 乃天心之心也 (Kim đơn đại thành tập, tr. 2)
[33] Cái dĩ «trung hoàng», tại nhân thân địa thiên chi chính trung. tức dịch chi Hoàng trung. Thích thị sở vị duyên trung. Ngô tông danh viết Huyền tẫn chi môn; nãi thị sinh thiên sinh địa sinh nhân chi huyền khiếu… 蓋 以 中 黃, 在 人 身 地 天 之 正 中, 即 易 之 黃 中. 釋 氏 所 謂 緣 中. 吾 宗 名 曰 玄 牝 之 門; 乃 是 生 天 生 地 生 人 之 玄 竅.
[34] Richard Wilhelm, The secret of the golden flower (Thái Ất Kim Hoa Tông Chỉ), tr. 3: «One looks with both eyes at the end of the nose, sits upright and in a comfortable position and holds the heart to the center in the midst of conditions (on the fixed pole in the flight of phenomena). In Taoism, it is called the Yellow Middle, in Buddhism, the center in the midst of conditions… The two are the same. It does not necessarily mean the middle of the head. It is only a matter of fixing one’s thinking on the point which lies exactly between the two eyes. Then all is well.»
[35] Marcel Granet, La Pensée Chinoise, p. 316, 527, 528.
[36] … J’ai considéré notre âme comme un château, fait d’un seul diamant ou d’un cristal très pur. Tout comme au ciel il y a diverses demeures, ce château renferme plusieurs appartments: les uns en haut. les autres sont en bas, d’autres dans les ailes, enfin au centre, au milieu de tous, se trouve le principal, ou se passent les choses les plus secrètes entre Dieu et l’âme…
Vous savez comment la tige du palmier est fermée de plusieurs enveloppes, qui entourent et protègent la partie savoureuse, le cœur proprement dit de l’arbre; de même au centre du château se trouve la demeure du Roi et tout autour sont d’autres demeures.
Sainte Thérèse d’Avila, La religion essentielle, p. 166. cf. Sainte Thérèse de Jesus, ¬uvres complètes, Édition du Seuil. Le Château de l’Âme, p. 815, 825.
Phụ Lục 4 note 1/tr. 516: 1. Ngày 6/1/63, ông Kỹ Sư Trung Hoa Chương Dật Nguyên đã có nhã ý gửi cho tác giả quyển Chu Dịch Xiển Chân do Lưu Nhất Minh trước tác. Nhân thấy trong đó có bài Trung Đồ này, tư tưởng thâm trầm, văn chương khoáng đạt, nên trích dịch, để cống hiến độc giả làm tài liệu. Tr. 543: Phụ Lục 7, note 1.
[37] Toát lược Trung Dung bằng tiếng Pháp dành cho các thính giả người Pháp, ngày tác giả lĩnh giải thưởng văn chương Lecomte du Noüy 1960-1961. Tr. 550.
Phụ Lục 8, note 1. – Toát lược Trung Dung bằng tiếng Anh dành cho các thính giả người Anh, ngày tác giả lĩnh giải thưởng văn chương Lecomte du Noüy 1960-1961.
Chia sẻ bài viết:
LÊ CÔNG
0919.168.366
PHÚC THÀNH
0369.168.366
Một số cách an sao vòng Trường Sinh trong tử vi
TÍNH CÁCH, MẪU NGƯỜI, TRONG LÁ SỐ TỬ VI
7 nguyên tắc cơ bản sau cần phải xem kỹ trước khi bình giải một lá số Tử Vi
THẾ NÀO LÀ TUẾ PHÁ & NGŨ HOÀNG ĐẠI SÁT
BÍ QUYẾT SONG SƠN NGŨ HÀNH VÀ THẬP NHỊ THẦN ĐẠI PHÁP (TIÊU SA NẠP THỦY THEO THỦY PHÁP TRƯỜNG SINH)
Ý nghĩa của việc thờ bàn thờ Ông Địa
“BẢN GỐC” CỦA THƯỚC LỖ-BAN DÀNH CHO CÁC BẠN THẬT SỰ HAM MÊ PHONG THỦY !!!
LÊ LƯƠNG CÔNG
Trụ sở: Số 12, Trực Cát , Vĩnh Niệm, Lê Chân, Hải Phòng
Tel: 0919.168.366 - Hotline: 0919.168.366 - Email: nhadatcongminh@gmail.com
Copyright © 2019 https://leluongcong.com/