T heo Trung Dung và Dịch lý, chúng ta có thể minh xác tương quan giữa Trời và vạn vật, giữa Bản thể (noumène, substance) và hiện tượng (phenomènes, accidents).
BẢN THỂ LUẬN
Bất thiên chi vị Trung,
Bất dịch chi vị Dung
(Trung Dung)
Khảo sát các đồ bản Dịch, ta thấy Trung cung, Trung điểm tượng trưng cho bản thể (être), còn hào quái bên ngoài tượng trưng cho hiện tượng (phenomène).
Đạo, hay Bản thể, hay Trung điểm, hay thái cực, thần bí ẩn vi, nan trắc, khó hình dung, khó mô tả, nên phải mượn các hào quái để gợi vẽ ra.
Ẩn Quân Quách đời Tống đã cho rằng hào quái chỉ là tượng trưng bên ngoài cho Đạo, cho bản thể, nên cần phải biết đi từ hào quái trở về Trung cung, để nhận ra Bản thể, Đạo thể vô hình tích.[1]
Bản thể vô hình tích, nên dùng lời lẽ nào mô tả, cũng thấy bất xứng, vì thế mỗi triết gia, mỗi hiền thánh lại bày thêm ra một từ ngữ: nào Vô, nào Hữu, nào Vô cực, Thái cực, Hoàng cực, nào Thiên, nào Đế, nào Thần, nào Đạo, nào Lý, nào Trung… Thậm chí còn gọi là hư vô, Tịch diệt, vì bản thể vượt trên hình thức sắc tướng… Chung quy vẫn một phương pháp, một lối đường là dùng từ ngữ để cố hình dung Bản thể…
Bản thể tuy lồng trong vạn vật để làm căn cốt, làm nguồn sinh, làm động cơ vận dụng vạn hữu, nhưng vạn hữu đâu phải là Trời, là Bản thể… Vạn hữu chẳng qua như hào quái bên ngoài ôm ấp Bản thể hay trung điểm ở bên trong.
Vì Bản thể phát huy ra toàn thể hiện tượng, toàn thể từ ngữ, nên không thể dùng hình ảnh này, hình ảnh kia để phác họa được Bản thể, không thể dùng chữ này, chữ kia, tên này tên nọ mà gán ghép cho Bản thể.
Bản thể không thể giới hạn vào từ ngữ, vào hình ảnh; Bản thể là vô hạn định, vì thế Bản thể vừa là toàn bộ vừa là chân không (Tout et Rien).[2]
Cho nên, nhiều triết gia đã dùng những danh từ tương phản nhau để mô tả bản thể, hay Đạo[3] hay Hóa công.
Mượn ý tứ của Hoài Nam Tử, ta có thể mô tả Hóa công hay Bản thể đại khái bằng những luận điệu tương phản như sau:
«Hóa công chở đất che Trời,
Mênh mông bốn hướng, chơi vơi tám tầng
Cao, cao vô tận vô ngần,
Thẳm sâu , sâu mấy muôn tầm, đo sao !
Trùm Trời, mà đất cũng bao,
Vô hình, vô tượng, dễ nào hình dung.
Nguồn tung, suối tỏa tưng bừng,
Ngỡ là sắp cạn, bỗng dưng đầy tràn.
Ào ào, cuồn cuộn, vang vang,
Ngỡ là vẫn đục, vẫn hoàn trong veo.
Trồng lên đất ngợp Trời teo,
Tung ra , bốn biển có chiều mung lung.
Ra tay linh diệu khôn cùng,
Quang âm khôn cản dặm chừng vân du,
Khi tung, Trời đất chưa vừa,
Khi thu, nhỏ xíu lọt thừa nắm tay,
Tuy co, mà dãn như mây,
Tuy mờ, mà sáng như ngày nắng chang.
Tơ non mà rất cương cường,
Mềm nhung mà dắn in tuồng thép gang.
Tràn bốn hướng, cưu mang nhật nguyệt,
Ngất Trời mây, soi hết trăng sao.
Mịn màng, thắm thiết biết bao,
Tế vi tiêm tất tả sao cho cùng,
Núi nhờ thế mà tung cao vút
Vực dựa uy, sâu ngút mịt mùng.
Ngài cho thú chạy trong rừng,
Cho chim tung cánh chín tầng mây xanh
Ngài tô ánh quang minh nhật nguyệt,
Ngài rong cương ruổi hết tinh huy.
Kỳ lân đùa rỡn cũng vì,
Phượng loan, bay bổng, quyền uy không ngoài
Đời thái cổ, có hai Hoàng đế,
Nhờ ơn Ngài chỉ vẽ trước sau,
Mới nên nhân đức nhiệm màu,
Thần thông hóa dục, dẫn đầu muôn phương.
Quyền uy Ngài khôn lường khôn tả,
Rung chuyển Trời, lắng cả đất đai,
Quay cho Trời đất vần xoay,
Xô cho nước chảy đêm ngày chẳng thôi.
Thủy chung để sánh đôi muôn vật,
Thổi gió giông, ủ ấp ngàn mây.
Việc gì cũng có dúng tay,
Ầm ầm sấm động, mưa bay tỏa quyền…» [4]
Cổ nhân còn hình dung Bản thể bằng vòng Thái cực gồm 2 mặt âm dương, điên đảo tung hoành trong tĩnh lãng, ôm ấp nhau thành một khối hồn nhiên duy nhất.
Ngoài ra Bản thể còn được tượng trưng bằng con số 5 [5] vì 5 là con số phối hợp âm dương,
1 + 4 = 5
2 + 3 = 5
12 + 22 = 5 (1×1) + (2×2) = 5
32 + 42 = 52 (3×3) + (4×4) = (5×5)
Vì số 5 ở ngôi vị chính trung giữa 1 và 9. [6]
Không phải nguyên Trung Hoa mới tượng trưng Bản thể bằng số năm, mà các triết gia Hi La, Ấn Độ cũng đã từng làm như vậy. [7]
Về từ ngữ, thì cổ nhân dùng chữ Trung, chữ Nhất, chữ Dịch, chữ Đơn để chỉ Bản thể:
Trung vì ở chính trung tâm điểm phát sinh vạn vật, và là cùng đích vạn vật hướng về.
Chữ Nhất vì chỉ có một Bản thể duy nhất mà ứng dụng thì muôn vàn. (Thể duy nhất dụng vạn thù). Chữ Dịch vì bao quát cả âm dương, cả 2 lẽ biến hằng. [8] Chữ Đơn vì Đơn cũng chính là âm dương hợp nhất. [9]
Ta có thể dùng trung điểm và các vòng tròn đồng tâm để vẽ ra mối liên hệ giữa Bản thể và hiện tượng cũng như để gợi ra Bản thể vừa là cực điểm vừa là trung điểm của vạn vật, vừa thật cao và vừa thật sâu.
THÁI CỰC, (TRUNG) 1. TÍNH 2. KHÍ 3. TÂM 4. TRÍ 5. XÁC 6. Xã hội – Gia đình 7. Hoàn cảnh vật chất |
1. ĐẠO 2. ĐỨC 3. NHÂN 4. NGHĨA 5. LỄ 6. CHÍNH TRỊ 7. BÁCH NGHỆ |
7. BÁCH NGHỆ 6. CHÍNH TRỊ 5. LỄ NGHI 4. GIÁO LÝ 3. LUÂN LÝ 2. NGHỆ THUẬT 1. TÍNH |
7. Hoàn cảnh vật chất 6. GIA ĐÌNH 5. XÁC 4. TRÍ 3. VỌNG TÂM 2. VÔ MINH 1. CHÂN TÂM |
||
(căn bản, căn nguyên, hoàn thiện) |
(Đạo,Thần, Hư vô, Niết bàn, Vô hà hữu chi hương) |
||
Các đồ bản chứng minh:
Trung = Cực = Căn bản = Tính = Đạo
Các tầng lớp con người với những hiện tượng tương ứng.
Tóm lại, các hình bóng, các từ ngữ bên ngoài, chẳng qua là những phương tiện giúp cho thần trí trực giác, lĩnh hội Bản thể tối cao; một khi tâm thần đã trực giác được Bản thể, được tuyệt đối, thì hình ảnh và từ ngữ trở thành vô dụng. Thần khí một khi đã thấu triệt Bản thể, đã trở về được với Bản thể, là đã vượt qua lãnh vực từ ngữ và hình sắc chẳng còn cố chấp nữa. [10]
Chữ nghĩa, hình dung là cốt dùng cho đại chúng. Còn những người đã được diễm phúc vượt khỏi lĩnh vực tương quan, đối đãi, những người đã hòa mình được với Tuyệt đối, sẽ lãng quên những bóng hình những từ ngữ, để cho thần trí thảnh thơi sảng khoái mặc tình phiếm du trong ánh vinh quang chân thiện mỹ … [11]
HIỆN TƯỢNG LUẬN
Dịch giả biến dịch dã. (Thập tam kinh, Chu Dịch, tr.1)
Dịch dã tượng dã. (Hệ Từ hạ)
Dịch dã dụng da. (Tống Nguyên học án, q.82, tr. 3)
Trung Dung và Kinh Dịch muốn vẽ lại trong muôn một hình bóng hình của tuyệt đối. Cũng như Thái cực ở trung cung, tung tỏa, phát sinh các hào quái biến thiên thành vòng Dịch bên ngoài. Bản thể Thái cực trong vũ trụ cũng phát sinh muôn vàn hiện tượng thiên văn địa lý, nhân sự.[12]
«Anh hoa chính khí đất Trời,
Khoác hình vật chất khắp nơi vẫy vùng.
Tràn mặt đất tưôn sông kết núi,
Vút Trời mây chói lói trăng sao.
Trần ai lẫn bóng anh hào,
Muôn ngàn khí phách rạt rào tầng xanh.» [13]
Hiện tượng, tuy do một bản thể phát sinh, nhưng thực ra có muôn hình sắc, di động biến thiên, ảo hóa khôn luờng có một cuộc đời dài vắn tùy nghi, theo công dụng. [14]
Hiện tượng như những làn sóng rào rạt, tràn lan khắp vũ trụ. Bất cứ cái gì biến thiên cũng đều là hiện tượng. Cho nên từ ý tưởng, tình tứ, từ ngữ, vận động, hình sắc cho tới những biến thiên trong xã hội nhân quần, những vinh, khô, đại, tạ trong thảo mộc, những đấu tranh, sinh tồn giữa cầm thú, những tổ chức xã hội hay đạo giáo đều là hiện tượng cả.
Hiện tượng như làn sóng quang âm, hay như ngọn ba đào, có sinh có trưởng, có thăng, có trầm, không vĩnh cửu.
Hiểu số phận phù du của hiện tượng là hiểu được số phận vũ trụ, và các trạng thái xã hội khác.
Dầu một chủ nghĩa lan tràn và được suy tôn đến đâu, dầu một quốc gia hùng cường đến mức nào, rồi ra cũng theo số phận chung của hiện tượng là suy vong tàn tạ. Nhưng vị mọi sự biến thiên có nhanh có chậm, có chóng có lâu, nên bèo này mới chê bọt nọ là phù du chất chưởng, nào hay nghìn vạn năm cũng ví như một chớp mắt trên tấm phông vĩnh cửu.
Nhưng dưới những cảnh phù du biến ảo còn có Bản thể bất biến, còn có tinh thần bất biến.
«Từ biến chuyển nhìn ra Trời đất,
Thì đất Trời chớp mắt đã qua.
Từ trong vĩnh cửu nhìn ra,
Muôn loài muôn vật như ta vô cùng.» [15]
Thấu lẽ huyền vi của đất Trời, các hiền thánh cố công dạy đời tìm ra Bản thể bất diệt, [16] tinh thần bất diệt lồng trong mọi biến thiên, dạy người lấy tâm địa vun trồng cây «Tính mệnh», đem phù du biến ảo tài bồi «Thiên địa chi tâm».
Nhưng người đời thường thiển cận, thay vì ôm ấp tinh thần bất diệt ấy, lại chạy theo xu phụng các hiện tượng bên ngoài, thù hằn chém giết nhau vì tư tưởng này, tư tưởng nọ, hình thức này hay hình thức kia, như thế khác nào thả mồi bắt bóng; khi bừng tỉnh lại, mới thấy mình tay trắng, trắng tay. [17]
Than ôi! Biết bao người đem tâm thần xu phụng hình hài và ngoại cảnh, để cho các hiện tượng bên ngoài mặc tình đẩy đưa, sai khiến.
Đời sống của họ dồn cả ra bên ngoài, đổi tâm thần lấy công danh, ngựa xe, áo sống. Thực đáng thương thay. [18]
Hiền thánh xưa, trái lại, phân biệt rõ phương diện phù du, và vĩnh cửu của cuộc đời, nên khi «công thành thì thân thoái»:
«Muốn được ấn phong hầu quí báu,
Cho bõ công bôn tẩu nhân gian.
Như khi công đã thành toàn,
Ta nên tìm chốn an nhàn tránh xa.
Nghêu ngao vui thú yên hà,
Áo bào cổi lại đó là trí trai.» [19]
Nhưng rũ bỏ phù hoa, không phải là để nghêu ngao vui thú yên hà, mà chính là để tìm cầu chân lý, đạo lý, trở thành chân nhân, biết đường «quy nguyên phản bản».
«Chân chân sự đã rành rành,
Người trần chẳng biết thần linh xét cùng.
Dốc niềm phản bản, qui tông.
Nguyên tinh giữ chắc tấm lòng hẳn hoi.» [20]
Khi đắc đạo, con người sẽ sống một cuộc đời thảnh thơi, thảng đảng, linh diệu, huyền thông.
«Chàng kia có đạo thần linh,
Đi đâu cũng giắt trong mình đem đi.
Gặp người, thuyết pháp ra uy,
Để yên xem cũng nhiều bề hiển linh.» [21]
Các hiện tượng như vậy có lớp lang tiết tấu và có ảnh hưởng lẫn nhau. Những hiện tượng tâm linh có thể biến dần thành những hiện tượng sinh lý, xã hội, vậy chất, hay ngược lại, những hiện tượng vậy chất có thể sinh ra những hiện tượng xã hội sinh lý, tâm lý hay siêu nhiên. Nhìn rộng ra, thì những hiện tượng ấy, thường xuyên diễn tiến trong hoàn võ và trong con người, kế tiếp nhau thành một vòng tuần hoàn vô tận của Trời đất.
Phân tách vũ trụ, phân tách con người thành nhiều tầng lớp, thành nhiều loại hiện tượng với những công dụng và những giá trị khác nhau, ta có thể mở rộng quan niệm ta về con người.
Thiết tưởng không thể quan niệm một cách hẹp hòi rằng con người chỉ nguyện có hồn, có xác, mà phải quan niệm con người có đủ Trời đất người trong mình. Phía trong thì liên kết với Thượng đế với thần linh, phía ngoài thì ràng buộc, chi phối bởi xác thân, gia đình, quốc gia, xã hội, hoàn cảnh, không gian và thời gian. Mọi biến cố bên trong hay bên ngoài con người đều có ảnh hưởng đến con người. Như vậy con người là Tất cả.
Dựa vào Nho giáo và các học thuyết Đông Tây ta có thể vẽ lại con người với các tầng lớp như sau:
Người = |
Tính (Logos) Khí (Esprit) Tâm (Psyché) Trí (Mental) Xác (Corps) Gia đình, xã hội (Famille, Société) Hoàn cảnh vật chất (Milieu physique) |
Mỗi tầng lớp con người, mỗi một loại hiện tượng đều có thể thu hút cả đời sống con người; và tùy theo hoạt động ở bình diện nào, con người sẽ có một bộ mặt khác, một vai trò khác, một lề lối sống khác, một tầm mắt khác.
Cho nên ta đừng tưởng con người đều sống chung trong một thế giới, mà thực ra phải quan niệm họ sống trong nhiều thế giới khác nhau, có những tâm tư khác khác nhau, sở thích khác nhau, hoạt động khác nhau, tùy như họ đang sống trên bình diện nào, đang trút cả tâm thần ý chí vào loại hiện tượng nào.
Cũng vì thế, mà mỗi đạo giáo đều có nhiều phương diện để thích ứng với mọi hạng người.
Đối với phàm phu tục tử, thì bày ra lễ nghi, chuông trống đàn sáo, hương hoa bên ngoài; cho hạng sĩ tử, thì trưng ra một số lý thuyết, một số giáo lý, xếp đặt sao cho thành một hệ thống mạch lạc; cho hạng người muốn tu tâm, thì đưa ra một nền luân lý hay những nếp sống khổ hạnh tu trì. Nhiệm vụ của các giáo hội đến đây là chấm dứt…
Tiến sâu hơn nữa, tiến cao hơn nữa là thuộc phạm vi mỗi cá nhân. Con người còn có thể biến đời sống mình thành bài thơ, thành khúc nhạc, thành một nghệ phẩm (Esthétique, grâce). Đi tới bình diện này, con người đã tách dần khỏi đại chúng.
Nhưng con người còn có thể tiến hơn được nữa, tiến được đến tuyệt đỉnh, tuyệt đích, tiến tới hoàn thiện, tiến tới chỗ kết hợp với Trời, [22] tìm ra thanh bình trong hỗn loạn, tìm được vĩnh cửu giữa mọi biến thiên, tìm được sự hiệp hòa trong chia rẽ. Người xưa gọi thế là chân nhân, chí nhân, vì đã đạt được mục đích của đời sống, đạt được lý tưởng của con người.
Ta có thể mượn tạm lời Trang Tử trong chương Ưng Đế Vương của Nam Hoa Kinh mà mô tả những bậc chân nhân, chí nhân ấy như sau:
«Chân nhân rũ bỏ phù hoa, [23]
Vui trong Đạo cả cao xa tuyệt vời. [24]
Sống trong vị thủy chơi vơi, [25]
Cưỡi chim khinh khoát, bay ngoài lục hư. [26]
Làng Vô hà hữu ngao du,
Sống trong «vô hữu» lặng tờ tịch liêu, [27]
Vô vi như thể Trời cao,
Vô vi trác tuyệt nói sao cho cùng.
Bao trùm vô tận thinh không,
Mịt mù tông tích ai lùng cho ra. [28]
Tâm hồn gương sáng, sáng lòa,
Chiếu soi muôn vật đâu là riêng tây. [29]
Các ngài như Quảng Thành Tử tuy còn ở trần gian, mà vẫn sống trên thượng giới:
«Kìa xem vạn vật vân vi,
Rồi ra tro bụi trở về bụi tro.
Thôi ở lại, ta vô cùng cực,
Cửa vô cùng ta sắp vô chơi.
Cánh đồng vô tận chơi vơi,
Ta cùng nhật nguyệt sáng ngời hào quang.
Cùng Trời đất miên man sống mãi,
Mặc cho đời phải trái cạnh tranh.
Mặc người tử tử, sinh sinh,
Ta nay muôn kiếp siêu linh, trường tồn.» [30]
Nhưng những hạng người sau đây, thường bị xã hội đương thời, những giáo hội đương thời phản đối hay hãm hại[31] một là vì tư tưởng các ngài quá siêu việt phóng khoáng, thoát ra mọi khuôn khổ chật hẹp thường dùng để giam giữ phàm nhân, hai là vì các ngài dùng những từ ngữ siêu phàm, xưng mình là Thiên tử, Thiên sứ. Ba là vì các ngài đưa ra đường lối ngược với thế nhân, dạy người tìm nước Trời, tìm Trời trong thâm tâm, như vậy là mặc nhiên phủ nhận giá trị những tổ chức hiện hữu bên ngoài, bốn là vì các ngài chủ trương con người có thể phối hợp hòa đồng với Thượng đế, đó là một điều chúng nhân cho là ngạo mạn, phạm thượng… hay ít ra cũng là điên cuồng , vu khoát…
Nhưng thực ra, các ngài không phủ nhận giá trị các tổ chức hiện hữu, mà chỉ muốn đem hoàn thiện tới cho nhân loại. Các ngài xây dựng cho thêm hoàn tất chứ không phá bỏ.
Mục đích các ngài là mở đường dẫn lối cho hiền nhân quân tử muôn thế hệ biết rõ các nấc thang giá trị, biết rõ đầu đuôi gốc ngọn của cuộc đời, để đỡ phải lần mò vất vả.
Nói cách khác, các vị sáng lập đạo, đều đã sống trong sự hòa đồng cùng Thượng đế, cố chỉ vẽ cho nhân loại diễm phúc tuyệt đối đó; nhưng, vì điều đó huyền vi ẩn áo, nên ít người thấu hiểu được. Vì thế, ta thấy liên tiếp nhau trong thời gian những nếp sống mới xuất hiện.
Hoặc là nghệ thuật (Esthétique, grâce).
Hoặc là tu trì nhặt nhiệm, luân lý, kỷ luật (Ascétisme, morale et réglements).
Hoặc là tôn sùng lý thuyết giáo lý (dogmatisme).
Hoặc là tôn sùng hình thức lễ nghi bên ngoài (formalisme).
Càng tiến ra là càng xuống thấp, mà càng xuống thấp thì càng dễ phổ cập vào đại chúng. Nhưng khi đã phổ cập tới đại chúng thì tinh hoa đạo lý đã mất, mà chỉ còn phảng phất lại chút dư hương, chỉ còn le lói một chút sáng thừa của vừng dương đã bị mây mờ che lấp hết. Càng lạc lõng vào hiện tượng càng lạc mất Bản thể, càng say mê cái phù hoa giả dối, càng xa lìa thuần phác chân chính mà khi con người đã bị hoàn cảnh thôi miên, đã bị trào lưu lôi cuốn , thì sao còn sáng suốt mà nhận định, sao còn tự chủ mà tìm được đúng hướng đi?
Lão Tử viết:
«Hễ đạo [32] mất, nặng tình với đức, [33]
Đức không còn lục tục theo nhân. [34]
Hết nhân có nghĩa [35] theo chân,
Nghĩa không còn nữa thấy thuần lễ nghi. [36]
Nên Nghi lễ là chi khinh bạc,
Cũng là mầm loạn lạc chia ly.
Bề ngoài rực rỡ uy nghi,
Bề trong tăm tối, ngu si, ngỡ ngàng.
Nên quân tử chỉ ham đầy đặn,
Chứ không ưa hào nháng phong phanh.
Chỉ cần thực chất cho tinh,
Không cần bóng bẩy lung linh bên ngoài.
Bắc cân khinh trọng cho tài,
Biết đường ôm ấp, biết bài dễ duôi.» [37]
Đứng trên bình diện các hiện tượng và bình tâm mà xét, thì đạo giáo nào cũng có bấy nhiên tầng cấp, bấy nhiên phương diện, bấy nhiêu giai đoạn lịch sử. Từ hình thức lễ nghi, giáo lý [38] mà xét thì đạo nào cũng Hán Sở chia phôi, Đông Tây cách trở; từ tinh hoa thuần túy mà trông, thì thấy bốn bể đều vang lên một Nhã ca đồng nhất.
Cho nên, cái hay của con người không phải là ở chỗ theo đạo này hay đạo kia, [39] mà chính là ở chỗ biết biện phân cái chính cái tùy của mỗi đạo, để biết đường tiến lên, tiến mãi tới Thượng đế, cố gắng cho tâm thần mình ngày thêm rực rỡ đượm muôn ánh hào quang, sống phiêu diêu, khinh khoát giữa trần cấu cuộc đời, mở rộng tâm hồn để chứa đựng muôn phương, thâu tóm hết tinh hoa Trời đất, không gian và thời gian vào tấc dạ.
Dịch chủ trương: «Địa đạo» là đạo là vợ, là đạo bầy tôi.[40]
Nói cách khác, hoàn cảnh vậy chất bên ngoài chỉ cốt là để hỗ trợ phụ bật, duy trì tinh thần bên trong, chứ không thể làm chủ chốt được.
Cho nên, người xưa cho rằng đem tâm thần vĩnh viễn làm tôi tớ vật chất hình hài[41] là một lầm lỗi lớn. Đã đành, lúc còn trẻ, con người vì miếng cơm manh áo, giang sơn, xã hội, vì còn mê muội,[42] nên đem tâm thần phục vụ hoàn cảnh là điều bắt buộc; nhưng khi đã luống tuổi, mà vẫn còn lận đận bon chen mãi, thì thực là uổng phí cuộc đời.[43]
Trang Tử nói «đừng lấy người giết Trời» cũng không ngoài ý ấy. [44]
Suy ra, con người lý tưởng phải biết sử dụng, biết làm chủ các hiện tượng bên ngoài, chứ không chịu làm nô lệ ngoại cảnh, chịu các hiện tượng bên ngoài sai khiến.
«Quân tử bất khí.» 君 子 不 器 [45]
Người quân tử lẽ nào là một khí cụ suông như cái xe, cái súng hay sao?
Nói tóm lại Dịch bàn đến hiện tượng, đến biến thiên, đến ứng dụng, Trung Dung bàn đến Tính mệnh, đến Bản thể. Con người mà không biến dịch, tiến hóa, thì là gỗ đá chứ chẳng phải người; con người tiến hóa mà chẳng có mục phiêu, sinh ra đời mà chẳng biết đầu đuôi gốc ngọn thì là mê, đâu phải tỉnh.
Dịch dọn đường cho Trung, thiên biến là đường đưa đến vĩnh cửu, hiện tượng là công cụ để tìm ra Bản thể. Có như vậy mới là biết lẽ u hiển, biết lẽ quân thần.[46]
Thế mới hay:
«Cái tạm bợ bao ngoài vĩnh cửu,
Áo thô sơ che dịu gấm hoa.
Rồi ra vàng ngọc chói lòa,
Trời người định vị, trung hòa vô biên.»
Chia sẻ bài viết:
LÊ CÔNG
0919.168.366
PHÚC THÀNH
0369.168.366
Một số cách an sao vòng Trường Sinh trong tử vi
TÍNH CÁCH, MẪU NGƯỜI, TRONG LÁ SỐ TỬ VI
7 nguyên tắc cơ bản sau cần phải xem kỹ trước khi bình giải một lá số Tử Vi
THẾ NÀO LÀ TUẾ PHÁ & NGŨ HOÀNG ĐẠI SÁT
BÍ QUYẾT SONG SƠN NGŨ HÀNH VÀ THẬP NHỊ THẦN ĐẠI PHÁP (TIÊU SA NẠP THỦY THEO THỦY PHÁP TRƯỜNG SINH)
Ý nghĩa của việc thờ bàn thờ Ông Địa
“BẢN GỐC” CỦA THƯỚC LỖ-BAN DÀNH CHO CÁC BẠN THẬT SỰ HAM MÊ PHONG THỦY !!!
LÊ LƯƠNG CÔNG
Trụ sở: Số 12, Trực Cát , Vĩnh Niệm, Lê Chân, Hải Phòng
Tel: 0919.168.366 - Hotline: 0919.168.366 - Email: nhadatcongminh@gmail.com
Copyright © 2019 https://leluongcong.com/