Quẻ Hỏa Thiên Đại Hữu, đồ hình ||||:| còn gọi là quẻ Đại Hữu (大有 da4 you3), là quẻ thứ 14 trong Kinh Dịch.
* Nội quái là ☰ (||| 乾 qian2) Càn hay Trời (天).
* Ngoại quái là ☲ (|:| 離 li2) Ly hay Hỏa (火).
Ly trên; Kiền dưới
Quẻ này là quẻ Hỏa Thiên Đại Hữu. Càn hạ cũng là Nội Càn; Lí thượng cũng là Ngoại Li. Li là Hỏa, Càn là Thiên, nên tên quẻ đọc bằng Hỏa Thiên Đại Hữu.
TỰ QUÁI
Tự quái: Dữ nhân đồng giả, vật tất quy yên, cố thụ chi dĩ Đại Hữu. 序卦: 與人同者物必歸焉, 故受之以大有.
Ý sắp đặt thứ tự quẻ. Sau quẻ Đồng Nhân tiếp lấy quẻ Đại Hữu là vì cớ sao?
Đồng Nhân là cộng đồng với người, đã làm nên những việc cộng đồng với tất thảy người, thời tất thảy người về với mình. Vậy nên sau quẻ Đồng Nhân, tiếp lấy quẻ Đại Hữu. Đại Hữu nghĩa là sở hữu rất lớn. Quẻ này Li tượng là mặt trời là lửa, Càn, tượng là trời; mặt trời với lửa ở tận trên trời, tia sáng đã tột mực cao, thời chói dọí cũng tột mực xa là tượng Đại Hữu.
SOÁN TỪ
Đại Hữu nguyên hanh. 大有元亨.
Lời quẻ chuyên thủ tượng bằng thể quẻ, với đức quẻ. Thể Càn thời có đức cương kiện, thể Li thời có đức văn minh. Vì có đức cương kiện hàm súc ở trong, lại có chất văn minh phát triển ở ngoài, cương kiện với văn minh gồm cả hai đức ấy, thuận với thì trời mà soi dọi với muôn vật, còn làm việc gì mà chẳng tốt lớn thông thuận nữa rư! Đại Hữu mà được như thế tất nguyên hanh.
SOÁN TRUYỆN
Soán viết: Đại Hữu, nhu đắc tôn vị, đại trung nhi thượng hạ ứng chi, viết Đại Hữu. Kì đức cương kiện nhi văn minh, ứng hồ thiên nhi thì hành, thị dĩ nguyên hanh.
彖曰: 大有, 柔得尊位, 大中而上下應之, 曰大有. 其德剛婕而文明, 應乎天而時行, 是以元亨
Soán viết: Đại Hữu, nhu đắc tôn vị, đại trung nhi thượng hạ ứng chi, viết Đại Hữu.
Đây là lấy thể quẻ thích nghĩa tên quẻ.
Xem cả sáu hào trong quẻ, hào Ngũ là hào âm nhu, ở vào vị chí tôn. Ngũ là vị trung, có đức trung ở vào thời Đại Hữu thì đức trung ấy lớn lắm. Vì có đức đại trung như thế nên trên dưới toàn năm hào dương, tất thảy thuận ứng với Ngũ nên đặt tên quẻ bằng Đại Hữu.
Đại Hữu có hai nghĩa: Một là, bao nhiêu loài đại về mình cả thảy, đại là chỉ vào ngũ dương, một âm thống được năm dương nên nói rằng Đại Hữu. Đó là nghĩa đặc biệt ở trong Kinh Dịch. Lại một nghĩa là sở hữu thiệt lớn. Vì ở sau lúc đã Đồng Nhân rồi, mà lại trên đưới thuận ứng với một vị đại trung là sở hữu bằng một cách rất lớn. Đó là nghĩa thông thường trong Kinh Dịch.
Kì đức cương kiện nhi văn minh, ứng hồ thiên nhi thì hành, thị dĩ nguyên hanh.
Đức quẻ: Nội Càn là ở trong có đức cương kiện, Ngoại Li là ở ngoài có đức văn minh. Lại Lục Ngũ ở trong quẻ, tượng là vị nguyên thủ ở trong một nước, thuận ứng với Cửu Nhị là chủ Càn.
Xem góp đức toàn quẻ như thế, chính là cương kiện nhi văn minh, ứng hồ thiên nhi thì hành. Thì hành nghĩa là đúng với thì mà làm, vì thế mà được nguyên hanh.
PHỤ CHÚ: Nguyên hanh mà được kết quả tốt, nhân sở dĩ tạo nhân ra được nguyên hanh thời nhờ có cương kiện văn minh mà chú trọng nhất là chữ kiện, kiêm cả chữ minh. Ông Tư Mã Quang có nói rằng: Kiện nhi bất minh, tắc tiền hữu sàm nhi bất kiến, hậu hữu tặc nhi bất tri. Minh nhi bất kiện, tắc tri thiện nhi bất năng cử, tri ác nhi bất năng khử dã 健而不明, 則前有讒而不見, 後有賊而不知. 明而不健, 則知善而不舉, 知惡而不去也.
Nghĩa là: Có đức kiện mà không đức minh, thời ở mặt trước có người sàm mà chẳng thấy, mặt sau có người tặc mà chẳng biết (Sàm nghĩa là người dèm pha). Có đức minh mà không đức kiện, thời biết người kia lành mà chẳng hay cử lên, biết người kia ác mà chẳng hay trừ bỏ.
Thế là: Thiếu đức minh, hoặc đức kiện, thảy làm cái múi cho loạn vương, tất phải có đức minh vừa đủ soi, có đức kiện vừa đủ quyết, xử chẳng bao giờ thất trung làm chẳng bao giờ thất thì, được như thế mới Đại Hữu nguyên hanh.
ĐẠI TƯỢNG TRUYỆN
Tượng viết: Hỏa tại thiên thượng, Đại Hữu. Quân tử dĩ át ác dương thiện, thuận thiên hưu mệnh. 象曰: 火在天上, 大月. 君子以遏惡揚善, 順天休命.
Li Hỏa ở trên Càn Thiên, bao nhiêu loài vật soi dọi được thấu cả, thế là Đại Hữu.
Quân tử ở về thời Đại Hữu, đã bao bọc chất chứa được rộng lớn, thời phải có một phương pháp thống trị cho rất hay.
Nhưng vì ở trong lúc ấy, loài người có kẻ ác, kẻ thiện, nếu chẳng phân biệt xử trí, tất đến nỗi thanh trọc hỗn hào, thị phi điên đảo, mà nghiệp Đại Hữu đó trở lại gây nên cuộc đại loạn. Quân tử vì lo như thế nên hễ người nào ác tuy chưa rõ, trước phải ngăn đón ngay, hễ người nào thiện còn uất ức, gấp lo biểu dương ngay làm như thế để thừa thuận mệnh tốt của trời.
Át: ngăn dứt; dương: biểu bạch. hưu: tốt.
Nguyên mệnh trời phú cho người, chỉ có thiện mà không có ác; tuyệt loài ác, dương loài thiện, chính là thuận mệnh trời đó vậy.
PHỤ CHÚ: Tượng Truyện hai quẻ Đồng Nhân, Đại Hữu tiếp với nhau, mà cũng thành cho nhau, khi chưa Đồng Nhân tất phải loại tộc, biện vật để phân biệt ra được thiện ác. Khi đã phân biệt được thiện ác rồi, tất phải át ác dương thiện, mới làm nên được Đồng Nhân mà giữ gìn được Đại Hữu.
Nói tóm lại, loại, biện là quy mô, át, dương là thủ đoạn, mà làm nên Đồng Nhân, Đại Hữu chính là mục đích. Muốn cho đạt được mục đích, tất phải có quy mô, thủ đoạn như hai Tượng Truyện mới hay.
HÀO TỪ VÀ TIỂU TƯỢNG TRUYỆN
Sơ Cửu: Vô giao hại, phỉ cựu, gian tắc vô cựu.初九: 無交害, 匪咎, 難則無咎.
Ở về đầu thời Đại Hữu mà xử vào địa vị Sơ Cửu tượng như con một nhà phú quý, mà còn đương ở vị ti thấp, chưa mấy ai xu phụ với mình, chưa làm nên những việc gì tai hại, đáng lẽ không việc gì tội lỗi, nhưng đã chắc gì, hễ giàu là kho chứa oán, áo đẹp người chỉ trỏ càng nhiều. Vậy nên xử vào cảnh thản thuận, càng nên căng trì khủng cụ, xem như xử lúc gian nan, thời mới chắc khỏi tội lỗi.
PHỤ CHÚ: Hào từ dạy người lấy tâm lí mà chống với hoàn cảnh, theo về hoàn cảnh Sơ Cửu, bắt đầu ở vào buổi phú hữu mà lại chưa dính vào việc đời, chỉ là một hạng người phú quý hưởng phúc làm gì mà có tội lỗi. Đó là nói về hoàn cảnh nên có chữ “Phỉ cựu”.
Nhưng thường tình, đã quý thời hay sinh ra kiêu, đã phú thường hay sinh ra xỉ. Nếu quên gian nan chốc phút, thời họa loạn sinh ra ngay, nên lại răn cho rằng: Gian tắc vô cựu. Thế mới biết: hoàn cảnh tốt, mà tâm lí xấu, thời chớ thấy tốt mà mừng, hoàn cảnh xấu mà tâm lí tốt, thời chớ thấy xấu mà sợ. Nghĩa là: Lấy tâm lí mà chống với hoàn cảnh, chớ để hoàn cảnh lừa gạt mình. Đó là thâm ý của Hào từ này.
Tượng viết: Đại Hữu Sơ Cửu, vô giao hại dã. 象曰: 大有初九, 無交害也.
Xem Tượng Truyện hào này, thời biết được: Chúng ta sinh ở trong vũ trụ chẳng bao giờ tránh khỏi thì với vị. Thì là giờ mình tao tế; vị là chốn mình đứng ngồi; thì, vị thuận, thời ta được thong thả. Thì, vị nghịch, thời ta phải khó khăn. Xem như hào này thì Sơ là ở thời Đại Hữu là một người gặp vận hạnh phúc, vị Sơ là vị đầu quẻ, lại là một người còn ở ngoài cuộc đời nên Sơ được vô giao hại.
Cửu Nhị: Đại xa dĩ tái, hữu du vãng, vô cựu.九二: 大車以裁, 有攸往, 無咎.
Hào Cửu ở vị Nhị là dương cương đắc trung, Cửu là cương kiện, vẫn có tài hữu vi. Nhị là nhu thuận, lại có đức khiêm tốn, mà lại ở trên có Lục Ngũ hết sức tín nhậm mình, trao gánh nặng thiên hạ ở trên vai Cửu Nhị, thành ra ở đời Đại Hữu, duy Cửu Nhị có sức lớn đỡ gánh nặng, tượng như cỗ xe lớn đi đường xa chở) đồ nặng, tài như thế, đức như thế, mà thì vị lại như thế, thời làm việc gì chẳng nên, đi chốn nào chẳng đến.
Ba chữ “hữu du vãng” là bảo hào này đã gánh trách nhậm nặng, tất phải có làm sự nghiệp lớn.
Nếu vô du vãng, thời e có lỗi. Hữu du vãng nghĩa là có đi chốn nào, hay làm việc gì. Du như nghĩa chữ sở; vãng như nghĩa chữ hành vi.
PHỤ CHÚ: Hào này là hào tốt nhất ở trong quẻ Đại Hữu, mà lời đoán của thánh nhân chỉ vô cựu mà thôi, chẳng cho chữ cát, hanh. Đó mới biết thánh nhân chẳng bao giờ dạy người quá đắc ý, cũng chẳng bao giờ dạy người quên nghĩa vụ.
Một hạng người như Cửu Nhị tài cao hơn hết thiên hạ, gánh nặng hơn hết thiên hạ, tuy đại xa dĩ tái, cũng chỉ là vừa trọn nghĩa vụ mình mà thôi. Vậy nên, Hào từ chỉ có hai chữ: Vô cựu.
Tượng viết: Đại xa dĩ tái, tích trung bất bại dã. 象曰: 大車以載, 積中不敗也.
Có đức trung như Cửu Nhị là gánh được việc nặng ở đời Đại Hữu, tượng như cỗ xe lớn đem chở đồ nặng, thời những đồ chứa trữ ở trong xe, chắc chẳng đổ bể vậy.
PHỤ CHÚ: Hào từ này [có thể dùng để] xem người trong sử Đông, Tây. Vê phương Đông thời Ông Y Doãn, về phương Tây thời Ông Gia Phú Nhĩ (Camille Bensôc Cayour), đúng được như Cửu Nhị này. Ông Y Doãn ra ứng sinh giúp vua Thang mà nói rằng: Ta quyết khiến cho vua ấy làm được như vua Nghiêu, vua Thuấn, khiến cho dân ấy được như dân đời Nghiêu, Thuấn. Thầy Mạnh khen ông ấy là Thánh chi nhậm. Nhậm nghĩa là gánh.
Ông Gia Phú Nhĩ làm tưởng cho nước Ý Đại Lợi, kinh dinh cho nước thông nhất cường thịnh, Ông trọn đời không lấy vợ. Người hỏi Ông, Ông trả lời rằng: nước Ý Đại Lợi là vợ của tôi. Sức lớn gánh nặng như hai ông ấy, thiệt là đại xa dĩ tái.
Cửu Tam: Công dụng hưởng vu thiên tử, tiểu nhân phất khắc.九三: 公用亨于天子, 小人不克.
Thiên tử nghĩa là một vị nguyên thủ ở trong thiên hạ, ở về đời phong kiến tức là hoàng đế; không ở về đời phong kiến thời hễ ngườì nào làm nguyên thủ của một nước cũng có thể lấy ý mà thông dụng được. Công là hạng người có tước vị rất cao, theo về đời chẳng phải phong kiến, thời vị tổng trưởng hoặc úy viên trưởng cũng có thể xưng bằng công được. Hưởng là tiệc yến rất sang trọng, tiệc yến mời được thiên tử, tất phải được hạng người như bậc công.
Hào này, Cửu là dương cương, ở vào vị Tam là đắc chính, ở trên hết Nội Quái là có vị cao, tượng như vị công. Một hạng người có đức cương chính, mà ở vào vị cao, vẫn là đức ứng kì vị, mà lại ở vào thời Đại Hữu tất nhiên có thổ địa, có nhân dân, người nguyên thủ một nước, cũng phải thân tiếp với mình, tượng như ông tước công dọn tiệc mời thiên tử, mà thiên tử đến ăn tiệc ở nhà tước công.
Tuy nhiên, đã quý thời phải bất kiêu, đã phú thời phải bất xỉ, có thế thời phú quý mới được phúc. Tất duy quân tử mới đương nổi Hào từ này. Nếu tiểu nhân mà được sung sưởng bằng hưởng thiên tử tất nhiên kiêu xa, dâm dật, tội lỗi tới ngay, không thể chịu nổi (Phất nghĩa chữ bất; Khắc nghĩa là đương nổi).
Tượng viết: Công dụng hưởng vu thiên tử, tiểu nhân hại dã. 象曰: 公用亨于天子, 小人害也.
Đương ở thời Đại Hữu, mà lại được vinh hạnh thiên tử tới hưởng cho mình. Theo về quân tử thời vẫn đang nhiên. Nếu tiểu nhân thời chỉ làm hại cho nó. Bởi vì nhà đã giàu, vị lại cao, thân lại quý, kiêu xỉ ngày càng thêm, e có lúc sát thân vong gia, thời Đại Hữu hóa ra đại hại nên nói rằng: tiểu nhân hại dã.
Cửu Tứ: Phĩ kì bành, vô cựu.九四: 匪其彭, 無咎.
Bành nghĩa như chữ bành trong Kinh Thi: Hành nhân bành bành, bành nghĩa là rầm rộ.
Hào này ở về thời Đại Hữu đã quá nửa rồi là Đại Hữu đã thịnh lắm. Cửu có tính dương cương, mà ở vị trí Tứ, thế là bất trung, bất chính.
Hạng người bất trung, bất chính như thế mà xử vào địa vị phú thịnh e có nguy họa tới nơi. Thánh nhân mới có lời răn rằng: Tứ này nếu xử phú mà in như bần, xử thịnh mà thường lo suy, biết quên hẳn phú thịnh của mình, thế là một người có đức khiêm tốn tiết kiệm, không bị hoàn cảnh xô đổ mình, mới được vô cựu.
Tượng viết: Phỉ kì bành, vô cựu, minh biện tích dã. 象曰: 匪其彭, 無咎, 明辯晳也.
Ở thời Đại Hữu, hưởng nghiệp Đại Hữu, mà quên sở hữu của mình lớn, chắc những hạng người ấy có trí khôn rất minh, biện biệt thị phi họa phúc rất rành (Tích nghĩa là rành rõi, cũng có nghĩa là rạch ròi).
Lục Ngũ: Quyết phu giao như, uy như, cát. 六曰: 厥孚交如, 威如, 吉.
Lục Ngũ ở quẻ Đại Hữu, chính là một vị nguyên thủ ở trong thiên hạ. Ở vào thì Đại Hữu, xử vào vị chí tôn, trên dưới năm dương tất thảy tín ngưỡng vào mình, hoàn cảnh thuận biết bao, cơ nghiệp lớn biết bao, trì dinh thủ thành thiệt là rất khó.
Sách Đại Học có câu: Dữ quốc nhân giao, chỉ ư tín 與國人交, 止於信. Thầy Mạnh có câu: Chí thành động thiên hạ. Vậy nên xử địa vị Lục Ngũ tất phải đem lòng chí thành giao với bậc đại hiền là Cửu Nhị và hạng người ở chung quanh mình. Đó là căn bản để thu phục nhân tâm.
Tuy nhiên, ở vào thời Đại Hữu, xử vào vị chí tôn, phu giao như là có đạo đức đã đành nhưng cũng phải có thủ đoạn. Nếu chỉ một mực nhu thuận thiệt mà thôi, thời vi mình thống trị quá nhiều người, tất có hạng sinh lòng lờn lã, e mệnh lệnh lúc có bất hành.
Vậy nên cách xử trí lúc ấy, nhu phải pha cương vào, cương phải thêm nhu vào; ân phải kềm pháp vào, pháp phải gia ân vào; có cách uy nghiêm giúp vào, mới được tốt lành.
Tượng viết: Quyết phu giao như, tín dĩ phát chí dã; uy như chi cát, dị nhi vô bị dã. 象曰: 厥孚交如, 信以發志也; 威如之吉, 易以無備也.
Quyết phu giao như là lấy thành tín của một người sẽ phát triển được chí ý cho chúng nhân vậy. Tùng lai, hạ tình bất thông, tội tại thượng nhân chẳng thành tín tiếp với hạ. Thượng nhân lấy thành tín tiếp với hạ, thời hạ nhân cũng phải lấy thành tín thông với thượng, hạ tình có lo uất bế đâu, thế là phát chí.
Uy như chi cát nghĩa là: Muốn cho được cát, cần phải có uy như. Bởi vì đời Đại Hữu là đời thái bình, thái bình thời thường hay khinh dị, nhiều lúc chẳng phòng bị, mà đạo tặc thường phát sinh. Vậy nên phải có uy như.
Chữ uy này thông dụng như chữ binh uy, uy vũ. Binh uy, uy vũ, thảy là giống phòng bị ở đời thái bình.
Dị nhi vô bị nghĩa là sợ quá khinh dị mà chẳng phòng bị.
Chữ bị này theo chữ bị trong Kinh Thư: Duy sự sự, nãi kì hữu bị, hữu bị vô hoạn 惟事事, 乃其有備, 有備无患. Nghĩa là: việc gì cũng phải có đồ phòng bị sẵn; đã phòng bị sẵn, thời không họa hoạn sinh ra.
Tỉ như chưa rét mà đã lo sắm áo, chưa mưa mà đã lo sắm tơi. Ở thời Đại Hữu là thời đại rất sung sướng. Thịnh chi cực, thời họa hoạn thường hay nhân đó mà sinh ra nên những tài liệu binh hình càng nên ở lúc đó gấp mau chỉnh đổn, tất phải uy như mới được cát.
Thượng Cửu: Tự thiên hựu chi, cát vô bất lị.上九: 自天祐之, 吉, 無不利.
Nghĩa hào này, ở sau Hệ tử đã giải thích rõ. Đây xin dịch luôn Hệ tử vào:
Tử viết: Hựu giả trợ dã, thiên chi sở trợ giả thuận dã; nhân chi sở trợ giả tín dã; lí tín, tư hồ thuận, hựu dĩ thượng hiền dã, thị dĩ tự thiên hựu chi, cát, vô bất lị dã.
子曰: 祐者助也, 天之所助者順也, 人所助者信也; 履信, 思乎順. 又以尚賢也, 是以自天祐之, 佶, 无不利也
Thích nghĩa Hệ tử nói rằng. Hựu nghĩa là giúp đỡ, binh vực. Trời chẳng giúp riêng cho ai, duy ai thuận với đạo trời thời trời giúp cho. Người chẳng riêng giúp cho ai, duy ai có lòng thành tín với người thời người giúp cho. Giày bám lấy thành tín để lòng tín ngưỡng ở lí thuận, lại biết sùng thượng bực hiền hơn mình vậy. Vì vậy nên được tự trời giúp cho mình tốt lành mà không việc gì là chẳng lị.
Nguyên quẻ Đại Hữu này, năm hào dương thuận tòng với một hào âm là hào Ngũ, hào Thượng này ở trên hào Ngũ; Ngũ hư trung là có đức tín, Thượng ở trên Ngũ mà thuận tòng hào Ngũ là lí tín; Thượng có lòng khuất kỉ phục tòng công lí là tư thuận. Nhất tâm theo Lục Ngũ là thượng hiền, vì những đức tốt ấy nên trời với người thảy giúp cho.
Tượng viết: Đại Hữu thượng cát, tự thiên hựu dã. 象曰: 大有上吉, 自天祐之.
Theo thông lệ ở trong Dịch, đến hào Thượng là cuối cùng, Đại Hữu đã đến lúc cùng, lẽ thường thời khó được cát. Duy hào Thượng này thịnh mà chẳng đầy, đầy mà chẳng kiêu, thuận hợp với đạo trời, mà trời giúp cho được cát.
PHỤ CHÚ: Trong bát quái, thời Càn là tôn nhất; trong lục thập tứ quái thời Thái là thịnh nhất, nhưng kể về vận hội vừa hanh thông, nhân sinh thảy hạnh phúc, thiệt không quẻ nào bằng quẻ Đại Hữu. Hào Sơ, hào Nhị, hào Tứ thảy được chữ vô cựu, hào Tam được chữ hanh, hào Ngũ được chữ cát. Đến hào Thượng lại được cát vô bất lị. Kìa như quẻ Càn đến Thượng Cửu thời vì kháng cực mà sinh hổi, quẻ Thái đến Thượng Lục thời vì Thái chung mà mắc lận; có quẻ nào tốt bằng Đại Hữu được đâu. Toàn sáu hào không chữ “hung”, “hối”, “lận”, “lệ” nào cả; chẳng thời đại nào thịnh trị bị phúc được như thế.
Vì cớ sao mà thế rư? Thời vì Đại Hữu là ở sau Đồng Nhân; khi thiên hạ đã đại đồng rồi. “Chính đức”, “lị dụng”, “hậu sinh”, ba việc ấy hoàn toàn viên mãn. Trong triều, không người nào là tiểu nhân; Ngoài dã, không người nào là phỉ loại; người sinh ở thời đại ấy, sung sướng vui vẻ biết chừng nào? Cái mùi hạnh phúc của đại đồng đến đó mới đạt ở cực điểm.
Nói tóm lại, Đồng Nhân là tạo nhân cho Đại Hữu, mà Đại Hữu lại kết quả của Đồng Nhân. Thiên thì, nhân sự giúp nhau làm nên là như thế.
(Theo Quốc Văn Chu Dịch Diễn Giải-Phan Bội Châu)
Chia sẻ bài viết:
LÊ CÔNG
0919.168.366
PHÚC THÀNH
0369.168.366
Một số cách an sao vòng Trường Sinh trong tử vi
TÍNH CÁCH, MẪU NGƯỜI, TRONG LÁ SỐ TỬ VI
7 nguyên tắc cơ bản sau cần phải xem kỹ trước khi bình giải một lá số Tử Vi
THẾ NÀO LÀ TUẾ PHÁ & NGŨ HOÀNG ĐẠI SÁT
BÍ QUYẾT SONG SƠN NGŨ HÀNH VÀ THẬP NHỊ THẦN ĐẠI PHÁP (TIÊU SA NẠP THỦY THEO THỦY PHÁP TRƯỜNG SINH)
Ý nghĩa của việc thờ bàn thờ Ông Địa
“BẢN GỐC” CỦA THƯỚC LỖ-BAN DÀNH CHO CÁC BẠN THẬT SỰ HAM MÊ PHONG THỦY !!!
LÊ LƯƠNG CÔNG
Trụ sở: Số 12, Trực Cát , Vĩnh Niệm, Lê Chân, Hải Phòng
Tel: 0919.168.366 - Hotline: 0919.168.366 - Email: nhadatcongminh@gmail.com
Copyright © 2019 https://leluongcong.com/