Kinh Dịch
15/08/2020 - 4:16 PMLê Công 1841 Lượt xem

Quẻ số 7 :   Địa Thủy Sư (師 shī)

Quẻ Địa Thủy Sư, còn gọi là quẻ Sư 師 (shi1), là quẻ số 07 trong Kinh Dịch

* Nội quái là ☵ (:|: 坎 kan3) Khảm hay Nước (水).

* Ngoại quái là ☷ (::: 坤 kun1) Khôn hay Đất (地).Khôn trên; Khảm dướỉ

Quẻ số 7 :   Địa Thủy Sư (師 shī) .

Quẻ số 7 :   Địa Thủy Sư (師 shī) 

 Quẻ này là quẻ Địa Thủy Sư. Khảm dưới cũng là Nội Khảm. Khôn trên cũng là Ngoại Khôn. Khôn tượng Địa, Khảm tượng Thủy nên tên quẻ đọc bằng Địa Thủy Sư.

 TỰ QUÁI

 Tự quái: Tụng tất hữu chúng khởi, cố thụ chi dĩ Sư, Sư giả chúng dã. 序卦: 訟必有衆起, 故受之以師. 師者衆也.

 Ý sắp đặt thứ tự quẻ. Sau quẻ Tụng tiếp lấy quẻ Sư là vì cớ sao?

Tụng nghĩa là tranh nhau, hễ tranh nhau tất nhiên có phe, phe tất nhiên có chúng khởi. Nhỏ từ bộ lạc với bộ lạc tranh nhau, lớn đến một nước với một nước tranh nhau. Hễ đã tranh nhau tất nhiên liên hiệp số đông người lại làm một chúng. Vậy nên sau quẻ Tụng tiếp lấy quẻ Sư, Sư nghĩa là chúng, cũng có nghĩa là quân lính.

Theo như hai thể quẻ này, Khôn thượng là Địa, Khảm hạ là Thủy, ở giữa có nước nhóm, tượng là quần chúng nhóm họp.

Lại theo về đức quẻ, Nội Quái Khảm là hiểm, Ngoại Quái Khôn là thuận, giữa đường hiểm mà đi bằng cách thuận, tượng là đem quân đi đánh giặc.

Toàn quẻ năm hào âm, một hào dương, một dương thống suốt năm âm, tượng là một tướng thống suốt toàn quân. Vậy nên đặt tên quẻ bằng Sư.

 Sư, trinh, trượng nhân cát, vô cựu. 師貞, 丈人吉, 無咎.

 Sư nghĩa là quân, cũng có nghĩa là chúng. Quẻ này Ngoại Khôn có tính thuận, Nội Khảm có tính hiểm. Thuận thời an; hiểm thời bất trắc. Việc trong thiên hạ đương hồi yên lặng, mà vẫn nấp cơ bất trắc, chẳng gì hơn việc binh.

Vì giữa lúc yên lặng mà có cơ bất trắc. Vậy khi xuất sư động chúng, trước phải giữ đạo chính. Nếu xuất sư mà chẳng phải chính đạo, thời cơ bất trắc, thời nảy ra họa hoạn lớn. Vậy nên xuất sư, cốt phải giữ chữ trinh.

Binh Thư có câu: Binh xuất vô danh, sự cố bất thành 兵出无名事故不成Đạo lí bất chính đáng tức là vô danh, muốn cho hữu danh tất phải chính đáng.

Tuy nhiên, xuất sư vẫn chính, mà thống tướng bất đắc kỳ nhân, thời chẳng giá ngự được quần chúng, kết quả tất nhiên chẳng lành. Vậy tất phải có một vị tướng soái, tài đức cao, danh vọng trọng, trí mưu đủ, tam quân trông thấy mà uy phục, người ấy gọi bằng trượng nhân.

Trượng nhân nghĩa là bậc tôn nghiêm. Quẻ này duy Cửu Nhị đắc trung mà có tài dương cương, trên dưới năm hào âm tất phải phục tòng Cửu Nhị, ấy chính là trượng nhân. Xuất sư đã chính, mà lại được trượng nhân làm tướng, tất nhiên dẹp được giặc, an được nước, như thế là cát vô cựu.

 PHỤ CHÚ: Chữ cát ở mọi nơi, thường chỉ nói về kết quả, duy chữ cát ở chốn này lại kiêm cả tạo nhân với kết quả. Bởi vì binh hung chiến nguy, chẳng bao giờ giết người đổ máu mà bảo rằng tốt lành được. Duy trong lúc hành binh mà từ đầu đến cuối, mục đích cốt trừ bạo an dân, dầu đến lúc dẹp giặc xong mà cũng chẳng dám lấy làm vui vẻ, được như thế, mới chuyển hung vi cát, mới là cát mà vô cựu.  cựu nghĩa là may khỏi tội lỗi là hạnh phúc lắm rồi; chẳng phải thấy cát mà nhận là hạnh phúc.

 Soán viết: Sư, chúng dã, trinh, chính dã. Năng dĩ chúng chính, khả dĩ vượng hĩ. Cương trung nhi ứng, hành hiểm nhi thuận, dĩ thử độc thiên hạ nhi dân tòng chi, cát, hựu hà cựu hĩ.

彖曰: 師衆也, 貞, 正也. 能以衆正, 可以王矣. 刚中而應, 行險而順, 以此毒天下而民從之, 吉, 又何咎矣.

 Soán viết: Sư, chúng dã, trinh, chính dã. Năng dĩ chúng chính, khả dĩ vượng hĩ.

 Sư nghĩa là chúng; trinh nghĩa là chính; hay đem chúng nhân đi vào lối chính thì có thể làm nên nghiệp vương vậy.

Chữ  đây như chữ  ở sách Tả TruyệnNăng tả hữu chi viết dĩ, nghĩa là hay sai sử được nó; bảo nó tả, nó tả; bảo nó hữu, nó hữu, ấy gọi bằng .

Vì quẻ này chỉ nhất dương ở Hạ Quái, toàn quẻ năm âm thảy nghe theo, ấy là một dương tả hữu năm âm, lại được vào đường chính. Thế là khả dĩ vượng hĩ, chữ vương đọc bằng vượng là động từ vượng, nghĩa là thống trị được thiên hạ.

 Cương trung nhi ứng, hành hiểm nhi thuận.

 Đây là lấy Nhị Ngũ mà thích lời quẻ; cương trung là nói Cửu Nhị, xử vị trung là được đạo trung; ứng là nói Cửu Nhị chính ứng với Lục Ngũ, tượng như chính phủ tín nhiệm một ông tướng. Lại về thể quẻ, nội Khảm là hiểm, ngoại Khôn là thuận, đi giữa đường hiểm mà cứ thản thuận được, ấy là nhân nghĩa chi binh.

 PHỤ CHÚ: Hai câu tiết này là thích chữ trinh cát, nhưng chú trọng vào hai chữ cương trung, bởi vì không tài cương minh, thời chúng chẳng úy phục. Nếu cương thái quá thời hay đến nỗi nghiêm bạo, chúng chẳng vui theo, duy cương mà đắc trung, mới đúng tài làm tướng, chính như sách Tôn Tử nói: Người làm tướng tất phải nghiêm dũng mà lại cốt nhất là có nhân, chính là ý ấy.

 Dĩ thử độc thiên hạ nhi dân tòng chi, cát, hựu hà cựu hĩ.

 Đây là lấy thể quẻ, đức quẻ thích nghĩa câu Trượng nhân cát, vô cựu ở Soán từ. Vì sao mà được cát, vô cựu? Xưa có câu Sư chi sở chí, kinh cực sinh yên, nghĩa là quân lính đi tới đâu, thời chông gai nảy ra đấy.

Duy gặp được bậc trượng nhân như Cửu Nhị quẻ Sư, thời hành sư mà vẫn theo đường nhân nghĩa, dầu trong chốn rừng sang mưa đạn, vẫn chẳng khỏi độc hại đến thiên hạ, mà dân cứ vui theo, tất nhiên được cát, lại không tội lỗi gì.

Ngày xưa, vua Thang đi đánh phương Đông, thời dân phương Tây oán, đi đánh phương Nam thời dân phương Bắc oán, rằng cớ sao vua không trước đánh ở nước ta, chính là nghĩa câu ấy. Thầy Mạnh bảo vua Tề Tuyên Vương đánh nước Yên, mà răn vua Tề rằng: Tru kì quân điếu kì dân, tắc yêu dân duyệt 誅其君而吊其民, 則燕民悅, nghĩa là: Giết vua bạo cho nó, thăm hỏi cực khổ cho dân nó, thời dân nó đều vui lòng theo với mình, chính như nghĩa Soán Truyện.

 PHỤ CHÚ: Chữ độc rất có ý vị, dụng binh cũng như dụng dược (Dược nghĩa là thuốc), ở trong thuốc vẫn có vị thuốc độc; binh cũng là một giống thuốc độc, vì gấp trừ bệnh nên phải dùng thuốc độc, vì gấp trừ loạn nên phải dùng đến binh.

Nếu chẳng phải bệnh đáng công, mà dụng thuốc độc, té ra dụng phụ tử phê sương làm thuốc bổ, thời tai hại rất lớn. Dụng binh mà chỉ một mực tàn hại dân, cũng mắc vào tệ ấy. Hễ những ai có đạn trái phá, súng cối xay, có biết nghĩ đến câu này không?

 ĐẠI TƯỢNG TRUYỆN

 Tượng viết: Địa trung hữu thủy, Sư. Quân tử dĩ dung dân súc chúng. 象曰: 地中有水, 師. 君子以容民畜衆.

 Tượng Truyện đây lại lấy chữ Sư bằng nghĩa rộng, chỉ nói Sư là chúng, mà chẳng nói Sư là quân.

Xem các nước văn minh đời nay làm phép trưng binh, hễ người trong nước, khi vô sự ở nhà là dân; khi hữu sự trưng tập vào dinh là binh. Mà đời thượng cổ nước Trung Hoa cũng như thế. Khi ở nhà thời Tỷ, Lư, Tộc, Đảng. Khi trưng binh thời Tốt, Ngũ, Lữ, Quân. Binh tức dân, dân tức binh. Vậy nên giảng nghĩa Sư là chúng, bao bọc được nghĩa Sư là quân. Đại Tượng muốn phát minh nghĩa ấy nên nói rằng: Trong đất chứa được nước nhiều là tượng quẻ Sư.

Quân tử xem tượng ấy thời học chước lấy độ lượng Khôn mà thu dụng lấy dân, súc tụ lấy chúng. Bao nhiêu người dưới quyền thống trị, tất thảy khiến cho hữu giáo, hữu dưỡng, ai nấy cũng được lạc nghiệp an cư, cũng tượng như lòng đất, dung trữ hết thảy nước; nghĩa Tượng Truyện như thế, tuy chỉ nghĩa Sư là dân chúng, nhưng dân chúng ở lúc thường, tức là binh lính ở lúc hữu sự, không trái với nghĩa chữ Sư là quân.

 HÀO TỪ VÀ TIỂU TƯỢNG TRUYỆN

Sơ Lục: Sư xuất dĩ luật, phủ tàng, hung. 初六: 師出以律, 否臧, 凶.

 Hào từ cả sáu hào, toàn lấy nghĩa bằng Sư là quân nên chỉ phát minh phương pháp hành Sư. Sơ Lục ở đầu hết quẻ, chính là lúc bắt đầu xuất Sư, nên Hào từ nói rằng: Hễ hành binh tất phải cẩn thận từ lúc đầu.

Một là: Xuất Sư tất phải có danh nghĩa. Hai là: Ở trong quân phải có hiệu lệnh tiết chế, như thế là Sư xuất dĩ luật, mới đúng với phép hành Sư là cát. Trái lại, quân đi mà không pháp luật, ấy là phủ tàng. Đã phủ tàng tất nhiên hungPhủ, như nghĩa chữ bất; tàng, như nghĩa chữ thiện. Phủ tàng nghĩa là chẳng lành.

 Tượng viết: Sư xuất dĩ luật, thất luật, hung dã. 象曰: 師出以律, 失律, 凶也.

 Quân đi ra phải có kỉ luật. Nếu mất kỉ luật, thời phủ tàng, mà hung. Chữ thất luật ở Tượng Truyện là thay chữ phủ tàng ở Hào từ.

Cửu Nhị: Tại Sư trung cát, vô cựu, vương tam tích mệnh.九二: 在師中吉, 离咎, 王三錫命.

 Cửu Nhị là một hào dương ở trong quẻ, tất cả năm hào âm thảy thính thuận với một hào dương, tượng là ông thống soái ở trong quân lữ. Vả lại, Lục Ngũ cư tôn làm chính ứng cho Cửu Nhị, tượng là người nguyên thủ một nước, giao toàn quyền nguyên soái cho Cửu Nhị. Cửu Nhị dương cương đắc trung, xứng chức nguyên soái, mà lại được Lục Ngũ [trao] uy quyền chuyên chế ở trong quân. Thế là chủ soái đắc nhân mà trên dưới tín phục, thời kết quả chắc cũng dẹp được giặc, an được dân, tốt lành mà chẳng tội lỗi.

Chủ soái đem quân đi, hết nghĩa vụ được như thế, đã vi sở đương vi, thời được hưởng quyền lợi sở đương đắc. Vậy nên bậc nguyên thủ trong nước phải hết lòng ưu lệ, ban phát mệnh lệnh tưởng thưởng đến ba lần.

Chữ tam tích, chỉ nói lệ số trùng điệp, chẳng hạn định tam là ba. Tục ngữ có câu: Lệ bất quá tam.

Lại như các sách Kinh truyện có chữ tam ấp, tam nhượng, tam cúc cung, thường có ý lấy đến Tam là nhiều nhất, cũng nghĩa như chữ tam ở hào này.

 PHỤ CHÚ: Lời đoán thường hay trước vô cựu, mà sau mới cát, hoặc đã cát, thời không nói vô cựu. Duy Soán từ Hào từ quẻ Sư, thảy trước cát, mà sau vô cựu là ý đặc biệt của thánh nhân. Bởi vì việc dụng binh là việc vạn bất đắc dĩ, vả lại tính mệnh của dân chúng, vận mệnh của nhà nước, tất thảy gởi vào trong tay nguyên soái, trách nhiệm quá chừng nặng nghĩa vụ quá chừng lớn. Nếu chẳng thành công, tức là tội lỗi. Vậy nên, tất phải cát, mới được vô cựu.

Cát nghĩa là thành công, duy việc hành Sư mới như thế. Còn như các việc khác thời phần nhiều giữ được khỏi tội lỗi, tức là cát, nên rằng: Vô cựu, cát.

 Tượng viết: Tại Sư trung cát, thừa thiên sủng dã, vương tam tích mệnh, hoài vạn bang dã. 象曰: 在師中吉, 承天寵也, 王三錫命, 懷萬邦也.

 Tượng Truyện lại bổ thêm ý nghĩa hào tử, rằng: Việc binh là việc giết người, mà mục đích cốt ở cứu người, có đánh đổ dân tặc, mới thừa thuận được đạo trời. Sở dĩ nói tại Sư trung cát, chính vì Cửu Nhị trừ được bạo, an được dân, thuận được lòng trời, mà trời tin yêu vậy.

Sủng nghĩa là tin yêu; Vương tam tích mệnh, chẳng phải nguyên thủ chỉ làm ơn riêng cho nguyên soái. Vì nguyên soái đem một thân mà gánh việc an nguy cả một nước, bây giờ ưu thưởng một người ấy chính là ưu thưởng cả vạn bang đó vậy. Vậy nên ban tưởng cho nguyên soái.

 PHỤ CHÚ: Trong Dịch thường có chữ: Thiên tử, vương hầu, công hầu, quân, chẳng qua khi thánh nhân làm sách còn ở đời chế độ phong kiến nên phải dùng những danh từ ấy. Chúng ta ở đời bây giờ đã không chế độ phong kiến thời những danh từ ấy bất thích dụng. Chúng ta nên hiểu ý của thánh nhân, chớ câu nệ ở mặt chữ. Giá như đổi làm chữ nguyên thủ, tổng thống hay lãnh tụ, v.v. e cũng thông.

Thầy Mạnh dạy cho ta đọc sách có câu: Bất dĩ văn hại từ, bất dĩ từ hại chí 不以文害辭, 不以辭害志. Nghĩa là: Chớ câu nệ ở chữ, mà làm hỏng mất lời của thánh nhân, chớ câu nệ ở lời nói, mà làm hỏng mất chí của thánh nhân, chúng ta học Dịch cũng nên hiểu ý ấy.

Lục Tam: Sư, hoặc dư thi, hung. 六三: 師或輿尸, 凶.

 Lục là hào âm, ở Tam là vị dương là bất chính lại bất trung, nhưng ở trên hết Nội Quái, cũng có tượng làm tướng ở trong một đám quân. Vì tài Tam nhu nhược lại bất trung chính mà dám đảm nhận lấy chức cầm quân, thời chẳng những đã không nên việc gì mà e có lẽ bị thất bại lớn nữa kia, thậm đến nỗi tướng thua quân đổ chở thây mà về ( nghĩa là xe, cũng có nghĩa là chở; thi nghĩa là thây xác). Quân đến nỗi dư thi là xấu lắm.

 Tượng viết: Sư, hoặc dư thi, đại vô công dã. 象曰: 師或輿尸, 大無功也.

 Lục Tam là người rất bất tài, nếu đem ra hành Sư tất đại bại vô công vậy.

Lục Tứ: Sư tả thứ, vô cựu. 六四: 師左次, 參咎.

 Lục Tứ âm hào ở âm vị, tuy bất trung nhưng đắc chính, đem Tứ ra cầm quân, vẫn chẳng đủ tài tiến, thủ, nhưng cũng biết liệu chừng mà lui, chẳng đến nỗi hao quân tổn tướng, tượng là: Sư tả thứ, thời vô cựu. Chữ thứ đây nghĩa như chữ thứ ở sách Xuân Thu: “Sư thứ vu Thiệu Lăng” nghĩa là quân lui đóng ở đất Thiệu Lăng; tả nghĩa là phía sau, theo như nghĩa ở nơi khác thời tiền tả là phía trước, hậu hữu là phía sau.

Bát trận đồ của ông Khổng Minh: Thiên tiền xungđịa tiền xung ở về phía hữu, thiên hậu xung, địa hậu xung ở về phía tả. Tả thứ nghĩa là lui về phía sau, liệu sức mình nên lui mà lui, cũng là vô cựu.

Binh Thư có câu: Dĩ thoái vi tiến, nghĩa là giữ thực lực cho an toàn, cũng là một chiến thuật, chứ không phải thoái là khiếp nhược, xem Tượng Truyện càng rõ.

 Tượng viết: Tả thứ vô cựu, vị thất thường dã. 象曰: 左次无咎, 未失常也.

 Tả thứ vô cựu, không đến nỗi trái mất đạo thường ở trong việc binh. Binh Thư có câu: Cường tắc tỵ chi, nghĩa là thế giặc cường hơn mình, thời mình liệu cách tránh nó, chính như nghĩa hào này.

Lục Ngũ: Điền hữu cầm, lị chấp ngôn, vô cựu. Trưởng tử xuất sư, đệ tử dư thi, trinh, hung. 六五: 田有禽, 利執言, 無咎. 長子帥師, 弟子輿尸, 貞凶.

 Điền: Ở ruộng; cầm: những loài thú ở rừng; chấp: bắt sống.

Lục Ngũ ở địa vị chí tôn trong quẻ là người có quyền khiển tướng xuất sư.

Nhưng vì đức tính hào Ngũ là nhu thuận mà đắc trung nên không quá hăng việc chinh chiến, duy chờ có khi nào giặc ngoài phạm biên cảnh mình, hoặc nước nọ khiêu chiến với mình, thời vì cớ phải ứng địch nên đánh với nó mà thôi. Tượng như giữa đồng ruộng mà có giống cầm rừng về, thời bắt ngay. Chữ ngôn này là đại danh từ như nghĩa chữ chi.

Xuất sư động chúng, mà chẳng phải lí sự tham công, tỉ như: Người bắt giống cầm giữa ruộng là mục đích giữ lúa canh đồng mà thôi, chứ không phải dụng công vào rừng để tìm tòi giống cầm thú đâu, nên vô cựu.

Tuy đành như thế, nhưng cách nhậm dụng tướng soái, tất phải kén cho được bậc lão thành trọng vọng, đáng địa vị trưởng tử như Cửu Nhị, mới dùng làm tướng soái để cầm quân.

Trưởng tử: Một bậc lão thành đa trí, có danh vọng tướng tài, đáng ở địa vị tôn trưởng, không phải trưởng tử là con đầu đâu.

Chữ trưởng tử ở đây tức là chữ trượng nhân ở Soán từ. Nếu không được trưởng tử xuất sư mà dùng những bọn tuổi trẻ, tài hèn, trí kém, đức mỏng, giá thấp xuất sư càn, thế là dùng lầm lấy đệ tử, tất đến nỗi quân thua tướng hỏng, chở thây mà về. Dụng phi kì nhân như thế, thời tuy danh nghĩa vẫn chính đáng, nhưng kết quả cũng hung.

 Tượng viết: Trưởng tử xuất sư, dĩ trung hành dã; đệ tử dư thi, sử bất đáng dã. 象曰: 長子帥師, 以中行也; 弟子輿尸, 使不當也.

 Hào từ sở dĩ có câu: Trưởng tử xuất sư là vì có đức trung như Cửu Nhị thời nên khiến cho xuất sư. Nếu không được trung chính như Cửu Nhị mà cũng khiến xuất sư thế là sử phi kì nhân, tất đến nỗi dư thi.

Sử: sai khiến; bất đáng: chẳng nhằm người.

Thượng Lục: Đại quân hữu mệnh, khai quốc thừa gia, tiểu nhân vật dụng.上六: 大君有命, 開國承家, 小人勿用.

 Thượng Lục ở cuối cùng quẻ Sư, chính là hành sư đã đến lúc thành công, lúc này chỉ cốt ngườí nguyên thủ trong một nước, đương khi luận công hành thưởng, phải xem xét những người có công lao đó, ai là quân tử, ai là tiểu nhân. Kìa hạng người tiểu nhân thời nên tưởng thưởng nó cho vừa công mà thôi, chớ không nên đặt nó ở địa vị trọng vếu trong quốc gia. Bởi vì đương khi hành trận, tuy tiểu nhân nhưng hữu tài thì nó cũng lập được chiến công. Còn khi chiến sự đã xong rồi, bắt đầu vào thời kì kiến thiết, tất phải người có tài lại có đức, mới gánh được việc thủ thành nổi, nên Hào từ nói rằng: Hễ khi việc hành sư đã xong rồi, thời đại quân có những mệnh lệnh gì quan hệ đến việc khai quốc thừa gia, chớ dùng hạng người tiểu nhân.

Đại quân tức là người nguyên thủ một nước; khai quốc nghĩa là đời sáng nghiệp; thừa gia nghĩa là đời thủ thành, nhưng đó là theo về chế độ phong kiến. Nếu không phải ở đời phong kiến, thời khai quốc thừa gia chỉ kể bằng việc nhà nước cũng thông, chớ nên câu nệ mặt chữ.

 PHỤ CHÚ: Đọc suốt sáu hào quẻ Sư, mới biết thâm ý của Thánh nhân rất thận trọng về cách dụng nhân, mà lại rất có kế hoạch. Trên đây nói trượng nhân hay trưởng tử thời tốt là chỉ chú trọng về một vị thống tướng, mà đến hào Thượng Lục lại có câu tiểu nhân vật dụng, thời chỉ chăm ý đề phòng tiểu nhân. Chúng ta mới biết trì quốc với hành binh, tuy việc trọng đại như nhau, mà quy mô sắp đặt phải khác nhau.

Các hào trên vì đương khi hành sư thời chỉ cốt một vị thống tướng cho giỏi là xong, còn từ thống tướng dĩ hạ, thời dầu tiểu nhân mà có tài chinh chiến cũng có thể dùng được, miễn họ biết phục tòng mà thôi. Đến Thượng Lục là hành sư đã xong, bây giờ cốt sắp đặt việc trị quốc, thời những bọn tiểu nhân ở trong hồi chinh chiến không thể giao cho họ làm việc quốc gia. Vậy nên có câu răn khai quốc thừa gia, tiểu nhân vật dụng. Trái lại, thì đương còn chinh chiến, dầu tiểu nhân cũng không thể mạt sát họ được. Xem như sử Tàu: Bành, Kinh, vẫn là tiểu nhân, nhưng Hán Đế dùng nó mà đánh được Sở. Xem như sử ta: Trần Khánh Dư vẫn là tiểu nhân, nhưng Trần Hưng Đạo dùng nó mà đánh được quân Nguyên. Binh Thư của Ông Hoàng Thạch Công có câu rằng: Hễ nhà binh biết dùng người, thời dầu đứa ngu cũng sai sử được, đứa tham cũng sai sử được, đứa gian dối cũng sai sử được.

Đó là cách biến thông của nhà binh, đến như nhà trì quốc thời không thể được, nên cuối cùng quẻ Sư có câu: Tiều nhân vật dụng.

 Tượng viết: Đại quân hữu mệnh, dĩ chính công dã, tiểu nhân vật dụng, tất loạn bang dã. 象曰: 大君有命, 以正功也, 小人勿用, 必亂邦也.

 Tượng Truyện này phát minh thêm ý nghĩa Hào từ nói rằng: Đại quân hữu mệnh, cốt khảo chính giữa những người có công lúc hành sư mà thôi. Đến khi khai quốc thừa gia quan hệ đến việc lớn của nhà nước thời chớ nên dùng tiểu nhân, bởi vì dùng nó tất làm loạn nước vậy.

 PHỤ CHÚ: Đọc suốt Hào từ Soán từ quẻ Sư, vẫn chẳng bao lăm chữ mà có thể dịch được một bộ Binh Thư. Bảy chữ ở Soán từ: Sư, trinh, trượng nhân, cát, vô cựu, tóm hết đạo lí hành Sư: Danh nghĩa tất phải chính, tướng soái tất phải có một vị chân chính trượng nhân, còn gì tốt hơn nữa.

Sơ Lục là bắt đầu mới xuất sư, thời rằng Sư xuất dĩ luật, Cửu Nhị là thống tướng, thời rằng Chung cát. Lục Tam là tì tướng mà bất tài, thời răn rằng Dư thi, hung. Lục Tứ cũng là tướng tầm thường, thời rằng Tả thứ, vô cựu. Lục Ngũ chính là người cầm quyền soái tướng, thời bảo nên dùng trưởng tử, mà chở dùng đệ tử. Đến Thượng Lục là cuối cùng quẻ Sư, công việc chinh chiến xong rồi, dẹp xong loạn phải lo trị nên bảo Khai quốc thừa gia, tiểu nhân vật dụng. Chỉ trong bấy nhiêu lời, mà phương pháp ở lúc phá hoại, quy mô ở lúc kiến thiết, có đầu có đuôi, có gốc có ngọn; chúng ta đọc suốt lời quái hào, sẽ tham khảo cả các thức binh thư Đông Tây, lại bổ trợ lấy khoa học chiến thuật ở đời bây giờ, chắc có lẽ vô địch ở thiên hạ.

(Theo Quốc Văn Chu Dịch Diễn Giải-Phan Bội Châu)

 


Tin liên quan

Chia sẻ bài viết: 



Bình luận:

Hỗ trợ trực tuyến

LÊ CÔNG

0919.168.366

PHÚC THÀNH

0369.168.366

Nhà đất bán theo tỉnh thành
Nhà đất cho thuê theo tỉnh thành
Kinh Dịch
Tử vi
Huyền không Phi Tinh
Văn Hóa_Tín Ngưỡng
Thước lỗ Ban
Xen ngày tốt
Kinh Dịch
TIN NỔI BẬT

LÊ LƯƠNG CÔNG

Trụ sở: Số 12, Trực Cát , Vĩnh Niệm, Lê Chân, Hải Phòng

Tel: 0919.168.366 - Hotline: 0919.168.366 - Email: nhadatcongminh@gmail.com

Copyright © 2019 https://leluongcong.com/