Quẻ Thiên Thủy Tụng, còn gọi là quẻ Tụng 訟 (song4), là quẻ thứ 06 trong Kinh Dịch.
* Nội quái là ☵ (:|: 坎 kan3) Khảm hay Nước (水).
* Ngoại quái là ☰ (||| 乾 qian2) Càn hay Trời (天).
Kiền trên; Khảm dưới
Quẻ này là quẻ Thiên Thủy Tụng. Khảm dưới cũng là Nội Khảm, Càn trên cũng là Ngoại Càn. Càn tượng Thiên. Khảm tượng Thủy, nên tên quẻ đọc bằng Thiên Thủy Tụng.
TỰ QUÁI
Tự quái: Nhu giả ẩm thực chi đạo dã, ẩm thực tất hữu tụng, cố thụ chi dĩ Tụng. 序卦: 需者飲食之道也, 飲食必有訟, 故受之以訟.
Ý sắp đặt thứ tự quẻ. Sau quẻ Nhu tiếp lấy quẻ Tụng là vì cớ sao?
Nhu nghĩa là ăn uống. Vì ăn uống tất sinh ra tranh nhau. Tụng nghĩa là tranh nhau. Sở dĩ tranh nhau là gốc tại ăn uống. Vì vậy sau quẻ Nhu, tiếp lấy quẻ Tụng.
SOÁN TỪ
Tụng, hữu phu trất dịch, trung cát, chung hung, lị kiến đại nhân, bất lị thiệp đại xuyên. 訟有孚室惕, 中吉, 終凶, 利見大人, 不利涉大川.
Vì cớ sao đặt tên bằng Tụng. Tụng nghĩa là tranh biện với nhau, nghĩa là kiện cáo nhau. Quẻ này Càn cương ở trên, Khảm hiểm ở dưới, tượng là người ở trên lấy thế dương cương áp chế người dưới, người dưới lấy lòng hiểm mà đối đãi kẻ trên, không thể mà hai bên chiều nhau được, tất nảy ra kiện.
Lại tượng là hạng người, trong âm hiểm mà ngoài cương kiện, cũng tất nảy ra kiện. Vậy nên tên quẻ gọi bằng Tụng.
Bây giờ Soán từ mới chỉ vẽ cho những kẻ chủ tụng với người bị tụng rằng: Hễ người nào vẫn mình có tin thực mà bị người vu hãm, mà lại người trên không minh sát cho, thế là hữu phu mà bị trất. (Trất nghĩa là lấp là có ý oan ức). Đã oan ức tất sinh ra lo sợ (Dịch nghĩa là lo sợ), đã lo sợ, mà oan ức còn chưa tỏ bày ra được, thế tất phải kiện.
Nhưng lẽ trong thiên hạ, việc kiện là việc vạn bất đắc dĩ nên chỉ cầu cho mình được thân khúc, trực. Khi khúc, trực đã biện minh bạch được rồi thời nên thôi kiện. Thế là đắc trung, trung thời được lành.
Nếu cố theo kiện hoài, cho đến cùng cực, tất cũng tổn hại ấy là “chung cực kỳ sự” thì xấu.
Lị kiến đại nhân, bất lị thiệp đại xuyên.
Hễ đã có việc kiện, tất có nguyên, có bị, có bên khúc, bên trực, tất nhờ có bậc đại đức, đại tài, lấy lòng công chính, tài thông minh mà xử đoán cho cả hai bên, thời khúc, trực được minh bạch, Cửu Ngũ quẻ này, cương kiện, trung chính, lại ở ngôi tôn, chính là một bậc đại nhân mà hạng người trong đám tụng nên tín ngưỡng vào bậc người ấy.
Gặp được bậc đại nhân, ấy là việc tốt lành cho đám tụng. Nếu không gặp được bậc đại nhân mà đánh liều kiện hoài, thành ra gieo thân vào nguy hiểm, tượng là chân suông lội qua sóng lớn, kết quả chỉ là không hay.
PHỤ CHÚ: Quẻ Tụng ở sau quẻ Nhu nghĩa là những việc tranh tụng, tất gốc ở sự ăn uống mà sinh ra, nhỏ từ trong một nhà, rộng ra đến một nước, một xã hội, một thế giới gì gì bao nhiêu việc tranh nhau tất thảy gọi bằng Tụng.
Năm 1914, trận Âu Châu đại chiến phát sinh trải hơn bốn năm, kể số người tử thương ở các nước giao chiến có đến ngoài mười triệu (10.000.000) người, mà sau khi chiến sự xong rồi, các nhà học giả điều tra nguyên nhân sở dĩ phát sinh chiến họa, thời có một câu trả lời rất giản đơn, rất thiết thực: Chỉ có bốn chữ “miến bao vấn đề”, nghĩa là chỉ vì tranh nhau cục bánh mì mà sanh ra trận đại chiến đó thôi. Ừ có thế thực!
Nguyên đầu thế kỉ XX, trước khi đại chiến toan phát sinh, chính sách Âu Châu toàn khuynh hướng về vấn đề kinh tế là vấn đề có ăn cho sống.
Trong hồi ấy, nhân số nước Đức đột tăng lên hơn bảy mươi triệu (70.000.000) người, mà thực liệu trong nước cơ hồ chẳng đủ ăn. Thế phải gấp lo cầu đất thực dân với khuếch trương thương nghiệp ở thế gìới, nhưng khốn nạn, vì Đức là nước hậu tiến, bao nhiêu miếng đất quý hóa, giàu có trong thế giới thảy bị những bọn tiên tiến là Anh, Pháp, Mỹ chiếm trước ráo. Muốn kiếm ăn trên mặt bể, thời hải thượng bá quyền lại bị Hồng Mao độc chiếm. Sau khi vua tôi Đức khổ tâm hơn hai mươi năm, mới bùng ra một cuộc đại chiến, toan rằng ở trên mặt đại lục thời giành cùng Pháp, Ý, còn mặt bể thời giành với Hồng Mao, may mà được thời thì “miến bao vấn đề” của Đức giải quyết xong, nếu rủi mà thua, thời âu là chết vì đánh, còn hơn chết vì đói. Còn phương diện Anh, Pháp thời sợ một mai nước Đức độc bá, e bao nhiêu miếng ăn của mình nó cướp ráo nên phải giùm sức cùng nhau kình với Đức.
Nói tóm lại, trận Đệ Nhất Âu Chiến, tuy nổ đất rung trời, nhưng truy đến nguyên nhân thời cũng chẳng qua vì hai phương diện:
Một là, phương diện thời trực cướp miếng ăn; một phương diện thời lo giữ miếng ăn. Đó là nguyên nhân của trận Âu Chiến, chỉ vì miếng ăn mà đến nỗi choảng nhau, máu chảy thành sông, xương chất nên núi, chỉ là kết quả của “miến bao vấn đề” mà thôi.
Thế thời thâm ý của Dịch, đã Nhu tất hữu Tụng, thiệt thông thấu thế sự nhân tình lắm rư! Ôi thôi! Hiện thế giới từ nay về sau, mà “Miến bao vấn đề” còn chưa giải quyết xong, cứ lôi thôi như đầu hồi thế kỉ XX, thời trận Đại chiến thứ hai e ảnh hưởng khắp cả thế giới, không thể nào tránh khỏi, hòa bình gì, tài binh gì gì mà không giải quyết xong vấn đề ăn, thời chỉ là nói suông. Nhu rồi Tụng, Tụng rồi Sư, chúng ta đọc Dịch, lại càng sinh vô số cảm khái.
SOÁN TRUYỆN
Soán viết: Tụng, thượng cương, hạ hiểm, hiểm nhi kiện, Tụng. Tụng, hữu phu, trất dịch, trung cát, cương lai nhi đắc trung dã, chung hung, tụng bất khả thành dã. Lị kiến đại nhân, thượng trung chính dã. Bất lị thiệp đại xuyên, nhập vu uyên dã.
彖曰: 訟, 上剛下險, 險而健, 訟. 訟有孚, 室惕, 中吉, 剛來而得中也, 終凶, 訟不可成也. 利見大人, 尚中正也, 不利涉大川, 入于淵也.
Soán viết: Tụng, thượng cương, hạ hiểm, hiểm nhi kiện, Tụng.
Đây là lấy đức quẻ thích danh nghĩa quẻ, quẻ trên Càn là thượng cương, quẻ dưới Khảm là hạ hiểm. (Cương nghĩa là kiện). Một bên hiểm, một bên kiện, tất nhiên không chịu nhau, hoặc bề trong âm hiểm mà bề ngoài cương kiện cũng chẳng khỏi tranh nhau. Đã tranh tất nhiên phải kiện, hoặc kiện bằng bút giấy, hoặc kiện bằng miệng lưỡi, hoặc kiện bằng binh đao, tổng chi là Tụng nên đặt quẻ bằng Tụng.
Nhưng sở dĩ trí Tụng là vì hiểm nhi kiện, vì hiểm tất nhiên âm mưu, vì kiện tất cậy võ lực, âm mưu với võ lực đụng nhau, thời tất tranh được mới tha. Vì thế sinh ra Tụng.
Nếu chỉ hiểm mà chẳng kiện, hoặc chỉ kiện mà chẳng hiểm thời chẳng bao giờ có Tụng.
Tụng hữu phu, trất dịch, trung cát, cương lai nhi đắc trung dã.
Tụng đáng lẽ vẫn chẳng được cát, cớ sao Soán từ lại có chữ chung cát?
Là vì chuyên chỉ vào Cửu Nhị, Cửu Nhị dương cương mà làm chủ cho Tụng, lại ở giữa Nội Quái là đắc trung. Cương mà đắc trung, thế là hữu phu, nhưng ở vào thì Tụng, thế chẳng tránh khỏi Tụng. Vì Nhị có đức trung, tất chẳng phải là hạng người lực tụng đáo để, tụng đã có hơi thắng ý rồi, thời trung chỉ ngay. Thế là cát.
Chung hung, tụng bất khả thành dã.
Trung cát là chỉ vào Cửu Nhị, nhưng thánh nhân lại sợ những hạng người tụng không được như Cửu Nhị nên lại có lời răn rằng: Chung hung, nghĩa là Tụng vẫn một việc vạn bất đắc dĩ, nếu một mực kiện đáo để cuối cùng mới chịu thôi, thời tất không lợi ích gì đâu (Thành nghĩa là cùng tận).
Lị kiến đại nhân, thượng trung chính dã.
Trên Soán từ bảo cho người ta tranh tụng, tất phải lị kiến đại nhân. Đại nhân là ai? Tức là Cửu Ngũ, vì Cửu Ngũ cư trung, đắc chính gồm có đức trung chính. Người thính tụng mà được như thế, thời việc Tụng mau xong, chúng ta lị kiến người ấy cốt sùng bái đức chính trung mà thôi
(Thượng nghĩa là chuộng, cũng hàm ý là sùng bái).
Bất lị thiệp đại xuyên, nhập vu uyên dã.
Soán từ lại bảo người ta không nên thiệp đại xuyên, tức là răn cho những hạng người tranh tụng cố liều, không chờ tới kẻ đại nhân mà gieo thân vào hạng tham quan ô lại, không khác gì bơi suông qua sông lớn, chắc chẳng có gì hay, chỉ sụp vào vực thẳm mà thôi (Uyên nghĩa là vực sâu).
Tượng viết: Thiên dữ thủy vi hành, Tụng. Quân tử dĩ tác sự mưu thỉ.
象曰: 天與水違行, 訟. 君子以作事謀始.
Quẻ này trên Càn dưới Khảm.
Cứ theo như tượng quẻ, Càn là thiên, Khảm là thủy. Thiên thường xoay hướng về trên, nước thường chảy xuống dưới; trên dưới không đi chung với nhau, ấy là thiên dữ thủy vi hành. Vi nghĩa là trái nhau, cũng có nghĩa là cãi nhau; hành nghĩa là đi; vi hành nghĩa là bất đồng đạo. Đã bất đồng đạo tất nhiên tranh nhau, thế là tụng. Vậy nên đặt tên quẻ bằng Tụng.
Lẽ thường trong thiên hạ, hễ có kết quả tất trước có tạo nhân. Kết quả sinh ra Tụng, tất tạo nhân tự khi bắt đầu, gây múi chỉ có mảy may, thường hay nảy nở ra tai vạ lớn.
Tục ngữ có câu “Cái sẩy nẩy ra cái ung” chính là lẽ ấy.
Quân tử xem tượng quẻ Tụng, mới nghĩ ra phương pháp cho tuyệt tụng, thời nên: Hễ làm một việc tất phải hết sức cẩn thận, tính toan ở lúc đầu, múi kiện đã không gây ra thời cái tai họa, bằng kiện nhau tự nhiên tiêu diệt. Nếu không biết cẩn thận tính toan như lúc đầu thời đến khi việc kiện nảy ra, muốn bổ cứu cũng không thể nào kịp nữa.
PHỤ CHÚ: Tượng Truyện quẻ này, theo về mặt chữ chỉ nói việc Tụng, nhưng thâm ý của thánh nhân chẳng phải chuyên nói một việc Tụng mà thôi. Hễ những việc họa hoạn trong thiên hạ, gia đình sở dĩ đến nỗi tan nát, vợ chồng sở dĩ đến nỗi lìa tan, bạn bầu sở dĩ đến nỗi thù nhau, lớn đến như quốc tế điều ước, sở dĩ gây nên nỗi chiến tranh; rất nhỏ như viết một hàng chữ , nhả một lời nói, thường đến nỗi gây ra họa văn tự. Tổng chi vì không biết nghĩa mưu thì đó thôi.
Kinh Thi có câu: Mỵ bất hữu sơ, tiễn khắc hữu chung 靡不有初, 鲜克有终. Nghĩa là thường tình người ta, không ai không có tốt ở khi đầu, chỉ ít hay tốt ở lúc cuối.
Lệ như: Đầu siêng mà sau hay nhác, đầu thân mà sau hay sơ, đầu lành mà sau hay dữ, đầu hay mà sau hay dở. Nghĩa là hai câu ấy so với nghĩa quẻ Tụng như hình trái nhau mà kỳ thực thời bổ trợ cho nhau.
Bởi vì nhân tình thường hay hữu thủy vô chung, như câu Kinh Thi nói. Chúng ta kết bạn dùng người cũng nên thẩm thận ở lúc đầu như tượng quẻ Tụng.
HÀO TỪ VÀ TIỂU TƯỢNG TRUYỆN
Sơ Lục: Bất vĩnh sở sự, tiểu hữu ngôn, chung cát. 初六: 不永所事, 小有言, 終吉.
Hào này âm nhu mà ở Sơ là ở đầu thì Tụng, vì hào âm nên tính chất nhu nhược, vì vị Sơ nên chưa phải là người đang cục mà Sơ lại thượng ứng với Cửu Tứ, tức ở trên có thế dựa. Thánh nhân sợ ỷ thế sinh sự nên có lời răn rằng: Tài chất như Sơ thiệt chẳng kiện được ai đâu, tuy Sơ có người ứng viện ở trên, nhưng chỉ nên liệu tài, tùy sức mà cầu cho vô sự là hay, chớ lôi thôi dắt chuyện ra làm gì. Nếu Sơ được như thế, tuy có bị người chê cười chút đỉnh nhưng kết quả được tốt. (Cát là tuyệt tụng, tức [tuyệt] tranh).
Tượng viết: Bất vĩnh sở sự, tụng bất khả trường dã, tuy tiểu hữu ngôn, kỳ biện minh dã. 象曰: 不永所事, 訟不可長也. 雖小有言, 其辨明也.
Việc tranh tụng chẳng phải là việc lành, chẳng nên kéo dài ra làm gì vậy, nên răn rằng: Bất vĩnh sở sự. Nhưng mà Sơ được nhờ Cửu Tứ là người cương minh, ứng viện với mình nên tuy có bị người trách kiện chút đỉnh, mà kết quả lẽ khúc, trực được biện minh. Vậy nên chung cát.
Cửu Nhị: Bất khắc tụng, quy nhi bô, kì ấp nhân tam bách hộ, vô sảnh. 九二: 不克訟, 歸而逋, 其邑人三百戶, 無眚.
Quy nghĩa là về; bô nghĩa là trốn tránh; sảnh nghĩa là tội lỗi; bất khắc tụng nghĩa là không làm nên kiện; quy nhi bô nghĩa là lui về mà trốn tránh; kì ấp nhân tam bách hộ nghĩa là người trong xóm ấy chỉ có ba trăm nóc nhà; vô sảnh nghĩa là không tội lỗi.
Kể suốt sáu hào quẻ Tụng thì hào này ứng với hào kia là hai hào đứng vào một phe Tụng. Tỉ như: Sơ với Tứ nên Tứ biện minh cho Sơ. Hai hào mà không ứng với nhau được, thế là chẳng ưa nhau, đã chẳng ưa nhau, tức là kiện nhau, tỉ như: Cửu Nhị với Cửu Ngũ; cứ theo về hào vị, thời Nhị với Ngũ vẫn là ứng nhau, nhưng vì Nhị dương cương, Ngũ cũng dương cương, đã không nhất âm, nhất dương thời không thể ứng với nhau được, chỉ là lưỡng cương tương địch, lưỡng dương tương đối, thành ra hình thế chống nhau, vì vậy mà Nhị muốn kiện với Ngũ.
Tuy nhiên, Nhị ở Hạ Quái là phận vi nhân hạ, Ngũ ở Thượng Quái là phận vi nhân thượng, người bậc dưới mà kiện với người bậc trên, theo về nghĩa lí, đã có hơi chẳng thuận, vả lại Ngũ là một bậc trung chính cư tôn thiên hạ đương tín ngưỡng vào.
Cửu Nhị tuy dương cương, nhưng chẳng thể địch nổi, thế là muốn kiện mà chẳng làm xong kiện, nhưng may thay! Nhị vẫn cương trung là một người hiểu nghĩa lí, thức thời thế, tự xét mình không thể kiện nổi nên tìm đường lui mà tránh trước. Tự xử vào địa vị thấp mọn, ấp mình ở chỉ số người ba trăm nóc nhà mà thôi. Vì Nhị biết tự xử như thế nên khỏi tội lỗi.
Tượng viết: Bất khắc tụng quy bô dã. Tự hạ tụng thượng, hoạn chi, truyết dã. 象曰: 不克訟, 歸逋也. 自下訟上, 患至, 掇也.
Soán nghĩa là trốn tránh; truyết nghĩa là chuốc lấy.
Hào từ nói rằng: Bất khắc tụng quy bô là răn cho người ham kiện, hễ thấy nghĩa đã trái, thế lại khuất, thời trốn tránh là hay. Nếu không đạc đức lường lực, tự mình ở phía dưới mà kiện người trên thời chỉ chuốc lấy họa hoạn mà thôi.
PHỤ CHÚ: Xem trên Soán Truyện hiểm nhi kiện, Tụng; Cửu Nhị đã dương cương, trung chính lại ở vào thể Khảm là đủ cả hiểm và kiện, vẫn là một tay hiếu tụng, mà sở dĩ bất khắc tụng là động cơ tại Cửu Ngũ, Cửu Ngũ dương cương, trung chính lại ở ngôi tôn đức đã thịnh, thế lại lớn. Nếu Nhị cố tụng liều, tất nhiên bị họa hoạn lớn. Nhị biết thế quy bô.
Sách Tả Truyện có câu rằng: Tri nan nhi thoái 知難而退, nghĩa là biết tình hình khó mà lui trước. Nhị này cũng như thế.
Sử ta ở đời hậu Lê, Nguyễn với Trịnh giành nhau làm Chúa, vua Lê suy nhược muốn bênh Nguyễn mà bênh chẳng xong. Ý chúa Nguyễn muốn kình với Trịnh, mà thế lực Trịnh lúc ấy quá mạnh, nhân tâm Bắc Kỳ lúc đó còn đương quy phụ với Trịnh. Chúa Nguyễn sai người tới hỏi mưu kế với ông Nguyễn Bỉnh Khiêm, ông tỏ ý nên truyền nhượng Bắc Hà cho Trịnh, nhưng ông chẳng nói rõ, clủ nói ý một câu: “Hoành Sơn nhất đái, khả dĩ dung thân”. Ý là nói một dải đèo Ngang trỏ vào, có thể dung thân được, chúa Nguyễn mới xin với Trịnh cho vào trấn ở đất ở Châu, tức là Thuận Hóa ngày nay, đó chính là câu: Bất khắc tụng, quy nhi bô ở hào này. Quy nghĩa là thoái lui, chẳng phải nhất định quy là về mà thôi.
Lục Tam: Thực cựu đức, trinh lệ, chung cát. Hoặc tòng vương sự, vô thành.六三: 食舊德, 貞属, 終吉, 或從王事, 無成.
Lục âm nhu, ở vị Tam là địa vị dương cương, tính chất đã âm nhu lại ở vị bất chính đáng là không thể kiện với ai được. Lục Tam biết thế nên an thường thủ phận, ăn nhờ ở đức trạch thuở xưa của mình, nhưng vì ở về thời đại Tụng, tuy mình không kiện ai, mà thường lo có ai kiện mình nên lại phải giữ lòng trinh chính, mà thường thường để lòng lo sợ. Như thế, thời kết quả chắc được lành.
PHỤ CHÚ: Lục Tam vẫn một hạng người chẳng ham kiện nên được chung cát, nhưng Hào từ còn có chữ lệ là cớ sao? Vì địa vị Tam ở trên hết Khảm hiểm mà lại dưới có Cửu Nhị, trên có Cửu Tứ, chung quanh rặt là bày dương cương hí tụng nên Tam phải ngày đêm lo sợ, hành lự khốn tâm 衡慮困心, mới chống nổi hoàn cảnh. Vậy nên Hào từ đã có chữ trinh, lại có chữ lệ.
Vậy mới biết hoàn cảnh bất lương là khốn nạn cho người đời nhiều lắm.
Hoặc tòng vương sự vô thành, Hào từ này lại thêm một nghĩa nữa, vì hào này tính chẳng ham kiện, nhưng vì chính ứng của Tam là Thượng Cửu là người dương cương hí tụng, e có lúc Thượng Cửu đứng ra kiện, mà bắt buộc Lục Tam phải theo hùa, nên lại có lời răn rằng: Nếu chẳng may mà có lúc chẳng được ngồi an, ra đi theo làm việc với kẻ trên, thời cũng chẳng nên chuốc lấy thành công.
Hoặc là lời giả định, chẳng phải nhất định có. Chữ vương này là chỉ người trên mình, chứ chẳng phải nhất định vương là vua, Hào từ thêm câu này là muốn cho người ta, hễ xử vào địa vị Lục Tam, chỉ nên thủ thường là hay.
Tượng viết: Thực cựu đức, tòng thượng cát dã. 象曰: 食舊德, 從上, 吉也.
Lục Tam vẫn chẳng phải là người hay kiện, chỉ phục tùng với người trên vậy. Bại đành chẳng can hệ đến mình mà thành nữa cũng chẳng công cán đến mình, chả duy giữ bổn phận cũ của mình. Thế là thực cựu đức mà được cát.
PHỤ CHÚ: Sách Văn Tuyển có câu: Sĩ thực cựu đức chi tính thị 仕食舊德之姓氏. Lấy câu ấy là thích nghĩa chữ cựu đức đây thật là đúng lắm. Lệ như: sản nghiệp sẵn của cha ông, hoặc nhờ phúc ấm của cha ông, như họ Đức Xuyên của nước Nhật Bản, đời đời được tập công tước. Như dòng dõi họ Khổng ở nước Trung Hoa, đời đời được làm Diễn Thánh Công. Những hạng người ấy chỉ là nhờ công đức của người xưa mà giữa bản thân không sự nghiệp gì lạ, ấy là thực cựu đức.
Cửu Tứ: Bất khắc tụng, phục tức mệnh, du an trinh cát.
九四: 不克訟, 復即命, 渝安貞吉.
Cửu là dương cương ở thể Càn là tính kiện, ở Tứ là âm vị, bất trung, bất chính, đã cương kiện lại bất trung chính tức là một tay hăng kiện, nhưng vì hoàn cảnh Tứ trên bị Ngũ đè ép, mà Ngũ lại trung chính cư tôn, đức thịnh, vị cao, Tứ chẳng dám kiện; dưới Tứ là Lục Tam, lại là người nhu thuận, sợ Tứ mà không dám kiện với Tứ, còn Sơ là chính ứng với Tứ vẫn đồng một phe với Tứ, ngó xung quanh không biết kiện với ai. Duy Cửu Nhị cũng dương cương như Tứ, e có lẽ kiện với Tứ chăng? Chẳng dè Cửu Nhị rất khôn, Nhị đã trước tự liệu bắt khắc tụng. Tứ này vì đức cương nên minh, cũng có trí biết thẩm thì, đạc thế, ngó tình hình hoàn cảnh biết không thể kiện với ai, âu là cũng học Cửu Nhị, mà bất khắc tụng.
Bất khắc tụng nghĩa là chẳng làm nên việc kiện. Lúc bây giờ bình tâm hạ khí, lặng nghe mệnh trời. Mệnh nghĩa là đạo lí phải mà trời phú cho.
Thánh nhân thấy Tứ biết đổi lòng theo lẽ phải như thế, mới tán cho rằng: Du an trinh. Du nghĩa là biến đổi; an trinh nghĩa là yên xử ở lẽ chính; du an trinh nghĩa là biến hóa được khí chất mình mà an theo về đạo lí chính. Như thế thời kết quả được tốt lành.
Tượng viết: Phục tức mệnh, du an trinh, bất thất dã. 象曰: 復即命, 渝安貞, 不失也.
Hào từ này có câu: Phục tức mệnh, du an trinh là bảo cho người ta xử địa vị hào này, tức phải thuận nghe mệnh trời, biến đổi tính xấu của mình, mà an giữ lấy đạo lí chính, thời chẳng đến nỗi thất bại vậy?
Cửu Ngũ: Tụng nguyên cát.九五: 訟元吉.
Cửu là hào dương, Ngũ là vị dương. Ngũ lại ở giữa Thượng Quái là đắc trung. Thế là dương cương, trung chính mà ở vị chí tôn, tượng là người nguyên thủ trong một nước, lấy một người có đức ấy, tài ấy, ở vị ấy, chính là một người thính tụng rất công bình, rất minh đoán mà lại kiêm có quyền trì tụng. Thiên hạ ở đời tụng mà gặp người thính tụng như thế, thời tất thảy người oan ức được soi dọi ở dưới bóng mặt trời, tất thảy người thiện lương được an truyền ở trong khuôn phú tái, hạnh phúc biết chừng nào! Nên Hào từ nói rằng: Tụng, nguyên cát.
Nguyên là lớn; cát là tốt lành; nguyên cát nghĩa là tốt lành lớn nhất ố trong thời đại Tụng. Câu này giải được hai nghĩa:
Một là, hễ người thính tụng mà có tài cương minh, đức trung chính thời được nguyên cát. Hai là, hễ người đi kiện, mà gặp được bậc đại nhân như Cửu Ngũ xử đoán cho, thời người ấy được nguyên cát.
Nói tóm lại, ở thời đại Tụng, mà gặp được bậc đại nhân như Cửu Ngũ thời trên dưới thảy được nguyên cát. Trên Soán từ đã có câu: Lợi kiến đại nhân, đại nhân chính là hào này.
Tượng viết: Tụng nguyên cát, dĩ trung chính dã. 象曰: 訟元吉, 以中正也.
Tụng vẫn là việc không tốt, mà cớ sao Hào từ lại nói nguyên cát, chỉ vì Cửu Ngũ có đức trung chính mà thôi vậy.
Ở vào thời đại Tụng, phe nào cũng tranh phần phải, thị phi, hắc bạch rất hỗn hào. Duy có người trung chính xử đoán bằng một cách trung chính mới hay. Trung thời chẳng thiên lệch về phía nào, chính thời chẳng dan díu với tư tình. Thính đoán được công bình, thời trong thiên hạ, ai nấy cũng thỏa thiếp. Sở dĩ được nguyên cát.
Xưa, đời nhà Tống, có ông Bao Long Đồ xử kiện rất công minh, bao nhiêu án ngục oan khuất, đến tay ông thời tức khắc giải phẫu ngay. Lúc đó trong thiên hạ có câu: Bao Công nhất tiếu Hoàng Hà thanh, nghĩa là: Được một tiếng cười của ông cũng vui vẻ bằng gặp dịp sông Hoàng Hà trong. Bởi vì sông Hoàng Hà là sông nước đục, mỗi năm trăm năm mới trong một lần, thời khi ấy có bậc thánh nhân sinh. Tục ngữ Tàu có câu: Hoàng Hà thanh, thánh nhân sinh 黃河清聖人生. Lại có câu: Quan tiết bất đáo, Diêm La Bao lão 關節不到, 閻羅包老, nghĩa là những phường gian ác, sợ ông như Diêm La vương. Vì ông quá thanh liêm không lẽ đút lót tới của ông (Quan tiết nghĩa là đường ngõ dút lót, ông ấy chính là Cửu Ngũ quẻ Tụng).
ó. Thượng Cửu: Hoặc tích chi bàn đái, chung triêu tam trĩ chi. 上九: 或錫之搫帶, 終朝三褫之.
Tích nghĩa là ban cho; bàn đái nghĩa là đây đai của người quan chức; chung triêu nghĩa là trót một buổi mai; trĩ nghĩa là cướp lột.
Thượng Cửu vẫn là dương cương, lại ở cuối thể Càn là cương kiện chi cực, vả ở cuối cùng quẻ Tụng, tượng là một người thích kiện từ đầu đến cuối. Thánh nhân ghét những hạng người ấy nên có lời mắng rằng: Thượng Cửu là dương hào cư âm vị, bản thân đã bất chính, dầu có sức kiện mà kiện được hơn, họa đôi khi nhờ kiện mà được ân thưởng, nhưng ác nhân chẳng bao giờ có thiện quả. Những đồ ân thưởng mà người ta cho anh đó cũng chẳng qua chốc được, chốc mất, chốc vào tay, chốc bể đổ đó thôi, tượng như dầu có người cho mình bàn đái nhưng chỉ một buổi mai mà đã bị ba lần bóc lột.
Hào này thí dụ như người đời bây giờ. Làm những việc vô đạo nghĩa, bất chính đáng, cũng có khi được mề đay, kim khánh, nhưng kết quả cũng như đồ bàn đái ở hào này vậy; ý thánh nhân rất ghét hạng người lấy độc ác làm công, xem Tượng Truyện lại càng minh bạch.
Tượng viết: Dĩ tụng thụ phục, diệc bất túc kính dã. 象曰: 以訟受服, 亦不足敬也.
Hào này ở cuối cùng quẻ Tụng là một hạng người chỉ làm ăn bằng nghề tranh tụng. Thánh nhân quá ghét nên nói rằng: Lấy nghề kiện làm sinh nhai là hạng người đáng rất vô luận, thua kiện vẫn chẳng ra gì, hoặc nhờ kiện được mà chức phẩm phục cũng chẳng có gì đáng kính trọng vậy. Sách Mạnh Tử có câu: Triệu Mạnh chi sở quý, Triệu Mạnh năng tiện chi 趙孟之所貴, 趙孟能賤
之. Nghĩa là: Làm quý cho anh mà chỉ nhờ thế lực của Triệu Mạnh, thời Triệu Mạnh tất cũng làm tiện được anh. Tức như đồ bàn đái người ta cho, thời người ta cũng cướp lại được, có gì đáng quý đâu.
PHỤ CHÚ: Đọc suốt từ đầu đến cuối quẻ Tụng, chỉ tóm vào đạo lí hai chữ chung hung ở Soán từ, nghĩa là: Kết cục việc kiện chỉ có xấu mà thôi. Vậy nên trong sáu hào, hào Sơ, hào Tam chẳng kiện với ai, thời được chữ chung cát; hào Nhị vẫn muốn kiện mà biết thối kiện, thời được chữ vô sảnh; hào Tứ vẫn có sức kiện, mà biết nín nhịn theo việc lành, thời được chữ cát. Hào Thượng chính là tay lực Tụng, thời mắc lấy sỉ nhục, bằng bị lột mấy dây đai.
Xem thâm ý thánh nhân, chỉ cốt ngăn đe việc tranh tụng. Tuy nhiên, quẻ Tụng này tiếp ở sau quẻ Nhu là vì ẩm thực mà sinh ra tranh nhau là sự thế tất nhiên ở trong loài người, muốn khiến cho vô tụng, thiệt là khó lắm, nên những kẻ hữu tâm nhân đạo, đã không thể khiến cho vô tụng được, thời chỉ trông mong có một tòa án công bình, mà người chủ tịch tòa án ấy là ai? Tất là bậc đại nhân như hào Cửu Ngũ, nên Hào từ Cửu Ngũ có chữ nguyên cát. Nhân sở dĩ được nguyên cát là vì có tòa án trung chính.
Tùng lai, nhân dân khôn khổ ở đời Tụng, đau đớn biết chừng nào, mà tìm đến nguyên nhân thảm họa, thời chỉ vì tòa án bất trung chính, huống gì những người chủ trì trong tòa án lại bất trung chính thêm.
Đã bất trung, tất nhiên thiên vị mặt cường quyền, đã bất chính thời chẳng hay trọng công lí, thảo gì những bọn kiếm ăn như Thượng Cửu thời lại được bàn đái luôn luôn.
Ôi thôi! Biết bao giờ mặt trời ra, mà mây mù rảnh, sấm xuân dậy mà quỷ vị tan, giữa thế giới tranh tụng này hiện ra một tòa án trung chính, có một vị đại nhân trung chính chủ trì lấy tòa án ấy khiến cho hạng người lương thiện vô cô khỏi chết oan giữa tay hiểm kiện. Lòng trời nếu đoái thương nhân loại, họa có một ngài chăng!
(Theo Quốc Văn Chu Dịch Diễn Giải-Phan Bội Châu)
Chia sẻ bài viết:
LÊ CÔNG
0919.168.366
PHÚC THÀNH
0369.168.366
Một số cách an sao vòng Trường Sinh trong tử vi
TÍNH CÁCH, MẪU NGƯỜI, TRONG LÁ SỐ TỬ VI
7 nguyên tắc cơ bản sau cần phải xem kỹ trước khi bình giải một lá số Tử Vi
THẾ NÀO LÀ TUẾ PHÁ & NGŨ HOÀNG ĐẠI SÁT
BÍ QUYẾT SONG SƠN NGŨ HÀNH VÀ THẬP NHỊ THẦN ĐẠI PHÁP (TIÊU SA NẠP THỦY THEO THỦY PHÁP TRƯỜNG SINH)
Ý nghĩa của việc thờ bàn thờ Ông Địa
“BẢN GỐC” CỦA THƯỚC LỖ-BAN DÀNH CHO CÁC BẠN THẬT SỰ HAM MÊ PHONG THỦY !!!
LÊ LƯƠNG CÔNG
Trụ sở: Số 12, Trực Cát , Vĩnh Niệm, Lê Chân, Hải Phòng
Tel: 0919.168.366 - Hotline: 0919.168.366 - Email: nhadatcongminh@gmail.com
Copyright © 2019 https://leluongcong.com/