Quẻ Sơn Thủy Mông, còn gọi là quẻ Mông (蒙 meng2), là quẻ thứ 04 trong Kinh Dịch.
* Nội quái là ☵ (:|: 坎 kan3) Khảm = (水) Nước
* Ngoại quái là ☶ (::| 艮 gen4) Cấn = (山) Núi
Cấn trên; Khảm dưới
Quẻ này là quẻ Sơn Thủy Mông. Quẻ dưới là quẻ Khảm, cũng là Nội Quái Khảm. Quẻ trên là quẻ Cấn, cũng là Ngoại Quái Cấn. Khảm tượng Thủy, Cấn tượng Sơn, nên đặt tên quẻ bằng Sơn Thủy Mông.
TỰ QUÁI
Tự quái: Truân giả vật chi thỉ sinh dã, vật sinh tất mông, cố thụ chi dĩ Mông. Mông giả mông dã, vật chi trĩ dã. 序卦: 屯者物之始生也, 物生必蒙, 故受之以蒙. 蒙者蒙也, 物之穉也.
Ý sắp đặt thứ tự quẻ. Sau quẻ Truân tiếp lấy quẻ Mông, là vì cớ sao? Bởi vì Truân là lúc vạn vật mới sinh ra, vật mới sinh ra, tất nhiên non yếu mà mù mờ. Hễ vật lí đương lúc Truân, tất nhiên Mông. Vậy nên, sau quẻ Truân tiếp lây quẻ Mông. Mông, nghĩa là non yếu, cũng có nghĩa là mù mờ.
SOÁN TỪ
Mông, hanh; phỉ ngã cầu đồng mông, đồng mông cầu ngã. Sơ phệ, cốc, tái tam độc, độc tắc bất cốc, lị trinh. 蒙亨, 匪我求童蒙, 童蒙求我. 初筮告, 再三漬, 漬則不告. 利貞.
Quẻ này sở dĩ đặt tên bằng Mông, vì có hai ý nghĩa. Một là theo về đức quẻ: Cấn có đức chỉ, Khảm có đức hiểm. Khảm nội là nội hiểm, Cấn ngoại là ngoại chỉ. Trong thời hiểm mà ngoài chẳng tấn được, tỏ ra ý mù mờ. Hai là theo về tượng quẻ: tượng Cấn là sơn cao, tượng Khảm là thủy thâm; ở dưới núi mà lại có nước sâu, ấy là chốn hiểm. Thế là tượng mù tối. Vĩ hai nghĩa ấy, mới đặt tên quẻ bằng Mông.
Soán từ thích quẻ này khác với mỗi quẻ: Mỗi quẻ lấy nghĩa toàn quái, còn quẻ này chỉ chú trọng vào hào Ngũ, hào Nhị. Lục Ngũ là chủ trong đám Mông, Cửu Nhị là thầy phát Mông. Cửu Nhị có đức dương cương đắc trung, làm chủ ở Nội Quái, Vì Nội Quái nguyên là quẻ Khôn, thay hào Nhị vào mới thành ra quẻ Khảm, thiệt là đích đáng một vị thầy phát Mông. Lục Ngũ âm nhu đắc trung, chịu thuận ứng với Cửu Nhị, thế là sư, chủ rất tương đắc. Thầy sẵn lòng dạy trò mà trò cũng hết lòng theo thầy, tất nhiên được thông thái. (Hai chữ Mông, hanh là thích nghĩa quẻ).
Bây giờ, lại tường giải lí do cho người học Dịch bắt chước, nghĩa là: sở dĩ Mông mà được hanh, tất nhờ có đạo lí tri hanh. Theo về phía làm thầy phát Mông, tất phải tôn đức lạc đạo, chớ thấy thế lực Lục Ngũ mà khuất kỉ vọng cầu. Theo về phía người chủ Mông, tất phải quên thế vị của mình, mà khuất kỉ hạ cầu Cửu Nhị. Chính như nghĩa câu hữu lai học, vô vãng giáo 有來學, 无往教.
Phỉ nghĩa là chẳng phải; đồng mông nghĩa là đứa bé con, chỉ vào Lục Ngũ; ngã nghĩa là người làm thầy, chỉ vào Cửu Nhị.
Đạo lí người làm thầy, đã đành như trên nói. Lại còn đạo lí người làm trò tất phải chí thành chuyên nhất, hết lòng tín ngưỡng vào thầy, ví như người cầu thần hỏi quẻ mà chí thành như lúc đầu mới bói, mới được thầy dạy bảo cho. Nếu đến lần tái lần tam, thời là nhàm lờn. Ý mình đã chẳng chuyên nhất, thời thầy chẳng dạy.
Phệ nghĩa là bói quẻ; cốc nghĩa là dạy bảo; độc nghĩa là nhàm lờn; sơ phệ nghĩa là bói lần đầu hết; tái nghĩa là bói lần thứ hai; tam nghĩa là bói lần thứ ba.
Mấy câu ấy chỉ là muốn tượng cho rõ nghĩa là bảo học [trò] cầu thầy phải chí thành như cầu thần, chứ chẳng phải dạy người bằng việc bói.
Lại còn một đạo lí chung cho cả hai phía, hoặc mình còn mông muội mà cầu người phát khải cho, hoặc người có đạo đức học vấn mà phát khải được người mông.
Lại tất thảy phải biết rằng: Công việc phát Mông chẳng phải rày mai, hoặc nửa chừng mà xong được, tất hai bên phải tương tín cho thật sâu, tương đắc cho bền chặt, thỉ chung đúng hợp với đạo chính mới có thể thành công.
SOÁN TRUYỆN
Soán viết: Mông, sơn hạ hữu hiểm, hiểm nhi chỉ, mông. Mông hanh, dĩ hanh hành thì trung dã. Phỉ ngã cầu đồng mông, đồng mông cầu ngã, chí ứng dã. Sơ phệ cốc, dĩ cương trung dã, tái tam độc, độc tắc bất cốc, độc mông dã. Mông dĩ dưỡng chính, thánh công dã.
彖曰: 蒙, 山下有險, 險而止, 蒙. 蒙亨, 以亨行時中也. 匪我求童蒙, 童蒙求我, 志應也. 初筮 告, 以剛中也, 再三瀆, 漬則不告, 瀆蒙也. 蒙以養正, 聖功也.
Soán viết: Mông, sơn hạ hữu hiểm, hiểm nhi chỉ, mông.
Đây là lấy tượng quẻ, đức quẻ, mà thích tên quẻ.
Dưới núi có nước hiểm, là nghĩa chữ Mông lấy bằng tượng quẻ. Thấy trong hiểm mà ngoài chẳng dám bước vào, là nghĩa chữ Mông lấy bằng đức quẻ. Xem ở trên thích Soán từ thời rõ.
Mông hanh, dĩ hanh hành thì trung dã, phỉ ngã câu đồng mông, đổng mông câu ngã, chí ứng dã.
Đây là thích nghĩa lời Soán, cũng chỉ chú trọng vào Nhị, Ngũ.
Mông vì sao mà được hanh? Là lấy đạo trí hanh làm cho hợp thời và đắc trung vậy. Phỉ ngã cầu đồng mông, đồng mông cầu ngã, là chí hai bên ứng với nhau vậy.
PHỤ CHÚ: Đọc lời Soán Truyện tiết này nên chú ý hai chữ thì trung. Hai chữ thì trung này in như hai chữ thì trung ở câu: Quân tử nhi thì trung trong sách Trung Dung. Làm thầy dạy người với người học tập, thảy cần đúng thì. Nếu dạy chẳng đúng thì thời người thụ giáo chẳng vui nghe mà công dạy cũng quá uổng, người học không có thì, thời công phu gián đoạn, mà học nghiệp không thể nên.
Vậy nên thầy dạy người, phải lựa buổi học trò vui học mà dạy cho nó. Sách Học Kí có câu: Đương kì khả chi vị thì 當其可之謂时, nghĩa là dạy người phải lựa cho vừa dịp mà dạy, ấy là chữ thì thuộc về phần người dạy; còn như người học, lại phải cứ thì, thời làm cho chuyên. Khổng Tử có câu: Học nhi thời tập chi 學而時習之, nghĩa là học thánh hiền mà phải buổi cứ tập lại luôn. Đó là chỉ thì thuộc về phần người học. Đã được chữ thì lại còn phải có chữ trung, nghĩa là: Làm thầy dạy người, chớ dạy người những điều thái quá hay bất cập. Nếu dạy người những điều thái quá thời người không thể với tới nơi; nếu dạy người những điều bất cập thời người học không thể tiến bộ, nên làm thầy dạy phải có một cách tùy tài giáo huấn, cốt cho thích trung, người quá cao, ta phải kéo lại; người quá thấp, ta phải nhấc lên.
Sách Kinh Thư có câu doãn chấp quyết trung 允執厥中 nghĩa là thật hay cầm giữ đạo trung, đó là phương pháp của nhà phát Mông vậy, mà những người cầu thầy phát Mông cũng phải chú ý vào chữ thì trung mới được.
Sơ phệ cốc, dĩ cương trung dã, tái tam độc, độc tắc bất cốc, độc mông dã.
Đây là lấy thể quẻ thích lời quẻ, cương trung chỉ vào hào Cửu Nhị, Cửu Nhị dương cương đắc trung, là một bậc minh sư rất mực nên hiểu rõ phương pháp dạy người, xem người cầu giáo với mình có thành tâm chuyên nhất được như người sơ phệ thời dạy bảo cho. Nếu chí ý đã bất thành mà phiền toái đến tái tam, thế là độc, độc thời không dạy. Vì nghĩa rằng: Nó đương đồng mông nên nuôi ý chí thành của nó, nó đã không thành nhất mà còn dạy gượng, té ra mở lối bất thành cho nó, tập cho nó bằng một cách lờn lã, ấy là độc mông (Độc mông nghĩa là dạy cách lờn lã cho đứa mông vậy).
Mông dĩ dưỡng chính, thánh công dã.
Dưỡng chính nghĩa là bồi dưỡng gốc chính. Chính nghĩa là trung trực, vô tà. Mông dĩ dưỡng chính nghĩa là bồi dưỡng cái gốc chính ở lúc đồng mông vậy. Tục ngữ có câu “Dạy con dạy thuở đương thơ” chính là nghĩa ấy.
Người ta đương độ đồng mông, tính chất trời phú cho còn đương thuần nhất, lòng tình dục còn chưa nảy nở. Đương hồi đó mà lo gấp bồi dưỡng lấy mênh mông thiên lí, dắt vào đường lành, thời càng ngày càng tiến lên bậc cao minh, công phu làm thánh ngày sau chính [ở] lúc ấy.
ĐẠI TƯỢNG TRUYỆN
Tượng viết: Sơn hạ xuất tuyển, Mông. Quân tử dĩ quả hạnh dục đức. 象曰: 出下出泉, 蒙. 君子以果行, 育德.
Quẻ này Ngoại Quái Cấn, tượng núi; Nội Quái Khảm, tượng nước suối. Trên Cấn, dưới Khảm, tượng là dưới núi phun ra nước suối.
Suối khi mới phun ra ở dưới núi, chất nước rất trong, mà thế chảy chưa được mạnh, tượng như người còn trẻ nhỏ, là một hạng đồng mông nên đặt tên bằng Mông.
Quân tử xem rõ tượng quẻ Mông, mới biết rằng phẩm hạnh người phải quả quyết, tượng như nước suối đã ra, tất ào ào chảy ngay, đạo đức tất phải bồi dưỡng cho cực cao, như chất núi không bao giờ lổ.
PHỤ CHÚ: Lời Đại Tượng Truyện này, là chỉ tỏ rõ cho ta bằng cách dưỡng Mông, tất phải quả hạnh dục đức mới nuôi được Mông, mà thành được thánh công. Nhưng cội gỗc lại cốt ở hai chữ dục đức. Đức là cội gốc ở phía trong; hạnh là nhánh lá ở phía ngoài. Đức có bồi dưỡng được dày thời hạnh mới quả quyết được.
Phép dạy ở nước văn minh đời nay, các nước văn minh trước chú trọng đức dục, sau mới trí dục, thể dục, cũng ám hợp với ý quẻ Mông.
HÀO TỪ VÀ TIỂU TƯỢNG TRUYỆN
Sơ Lục: Phát Mông, lợi dụng hình nhân, dụng thoát trất cốc, dĩ vãng, lẫn.初六: 發蒙, 利用刑人, 用說桎梏, 以往吝.
Lục là âm nhu, Sơ là ở đầu hết quẻ Mông, tượng là hạng người hôn ám. Bây giờ muốn khởi phát hôn mông cho nó. Vì tính chất hôn mông của nó bị vật dục ràng buộc như hình gông cùm giằng trói nó, ta muốn phát mông cho nó, tất trước phải cởi lột cái gông cùm cho nó; nhưng vì nó bị vật dục gông cùm đã quá chừng sâu, nếu chỉ dùng bằng cách nhân ân mà thôi, thời nó không biết sợ, chẳng biết nghe lời dạy của mình. Vì vậy, trong lúc phát mông, có khi phải dùng hình phạt người mới cởi lột được cái gông cùm vật dục cho nó.
Khi đã cởi lột được gông cùm rồi thời những cách hình phạt sẽ bỏ đi, chuyên theo một cách bằng giáo hóa. ấy là cách phát mông đúng với nghĩa thì trung vậy. Nếu cứ dùng cách hình nhân mà tấn hành hoài thời trái mất đạo thì trung, mà người Mông cũng không bao giờ được cảm hóa. Ấy là một việc đáng xấu thẹn cho người phát Mông vậy.
Lợi dụng hình nhân nghĩa là: có khi dùng hình phạt mà trừng trị người.
Trất cốc nghĩa là gông cùm; dụng thoát trất cốc nghĩa là cốt để mở cái gông cùm cho nó. Trất cốc là thí dụ với một hạng người, hoặc vì tính di truyền, hoặc tập quán theo hoàn cảnh, mà đến nỗi những tính xấu, nết quen bó buộc nó không giải thoát được, ấy là gông cùm.
Tượng viết: Lợi dụng hình nhân, dĩ chính pháp dã. 象曰: 利用刑人, 以正法也.
Hào từ sở dĩ nói lợi dụng hình nhân là cốt làm cho vừa chính được phép tắc dạy người mà thôi. Khi trừng trị nó, thâm ý chỉ cốt ở khỏi phát cho nó chứ không phải hình nhân chuyên để làm uy đâu. Vậy nên Hào từ có câu: Dụng thoát trất cốc.
PHỤ CHÚ: Sách Luận Ngữ có câu bất giáo nhi sát vị chi ngược 不教而殺謂之虐, nghĩa là không dạy dỗ cho nó mà đã vội tru trách nó, ấy là làm hại nó. Thế thời lợi dụng hình nhân chẳng phải là bất giáo nhi sát hay sao?
Không phải. Hình nhân ở quẻ Mông là cốt để tháo gông cùm cho nó; hình tức là giáo, không phải bất giáo đâu. Giáo hóa mà đụng phải người hôn ngu, lẽ phải như thế cũng là nghĩa chữ thì vậy.
Cửu Nhị: Bao Mông, cát, nạp phụ cát, tử khắc gia.九二: 包蒙, 吉. 納婦吉, 子克家.
Hào Cửu,vị Nhị đã dương cương lại đắc trung, lại Cửu Nhị làm chủ cho Nội Quái, thống trị cả bốn hào âm, thế thời Cửu Nhị chính là thầy phát Mông. Các hào âm kia là Mông, tượng là phụ. Cửu Nhị đã đang lấy trách nhiệm phát Mông, tất phải độ lượng cho khoan dung, thương lấy người hôn Mông, mà hết lòng dạy bảo, tuy nó vẫn hôn Mông, mà mình cũng hết lòng bao bọc cho.
Tuy nó vẫn nhu ám tượng như loài đàn bà nhưng mình cũng sẵn lòng dung nạp cho miễn nó chịu phục tòng giáo hóa, thời tuy ngu ám, nhưng ta cũng không cự tuyệt nó. Được như thế thời cái trách nhiệm phát Mông mới được hoàn toàn.
Nhị là chính ứng với Ngũ. Ngũ cư tôn ở địa vị quẻ trên, tượng như ông cha ở trong một nhà, Nhị chính ứng với Ngũ là tượng con. Ngũ âm nhu tượng như người cha nhu âm, Nhị lấy đức cương minh của mình mà cảm hóa được cha nhu ám, khải phát được hôn Mông cho Ngũ, tượng là người con hay chỉnh lí được việc nhà.
Tỉ như: Vua Thuấn hay hết chức phận làm con mà cha là Cổ Tẩu, cuối cùng phải cảm hóa với vua Thuấn; thầy Mạnh có câu: Thuấn tận sự thân chi đạo nhi Cổ Tẩu để dự; Cổ Tẩu để dự nhi thiên hạ hóa 舜盡事親之道而瞽瞍厎豫; 瞽瞍厎豫而天下化, nghĩa là: Vua Thuấn hết đạo thờ cha, mà Cổ Tẩu hóa, Cổ Tẩu đã hóa rồi thì thiên hạ cũng hóa luôn. Đó là nghĩa Hào Nhị quẻ này vậy.
PHỤ CHÚ: Cửu Nhị sở dĩ được hai chữ cát, là nhờ được đức cương trung. Bởi vì dương vẫn có tài cương minh, nhưng cương minh mà thái quá e có khi uy thắng ân, không dung nạp được tiểu nhân, tất nhiên không bao được Mông, không nạp được phụ, lấy gì mà Cát.
Mông phụ, là chỉ hạng tiểu nhân ngu ám. Mà Cửu Nhị sở dĩ bao nạp được, là vì cương minh mà đắc trung vậy.
Tượng viết: Tử khắc gia, cương nhu tiếp dã. 象曰: 子克家, 剛接柔也.
Tượng từ lại bổ thêm ý tứ Hào từ, mà nói rằng làm con sở dĩ khắc gia được. Tuy vì đức hiếu của con là Cửu Nhị nhưng cũng nhờ tính từ của cha là Lục Ngũ. Cương tiếp đặng nhu, nhu tiếp đặng cương, tượng như con hay cảm hóa được cha, mà cha cũng tín nhiệm con, ấy là cương, nhu tương tiếp.
Cương là Cửu Nhị, Nhu là Lục Ngũ. Nếu cương, nhu không tương tiếp thời khắc gia không được đâu. Trên Hào từ chỉ tán tụng Cửu Nhị, nơi tượng từ lại tán thêm Lục Ngũ để cho rõ ý thượng hạ phải tương tiếp mới được, cũng như nghĩa chữ “chí ứng” ở trên Soán Truyện.
Lục Tam: Vật dụng thú nữ, kiến kim phu, bất hữu cung, vô du lị.
六三: 勿用取女, 見金夫, 不有躬, 無攸利.
Lục là âm hào ở vào quẻ Mông, chính là âm nhu mà lại hôn ám, nếu được trung chính thời còn khá, bây giờ Lục ở vị Tam là bất trung, bất chính chi cực, tượng như một người con gái đã nhu nhược mà lại mù mờ, xu hướng không đường lối nhất định, đụng gặp phải anh trai nào nhiều tiền là theo ngay (Cung: thân; bất hữu cung: quên cả thân mình). Vì vậy nên Hào từ nói Lục Tam này là một hạng gái rất dở, người ta chớ nên lấy hạng gái ấy. Bởi vì hạng con gái ấy, kiến kim phu thời bất hữu cung, chẳng đi đâu mà lị cả (Kim phu là hạng người nhiều vàng).
PHỤ CHÚ: Hào này thủ tượng bằng con gái dở, nhưng không phải chuyên nói về một phụ nữ mà thôi. Hễ hạng tiểu nhân, kiến lợi vong nghĩa, thấy ai cho mình tiền, dầu bảo việc làm trái đạo nghĩa cũng cứ làm mà quên hết nghĩa vụ của mình làm người, đó chính là kiến kim phu bất hữu cung. Xưa có anh Phùng Đạo bỏ vua này, thờ vua khác, làm quan trải năm đời triều. Tiên hiền có câu thơ vịnh Phùng Đạo rằng: Ngũ giá nhân gian lão a bà 五嫁人間老阿婆, nghĩa là: Một mụ già gả năm đời chồng chính là đúng với Mông Tam vậy. Hễ ai có quyền dụng nhân, thời nhất thiết bỏ hạng người ấy, tức là nghĩa câu vật dụng thú nữ.
Tượng viết: Vật dụng thú nữ, hạnh bất thuận dã. 象曰: 勿用取女, 行不順也
Nghĩa là: Làm người con gái, cốt lấy chữ trinh làm thuận, bây giờ Lục Tam này hễ thấy trai nhiều tiền thời đi theo ngay, là tính nết nó trái đạo gái vậy (Bất thuận nghĩa là bất trinh).
Lục Tứ: Khốn Mông, lẫn.六四: 困蒙, 吝.
Quẻ này chỉ hai hào dương là Cửu Nhị và Thượng Cửu là có tài phát Mông. Lục Tứ này, trùng âm bất trung, vẫn là âm nhu hôn ám mà địa vị sở xử, trên thời xa với Thượng Cửu, dưới thời xa với Cửu Nhị, chung quanh thảy là âm nhu, tượng là người mông ám mà lại không thầy bạn, suốt một đời người, chỉ nhốt vào trong vòng hôn ám. Người mà đến thế, đáng xấu hổ biết bao.
Tượng viết: Khốn Mông chi lẫn, độc viễn thực dã. 象曰: 困蒙之吝, 獨遠實也.
Xấu hổ vì tội khốn Mông là bởi vì Lục Tứ này một mình xa cách bạn dương cương. Nguyên toàn quẻ sáu hào, hai hào dương tượng là quân tử, có tính chất cương minh, còn bốn hào âm tượng là tiểu nhân, có tính chất nhu ám. Sơ gần Cửu Nhị nên phát được Mông, Ngũ gần Thượng Cửu nên được chữ cát, duy Lục Tứ xa cách hai dương, thế là độc viễn thực. Thực nghĩa là đặt chính giữa.
Thông lệ trong Kinh Dịch, nét dương đặt chính giữa là thực, nét âm rỗng chính giữa là hư, thực là tượng hạng người có lương tâm ở trong nên dương thực là quân tử; hư là tượng hạng người không có lương tâm ở trong nên âm hư là tiểu nhân.
PHỤ CHÚ: Hào từ Lục Tứ xấu hơn các Hào từ ở trong quẻ là ý thánh nhân dạy cho người phải đo đường thân sư thủ hửu, thời dầu có hôn Mông mà may nhờ thầy hiền, bạn tốt khải phát cho, tất nhiên khốn nhi tri chi 困而知之 như sách Trung Dung nói. Chứ Lục Tứ này, đã mông ám mà lại không chịu tìm thầy, kén bạn để hỗ trợ đường học vấn cho, chính là như lời Khổng Tử nói: Khốn nhi bất học, tư vi hạ hĩ 困而不學, 斯爲下矣, nghĩa là tư chất đã khốn nạn, mà lại không chịu học, tất là phường hạ lưu mà thôi. Đó là khốn Mông chi lẫn đó vậy.
Lục Ngũ: Đồng Mông, cát.六五: 童蒙, 吉.
Hào Lục vị Ngũ là âm nhu mà đắc trung, ở vào vị Ngũ, lại là tôn vị. Vì có đức nhu trung nên biết khuất kỉ hạ hiền tín nhậm lấy Cửu Nhị ở dưới, tượng là ông vua biết tín nhậm hiền thần.
Ti như: Vua Thang chịu học với ông Y Doãn, Hoàn Công chịu học với ông Quản Trọng, lúc đầu thời nhờ người mà phát Mông cho bản thân, cuối cùng thời lại lấy bản thân mà phát được Mông cho thiên hạ, nhờ mình được thấy mà té ra thiên hạ thảy được nhờ mình vậy. Thế là đồng Mông mà cát.
Đồng Mông nghĩa là mông hồi còn bé con. Vì còn hồi bé con nên tính chất dễ dạy, chỉ biết nghe vào thầy, thầy hay thời mình cũng hay. Lục Ngũ có tượng như thế nên nói rằng Đồng Mông, cát.
Tượng viết: Đồng Mông chi cát, thuận dĩ tốn đã. 象曰: 童蒙之吉, 順以巽也.
Lục Ngũ sở dĩ đồng Mông mà cát là vì nhờ có đức nhu thuận mà lại ti tốn, dốc lòng nghe thầy dạy, vả lại được thầy dạy cương minh như Cửu Nhị, vậy nên kết quả được tốt lành.
Thượng Cửu: Kích Mông bất lợí vi khấu, lợi ngự khấu.上九: 擊蒙, 不利為寇, 利御寇.
Thượng Cửu có đức dương cương, có tài phát Mông, đúng với tư cách làm thầy, nhưng vì hào này ở về cuối cùng quẻ Mông nên tượng là Mông chi cực.
Phương pháp làm thầy: Nếu gặp phải hạng người ngu mông đã cực điểm, thời cách dạy nó không thể quá cương mà xong.
Vì hào này cương mà bất trung nên thánh nhân phải đặt làm lời răn rằng: Dạy hạng người quá ngu mông, không nên trách móc nó thái quá, chỉ dùng bằng cách công kích. Nếu dụng cách công kích, thời hạng người ngu mông chi cực thường đến nỗi đổ khùng phát bẳn, té ra không nghe lời dạy mình, xui cho nó thành ra tội bất tuân giáo hóa. Thế là người kích mông đó chỉ làm hại cho nó mà thôi, ấy là vi khấu mà bất lợi (Khấu nghĩa là hại, cũng có nghĩa là giặc).
Duy thầy hay thời khéo lợi dụng cơ hội mà lần lần khỏi phát cho nó, chỉ cốt ngăn ngừa những giống vật dục ngoại dụ, cải lương hoàn cảnh cho nó khỏi tiêm nhiễm những thói hư. Thế là ngự khấu mà lợi. Ngự nghĩa là ngăn ngừa. Lợi ngự khấu nghĩa là nên ngăn ngừa những giống làm hại ở bên ngoài, trái thế, tức là vi khấu.
PHỤ CHÚ: Hào này tuy chỉ nói riêng bằng một việc dạy người nhưng không phải chuyên về dạy người mà thôi đâu. Suy ra cho rộng, hễ thống trị loạn dân, hoặc giả ngự tiểu nhân, tất thảy không nên quá cương chuyên bằng một cách công kích.
Đức Khổng Tử có câu: Nhân chi bất nhân, tật chi dĩ thậm, loạn dã 人之不仁, 疾之以葚, 亂也, nghĩa là gặp người bất nhân mà ghét nó quá thậm, thời đến nỗi kích thành ra loạn, chữ loạn tức là chữ khấu này. Hễ lời trong Kinh Dịch, tất thảy là ngôn cận nhi chi viễn, chúng ta đọc hào này nên biết nghĩa ấy.
Tượng viết: Lợi dụng ngự khấu, thượng hạ thuận dã. 象曰: 利用御寇, 上下順也.
Thượng là người phát Mông, hạ là người chủ Mông, lợi dụng ngự khấu, thời trên dưới thảy thuận với đạo lí vậy. Người trên không quá chừng cường bạo, người dưới thời nhờ đó mà trừ khử được Mông. Thế là trên dưới thảy thuận.
PHỤ CHÚ: Chúng ta đọc suốt bốn quẻ Càn, Khôn, Truân, Mông, thời nên phát giác một đạo lí lớn: Có Càn, Khôn là có trời đất rồi, đứng giữa trời đất mà thành ra tam tài tức là loài người. Vì loài người là giống có cảm giác, có vật dục, tất cần phải có dưỡng, có giáo, cần có người thống trị, lại phải có cách giáo hóa, nên sau quẻ Càn, Khôn, tức tiếp lấy quẻ Truân, quẻ Mông. Ở quẻ Truân thời có những câu lợi kiến hầu, quân tử dĩ kinh luân, là nói về mặt chính trị. Ở quẻ Mông thời có những câu Mông dĩ dưỡng chính, dụng thoát trất cốc, lợi ngự khấu, là nói về mặt giáo hóa. Có chính trị tốt, có giáo hóa hay, thời loài người mới sinh tồn được. Nếu chính trị mà không được nguyên, hanh như Soán từ quẻ Truân, giáo hóa mà không được thì trung như Soán Truyện quẻ Mông, thời nhân loại không bao giờ được hưởng hạnh phúc, ấy là thâm ý của thánh nhân sắp đặt quẻ đó vậy. Lại có một đạo lí riêng về quẻ Mông, sáu hào quẻ Mông, hào nào cũng có chữ Mông, duy Lục Tam không có chữ Mông, cũng là thâm ý của thánh nhân rất hay. Vì rằng trong việc giáo hóa quan hệ ở cả hai bên: một bên là người chủ giáo hóa, một bên là người bị giáo hóa. Những hạng người bị giáo hóa tất phải có tư cách tốt nhất, là tính dương cương, thứ nữa là người âm nhu mà đắc trung, ấy là hạng người vừa đúng cách Mông, tất nhiên giáo hóa được, chỉ cốt thầy dạy cho hay nữa mà thôi.
Hào Sơ âm nhu, bất trung, bất chính vẫn là khó dạy, may còn hồi Mông chi sơ nên đến nỗi phải dụng hình mới thoát trất cốc.
Lục Tam đã âm nhu bất trung, bất chính mà lại ở đoạn giữa Mông, là mông ám quá nhiều nên Hào từ không đặt chữ Mông vào, mà lại chỉ có chữ vật dụng thú nữ, vô du lợi, nghĩa là không nên cho những hạng người này vào hạng Mông được, chỉ nên để ra ngoài vòng giáo hóa vậy. Chúng ta xét được ý thánh nhân như thế, thời hạng người tham lợi quên thân như Lục Tam, còn lấy gì mà nhận làm đồ đệ nữa rư!
(Theo Quốc Văn Chu Dịch Diễn Giải-Phan Bội Châu)
Chia sẻ bài viết:
LÊ CÔNG
0919.168.366
PHÚC THÀNH
0369.168.366
Một số cách an sao vòng Trường Sinh trong tử vi
TÍNH CÁCH, MẪU NGƯỜI, TRONG LÁ SỐ TỬ VI
7 nguyên tắc cơ bản sau cần phải xem kỹ trước khi bình giải một lá số Tử Vi
THẾ NÀO LÀ TUẾ PHÁ & NGŨ HOÀNG ĐẠI SÁT
BÍ QUYẾT SONG SƠN NGŨ HÀNH VÀ THẬP NHỊ THẦN ĐẠI PHÁP (TIÊU SA NẠP THỦY THEO THỦY PHÁP TRƯỜNG SINH)
Ý nghĩa của việc thờ bàn thờ Ông Địa
“BẢN GỐC” CỦA THƯỚC LỖ-BAN DÀNH CHO CÁC BẠN THẬT SỰ HAM MÊ PHONG THỦY !!!
LÊ LƯƠNG CÔNG
Trụ sở: Số 12, Trực Cát , Vĩnh Niệm, Lê Chân, Hải Phòng
Tel: 0919.168.366 - Hotline: 0919.168.366 - Email: nhadatcongminh@gmail.com
Copyright © 2019 https://leluongcong.com/