Quẻ Địa Sơn Khiêm, đồ hình ::|::: còn gọi là quẻ Khiêm (謙 qian1), là quẻ thứ 15 trong Kinh Dịch.
* Nội quái là ☶ (::| 艮 gen4) Cấn hay Núi (山).
* Ngoại quái là ☷ (::: 坤 kun1) Khôn hay Đất (地).
Khôn trên; Cấn dưới
Quẻ này là quẻ Địa Sơn Khiêm.
Cấn hạ cũng là Nội Cấn. Khôn thượng cũng là Ngoại Khôn. Khôn là Địa, Cấn là Sơn, nên tên quẻ đọc bằng Địa Sơn Khiêm.
TỰ QUÁI
Tự quái: Đại Hữu giả, bất khả dĩ dinh, cố thụ chi dĩ Khiêm. 序卦: 大有也, 不可以盈, 故受之以謙.
Ý sắp đặt thứ tự quẻ, sau quẻ Đại Hữu tiếp lấy quẻ Khiêm là vì cớ sao?
Hễ vật lí quá đầy thời nghiêng, nghiêng thời đổ. Vậy nên, đã hữu được đại, thời không nên để cho quá đầy, tất phải khiêm ti mới được. Vậy nên sau quẻ Đại Hữu tiếp lấy quẻ Khiêm. Theo về tượng quẻ, thời Cấn sơn là giống sùng cao mà chịu lún ở dưới Khôn địa, ấy là tượng Khiêm, mà nghĩa Khiêm cũng là thế.
PHỤ CHÚ: Thông lệ của Kinh Dịch: Hễ những quẻ ngũ âm nhất dương, thời lấy nhất dương làm chủ quẻ. Bởi vì quẻ đã năm âm nếu không nhất dương thời thành ra quẻ Thuần Khôn. Vì có nhất dương mới thành ra quẻ Khiêm, nên lấy nhất dương làm chủ. Quẻ đã năm dương nếu không nhất âm thời thành ra quẻ Thuần Càn. Vì có nhất âm, mới thành ra quẻ Tiểu Súc, nên lấy nhất âm làm chủ.
Quẻ Khiêm này cũng là ngũ âm nhất dương nên lấy nhất dương hào Tam làm chủ quẻ, các quẻ khácnữa cũng có thể theo lệ quẻ này mà suy được.
SOÁN TỪ
Khiêm hanh, quân tử hữu chung. 謙亨, 君子有終.
Khiêm nghĩa là ti tốn, chịu nhường sùng cao người khác, mà mình an ở vị khuất lún.
Thầy Tăng Sâm có câu nói rằng: Hữu nhược vô, thực nhược hư, dĩ đa vấn ư quả, dĩ năng vấn ư bất năng 有若无, 實若虚, 已多問於寡, 已能問於不能, nghĩa là: Mình có, mà xem mình như hình không; mình đầy đủ, mà xem mình như hình thiếu kém; lấy mình là trí thức nhiều mà chịu hỏi với người ít; lấy mình là người tài năng, mà chịu hỏi với người bất năng.
Kinh Thư khen vua Vũ có câu rằng: Nhữ duy bất căng, thiên hạ mạc dữ nhữ tranh năng; nhữ duy bất phạt, thiên hạ mạc dữ nhữ tranh công 汝惟不矜, 天下莫譽汝争功. Nghĩa là: Duy mày chẳng khoe
tài mày nên thiên hạ chẳng ai tranh tài với mày; duy mày chẳng lòe công mày nên thiên hạ chẳng ai tranh công với mày.
Góp cả hai đoạn sách ấy mà thích nghĩa chữ Khiêm hanh vừa đúng lắm. Hễ hay khiêm tốn, tất được hanh thông; đạo đức lo cho tốt, học thức lo cho giàu, mà có đức khiêm như thầy Nhan, công thiệt cao, nghiệp thiệt lớn, mà lại có đức khiêm như vua Vũ là quân tử, mà lại hữu chung. Sở dĩ được hữu chung là vì đức khiêm lên đến từng nào thời kết quả lại tốt từng ấy, mình tự ti mình mà làm cho người phải tôn mình, mình tự giấu ẩn mình, mà đức nghiệp tự nhiên rõ rệt, ấy mới là hữu chung; nhưng nếu chẳng phải quân tử, thời chẳng làm được như thế. Vì thường tình người ta có tài thường hay kiêu, có công thường hay lòe, khiêm mà lại hữu chung thiệt là khó lám, đức khiêm đó há phải tạm thời khiêm mà được đâu, cũng há phải khiêm một việc mà được đâu, thì thì thấy khiêm, việc việc thấy khiêm, tự tráng chí lão, tự lão chí tử, tự thỉ chí chung, chỉ thấy là khiêm, mà hanh. Thế là quân tử hữu chung.
SOÁN TRUYỆN
Soán viết: Khiêm hanh, thiên đạo hạ tế nhi quang minh, địa đạo ti nhi thượng hành. Thiên đạo khuy dinh nhi ích Khiêm, địa đạo biến dinh nhi lưu Khiêm, quỷ thần hại dinh nhi phúc Khiêm, nhân đạo ố dinh nhi hiếu Khiêm. Khiêm tôn nhi quang, ti nhi bất khả du, quân tử chi chung dã.
彖曰: 議亨, 天道下濟而光明, 地道卑而上行. 天道虧盈而益謙, 地道變盈而流謙, 鬼神害盈而福議, 人道惡盈而好議. 謙尊而光, 卑而不可踰, 君子之終也.
Soán viết: Khiêm hanh, thiên đạo hạ tế nhi quang minh, địa đạo ti nhi thượng hành.
Lời Soán Truyện đây, lấy toàn thể của tạo hóa, chân lí của nhân sự, mà giải thích hai chữ “Khiêm hanh”, nghĩa là đạo trời giao tế xuống dưới thấp, ấy là đức Khiêm của trời, vì thế mà phát dục được vạn vật, công tạo hóa ngày càng quang minh, ấy là hanh; đạo đất chịu ở dưới thấp hết thảy vạn vật là đức Khiêm của đất, vì thế mà khí âm thượng hành giao tế với khí trời luôn luôn, ấy là hanh. Hai câu ấy là nói trời đất cũng khiêm mà hanh.
Thiên đạo khuy dinh nhi ích Khiêm.
Chữ thiên đạo ở đây là chỉ về những chốn hữu tượng, tỉ như: Mặt trăng tròn rồi, thời phải khuyết, mặt trời cao rồi, thời phải xế, mặt trời lặn rồi, thời lại lên cao, mặt trăng khuyết hết thời lại dần dần đến tròn. Thế là đã dinh thời làm cho khuy (Dinh: đầy; khuy: bớt). Hễ hay Khiêm thời lại ích cho.
Địa đạo biến dinh nhi lưu Khiêm
Chữ địa đạo đây lại chỉ vào công dụng biến hóa, tỉ như: Cồn cao là dinh, thời chẳng bao lâu mà sụp xuống; vực sâu là Khiêm, thời bao nhiêu nước cũng chảy xuống thêm vào. Núi cao hơn các gò là dinh mà lại thường bị họa sơn băng, ấy là dinh thời phải biến. Bể ở dưới bách xuyên là Khiêm nhưng bao nhiêu nước cũng đổ vào bể, ấy là Khiêm mà chịu được lưu. Lưu nghĩa là chảy vào.
Sách xưa có câu: Cao ngạn vi cốc, thâm cốc vi lăng, nghĩa là bờ cao thường hóa ra vực sâu, hầm sâu thường bồi làm cồn. Đó là chứng được địa đạo biến dinh nhi lưu Khiêm.
Quỷ thần hại dinh nhi phúc Khiêm.
Quỷ thần là dấu thiêng của tạo hóa. Linh khí của âm dương, vẫn vô hình vô tích, nhưng mà vẫn có một lẽ huyền bí, nhân quả tuần hoàn, hễ người nào dinh mãn, thời có họa hại đến ngay. Hễ người nào biết khiêm tốn, thời có phúc mệnh giúp cho. Chữ quỷ thần đây là chỉ vào lí tự nhiên, chẳng phải như tiếng quỷ thần ở trong miệng thế tục.
Nhân đạo ố dinh nhi hiếu Khiêm.
Chữ nhân đạo đây là theo trong đạo người, mà chỉ riêng bằng một loài thường tình. Hễ ai kiêu căng dinh mãn thời người ghét, hễ ai biết khiêm tốn căng trì thời người ham. (Ố nghĩa là ghét; hiếu nghĩa là ham).
Khiêm, tôn nhi quang, ti nhi bất khả du, quân tử chi chung dã.
Câu này là tiếp luôn cả mấy đoạn trên, để giải thích câu quân tử hữu chung, nghĩa là: Hễ có đức Khiêm, thời thiên đạo ích cho, địa đạo lưu cho, quỷ thần phúc cho, nhân tình yêu mến. Mình dầu ở vị tôn mà đạo minh càng sáng rệt, tự xử tuy ti khuất, mà thực thời chẳng ai cao hơn. Thế mới là kết quả của quân tử (Du nghĩa là vượt qua).
ĐẠI TƯỢNG TRUYỆN
Tượng viết: Địa trung hữu sơn, Khiêm. Quân tử dĩ biểu đa ích quả, xứng vật bình thí. 象曰: 地中有山, 謙. 君子以裒多益寡, 稱物平施.
Khôn là Địa, ở quẻ trên; Cấn là Sơn, ở quẻ dưới; Tượng là núi cao mà chịu ở dưới lòng đất nên đặt tên quẻ bằng Khiêm.
Quân tử xem tượng ấy mà biết được lẽ tạo hóa. Hễ cao thời có lẽ phải lún xuống, hễ thấp thời có lẽ phải nâng lên, mới bày đặt ra quy mô trì dinh, tóm bớt chốn nhiều, bù thêm chốn ít, cân xứng các sự vật, theo phân lượng cho nhiều vào ít, lựa cho cân bằng với nhau, mà làm một cách thí dụ cho quân bình. Biều: rút bớt; ích: bù thêm; xứng: cân nhắc; thí: làm ơn cho người; bình thí: nghĩa như chữ quân cấp.
Làm ơn cho người mà chẳng được quân bình, tất đến nỗi kẻ nhiều nhiều quá, kẻ ít ít quá. Vậy nên rút bớt chốn nhiều mà bù thêm chốn ít, cốt khiến cho chốn nào, vật nào cũng được cân bằng. Đó là phương pháp tác dụng của quân tử, mong khiến cho tất thảy loài người trong thế giới không chốn bất bình, kết quả thời nhất thế nhân thảy Khiêm cả. Đấy là từ ý đặc biệt của Đức Khổng, nói cho cực rộng của nghĩa Khiêm, chữ Soán từ với Hào từ không có ý ấy.
PHỤ CHÚ: Lời Tượng Truyện đây, nêu thực hành cho triệt để, thời cũng như học thuyết xã hội ở đời nay. Duy bao giờ người trong đời phần nhiều là quân tử, thời mới làm đến nơi. Vậy nên Tượng Truyện nói quân tử.
HÀO TỪ VÀ TIỂU TƯỢNG TRUYỆN
Sơ Lục: Khiêm Khiêm quân tử, dụng thiệp đai xuyên, cát.初六: 謙謙君子, 用涉大川, 吉.
Sơ Lục ở thì Khiêm, tính chất nhu thuận, lại ở vị đầu hết quẻ là một hạng người có đức Khiêm mà xử vào vị ti hạ, chính là bậc quân tử khiêm mà lại khiêm nên nói rằng: Khiêm Khiêm quân tử, khiêm mà đến thế, dầu hoàn cảnh có nguy hiểm đến thế nào cũng xông pha được qua, dụng đạo ấy mà thiệp đại xuyên, chắc là vạn vô nhất thất. Tỉ như: Người ta qua đò ngang sang sông, chịu nhường cho người lên trước, mình chịu lên sau, thời khi thuyền vẫn có chậm sau, nhưng đến khi qua bên bờ kia, thời mình lại bước lên bờ trước người ta, Khiêm Khiêm dụng thiệp đại xuyên, chính là lẽ ấy.
PHỤ CHÚ: Các Quái hào hào có chữ lị thiệp đại xuyên, mà đây lại nói dụng thiệp đại xuyên, khác nhau ở chỗ chữ “dụng” với chữ “lị”. Chữ “lị” là tài ấy, cảnh ấy xứng nhau; chữ “dụng” là dụng cách ấy mà làm việc ấy.
Dụng thiệp đại xuyên là bảo người ta nên dùng đạo Khiêm mà thiệp đại xuyên.
Tượng viết: Khiêm Khiêm quân tử, ti dĩ tự mục dã. 象曰: 謙謙, 君子卑以自牧也.
Tượng Truyện nói rằng: Quân tử khiêm mà lại tự khiêm là cốt lấy đức khiêm ti để tự dưỡng lấy mình vậy.
Thầy Mạnh có câu: Thiện dưỡng ngô hạo nhiên chi khí 善養吾浩然之氣, nghĩa là: Khéo nuôi khí hạo nhiên của ta. Chữ thiện dưỡng ấy đúng với chữ tự mục ở đây. Hễ người muốn nuôi đạo đức mình, tất phải tự ở khiêm ti mà bước lên. Những hạng người trắng trợn kiêu căng, kết quả chúng phản thân li, chỉ là tự hại. Vậy nên muốn tự mục, tất phải khiêm ti, ti được bao nhiêu, thời lại cao bấy nhiêu.
Lão Tử có câu: Hậu kì thân nhi thân tiên 後其身而身先, nghĩa là: Mình chịu lún thân mình mà ở lại sau, té ra thân mình lại được trước, chính là lẽ ấy.
Lục Nhị: Minh Khiêm, trinh cát.六二: 鳴謙, 貞吉.
Hào Lục vị Nhị là một hạng người nhu thuận, lại đắc trung, đắc chính. Đức Khiêm chất chứa ở bề trong mà tiếng tăm lừng lẫy ở bề ngoài là Minh Khiêm. Nhị có đức Khiêm mà nức ở trong đời, thiệt là có đức trung chính, mà kết quả được tốt lành.
Minh nghĩa là điểu minh, kê minh, có tiếng để người ta nghe là nghĩa chữ Minh.
PHỤ CHÚ: Khiêm là lẽ đáng được cát, vì sao Hào từ lại thêm vào chữ Trinh? Bởi vì Khiêm với nịnh, bề ngoài thời tương tự, mà tinh thần thời rất khác nhau. Nịnh cũng ti tốn như Khiêm, nhưng vì quyền lợi mình thua kém người nên đối với hạng người hơn mình mà ti tốn. Đó là hạng ngườí siểm nịnh, chính là bất trinh. Khiêm mà trinh thời khác thế: Đạo đức học vấn vẫn hơn người mà tự xử bằng một cách Khiêm, đối với hạng người thua kém mình mà ti tốn. Thế mới là Khiêm trinh.
Sách xưa có câu: Hữu kì thực giả, danh tất quy chi 有其實者, 名必歸之, nghĩa là: Hễ người nào có đức thực ở trong mình, danh dự tất quy vào người ấy. Lục Nhị này Minh Khiêm, chính là lẽ ấy.
Tượng viết: Minh Khiêm trinh cát, trung tâm đắc dã. 象曰: 鳴謙, 貞吉, 中心得也.
Lục Nhị có đức Khiêm mà ảnh hưởng đến trong đời nghe tiếng, đó chẳng phải phấn sức bề ngoài mà được đâu, bởi vì chí thành chứa sẵn ở trong lòng, mà được hiệu quả như thế. Suy cho đến nguyên nhân, vẫn trong tâm đã sẵn tự đắc như thế vậy.
PHỤ CHÚ: Hào từ chữ trinh, tương tự chữ trung là đủ cả nghĩa trung và chính.
Cửu Tam: Lao Khiêm, quân tử hữu chung, cát.九三: 勞謙, 君子有終, 吉.
Cửu Tam có đức dương cương, mà lại làm chủ cho toàn quái, ở trên hết Hạ Quái, năm hào âm thảy tín ngưỡng vào là một hạng người có địa vị, có tài năng, có công lao lớn ở trong thì Khiêm nhưng mà giữ một cách khiêm ti, chẳng lòe loẹt tài mình, chẳng khoe khoang công mình, thiệt là có công lao mà hay giữ đức Khiêm, như bậc người ấy rất đúng với câu quân tử hữu chung ở trên Quái từ. Làm bậc người quân tử khiêm cung tự mục cho đến trọn một đời mình, tất nhiên được tốt lành.
Tượng viết: Lao Khiêm, quân tử, vạn dân phục dã. 象曰: 勞謙君子, 萬民服也.
Lời Tượng Truyện này, Hệ tử giải thích kĩ lắm.
Tử viết: Lao nhi bất phạt, hữu công nhi bất đức, hậu chi chí dã, ngữ dĩ kì công, há nhân giả dã, đức ngôn thịnh, lễ ngôn cung, khiêm dã giả, trí cung dĩ tồn kì vi giả dã.
子曰: 劳而不伐, 有功而不德, 厚之至也, 語以其功, 下人者也, 德言盛, 禮言恭, 謙也者, 致恭以存其位者也.
Hệ tử nói rằng: gánh việc khó nhọc mà chẳng khoe khoang, có công lớn với đời, mà chẳng nhận làm ơn đức, đức dày đến thế chẳng còn gì hơn.
Hào từ có chữ “Lao Khiêm” là bảo rằng: Lấy công lao mình mà chịu hạ khuất với người đó vậy. Hệ tử lại nói thêm rằng: Kể về đạo đúc thời rất thịnh, kể về lễ mạo thời rất cung kính, kẻ có đức Lao Khiêm mà được vạn dân tín phục cả, chính vì mình hết lòng cung kính của mình, tất nhiên giữ được địa vị của mình đó vậy.
PHỤ CHÚ: Tượng Truyện nói rằng: Lao Khiêm, quân tử, vạn dân phục dã. Hệ tử nói rằng: Trí cung dĩ tồn kì vị. Đó là chỉ nói lẽ tự nhiên, Hễ đã Lao Khiêm, thời vạn dân phục, chứ há phải cầu cho vạn dân phục mà Lao Khiêm đâu; trí cung thời tự nhiên tồn được vị, chứ há phải muốn tồn vị mà trí cung đâu.
Người ở Đông phương như vua Hạ Vũ, người ở Tây phương như ông Hoa Thịnh Đốn, mới đang được Hào từ này.
Lục Tứ: Vô bất lị, huy Khiêm.六四: 無不利, 撝謙.
Lục Tứ có đức nhu thuận lại ở vào vị chính, xử vào thì Khiêm đáng lẽ là không việc gì chẳng lị tiện, nhưng vì địa vị hào Tứ ở trên Cửu Tam là người có công lao, lại ở kề gần Lục Ngũ là bậc nguyên thủ của một nước. Trên thời kiên úc hào Ngũ, dưới lại né nể hào Tam.
Vì địa vị có ý khó khăn, nếu đức Khiêm chẳng đến nơi, e chẳng được toàn mỹ, nên thánh nhân lại răn cho rằng: Tứ hãy nên phát huy đức Khiêm của mình, đức Khiêm phát triển cho đến nơi, mới được tận thiện, tận mỹ.
Huy: phát triển, cũng như nghĩa phát huy.
Tượng viết: Vô bất lị, huy Khiêm, bất vi tắc dã. 象曰: 無不利, 偽謙, 不違則也.
Có đức Khiêm như Lục Tứ mà xử vào địa vị Lục Tứ thời dầu đã vô bất lị, nhưng còn cần phải huy Khiêm, cái đó há phải thái quá Khiêm đâu, chỉ là vừa đúng với pháp tắc vậy.
Vi: trái, cũng có nghĩa là vượt qua. Bất vi tắc: đúng với bổn phận mình, vừa hợp với đạo lí, chẳng phải vượt qua ngoài bổn phận .
Lục Ngũ: Bất phú dĩ kì lân, lị dụng xâm phạt, vô bất lị.六五: 不富以其鄰, 利用侵伐, 無不利.
Hào Lục ở vị Ngũ là nhu thuận lại đắc trung. Ngũ lại là nguyên thủ ở vào vị chí tôn, hay hết lòng khiêm hư mà tín dụng Cửu Tam chính là đắc đạo giả đa trợ 得導者多助. Chẳng cần vì thế lực giàu có, mà tự nhiên thâu phục được láng giềng mình.
Tuy nhiên, ở vị chí tôn, có quyền thống trị cả thiên hạ, nếu chỉ một mực Khiêm nhu mà thôi, thành ra nhu mà chẳng cương, đức mà chẳng uy, chưa đủ tư cách làm một bậc nguyên thủ, thế tất phải cương, nhu tương tế, uy đức tịnh hành.
Nếu có hạng người nào ngoan ngạnh chưa phục, thời cũng phải dùng đến ngón uy vũ mà chinh phục mới xong. Như thế, thời Khiêm mà chẳng phải quá nhu, chí đức mà kiêm cả đại dũng, mới được vô bất lợi.
Tưởng viết: Lị dụng xâm phạt, chinh bất phục dã.
象曰: 利用侵伐, 征不服也.
Lục Ngũ ở vào thì Khiêm, mà cần phải lợi dụng xâm phạt, há phải hí công sinh sự đâu, chỉ là chinh phục những người bất phục vậy.
Thượng Lục: Minh Khiêm, lị dụng hành sư chinh ấp quốc.上六: 鳴謙, 利用行師 征邑國.
Thượng Lục ở cuối cùng quẻ Khiêm là Khiêm chi cực. Tính chất nhu thuận, mà xử vào vị Khiêm chi cực là một người chất chứa đức Khiêm quá lâu ngày nên ai cũng nghe được tiếng đức Khiêm, nên cũng nói rằng: Minh Khiêm như Lục Nhị. Đức Khiêm đã trổi tiếng như thế thời người phụ trợ rất nhiều, dùng đạo ấy mà hành sư chắc được thuận lợi, nhưng vì địa vị hào Thượng không được như địa vị hào Ngũ, dẫu có hành sư cũng chỉ vừa chinh phục được ấp quốc mình mà thôi. Ấp quốc nghĩa là những nước ở nơi đô ấp mình, nghĩa cũng như chữ bổn quốc. Hành sư mà chỉ chinh ấp quốc là không chinh phục được phương xa. Bởi vì chất nhu mà Khiêm đã cực rồi nên sự nghiệp cũng chỉ được như thế.
Tượng viết: Minh Khiêm, chí vị đắc dã, khả dụng hành sư chinh ấp quốc dã. 象曰: 鳴謙, 志未得也, 可用行師征邑國也.
Thượng Lục tuy Minh Khiêm, nhưng chưa lấy gì làm đắc chí vậy, tất phải dụng hành sư để chỉnh đốn ấp quốc của mình vậy. Bởi vì Khiêm thường thuộc về tính chất nhu, Khiêm cực thời thành ra quá nhu, không thể chế phục được những hạng người ngoan ngạnh, tất phải thêm vào thủ đoạn hành sư chinh quốc chứ chẳng phải là một mực quá Khiêm mà thôi.
PHỤ CHÚ: Thánh nhân bàn đạo lí chẳng bao giờ nhất thiên.
Kinh Thư có câu: Mãn chiêu tổn, khiêm thụ ích, nghĩa là: Đầy nhẫy thời sinh ra tổn hại, khiêm hư thời chịu được lợi ích. Khiêm vẫn là tốt, nhưng Kinh Thư có câu: Cao minh nhu khắc, trầm tiềm cương khắc, nghĩa là: Những người đã cao minh, thời sợ thiếu phần nhu nên lấy nhu mà khắc chế vào, những người đã trầm tiềm, thời sơ thiếu phần cương nên lấy cương mà khắc chế vào. Nơi Hào Ngũ, hào Thượng quẻ Khiêm, thánh nhân phải nói xâm phạt hành sư, cũng là ý trầm tiềm cương khắc, chứ chẳng phải bảo người ta xâm phạt lẫn nhau như thế giới hiện giờ đâu. Xin ai chớ nhận lầm chữ xâm phạt, mà đổ lỗi cho thánh nhân.
(Theo Quốc Văn Chu Dịch Diễn Giải-Phan Bội Châu)
Chia sẻ bài viết:
LÊ CÔNG
0919.168.366
PHÚC THÀNH
0369.168.366
Một số cách an sao vòng Trường Sinh trong tử vi
TÍNH CÁCH, MẪU NGƯỜI, TRONG LÁ SỐ TỬ VI
7 nguyên tắc cơ bản sau cần phải xem kỹ trước khi bình giải một lá số Tử Vi
THẾ NÀO LÀ TUẾ PHÁ & NGŨ HOÀNG ĐẠI SÁT
BÍ QUYẾT SONG SƠN NGŨ HÀNH VÀ THẬP NHỊ THẦN ĐẠI PHÁP (TIÊU SA NẠP THỦY THEO THỦY PHÁP TRƯỜNG SINH)
Ý nghĩa của việc thờ bàn thờ Ông Địa
“BẢN GỐC” CỦA THƯỚC LỖ-BAN DÀNH CHO CÁC BẠN THẬT SỰ HAM MÊ PHONG THỦY !!!
LÊ LƯƠNG CÔNG
Trụ sở: Số 12, Trực Cát , Vĩnh Niệm, Lê Chân, Hải Phòng
Tel: 0919.168.366 - Hotline: 0919.168.366 - Email: nhadatcongminh@gmail.com
Copyright © 2019 https://leluongcong.com/