Kinh Dịch
14/08/2020 - 4:27 PMLê Công 1052 Lượt xem

Quẻ 13: Thiên Hỏa Đồng Nhân (同人 tóng rén)

Quẻ Thiên Hỏa Đồng Nhân, đồ hình |:|||| còn gọi là quẻ Đồng Nhân (同人 tong2 ren2), là quẻ số 13 trong Kinh Dịch.

* Nội quái là ☲ (|:| 離 li2) Ly hay Hỏa (火)

* Ngoại quái là ☰ (||| 乾 qian2) Càn hay Trời (天).

Quẻ Thiên Hỏa Đồng Nhân, đồ hình |:||||

Quẻ Thiên Hỏa Đồng Nhân, đồ hình |:||||  

Kiền trên; Ly dưới

Quẻ này là Thiên Hỏa Đồng Nhân. Li ở dưới cũng là Nội Li. Càn ở trên cũng là Ngoại Càn. Càn là Thiên, Li là Hỏa nên tên quẻ đọc bằng Thiên Hỏa Đồng Nhân.

 TỰ QUÁI

 Tự quái: Vật bất khả dĩ chung Bĩ, cố thụ chi dĩ Đồng Nhân. 序卦: 物不可以终否, 故受之以同人.

 Ý sắp đặt thứ tự quẻ. Sau quẻ Bĩ tiếp lấy quẻ Đồng Nhân là vì cớ sao?

Bĩ nghĩa là bế tắc, cũng có nghĩa là cách tuyệt. Xưa nay đạo người không thể bế tắc mà cách tuyệt nhau mãi, trái lại, tất phải giao thông hòa hợp với nhau; vả lại có giao thông hòa hợp, đồng tâm hợp lực với nhau mới làm nên việc khuynh bĩ. Vậy nên sau quẻ Bĩ tiếp lấy quẻ Đồng Nhân.

Theo về tượng quẻ, Thiên là vị ở trên, Hỏa là tính phụt lên trên là trạng thái Đồng Nhân. Xem ở hai quẻ, hào Ngũ làm chủ cho Càn, hào Nhị làm chủ cho Li, hai hào có đức trung chính ứng với nhau là tượng thượng hạ tương đồng. Vì thiên hỏa đồng tượng, thượng hạ đồng tâm nên đặt tên quẻ bằng Đồng Nhân.

 SOÁN TỪ

 Đồng Nhân vu dã, hanh; lị thiệp đại xuyên, lị quân tử trinh. 同人于野, 亨; 利涉大川, 利君子貞.

 Nghĩa đặt tên quẻ đã giải thích như trên, đây chỉ thích nghĩa Soán từ.

Nội Quái Li, Li là hỏa là nhật là điện là một giống rất văn minh. Ngoại Quái Càn, Càn là thiên, Li chung một quẻ với Càn, mà Li ở dưới Càn tượng là lửa bén lên tận trời, cũng tượng là mặt trời lên chính giữa trời, soi dọi khắp thế giới.

Đạo đại đồng của thánh nhân cũng xa, lớn như thế, tên gọi bằng Đồng Nhân nghĩa là: Tất thảy loài người đại đồng với nhau. Theo về đạo lí ấy, tất phải chí công lại đại công, chẳng thiên tư về một quốc gia nào, một dân tộc nào, một xã hội nào, như thế mới gọi bằng Đồng Nhân, nên Soán từ nói rằng: Đồng Nhân vu dã.

: đồng không là dám đồng ở ngoài chốn không làng nước, thủ nghĩa bằng xa, và ngoài nên nói vu dã.

Đồng với người, mà lại đồng ở nơi giao đã khoáng viễn, chẳng kì người thân cận, chẳng kì chốn láng giềng, đầu xa lạ đến đâu, cũng đồng hết thảy. Như thế mới là đạo chí công đại đồng. Thiên hạ đã đến lúc đại đồng, còn chốn nào chẳng thông được, mặc dầu đường đời khấp khểnh, lòng người hiểm sâu, nhưng đã đến lúc đại đồng, thời chẳng hiểm trở gì mà chẳng bằng, chẳng gian nguy gì mà chẳng lọt, dầu đại xuyên cũng lị thiệp. Đó chính là cảnh tượng đại đồng rất vui vẻ.

Tuy nhiên, muốn làm được đến cảnh tượng ấy, há phải phường tiểu nhân chỉ dùng ý riêng đi đường tắt, mà làm nên được rư? Nên lại nói rằng: Lị quân tử trinh nghĩa là đạo đồng nhân chỉ lị ở đạo chính quân tử mà thôi.

 PHỤ CHÚ: Chữ , chữ xuyên, chỉ là mượn giống hữu hình mà chỉ vẽ lí vô hình. Rằng vu dã thời dầu xa mấy cũng đồng tới nơi. Rằng thiệp xuyên, thời dầu nguy hiểm mấy cũng đồng được thảy. Nếu chỉ hạn chế ở nơi chốn gần, ngăn đón ở nơi chốn hiểm, thời chẳng Đồng Nhân được, mà lại cốt ở quân tử trinhTrinh, tức là trung chính. Đồng Nhân mà bất trung, tất nhiên có thiên vị, Đồng Nhân mà bất chính, tất nhiên chẳng lâu dài. Vậy nên muốn được Đồng Nhân, tất phải có quân tử trinh.

 SOÁN TRUYỆN

 Soán viết: Đồng Nhân, nhu đắc vị, đắc trung nhi ứng hồ Càn, viết Đồng Nhân. Đồng Nhân vu dã, hanh, lị thiệp đại xuyên, Càn hành dã. Văn minh dĩ kiện, trung chính nhi ứng, quân tử chính dã. Duy quân tử vi năng thông thiên hạ chi chí.

彖曰: 同人, 柔得位, 得中而應乎乾, 曰同人 . 同人于野, 亨, 利涉大川, 乾行也. 文明以健, 中正而應, 君子正也. 唯君子為能通天下之志.

 Soán viết: Đồng Nhân, nhu đắc vị, đắc trung nhI ứng hồ Càn, viết Đồng Nhân.

 Lời Soán Truyện đây lấy riêng một nghĩa, chuyên lấy thể quẻ mà thích chữ Đồng Nhân là ý đặc biệt của Đức Khổng.

Nhu chỉ vào Lục Nhị, Nhị là làm chủ quẻ Li. Bởi vì thể Li nguyên quẻ Càn, vì thay một nét âm vào giữa quẻ Càn mà thành quẻ Li nên gọi bằng chủ quẻ Li. Từ một hào Nhị thời bao được toàn quẻ Li.

Nhị đã âm nhu, ở vào âm vị là đắc vị. Nhị là vị giữa Hạ Quái, lại hào giữa quẻ Li là đắc trung, thượng ứng với hào Ngũ ở quẻ Càn là ứng hồ Càn.

Xem hai thể quẻ như thế là thượng hạ tương đồng, cũng là nội ngoại tương đồng nên đặt tên quẻ bằng Đồng Nhân.

 Đồng Nhân vu dã, hanh, lị thiệp đại xuyên, Càn hành dã.

 Có đức chí thành vô tư, cất nổi việc đạo nguy li hiểm, hành động như thế, thiệt đáng với đạo Càn vậy.

Càn là thiên, có đức đại công như thiên, che khắp thế giới, chẳng riêng một chốn nào, mới đồng được nhân.

 Văn minh dĩ kiện, trung chính nhi ứng, quân tử chính dã.

 Đây là thích câu: Lị quân tử trinh.

Theo về thể quẻ, Li có đức văn minh, Càn có đức cương kiện. Nhị, Ngũ có đức trung chính mà ứng với nhau, Li ở nội là văn minh chứa trữ ở phía trong; Càn ở ngoài là cương kiện tác dụng ở phía ngoài, mà lại vừa trung, vừa chính, mà ứng với nhau. Đó là đạo chính của quân tử.

 Duy quân tử vi năng thông thiên hạ chi chí.

 Câu này lại tiếp câu trên mà nói.

Duy bậc quân tử có đức văn minh cương kiện, trung chính, mới hay thông suốt được tâm chí của thiên hạ.

Tâm chí của thiên hạ, thiên trạng vạn thái, vẫn rất khó đồng, nhưng theo về nguyên lí của loài người, nếu dò xét cho đến chân tính, chân tình. Tỉ như: Đói ai cũng muốn ăn, rét ai cũng muốn mặc, khó nhọc ai cũng lấy làm khổ, sung sướng ai cũng lấy làm vui, thời một lẽ in như nhau. Nếu lấy lòng mình mà đặt vào lòng người, có cớ gì mà chẳng đồng được. Sở dĩ chẳng đồng được là vì chúng ta chẳng minh lí nên chẳng xét thấu tâm lí, người chẳng cương kiện nên chẳng cấm được tư tà mình. Kết quả thời không cảm hóa được tinh thần người, nên nỗi tâm chí của thiên hạ cách tuyệt nhau, mà chẳng thông được.

Duy quân tử có đức văn minh, thời soi lí sáng suốt, hiểu thấu nghĩa đại đồng, có đức cương kiện, thời bỏ sạch được tư tâm mà làm đúng đạo đại đồng. Như thế là hợp được đức trời, mà làm nên sự nghiệp trời, còn lo gì tâm trí thiên hạ chẳng thông được nữa rư?

 ĐẠI TƯỢNG TRUYỆN

 Tượng viết: Thiên dữ hỏa, Đồng Nhân. Quân tử dĩ loại tộc biện vật. 象曰: 天與火, 同人. 君子以類族辨物.

 Quẻ này Li với Càn chung làm một quẻ. Càn là thiên, thiên tại thượng, Li là hỏa, hỏa viêm thượng, có thể xu hướng đồng với nhau nên đặt tên quẻ bằng Đồng Nhân.

Quân tử xem tượng ấy mới nghĩ rằng: Ở trong vũ trụ, hễ mỗi người tài chất chẳng đồng với nhau, hễ mỗi vật tình trạng chẳng đồng với nhau làm thế nào mà đồng được. Quân tử mới nghĩ ra phương pháp, phân biệt cho ra những chốn khác nhau, mà thu xếp cho đến đồng nhau, tức là “loại tộc biện vật”.

Loại nghĩa là tỉ giảo cho rõ ra từng loại. Tộc nghĩa là từng giống mà cũng là từng bọn. Biện nghĩa là phân biệt cho rành. Vật nghĩa là việc, cũng có nghĩa là cái, như ta nói cái nọ, cái kia, v.v.

Quân tử muốn làm được Đồng Nhân, bắt đầu phải phân biệt từng loại của các chủng tộc, biện minh ra mỗi sự vật mà xử trí cho mỗi đắc kì sở, ai nấy cũng thỏa thích sở cầu, ai nấy cũng phát triển sở năng, thủ đoạn tuy vẫn bất động nhưng kết quả thời là đại đồng.

Bây giờ xin thiết ra thí dụ cho rõ nghĩa tượng. Tỉ như: Loài cá là chủng tộc ở nước, loài chim là chủng tộc ở rừng, muốn cho nó được thỏa thích, tất phải thả cá xuống nước, phóng chim lên rừng, xử trí nó bất đồng, mà nó mới đồng được chốn sung sướng của nó. Đó là một nghĩa hình dung được “Loại tộc biện vật”.

Lại tỉ như: Thuộc về sĩ tộc, thời ta sắp đặt cho họ việc văn học; thuộc về nông tộc, thời ta sắp đặt cho họ việc canh khẩn. Đến lúc kết quả, thời ai nấy cũng phát triển hết sở năng, ai nấy cũng thỏa thích được sở nguyện.

Rút cùng lại, thời in như học thuyết nhà xã hội: Các tận sở năng, các thủ sở nhu 各盡所能, 各取所需.

Bởi vì mỗi tộc tất có mỗi sở năng, mỗi vật tất có mỗi sở nhu. Nếu chẳng loại cho rành, biện cho minh mà xử trí một cách cho hoàn thiện thời làm gì đến đại đồng được.

Thánh nhân sợ chúng ta chỉ xem mặt chữ đồng, mà nhận lầm nghĩa chữ đồng, toan ép uổng những bọn bất đồng lại làm cho đồng, té ra thả cá lên rừng, đưa chim xuống nước, mỗi học trò ra cày ruộng, rước phu cày ra làm bài; thời thành nhiễu loạn thiên hạ, mà có làm gì Đồng Nhân được đâu.

 HÀO TỪ VÀ TIỂU TƯỢNG TRUYỆN

Sơ Cửu: Đồng Nhân vu môn, vô cựu.初九: 同人于門, 無咎.

 Sơ Cửu ở đầu hết thì Đồng Nhân là một người mới bắt đầu ra đời, ở trong lòng vẫn trong sạch, trong mắt chưa dây dính với ai, là vì có đức dương cương nên bắt đầu ra làm việc Đồng Nhân, có độ lượng khoan hồng mà hợp với công đạo, đồng với người mà đồng bằng một cách chí công, nên nói rằng: Đồng Nhân vu mônVu môn nghĩa là ra ngoài cửa.

Đồng Nhân mà được chí công chí đại như thế, thời còn ai trách lỗi được mình.

 PHỤ CHÚ: Chữ môn là theo cách tượng hình, nguyên chữ hộ là cửa một cánh, cửa ở trong nhà; dựng hai cánh ở hai bên, tượng thành chữ môn ở cửa ngoài.

Vu môn là thủ tượng bằng ra ngoài đường mà Đồng Nhân nghĩa là chẳng phải đồng với người trong một nhà, dầu người một nước, một thế giới, mà cũng đồng cả. Đồng như thế là rộng lớn lấm, chẳng mắc tệ thiên tư chật hẹp nên vô cựu.

 Tượng viết: Xuất môn Đồng Nhân, hữu thùy cựu dã. 象曰: 出門同人, 又誰咎也.

 Ta với người vẫn thông đồng với nhau, sở dĩ sinh ra hạn cách là vì có môn, mới sinh ra giới hạn kẻ trong người ngoài. Nếu ở trong cửa mà nói Đồng Nhân, thời ai tin mình. Bây giờ ra khỏi ngoài cửa mà Đồng Nhân, thời sở đồng không phạm vi không giới hạn, đã đồng được rộng lớn như thế, lại còn ai trách lỗi được mình nữa.

 PHỤ CHÚ: Người đời xưa đặt câu đặt chữ, thường thường chữ in nhau, mà ý nghĩa khác nhau, tức như câu: Hữu thùy cựu đã ở Lục Tam quẻ Giải, quẻ Tiết, với Sơ Cửu quẻ Đồng Nhân, chung một câu mà ý nghĩa khác nhau.

Ờ quẻ Tiết, quẻ Giải, hữu thùy cựu dã nghĩa là còn trách lỗi được ai nữa, chỉ trách lỗi mình mà thôi. Đến như quẻ Đồng Nhân thời câu hữu thùy cựu dã lại nghĩa là không ai trách lỗi nữa. Đó cũng là một lẽ xem chữ xem văn của cổ nhân.

Lục Nhị: Đồng Nhân vu tông, lẫn.六二: 同人于宗, 吝.

 Hào Lục ở vị Nhị: tuy đắc trung, đắc chính, nhưng ở vào thì Đồng Nhân, thời cốt trọng ở nghĩa đại đồng. Mà Lục Nhị này có ứng riêng với Cửu Ngũ, một âm, một dương ríu rít với nhau, thành ra cách đồng chật hẹp lắm. Tượng như Đồng Nhân mà chỉ đồng với người trong họ mình mà thôi nên nói rằng: Đồng Nhân vu tông. Tông nghĩa là dòng, cũng có nghĩa là hệ thống.

Đồng Nhân mà chỉ đồng trong hệ thống của mình là trái hẳn nghĩa đại đồng, thiệt một cách đáng xấu hổ.

 Tượng viết: Đồng Nhân vu tông, lẫn đạo dã. 象曰: 同人于宗, 吝道也.

 Đồng Nhân mà chỉ đồng với người tông phái mình, Đồng Nhân mà chật hẹp như thế, thật là một lối đáng xấu hổ đó vậy.

 PHỤ CHÚ: Theo về thể toàn quẻ, thời đức Văn Vương phát minh nghĩa đại đồng nên lời quẻ rằng: Đồng Nhân vu đã, hanh. Dã nghĩa là rộng lớn chi cực. Đến lời nghĩa từng hào, thời Chu Công cốt răn những người làm cách tiểu đồng nên lời hào nói rằng: Đồng Nhân vu tông, lẫn.

Tông; hẹp chi cực. Rộng chi cực, thời được chữ hanh; hẹp chi cực, thời mắc chữ lẫn. Nghĩa quẻ, nghĩa hào đắp đổi phát minh cho nhau, chúng ta học Dịch phải nhận kĩ cả hai bên.

Cửu Tam: Phục nhung vu mãng, thăng kì cao lăng, tam tuế bất hưng.九三: 伏戎于莽, 升其高陵, 三歲不興.

 Hào Cửu vị Tam là dương hào lại cư dương vị, mà vị Tam lại bất đắc trung, tượng là một người cường bạo, nhưng ở về thì Đồng Nhân, vì phong trào lùa đẩy, ai cũng muốn đồng được nhân là thích. Trong quẻ chỉ một hào Nhị là hào âm, mấy hào dương kia rặt muốn đồng với Nhị, Tam lại ở gần cạnh Nhị nên càng thiết đồng với Nhị, nhưng Nhị là một người trung chính, đã ứng với Ngũ rồi.

Cửu Tam vì chứng cương cường, ở chen vào khoảng Nhị, Ngũ, muốn cướp Nhị mà dắt về tay mình, nhưng vì lí đã khuất mà thế cũng thua nên chẳng dám ra mặt thẳng tay, chỉ là một cách rình lén, tượng như nấp dấu đồ binh khí ở rừng. Nhung: đồ binh; mang: rừng; phục: nấp. Nấp giấu đồ binh khí ở rừng là ý muốn đánh cướp hào Nhị, nhưng vì tự phản bất trực nên phải sơ hãi rụt rè, thấp thoảng lại đứng lên gò cao, cúi trông tình hình Nhị, chờ xem có dịp gì hay không. Tuy nhiên, lẽ trong thiên hạ, tà bất thắng chính, Cửu Tam tuy rình lén đến ba năm, kết quả chẳng dám phát động.

Cao lăng là cồn cao, hào Tam ở trên hết Nội Quái, tượng là cồn cao. Vì thế lực chẳng địch nổi Ngũ, nghĩa lí lại thua Nhị nên chỉ núp quân mà chẳng dám dậy. Chữ hưng là phản đối với chữ phụcPhục: nấp; hưng: dậy.

 PHỤ CHÚ: Hào từ này miêu tả tình trạng đứa tiểu nhân thiệt rất đúng. Muốn tranh người mà lại lo sức mình địch chẳng nổi. Biết sức mình địch chẳng nối, nhưng vẫn cứ lo rình cướp người, một giống sâu mọt, ở thì Đồng Nhân chính như bọn Cửu Tam.

Ở trong quẻ Đồng Nhân mà có Hào từ này, chúng ta nên biết rằng: Làm Đồng Nhân thiệt rất khó.

 Tượng viết: Phục nhung vu mang, địch cương dã, tam tuế bất hưng, an hành dã. 象曰: 伏戎于莽,敵剛也, 三歲不興, 安行也.

 Cửu Tam phục nhung vu mang là muốn kình địch với dương cương là Ngũ vậy. Tam muốn cướp Nhị, nhưng Nhị là chính ứng với Ngũ, chẳng đánh đổ được Ngũ thời chẳng cướp được Nhị: chỉ vì thế lực Ngũ quá mạnh mà nghĩa lí Nhị quá chính, Tam phải lôi thôi rè rụt, đến nỗi tam tuế bất hưng, thôi thì hành động được cách gì nữa.

Lời hào này là lời thánh nhân mắng bọn tiểu nhân, mà cũng may cho nó biết kiêng sợ, còn hơn một bọn tiểu nhân nhi vô kị đạn, nên Hào từ không có chữ hung.

Cửu Tứ: Thửa kì dung, phát khắc công, cát.九曰: 乘其墉, 弗克攻, 吉.

 Hào Cửu vị Tứ là dương cương lại bất trung chính. Ở về thì Đồng Nhân cũng muốn đồng với Nhị mà ghen với Ngũ như tình hình Cửu Tam. Vì ở trên Cửu Tam nên ghen lây đến Cửu Tam, toan lăng áp Cửu Tam mà cướp lấy Nhị, tượng là thừa kì dung (Thừa: cưỡi; dung: bức tường). Hào Tam cách giữa khoảng Nhị với Tứ, tượng là bức tường. Tứ toan vượt qua Tam mà đánh đổ Nhị, tượng là cưỡi bức tường.

Nếu Tứ mà thực hành lí tưởng ấy là dĩ tà phạm chính, kết quả cũng như Cửu Tam: còn gì tốt nữa. May thay! Cửu tuy thể cương mà Tứ là chất nhu, vì dương cương mà pha vào nhu thuận nên biết hồi đầu nghĩ lại, tự tri mình là bất trực, không thể áp được Tam mà công được Nhị.

Biết được như thế là chịu phục tùng với công lí mà chẳng mắc cái họa hại bằng tư tình; một người biết cải quá như thế, sách Tả Truyện có câu: Quá nhi năng cải, thiện mạc đại yên 過而能改善莫大焉, nghĩa là: Có điều lỗi mà hay đổi, chẳng điều lành gì lớn hơn vậy, nên Hào từ được chữ cát.

 Tượng viết: Thừa kì dung, nghĩa phất khắc dã, kì cát, tắc khốn nhi phản tắc dã. 象曰: 乘其墉, 義弗克也, 其吉, 則困而反則也.

 Tứ đã thừa kì dụng, vẫn có thể công được, vì sao mà phất khắc công? Là vì khuất phục với nghĩa, mà đành chịu phất khắc vậy. Thế vẫn đánh được, vì nghĩa mà chịu thua là một người hiểu đạo lí, thức thì vụ nên kết quả được cát. Sở dĩ được cát là vì khốn khó mà quay trở lại đường thiên lí vậy.

 PHỤ CHÚ: Hai chữ tắc có hai nghĩa, chữ tắc trên là chuyển tiếp từ, tắc nghĩa là thời; chữ tắc dưới là danh từ, tắc nghĩa là đạo lí, cũng như nghĩa pháp tắc, nguyên tắc ta thường hay dùng. Cửu Tam với Cửu Tứ tình hình lúc đầu vẫn giống nhau. Tam cận với Tứ mà tranh Nhị, Tứ cận với Tam mà tranh Nhị, hai hào thảy có tư tưởng xấu, nhưng vì Tứ thời mới phát sinh tư tưởng mà chưa hiện được sự thực chỉ thừa kì dung mà thôi. Còn Cửu Tam thời đã phục nhung vu mang là sự thực đã phát hiện, nên ở hào Tam nói rằng: Tam tuế bất hưng, mà ở hào Tứ thời nói rằng: Phất khắc công.

Kinh Xuân Thu: Văn Công thập hữu tứ niên, Tấn nhân nạp Tiệp Tri vu Trâu, phất khắc nạp. Người nước Tấn lấy binh lực nạp tên Tiệp Tri về nước Trâu, ép nước Trâu lập Tiệp Tri làm vua, nhưng vì nghĩa con thứ không thể đoạt được đích, phải chịu lui mà chẳng nạp, Kinh chép: Phất khắc nạp nghĩa cũng như chữ Phất khắc công ở đây.

Cửu Ngũ: Đồng Nhân, tiên hào đào nhi hậu tiếu, đại sư khắc, tương ngộ.

 Cửu Ngũ dương cương, trung chính, mà kẻ chính ứng với Ngũ tất là Lục Nhị âm nhu mà trung chính. Trung chính với trung chính ứng nhau, tâm đồng, đức đồng, ở vào thì Đồng Nhân như hai người ấy, chắc đồng được tốt lắm, nhưng vì giữa khoảng Nhị với Ngũ có hai hào dương là Tam với Tứ, chúng thấy Nhị âm nhu, toan muốn cưỡng đồng với Nhị. Nhân hiềm vì Ngũ nên chẳng khỏi giọng dèm pha, chê bai. Ngũ vì thế mà chưa được đồng với Nhị ngay, thấy bạn đồng tâm mình mà bị nghẹn vì hoàn cảnh nên lúc trước vẫn cũng có than thở kêu rêu, nhưng vì nghĩa lí đánh đổ được hoàn cảnh, bọn Tam, Tứ kết quả phải chịu thua. Nhị, Ngũ kết quả cũng hội họp được với nhau, gặp nhau mà cười nói vui vẻ. Hào đào nghĩa là kêu rêu.

Tà bất thắng chính, tuy đành như thế, nhưng mà Tam, Tứ hai hào dương cương, đồng ác tương tế mà Lục Nhị thời âm nhu, sức chẳng địch nổi được họ nên Cửu Ngũ muốn cứu viện Nhị tất phải dùng đến sức quân lớn đánh họ mới có thể ngộ hợp được.

 PHỤ CHÚ: Hào từ Cửu Ngũ này, thánh nhân chỉ mượn hai hào Nhị, Ngũ nói sự tương đồng khó khăn như thế để tỏ rõ được việc Đồng Nhân chẳng phải dung dị.

Xưa nay người đời thiện thường ít mà ác thường nhiều, chính thường ít mà tà thường nhiều, cảnh đời thuận thường ít mà nghịch thường nhiều nên bao giờ hòa bình cũng trải qua vô số chiến tranh, tạo phúc cũng thường nhờ có lưu huyết. Tức như hào Ngũ, hào Nhị thảy trung chính ứng với nhau, đâu còn gì cay co, khốn nạn, nhưng vì bị Tam, Tứ sở cách đến nỗi trước phải hào đào, sau phải đại sư khắc mới được tương ngộ. Chỉ hai người làm việc đồng mà cay co đến thế, huống gì làm việc đại đồng cả thiên hạ ư! Nghĩ cho hết cách, quanh đi quẩn lại rồi phải nói đến cách mệnh, chủng tộc cách mệnh chưa xong, quốc gia cách mệnh cũng chưa xong, tất lại phải tính lên xã hội cách mệnh, thế giới cách mệnh, trung gian trải vô số khóc lóc kêu van, thở than, hò hét mà chúng ta đã bao giờ được một tiếng cười đâu.

Nói tóm lại, chỉ duy đại sư khắc tương ngộ. Đại sư khắc là giống gì? Là cách mệnh, cách mệnh.

 Tượng viết: Đồng Nhân chi tiên, dĩ trung trực dã, đại sư tương ngộ, ngôn tương khắc dã. 象曰: 同人之先, 以中直也. 大師相遇, 言相克也.

 Đồng Nhân đáng lẽ là việc rất thuận dị, vì cớ sao mà trước phải hào đào? Chỉ vì Cửu Ngũ tự xét trong lòng mình vẫn lí trực, mà bị cách với Tam, Tứ nhị dương nên chưa gặp Lục Nhị, đó là một việc rất bất bình.

Hán Văn có câu: Phàm vật bất đắc kì bình tắc minh 凡物不得其平則鳴, nghĩa là: Hễ tình người chẳng được bằng thỏa thời sinh kêu. Hào đào cũng là minh cái bất bình đó.

Đại sư khắc tương ngộ là nói thế lực nhị dương (Tam, Tứ) vẫn là tay cường địch với Ngũ, tất phải đánh được nhau mới an.

 PHỤ CHÚ: Đọc Hào từ, tượng từ Cửu Ngũ quẻ Đồng Nhân khiến cho sinh một mối cảm xúc. Thiên hạ vẫn chẳng gì mạnh hơn công lí nhưng đồng khi chống chọi với cường quyền, thời công lí chỉ thành một vị thần chiếu giám, nếu không có tay hộ pháp thời công lí chỉ là miệng tày.

Xưa nay có miệng tày mà chế phục được cường quyền hay sao? Thử xem Cửu Ngũ với Lục Nhị chính ứng với nhau, lí vẫn trực, từ vẫn tráng, mà bị Tam Tứ Nhị dương ỷ cương trở cách phải dùng đến đại sư khắc mới tương ngộ, mới biết công lí là tay mặt, vũ lực là tay trái. Chẳng đủ hai bàn tay ấy thời chớ nói rằng: Hữu công lí, vô cường quyền.

Thượng Cửu:Đồng Nhân vu giao, vô hối. 上九: 同人于交, 無悔.

 Giao nghĩa là đám đất ngoài quốc đô.

Trên Soán từ nói rằng: Đồng Nhân vu dã, giao mà so với  hãy còn hẹp, mà so với môn, với tông thời đã rộng nhiều.

Thượng Cửu ở Ngoại Quái chi chung, chính là vị ở ngoài mà xa Đồng Nhân đã rộng được như thế, cũng chẳng kể bằng chật hẹp, nhưng còn ở trong quẻ, chưa phải là không phạm vi, không giới hạn nên nói rằng: Đồng Nhân vu giao. Giao là chưa được rộng lớn bằng dã, dã còn ở ngoài giao kia mà. Vì chưa được rộng lớn như Đồng Nhân vu dã nên kết quả chỉ khỏi ăn năn mà thôi.

 Tượng viết: Đồng Nhân vu giao, chí vị đắc dã. 象曰: 同人于交, 志未得也.

 Quân tử xử về thì Đồng Nhân, theo chí nguyện của mình, thời dân giai ngô bào, vật giai ngô dữ 民皆吾胞, 物皆吾與. Ở trong bốn bể, tất thảy là anh em mới thích.

Bây giờ chỉ Đồng Nhân vu giao mà thôi, thời so với Đồng Nhân vu dã, còn chưa lấy gì làm mãn nguyện.

 PHỤ CHÚ: Đọc suốt toàn quái Đồng Nhân, phát minh được hai đạo lí.

Một là: Đạo lí trong thiên hạ, chẳng bao giờ tuyệt đối, mà chỉ là tương đối (Đồng với Nhị là tương đối), ở giữa thì Đồng Nhân, mà hào Sơ thời chỉ ra khỏi cửa, hào Nhị thời chỉ ở trong phe phái mình, hào Tam thời lên nấp ở rừng, hào Tứ thời cưỡi lên tường cao, toan kình địch với hào Ngũ. Đến hào Ngũ thời cầu ứng với hào Nhị mà phải cần đến đại sư khắc. Thế mới biết: Nhân dĩ loại tụ, vật dĩ quần phân 人以类聚, 物以羣份, nghĩa là: Người nhóm theo từ loại, vật chia theo từ bầy.

Cái dị biết bao nhiêu, mà muốn xoay làm đồng, thiệt việc rất khó, nhưng lại có một đạo lí nữa, mỗi ở trong tương đối tất có một cái tuyệt đối gửi ở trong.

Lửa, thời bao giờ cũng tuyệt đối nóng, nước, thời bao giờ cũng tuyệt đối lạnh, nhưng chúng ta nhận định một cách biến dịch, giao dịch ở trong Kinh Dịch: Đem lửa đốt ở dưới nước, thời nước cũng có lúc sôi mà hóa ra nóng. Đem nước xối lên trên lửa, thời lửa cũng có lúc tắt mà sinh ra lạnh.

Chỉ duy thông hết vật tình, thấu hết vật lí, điều tệ hòa hợp, chẳng thiên về phía nào, khiến cho việc gì đều các đắc kì nghi 各得其宜, giống gì đều các đắc kì bình 各得其平, thời tóm góp bao nhiêu cái dị mà quy kết lại làm đồng, vẫn chẳng phải tuyệt dối chẳng làm được. Vậy nên Đức Khổng có câu thiên hạ vi công, thị vị đại đồng 天下爲公, 是謂大同, mà xã hội học giả ở đời nay cũng bàn đến thế giới cách mệnh.

(Theo Quốc Văn Chu Dịch Diễn Giải-Phan Bội Châu)

 


Tin liên quan

Chia sẻ bài viết: 



Bình luận:

Hỗ trợ trực tuyến

Lê Công

0919.168.366

Nhà đất bán theo tỉnh thành
Nhà đất cho thuê theo tỉnh thành
Kinh Dịch
Tử vi
Huyền không Phi Tinh
Văn Hóa_Tín Ngưỡng
Thước lỗ Ban
Xen ngày tốt
Kinh Dịch
TIN NỔI BẬT

LÊ LƯƠNG CÔNG

Trụ sở: Số 31 - Mương An Kim Hải - Kenh Dương, Le Chan, Hai Phong

Tel: 0919168366 - Hotline: 0919.168.366 - Email: nhadatcongminh@gmail.com

Copyright © 2019 https://leluongcong.com/