Kinh Dịch
14/08/2020 - 4:25 PMLê Công 927 Lượt xem

Quẻ 12 Thiên Địa Bĩ

:::||| Thiên Địa Bĩ (否 pǐ)
Quẻ Thiên Địa Bĩ, đồ hình :::||| còn gọi là quẻ Bĩ (否 pi3), là quẻ số 12 trong Kinh Dịch.
* Nội quái là ☷ (::: 坤 kun1) Khôn hay Đất (地).
* Ngoại quái là ☰ (||| 乾 qian2) Càn hay Trời (天).

 

Quẻ 12 Thiên Địa Bĩ :::||| Thiên Địa Bĩ (否 pǐ) Quẻ Thiên Địa Bĩ, đồ hình :::||| còn gọi là quẻ Bĩ (否 pi3), là quẻ số 12 trong Kinh Dịch. * Nội quái là ☷ (::: 坤 kun1) Khôn hay Đất (地). * Ngoại quái là ☰ (||| 乾 qian2) Càn hay Trời (天).

Quẻ 12 Thiên Địa Bĩ

Kiền trên; Khôn dưới

 Quẻ này là quẻ Thiên Địa Bĩ. Khôn dưới cũng là Nội Khôn. Càn trên cùng là Ngoại Càn. Càn là Thiên, Khôn là Địa nên tên quẻ đọc bằng Thiên Địa Bĩ.

 TỰ QUÁI

 Tự quái: Thái giả thông dã, vật bất khả dĩ chung thông, cố thụ chi dĩ Bĩ. 序卦: 泰者通也, 物不可以终通, 故受之以否.

 Ý sắp đặt thứ tự quẻ. Sau quẻ Thái tiếp lấy quẻ Bĩ là vì cớ sao?

Thái nghĩa là thông, Bĩ nghĩa là lấp, cũng có nghĩa là cùng.

Nguyên đạo lí trong vũ trụ, chỉ có lẽ tương đối, mà không lẽ gì tuyệt đối.

Thông với lấp tương đối, mà thông với cùng cũng tương đối. Hễ sau lúc đã Thái thông rồi, tất nhiên lấp với cùng tới. Vậy nên sau quẻ Thái, tiếp lấy quẻ Bĩ.

 PHỤ CHÚ: Xem hai quẻ Thái với Bĩ liền nhau, mà bao quát được vô số đạo lí ở trong vũ trụ. Tỉ như: Quân chúa thịnh cực, tất có ngày quân chúa đổ, quân chúa đổ thời bình dân lên; tư bản thịnh cực, tất có ngày tư bản đổ, tư bản đổ thời lao động lên; chẳng bao giờ mà Thái mãi, cũng chẳng bao giờ mà Bĩ hoài, chỉ duy vãng phục tuần hoàn là lẽ tất nhiên. Người ta chớ lấy mắt xem gần, thấy thịnh cực mà vui mừng, thấy suy cực mà chán nản.

Nếu vũ trụ gian chỉ có một lối tuyệt đối, thời duy bao giờ trái đất không xoay, nhật luân không chuyển, mới họa có thế chăng.

 Bĩ chi phỉ nhân, bất lị quân tử trinh, đại vãng tiểu lai. 否之匪人, 不利君子貞, 大往小來.

 Bĩ chi phỉ nhân.

 Phỉ như nghĩa chữ phi; Nhân nghĩa là đạo người.

Ở trong trời đất vẫn đủ cả vạn vật, nhưng ở trong vạn vật, thời người là một giống tối linh. Vậy nên chỉ nói người, thời đại biểu được cả vạn vật. Người thiệt là phối với trời đất mà làm tam tài nên đạo người tức là đạo trời đất, mà đạo trời đất chính gởi vào đạo người.

Đạo trời là gì? Là khí dương. Đạo đất là gì? Là khí âm.

Âm dương hòa hiệp với nhau, thời sinh thành được vạn vật, mà đạo người cũng nhân đó mà còn. Âm dương cách tuyệt với nhau thời chẳng sinh thành được vạn vật, mà đạo người cũng nhân đó mà mất.

Thì Bĩ này âm khí ở dưới, chẳng chịu thượng giao với dương, dương khí ở trên, chẳng chịu hạ tiếp với âm. Âm, dương cách tuyệt nhau như thế, tất nhiên vạn vật chẳng sinh thành, còn gì là đạo người nữa, nên nói rằng: Bĩ chi phỉ nhân. Phỉ nhân nghĩa là chẳng phải đạo người.

 PHỤ CHÚ: Lời phỉ nhân ở Soán từ, tuy chuyên chỉ về âm dương bất giao, thuộc về phần thiên địa, nhưng lấy đạo lí ấy mà suy vào nhân sự, tỉ như, trong thân một người, dương nhiệt thượng xung, âm hàn hạ trệ, tất thành ra bệnh quan cách bất thông.

Tâm thuật một người, phấn sức thiên lí ở bề ngoài, chất chứa nhân dục ở bề trong, thời chẳng khác gì cầm thú, thảy là phỉ nhân. Thân thể đã bĩ tất nhiên thân tử, tâm thuật đã bĩ, tất nhiên tâm tử, chẳng phải vô nhân đạo hay sao?

 Bất lị quân tử, trinh, đại vãng tiểu lai.

 Ở thì Bĩ này, chính là âm tà đắc chí, tiểu nhân hoành hành, rất chẳng lị với đạo chính của quân tử. Vì cớ sao quân tử trinh lại bất lị? Vì thì Bĩ này trái với thì Thái. Thì Thái tiểu vãng, đại lai, mà thì Bĩ đại vãng, tiểu lai. Đại vãng là dương cương qua ra ở ngoài; tiểu lai là âm nhu lại vào ở trong là tượng quân tử thất vị tại ngoại, tiểu nhân đắc thế tại nội. Vậy nên, đạo trinh chính của quân tử, gặp hồi này chỉ nên tiềm tàng thối ẩn, chẳng làm gì thuận lị được. Xem lời Soán Truyện dưới này càng rõ lắm.

 Soán viết: Bĩ chi phỉ nhân, bất lị quân tử trinh, đại vãng tiểu lai, tắc thị thiên địa bất giao, nhi vạn vật bất thông dã; thượng hạ bất giao, nhi thiên hạ vô bang dã. Nội âm nhi ngoại dương, nội nhu nhi ngoại cương, nội tiểu nhân nhi ngoại quân tử, tiểu nhân đạo trưởng, quân tử đạo tiêu dã. 彖曰: 否之匪人, 不利君子貞, 大往小來, 則是天地不交而萬物不通也; 上下不交而天下無邦也. 内陰而外陽, 内柔而外剛, 內小人而外君子, 小人道長, 君子道消也.

 Xem suốt ba câu Soán từ quẻ Bĩ thời:

 Soán viết: Bĩ chi phỉ nhân, bất lị quân tử trinh, đại vãng tiểu lai.

 Càn ở trên, Khôn ở dưới, âm dương hai khí chẳng giao tiếp với nhau là thiên địa bất giao mà vạn vật không thể sinh thành được.

Càn là phía trên, Khôn là phía dưới, trên áp chế dưới, dưới cách tuyệt trên là thượng hạ bất giao, mà thiên hạ không chốn nào thành bang quốc được.

Chữ thiên hạ vô bang, há phải thiệt vô bang đâu! Chính chẳng ra chính, giáo chẳng ra giáo, trên chẳng thương dưới, dưới chẳng phục trên, tuy hữu bang mà cũng in như vô bang vậy.

Hai câu ấy chỉ là nói nhân sự hoại loạn đạt ư cực điểm. Vậy nên Soán từ đã nói: Bĩ chi phỉ nhân, lại nói: Bất lị quân tử trinh.

Soán từ ở trong toàn Kinh, duy quẻ này là xấu hơn hết. Bởi vì theo như tượng quẻ, nói về thể quẻ, thời ba âm ở trong, mà ba dương ở ngoài. Nói về đức tính quẻ, thời âm nhu ở trong, mà dương cương ở ngoài. Nói về thế đạo, thời tiểu nhân đắc thế ở trong, mà quân tử thất thế ở ngoài, đạo tiểu nhân thời ngày càng trưởng thêm mà đạo quân tử thời ngày càng mòn thêm. Thế là thiên đạo bĩ, thời nhân sự cũng bĩ luôn.

 PHỤ CHÚ: Chúng ta đọc Soán từ quẻ Thái, quẻ Bĩ, thấy được thiên đạo Thái thời nhân sự cũng theo mà Thái luôn. Thiên đạo Bĩ thời nhân sự cũng theo Bĩ nốt. Thế thời chúng ta làm người ở một đời, toan ra gánh việc của một đời, chỉ phải nhường quyền cho thiên đạo mà thôi rư? Không, không.

Nguyên lai âm với dương, quân tử với tiểu nhân, vẫn thường thường có luôn ở giữa vũ trụ, chỉ tranh nhau cái cơ quan tiêu, trưởng mà thôi. Chẳng qua âm tiêu, dương trưởng thời Thái; âm trưởng, dương tiêu thời Bĩ; quân tử trưởng, tiểu nhân tiêu thời Thái; tiểu nhân trưởng, quân tử tiêu thời Bĩ. Chính giữa lúc Đông hàn mà vẫn có dương, vì thế mà Đông qua thời có Xuân lại.

Chính giữa lúc đời loạn, mà vẫn có quân tử, vì thế mà loạn cực thời trị sinh.

Xét cho đến nguyên nhân, thời rất quan hệ là cơ tiêu, trưởng, nhưng cái tiêu đó có phải bỗng chốc mà tiêu ngay đâu, cái trưởng đó có phải bỗng chốc mà trưởng ngay đâu.

Nhất dương sinh từ quẻ Phục, đến trưởng chi cực, mới thành ra quẻ Càn; nhất âm sinh từ quẻ Cấu[12], đến trưởng chi cực mới thành ra quẻ Khôn, tuần hoàn tích lũy, há phải một mai một hôm mà nên rư? Thiên đạo như thế, nhân sự cũng như thế, tiêu chẳng phải tiêu ở khi tiêu, mà chính măng mậm tiêu ở khi đương trưởng; trưởng chẳng phải trưởng ở khi trưởng, mà chính cội gốc trưởng ở khi đương tiêu. Một giọt không ngăn, thời trích trích chảy hoài có thể thành ra sông bể. Một cây không đốn, thời ầm ầm nứt mãi có thể thành ra rừng rậm.

Chúng ta nếu để mắt vào một giọt, một cây, mà phòng bị phần trưởng của tiểu nhân, vừa bổ cứu phần tiêu cho quân tử. Thế đạo làm gì Bĩ mà chẳng Thái. Đó chính là lấy nhân sự mà vãn hồi thiên đạo.

Xin xem cả Hào từ hai quẻ thời rõ lắm.

 ĐẠI TƯỢNG TRUYỆN

 Tượng viết: Thiên địa bất giao, Bĩ. Quân tử dĩ kiệm đức tị nạn, bất khả vinh dĩ lộc. 象曰: 天地不交, 否. 君子以儉德辟難, 不可榮與祿.

 Thì Bĩ là đương lúc thiên địa bất giao. Thiên đạo đã lù mù, nhân sự cũng bế tắc, quân tử xử thì ấy, thời nên thế nào? Gặp thì đường đời rắc rối, tính người hiểm sâu, đã không thể tranh thắng với bọn tiểu nhân thời càng chẳng nên hi sinh thân danh vì lợi lộc. Chỉ duy lo dè đặt đức mình, để tránh khỏi họa vì tiểu nhân mà mắc lấy nạn, mà lại nhất thiết những lộc vị của người cho mình, tuyệt đổi chẳng thèm.

Kiệm đức nghĩa là thao quang hối tích, chẳng lòe loẹt đức của mình cho người thấy. Bất khả vinh dĩ lộc nghĩa là: dầu đem lộc vị cho mình mà mình chẳng kể nó là vinh.

Ở trên Văn Ngôn quẻ Khôn có câu: Thiên địa bế, hiền nhân ẩn. Chỉ một chữ ẩn vừa đủ thích Tượng Truyện đây.

 PHỤ CHÚ: Quẻ Truân, quẻ Bĩ thảy là thế đạo đương hồi khốn nạn, nhưng Tượng từ quẻ Truân thời bảo rằng: Quân tử dĩ kinh luân, Tượng từ quẻ Bĩ thời lại bảo rằng: Quân tử dĩ kiệm đức tị nạn. Thế chẳng mâu thuẫn lắm hay sao?

Không phải, Truân là đương lúc hoạn nạn mới manh nha, thời cứu cấp phù nguy là trách nhiệm của quân tử. Đến như Bĩ là họa hoạn đã thập phần đáo để, nếu không thời thế cơ hội thời chẳng nên làm việc gì. Xử thì ấy, chỉ duy ẩn thân đãi thì là minh triết của quân tử. Hai Tượng từ tuy khác nhau, mà đạo lí vẫn thông dụng với nhau.

 HÀO TỪ VÀ TIỂU TƯỢNG TRUYỆN

Sơ Lục: Bạt mao như, dĩ kì vị, trinh, cát hanh.初六: 拔茅茹, 以其彙, 貞吉, 亨.

 Sơ Lục bắt đầu bước vào thì Bĩ, chính là thì làm lị cho bọn tiểu nhân, mà Sơ Lục này chất Lục là âm nhu, vẫn là đồng đảng với hai hào trên. Nếu Sơ dắt đoàn kéo lũ liên lạc với hai hào trên mà đồng thì tịnh tấn làm công việc đánh đổ Thái, thời thế đạo chắc bị nguy.

Thánh nhân đau lòng cho thế đạo nên trông mong bọn họ hóa ra quân tử. Vả lại Sơ Lục còn ở đầu quẻ, tượng là một người mới bắt đầu ra đời, còn mong cảm hóa được. Thánh nhân mới có lời khuyên dỗ rằng: Thời đại này chính là cơ hội các anh dắt nhau lên, nhưng trông mong cho các anh thương tiếc lấy đồng bào, giữ gìn lấy phúc sau, bỏ hết tà tâm mà giữ lấy chính đạo, dắt nhau đi vào đường chính. Thế thời tiền đồ của các anh chắc được cát mà hanh.

Nếu các anh không trinh thời chưa chắc đã khỏi mắc lấy hung họa. Câu: Bạt mao như, dĩ kì vị, cũng như Hào từ Sơ Cửu quẻ Thái, mà ý thời khác nhau xa. Thái là thì quân tử tịnh tấn, mà Bĩ thời chính là thì tiểu nhân tịnh tấn.

 PHỤ CHÚ: Chữ trinh ở hào Sơ với chữ trinh ở Soán từ nguyên chỉ một chữ, nhưng Soán từ thời đạo chính thuộc về phe quân tử nên nói rằng: Quân tử trinh. Hào Sơ là thánh nhân lấy lẽ chính khuyên miễn cho tiểu nhân nên nói rằng: Nếu trinh thời cát hanh là trông mong cho tiểu nhân hóa ra quân tử.

 Tượng viết: Bạt mao, trinh cát, chí tại quân dã. 象曰: 拔茅貞吉, 志在君也.

 Nguyên lai, Sơ Lục là hào âm vẫn là tiểu nhân, mà thượng ứng với Cửu Tứ là hào dương. Dương là quân tử, Sơ ứng với Tứ là người dưới ứng với người trên, thế là Cửu Tứ làm chủ nhân, mà Sơ Lục làm tôi tớ. Nếu tôi tớ trung thành với chủ nhân, thời tất nhiên chủ nhân khỏi bị họa, nên Tượng Truyện khuyên cho Sơ rằng: Bạt mao trinh cát, nghĩa là cốt trông cho tâm chí anh lo trung thành với chủ nhân anh vậy (Quân: chủ nhân, tức là Cửu Tứ. Tứ là loài quân tử nên khuyên rằng: Chí tại quân).

Lục Nhị: Bao thửa, tiểu nhân cát, đai nhân bĩ hanh.六二: 包承, 小人吉, 大人否 亨.

 Lục Nhị cũng là tiểu nhân trong thì Bĩ, nhưng vì bản thân Nhị hào Lục, vị Nhị là cư trung đắc chính, một tay hào kiệt trong phường tiểu nhân. Bổn đảng nó tuy là tiểu nhân mà bản thân nó lại chẳng muốn làm mất lòng quân tử, nó cũng phấn sức ra cách đạo đức, khéo bao bọc thừa thuận lấy ba dương trên. Tiểu nhân mà biết như Lục Nhị thời lị đã được mà danh cũng chẳng mất. Tiểu nhân cát nghĩa là cách tốt lành thuộc về tiểu nhân.

Tuy nhiên, quân tử với tiểu nhân vẫn bất đồng đạo, tuy tiểu nhân có bao thừa quân tử đi nữa, cũng chẳng qua mua danh chuộc tiếng mà thôi, có lẽ nào quân tử chịu thất thân với nó đâu. Nếu quân tử mà bất tự trọng, cam dựa vào nó để được an thân, thời còn gì là tốt nữa đâu, nên Hào từ lại có câu rằng: Đại nhân bĩ hanh.

Đại nhân: người có đạo đức lớn. Bĩ hanh: an giữ lấy cùng khốn, thời thân mình tuy Bĩ, mà đạo mình được hanh. Câu Hào từ này cũng như câu: Quân tử cố cùng 君子固窮 ở sách Luận Ngữ, có nghĩa là quân tử vẫn giữ lấy cùng, mới là quân tử.

 Tượng viết: Đại nhân bĩ hanh, bất loạn quần dã. 象曰: 大人否亨, 不亂羣也.

 Bĩ vẫn một cảnh ngộ rất khốn nạn, vì cớ sao lại nói rằng: Bĩ mà hanh.

Bởi vì quân tử ở thì Bĩ, thế lực mình đã chẳng đủ tranh với tiểu nhân, mà đạo mình lại trái với tiểu nhân. Nếu mình hỗn tạp với bầy tiểu nhân, thời đạo của mình hỏng trớt, thân còn mà đạo mất, quân tử có chịu làm đâu; âu là độc lập bất tiến, chẳng chịu tạp loạn với bầy tiểu nhân, thế thời thân tuy cùng, mà đạo vẫn hanh thông vậy.

 PHỤ CHÚ: Chữ đại nhân là thay chữ quân tử ở trên Soán từ, rất có ý nghĩa, ở trên là nói bằng cách phổ thông, ở đây là nói cách đặc biệt.

Vì muốn cho quân tử được hoàn toàn làm quân tử nên dùng chữ đại nhân mà phản đối chữ tiểu nhân, bảo có được như thế thời đạo mình mới lớn. Chữ đại đây chẳng phải nói đại bằng thế lực mà đại bằng đạo đức.

Lục Tam: Bao tu.六三: 包羞.

 Hào Lục vị Tam âm nhu bất trung, bất chính, ở về thì Bĩ, lại là tiểu nhân chi cực, lại ở trên hai hào âm, chính là người đầu bầy trong đám tiểu nhân. Theo về cách hành động của Tam thời biết được tâm chí của Tam, chắc trong lòng nó chất chứa một khối âm hiểm gian tà, mưu hại quân tử, thiệt đáng xấu hổ mà thôi.

 PHỤ CHÚ: Đọc Hào từ Hạ Quái quẻ Bĩ, biết được tâm lí thánh nhân vẫn ghét tiểu nhân nhưng chẳng bao giờ tuyệt tiểu nhân. Hào Sơ là tiểu nhân mới ra đời, còn trông mong cho nó hóa ra quân tử nên khuyên rằng: Trinh cát, hanh. Đến hào Nhị thời trông cho nó bao thừa quân tử mà nói: Tiểu nhân cát. Đến hào Tam thời tiểu nhân đã đạt đến cực điểm nên Hào từ chỉ có hai chữ bao tu. Ngó như hình đau chi cực, ghét chi cực, mà chẳng muốn nói nhiều, nhưng ở trong thì ấy, thánh nhân rất lo quân tử bị sụp nên Soán từ nói rằng: Bất lị quân tử trinh, mà Hào từ Lục Nhị lại có câu: Đại nhân, bĩ hanh. Tiên hiền có câu nói rằng: Dịch vị quân tử mưu, bất vị tiểu nhân mưu 易爲君子謀, 不爲小人謀, nghĩa là Kinh Dịch chỉ tính toan cho quân tử, chẳng phải vì tiểu nhân mà tính toan.

 Tượng viết: Bao tu, vị bất đáng dã. 象曰: 包羞, 位不當也.

 Lục Tam sở dĩ đến nỗi bao tu là vì hoàn cảnh của Tam đương buổi tiểu nhân đạo trưởng, mà địa vị của Tam lại bất trung, bất chính, mới đến nỗi khả ố như thế.

 PHỤ CHÚ: Chữ vị đây có ý nghĩa hơn mọi nơi. Nguyên tâm lí của người ta lúc đầu, thời ai cũng muốn làm quân tử; phần nhiều vì hoàn cảnh xô đẩy nên những hạng người chí khí bạc nhược chẳng bao lâu thời biến ra tiểu nhân. Ở về thì Bĩ, mà lại xử vào địa vị Lục Tam, kết quả chỉ là bao tu, cũng vì vị mà xui nên như thế.

Cửu Tứ: Hữu mệnh, vô cựu, trù li chỉ.九四: 有命無咎, 疇難祉.

 Mệnh: mệnh trời, tượng như thì vận, cũng có nghĩa là số tự nhiên; trù: loài bạn; li: nương nhờ; chỉ: phúc.

Theo về thể toàn quẻ, thời nội Tam âm là tiểu nhân, ngoại Tứ[13] dương là quân tử. Cửu Tứ có đức dương cương ở vào thể Càn kiện, vẫn là một bậc quân tử, lại vừa lúc vận Bĩ đã quá nửa ở vị Tứ, chính là một cơ hội tốt cho quân tử; ngó thời thế đã sắp sửa hữu vi, gặp hồi Bĩ đã quá nửa, mà tài Tứ lại có thể xoay được Bĩ nên thánh nhân mừng mà nói rằng: Tứ ơi! Thì vận đã tới rồi, ở trên có hai dương là đảng quân tử của mình, mình hết sức lo một cách tấn hành cho đúng, chớ làm những việc lầm lỗi, thời chẳng những mình được tốt mà phe phái bạn hữu mình, cũng thảy dựa cậy vào mình mà được phúc chỉ.

 Tưởng viết: Hữu mệnh vô cựu, chí hành dã. 象曰: 有命無咎, 志行也.

 Hào từ này Bĩ sắp cực, mà Thái sắp lai, chính là cơ hội vừa bắt đầu tốt, chỉ cốt cách hành động giữa mình cho được vô cựu, thời chí tế thế an bang của mình chắc được phát triển vậy.

 PHỤ CHÚ: Cửu Tam quẻ Thái vừa đúng nửa Thái, thánh nhân sợ Bĩ sắp tới nên răn rằng: Gian trinh. Hào từ quẻ Bĩ vừa quá nửa Bĩ, thánh nhân mừng cho Thái sắp đến nên nói rằng: Hữu mệnh vô cựu.

Tuy nhiên, việc trong thiên hạ từ Thái bước sang Bĩ là việc rất dễ nên phải lo sẵn cho Cửu Tam; từ Bĩ mà bước sang Thái là việc rất khó nên thánh nhân chưa dám vội mừng, chờ đến Cửu Tứ thiệt thấy dương cương đắc vị, mới tỏ ra ý mừng.

Chúng ta nếu biết được ý ấy, thời gặp thì Thái chớ nên thị thường, tức là gian trinh; gặp thì Bĩ lo rình cơ hội, tức là hữu mệnh, có thì tiết nào mà chúng ta chán nản đâu.

Cửu Ngũ: Hưu bĩ, đại nhân cát, kì vong, hệ vu bao tang. 九五: 休否, 大人吉, 其亡, 其亡, 繫于苞喪.

 Hưu: thôi nghỉ. Chữ kì này là hoạt động từ; vương: mất; kì vong: e có lẽ mất đó; hệ: giằng buộc; bao tang: ngùm rễ dâu. Dâu là giống ăn xuống đất rất sâu, ngùm rễ dâu lại càng khó nhổ nên có tượng bền chặt.

Hào này, ở giữa Ngoại Quái, Bĩ còn một hào nữa thời Bĩ hết. Theo về thì vận là Thái vận đã có cơ sắp tới; Cửu Ngũ có đức dương cương, trung chính lại ở vào vị chí tôn, mà lại gặp được hồi Bĩ sắp chung, Thái sắp tới. Tài đức ấy, cơ hội ấy, đứng ra gánh việc đời, chắc là thôi nghỉ được Bĩ cho thiên hạ, ấy là đạo tốt lành của đại nhân đó vậy.

Tuy nhiên, khi đương trị mà làm ra loạn thời dễ, khi đương loạn mà làm ra trị thời khó; huống gì hoàn cảnh Cửu Ngũ thiệt chưa ra khỏi Bĩ, tuy có tài toàn chuyển, may tạm thì Bĩ hưu, nhưng chưa nên vội mừng, phải nghĩ sâu tính xa, thường để ý vào phòng ưu lự hoạn, tự răn đe trong lòng rằng: E có lẽ mất đây chăng, e có lẽ mất đây chăng. Nếu được như thế, thời nền tảng mình đắp mới thêm bền, sự nghiệp mình làm mới thêm vững, một cách kiên cố như chằng buộc vào ngùm rễ dâu. Ý nghĩa Hào từ này, xem Hệ tử giải thích càng rõ lắm. Xin tiện biên vào đây.

 Tử viết: Nguy giả, an kì vị giả dã; vong giả bảo kì tồn giả dã; loạn giả hữu kì trị giả dã. Thị cố quân tử an nhi bất vong nguy, tồn nhi bất vong vương, trị nhi bất vong loạn. Thị dĩ thân an nhi quốc gia khả bảo dã.

子曰: 危者, 安其位也; 亡者, 保其存者也; 亂者, 有其治者也. 是故君子安而不忘危, 存而不忘亡, 治而不忘亂, 國家可保也.

 Hệ tử nói rằng: sở dĩ đến nỗi nguy là vì mình chắc an được vị mình đó vậy. Sở dĩ đến nỗi vong là vì mình thường chắc được tồn đó vậy. Sở dĩ đến nỗi loạn là vì mình thường chắc được trị đó vậy. Vì vậy cho nên đấng quân tử, xử gặp thì đã an rồi mà chẳng dám quên những sự nguy. Gặp thì đã tồn rồi mà chẳng dám quên cái họa vong, gặp thì đã trị rồi, mà chẳng dám quên cái cơ loạn. Vì được như thế nên thân mới an mà nước nhà mới giữ được vững vậy.

 Tượng viết: Đại nhân chi cát, vị chính đáng dã. 象曰: 大人之吉, 位正當也.

 Đại nhân ở Cửu Ngũ với đại nhân ở Lục Nhị vẫn in nhau một bậc đại nhân, nhưng đại nhân ở Lục Nhị hãy còn tại hạ vô vị, tuy có đức mà không thể hữu vi được, phải chịu Bĩ mới được hanh. Đại nhân ở Cửu Ngũ là địa vị chí tôn, đức đã thịnh vị lại tôn nên làm nổi sự việc hưu bĩ.

Đức tuy đồng mà vị khác nhau, thời làm công nghiệp cũng nhân cảnh ngộ mà khác nhau. Thế mới biết: Thời thế tạo anh hùng, vẫn có lẽ.

Thượng Cửu: Khuynh bĩ, tiên bĩ, hậu hỉ.上九: 傾否, 先否後喜.

 Thượng Cửu cũng lấy nghĩa bằng toàn quẻ, quẻ Bĩ đến hào Thượng là vị cuối cùng. Thượng là Bĩ đã cùng cực rồi. Hễ vật lí đã cùng cực, tất quay trở lại. Vậy nên bĩ cực tắc thái lai. Thượng

Cửu chính gặp cơ hội ấy, mà lại giữa bản thân có tài dương cương, dắt kéo cả hai hào dương ở dưới lên nữa, ra tay toàn Càn, chuyển Khôn, đánh đổ được Bĩ. Duy ở thì cuối cùng Bĩ, thời nửa đoạn trước vẫn còn lo Bĩ, mà đến nửa đoạn sau, rành là hoan hỉ là vì lúc ấy đã bước lên Thái rồi.

 Tượng viết: Bĩ chung tắc khuynh, hà khả trường dã. 象曰: 否終得傾, 何可長也

 Bĩ đến Thượng Cửu là Bĩ chung rồi tất phải khuynh, có lẽ đâu Bĩ dài được. Thiên vận vẫn như thế, mà nhân sự cũng như thế.

 PHỤ CHÚ: Dịch lí cốt ở nơi tinh thần, chẳng phải chỉ xem ở nơi văn tự. Văn tự là một giống mà thánh nhân mượn để tỏ ý nghĩa. Chúng ta phải hội lấy tinh thần ở ngoài văn tự, mới là biết học Dịch.

Lục Tam quẻ Thái chính là đương khi quân tử đạo trưởng, mà thánh nhân đã lo đến vô bình bất bí. Cửu Tứ quẻ Bĩ chưa khỏi thì tiểu nhân đạo trưởng, mà thánh nhân đã chắc rằng hữu mệnh vô cựu. Thế mới biết Thái chưa cực mà thánh nhân đã nghĩ đến Bĩ lai, Bĩ chưa cực mà thánh nhân đã nghĩ đến Thái lai. Chỉ trông mong cho chúng ta lấy nhân sự mà vãn hồi tạo hóa.

Nếu chờ đến Thượng Lục quẻ Thái mới biết được họa “thành phục vu hoàng”, chờ đến Thượng Cửu quẻ Bĩ mới biết được phúc “khuynh Bĩ hậu hỉ”, té ra chỉ ngồi nghe tạo hóa, có gì là nhân sự vãn hồi nữa đâu, như thế, thời thánh nhân chẳng cầu làm Dịch.

Thánh nhân làm Dịch chỉ cốt cho người ta biết Thái tương cực ở khi còn Cửu Tam, mà trước phải gian trinh, biết Bĩ tương cực ở khi còn Cửu Tứ mà trước lo cho vô cựu. Có như thế, mới là mắt đọc Dịch, mà chính là người xử thế biết nhắm cơ hội.

Lại còn một lẽ, nhân sự vẫn vãn hồi được tạo hóa nhưng tất phải có tài đức quân tử mới làm xong. Hào dương ở trong Kinh Dịch tượng là quân tử.

Ba hào ở Ngoại Quái quẻ Thái, tuy đương thì còn Thái, mà ba hào rặt là âm hào là tiểu nhân nên kết quả chẳng giữ được Thái. Ba hào ở Ngoại Quái quẻ Bĩ, tuy đương thì còn Bĩ, nhưng vì ba hào ấy rặt là dương hào là quân tử nên chẳng bao lâu đánh đổ được Bĩ.

Đó là thâm ý của thánh nhân bảo cho chúng ta nên quý quân tử mà tiện tiểu nhân vậy.

 (Theo Quốc Văn Chu Dịch Diễn Giải-Phan Bội Châu)

 


Tin liên quan

Chia sẻ bài viết: 



Bình luận:

Hỗ trợ trực tuyến

Lê Công

0369.168.366

Nhà đất bán theo tỉnh thành
Nhà đất cho thuê theo tỉnh thành
Kinh Dịch
Tử vi
Huyền không Phi Tinh
Văn Hóa_Tín Ngưỡng
Thước lỗ Ban
Xen ngày tốt
Kinh Dịch
TIN NỔI BẬT

LÊ LƯƠNG CÔNG

Trụ sở: Số 31 - Mương An Kim Hải - Kenh Dương, Le Chan, Hai Phong

Tel: 0369168366 - Hotline: 0919.168.366 - Email: nhadatcongminh@gmail.com

Copyright © 2019 https://leluongcong.com/