Quẻ này là quẻ Địa Thiên Thái. Càn ở dưới cũng là Nội Càn, Khôn ở trên là Ngoại Khôn. Khôn là Địa, Càn là Thiên, nên tên quẻ đọc bằng Địa Thiên Thái.
TỰ QUÁI
Tự quái: Lí nhi thái, nhiên hậu an, cố thụ chi dĩ Thái, Thái giả thông đã 序卦: 履而泰, 然後安, 故受之以泰, 泰者通也.
Ý sắp đặt thứ tự quẻ. Sau quẻ Lí tiếp lấy quẻ Thái là vì cớ sao? Bởi vì Lí nghĩa là lễ, cũng có nghĩa là giày là đi; giày đi được an ổn, vậy sau mới thỏa thích. Vậy nên sau quẻ Lí tiếp lấy quẻ Thái. Thái nghĩa là an thích, cũng có nghĩa là thông thuận.
Tượng quẻ này, Khôn âm ở trên là khí âm thượng đẳng mà giao tiếp với dương. Càn dương ở dưới là khí dương hạ giáng mà giao tiếp với âm. Nhị khí giao hòa với nhau, thời vạn vật sinh trưởng mà được thông thái, nên đặt tên quẻ bằng Thái.
PHỤ CHÚ: Khí âm dương nguyên là vô hình, đã vô hình, thời không chỉ rõ ra được. Vậy phải mượn ba vạch quẻ để miêu tả khí vô hình. Ba nét Càn ở dưới thời thấy là thiên tại hạ, nhưng thiên đó chẳng phải là thiên hữu tượng, mà thiên chỉ là khí dương. Ba nét Khôn ở trên thời thấy là địa tại thượng, nhưngđịa đó chẳng phải làđịa hữu hình, màđịa chỉ là khí âm.
Khí âm thông lên, khí dương thông xuống. Thế là âm dương hòa hiệp, thiên,địa tương giao, nên đặt tên quẻ bằng Thái.
Nếu như thiên, địa hữu hình, mà địa trên, thiên dưới, té ra thiên, địa điên đảo, như câu người ta thường nói: Huyền hoàng dịch vị, lại còn thành ra thế giới gì nữa, xin ai học Dịch chớ nhận lầm. Trái lại, thiên thượng, địa hạ, mà nói rằng Bĩ, cũng ý nghĩa như thế.
SOÁN TỪ
Thái, tiểu vãng, đại lai, cát hanh. 泰, 小往大來, 吉, 亨.
Ý nghĩa tên quẻ sở dĩ đặt bằng Thái, đã thích rõ như trên đây. Đây chỉ thích nghĩa Quái từ.
Tiểu chỉ vào âm; đại chỉ vào dương; vãng là qua ở phía ngoài; lai là lại ở phía trong.
Quẻ này: Ba âm ở Ngoại Quái là âm qua ở ngoài; ba dương ở Nội Quái là dương lại ở trong. Theo về hình tượng ở trên mặt quẻ, có hai ý nghĩa: Một là, dương là khí trời hạ giáng, mà giao với đất, âm là khí đất thượng thăng mà giao với trời, trời đất giao với nhau là âm dương hòa sướng, thời vạn vật sinh thành, đó là Thái thuộc về thiên đạo. lại một nghĩa thuộc về nhân sự: đại là quân thượng, tượng như Càn; tiểu là thần hạ, tượng như Khôn. Khôn thượng, tức là phe thần hạ đem hết tinh thành mà cung cấp cho quân thượng. Càn hạ, tức là phe quân thượng ti đáng thân thể mà chiều đại thần hạ: cũng là tiểu vãng, đại lai mà thành được Thái ở việc nước.
Lại nói rộng ra đến việc thiên hạ, bao nhiêu dương là quân tử, bao nhiêu âm là tiểu nhân. Càn ở Nội Quái, tượng là quân tử đắc thế mà dụng sự tại Nội; Khôn ở Ngoại Quái, tượng là tiểu nhân thất thế mà lánh xa tại ngoại. Đó cũng là tiểu vãng, đại lai mà thành được Thái ở trong thiên hạ. Thiên thì, nhân sự đã thảy được như thế mới là tốt lành và hanh thông.
PHỤ CHÚ: Học giả đọc Dịch hết quẻ này nên nghiên cứu lẽ âm, dương tiêu, trưởng ở trong Dịch. Ở trong vũ trụ tuần hoàn biến hóa, dầu không gian hay thì gian, kể dọc từ vô thỉ đến vô chung, kể ngang từ Nam cực đến Bắc cực, chẳng biết bao nhiêu là việc phúc họa lành dữ, thịnh suy, trị, loạn, rút cùng lại thời chỉ có âm, dương đắp đổi nhau tác dụng mà thói.
Lệ trong Dịch: dương là minh, âm là ám; dương là thực, âm là hư; dương là phú, âm là bần; dương là quý, âm là tiện; dương là đại, âm là tiểu.
Ở trên mặt chữ vẫn có phân biệt như thế, nhưng theo về chí ý của Dịch, âm và dương vẫn đắp đổi nhau mà tác dụng, chẳng bao giờ cô dương mà sinh, cũng chẳng bao giờ độc âm mà thành, âm tất nhờ có dương mà thành, dương tất nhờ có âm mới sinh.
Vẫn là lẽ tự nhiên, vạn cổ bất dịch, nhưng đó chỉ luận lí mà thôi, đến như nói sự thực, thời phúc hay họa lành hay dữ, lại kết quả vì âm tiêu, [dương] trưởng tranh nhau mà sinh ra, lẽ ấy quan hệ rất lớn.
Vì cớ sao vậy? Dương có tượng là quân tử, âm có tượng là tiểu nhân. Hễ những người nhân cách quang minh chính đại là quân tử, mà thuộc về phần dương. Hễ những người nhân cách nhu hiểm tì tà là tiểu nhân, mà thuộc về phần âm. Về phần thiên đạo, chẳng bao giờ âm, dương thiếu một phía mà thành được; về phần nhân sự chẳng bao giờ quân tử, tiểu nhân thiếu một phía mà làm được.
Nhưng mà múi manh quan hệ thời cốt ở tiêu, trưởng về phía nào? Dương trưởng, âm tiêu thời thiên đạo mới thái được. Quân tử trưởng, tiểu nhân tiêu thời nhân sự mới thái được.
Trái lại, âm trưởng, dương tiêu, thời thiên đạo bĩ: tiểu nhân trưởng, quân tử tiêu, thời nhân sự bĩ.
Dịch là dĩ thiên đạo minh nhân sự 易以天道明人事. Vậy nên có hai quẻ Thái và Bĩ.
Hai quẻ ấy thảy ba nét âm, ba nét dương, hai bên vẫn cân địch nhau, nhưng vì quẻ Thái thời dương đương lúc trưởng thịnh, mà âm đã đến lúc tiêu mòn, tượng là quân tử đạo trưởng, tiểu nhân đạo tiêu, thời thành ra Thái.
Trái lại, quẻ Bĩ thời âm đương lúc trưởng thịnh mà dương đã đến lúc tiêu mòn, tượng là tiểu nhân đạo trưởng, mà quân tử đạo tiêu nên thành ra Bĩ. Nhân quả rất hiển nhiên, nhưng chúng ta muốn chứng minh cho rõ lí âm, dương tiêu, trưởng, thời phải giải thích như thế này:
Nguyên thuần âm là quẻ Khôn là âm thịnh chi cực, cực thời phải tiêu, nhân đó một nét dương thay vào dưới Khôn Sơ thành ra quẻ Phục. Phục là nhất dương mới sinh, sinh đến hai nét, thành ra quẻ Lâm. Quẻ Lâm là quẻ Khôn biến đến hai nét là Nhị dương đã tiệm trưởng, từ đó dương trưởng lần lần; Khôn âm biến đến ba nét thành ra quẻ Thái nên quẻ Thái có tam dương ở Nội Quái, mà thành ra Nội Càn, Ngoại Khôn. Xem như tằng thứ quái biến, thời dương có thể chiếm phần ưu thắng, âm có cơ chịu đường liệt bại, vì thế mà dương trưởng hoài, âm tiêu hoài. Dương trưởng đến bốn nét thời thành quẻ Đại Tráng, âm chỉ còn hai nét mà thôi; dương lại trưởng thêm đến năm nét thành ra quẻ Quải, âm chi một nét mà thôi. Chốc thời Khôn biến cả sáu nét, mà toàn sáu nét hóa ra dương, thành quẻ Bát Thuần Càn. Càn là dương trưởng chi cực, trưởng cực tức phải tiêu, mới có một âm thay vào dưới Càn Sơ thành ra quẻ Cấu, Cấu là nhất âm mới sinh, từ đó sắp đi âm sinh lần lần, dương tiêu lần lần, quẻ Cấu sang quẻ Độn, quẻ Độn sang quẻ Bĩ, đến quẻ Bĩ âm có thể chiếm phần ưu thắng, dương có cơ chịu đường liệt bại, tiêu cứ tiêu lần lần, trưởng cứ trưởng lần lần. Trải qua quẻ Quán, quẻ Bác, thời đến nỗi dương mòn hết, mà tất thảy sáu nét dương biến hết, thành ra Bát Thuần Khôn, lại là âm thịnh chi cực. Nhất tiêu, nhất trưởng, nhất trưởng, nhất tiêu, thử trưởng tắc bỉ tiêu, thử tiêu tắc bỉ trưởng, chính là diệu dụng của tạo hóa, mà cũng là tính lí của Dịch học.
Chúng ta chớ thấy mấy vạch đứt, vạch liền mà xem làm đồ vô dụng.
.
SOÁN TRUYỆN
Soán viết: Thái, tiểu vãng đại lai, cát hanh, tắc thị thiên địa giao nhi vạn vật thông dã, thượng hạ giao nhi kì chí đồng dã. Nội dương nhi ngoại âm, nội kiện nhi ngoại thuận, nội quân tử nhi ngoại tiểu nhân, quân tử đạo trưởng, tiểu nhân đạo tiêu dã.
彖曰: 泰, 小往大來, 吉亨, 則是天地交而萬物通也, 上下交而其志同也. 内陽而外陰, 内健而外順, 内君子而外小人, 君子道長, 小人道消也.
Soán viết: Thái, tiểu vãng đại lai, cát hanh, tắc thị thiên địa giao nhi vạn vật thông dã, thượng hạ giao nhi kì chí đồng dã.
Xem Soán từ Thái, tiểu vãng đại lai cát hanh, Thế thời trời đất giao với nhau, mà vạn vật được thông vậy. Suy vào việc người, trên dưới giao với nhau, mà chí ý cả hai bên đồng vậy. (Chữ kì là đại danh từ chỉ cả hai bên).
Nội dương nhi ngoại âm, nội kiện nhi ngoại thuận, nội quân tử nhi ngoại tiểu nhân, quân tử đạo trưởng, tiểu nhân đạo tiêu dã.
Xem thể quẻ ba nét Càn ở trong, ba nét Khôn ở ngoài, thế là khí dương ở trong, khí âm ở ngoài, tính cương kiện ở trong, mà tính nhu thuận ở ngoài, âm, dương là khí của Càn, Khôn, kiện, thuận là đức của Càn, Khôn. Lại theo thể quẻ mà nói về nhân sự, thời ba dương ở Nội Quái tượng là quân tử dụng sự tại nội, ba âm ở Ngoại Quái tượng là tiểu nhân thừa hành tại ngoại, dương càng ngày càng trưởng thêm là đạo quân tử càng ngày càng lớn thêm, âm càng ngày càng tiêu lần là đạo tiểu nhân càng ngày càng suy lần. Có như thế mới thành được Thái.
PHỤ CHÚ: Chữ âm, dương là thuộc về phần khí. Chữ kiện, thuận là thuộc về đức tính. Chữ quân tử, tiểu nhân là thuộc về phần loài người.
Đọc Soán Truyện đến đây, rất quan hệ là câu: Quân tử đạo trưởng, tiểu nhân đạo tiêu. Theo tâm lí thánh nhân, vẫn trông mong cho người đời rặt là quân tử, nhưng việc ấy không thể nào làm được. Hễ đạo trời đã có dương tất cũng có âm. Vậy nên loài người đã có quân tử tất cũng có tiểu nhân. Chỉ duy quân tử đứng vào địa vị chủ động, thời đạo quân tử được trưởng, tiểu nhân đứng vào địa vị bị động, thời đạo tiểu nhân phải tiêu. Như thế, thời đạo đời được hanh thái.
Quân tử chỉ là người tốt, vì sao lại đặt tên bằng quân tử?
Nguyên thuở xưa đặt danh từ ấy còn chú trọng về luân lí đời xưa. Ra gánh việc quốc gia, thời đúng tư cách một người vì quân, ở trong gia đình thời đúng tư cách một người vì tử. Thế là hạng người làm bậc trên cũng tốt làm việc dưới cũng tốt, góp cả hai nghĩa ấy mà đặt tên nên gọi bằng quân tử, mà cũng là một người đúng tư cách làm người. Nếu gọi bằng thánh nhân cũng có thể được.
Chữ tiểu nhân thời không ý nghĩa gì sâu xa, chỉ là một hạng người âm hiểm ti bỉ chẳng xứng đáng tư cách làm người. Vậy nên gọi bằng tiểu nhân.
Nguyên lai, ý nghĩa chữ nhân lớn lắm. Nhân là phối địch với thiên, địa mà làm tam tài kia mà, nay nó chỉ loài tiểu mà thôi, chẳng xứng đáng được nhân, nên gọi bằng tiểu nhân. Còn như sách vở các chốn khác cũng có lúc nói bằng địa vị mà chia làm quân tử, tiểu nhân, có nghĩa: quân tử là bậc trên, tiểu nhân là bậc dưới, nhưng đó chỉ nghĩa hẹp mà thôi, chẳng phải thật ý nghĩa quân tử, tiểu nhân. Chúng ta đọc sách chớ câu nệ những chữ ấy.
Lại theo miệng thế tục, có một danh từ tiểu nhân là người bé, tương đối với đại nhân là người lớn, trái hẳn với chữ tiểu nhân ở đây.
ĐẠI TƯỢNG TRUYỆN
Tượng viết: Thiên địa giao, Thái, hậu dĩ tài thành thiên địa chi đạo, phụ tướng thiên địa chi nghi, dĩ tả hữu dân. 象曰: 天地交, 泰, 後以裁成天地之道, 辅相天地之宜, 以左右民.
Thích nghĩa chữ một: Tài nghĩa là xén cắt; thành nghĩa là tròn khéo; phụ tướng nghĩa là giúp đỡ; đạo nghĩa là nguyên tắc; nghi nghĩa là phương pháp; tả hữu nghĩa là bênh vực đề huề.
Bây giờ mới thích toàn văn.
Hình thiên vẫn ở phía trên, bây giờ Càn hạ là thiên khí hạ giao với địa. Hình địa vẫn ở phía dưới, bây giờ Khôn thượng là địa khí thượng giao với thiên. Thiên, địa giao mà âm, dương hòa thời vạn vật sướng đạt cả thảy, ấy là Thái.
Người nguyên thủ ở trong một nước gọi bằng hậu, chính là người có quyền thay gánh của trời đất nên phải thể lòng trời đất sinh thành vạn vật, mà lo bổ cứu những chốn khuyết hãm cho trời đất, tỉ như: Thì trời có nóng lạnh, hình đất có cao thấp, nhưng tựu trung có thái quá, có bất cập, thời thánh nhân nhân đó mà sửa sang, xét cắt, khiến cho đâu đó cũng vuông tròn thành tựu, ấy là tài thành thiên địa chi đạo.
Lại tỉ như: Mùa Xuân phát sinh vạn vật, mùa Thu thành thục vạn vật, thánh nhân cũng nhân thiên thì tự nhiên mà dạy cho người ta mùa Xuân cày, mùa Thu gặt.
Lại tỉ như: Chốn đất cao thích trồng cây, chốn nước sâu tiện thủy lị, thánh nhân nhân địa thế tự nhiên, mà dạy cho ta cách làm rừng, nấu muối, v.v. Những việc ấy là phụ tướng thiên địa chi nghi.
Đạo là nguyên lí tự nhiên; nghi là thuộc về sự lí đương nhiên; thánh nhân hết lòng hết sức xem xét ở hai lẽ ấy mà đưa ra thực hành, cốt cho dân sinh được đầy đủ, dân dụng được tiện lợi, để phù trì cửu hộ dân, ấy là tả hữu dân. Như thế là công việc của thánh nhân làm ra Thái, cũng như thiên, địa giao mà thành đạo Thái.
PHỤ CHÚ: Xem suốt từ Càn, Khôn sắp xuống quẻ Lí, bình quân nét âm nét dương, bên nào cũng ba mươi nét vạch. Thế là âm dương chẳng bên nào quá, chẳng bên nào bất cập, chung sức với nhau mà thành công tạo hóa. Vậy nên được Thái.
Khi đã được Thái rồi, thời chỉ lo cái gì thái quá thời phải hạn chế lại, cái gì bất cập thời phải bổ trợ thêm. Vạn sự các đắc kì trung, vạn vật các đắc kỉ sở, ấy là công hiệu thánh nhân tài thành phụ tướng mà được như thế.
Trái lại, dầu thiên thì làm ích cho người, địa lị làm lợi cho người, mà không phương pháp tài thành phụ tướng khiến cho thỏa thích bình quân, tất nhiên có thái quá, có bất cập, hiện ra vô số tình hình bất bình đẳng ở trong xã hội. Hoặc giàu quá chừng giàu, hoặc đói quá chừng đói, hoặc sướng quá chừng sướng, hoặc khổ quá chừng khổ, hoặc người trên quá chừng áp chế người dưới, hoặc người dưới quá chừng ghen ghét người trên. Tổng chi, vì không cách tài thành phụ tưởng để tả hữu dân mà thôi.
Hai chữ tả, hữu rất có ý vị. Tỉ như: giống gì quá mếch về tả, thời ta sửa lại cho sang hữu chút đỉnh, giống gì quá mếch về hữu thời ta sửa lại cho sang tả chút đỉnh, cốt làm cho ai nấy cũng thỏa thích sở nguyện cho được sở cung vừa cập sở cầu, chính là nghĩa chữ tả, hữu.
Chữ tả, hữu, nếu theo danh từ mà giải thích thời có nghĩa tả là trước, hữu là sau, tả là cao, hữu là thấp. Nhân nhích sắp đặt trước sau cao thấp, khỏi tệ chênh lệch bất bình, tức là tả hữu dân.
HÀO TỪ VÀ TIỂU TƯỢNG TRUYỆN
1.Sơ Cửu: Bạt mao như, dĩ kì vị, chinh cát. 初九: 拔茅茹, 以其彙, 征吉.
Bạt nghĩa là tút; mao nghĩa là bụi săng; như nghĩa là ngùm rễ, ví nghĩa là bầy loài; chinh nghĩa là tấn lên.
Hào Cửu ở vị Sơ là một hạng người có tài cương minh mà còn ở vị thấp. Vì ở thì Thái, ba hào dương ở Nội Quái chính là một bầy quân tử dắt nhau mà lên. Sơ tuy ở vị thấp, nhưng cặp với hai vị trên đồng thì tịnh tấn. Tượng như tút ngùm rễ săng, vừa tút một cây mà cả ngùm lên hết. Quân tử ở đời Thái, cũng dắt nhau lên như thế, còn có việc gì làm chẳng xong.
Bạt mao như, dĩ kỉ vị là tỉ dụ bằng quân tử tịnh tấn là tạo nhân của thì Thái. Chinh cát, tức là kết quả.
Tượng viết: Bạt mao, chinh cát, chí tại ngoại dã. 象曰: 拔茅, 征吉, 志在外也.
Bạt mao, chinh cát là tam dương đồng chí với nhau, muốn thượng tiến ở Ngoại Quái; là đảng quân tử đồng chí tiến với nhau, muốn ra gánh việc thiên hạ.
Chữ ngoại theo ở mặt quẻ, thời chỉ quẻ trên, theo về ý thánh nhân, thời ngoại là thiên hạ. Xưa nay Thánh hiền quân tử sở dĩ gặp thì câu tiến, dắt nhau kéo lên, há vị nhất thân nhất gia đâu. Nguyên hoài bão các ngài, nhỏ thời việc nhất quốc, lớn thời việc nhất xã hội; nhỏ thời việc dân, lớn thời việc cả thế giới, hoàn toàn ở ngoài thân gia mình nên nói rằng: Chí tại ngoại.
Cửu Nhị: Bao hoang, dụng bằng hà, bất hà duy, bằng vong, đắc thượng vu trung hàng.
九二: 苞荒, 用馮河, 不遐遗, 朋亡, 得尚于中行.
Hào từ này đạo lí rất hoàn toàn, quy mô rất đầy đủ, nhưng vì văn tự quá tinh thâm nên khó giải, xin học giả chịu khó mà nhận cho kĩ.
Bao nghĩa là bọc; hoang nghĩa là uế tạp, cũng có nghĩa là phiền rối; bằng hà nghĩa là mình truồng lội qua sông; hà nghĩa là xa, cũng có nghĩa là sơ viện; bằng nghĩa là phe phái về mình; vương nghĩa là quên hẳn; thượng nghĩa là phối hợp, cũng có nghĩa là vừa đúng; trung, đắc trung; hàng nghĩa là đường đi, dùng vào đây thời hàng là đạo.
Cửu Nhị dương cương đắc trung, vẫn là một bậc quân tử; gặp thì Thái, trên có vị nguyên thủ là Lục Ngũ nhu thuận đắc trung, hạ ứng với Nhị, thượng hạ đồng đức mà suy thành tương tín với nhau. Vì Lục Ngũ nhu thuận, tài vẫn thua Nhị nên phải hết lòng tín nhiệm Nhị, Nhị mới là tay chủ động ở thì Thái.
Sinh gặp hoàn cảnh như thế, lại chung quanh có hai dương đồng chí với mình, dắt nhau ra gánh việc tế thế an bang, trách nhiệm đã quá chừng lớn, tất thủ đoạn phải quá chừng giỏi, mà đạo đức cũng phải quá chừng cao nên công việc tác dụng có bốn câu như dưới này:
Một là kể về độ lượng, hai là kể về khí phách, ba là kể về kế hoạch, bốn là kể về công đức, công tâm. Bốn đức ấy lại phải tất thảy cho đúng với đạo trung.
Nay thích điều thứ nhất: Bao hoang:
Vì thời đại mới bước qua vào Thái, mầm mới tuy đương lên mà rác cũ vẫn chưa quét sạch. Nếu người độ lượng chật hẹp, e đến nỗi tật ác thái thậm, trừ tệ thái cấp, hay hóa ra dở cũng có lẽ. Vậy nên xử vào thì này, gánh công việc trị Thái, tất phải có độ lượng cho lớn rộng, sẽ bao bọc được những loài uế tạp, khử tiểu nhân, trừ tệ chính làm bằng một cách thung dung. Thế thời dụng nhân mới được đủ tài, mà làm việc mới có thứ tự, ấy là bao hoang.
Thích điều thứ hai:
Dụng bằng hà:
Xưa nay những người độ lượng khoan hồng, thường mắc tệ nhân nhu bất đoán. Huống gì đương thì Thái, phá hoại vừa xong, bắt đầu kiến thiết. Nhũng việc đỉnh tân cách cố, nhiều hạng người thủ thường tuần cựu, sinh ra tệ du dự nhân tuần, tất phải dùng bằng một cách cương đoán, đủ cả gan mạo hiểm, rán hết sức tấn thủ. Ngộ việc đáng quyết thời quyết ngay, tượng như người có gan liều, truồng mình qua sông mà chẳng khiếp sợ, nên nói rằng: Dụng bằng hà. Câu ấy là mượn cách thí dụ để hình dung tài cương quả, chứ chẳng phải như câu: Bạo hổ bằng hà 暴虎馮河 ở trong sách Luận Ngữ.
Thích điều thứ ba:
Bất hà duy:
Tùng lai, những người có độ lượng khoan hồng, thường hay tính việc lớn mà quên việc nhỏ, có khí phách cương quả, thường nóng nảy mà chẳng kịp tinh tường. Muốn tránh khỏi những tệ bệnh ấy tất phải mưu lự cho cẩn mật, kế hoạch cho tinh tường. Dầu những việc xa khơi nhỏ mọn mà cũng chẳng bao giờ để sót thiếu, ấy là: Bất hà duy.
Đức Khổng có câu: Nhàn vô viễn lự tất hữu cận ưu, nghĩa là người không tính nghĩ điều xa, tất có điều nguy hiểm gần.
Ông Tôn Chân Nhân có câu: Đởm dục đại, nhi tâm dục tiểu, nghĩa là gan làm.việc muốn cho lớn, mà lòng nghĩ việc muốn cho nhặt.
Trên đây nói dụng bằng hà là đởm đại; bất hà duy là tâm tiểu viễn lự.
Thích điều thứ tư:
Bằng vong:
Công việc xử Thái như ba câu trên, nhưng còn lo sợ vì họa bằng đảng, bởi vì ở thì Thái, đảng quân tử tuy vẫn nhiều, nhưng đạo trì Thái, tất phải đại công vô tư. Hễ người nào có điều tốt thời ta dùng, người nào có điều xấu thời ta bỏ, cứ một lối công bình chính trực, mà ứng phó với người đời, quên hẳn cả phe phái với mình, mà chẳng tí gì thiên tư thiên vị, ấy là bằng vong.
Đức Khổng có câu: Quân tử chu nhi bất tỉ 君子周而不比, nghĩa là: đạo quân tử rộng lớn công bình mà chẳng thiên tư.
Lại có câu: Quần nhi bất đảng 群而不黨, nghĩa là kết chúng làm bầy mà chẳng phe riêng với ai; bất tị bất đảng chính là nghĩa chữ bằng vương.
Nay lại thích câu kết thúc:
Đắc thượng vu trung hàng:
Gánh trách nhiệm trì Thái mà đã đủ được bốn điều như trên, văn đã hoàn toàn thiện mỹ, nhưng thánh nhân còn lấy làm lo là vì sự lí trong thiên hạ, quý nhất là đúng chữ trung.
Nếu bao hoang mà thái quá, thường đến nỗi phù phiếm hỗn tạp. Dụng bằng hà mà thái quá, thường đến nỗi táo cấp vọng động. Bất hà duy mà thái quá, thường đến nỗi tẳn mẳn rù rờ. Bằng vương mà thái quá, thường đến nỗi thất quần cô lập.
Thánh nhân mới đinh ninh dặn rằng: Bao hoang mà chẳng phải không kén chọn; dụng hằng hà mà chẳng phải không kĩ lưỡng; bất hà duy mà vẫn chẳng làm những việc vu khoát; bằng vương mà vẫn cũng thân người hiền, viễn người gian. Như thế mới thích hợp ở đạo trung.
PHỤ CHÚ: Cửu Nhị với Lục Ngũ, trung đức tương tế, tâm chí đã đồng, mà cảnh ngộ lại thuận làm nên việc Thái, chắc chẳng khó gì, nhưng mà Hào từ lại phản phúc đinh ninh đến như thế. Bởi vì họa thường nấp ở khi phúc, loạn thường sinh ở khi trị, nên lúc bước lên vũ dài kinh dinh việc xử Thái, tất phải người đủ đức, đủ tài như thế mới xong. Nếu chẳng thế, thời giữa phúc mà họa xảy ra, giữa trị mà loạn sinh ra, cũng là lẽ thường.
Tượng viết: Bao hoang, đắc thượng vu trung hàng, dĩ quang đại dã. 象曰: 苞荒, 得尚于中行, 以光大也.
Tượng Truyện trích cử một câu đầu, một câu cuối của Hào từ, mà thích góp cả toàn văn nói rằng: Cửu Nhị sở dĩ được thế là vì có đạo quang minh viễn đại, mới làm nên được sự nghiệp Thái vậy. Nêu những hạng người ám muội hiệp tiểu, thời chẳng làm gì nên Thái.
Cửu Tam: Vô bình bất bí, vô vãng bất phục, gian trinh vô cựu, vật tuất, kì phu, vu thực hữu phúc.九三: 無平不陂, 無往不得, 艱貞無咎, 勿恤, 其孚, 于食有福.
Hào từ hào này cũng một lẽ biến hóa ở trong Kinh Dịch. Hào Cửu, vị Tam chính là trùng cương bất trung. Theo như quẻ khác thường chẳng được tốt; duy Cửu Tam ở đoạn giữa thì Thái, lại ở trên hai hào dương, chính là một bậc đàn anh ở trong quân tử, vẫn chẳng phải lo có tội lỗi, nhưng theo về cảnh ngộ Cửu Tam, thời vừa cuối cùng Nội Quái, mà bước lên Ngoại Quái, Thái vận đã gần quá nửa rồi, thịnh sắp cực mà e có khi suy, tấn đã cao mà e có lúc vấp.
Vậy nên thánh nhân có lời răn rằng: Đường đời dặc dặc không lẽ bằng mãi mà chẳng nghiêng, vận nước dào dào không lẽ lên hoài mà chẳng sụt, gẫm suốt cả thiên thì, nhân sự, chắc gì thái thịnh hoài mà chẳng suy vong. Vậy nên xử vào địa vị Cửu Tam, thường phải đổ lòng vào cảnh gian nan, đặt thân vào vị trinh chính, thời không tội lỗi. Những lời trên đây là thánh nhân răn cho Cửu Tam. Tuy nhiên, địa vị Cửu Tam chính vừa khi Thái đương thịnh, miễn biết hết sức gian trinh, thời làm gì đến nỗi có ưu hoạn.
Tuất, cũng như chữ ưu hoạn. Vật tuất nghĩa là không việc gì phải ưu hoạn, chẳng những vật tuất, mà chắc chắn lại được hưởng hạnh phúc nữa kia.
PHỤ CHÚ: Âm, dương, tiêu, trưởng tranh nhau, Bĩ, Thái tuần hoàn nối nhau. Vậy nên bình tất có bí, vãng tất có phục, đó là thiên vận tự nhiên.
Chúng ta đem thân gánh việc đời, tất phải lấy nhân sự đương nhiên mà chống với thiên vận tự nhiên. Vậy có câu: Tinh thần di tạo hóa. Lại có câu: Anh hùng tạo thời thế. Chính là lo làm sao cho bình bất bí, vãng bất phục, nhưng muốn khiến cho bất bí, tất phải tính trước ở khi còn bình; muốn khiến cho bất phục, tất phải ngăn trước ở khi còn vãng. Vậy nên đến Cửu Tam mới được nửa Thái, mà thánh nhân đã vội răn hai chữ gian trinh, chính là muốn lấy sức người giằng giữ thiên vận vậy. Sách xưa có câu: Nhân định giả, năng thắng thiên 人定者能勝天. Định nghĩa là chuyên nhất vững vàng.
Tượng viết: Vô vãng bất phục, thiên địa tế dã. 象曰: 無往不復, 天地際也.
Hào từ Cửu Tam sở dĩ nói rằng: Vô vãng bất phục là đương lúc nửa Thái, hết Nội Càn sang Ngoại Khôn, vừa đúng trung gian trời đất giao nhau vậy.
Nguyên lai dương giáng, âm thăng mới thành ra Thái, nhưng theo lẽ tuần hoàn của tạo hóa, có thế mãi đâu, dương giáng xuống dưới, chẳng bao lâu tất phục lại ở trên; âm thăng lên trên, chẳng bao lâu tất phục lại xuống dưới; chắc có một ngày dương thăng, âm giáng, Càn thượng, Khôn hạ, tức là Bĩ tới ngay. Chữ thiên địa này nói về khí âm dương, chẳng phải nói về hình trời đất.
Lục Tứ: Phiên phiên, bất phú dĩ kì lân, bất giới dĩ phu.六四: 翻翻, 不富以其鄰, 不戒以孚.
Hào này ở dưới hết Thượng Quái là đã quá nửa thì Thái. Thể hào đã âm nhu, lại ở vị âm là có tính chất âm hiểm. Trên Tứ lại có hai âm cũng đồng đảng với Tứ.
Bọn họ vì ở thì Thái nên phải nhượng bộ cho quân tử mà ra ở ngoài, nhưng tiểu nhân có bao giờ chịu an phận đâu. Bây giờ họ nghe Thái đã quả nửa, họ mới thừa cơ rủ rập nhau vào trong mà lấn phường quân tử. Phiên phiên nghĩa là kết bầy bay mau. Kể theo bản thân họ vẫn tài hèn sức yếu, chẳng lấy gì làm phú, nhưng vì họ thân cận đồng loại với nhau, tượng như một đám người thành ra một xóm, mà tất thảy là hạng bất phú.
Tấm lòng liên tà hại chính, anh nào cũng như anh nấy nên họ chẳng chờ ước hẹn mà đã tin nhau rồi.
PHỤ CHÚ: Hào từ Cửu Tam là răn cho quân tử; Hào từ Lục Tứ là gớm cho tiểu nhân, chữ phú ở đây như chữ phú ở hào Ngũ quẻ Tiểu Súc, nghĩa là đầy đủ, hào dương rằng phú, hào âm rằng bất phú.
Tượng viết: Phiên phiên bất phú, giai thất thực dã, bất giới dĩ phu, trung tâm nguyện dã. 象曰: 翻翻不富, 皆失實也, 不戒以孚, 中心願也.
Hào từ nói rằng: Phiên phiên bất phú là phe tam âm đó, rặt là mất đức thành thực vậy. Bất giới dĩ phu là vì trong lòng họ đã muốn sẵn vậy,
Thông lệ trong Dịch, dương là phú là thực. Ba hào âm thảy bất phú, lại thất thực. Chữ giai là nói luôn cả ba hào âm.
Lục Ngũ: Đế Ất quy muội, dĩ chỉ, nguyên cát.六五: 帝乙歸妹, 以祉, 元吉.
Hào Lục là âm nhu, xử vị Ngũ là vị chí tôn, vị Ngũ là đắc trung, âm nhu đắc trung, lại ở vào thì Thái, phía dưới có bậc hiền thần cương minh như Cửu Nhị chính ứng với Ngũ. Lục Ngũ lấy đức nhu trung hạ ứng với Cửu Nhị cương trung, hết lòng tín nhiệm Cửu Nhị, quên hết thể vị tôn quý của mình, tượng như bà công chúa, em gái vua Đế Ất, mà hạ giá với bình dân là một cách khuất kỉ hạ hiền, tất được kết quả rất tốt. Đã được hưởng phúc chỉ, mà lại tốt lành lớn hung. Đế Ất là hiệu vua đời nhà Thương; quy: gả; muội: em gái; chỉ: phúc.
PHỤ CHÚ: Hào từ này là mượn một việc em gái nhà vua gả xuống làm vợ bình dân, để hình dung thành tâm Lục Ngũ xuống theo Cửu Nhị. Xin học giả chớ nhận lầm sự thực. Bởi vì cứ theo hào Tượng thời một hào âm thuận tòng với hào dương cũng như người gái thuận tòng với người trai. Duy Lục Ngũ là vị chí tôn nên thủ tượng bằng bà công chúa, không câu nệ bằng sự thực.
Tượng viết: Dĩ chỉ, nguyên cát, trung dĩ hành nguyện dã. 象曰: 以祉, 元吉, 中以行願也.
Hào từ Lục Ngũ sở dĩ được dĩ chỉ nguyên cát là vì nhu trung như Lục Ngũ gặp được cương trung như Cửu Nhị, hai bên thảy hợp theo chí nguyện nhau mà làm, chẳng bên nào xuất ở miễn cưỡng.
PHỤ CHÚ: Đọc Hào từ Lục Ngũ này nên nhắc lại câu dĩ quý hạ tiện ở quẻ Truân. Truân Sơ lấy mình là dương mà hạ khuất với âm; Thái Ngũ lấy mình là âm, mà hạ khuất với dương, hai bên thảy lấy mình tôn quý mà chịu khuất với người ti tiện, vui phần đạo đức mà quên phần thế vị, nên một bên thời tế được Truân, một bên thời thành được Thái, cảnh ngộ tuy bất đồng, mà thủ đoạn thời in nhau, mới biết “nhân lực hồi thiên” chẳng phải lời nói không.
Thượng Lục: Thành phục vu hoàng vật dụng sư, tự ấp cáo mệnh, trinh, lẫn.上六: 城復于隍, 勿用師, 自邑告命, 貞吝.
Hào từ này cũng tượng như hào Thượng quẻ Lí, quẻ Tiểu Súc. Chẳng lấy nghĩa bằng hào, mà lấy nghĩa bằng toàn Quái. Quẻ Thái đến hào Thượng là Thái chi chung; Thái đã đến cùng, tất nhiên Bĩ tới, huống gì Thượng Lục lại là âm nhu làm đầu bầy trong bọn tiểu nhân, chính là một tay đánh đổ Thái. Thánh nhân xem đến đó mà đau đớn cho vận đời nên có câu; Thành phục vu hoàng.
Vận đời thịnh cực mà suy, tượng như thành cao khi đã đổ trúc, lại thành ra đất khối. Hoàng: đất khối để đắp nên thành; chữ thành tỉ như Thái, chữ hoàng tỉ như Bĩ.
Cuộc đời đã đến lúc Thái quay lại Bĩ; tất nhiên chúng phản, thân li, thượng hạ hoán tán, còn gì mà dùng được việc quân nữa (Sư: quần chúng).
Lúc bấy giờ, nếu có xuất phát được mệnh lệnh, cũng chi ở nơi chòm xóm mình thôi là may. Tổng chi, vận trời đã hết sức, người khó giằng, dầu mình hành động vẫn chính, mà kết quả chỉ là thất bại, tới bây giờ mới toan vãn hồi cũng chẳng khỏi tủi hổ.
Tượng viết: Thành phục vu hoàng, kì mệnh loạn dã. 象曰: 城復于隍, 其命亂也.
Chữ mệnh ở đây theo chữ mệnh ở trên Hào từ mà nói xuống.
Thành phục vu hoàng là nói Thái cực mà Bĩ tới nơi, dầu có cáo mệnh cũng chỉ loạn mà thôi. Thánh nhân nói câu ấy là trông mong cho người dự phòng ở trước lúc chưa loạn. Nếu đã loạn tới, chẳng tài gì văn hồi được nữa.
PHỤ CHÚ: Chúng ta đọc Dịch từ lúc có Càn, Khôn, trải qua trung gian, nào Truân mà kinh luân; nào Mông mà giáo dục, nào Nhu mà sinh tụ, nào Tụng, nào Sư mà sắp đặt việc hình việc binh, nào Súc, nào Lí mà chỉnh đốn việc kinh tế, việc lễ chế, hao tổn biết bao nhiêu tâm huyết, chứa trữ biết bao nhiêu thì giờ. Kể về phần Khảm hiểm, trải qua đến sáu lần:
Truân, 2. Mông,
Khảm thượng Khảm hạ 3. Nhu, Khảm 4. Tụng, thượng Khảm hạ
Sư,Khảm 6. Tỉ, Khảm hạ thượng
Thoát khỏi sáu lần nguy hiểm, sau trong có chốn nuôi, trữ là Tiểu Súc, ngoài có chốn bằng tạ là Lí. Bấy giờ mới làm nên Thái.
Thái vừa đến cuối cùng tức khắc ra Bĩ. Ghê gớm thiệt! Làm nên tốn vô số công phu, mà làm hư chỉ trong chốc lát, vun đắp biết bao nền tảng, mà đánh đổ chỉ trong nháy mắt.
Chúng ta đọc Dịch, thử xem từ Càn, Khôn trải qua tám quẻ mới đến Thái. Vừa Thái xong, tức khắc tới Bĩ.
Than ôi! Thành sao khó thế, bại sao dễ rư? Phúc sao chậm thế, họa sao chóng rư?
Những người có trách nhiệm với quốc gia xã hội, há chẳng nên lưu tâm vào chốn ấy hay sao?
Xin ai đọc Dịch, nghiên tinh đàn tứ 研精殫思 những chốn vi diệu của vũ trụ luân chuyển mà tự giác.
(Theo Quốc Văn Chu Dịch Diễn Giải-Phan Bội Châu)
Chia sẻ bài viết:
LÊ CÔNG
0919.168.366
PHÚC THÀNH
0369.168.366
Một số cách an sao vòng Trường Sinh trong tử vi
TÍNH CÁCH, MẪU NGƯỜI, TRONG LÁ SỐ TỬ VI
7 nguyên tắc cơ bản sau cần phải xem kỹ trước khi bình giải một lá số Tử Vi
THẾ NÀO LÀ TUẾ PHÁ & NGŨ HOÀNG ĐẠI SÁT
BÍ QUYẾT SONG SƠN NGŨ HÀNH VÀ THẬP NHỊ THẦN ĐẠI PHÁP (TIÊU SA NẠP THỦY THEO THỦY PHÁP TRƯỜNG SINH)
Ý nghĩa của việc thờ bàn thờ Ông Địa
“BẢN GỐC” CỦA THƯỚC LỖ-BAN DÀNH CHO CÁC BẠN THẬT SỰ HAM MÊ PHONG THỦY !!!
LÊ LƯƠNG CÔNG
Trụ sở: Số 12, Trực Cát , Vĩnh Niệm, Lê Chân, Hải Phòng
Tel: 0919.168.366 - Hotline: 0919.168.366 - Email: nhadatcongminh@gmail.com
Copyright © 2019 https://leluongcong.com/