||:||| Thiên Trạch Lý (履lǚ)
Quẻ Thiên Trạch Lý, đồ hình ||:||| còn gọi là quẻ Lý (履lu3), là quẻ thứ 10 trong Kinh Dịch.
* Nội quái là ☱(||: 兌dui4) Đoài hay Đầm (澤).
* Ngoại quái là ☰(||| 乾qian2) Càn hay Trời (天)
Kiền trên; Đoái dưới
Quẻ này là quẻ Thiên Trạch Lí. Đoài dưới cũng là Nội Đoài, Càn trên cũng là Ngoại Càn, Càn là Thiên, Đoài là Trạch, nên tên quẻ đọc bằng Thiên Trạch Lí.
TỰ QUÁI
Tự quái: Vật súc, nhiên hậu hữu lễ, cố thụ chi dĩ Lí. 序卦: 物畜, 然後有禮, 故受之以履.
Ý sắp đặt thứ tự quẻ. Sau quẻ Tiểu Súc, tiếp lấy quẻ Lí là vì cớ sao? Bởi vì Súc nghĩa là chứa nhóm. Hễ giống vật đã chứa nhóm, tất nhiên có lớn nhỏ, cao thấp, tốt xấu, hỗn tạp với nhau, tất phải có trật tự mới chỉnh đốn được.
Trật tự tất là lễ, đã súc rồi, tất phải có lễ. Vậy nên, sau quẻ Tiểu Súc tiếp lấy quẻ Lí.
Nguyên chữ Lí có hai nghĩa: Một nghĩa, lí là giày, tượng như lấy chân giày đạp, nghĩa thuộc về động từ; lại một nghĩa, lí là cái giày là một giống lót đỡ dưới chân, nghĩa thuộc về danh từ. Tên quẻ này kiêm cả hai nghĩa, thích góp bằng nghĩa lí là lễ.
Nói cho hết ý thời đạo người ta tu thân tiếp vật, nhỏ từ gia đình, lớn đến xã hội, chốn nào tất phải đứng chân trên chữ Lễ. Lễ tức là lẽ đương nhiên, mà đỡ lót cho ta đứng vững chân. Vậy nên đặt tên quẻ bằng Lí.
SOÁN TỪ
Lí hổ vĩ, bất khiết nhân, hanh. 履虎尾, 不咥人, 亨.
Quẻ này Thượng Càn là trời ở trên, Hạ Đoài là chằm nước ở dưới. Càn Thượng là dương cương ở phía trên, Đoài Hạ là âm nhu ở phía dưới. Theo tượng quẻ này, trời trên, chằm dưới là phân vị thượng hạ rất phân minh. Cương ở trên, nhu ở dưới là lẽ âm dương rất tự nhiên, chính đúng với lẽ thường vũ trụ. Lẽ thường đó tức là Lễ, nên đặt tên quẻ bằng Lí.
Soán từ xem tượng quẻ mà phát minh ra nghĩa quẻ, nói rằng: Nội Đoài có tính hòa duyệt, Ngoại Càn có tính cương cường. Lấy tính hòa duyệt mà đứng sau cương cường, dầu người kia cương cường đến thế nào, đụng phải người hòa duyệt cũng bị cảm hóa mà khuất hạ ngay, dầu dữ mấy cũng đổi mặt dữ ra mặt hiển. Tượng như giẫm phải đuôi cọp mà cọp chẳng cắn người. Vĩ nghĩa là đuôi; hổ vĩ là đuôi cọp; khiết nghĩa là cắn. Lí hổ vĩ, bất khiết nhân nghĩa là giẫm phải đuôi cọp mà cọp chẳng cắn người.
Nói rộng ý ra, thời hễ những việc gì dầu đụng phải họa hoạn mà chẳng thương hại đến mình, ấy là đạo lí được hanh thông.
Sách Trung Dung có câu Tố hoạn nạn hành hồ hoạn nạn 素患難, 行乎患難, nghĩa là đụng phải hoạn nạn, thời có đạo lí xử hoạn nạn, chính như lời Soán quẻ này.
SOÁN TRUYỆN
Soán viết: Lí, nhu lí cương dã; duyệt nhi ứng hồ Càn, thị dĩ lí hổ vĩ, bất khiết nhân, hanh. Cương trung chính, lí đế vị nhi bất cứu, quang minh dã. 彖曰: 履, 柔履剛也; 説而應乎乾, 是以履虎尾, 不咥人, 亨. 剛中正, 履帝位而禾疚, 光明也.
Soán viết: Lí, nhu lí cương dã.
Tên quẻ sở dĩ đặt bằng Lí là vì Càn cương ở trên, Đoài nhu ở dưới. Càn cương ở trước, Đoài nhu ở sau, tượng là nhu thuận mà ghép đỡ dương cương vậy.
Duyệt, nhi ứng hồ Càn, thị dĩ lí hổ vĩ, bất khiết nhân, hanh.
Đây là lấy đức quẻ thích lời Soán.
Nội Đoài có đức hòa duyệt, mà ứng phó với tính cương cường, dầu có hoạn nạn, mà cũng chẳng thương hại gì. Vậy nên Soán từ nói rằng: Lí hổ vĩ, bất khiết nhân, hanh.
Cương trung chính, lí đế vị nhi bất cứu, quang minh dã.
Trên đây đã nói chung toàn Quái, đây là nói riêng một hào Cửu Ngũ. Cửu Ngũ dương cương đắc trung, mà lại đắc chính, có đức ấy mà đứng vào vị chí tôn, thiệt là đức xứng kỳ vị. Còn gì tệ bệnh nữa đâu. Như thế mới là có đức thịnh, mà rõ ràng chói chang vậy (Cứu: tệ bệnh).
ĐẠI TƯỢNG TRUYỆN
Tượng viết: Thượng thiên hạ trạch, Lí. Quân tử dĩ biện thượng hạ, định dân chí. 象曰: 上天下澤, 履. 君子以辯上下, 定民志.
Quẻ này, Thượng Càn là Thiên, Hạ Đoài là Trạch. Thiên ở trên, Trạch ở dưới là phận vị tự nhiên của tạo hóa bày đặt ra, chẳng phải do ý riêng của người làm. Như thế gọi bằng Lí (Lí tức là lễ). Quân tử xem tượng ấy, phải biện biệt phận vị kẻ trên, người dưới, khiến cho ý chí nhân dân xu hướng được nhất định.
PHỤ CHÚ: Tượng Truyện chỉ lấy bằng tượng quẻ. Quẻ này trên Càn, dưới Đoài, trên, dưới có phận vị tiệt nhiên. Quân tử xem đó mà biện thượng hạ, định dân chí.
Chúng ta phải biết, chữ thượng hạ ở đây chẳng phải phân biệt bằng giai cấp, mà chỉ phân biệt bằng tài năng chức nghiệp. Tùng lai, nhân đạo vẫn rất công bình, rất bình đẳng, nhưng trong nghĩa bình đẳng chỉ cốt chẳng phân biệt giai cấp mà thôi. Chứ như tài năng, chức nghiệp, thời không thể chẳng phân biệt mà được. Thử xem như một làng, có thể người nào cũng làm lí trưởng được chăng, hoặc người nào người nào cũng làm seo mõ được chăng? Giá phỏng toàn người trong làng ai cũng làm lí trưởng hoặc ai cũng làm seo mõ thời việc làng làm nổi được không? Vì muốn làm nổi việc làng, tất phải theo ở tài năng chức nghiệp mà sắp đặt, có người làm lí trưởng, có người làm seo mõ. Vậy sau chí hướng nhân dân ở trong làng, ai nấy cũng lượng tài mình, an phận mình, mà chẳng đến nỗi hỗn hào tranh cạnh, kết quả việc làng mới làm xong. Chẳng qua mỗi người có một phần nghĩa vụ, tất nhiên mỗi người được hưởng một phần quyền lợi, thời người cả làng ai nấy cũng như nhau, như thế tức là bình đẳng.
Nói tóm lại, thượng hạ chẳng phải là có giai cấp, mà bình đẳng cũng chẳng phải là không thượng hạ. Chảng qua, thượng hạ chỉ kể bằng tài năng chức nghiệp, bình đẳng chỉ cân nhau bằng quyền lợi nghĩa vụ.
Hai lối ấy như hình tương phản, mà kì thực tương thành. Sách Trung Dung có câu: Đạo tịnh hành nhi bất tương bội 道並行而不相悖, nghĩa là đường vẫn hai lối đều đi mà chẳng chống trái nhau, chính là lẽ ấy. Giả sử có một ngày xã hội tuyệt nhiên vô thượng hạ, tất phải chờ đến toàn loài người ai nấy cũng tài năng in nhau, ai nấy cũng chức nghiệp in nhau, lí tưởng ấy có thực hiện được hay không? Nếu lí tưởng ấy mà chưa thực hiện được, thời câu biện thượng hạ, định dân chí còn đương thiệt dụng ở đời bây giờ.
HÀO TỪ VÀ TIỂU TƯỢNG TRUYỆN
Sơ Cửu: Tố lí, vãng, vô cựu.初九: 素履, 往無咎.
Sơ Cửu có đức dương cương mà ở vị Sơ là dưới hết toàn quẻ, tượng như người bắt đầu mới ra đời, bao nhiêu hoàn cảnh với tập quán chưa hệ lụy được mình, ấy là tố.
Người đương buổi đó, chỉ nên gìn giữ lấy bản chất mình cho trong trắng, chớ để những màu đen nét xấu bề ngoài trây nhuộm, ấy là tố lí. Như thế mà ra với đời là tố lí, vãng, tất không đến nỗi thất thân nhục kỉ, ấy là vô cựu.
PHỤ CHÚ: Chữ tố ở hào này nghĩa như chữ tố ở câu: Tố kì vị nhi hành 素其位而行 ở sách Trung Dung, nghĩa là chỉ theo địa vị bản phận của mình mà làm, chẳng trái với đạo lí, cũng chẳng sai nghĩa vụ của mình tức là tố lí. Nghĩa vụ mình là cốt làm cho xứng đáng một con người, nhưng địa vị mình hãy còn ti hạ thời tùy theo địa vị mình mà làm cho đúng nghĩa vụ mình, tất phải như Sơ Cửu này.
Ngày xưa, thầy Nhan Uyên ở ngõ hẹp mà bất cải kì lạc 不改其樂; ông Khổng Minh cày ở Nam
Dương mà bất cầu văn đạt ư chư hầu 不求聞達於諸侯, chính đúng nghĩa hào này.
Tượng viết: Tố lí chỉ vãng, độc hành nguyên dã. 象曰: 素履之往, 獨行願也.
Sơ Cửu chỉ giữ một cách đạm bạc vô cầu mà bước ra với đời là chỉ mình làm chí nguyện mình, chẳng đua đuổi ở đường danh lị đó vậy.
Nguyện: chí của mình sở nguyện, cũng như nghĩa chữ hi (hi: trông mong). Sĩ hi hiền, hiền hi thánh, thánh hi thiên 士希賢, 賢希聖, 聖希天.
Cửu Nhị: Lí đạo thản thản, u nhân, trinh, cát九二: 履道坦坦, 幽人貞吉.
Hào Cửu vị Nhị: dương cương mà đắc trung, vẫn là hiền nhân, quân tử. Vì ở trên không chính ứng, độc thân vô viện, tượng là quân tử bất ngộ thời. Nếu những phường lưu tục xử vào hoàn cảnh ấy, tất gay go khó chịu, duy Cửu Nhị có đức cương trung nên lạc đạo tự đắc, xem đường lối mình bước đó rất bình thản khoan thai, chỉ lấy lí đạo thản thản mà thôi.
Đạo nghĩa là đường; lí đạo nghĩa là đường mình giẫm bước; thản thản nghĩa là bằng phẳng lắm. Tuy nhiên, hoàn cảnh Cửu Nhị vi bức cận với Lục Tam: Tam bất trung, bất chính là một tay xu quyền trục thế, Nhị gần với nó, e gần mực mà đen chăng? Nên thánh nhân có lời răn rằng: Nhị có tài dương cương, có chí tiến thủ, nhưng chớ khinh suất, mà bị Lục Tam dẫn dụ, phải hết sức êm đềm kín lặng làm một người u nhân trinh, chính. Thế mới được cát (U: kín lặng).
Tượng viết: U nhân trinh cát, trung bất tự loạn dã. 象曰: 幽人貞吉, 中不自亂也.
Cửu Nhị: sở dĩ được u nhân trinh cát là vì Cửu Nhị có đức trung, chẳng bao giờ tự mình rối loạn lòng mình vậy.
PHỤ CHÚ: Hào từ Tượng Truyện xem qua, thời rất tầm thường, nhưng xét kĩ lại, thời thiệt là một bậc đại trượng phu như lời thầy Mạnh dạy: Phú quý bất năng dâm, bần tiện bất năng di, uy võ bất năng khuất 富貴不能淫, 貧賤不能移, 威 武不能屈.
Lục Tam: Diếu năng thị, bí năng lí, lí hố vĩ, khiết nhân, hung. Võ nhân vi vu đại quân. 六三: 眇能視, 陂能履, 履虎尾, 咥人, 凶. 武人為乎大君.
Hào Lục vị Tam bản thể là âm nhu mà lại ở vị dương cương. Bản thân đã bất trung chính, mà lại tiếp liền ba hào dương quẻ Càn là một bầy dương thượng tiến. tam tài hèn yếu mà chí cương cường, chẳng biết đạc đức lượng lực, toan đùa theo với bầy dương; tượng như người mù một mắt mà tự thị mình hay dòm, người thọt một chân mà tự thị mình hay đi.
(Diếu: một mắt mù; bí: què, cũng có nghĩa là thọt chân).
Một hạng người vô tài đức mà táo suất như thế, chắc cũng đâm đầu vào vùng nguy hiểm mà bị chết toi. Tượng như giẫm phải đuôi cọp mà bị cọp cắn chết người, chắc hung đó rồi. Lại nhân vì Lục Tam ở trên hết Nội Quái là một người táo bạo mà ở vị trên người, tất nhiên cũng bị người đánh đổ. Tượng như người võ phu mà làm việc đại quân.
Tượng viết: Diếu năng thị, bất túc dĩ hữu minh dã; bí năng lí, bất túc dĩ dữ hành dã; khiết nhân chi hung, vị bất đáng dã. Võ nhân vi vu đại quân, chí cương dã.
象曰: 眇能視, 不足以有明也; 陂能履, 不足以與行也; 咥人之凶, 位不當也. 武人為于大君, 志剛也.
Hay dòm mà dòm bằng một cách diếu, còn lấy gì làm sáng đâu. Hay đi mà đi bằng một cách bí, còn lấy gì mà khiến nó đi được đâu. Bị họa bằng khiết nhân là vì vị Tam bất trung, bất chính vậy. Âm ở vị dương là bất chính, ở vị trên hết Nội Quái là bất trung, nói góp lại là vì bất đáng. Võ nhân mà làm việc đại quân là vì chí Tam cương bạo, không nhảy thời không ăn, nhưng chỉ kết quả là hung mà thôi.
Cửu Tứ: Lí hố vĩ, sóc sóc, chung cát. 九四: 履虎尾, 愬愬, 終吉.
Hào Cửu vị Tứ cũng bất trung, bất chính như Lục Tam, vả lại đứng sau một vị dương cương cư tôn là Cửu Ngũ, tượng như giẫm phải đuôi cọp. Theo hoàn cảnh Cửu Tứ e chẳng khỏi nguy hiểm, nhưng vì Tứ ở vị nhu, lấy nhu chế cương nên biết sợ hãi giữ gìn, kết quả cũng được toàn thân miễn họa mà cát (Sóc sóc là ý răn sợ).
Tượng viết: Sóc sóc, chung cát, chí hành dã. 象曰: 愬愬, 終吉, 志行也.
Cửu Tứ theo về hoàn cảnh, vẫn khó được cát, nhưng Hào từ lại nói: Sóc sóc, chung cát là vì Tứ có chí nhu thuận mà đi được trôi chảy vậy.
PHỤ CHÚ: Lục Tam với Cửu Tứ thảy bất trung chính nhưng khác nhau ở chỗ: Lục Tam thời thể nhu mà chí cương, Cửu Tứ thời thể cương mà chí nhu. Thể nhu mà chí cương, thời tài chẳng được như sở nguyện nên cấp táo mà mắc lấy hung. Thể cương mà chí nhu nên biết giữ mình tránh họa mà được chung cát. Xem hai hào này cũng rõ được một lẽ biến hóa ở trong Dịch học. Thông thường, hào vị thuộc về bản chất, hào thể thuộc về chí hướng, duy hai hào này thời khác thế, hào thể là bản chất, hào vị là chí hướng.
5.Cửu Ngũ: Quyết lí, trinh lệ. 九五: 夬履, 貞厲.
Cửu Ngũ ở chính giữa Ngoại Càn, vẫn sẵn có tính dương cương, mà lại Cửu cư Ngũ là đắc chính lại đắc trung.
Có đức dương cương, trung chính mà ở vị Ngũ là vị chí tôn. Đức như thế, vị như thế, vả lại những người ở dưới mình là Hạ Đoài, tất thảy hòa duyệt với mình, chắc là đường đi nước bước chẳng gì nghi ngại, chí cương quyết lí hành. Tuy nhiên, xử vị tôn, lâm cảnh thuận, thường hay đến nỗi ỷ tài cương minh mà chuyên quyết độc đoán, e có khi lầm lỗi mà gây ra mối nguy hiểm nên thánh nhân lại răn rằng: Quyết lí chưa chắc là đã tận thiện, tận mỹ. Nếu như thế mà cứ một mực thẳng tay, dầu có đắc chính nữa cũng là nguy đạo.
Tượng viết: Quyết lí trinh lệ, vị chính đáng dã. 象曰: 夬履貞厲, 位正當也.
Cửu Ngũ vẫn đáng được toàn mỹ, cớ sao thánh nhân lại bảo dầu chính cũng nguy? Đó là vì Cửu Ngũ chính đang ở giữa vị chí tôn, sợ có lúc ỷ tài thị thế mà thành ra một người độc tài chuyên chế chăng?
PHỤ CHÚ: Hào Ngũ ở vị chí tôn, chính là vị nguyên thủ ở trong một nước. Xưa nay quốc gia xã hội sở dĩ mắc họa độc phu chuyên chế là vì những hạng người cậy tài thông minh, ỷ thế sùng cao mà độc đoán chuyên quyết, thường đến nỗi phạm vào tội chuyên chế, nên thánh nhân lấy hai chữ trinh, lệ răn cho. Ý nói: Dầu cương minh đến thế nào, tôn quý đến thế nào, mà cứ một mực quyết lí hoài, cũng là nguy hiểm.
Thượng Cửu: Thị lí khảo tường, kì toàn nguyên cát.上九: 視履考祥, 其旋元吉.
Hào này cuối cùng quẻ Lí, tượng là kết thúc lịch sử của một người; bây giờ phải xem xét nhất sinh sở hành, phải hay trái lành hay dữ, để đoán định trẩm triệu tương lai của mình. Khảo: xét; tường: điềm; thảo tường: xét trước họa hay phúc, dữ hay lành.
Nếu xem những điều nhất sinh sở hành mà tất thảy đã hoàn toàn chẳng gì khuyết điểm thời tất được tốt lành lớn. (Kì là đại danh từ, thay cho việc mình làm; toàn nghĩa là trọn vẹn đầu đuôi).
Tượng viết: Nguyên cát tại thượng, đại hữu khánh dã. 象曰: 元吉在上, 大有慶也.
Ở trên hết quẻ Lí, mà được chữ nguyên cát là bởi vì lí chi chung mà đã tận thiện tận mỹ, chắc là có phúc lớn vậy.
Chữ đại là thích nghĩa chữ nguyên; chữ khánh là thích nghĩa chữ cát.
PHỤ CHÚ: Hào từ Thượng Cửu quẻ Lí, cách thủ nghĩa cùng in như Thượng Cửu quẻ Tiểu Súc; thông lệ Hào từ mỗi quẻ thời chỉ thủ nghĩa bản thân hào ấy. Duy hai hào này thời thủ nghĩa bằng toàn quẻ. Thượng Cửu quẻ Súc là ở cuối cùng thì Súc nên thánh nhân lo cho tiểu nhân quá thịnh, mà nói rằng: Quân tử chinh hung, Thượng Cửu quẻ Lí là lí đạo đã đến lúc hoàn thành nên thánh nhân mừng cho đạo quân tử được viên mãn, mà nói rằng: Kì toàn nguyên cát.
Chúng ta mở pho Dịch, bắt đầu thấy quẻ Càn, quẻ Khôn là biết rằng có trời đất. Đến quẻ Truân thời có vạn vật, mà loài người cũng từ đó phát sinh. Vì mong mỏi mà cần phải dạy nên có quẻ Mông. Vì có ăn uống mà cần phải nuôi nên có quẻ Nhu. Vì ăn uống mà sinh ra tranh nhau nên có quẻ Tụng. Vì đấu tranh mà cần có quần chúng nên có quẻ Sư. Vì nhân chúng mà cần phải liên lạc nên có quẻ Tỉ. Vì người đông nhóm mà cần phải có chốn nuôi chứa nên có quẻ Tiểu Súc. Vì đã súc được đông người, tất phải có trật tự nên có quẻ Lí.
Xem suốt hết tất thảy quẻ, thời thấy được giáo dưỡng, kinh tế, chính trị, hình phạt, lễ độ giống gì, giống gì quan hệ với nhân sinh thế đạo, đều đã đầy đủ hoàn toàn.
Bây giờ mới tiến vào cảnh tướng thái bình. Vậy nên sau quẻ Lí tiếp lấy quẻ Thái.
(Theo Quốc Văn Chu Dịch Diễn Giải-Phan Bội Châu)
Chia sẻ bài viết:
LÊ CÔNG
0919.168.366
PHÚC THÀNH
0369.168.366
Một số cách an sao vòng Trường Sinh trong tử vi
TÍNH CÁCH, MẪU NGƯỜI, TRONG LÁ SỐ TỬ VI
7 nguyên tắc cơ bản sau cần phải xem kỹ trước khi bình giải một lá số Tử Vi
THẾ NÀO LÀ TUẾ PHÁ & NGŨ HOÀNG ĐẠI SÁT
BÍ QUYẾT SONG SƠN NGŨ HÀNH VÀ THẬP NHỊ THẦN ĐẠI PHÁP (TIÊU SA NẠP THỦY THEO THỦY PHÁP TRƯỜNG SINH)
Ý nghĩa của việc thờ bàn thờ Ông Địa
“BẢN GỐC” CỦA THƯỚC LỖ-BAN DÀNH CHO CÁC BẠN THẬT SỰ HAM MÊ PHONG THỦY !!!
LÊ LƯƠNG CÔNG
Trụ sở: Số 12, Trực Cát , Vĩnh Niệm, Lê Chân, Hải Phòng
Tel: 0919.168.366 - Hotline: 0919.168.366 - Email: nhadatcongminh@gmail.com
Copyright © 2019 https://leluongcong.com/