3- Chữ Thời. Người xưa từng nói: Cả bộ Kinh Dịch, quy lại chỉ một chữ Thời. Quả thật như vậy, 64 quẻ Dịch là 64 Thời. Quẻ Càn nói về Thời tự cường, như rồng lên cuồn cuộn. Quẻ Khôn nói về thời nhu thuận, bao dung, như đất dày bao bọc. Quẻ Khốn nói về thời cùng khốn, quẻ Khuê nói về thời chia lìa, quẻ Độn nói về thời phải ẩn tránh…
Cấu trúc Hà Lạc sẽ cho ta biết Mệnh ta thuộc về thời nào trong trời đất và trong cuộc sống con người. Thời đây là Thời của bản thể, không phải Thời sự, thời cuộc khách quan. Thời của mỗi người sẽ cho ta biết lúc nào nên cương, lúc nào nên nhu, lúc nào nên tiến, lúc nào nên thoái, lúc nào nên động, lúc nào nên tĩnh, lúc nào nên nhường nhịn, lúc nào nên tấn công, cải cách vào lúc nào thì thành công, có đức thành tín là hay, nhưng cũng phải biết biến thông mới tốt. 64 quẻ Dịch x 6 hào = 384 hào, cũng là 384 Thời, 384 hoàn cảnh. 384 thời và hoàn cảnh ấy lại được đặt trong hàng ngàn mối tương quan âm dương với những cấp độ khác nhau, vị trí hào khác nhau, ở những nơi khác nhau, với những kiểu người khác nhau tạo nên biết bao nhiêu tình huống được dự đoán và xử lý. 4- Chữ Tượng. Tượng là những hình thái cụ thể giúp ta hình dung ra các khái niệm của dịch học, hoặc nói cách khác, những khái niệm dịch học bắt nguồn từ những hình thái cụ thể đó. Có tượng quẻ và tượng hào. Quẻ Càn, tượng là Trời (chữ Hán là Thiên), Khôn là Đất (Địa), Cấn là Núi (Sơn), Chấn là Sấm (Lôi), Tốn là Gió, cũng là Cây (Phong), Ly là Lửa (Hỏa), Đoài là Đầm, Hồ (Trạch). Tượng quẻ còn bao gồm Hành quẻ, Phương quẻ và Thời quẻ. Càn, Đoài thuộc hành Kim; Khôn, Cấn thuộc Thổ; Chấn, Tốn thuộc Mộc; Ly thuộc Hỏa; Khảm thuộc Thủy. Càn thuộc phương Tây Bắc, Đoài Chính Tây, Khôn Tây Nam, Cấn Đông Bắc, Chấn Chính Đông, Tốn Đông Nam, Ly Chính Nam, Khảm chính Bắc. Đoài thuộc mùa thu, Khảm thuộc mùa Đông, Chấn thuộc mùa Xuân, Ly thuộc mùa Hạ, còn Càn, Khôn, Cấn, Tốn ở vào thời chuyển tiếp giữa các mùa. Tượng hào gồm Hào Âm, hào Dương và vị trí hào đó trong quẻ, ví dụ hào Dương trong quẻ Khảm, nằm giữa hai hào âm tượng cho sự hiểm nạn, cũng tượng cho lòng chí thành, tính cách trí tuệ và xu thế vượt hiểm. Các nhà dự đoán học Hà Lạc rất quan tâm tới tượng quẻ và tượng hào, từ đó suy đoán ra những vấn đề thuộc Khí chất, Tính cách, Xu thế phát triển, Phương hướng vận động, nhất là Thiên hướng trong nghiệp nghệ, trong ham muốn và cảm súc của chủ thể. Nhờ có Tượng quẻ mà trong phần 3 cuốn sách này, tôi đã thử phác họa chân dung các nhà văn, soi chiếu dưới ánh sáng của Hà Lạc, cảm thấy bổ ích và lý thú vô cùng khi nhận biết, khám phá một sự nghiệp văn chương. 5- Thể và Dụng. Thể là những yếu tố thuộc về bản thể, bản chất, hoặc nguyên thể. Dụng là những yếu tố thuộc về quá trình vận dụng, ứng dụng. Dịch học là khoa học về vũ trụ, còn là khoa học về con người, về nhân sinh. Vì vậy nên mới có Thể và Dụng. Có một cấu trúc nguyên thể tốt mà không biết tận dụng thời cơ và hoàn cảnh thì nhiều khi tốt cũng bằng không. Ngược lại có một nguyên thể xấu, là kẻ tiểu nhân đấy, nhưng biết dùng mưu mẹo, biết thời vận, vẫn được “số đỏ” như thường. Dịch học nêu chữ Thời để từ đấy mà khuyến khích người quân tử biết Thể còn phải biết Dụng. Biết thời biết thế, còn phải biết làm gì cho hợp thời, kịp thời, đúng thời, làm gì cho chính bền, chính bền cũng phải đúng thời thì mới phát triển được, chính bền lại ở giữa thời cuộc (Trung) mà không biết tận dụng thời cơ thì cũng hỏng đời. Nhân nói quân tử, tiểu nhân, chúng tôi xin chép đoạn bình luận rất hay sau đây của Nguyễn Hiến Lê. Ông viết: Dịch không ghét tiểu nhân, vì có tiểu nhân mới có quân tử, có Âm mới có Dương, có thiện thì có ác, không sao diệt hết được ác, cuộc chiến đấu với ác, với tiểu nhân không bao giờ chấm dứt. Nó khuyên ta thời bình thường phải khoan dung đôn hậu với tiểu nhân (quẻ Lâm), mà vẫn sáng suốt để ý, thấy chúng ló dã tâm thì chế ngự ngay (quẻ Cấu). Nhưng khi tiểu nhân mạnh, đắc thời, thì phải biết tùy hoàn cảnh mà đối phó một cách thận trọng: bước đầu tình thế chưa khó khăn, có cơ cứu vãn được phần nào thì hành động (quẻ Truân), khi đã nguy rồi (quẻ Kiển và quẻ Khốn) thì nên chờ thời mà vẫn giữ đức trung chính; tuy nhiên nếu có người nào quyết tâm hy sinh, chống chọi một cách tuyệt vọng để cứu dân cứu nước (hào 2 quẻ Kiển) thì vẫn quý, phục. Tới lúc tiểu nhân bắt đầu suy thì đoàn kết nhau lại mà tấn công (quẻ Tụy), chế ngự chúng (quẻ Đại Súc) và sau cùng diệt chúng (quẻ Quải). Dịch lại nhắc ta rằng trong đám tiểu nhân vẫn có những người lỡ lầm nhưng biết phục thiện, khéo dẫn dụ thì họ sẽ trở về đường chính (quẻ Phục); mà trong việc chiến đấu với tiểu nhân, có những tiểu nhân bỏ bè của chúng mà về với phe quân tử (hào 3, hào 5 quẻ Bác); còn trong phe quân tử cũng có người thân cận với tiểu nhân rồi sau cải quá (hào 3 quẻ Quải), cương quyết bỏ chúng để theo chính nghĩa. Cuối cùng phe quân tử thắng mà không bao giờ hết người quân tử (hào 6 quẻ Bác). C- Làm lời giải. 1- Lời giải một bài toán Hà Lạc bao gồm những nội dung sau. – Nhận xét tổng quát: Những thông tin quan trọng nhất ảnh hưởng đến tính cách và hành lang số phận xuyên suốt cuộc đời của chủ thể. Những thông tin này tìm thấy ở: *Tám chữ Can Chi và Năm hành tương ứng với Quẻ. *Số âm dương. *Hóa công, Thiên nguyên khí, Địa nguyên khí. *Mệnh hợp cách hoặc Mệnh không hợp cách. *Cấu trúc Hà Lạc của chủ thể. Quẻ Tiên thiên và ý nghĩa. Hào Nguyên đường Tiên thiên và ý nghĩa. Quẻ Hậu thiên và ý nghĩa. Hào nguyên đường hậu thiên và ý nghĩa. *Tượng quẻ. Những tố chất thiên nhiên thẩm thấu vào tính cách, cảm súc, chi phối phương hướng hành động của chủ thể. *Những nét lớn của Tiền vận, đối chiếu giữa Tiền vận và Hậu vận. – Giải về Tiền vận: Những thông tin này tìm thấy ở Cấu trúc quẻ Tiên Thiên – Tiền vận, hào Nguyên đường, quẻ Hỗ, các hào đại vận. Quẻ Tiên Thiên lấy ra từ Tổng số Âm Dương phản ánh số mệnh Trời Đất dành cho chủ thể. Nó không chỉ có giá trị đối với Tiền vận mà còn có ảnh hưởng xuyên suốt cả cuộc đời. Theo Luật Phản Phục nó đã biến thành quẻ Hậu Thiên, nhưng quẻ gốc vẫn còn giá trị tham khảo trong những năm sau, nhất là Nguyên đường Tiên Thiên. Trong Cấu trúc Hà Lạc, quẻ tiên thiên là bản thể, là cấu trúc thuần chất. Vì thế cần quan sát và suy ngẫm cho kỹ quẻ tiên thiên trong khi làm lời giải, sẽ thấy chủ thể là người như thế nào. Ví dụ quẻ Tiên Thiên Tiền vận của bạn là Thủy Phong Tỉnh thì quẻ đó chi phối suốt đời bạn là sự yên tĩnh, như cái giếng, làng xóm có thể dọn đi nhưng giếng thì ở lại (Làng đổi, giếng không đổi), tĩnh thì có phúc lộc (có nước mạch, múc lên ăn), động thì bị hại (như giếng hoang, chim chóc không thèm đến). Khung vuông Toán Hà Lạc giải trong mỗi quẻ gồm những gợi ý chính giúp bạn nhanh chóng tìm lời giải Tiền vận của chủ thể, nhưng xin bạn đừng đóng khung ở đó. Linh cảm và sự hiểu biết sâu xa của bạn về Kinh Dịch và Lý Số Hà Lạc sẽ giúp bạn vượt khung, phản biện để có những tìm tòi mới vô hạn. – Giải về Hậu vận: Những thông tin này tìm thấy ở Cấu trúc quẻ Hậu Thiên – Hậu vận, hào Nguyên đường, quẻ Hỗ, các hào đại vận. Nếu Tiên Thiên là bản thể, thì hậu thiên là những gì đã sàng lọc, tích lũy, biến thông trong một quá trình sự sống. Tiên Thiên thì tĩnh. Hậu Thiên thì động. Cũng vì thế khi xem xét tiên thiên cần đến luận lý cơ bản nhiều hơn; khi xem xét Hậu Thiên cần đến thực tế ứng dụng nhiều hơn, có nghĩa cần xem xét cả Địa điểm, Thời thế, thì mới tìm ra đúng cuộc xoay vần của chủ thể. Đại vận hào nguyên đường là đại vận đầu tiên của Hậu vận có vai trò chi phối suốt những năm còn lại của cuộc đời. Trong quan hệ Thể Dụng, thì Tiên Thiên là Thể, còn Hậu Thiên là Dụng. Ví dụ quẻ Tiên Thiên là Thủy Phong Tỉnh, suốt đời sang đến hậu vận, cũng vẫn là Tĩnh lợi hơn Động. Nhưng nếu nguyên đường là hào 6, thì có thể vận dụng. Bởi hậu vận là Thuần Tốn. Tượng quẻ là hai làn gió. Gió thì di động. Đến đây gặp hoàn cảnh thuận thì có thể động, Động lợi hơn Tĩnh, có thể đi nước ngoài được. Hóa Công, Thiên, Địa nguyên khí nằm trong Cấu trúc Hà Lạc có tác động cả đời người. Nếu thuộc Tiên thiên thì tác động trực tiếp đến những năm tiền vận, nếu thuộc Hậu thiên thì tác động trực tiếp đến những năm Hậu vận. Trong Cấu trúc Hà Lạc có thể không có Hóa Công, Thiên, Địa nguyên khí, nhưng gặp quẻ Năm, Tháng có Hóa Công hoặc nguyên khí thì năm tháng ấy cũng được hưởng ưu tiên về năng lượng và nguyên khí. – Giải các đại vận. Mỗi hào là một đại vận, hào dương đại vận 9 năm, hào âm đại vận 6 năm. Xem nguyên đường tốt hay xấu, có ứng hay không, ở hào nào có thể biết tổng quát vận mệnh, đến chặng đường đời nào thịnh suy ra sao, tình duyên hôn nhân, công danh sự nghiệp. Các đại vận gắn với Mệnh hợp cách và không hợp cách. Trong các lời hào tốt thường có câu dành cho người có số xấu. Đó là vì đối với người mệnh hợp cách trung bình, chưa đủ mười tiêu chuẩn, vẫn phải nghiên cứu phần nói về mệnh không hợp cách. Số xấu là ở đây. Thêm lẽ biến thông trong Dịch học, trong cái tốt vẫn tiềm ẩn cái xấu và ngược lại. Một chặng đường 9 năm, hoặc 6 năm, có năm tốt năm xấu. Số xấu thường diễn ra trong năm xấu. – Giải các tiểu vận Năm. Mỗi năm là một quẻ Dịch, phản ánh cuộc vận hành năm đó đối với chủ thể. Hà Lạc bảo bạn năm nay là năm Thuần Cấn, tượng hai trái núi, có nghĩa năm nay bạn gặp nhiều ngăn trở, phải biết ngừng, dừng như đang đi trên đường núi. Hào chủ mệnh của quẻ Năm lại chi phối vận hành năm đó. Nếu chủ mệnh là hào 5 quẻ Thuần Cấn thì cái ngừng, dừng đó chủ về lời nói, bạn hãy dè dặt về phát ngôn, ăn nói, nhưng chính vì vậy năm đó là năm lập ngôn của bạn. Các thày giáo, nhà nghiên cứu, nhà văn trong năm đó sẽ giảng hay, viết hay, có những phát hiện mới và nổi tiếng về tài ăn nói. Tài này không đi đôi với hùng biện mà ở chỗ “biết dè dặt lời nói”, trên cơ sở đó mà “lập ngôn”. Những dự đoán cụ thể về Vận năm lấy ở hào chủ mệnh này. – Giải các tiểu vận Tháng. Một năm có 14 quẻ dùng cho giải các vận tháng. Hai quẻ Tiên thiên và Hậu thiên dùng để giải khái quát diễn biến 6 tháng đầu năm và cuối năm. Riêng quẻ Tiên thiên đồng thời là quẻ Năm còn dùng để khái quát vận hạn của cả năm. Mỗi tháng cũng là một quẻ Dịch. Tên quẻ, nghĩa quẻ, tượng quẻ cho ta biết xu thế của tháng đó: thịnh, suy, xấu, tốt… Cũng cho ta biết nội dung vận hành của chủ thể trong tháng. Ví dụ gặp quẻ Khuê, ta biết tháng này có sự chia lìa hay hòa hợp do xuất hiện sự khác biệt (Khuê là Khác, là chia lìa). Gặp quẻ Cách ta biết tháng này có sự cải tiến, cải cách, đổi mới. Gặp quẻ Mông ta biết tháng này có sương mù che tầm mắt, hướng đi dễ thay đổi, hoặc có quan hệ với trẻ em (Mông là Muội, là Non yếu, như trẻ con, như dòng suối mới sinh dưới núi). Xem Lời quẻ, Lời hào thì phải biết vận dụng, vì Lời quẻ, Lời hào khái quát những vấn đề lớn xuyên suốt cuộc đời, hoặc đại vận. Còn tháng thì bao giờ cũng “cụ thể hóa” hơn. Lời hào có chữ “thọ”, dùng vào dự đoán cho tháng có thể là “có sức khỏe, có bệnh thì khỏi”. Lấy hào chủ mệnh quẻ Tháng để dự đoán cho Tháng là chính. – Giải đến Ngày nếu cần. Tuần Hà Lạc có 6 ngày, mỗi ngày là một hào, bắt đầu từ hào chủ (xem công thức tính vận ngày). Mỗi hào có ghi sẵn một dòng chữ in nghiêng sau hàng chữ Toán Hà Lạc giải. Đó là lời giải tinh túy nhất có thể dùng cho ngày Hà Lạc đó. Nó cho ta biết xu thế xấu, tốt (trong mệnh của ta) ngày đó, thậm chí cả nội dung xấu tốt. Nhờ biết trước ta có thể quyết định hành động của ta trong ngày. Tất nhiên Hà Lạc bảo hôm nay “cẩn thận đường lui tới” nhằm đúng ngày ta đi máy bay, ta vẫn phải đi thôi, nhưng cẩn thận vẫn hơn. Nói chung, Hà Lạc Năm chi phối Tháng, Tháng chi phối Tuần (căn cứ hào chủ trong tuần), Tuần chi phối Ngày. Dự đoán Ngày chỉ dùng cho mỗi người tự xem, tự biết về mình, không thể làm bài giải cho người khác. Một ngày có 12 giờ Can Chi (mỗi giờ can chi gồm 2 giờ đồng hồ). Các chuyên gia Hà Lạc tính toán mỗi hào cũng chỉ bao quát được khoảng 11, 25 giờ (can chi) trong một ngày. Vậy còn khoảng 1 giờ 30 phút đồng hồ nằm ngoài dự đoán. Tôi trong vài năm gần đây có nền nếp ghi nhật ký trắc nghiệm Hà Lạc ngày, có khoảng 80% số ngày ứng nghiệm, kể cũng đã là kỳ diệu. Nay với cách tính vận Tháng và Ngày được thử thách hơn, tôi hy vọng những sai số còn nhỏ hơn nữa. Về nguyên tắc, khi đã hình thành Cấu trúc Hà Lạc của chủ thể là có thể giải đoán bất kỳ thời điểm nào trong hành lang vận mệnh, quá khứ cũng như tương lai. Cho nên không nhất thiết phải làm lời giải đến tất cả các đại vận, tiểu vận Năm và Tháng, trong một lúc, mà có thể làm theo yêu cầu của chủ thể đối với bất kỳ thời gian nào. – Vai trò quẻ Hỗ. Ở đây chỉ nói quẻ Hỗ Tiên thiên và Hỗ Hậu thiên, còn Hỗ Nhân Quả xem ở đoạn sau. Về mặt cấu trúc, quẻ Hỗ nằm sẵn trong lòng quẻ Tiên Thiên và Hậu Thiên, nó sinh ra từ các hào 2, 3, 4, 5. Các hào 3, 4, 5 thành các hào (4, 5, 6) của quẻ Thượng; các hào 2, 3, 4 thành các hào (1, 2, 3) của quẻ Hạ. Do chỗ nó lặp lại các hào 3 và 4 hai lần và trùng với các hào ở các vị trí trung tâm (2 và 5) và chuyển tiếp (3 và 4) trong quẻ chính nên nó phản ánh mặt động của quẻ chính, nói cách khác nó nhấn mạnh và tô đậm thêm cái phần hồn của quẻ chính. Cái phần hồn đó có thể là một mặt thuận hoặc nghịch nào đó của quẻ chính. Do đó, quẻ Hỗ nằm trong Cấu trúc Hà Lạc của chủ thể. Nó cũng có giá trị nhất định phản ánh và tác động vào quỹ đạo cuộc đời của chủ thể. Vì vậy vai trò của quẻ Hỗ như sau: a- Trường hợp Hóa Công, Thiên, Địa nguyên khí rơi vào hai quẻ Hỗ thì vẫn được tính như là Cấu trúc Hà Lạc có Hóa công và các nguyên khí đó. b- Khi dự đoán các hào của quẻ chính thì phải tham khảo các hào có liên quan ở quẻ Hỗ. Cụ thể là: Dự đoán hào 2 quẻ chính phải tham khảo hào 1 quẻ Hỗ Dự đoán hào 3 quẻ chính phải tham khảo hào 2 và 4 quẻ Hỗ Dự đoán hào 4 quẻ chính phải tham khảo hào 3 và 5 quẻ Hỗ Dự đoán hào 5quẻ chính phải tham khảo hào 6 quẻ Hỗ. Bảng tham khảo các hào quẻ Hỗ Quẻ Chính Quẻ Hỗ (Quẻ Ngoại, thượng) Quẻ Hỗ (Quẻ Nội, Hạ) Hào 6 Hào 5 Hào 6 Hào 4 Hào 5 Hào 3 Hào 3 Hào 4 Hào 2 Hào 2 Hào 1 Hào 1 Bảng 19 Về quẻ Diễn biến Nhân Quả. Trước hết nói về quẻ Hỗ nhân quả: Quẻ hỗ Nhân Quả có vai trò làm cầu nối để xem xét diễn biến Nhân Quả theo giáo lý đạo Phật. Tuy nhiên khái niệm nhân quả ở đây chỉ bao hàm những diễn biến trên trần gian và gắn với một đời người. Nó có phản ánh theo chiều sâu nhân quả sang thế giới bên kia có tính truyền kiếp hay không, xin bàn ở một dịp khác khi có điều kiện. Quẻ Hỗ Nhân Quả không nằm trong cấu trúc Hà Lạc. Nó không dùng cho trực tiếp dự đoán. Ví dụ khi xem xét ngày giờ sinh có Hóa Công, Thiên, Địa nguyên khí hay không, chỉ xem xét ở 4 quẻ Tiên Thiên, Hậu thiên, Hỗ Tiên Thiên và Hỗ Hậu Thiên. Như trên đã nói, chức năng của Hỗ Nhân Quả là cầu nối từ Nhân đến Quả. Nếu những dự đoán về diễn biến số phận trên kia là Nhân thì nhờ quẻ Hỗ này ta tìm đến một quẻ phản ánh cái Quả tiếp theo, từ cái Nhân đó sinh ra. Nó hình thành nhờ một phép nhân giữa quẻ Tiên Thiên và quẻ Hậu thiên. Nhờ nó, cũng bằng một phép nhân, ta sẽ tìm ra một quẻ tạm gọi là Diễn biến Nhân Quả tiếp theo các quẻ Vận Năm, Vận Tháng, kể cả Vận Tuần (Ngày) nếu cần. (Công thức xin xem ở Điểm 9, Mục B, Chương III). Hào chủ mệnh quẻ chính ở đâu thì Diễn biến Nhân Quả nằm ở hào tương đương với hào chủ mệnh đó. Bạn chỉ cần xem dòng chữ in nghiêng sau hàng chữ Toán Hà Lạc giải (có tính cô đọng) là thấy cái quả hiện ra. Ví dụ Vận Năm của chính người đang viết những dòng này. Năm nay anh ta được quẻ Thuần Cấn chủ mệnh hào 5. Diễn biến chính trong mệnh anh ta là như người đi giữa hai trái Núi, đầy đèo dốc ngăn trở, cái ngăn trở chính thuộc về lời nói, năm nay anh ta biết dè dặt lời nói vì thế mà có mệnh lập ngôn. Cái mệnh lập ngôn đó thể hiện trong việc hoàn thành cuốn sách này. Hỗ Nhân Quả của anh ta là Sơn Hỏa Bí. Quẻ Thuần Cấn nhân với quẻ Sơn Hỏa Bí thành quẻ Thiên Phong Cấu (001001 x 101001 = 011111). Diễn biến Nhân Quả của anh ta ở hào 5 quẻ Cấu: Lấy Dương khắc chế Âm, chính là đạo Trời. Cuốn sách này phải chăng sẽ có thành quả của Dương khắc chế Âm, hợp với đạo trời? Dù sao Hà Lạc đã báo cho biết trước như thế. Tìm Diễn biến Nhân Quả cho quẻ Tháng cũng vậy. Quẻ Tháng nhân với Hỗ Nhân Quả thành Diễn biến Nhân Quả, lời giải ở hào tương đương với hào chủ mệnh của quẻ Tháng. Nếu tháng này của anh ta là Lôi Hỏa Phong hào 4 (Thịnh lớn, tuy gặp cấp trên không xứng đáng, nhưng cùng bạn tiến lên thì tốt), thì Diễn biến Nhân Quả là ở (101100 x 101001 = 111010) hào 4 quẻ Thủy Thiên Nhu (Gần nơi hiểm trở rồi. Nên biết tránh sự tai hại). Trong thực tế đó là công việc biên soạn sách tiến hành thuận lợi được bạn bè cổ vũ, nhưng đã đến đoạn khó, nên biết tránh sự tai hại. Còn lời giải của Diễn biến Nhân Quả cho một tuần thì cũng vậy, nằm ở hào tương đương với hào chủ mệnh của quẻ Tuần, có nghĩa là ở một ngày nào đó ứng với hào chủ mệnh đó, ngày đó đồng thời là ngày mở đầu trong tuần Hà Lạc đó. Trên đây là những tiêu chí về nội dung. Bài giải có thể dài, ngắn, đơn giản hay kỹ càng tùy theo năng lực của người giải đoán, nhưng cái mà chủ thể cần là những gì dự đoán trong tương lai sẽ diễn biến trên hành lang số phận của họ, và lời khuyên cần thiết về xử lý, cứu giải. Những giải đoán về quá khứ cũng cần nhưng chỉ để đối chiếu với thực tế xem Cấu trúc Hà Lạc có đúng không, nếu không đúng thì nguyên nhân vì đâu, có phải do bản khai ngày giờ sinh không chính xác, hay vì những lý do nào khác? Và để gây một niềm tin đối với chủ thể mà thôi. 2- Tính khoa học và tính nghệ thuật của Lời giải đoán Hà Lạc. a- Trước hết là vấn đề Số và Lý. Theo Học Năng, có ba môn mệnh học chính là Tử vi Đẩu Số, Hà Lạc Lý Số và Mệnh Lý. Tử vi dùng hệ thống Sao và Thần phản ánh số phận con người, thiên về sự an bài của số phận. Số phận đã an bài đến từng giờ khắc, con người chỉ còn cách đi trong cái mệnh đã được định sẵn theo quy luật của trời đất. Mệnh Lý (tức Tứ trụ Dự đoán học còn gọi là Thuật Tử Bình) cao siêu hơn cả, nó phân tích giữa những nguyên liệu vật lý (năm hành và thời tiết) mà con người thừa hưởng lúc sinh ra, xem thứ nào thừa, thứ nào thiếu, thích ứng, không thích ứng, thành, hủy ra sao, để rồi có cách phát huy, khắc chế thích hợp tạo nên sự cân bằng trong cấu trúc Thân, Mệnh, nhằm phát huy hết tiềm lực bẩm sinh, tạo cho mình một cấu trúc hoàn hảo hơn thiên nhiên đã ban cho. Mệnh lý là môn học cấp tiến nhất phù hợp với tính sáng tạo và tính tích cực của con người. Ở giữa hai môn Đẩu số và Mệnh lý là môn Lý Số Hà Lạc. Môn này lấy phần Số làm phần cứng trong Mệnh người, bởi vì nó hình thành từ ngày giờ sinh, tám chữ Can Chi, là bộ phận không thay đổi được. Nhưng Hà Lạc cũng mở cho Con người một cánh cửa của lý trí, đặt con người trước sự lựa chọn, biết cách len lỏi đi lên trong hành lang số phận, tìm cho mình đường đi nước bước sao cho hợp lý nhất, tiến thoái, động tĩnh cho đúng với chữ Thời mà triết lý Hà Lạc đã vạch ra. Chính trên cơ sở ấy mà con người thích ứng được với Trời Đất và Cuộc sống, khai thác cho mình cái ưu thế tiềm ẩn sẵn có mà không tìm đến với Hà Lạc thì không bao giờ biết. (còn tiếp) Lê Công |
Chia sẻ bài viết:
LÊ CÔNG
0919.168.366
PHÚC THÀNH
0369.168.366
Một số cách an sao vòng Trường Sinh trong tử vi
TÍNH CÁCH, MẪU NGƯỜI, TRONG LÁ SỐ TỬ VI
7 nguyên tắc cơ bản sau cần phải xem kỹ trước khi bình giải một lá số Tử Vi
THẾ NÀO LÀ TUẾ PHÁ & NGŨ HOÀNG ĐẠI SÁT
BÍ QUYẾT SONG SƠN NGŨ HÀNH VÀ THẬP NHỊ THẦN ĐẠI PHÁP (TIÊU SA NẠP THỦY THEO THỦY PHÁP TRƯỜNG SINH)
Ý nghĩa của việc thờ bàn thờ Ông Địa
“BẢN GỐC” CỦA THƯỚC LỖ-BAN DÀNH CHO CÁC BẠN THẬT SỰ HAM MÊ PHONG THỦY !!!
LÊ LƯƠNG CÔNG
Trụ sở: Số 12, Trực Cát , Vĩnh Niệm, Lê Chân, Hải Phòng
Tel: 0919.168.366 - Hotline: 0919.168.366 - Email: nhadatcongminh@gmail.com
Copyright © 2019 https://leluongcong.com/