Đạo Học
23/08/2021 - 9:37 AMLÊ CÔNG 631 Lượt xem

I. TIỂU SỬ TRANG TỬ THEO TƯ MÃ THIÊN

Tư Mã Thiên viết về Trang Tử như sau:

«Trang Tử là người xứ Mông tên Chu. Chu vốn làm chức lại, coi vườn sơn ở Mông, đồng thời với Huệ Vương nước Lương, Tuyên vương nước Tề. Trang Tử đa văn quảng kiến, học thức uyên thâm, nhưng căn cốt vẫn là lời Lão. Cho nên sách ông viết hơn mười vạn chữ, đại để đều là ngụ ngôn.

«Làm những bài Ngư phủ, Đạo Chích, Khư Khíp để chế diễu những người theo Khổng tử, và làm sáng tỏ học thuật Lão Tử. Những tên Úy Lũy, Hư Cang Tang Tử đều là chuyện bịa không có thực. Nhưng khéo viết văn, xếp lời, chỉ việc, tả tình, để bài bác bọn nhà Nho, nhà Mặc. Dù những người học rộng thời ấy, cũng không sao cãi, để gỡ lấy mình được. Lời Trang Tử mênh mông, phóng túng, cốt cho sướng ý mình cho nên các bậc vương công đại nhân không thể dùng được.

«Uy vương nước Sở (339–328) nghe biết Trang Tử là người hiền, sai sứ mang nhiều lễ vật sang mời, hứa cho làm tướng quốc. Trang Chu cười nói với sứ giả nước Sở: «Nghìn vàng là lợi lớn, khanh tướng là ngôi tôn. Ông chẳng thấy con trâu đem tế Trời (trong lễ Giao) đó sao. Nuôi nấng trong vài năm, cho mặc đồ gấm vóc để cho vào Thái Miếu. Lúc ấy dù muốn làm con lợn con côi cút cũng không được nữa. Ông đi ngay đi. Đừng làm bẩn tôi. Tôi thà chơi đùa trong rạch bùn cho thích, chứ không để cho kẻ có nước buộc ràng. Chung thân tôi không làm quan, để sống cuộc đời thoải mái như ý thích.» (Sử ký Tư Mã Thiên, Lão, Trang, Thân, Hàn liệt truyện)

 

II. NAM HOA KINH

Trang Tử viết một bộ sách sau này gọi là NAM HOA KINH 南 華 經, hay NAM HOA CHÂN KINH 南 華 真 經.

Theo Hán Thư Nghệ Văn Chí 漢 書 藝 文 志 thìNam Hoa Kinh thoạt kỳthủy có52 thiên. Sau này Quách Tượng dồn lại còn có33 thiên.

Ba mươi ba thiên lại chia làm 3 phần (theo bản Quách Tượng): Nội thiên, Ngoại thiên và Tạp thiên.

Nội thiên gồm bảy thiên:

1. Tiêu Diêu Du –  2. Tề vật luận – 3. Dưỡng sinh chủ – 4. Nhân gian thế – 5. Đức sung phù – 6. Đại tông sư – 7. Ứng đế vương

Ngoại thiên gồm 15 thiên:

8. Biền mẫu – 9. Mã đề – 10. Khư khiếp – 11. Tại Hựu – 12. Thiên địa – 13. Thiên đạo – 14. Thiên vận

15. Khắc ý – 16. Thiện tính – 17. Thu thủy – 18. Chí lạc – 19. Đạt sinh – 20. Sơn mộc – 21. Điền tử – phương – 22. Trí Bắc du

Tạp thiên gồm 11 thiên:

23. Canh Tang Sở – 24. Từ Vô Quỉ – 25. Tắc Dương – 26. Ngoại vật – 27. Ngụ ngôn – 28. Nhượng vương – 29. Đạo chích – 30. Duyệt kiếm – 31. Ngư phụ – 32. Liệt ngự khấu – 33. Thiên Hạ

Nơi đây ta không đi vào chi tiết, chỉ nói tóm tắt. Các nhà bình giải thường cho rằng:

– Nội thiên là của Trang Tử viết (có thể trừ ra một vài đoạn như đoạn Tử Tang Hộ trong thiên Đại Tông Sư. – Có người còn cho rằng Nhân gian thế cũng không do Trang Tử viết.)

– Còn Ngoại thiên và Tạp thiên thì hoặc do môn đệ của Trang Tử viết ra, hoặc người sau viết ra mà mượn tên Trang Tử.

Trong Trang Tử bản dịch của Nhượng Tống, có dịch lời bàn của Lâm Tây Trọng đời Thanh tổng luận về các thiên trong sách Nam Hoa Kinh. Xin trích dẫn nơi đây để chúng ta có cái nhìn khái quát về Nam Hoa Kinh, trước khi đi vào chi tiết:

«Trong ba mươi ba thiên, nói đi nói lại hơn 100.000 chữ. Đại ý chẳng qua là: tỏ rõ Đạo Đức, rẻ rúng Nhân Nghĩa, coi sống chết là một, coi phải với trái in nhau; hư tĩnh, điềm đạm, vắng lặng, không làm, thế đấy thôi.

«Thiên chia ra nào Nội, nào Ngoại, nào Tạp đều do ở người đời, không phải do bản ý tác giả khi viết sách.

«Xét ra thì: bảy bài Nội Thiên là văn có đầu đề, do chính tay Trang Tử định lấy. Còn Ngoại Thiên, đều lấy hai chữ trên đầu thiên mà đặt tên… Ấy là những nhà văn không đầu đề. Người đời sau lấy những bài vặt vãnh của Trang sắp đặt lại.

«Tiêu Diêu Du cốt nói lòng người quen thành tựu nhỏ nhen, nhưng LỚN mới là quí. Tề Vật Luận cốt nói lòng người thường quen câu nệ chấp nhất, nhưng HƯ mới là hay. Dưỡng Sinh Chủ, cốt nói lòng người thường miệt mài đối phó với vật ngoài, nhưng THUẬN mới là phải. Nhân Gian Thế là phép vào đời. Đức Sung Phù là phép ra đời. Đại Tông Sư là phép trong có thể làm thánh. Ứng Đế Vương là phép ngoài có thể làm vua. Ấy là nghĩa riêng của bảy bài Nội Thiên. Thế nhưng lòng người có LỚN thì mới có thể HƯ; có HƯ thì mới có thể THUẬN… Vào được đời rồi mới ra được đời… Trong làm nổi thánh, thì ngoài mới làm nổi vua… Ấy là là những lẽ đi theo nhau của bảy bài Nội Thiên. Cứ thế thôi cũng đã hết được ý chính.

«Ngoại Thiên, Tạp Thiên nghĩa tuy chia riêng, nhưng lý cùng gửi lẫn… Như Biền Mẫu, Mã Đề, Khứ Khiếp, Tại Hựu, Thiên Địa, Thiên đạo đều nhân Ứng Đế Vương mà bàn tới.

«Thiên vận thì nhân Đức Sung Phù mà bàn tới.

«Thu Thủy thì nhân Tề Vật Luận mà bàn tới.

«Chí Lạc, Điền Tử Phương, Tri Bắc Du thì nhân Đại Tông Sư mà bàn tới.

«Riêng có ý Tiêu Diêu Du thì thấy rải rác cả ở trong các thiên. Nghĩa Ngoại Thiên là thế.

«Canh Tang Sở thì là ý của Đức Sung Phù, nhưng gửi trong đó lý của Đại Tông Sư, Ứng Đế Vương.

«Từ Vô Quỉ thì ý của Tiêu Diêu Du nhưng gửi vào đó lý của Đại Tông Sư, Ứng Đế Vương và Nhân Gian Thế.

«Tắc Dương cũng là ý Đức Sung Phù mà gửi vào đó có lý của Đại Tông Sư, Tề Vật Luận.

«Ngoại Vật thì là ý Dưỡng Sinh Chủ mà gửi vào đó lý Tiêu Diêu Du. Ngụ ngôn, Liệt Ngự Khấu dồn lại là một thiên, thu thúc cho cả bộ sách. Lý của bảy bài Nội Thiên đều thấy có đủ. Ấy là nghĩa của Tạp Thiên.

«Đến như Khắc Ý, Thiên Tính nghĩa cũng có qua loa, nhưng đọc rồi không còn gì là thú vị.

«Nhượng Vương, Ngư Phụ, Đạo Chích, Duyệt Kiếm thì không ăn nhập vào đâu cả, mà còn có nhiều câu nhảm nhí. Người xưa cho đó là những phường ngu dốt đánh tráo vào. Xem ra quả có thế!

“Còn Thiên Hạ thì là của người sau viết ra khi sắp lại văn Trang Tử. Ấy là bài “hậu tự” cho bộ sách mà thôi.

«– Vậy thì sao thiên thì gọi là Ngoại, thiên thì gọi là Tạp, là cớ làm sao?

«– Ý là kẻ sắp văn Trang hồi ấy, thấy thiên nầy bàn riêng một ý, mà nghĩa văn dễ hiểu, thì đặt lên bên trên mà gọi là Ngoại.

«Còn thiên nào gồm có nhiều ý mà lời lẽ khó hiểu thì đặt xuống bên dưới mà gọi là Tạp. Cho nên lộn xộn không thứ tự như vầy.

«Tô Tử Chiêm nói: ‘Chia thiên, đặt tên, đều là do người đời cả.’ Kể cũng đáng tin.»

CÒN TIẾP >>>


Tin liên quan

Chia sẻ bài viết: 



Bình luận:

Hỗ trợ trực tuyến

Lê Công

0369.168.366

Nhà đất bán theo tỉnh thành
Nhà đất cho thuê theo tỉnh thành
Kinh Dịch
Tử vi
Huyền không Phi Tinh
Văn Hóa_Tín Ngưỡng
Thước lỗ Ban
Xen ngày tốt
Đạo Học
TIN NỔI BẬT

LÊ LƯƠNG CÔNG

Trụ sở: Số 31 - Mương An Kim Hải - Kenh Dương, Le Chan, Hai Phong

Tel: 0369168366 - Hotline: 0919.168.366 - Email: nhadatcongminh@gmail.com

Copyright © 2019 https://leluongcong.com/