Trang Tử là một nhà Huyền học, nên lời lẽ của Ông, tư tưởng của Ông tuy là ẩn ước, bóng bảy, nhưng nếu chúng ta tìm được chốt then đường hướng của Ông, cũng như của đời Ông, ta sẽ thấy chúng trở nên hết sức rõ ràng.
Ông viết trong chương Ngoại vật:
«Có nơm là vì cá,
Được cá hãy quên nơm.
Có dò là vì thỏ,
Được thỏ hãy quên dò.
Có lời là vì ý,
Được ý hãy quên lời.
Ta tìm đâu được người biết quên lời
Hầu cùng nhau đàm luận.» [13]
Thế tức là Ông muốn nhắn nhủ chúng ta đừng nên câu nệ về những lời nói của Ông, và bút pháp của Ông, đừng bận tâm đến:
- Chi ngôn (gặp đâu nói đó)
- Trùng ngôn (Gán lời mình cho một nhân vật lịch sử nào)
- Ngụ ngôn (Nói bằng thí dụ, sự tích, bóng gió, như trong chương Thiên hạ, F) nhưng phải chú trọng đến những tư tưởng của Ông, những chủ trương chính yếu của Ông.
Đại khái Trang Tử chủ trương:
- Vũ trụ này có hai phần:
1- Một là Đạo. Mà Đạo thời vô sở bất tại, vô biên tế, duy nhất bất khả phân, vĩnh cửu trường tồn. (ch. 6-f,g)
2- Hai là Hình tướng biến thiên, luẩn quẩn trong vòng tương đối, sinh tử. (ch. 6-s,f)
Hai đàng tuy vô cùng khác biệt, nhưng lại liên lạc hết sức chặt chẽ, hết sức mật thiết với nhau, đến nỗi có thể nói được là: Đâu có hiện tượng, thời ấy có Đạo, và như vậy cái hữu hạn vừa nằm trong cái vô cùng, lại vừa hàm chứa được cái vô cùng.
Từ trong lòng Đạo mà nhìn ra, thì muôn loài muôn vật là một, hoàn toàn giống nhau, vô cùng vô tận như nhau.
Từ trong cảnh giới hiện tượng mà nhìn ra thì muôn loài muôn vật hết sức khác nhau, biến thiên, phù du, ảo hóa. (ch. 5-a)
- Con người cũng như vũ trụ, có hai phần:
1- Một là Đạo thể vô biên tế bên trong.
2- Hai là con người phàm tục bên ngoài, với thất tình lục dục niệm lự biến thiên, trí thức, phán đoán thường nhật, thông thường, tử sinh vô định.
Thiên Thu Thủy 秋 水 có một câu bất hủ, tóm tắt được quan niệm này, đó là: Thiên tại nội, nhân tại ngoại. 天 在 內 人 在 外 (Thu thủy, A).
- Xã hội loài người, cũng có hai phần:
1. Một là Thiên nhiên. Thiên nhiên là cái gì thuộc về Thiên chân, Thiên tính, và như vậy chắc chắn là hoàn mỹ.
2. Hai là Nhân tạo. Mà nhân tạo là tất cả những gì do khối óc con người bày vẽ ra, cho nên dĩ nhiên là kém cõi, dĩ nhiên là vụng về, không thể nào đem lại hạnh phúc thật cho con người được. (ch. 11-f; 6-a)
Và dĩ nhiên, Ông chủ trương rằng con người đạo hạnh phải siêu xuất:
- Khỏi vòng hiện tượng có giới hạn, để vươn lên tới Đạo thể vô biên, vô hạn (ch. 17-a; 6-g; 12-i, k; 16-b)
- Khỏi vòng niệm lự, tri thức, nhận định gian trần để đạt tới siêu thức. (ch. 2-c)
- Khỏi vòng nhân vi, nhân tạo, để trở về với Thiên nhiên, vì nhân vi nhân tạo không thể nào đem lại hạnh phúc thực sự cho con người. (ch. 8-a,b,c,d; 9-a,b,c; 10-d; 11-a, 12-c; 13-b,c; 14-f; 17-a; 25-g)
Chính vì thế mà Ông đả kích tất cả những gì mà con người đã vời ra, bất kỳ về phương diện gì:
. Kiến thức (ch. 25-h)
. Luân lý (ch. 8-a; 17-a; 25-h)
. Chính trị (ch. 9-c; 10-a; 29-b)
. Nghệ thuật (ch. 9-a)
. Kỹ thuật, cơ khí, văn minh (ch. 12-k)
Ông hoàn toàn thoát sáo, thoát hết mọi khuôn khổ bên ngoài và cho rằng có vậy tâm thần mới được phiêu diêu khinh thoát.
Trang Tử không hề đả phá một cách tiêu cực, nhưng thực ra Ông tích cực dạy con người phải đi tìm cái cao siêu, vĩnh cửu, cái lý tưởng tinh hoa, dạy con người phải sống phối kết với Trời, với Đạo cùng trời đất trường sinh bất tử. Có như vậy mới là biết được cái đại dụng, cái vô dụng của cuộc đời. (ch.1)
Ông cũng chủ trương cái Tuyệt đối nằm sẵn trong lòng cái tương đối, cũng như thường xuyên bao trùm, khỏa lấp cái tương đối cho nên khi đã vươn lên tới cõi Đại nhất, Đại đồng, con người sẽ hóa giải được mọi chuyện phân biệt lăng nhăng do khối óc con người tự tạo ra.
Cho nên chủ trương của Ông là coi thường mọi chuyện đời tương đối, coi in một như nhau mọi cuộc biến thiên: Sống chết, vắn dài, xa gần, cao thấp, quí tiện, hay dở, phải trái, yểu thọ v.v… (ch. 2)
Trang Tử đưa ra hai phương pháp chính yếu để đạt tới Tuyệt đối. Đó là: Điềm và Trí (Thiện tính, 16-a)
Tư Mã Thừa Trinh (Ssu Ma Cheng Chen) một đạo sĩ thế kỷ 10, đã cho rằng chữ Trí (nơi thiên Thiện tính, a) tương đương với chữ Huệ (prajna); chữ Điềm (Thiện tính, 16-a) tương đương với chữ Định.
Trí (hoặc Minh) để nhìn thấu Bản thể.
Điềm (hoặc Định): tức là giữ Tâm bình tĩnh, tĩnh lãng.[14]
Thế là từ Lão Trang với hai chữ Điềm, Trí ta có thể bước sang lãnh vực Thiền tông dễ dàng, vì Thiền tông cũng đã được tóm thâu trong hai chữ: Định (Dhyana) và Huệ (prajna).
Dẫu sao thì Trang cũng là người bàn về quan niệm Phối Thiên rõ ràng nhất, trong sáng nhất.
Trang Tử khẳng định: Người xưa sống hợp nhất với Trời.[15]
Nơi chương Thiên hạ, Trang Tử viết: «Không lìa xa gốc gác thời gọi là Thiên nhân; Không lìa xa tinh hoa thì gọi là Thần nhân; Không lìa xa Chân thể hoàn hảo, thì gọi là Chí nhân… lấy Trời làm tông, lấy Đức làm gốc, lấy Đạo là cửa… đó là Thánh thần… Thần, Minh, Thánh, Vương đều cùng một nguồn mà ra… [16]
Nơi chương Sơn Mộc, Trang Tử viết: Có người hỏi tại sao nói được Người với Trời là một. Trọng Ni đáp: Đã là người, tức là Trời… Sở dĩ người không là Trời, là do hành động riêng tư, cho nên thánh nhân điềm tĩnh hòa mình với đại hóa… [17]
Nơi chương Tri Bắc Du, Khiết Khuyết hỏi Bị Y về Đạo. Bị Y bảo:
«Hãy giữ thân hình cho ngay ngắn,
Hãy tập trung tinh thần mà nhìn vào Duy nhất,
Trời sẽ hòa điệu với bạn.
Hãy thu nhiếp trí lự, hãy hợp nhất với Tuyệt đối,
Thần sẽ giáng trong lòng bạn,
Đức sẽ trở nên vẻ đẹp của bạn,
Đạo sẽ là nhà của bạn… Bạn hãy hồn nhiên, ngây thơ như con nghé mới sinh, đừng tìm duyên cớ mà chi…» [18]
Trang Tử có lẽ là một trong những người đầu tiên trên thế giới mô tả được rõ ràng cái đạo Thánh nhân.
Nơi chương Canh Tang Sở, Ông viết: «Muốn được tĩnh lãng, hãy giữ cho khí bình. Muốn có thần, hãy giữ cho tâm thuận. Muốn làm cho phải, thì chỉ khi cần thiết, bất đắc dĩ mới làm. Chỉ bất đắc dĩ, mới chịu làm làm mới chịu bỏ trạng thái tĩnh lãng tâm thần, đó là đường lối thánh nhân vậy.» [19]
Ông viết: «Giữ cho thần toàn vẹn là đạo thánh nhân.» [20] Ông để Khổng Tử bình luận về những người theo đạo thánh nhân như sau: «Họ là những người theo thuật của ông Hỗn Độn. Họ chỉ biết Tuyệt đối, mà không biết tương đối. Họ chuyên trị tâm, mà không cần trị cảnh. Họ rõ được quang minh, về được với Thuần phác, Duy nhất. Họ vô vi tĩnh lãng để trở về trạng thái thuần phác nguyên thủy. Họ hòa đồng với Tính, ôm ấp lấy Thần…» [21]
Trang Tử ngoài ra còn dạy chúng ta đừng để cho ngoại cảnh, cho thất tình, lục dục điên đảo, làm hư hoại tâm thần (ch. 5-c, f; 23-f)
Mỗi xuyến xao tâm thần là một tai họa, vì nó vừa làm giảm thọ con người, vừa làm cho chúng ta mất bình tĩnh trong sáng (23-g,f)
Trang Tử còn khuyên chúng ta nên an thời thuận xử (ch. 23-g,f) đừng bon chen vào chỗ công danh lợi lộc, đừng có kình chống với thiên nhiên, với tha nhân (ch.6-b; 33-b), có vậy mới được thảnh thơi hạnh phúc.
Lại nên sống thoát sáo (ch. 2; 3), có một đời sống cao đại, một tâm hồn thoát tục (ch. 11-e). Hãy rũ bỏ hình tướng hữu hạn, tâm tư hữu hạn mà băng lên sống trong lòng vô hạn, vô cùng (ch. 5-e; 11-e; 15-a,b; 16-b; 19-e; 22-e; 23-b,c; 24-h).
Ông ước mong cho muôn loài được phát triển theo căn cơ, theo thiên tính của chúng. (ch.2-a)
Thiên Biền mẫu viết: «Cẳng le thì ngắn, cố mà nối dài thì nó khổ. Chân hạc thì dài, chặt bớt thì nó đau, cho nên tính mà dài, không phải là cái nên chặt bớt, tính mà ngắn không phải là cái nên nối thêm: thế thì không có gì là lo.» [22]
Tóm lại, thực đúng như trong Thiên hạ thiên đã nói: «Trang Tử trên thì vui cùng Tạo hóa, dưới thì bè bạn với những người đã thoát vòng sinh tử, thủy chung…» [23]
Những lời nói của Trang Tử hết sức sắc bén, hết sức linh động, biến hóa.[24] Lắm lúc ông có giọng châm biếm, như cợt, như đùa, nửa hư, nửa thực, nhưng chung qui, Ông chỉ muốn cho người đọc Ông có cái nhìn rộng hơn, lối sống hay hơn, lý tưởng hơn, nhất là bỏ được cái hữu hạn, để vươn lên tới vô cùng. (ch.6-j, g)
Lúc thì Ông vui miệng nói ngay (chi ngôn) lúc thì ông làm sống động lại các nhân vật lịch sử, và cho họ nói những lời mà Ông muốn (trùng ngôn), lúc thì Ông kể truyện ngụ ngôn (ngụ ngôn) (ch. Thiên hạ, 33-f), lúc thì Ông tranh luận, so sánh, lúc thì đàm thoại, lúc thì vấn đáp, tất cả đều có mục đích phá vỡ cái vỏ «ngã chấp» của ta, để chúng ta mở mắt ra nhìn thấy được khung trời nội tâm, khung trời bản thể vô biên vô tận.
Bất kỳ một hoàn cảnh nào, bất kỳ một câu chuyện gì, đối với Trang, cũng như là một chiếc bàn đạp, để tung mình lên cho tới cõi siêu vi.
Nhờ đó mà Trang không xa lìa đời sống hằng ngày, không xa lìa chúng nhân mà vẫn làm được công trình là giúp con người vươn lên trên những cái nhỏ hẹp của đời sống hằng ngày, đó là băng lên cho tới cõi u linh, huyền diệu.
Đọc Trang, ta thấy rằng nếu không thoát sáo, không thể nào có một đời sống nội tâm phong phú đích thực…
Chung qui, Trang Tử chỉ ước muốn chúng ta sống tiêu diêu, khinh thoát, trong cõi Tuyệt đối, vô cùng mà Ông gọi là:
. Cái nghề nghiệp vô vi (Vô vi chi nghiệp, ch.6-g)
. Cái làng không ở nơi đâu (Vô hà hữu chi hương, ch.I-f)
. Cánh đồng bao la rộng rãi (Khoáng mạc chi dã, ch.I-f)
Trang Tử chỉ ước muốn chúng ta trở thành những:
. Thần nhân
. Thánh nhân
. Chí nhân (ch. I-c; 33-a)
. Chân nhân (ch. I-c; 2c, f)
. Những người đạt tới Chí đạo (ch. 11-c)
Mà chân nhân thì trên phải hòa mình được với Đại thể, dưới thì vui sống được với mọi người, mọi loài, mọi vật, với cảnh trí thiên nhiên, với mọi hoàn cảnh mình gặp (2h, 3abc, 5d v.v…)
Tâm hồn thì như làn nước lắng chiếu soi được trời đất nhân quần một cánh hết sức vô tư và chân thật. (13 a)
Đọc Trang, trước hết phải hiểu tinh thần của Trang, chủ trương của Trang.
Sách của Trang là một kho tàng châu báu, nhưng thay vì để kho tàng ấy chất đống vào một nơi, ông đem nó vung vãi ra trong một vùng lớn lao gồm 10.000 chữ, dấu chúng vào trong những ngụ ngôn, những huyền thoại những câu chuyện bông lông…
Ta hãy quên lời quên chuyện của Trang kể mà chỉ lưu tâm lượm lặt lấy những tư tưởng của Trang. Đó mới chính là những châu ngọc mà Trang dành cho chúng ta vậy.
còn tiếp >>>
[13] Thuyên giả sở dĩ tại ngư; đắc ngư nhi vong thuyên. Đề giả sở dĩ tại thố, đắc thố nhi vong đề. Ngôn giả sở dĩ tại ý, đắc ý nhi vong ngôn. Ngô an đắc phù vong ngôn chi nhân nhi dữ chi ngôn tai. 筌者所以在魚得魚而忘筌 蹄者所以在兔得兔而忘蹄 言者所以在意得意而忘言 吾安得夫忘言之人而與之言哉.
[14] According to the tenth century Taoist named Ssu-Ma-Cheng-Chen, the words Chih and T’ien are what the Buddhists refer to as Hsing, or Dhyana and Hui or Prajna. - Chuang Chung Yuan, Creativity and Taoism, p. 41…
… According to Taoism, there are two routes leading to enlightenment, Ming, or Ontological insight, Ching or quiescence. (Ibid, 123)
… One may enter the realm of non-being either through quiescence T’ien or through intuitive knowledge, Chih. The former concentrates upon repose, or what the Buddhists call Dhyana. The latter stresses on intuition, or Prajna (Ibid. 49)
[15] Cổ chi nhân Thiên nhi bất nhân. 古之人天而不人 (Liệt Ngự Khấu, 32-c)
[16] Bất ly ư tông, vị chí Thiên nhân. Bất ly ư tinh vị chi Thần nhân. Bất ly ư Chân, vị chi Chí nhân. Dĩ Thiên vi tông, dĩ đức vi bản, dĩ Đạo vi môn, triệu ư biến hóa, vị chi Thánh nhân. 不離於宗, 謂之天人. 不離於精, 謂之神人. 不離於真, 謂之至人. 以天為宗, 以德為本, 以道為門, 兆於變化, 謂之聖人 (Thiên hạ, 33-a)
… Chân giả, tinh thành chi chí dã. 真者精誠之至也 (Ngư phụ, 31-d)
… Thần hà do giáng, minh hà do xuất, thánh hữu sở sinh, vương hữu sở thành, giai nguyên ư Nhất… 神何由降, 明何由出? 聖有所生, 王有所成, 皆原於一 (Thiên hạ, 33-a)
[17] Hà vị nhân dữ Thiên nhất da? Trọng Ni viết: Hữu Nhân, Thiên dã, hữu Thiên, diệc Thiên dã. Nhân chi bất năng hữu Thiên, tính dã. Thánh nhân yến nhiên, thể thệ nhi chung hĩ. 何謂天與人一邪? 仲尼曰: 有人, 天也, 有天, 亦天也. 人之不能有天, 性也.聖人晏然體逝而終矣. (Sơn mộc, 20-g)
[18] Khiết Khuyết vấn đạo hồ Bị Y. Bị Y viết: Nhược chính nhữ hình, nhất nhữ thị, Thiên hòa tương chí. Nhiếp nhữ tri, nhất nhữ độ. Thần tương lai xá, đức tương vi nhữ mỹ, Đạo tương vi nhữ cư. 齧缺問道乎被衣. 被衣曰: 若正女形, 一女視. 天和將至. 攝女知, 一女度. 神將來舍, 德將為女美, 道將為女居 (ch. 22-c).
[19] Dục tĩnh, tắc bình khí, dục thần tắc thuận tâm. Hữu vi dã dục dáng, tắc duyên ư bất đắc dĩ, bất đắc dĩ chi loại, thánh nhân chi đạo. 欲靜則平氣 , 欲神則順心. 有為也欲當則緣於不得已, 不得已之類, 聖人之道 (Canh Tang Sở, ch.32-g)
[20] Chấp đạo giả, Đức toàn. Đức toàn giả, Hình toàn. Hình toàn giả Thần toàn. Thần toàn giả, thánh nhân chi đạo dã. 執道者德全德全者形全. 形全者神全. 神全者, 聖人之道也 (ch.12-k)
[21] Bỉ giả tu Hỗn độn thị chi thuật dã. Thức kỳ nhất, bất tri kỳ nhị. Trị kỳ hội, nhi bất tri kỳ ngoại. Phù minh bạch nhập tố, vô vi phục phác, thể tính, bão thần. 彼假修混沌氏之術者也. 識其一不知其二. 治其內而不知其外. 夫明白入素, 無為復朴體性, 抱神 (ch.12-k)
[22] Thị cố phù hĩnh tuy đoản, tục chi tắc ưu, hạc hĩnh tuy trường, đoạn chi tắc bi. Cố tính trường phi sở đoản, tính đoản phi sở tục, vô sở khứ ưu dã. 是故鳧脛雖短, 續之則憂, 鶴脛雖長, 短之則悲. 故性長非所短, 性短非所續, 無所去憂也 (Biền mẫu, 8-a).
[23] Thượng dữ Tạo vật giả du, nhi hạ dữ ngoại tử sinh, vô chung thủy giả vi hữu… 上與造物者遊, 而下與外死生無終始者為友 (Thiên hạ, 33-f)
[24] Chúng ta nên nhớ Trang Tử có tài biện luận như Huệ Thi, Công Tôn Long Hoặc hơn nữa. (ch. I-e, f; 2-d; 5-f; 17-d, f, g; 18-b; 24-e; 25-d; 26-g; 27-b; 33-g).
Chia sẻ bài viết:
LÊ CÔNG
0919.168.366
PHÚC THÀNH
0369.168.366
Một số cách an sao vòng Trường Sinh trong tử vi
TÍNH CÁCH, MẪU NGƯỜI, TRONG LÁ SỐ TỬ VI
7 nguyên tắc cơ bản sau cần phải xem kỹ trước khi bình giải một lá số Tử Vi
THẾ NÀO LÀ TUẾ PHÁ & NGŨ HOÀNG ĐẠI SÁT
BÍ QUYẾT SONG SƠN NGŨ HÀNH VÀ THẬP NHỊ THẦN ĐẠI PHÁP (TIÊU SA NẠP THỦY THEO THỦY PHÁP TRƯỜNG SINH)
Ý nghĩa của việc thờ bàn thờ Ông Địa
“BẢN GỐC” CỦA THƯỚC LỖ-BAN DÀNH CHO CÁC BẠN THẬT SỰ HAM MÊ PHONG THỦY !!!
LÊ LƯƠNG CÔNG
Trụ sở: Số 12, Trực Cát , Vĩnh Niệm, Lê Chân, Hải Phòng
Tel: 0919.168.366 - Hotline: 0919.168.366 - Email: nhadatcongminh@gmail.com
Copyright © 2019 https://leluongcong.com/