Tứ trụ _ Bát tự hà lạc
14/10/2020 - 5:59 PMLê Công 820 Lượt xem

TỨ TRỤ THẬT DỄ HIỂU

Hôm nay moclan giới thiệu các bạn 1 cách để hiểu được tứ trụ của mình giản đơn vô cùng, coi như là bước đầu cho việc tìm hiểu môn Tử bình tuyệt diệu. Đối với các bạn chưa biết gì về Dịch học, tử vi… moclan xin nhắc lại vài điểm mấu chốt của ngũ hành và âm dương, vì nó là phần cốt lũy của mọi sự việc để giải thích tất cả vũ trụ!

Hôm nay moclan giới thiệu các bạn 1 cách để hiểu được tứ trụ của mình giản đơn vô cùng, coi như là bước đầu cho việc tìm hiểu môn Tử bình tuyệt diệu. Đối với các bạn chưa biết gì về Dịch học, tử vi… moclan xin nhắc lại vài điểm mấu chốt của ngũ hành và âm dương, vì nó là phần cốt lũy của mọi sự việc để giải thích tất cả vũ trụ!

Âm và Dương là 2 cực khác nhau, như Sáng và Tối…

10 thiên can, 12 địa chi chia ra thành nửa phần đối đãi nhau.

Can và Chi được giải thích là những giai đoạn sinh trưởng có trật tự cố định trong trời đất, từ lúc nẩy mầm, vươn lên, trưởng thành, thuần thục, kết hoa trái, thành quả, sinh hạt, suy tàn và chết.

– Can dương: Giáp, Bính, Mậu, Canh, Nhâm (+)

– Can âm: Ất, Đinh, Kỷ, Tân, Quí (-)

– Chi dương: Dần, Ngọ, Thìn, Tuất, Thân, Tí (+)

– Chi âm: Mão, Tỵ, Sửu, Mùi, Dậu, Hợi (-)

Ngũ hành là 5 khí tương tác lẫn nhau làm cho sự vật ra đời: Thổ, Kim, Mộc, Thủy, Hỏa. Ngũ hành cũng chia 2 loại Dương và Âm.

– Giáp= Can Dương Mộc

– Ất = Can Âm Mộc

– Bính = Can Dương Hỏa

– Đinh = Can Âm Hỏa

– Mậu = Can Dương Thổ

– Kỷ = Can Âm Thổ

– Canh = Can Dương Kim

– Tân = Can Âm Kim

– Nhâm = Can Dương Thủy

– Quý = Can Âm Thủy

– Thìn, Tuất = Chi Dương Thổ

– Sửu, Mùi = Chi Âm Thổ

– Thân = Chi Dương Kim

– Dậu = Chi Âm Kim

– Tí = Chi Dương Thủy

– Hợi = Chi Âm Thủy

– Dần = Chi Dương Mộc

– Mão = Chi Âm Mộc

– Ngọ = Chi Dương Hỏa

– Tỵ = Chi Âm Hỏa

Tính chất của các Can và Chi cùng khí chất kể trên có quan hệ với nhau theo nguyên lý của Dịch, chúng ta chỉ cần nắm vững các nguyên tắc này:

1. Đồng hành, đồng cực thì đẩy nhau (kỵ nhau nhưng không hại nhau):

– Thìn Tuất (cùng là +Thổ); Sửu Mùi (cùng là -Thổ)

2. Đồng hành mà khác cực thì hút nhau (tương trợ cho mạnh lên):

– Giáp Ất (+ – Mộc)

– Bính Đinh (+ – Hỏa)

– Mậu Kỷ (+ – Thổ)

– Canh Tân (+ – Kim)

– Nhâm Quý (+ – Thủy)

– và các Chi: Tý Hợi, Tỵ Ngọ, Dần Mão, Thân Dậu

3. Khác hành mà nghịch nhau (hành này hủy diệt hành kia):

– Thủy khắc Hỏa

– Hỏa # Kim

– Kim # Mộc

– Mộc # Thổ

– Thổ # Thủy

4. Khác hành mà tương sinh (hành này sinh lợi cho hành kia):

– Thủy sinh cho Mộc

– Mộc > Hỏa

– Hỏa > Thổ

– Thổ > Kim

– Kim > Thủy

5. Khác hành mà đồng cực thì càng sinh hoặc khắc mạnh hơn! Nếu là tương sinh thì hành đi sinh lợi sẽ bị hao tổn khí lực, hành được sinh sẽ vững mạnh. Nếu là tương khắc thì hành đi khắc cũng hao mòn rất nhiều và hành bị khắc đã yếu lại còn yếu hơn, mau chóng lụi tàn!

6. Khác hành mà khác cực: Tốt hay Xấu thì tùy theo tính âm dương của 2 đối tượng.

– Nếu chủ thể là dương mà bị thể là âm thì sự sinh hay khắc bình thường, thuận lý âm dương.

– Nếu chủ thể là âm, bị thể là dương thì sinh/khắc yếu đuối. Đôi khi chủ thể âm trường hợp này còn đau đầu xứt trán là khác nếu không có cứu giúp!

Các thí dụ thì phải tìm trong các bảng Can/Chi hợp/xung/hình/hại sẽ viết sau.

Chủ yếu là mình biết đó là những trường hợp cần chú ý nhất khi chọn dụng thần sau này. Trong tử bình có nhiều từ ngữ riêng, thí dụ như “chế”; “hóa”…, nhưng đơn giản để hiểu là như Hỏa mà yếu thì không chế được Kim mạnh (lửa của cây đèn cầy làm sao đúc được một thanh kiếm?); Mộc âm thì sinh thế nào cho Hỏa dương (gỗ ướt nhẹm làm sao đốt thành lửa?)…

6 trường hợp trên sẽ gặp phải trong những cách xung, hợp, khắc, hại của Can và Chi như sau:

* CAN hợp nhau:

– Giáp +mộc hợp Kỷ -thổ (hóa Thổ)

– Ất -mộc hợp Canh -kim (hóa Kim)

– Bính +hỏa hợp Tân -kim (hóa Thủy)

– Đinh -hỏa hợp Nhâm +thủy (hóa Mộc)

– Mậu +thổ hợp Quý -thủy (hóa Hỏa)

Những cặp trên gặp nhau có HỢP nhưng không phải lúc nào cũng HÓA được (tức là 2 hành hợp lại chỉ còn 1 hành và rất mạnh). Cũng vậy, khi Chi gặp nhau mà tương hợp cũng sẽ có khi hóa được nếu gặp điều kiện đúng:

* CHI hợp nhau – Các bạn để ý có 2 trường hợp khác biệt cần chú ý vì hay nhầm lẫn:

1)- Lục hợp âm dương (1 âm và 1 dương khác hành, hợp nhau gặp đúng điều kiện sẽ hóa chung lại thành 1 hành):

– Tí +thủy hợp Sửu -thổ (hóa Thổ)

– Hợi -thủy hợp Dần +mộc (hóa Mộc)

– Mão -mộc hợp Tuất +thổ (hóa Hỏa)

– Thìn +thổ hợp Dậu -kim (hóa Kim)

– Tỵ -hỏa hợp Thân +kim (hóa Thủy)

– Riêng Ngọ +hỏa là Thái Dương và Mùi -thổ là Thái Âm có hợp mà không bao giờ hóa.

2)- Nhị hợp âm dương (1 âm và 1 dương cùng hành):

– Tý Hợi (+ – thủy)

– Dần Mão (+ – mộc)

– Tỵ Ngọ (+ – hỏa)

– Thân Dậu (+ – kim)

– Cặp Thìn Tuất và cặp Sửu Mùi (+ – thổ)

* CAN xung khắc (theo cơ chế đồng cực mà khác hành):

– Giáp Mậu (+mộc +thổ)

– Ất Kỷ (-mộc -thổ)

– Bính Canh (+hỏa +kim)

– Đinh Tân (-hỏa -kim)

– Mậu Nhâm (+thổ +thủy)

– Kỷ Quý (-thổ -thủy)

– Canh Giáp (+kim +mộc)

– Tân Ất (-kim -mộc)

– Nhâm Bính (+thủy +hỏa)

– Quý Đinh (-thủy -hỏa)

Khi Can xung khắc nhau mà ở giữa có Can hóa giải theo lý “tham sinh kỵ khắc” thì không còn xảy ra xung khắc nữa. Thí dụ: Giáp can năm khắc Mậu can ngày, nhưng có can tháng là Bính hỏa thì Giáp sinh cho Bính, không khắc Mậu nữa. Để ý là Bính dương hỏa mới tốt, chứ Đinh âm hỏa lại không cứu giải được trường hợp này.

* CHI xung nhau là các chi trên biểu đồ đối nghịch nhau và có hành tương phản tạo thành “lục xung” rất mạnh:

1)- Tứ Xung (đồng cực khác hành)

– Tý Ngọ (cùng là dương, thủy khắc hỏa)

– Tỵ Hợi (cùng là âm, thủy khắc hỏa)

– Mão Dậu (cùng là âm, kim khắc mộc)

– Dần Thân (cùng là dương, kim khắc mộc)

2)- Nhị xung (đồng cực đồng hành; chỉ có Thổ; nhưng xung mà không có khắc):

– Thìn Tuất

– Sửu Mùi

Ngoài ra còn có loại HẠI nhau, như ỷ mạnh hiếp yếu vậy, cho dù là tương sinh như Ngọ hỏa sinh cho Sửu thổ; Ngọ là dương, Sửu là âm, nhưng Ngọ và Sửu đứng đối nhau trên đồ hình tính theo cực âm-dương nên hại nhau chứ không sinh cho nữa. Điều này không theo cơ chế Khác Hành Sinh Khắc (điểm 4 bài đầu tiên), các bạn nên chú ý, loại tương hại này chỉ để tham khảo thêm mà thôi:

– Tí Mùi

– Sửu Ngọ

– Dần Tỵ

– Mão Thìn

– Thân Hợi

– Dậu Tuất

Các bạn có để ý rằng khi nói đến Địa Chi thì không đề cập đến quan hệ tương sinh (thí dụ như không nói Tí sinh Mão, hay Thìn sinh Dậu..) mà chỉ luận đến quan hệ KHẮC, XUNG, HÌNH, HẠI của các chi lẫn nhau mà thôi.

Nhưng các Chi có hợp lại thành HỘI hay thành CỤC, cũng là nằm trong ý nghĩa của sự tương trợ, tương sinh cho nhau và chỉ có ảnh hưởng mạnh khi chúng tụ họp lại. Khi xét trong Tử bình, đầu tiên là xét Tam hội, sau đó là Tam hợp Cục, vì lý do khí của tam hội mạnh hơn khi chúng dồn về 1 phương hướng, khí của chúng “thuần” nên rất mạnh, còn Tam Cục thì do vòng trường sinh tạo thành, lẫn nhiều tạp khí.

Cát hay Hung của Hội hay Cục là tùy theo tứ trụ. Có khi cần phải cần giải tán Hội, Cục để cứu lấy thân.

* Tam Hội

1) Phương Đông Mộc = Dần Mão Thìn

2) Phương Nam Hỏa = Tị Ngọ Mùi

3) Phương Tây Kim = Thân Dậu Tuất

4) Phương Bắc Thủy = Hợi Tý Sửu

Thìn, Tuất, Sửu, Mùi là thổ trung ương, theo tiết trời là những tiết cuối của 4 mùa.

* Tam Cục

1) Thủy Cục = Thân Tí Thìn

2) Mộc Cục = Hợi Mão Mùi

3) Hỏa Cục = Dần Ngọ Tuất

4) Kim Cục = Tị Dậu Sửu

Theo bảng Sinh Vượng Tử Tuyệt của ngũ hành, thí dụ như hành Thủy trường sinh ở Thân (kim sinh thủy), vượng ở Tí (thủy đồng hành) và mộ ở Thìn (thổ cuối mùa Xuân), cho nên Thân-Tí-Thìn hợp lại thành Cục Thủy.

Các Thiên Can có quan hệ với nhau thì đầy đủ, có Sinh, có Khắc, có Hợp và Hóa. Chính vì thế mà dưới các Chi lại phải tìm Can tàng trong nó, tức là bản khí trời sinh ra của nó. Có Chi thuần khí, có Chi bị tạp khí. Nhưng chung quy là Tử bình xét qua Địa nguyên (CHI) tìm lại bản chất khí ban đầu của Thiên nguyên (CAN), và như thế cũng là tìm được Nhân nguyên (NGƯỜI).

Đó là thuyết Tam Tài. Thiên Can là trời cho, Địa nguyên là do sinh khí của đất, của cha mẹ tổ tiên, còn Can tàng ẩn trong địa chi đó chính là con người của ta nằm trong môi trường đang có. Vì thế nên luôn luôn có sản sinh ra cái mới mặc dù có sự lập lại của tứ trụ.

Đây là mấu chốt để hiểu tứ trụ là quan niệm của Tam Nguyên Vận Khí là như vậy.

Tử bình lấy ngày làm chủ và tiết tháng làm lệnh. Hai trụ này là không gian chính của thời điểm một người sinh ra đời. Trụ năm đã được tính theo vòng 60 niên mệnh, còn trụ giờ có tầm ảnh hưởng nhất định theo ngày.

Con người quá bé nhỏ trước một nguyên vận 180 năm, đối với 60 năm trung bình một đời người còn khả dĩ xem xét được, nên 12 tiết lệnh của tháng trong năm có tầm quan trọng lớn nhất của tứ trụ. Còn trụ giờ bổ sung vào làm cho sự tính toán có thể “nhìn thấy” được.

Nếu bạn nào đã có kinh nghiệm, thường thì khi có đủ 3 trụ là có thể suy ra được trụ giờ cho một cá thể thông qua vài phương pháp khác như nhân tướng học và xã hội học.

Quá trình từ sinh cho đến tử của vạn vật có thể chia ra làm 5 giai đoạn lớn hợp với sự sinh khắc của 5 Hành:

-Vượng: giai đoạn đang trên đà phát triển mạnh

-Tướng: giai đoạn đã phát triển, nhưng đứng yên

-Hưu: giai đoạn nghỉ ngơi, không còn sức phát triển nữa

-Tù: giai đoạn suy giảm, sa sút

-Tử: giai đoạn bị khắc chế hoàn toàn, sự vật chết

Trung bình cho 1 năm nếu tính gọn là 360 ngày thì mỗi một giai đoạn trên chiếm 72 ngày. Một năm chia ra làm 4 mùa Xuân Hạ Thu Đông có 24 tiết khí thì mỗi tiết trung bình chiếm 15 ngày. Nhưng theo các địa chi hành quyền trong 12 tháng có tàng chứa bản khí, trung khí và khí thừa khác nhau thì số ngày này được tính tùy theo tháng với 12 khí chính như sau (can cuối cùng là bản khí):

Tháng Giêng – Dần – Lập Xuân

– Mậu và Kỷ chung 7 ngày, Bính 7 ngày, Giáp 16 ngày

Tháng Hai – Mão – Kinh trập:

– Giáp 10 ngày, Ất 20 ngày

Tháng Ba – Thìn – Thanh Minh:

– Ất 9 ngày, Quý 3 ngày, Mậu 18 ngày (thổ cuối mùa)

Tháng Tư – Tỵ – Lập Hạ:

– Mậu 5 ngày, Canh 9 ngày, Bính 16 ngày

Tháng 5 – Ngọ – Mang Chủng:

– Bính 10 ngày, Kỷ 9 ngày, Đinh 11 ngày

Tháng 6 – Mùi – Tiểu Thử:

– Đinh 9 ngày, Ất 3 ngày, Kỷ 18 ngày (thổ cuối mùa)

Tháng 7 – Thân – Lập Thu:

– Mậu và Kỷ chung 10 ngày, Nhâm 3 ngày, Canh 17 ngày

Tháng 8 – Dậu – Bạch Lộ:

– Canh 10 ngày, Tân 20 ngày

Tháng 9 – Tuất – Hàn Lộ:

– Tân 9 ngày, Đinh 3 ngày, Mậu 18 (thổ cuối mùa)

Tháng 10 – Hợi – Lập Đông:

– Mậu 7 ngày, Giáp 5 ngày, Nhâm 18 ngày

Tháng 11 – Tý – Đại Tuyết:

– Nhâm 10 ngày, Quý 20 ngày

Tháng 12 – Sửu – Tiểu Hàn:

– Quý 9 ngày, Tân 3 ngày, Kỷ 18 (thổ cuối mùa)

Các bạn nhận thấy rằng Thìn Tuất Sửu Mùi có vị trí chuyển giao mùa rất rõ và chúng hành quyền vào những ngày cuối mùa rất mạnh. Khi đã sang mùa, hành Thổ đó còn lại vài ngày gọi là “dư khí”.

Bản khí là hành cùng với địa chi, sang tháng sau, hành đó đọng lại vài ngày nhưng chỉ là dư khí. Thí dụ như cuối Lập Xuân, dương mộc (Giáp) mạnh, sang tháng Hai, 10 ngày đầu vẫn còn khí thừa của Giáp, nhưng không mạnh bằng.

Những tháng giữa mùa như tháng Mão (2), tháng Ngọ (5), tháng Dậu (8) và tháng Tý (11) thường được cho là thuần khí nhất vì là cao điểm của mùa nên có thể chỉ tính bản khí mà thôi. Thí dụ như tháng Mão thuần Ất mộc, âm tính mạnh.

Khi xét đoán lệnh tháng, cần nhớ những điều này để chọn dụng hỉ thần, vì nếu bản khí không mạnh thì không nên chọn, dụng thần sẽ không có lực.

Tháng sinh trong năm là một trong những quy ước của Tử bình để tính ra được thân vượng hay nhược. Nó là bước đầu tiên quan trọng khi bạn nhìn vào một tứ trụ. Tiết Khí trong tháng đó chứa những nhân nguyên (can tàng độn) chính mà chúng ta gọi là “Lệnh”. Từ Lệnh này mà suy ra được sự vượng, suy của 3 trụ kia, cho nên tháng sinh có yêu cầu cao khi xem xét.

Xin nhắc lại vài từ cho quen cách dùng trong Tử bình:

– Vượng: thịnh vượng, hưng vượng, sáng sủa, tốt đẹp

– Nhược: suy, yếu, tàn

– Tiết Khí: một năm có 24 Tiết Khí, trong đó chia ra 12 Tiết và 12 Khí được tính theo dương lịch (kinh độ mặt trời). Thường thì người ta hay nói chung là tiết khí, nhưng đúng ra thì gọi Tiết Lập Xuân, Khí Vũ Thủy.

– Nhân nguyên: như đã có trình bày, mỗi một Chi đều có đủ 5 hành, nhưng chỉ có các Can tàng có ngũ hành hữu dụng trong Chi đó mới được nêu ra. Có khi bạn chỉ thấy Can bản khí mà thôi, thí dụ như tiết Kinh Trập, can tàng chính là Ất, nhưng thật ra còn có Giáp hành quyền 10 ngày đầu, sau đó mới tới Ất. Lý do là Giáp từ Khí của Tiết Lập Xuân còn lại.

– Lệnh: tức là hành chính của khoảng thời gian đó, nói rõ hơn là Can nào đại diện chính để biết nhật chủ (Can ngày) có tính cách vượng hay suy.

Có 5 Can dương: Giáp, Bính, Mậu, Canh, Nhâm

5 Can âm: Ất, Đinh, Kỷ, Tân, Quý

Vòng trường sinh của vạn vật không thay đổi theo chu kỳ đi tới:

1. Trường sinh: mọc nầm, nảy sinh

2. Mộc dục: vừa được sinh ra, lố dạng

3. Quan đái: dần dần mạnh lên

4. Lâm quan: trưởng thành

5. Đế vượng: thành thục, mạnh mẽ cực độ

6. Suy: bắt đầu giảm chất lượng

7. Bệnh: khốn đốn, cơ cực

8. Tử: bị diệt, suy tàn

9. Mộ: trở về nơi tàng trữ

10. Tuyệt: tất cả các khí bị mất hết

11. Thai: khí lại bắt đầu giao nhau, kết thành thai

12. Dưỡng: đang phát mầm mống

Can dương thì đi thuận, can âm tính ngược trong vòng Trường sinh. Nói thế không phải là can âm bị tính từ Dưỡng trở về Trường Sinh, mà tính từ Ngọ là thời điểm dương đã lên cao, bắt đầu trở về quy trình âm.

Một ngày bắt đầu từ giờ Tí cho đến giờ Ngọ giữa trưa là đã thấy bắt đầu âm sinh trưởng, chiều tối đến giờ Hợi là chấm dứt một vòng. Vì thế các can âm trường sinh (bắt đầu lố dạng) tại nơi mà các can dương ở giai đoạn Tử.

Mãi đến hôm nay, moclan mới viết tiếp được chủ đề này, hy vọng các bạn ham thích môn học này không nản chí mà theo dõi tiếp. Các câu hỏi của nhiều bạn trong thời gian qua, moclan không trả lời được, xin thứ lỗi cho.

Trước khi trở lại “chương trình” xin trả lời ngắn gọn bạn RvP. Chắc là bạn muốn nói đến nhân duyên vợ chồng? Tứ trụ căn bản đã là tìm sự cân bằng, tránh bất cập, tránh thái quá, không quá khô nóng, không quá nhuận mát… nên khi so sánh 2 tứ trụ với nhau, rõ là mình phải tìm được cái mình thiếu hoặc lấp được sự dư thừa của mình. Vậy nên so sánh cả bát tự với nhau là hợp lý nhất và xem kỹ phần thiên khắc địa xung.

Tuy nhiên, sự tác hợp ngẫu nhiên giữa 2 tứ trụ vạn vạn sa số, điều này dễ nhận ra trong khi so sánh 2 tứ trụ, thế nhưng không phải vì vậy mà ăn đời ở kiếp với nhau được hoặc phải hy sinh một vấn đề nào đó. Muốn xem kỹ hơn, đời xưa còn phải xem dụng hỉ kỵ thần và nhất là xem trọng nam hơn nữ, nên phần luận về 10 thần khác nhau. Nữ chỉ được xem Thực thần (con cái) và Quan Sát (chồng), nếu là hành kỵ của nam thì kể như không thành. Hiện tại thì điều này có thay đổi rất nhiều.

Thí dụ để tham khảo:

Chồng:…..Bính Thân, Bính Thân, Quý Hợi, ..Canh Thân

Vợ:……….Đinh Dậu, .Nhâm Tí, ..Đinh Mão, Canh Tuất

– không có thiên khắc địa xung

– có tam hội Thân Dậu Tuất (phía tây)

– Thân Tí bán tam hợp thủy

– Hợi Mão bán tam hợp mộc

– hội lý tương sinh kim-thủy-mộc

– tứ trụ chồng nhiều Canh mà không có Đinh dẫn thì số nghèo khổ, cô đơn; gặp trụ vợ có nhiều Đinh nên từ khi lấy vợ nhà cửa vững chắc, làm lương khá ra

– ngược lại vợ tứ trụ Đinh hỏa sinh mùa đông, phải chọn Canh hay Giáp tương trợ, hòa được với số của chồng nên thuận thảo

– cả hai đều vượng ở chữ Nhâm, vợ thấu Nhâm, chồng tàng địa chi là hữu duyên hữu tình, vợ chồng tương đắc

– duy chỉ có đường con cái là không được hài lòng; vì vợ Đinh hỏa mùa đông lại kỵ Kỷ thổ (Thực) nên sinh con khó, đến nay chưa được lần nào mẹ tròn con vuông.

Nhân vậy viết thêm về thí dụ của 1 cặp tứ trụ gặp nhau cũng như duyên nợ định sẵn. Nhìn vào phải ngạc nhiên vì từng can từng chi ăn khớp với nhau hệt như ông bà bảo là có sợi chỉ bạc cột chặt vậy.

Chồng:…Quý Mão…Ất Sữu…Nhâm Tuất…Quý Mão

Vợ:……..Mậu Thân..Kỷ Mùi…Đinh Hợi…..Bính Ngọ

Ta thấy có 2 cặp Can hợp hóa: Mậu-Quý và Đinh-Nhâm

Chi hợp tốt nhất trong trụ: tam hợp mộc Hợi Mão Mùi

Do có tam hợp nên Mão nằm trong tam hợp rồi không phá Ngọ nữa. Lại có bán hợp Hỏa Tuất-Ngọ (Ngọ vì thế cũng không hình phá Mùi nữa).

Vậy cặp vợ chồng này chung nhau một sức mạnh là Mộc. Vận Ất Mão của vợ là vận lên cao nhất của gia đình vì cũng gặp tam hợp Mộc trở lại. Mộc là ấn thụ của Đinh hỏa (nhật chủ vợ), là Thực Thương của Nhâm thủy (nhật chủ chồng). Hai vợ chồng làm ăn từ 10 năm nay vì thế rất phát, lên như diều gặp gió.

Riêng từng tứ trụ thì chồng thiếu Hỏa, nương vào lực Hỏa vượng của vợ; vợ thì lấy Thủy làm dụng thần (là quan tinh Nhâm trong chi ngày). Trụ ngày của chồng là Nhâm chính là chi Hợi (tàng Nhâm) của vợ.

Thế nhưng đấy là bề ngoài, nhìn cả 2 tứ trụ để hiểu tại sao họ lại kết duyên nợ, nhìn từng tứ trụ thì mới thấy được nhân cách và công việc làm của mỗi người. Nói đến người vợ, tính cách của Đinh âm hỏa sinh mùa hạ, gốc kiến lộc tại giờ Ngọ, Hợi Mùi bán hợp ở trụ tháng là anh chị em giúp đỡ tận tình (không quên Mộc là ấn sinh thân). Nhưng Đinh hỏa thường phải là âm nhu, khí thì phải trung chính, lại thấu Thương và Quan nên nắm đầu chủ trong gia đình. Đinh hỏa phải có Tân kim để bớt xung nộ, nhưng trong trụ không có nên tính lấn lướt chồng con kể như “thoải mái”. Còn trụ ngày của chồng có gì? Nhâm Tuất, tàng Mậu, là Sát. Nam nhi mà có Sát đóng chi ngày là thường dưới quyền “bà”!

Tử bình có nhiều tiêu chí tương hợp để gắn bó, cũng như thiếu sót để bù lấp, nhưng cũng không thiếu cảnh hình, xung, khắc, hại, phá lẫn nhau… mà nếu so sánh sẽ thấy rõ trước mắt, còn các đại vận thì có khi nhờ vận tốt lẫn nhau mà sống đời.

nói ngắn về tứ trụ của Diana. Công nương xứ Wales sinh 1.7.1961, 19:45

SÁT……..KIẾP…………TÀI….THƯƠNG

Tân Sửu – Giáp Ngọ – Ất Mùi – Bính Tuất

Vận: Ất Mùi, Bính Thân, Đinh Dậu, Mậu Tuất

Sinh tháng Ngọ, hỏa vượng, thổ tướng, thân Ất âm mộc vừa cạn kiệt đang hưu tù, thủy cũng bốc hơi tan biến nên phần ấn sinh cho rất yếu. Tất cả can trong trụ đều không có khí gốc hỗ trợ (bản khí tàng trong chi). Thổ trong trụ là Tài vượng, lộ ở chi ngày, nhưng Quan tinh không có, kể như một thí dụ của việc có chồng cũng như không, hoặc là tình yêu thực sự không có.

Hàm trì Đào Hoa nói lên được tính cách không thuận vợ thuận chồng trong tứ trụ này. Trụ năm và trụ ngày rất kém lại thiên khắc địa xung, không có cát thần tạo phúc, nên mệnh rất mỏng manh, không vững.

Xấu nhất là trụ có tam hình Sửu Tuất Mùi chực sẵn. Ngọ Tuất vượng hỏa sinh Tài khắc thân. Kỵ thần tất nhiên là Thổ, trong khi dụng thần (khả dĩ) là Quý không có lực. Vậy ta biết là chuyện gì sẽ xảy ra khi vận Thổ lên, một điều không tránh khỏi! Hỏa Thổ tương sinh cùng vượng làm tứ trụ quá nóng, không thích hợp với Ất mộc.

Vận Bính Thân, Bính hợp Tân hóa thủy, mọi việc êm đẹp, cuối vận lấy chồng lên ngôi công chúa. Vận Đinh Dậu bắt đầu khổ sở tinh thần từ 90, vì Đinh hỏa khắc Tân kim trụ năm, Kỷ thổ đáng lý ra là can hóa giải giữa Đinh và Tân, nhưng vì Thổ là kỵ thần nên ngược lại còn làm tình thế trầm trọng hơn.

Đầu vận Mậu Tuất, Tài vận lên bị Kiếp đoạt (trụ tháng), đấy là tượng hôn nhân đổ vỡ, ly thân, ly dị. Điều xấu nhất trong vận này như đã nói là tam hình gặp đủ: Sửu Tuất Mùi. Năm Sửu gặp vận Tuất cùng với ngày Mùi, bị tai nạn xe năm Đinh Sửu dưới hầm đường xe chạy. Cái nạn Thổ đã tự biểu lộ quá đầy đủ trong các tiêu chí vừa kể:

– các chi đều thổ

– nơi xảy ra tai nạn cũng là 1 loại thổ vì đường hầm đào ở dưới đất

– hành Kim tử mùa Hè ở đây chính là chiếc xe hơi

Nói thêm về tam hình Sửu Tuất Mùi, đây là loại hình thường cho thấy người trong cuộc gặp một trường hợp không thể tự mình thoát ra được, một vấn đề vô phương cứu chữa, mà nguyên nhân là chuyện không đề phòng, không cẩn thận của chính họ.

Lê Công

 


Tin liên quan

Chia sẻ bài viết: 



Bình luận:

Hỗ trợ trực tuyến

Lê Công

0369.168.366

Nhà đất bán theo tỉnh thành
Nhà đất cho thuê theo tỉnh thành
Kinh Dịch
Tử vi
Huyền không Phi Tinh
Văn Hóa_Tín Ngưỡng
Thước lỗ Ban
Xen ngày tốt
Tứ trụ _ Bát tự hà lạc
TIN NỔI BẬT

LÊ LƯƠNG CÔNG

Trụ sở: Số 31 - Mương An Kim Hải - Kenh Dương, Le Chan, Hai Phong

Tel: 0369168366 - Hotline: 0919.168.366 - Email: nhadatcongminh@gmail.com

Copyright © 2019 https://leluongcong.com/