Văn Hóa_Tín Ngưỡng
28/11/2020 - 3:21 PMLê Công 740 Lượt xem

TÍN NGƯỠNG THẦN TÀI

Thần Tài là vị thần chủ quản kim tiền, tài phú, của Trung Hoa.

Tiền bạc là mối bận tâm hàng đầu suốt kiếp, nên thần Tài đặc biệt được hâm mộ. Tùy theo vùng miền, nghề nghiệp mà có những truyền thuyết khác nhau về thần này. Tính sơ số lượng các truyền thuyết phổ biến cũng băm mấy trự, dư sức lập hai đội bóng, với cả hàng ghế dự bị.

Có thể nói, về truyền thuyết thì thần Tài đa dạng và phức tạp nhất. Phân biệt theo tín ngưỡng thì có thần Tài của Đạo giáo, Phật giáo[1], và tín ngưỡng dân gian. Theo hình tượng lại có Văn Tài thần với Võ Tài thần. Đã “Ngũ đại Tài thần” (coi sóc bốn phương và trung ương), lại thêm “Tứ phương Tài thần”, gộp lại thành bộ “Cửu lộ Tài thần”, khiến người ta không khỏi hoa mắt ù tai. Đây chỉ điểm danh vài vị nổi bật.

1- NGŨ ĐẠI TÀI THẦN 五大財神:

– Vương Hợi 王亥: thủ lĩnh đời thứ 7 của bộ lạc Thương; cũng là tổ 8 đời của Thành Thang (vua thành lập nhà Ân). Hợi phát triển chăn nuôi, cũng là người đề xuất trao đổi hàng hóa giữa các bộ lạc, nên được tôn làm thần Tài của giới kinh thương[2], tôn hiệu Trung bân Tài thần 中斌財神.

– Tỷ Can 比干: chú của Đế Tân (Trụ vương), cũng là cậu của Cơ Phát (Châu Võ vương). Ông vì dùng lời ngay can gián mà bị Đế Tân nổi giận moi tim. Theo Đạo giáo, ông không có tim (hư tâm), ắt là bậc công chính, chẳng dạ riêng tây, nên được Ngọc hoàng phong Tài lộc Chân quân 財祿真君, là Đông lộ Tài thần.

– Sài Vinh 柴榮: vua thứ hai nhà Hậu Chu thời Ngũ đại, không những võ công hiển hách mở rộng biên cương, mà còn là bậc minh quân có công phát triển thương nghiệp; Đạo giáo tôn làm Thiên tài Tinh quân, Nam lộ Tài thần.

– Quan Võ: tức anh râu dài trong Tam quốc diễn nghĩa, vì nức tiếng trung thành, nhất là có tín nghĩa, được làm Tây lộ Tài thần.

– Triệu Công Minh 趙公明: cha nội này công nghiệp tầm xàm, chỉ vì trong Phong thần diễn nghĩa được phong Huyền đàn Chân quân 玄壇真君, có bộ tứ tiểu thần liên quan thương nghiệp làm thủ hạ[3], nên Đạo giáo tứ phong Bắc lộ tài thần.

2- TỨ PHƯƠNG TÀI THẦN:

– Phạm Lãi 範蠡: chàng mưu sĩ giúp Câu Tiễn diệt Phù Sai, vừa hoàn thành tâm nguyện phục quốc xong liền phủi đít bỏ công danh, đổi tên họ thành Si Di Tử Bì 鴟夷子皮, đem hết vợ con sang Tề làm nghề cày cấy. Sau lại qua đất Đào (nay thuộc huyện Định Đào, tỉnh Sơn Đông), lấy đất làm họ, lần nữa đổi tên Đào Chu Công 陶朱公, hành nghề mua bán mà trở nên phú gia địch quốc; được phong Đông nam Tài thần.

– Lý Quỷ Tổ 李詭祖: kinh sách Đạo giáo chỉ ghi sinh ngày 17 tháng 9, mất ngày 22 tháng 7, chẳng thấy chép năm nào. Tổ người Tri Xuyên (nay là hạt Tri Xuyên, thành phố Tri Bác, tỉnh Sơn Đông). Thời Hiếu Văn đế Bắc Ngụy (tại vị 471-499), làm Huyện lệnh Khúc lương (nay thuộc tỉnh Hà Bắc). Tổ một đời liêm chính chuyên cần tạo phúc cho dân, có công khơi thông sông ngòi, ổn định giá muối. Ông sống đạm bạc, để dành lương bổng chẩn tế dân nghèo, sau khi mất được dân chúng nhớ ơn lập đền thờ. Về sau, Đường Minh tôn tứ phong cho Tổ “Thần quân Tăng phúc Tướng công” 神君增福相公; các triều Nguyên, Minh, Thanh cũng đều có phong hiệu. Đạo giáo tôn làm Tài bạch Tinh quân 財帛星君, là Đông bắc Tài thần.

Lý Quỷ Tổ có ảnh hưởng cực kỳ sâu rộng, chẳng kém “Võ Tài thần” Triệu Công Minh, hầu hết các tranh mộc bản thờ thần Tài trong dân gian, thậm chí cả trên giấy bạc đời Thanh và thời đầu Dân quốc đều vẽ Lý Quỷ Tổ. Trong tranh, tượng, Tổ thường xuất hiện cùng với Tam đa và Hỷ thần, thành bộ Ngũ cát: Phúc, Lộc, Thọ, Hỷ, Tài. Trong trí tưởng dân Tàu, Tổ là trang tài tử văn nhã, áo gấm đai ngọc, bên ngoài khoác hồng bào, đầu đội mão cánh chuồn, mặt trắng râu dài, vẻ mặt tươi tắn hiền từ, tay trái cầm ngọc Như ý, tay phải nâng chậu vàng có bốn chữ Chiêu tài tiến bảo 招財進寶; có hai đồng tử khoanh tay hầu tả hữu, đứa ngậm đồng tiền, đứa ngậm nén vàng.

– Tử Cống 子貢: tên thật Đoan Mộc Tứ 端木賜. Học trò ưng ý của Khổng tử, “một trong Khổng môn Thập triết”. Học vấn cao thâm, biện luận hùng hồn, ngoại giao kiệt xuất, kinh doanh thiên phú, Cống được tôn Tây nam Tài thần.

– Lưu Hải Thiềm 劉海蟾: tên thật là Tháo 操, tự Tông Thành 宗成, đạo hiệu Hải Thiềm tử 海蟾子, người Quảng Dương (tức U châu, nay là hạt Phong Đài, Bắc Kinh). Tháo sinh vào thời Ngũ đại Thập quốc, là Tể tướng của Yên vương Lưu Thủ Quang, sau tu tiên, làm đệ tử Lữ Động Tân. Tháo cũng là một trong Ngũ dương Tổ sư Toàn Chân giáo. Tương truyền Tháo hàng phục được cóc vàng ba chân ngoài Đông hải, cứ mỗi bước nhảy, cóc này lại khạc đồng tiền, Tháo dùng tiền đó chẩn bần cứu tế[4], được phong Tây bắc Tài thần.

Chín thần Tài kể trên lại được chia ra ba loại: như Tỷ Can, Phạm Lãi, Lý Quỷ Tổ, Lưu Hải Thiềm là “Văn Tài thần”; Triệu Công Minh, Quan Võ là “Võ Tài thần”; Vương Hợi, Sài Vinh là “Quân Tài thần”.

3. CÁC LOẠI KHÁC:

– Bạch Khuê 白圭: sinh thời Chiến quốc, đại thần của Nguỵ Huệ vương, chuyên quản việc đê điều, người đặt nền móng triết lý kinh doanh, là thần Tài của ngành thủy lợi và giới thương hồ.

– Hàn Tín 韓信: tương truyền là người chế ra môn cờ bạc cho binh sĩ giải khuây, là thần Tài của tụi máu mê đổ bác.

– Lưu Tỵ 劉濞: con trai lớn Lưu Hỷ, kêu Lưu Bang (Hán Cao tổ) bằng chú, có công dẹp loạn Anh Bố, được phong đất Ngô, nên còn gọi Ngô vương Tỵ. Tỵ giỏi việc đúc tiền, làm muối, là thần Tài của giới ngân hàng và tiệm chạp-phô.

– Hòa hợp Nhị thánh 和合二聖: hai vị cao tăng thời Đường Thái tôn, không rõ tên họ, đồn là hóa thân của Văn Thù và Phổ Hiền bồ tát, tượng trưng “Hòa khí sinh tài”, là thần Tài của ngành dịch vụ.

– Chung Lữ nhị tiên 鍾呂二仙: tức Hớn Chung Ly và Lữ Động Tân, cặp bài trùng trong Bát tiên. Hai cha nội này có phép chỉ đá thành vàng, là thần Tài của giới kim hoàn.

– Hà Ngũ Lộ 何五路: tay kiếm sĩ sinh vào thời Nguyên, giúp dân chống giặc cướp mà hy sinh. Được lập miếu thờ bên đường, thường hiển linh báo mộng giúp người ta đào kho báu, vang danh Ngũ Lộ thần quân 五路神君, là thần Tài của ngành du lịch, môi giới.

– Bộ Tam đa, vì có Lộc tinh quân, nên được chọn làm thần Tài cho người làm công ăn lương.

3. “PHẬT THẦN TÀI” CỦA TÀU

Tinh thần Phật giáo là cần bỏ bớt tham dục mê luyến trần ai, lấy trí huệ làm giàu cho tâm hồn, nhưng Phật giáo Trung Hoa (nhất là Mật tông) vẫn cố lý giải Phật pháp để lòi ra cho được cả mớ Phật thần Tài.

– Trưởng giả Sudatta (Cấp Cô Độc) từng cúng dường Tịnh xá Jetavan cho chư tăng, nên là thần Tài đại thí chủ.

– Bố y Hòa thượng 布袋和尚: là một nhà sư béo tốt, vui tính, thường quảy túi vải trên vai làm bửu bối, chuyên cứu khổn phò nguy, giúp người tài lộc. Tương truyền ông là hóa thân của Phật Di Lặc, nên còn gọi “Phật thần Tài”.

– Dược sư Lưu ly Quang vương Phật 藥師琉璃光王佛(Bhaisajya-guru Vaidurya-prabharajya): Ngài phát 12 đại nguyện cứu độ chúng sinh, trong đó có Đại nguyện thứ 3: “Nguyện sau này khi được chứng quả Bồ đề, thì vận dụng vô lượng trí tuệ và phương tiện, làm cho mọi chúng sinh cùng được vô tận những vật hưởng dụng, không để chúng sinh nào phải thiếu thốn”. Và lời nguyện thứ 12: “Nguyện sau này khi được chứng quả Bồ đề, thì những kẻ nghèo thiếu y phục, ngày đêm khổ sở vì muỗi mòng, lạnh nóng, nếu nghe danh hiệu ta mà nhất tâm thọ trì, thì như sở thích liền được những thứ y phục thượng hạng, lại được những trang sức vàng ngọc. Hoa vòng hương xoa, âm nhạc hòa tấu và mọi giai điệu sướng vui, tùy ý họ thích, ta làm cho đầy đủ tất cả” (Kinh Dược sư). Dựa vô đó, Phật giáo Trung Hoa cho ngài là tượng trưng của thần Tài.

– Đa bảo Như lai 多寶如來(Prabhūtaratna): theo kinh Diệu pháp Liên hoa, ai trì tụng hồng danh của Đa bảo Như lai, thì có thể đắc trí huệ, tài bảo của pháp tánh mà thụ dụng không hết.

Ngoài ra, cả Chuẩn Đề, Quan Âm, Địa Tạng, thậm chí hình tượng voi trắng sáu ngà (một trong những tiền kiếp của Thích Ca)… cũng được Phật tử Trung Hoa trích cú tầm chương, xuyên tạc giáo lý để nhận làm Phật thần tài; ở đây xin lược bớt để tránh chấp mê.

Đặc biệt nguy hiểm là mỗi Phật thần Tài đều có thần chú riêng để trì tụng, kẻ say mê thờ các Phật này dần bị tiền bạc chế ngự tâm linh, rất khó quay đầu. Nói chung, tín ngưỡng “Phật thần Tài” là biến tướng sa đọa của Phật giáo Trung Hoa.

4. VIỆC THỜ CÚNG VÀ VÍA THẦN TÀI

Trong Đạo giáo, thần Tài chỉ thuộc hàng địa tiên, quan niệm xưa của Trung Hoa lại chú trọng nông nghiệp, hễ có đất tất có tiền[5], do đó Thổ thần đương nhiên kiêm nhiệm chức năng mang lại phú túc như Tài thần, thành thử miếu thần Tài không mấy phổ biến; trải qua tai kiếp Cách mạng Văn hóa, hiện toàn đại lục còn lại không đầy chục miếu cổ thần Tài, phần lớn là được dựng lại trên nền cũ.

Thần Tài chủ yếu thờ tại gia, người ta lập thần vị ngay trước cửa, trên đề: “Môn khẩu Địa chủ Tài thần” 門口地主財神; hoặc “Ngũ phương Ngũ thổ Long thần, Tiền hậu Địa chủ Tài thần” 五方五土龍神, 前後地主財神. Thần Tài nếu được thờ, hàng ngày cũng chỉ hưởng nhang khói suông, đến ngày vía thì có thêm miếng thịt quả trứng.

Lỗi hệ thống đẻ ra cả đám hỗn độn thần Tài, vía mỗi thần lại mỗi khác, như:

– Triệu Công Minh, lấy ngày sinh (âm lịch) rằm tháng Ba làm vía.
– Quan Võ là 13 tháng Năm.
– Lý Quỷ Tổ có tới 3 ngày vía: 19 tháng Ba kỷ niệm được phong thần, 22 tháng Bảy là ngày giỗ, 17 tháng Chín là sinh nhật.
– Tỷ Can, ngày sinh mùng 4 tháng Tư, ngày giỗ 26 tháng Mười.
– Phạm Lãi, vía nhằm mùng 7 tháng Tư, thuyết khác lại cho là 21 tháng Một (11).

Vía thần do đó sau này được nhất trí: Võ Tài thần lấy mùng 5 tháng Giêng, Văn Tài thần lấy 22 tháng Bảy làm ngày vía.

Vía thần Tài, người Tàu cúng tam sinh (cá, heo, gà), trái cây, rượu trắng; nếu là tiệm buôn lớn hoặc công ty thì treo cặp lồng đèn trước cửa, đốt pháo, đãi tiệc lớn, lì-xì cho nhân viên.

5- THẦN TÀI CỦA VIỆT TỘC VÀ NGÀY VÍA MÙNG 10 THÁNG GIÊNG

Thần Tài, cũng như Thổ địa, mới được người Việt thờ cúng khoảng 20-30 năm gần đây. Kiểu bắt chước học đòi, nên chỉ chuộng hình thức, chẳng cần biết nội dung. Nhà giàu thì sắm tượng gỗ tượng đồng “phong thủy”, làng nhàng thì tượng đất nung, rồi đặt ông tênh hênh áng ngữ tủ đựng tiền, hoặc khám thờ ngay lối đi, mặc tình khách ra vô xoa đầu vỗ má.

Đã vậy lại thêm quái tục kỵ động chân nhang, sợ xui, cứ mỗi ngày thắp nhang để y đó, chừng đầy kín thì thắp chồng lên thêm tầng khác, tới cuối năm mới dọn chân nhang đem đốt. Cái lư nhang lúc này trở nên gần với bà Hỏa hơn thần Tài, tiền vô đâu chưa thấy, mà cháy nhà lại là mối họa túc trực.

Khoảng hơn chục năm trở lại, bỗng dưng có tin đồn mùng 10 tháng Giêng là “vía thần Tài”, nói là sắm “vàng thần Tài” vào ngày này sẽ hên, tiền của tuôn vô cuồn cuộn như lũ lụt miền Trung.

Dễ nhận thấy vía mùng 10 này do giới kinh doanh vàng bạc đặt ra[6]: Ăn xong cái tết, phần đông gia đình người Việt đã oải, thị trường èo uột hẳn, chợ búa vắng người qua, cửa tiệm kim hoàn càng ngáp trẹo quai hàm. Nên bọn Ba Tàu bán vàng Chợ Lớn bèn tung chiêu độc bày ra ngày vía đâm bang, đặt lệ mua vàng cầu lộc, vừa kích cầu lại được dịp tăng giá phi mã, bất chấp thị trường quốc tế.

Bắt đầu râm ran ở Quận 5 Sài Gòn chục năm trước, dần dà phong trào lan rộng khắp các tỉnh thành trong Nam ngoài Bắc, trên thượng dưới xuôi, tụi u mê giành giựt chen nhau đâm đầu mua vàng giá cắt cổ, có đắc tài hay không chưa biết, nhưng trước mắt đã chắc phải chịu tiền ngu; “vàng thần Tài” bữa trước mới sắm giá cao, qua bữa sau liền tuột thậm chí có khi còn dưới giá cũ trong tết.

“Vía thần Tài” mùng 10 tháng Giêng xứng là đại lễ hội, để toàn dân đồng lòng làm từ thiện, nuôi mập SJC và các tiệm vàng.

_________

[1] Tất nhiên là thần Tài theo diễn giải của Phật giáo Trung Hoa, đã được biến thể để dung hòa với Đạo giáo. [2] Trong bài chỉ nêu công tích và lý do các nhân vật được tôn làm thần Tài, không tường thuật tiểu sử chi tiết, ai quan tâm muốn tìm hiểu thêm thì tự tra lấy. [3] Gồm: Tiêu Thăng 蕭升(Chiêu bảo Thiên tôn 招寶天尊), Tào Bửu 曹寶(Nạp trân Thiên tôn 納珍天尊), Trần Cửu Công 陳九公(Chiêu tài Sứ giả 招財使者), và Diêu Thiếu Ty 姚少司(Lợi thị Thiên tôn 利市仙官); bộ tứ này chuyên việc nghênh lành đón phước phù trợ thương nghiệp. [4] Lưu Hải hý kim thiềm, Nhất bộ nhất thổ tiền 劉海戲金蟾, 一步一吐錢(Lưu Hải giỡn cóc vàng, Mỗi bước mỗi khạc tiền). [5] Hữu thổ tư hữu tài 有土斯有財. [6] Tra khắp thư tịch Đạo giáo, Phật giáo Trung Hoa, chẳng Tài thần nào có vía trùng với ngày thần Tài của người Việt.

Lê Công

 


Tin liên quan

Chia sẻ bài viết: 



Bình luận:

Hỗ trợ trực tuyến

Lê Công

0369.168.366

Nhà đất bán theo tỉnh thành
Nhà đất cho thuê theo tỉnh thành
Kinh Dịch
Tử vi
Huyền không Phi Tinh
Văn Hóa_Tín Ngưỡng
Thước lỗ Ban
Xen ngày tốt
Văn Hóa_Tín Ngưỡng
TIN NỔI BẬT

LÊ LƯƠNG CÔNG

Trụ sở: Số 31 - Mương An Kim Hải - Kenh Dương, Le Chan, Hai Phong

Tel: 0369168366 - Hotline: 0919.168.366 - Email: nhadatcongminh@gmail.com

Copyright © 2019 https://leluongcong.com/