Văn Hóa_Tín Ngưỡng
25/11/2020 - 6:24 PMLê Công 1240 Lượt xem

THẦN THÁNH TRUNG HOA – NHƯỢC THỦY DỊCH 

Lời giới thiệu:- Nhận thấy từ trước đến nay, người Việt Nam chúng ta theo phong tục tập quán của người Trung Hoa, nên đã tin tưởng và thờ phụng rất nhiều vị Thánh, Thần giống như người Trung Hoa. Tài liệu giải thích về các Ngài thì quá ít và không có cơ sở khảo cứu , chỉ theo truyền khẩu nhiều hơn. Nay tôi xin cố gắng dịch những tài liệu nầy từ một Website có uy tín và khảo cứu cẩn thận, xin kính tặng tất cả huynh đệ trong 4R-HTT. Nếu có chỗ nào sai sót, xin quí cao nhân hoan hỉ chỉ bảo cho (kèm theo nguyên tác để quí vị dễ đối chiếu). Xin thành thật cảm ơn quí huynh đệ. Nhược Thủy

( Mùa Hạ năm Mậu Tí-2008).
MỤC LỤC TẬP I .
1.- Ngọc Hoàng Thượng Đế (bài tóm tắt)
2.- Huyền Thiên Thượng Đế
3.- Nguyên Thủy Thiên Tôn
4.- Ngọc Hoàng Đại Đế (bài chi tiết)
5.- Tây Vương Mẫu
6.- Cửu Thiên Huyền Nữ
7.- Nữ Oa Nương Nương
8.- Thái Thượng Lão Quân
9.- Phụ lục:- Tam Hoàng + Ngũ Đế
10.- Bảo Sanh Đại Đế
11.- Tam Quan Đại Đế
12.- Bà Thiên Hậu Thánh Mẫu
13.- Văn Xương Đế Quân
14.- Quan Thánh Đế Quân
15.- Thập điện Diêm La Vương
16.- Định Phước Táo Quân (Ông Táo)
17.- Phước Đức Chính Thần (Thổ Địa)
18.- Tài Thần (Thần Tài)
19.- Thành Hoàng
20.- Thái Tuế
21.- PL:-Tên của 60 Thái Tuế theo sáu trường phái
22.- PL:- Kinh Minh Thánh của Đức Quan Thánh Đế Quân
23.- Cách cúng an vị Thái Tuế mỗi năm (có bài vị mẫu vả thần chú)
24.- Chức năng của Nhị Thập Bát Tú (cai quản về việc gì của con người)
25.- Bắc Đẩu Thất Tinh Nguyên (Ngươn) Quân
26.-Thần chú Bắc Đẩu Tiêu Tai cho từng tuổi hàng ngày (giải trừ vận xấu)
27.-Đại Thánh Bắc Đẩu Thất Nguyên Quân năng giải ách.
28.- Nguyên Thần Điện ( Điện thờ các tinh tú)
29.-Bắc Đẩu Chân Kinh
30.- Tiên Thiên Tôn Thần–Tứ Ngự
31.-Tiên Thiên Tôn Thần–Tam Thanh–Linh Bửu Thiên Tôn
32.-Thái Thượng Linh Bửu Thiên Tôn thuyết Diên Thọ Kinh
33.-Tiên Thiên Tôn Thần-Tứ Ngự–THỔ HOÀNG (Hậu Thổ)
34.-Tiên Thiên Tôn Thần-Tứ Ngự–Câu Trần Đại Đế
35.- Tiên Thiên Tôn thần-LÔI TỔ
36.- Lôi Bộ Ngũ Nguyên Soái
37.- Lôi Công — Điễn Mẫu
38.-Chân Vũ Đại Đế (bổ sung bài Huyền Thiên Thượng Đế)
39.- Đông Nhạc Đại Đế
40.- Hỏa Đức Tinh Quân
41.- Viêm Đế THẦN NÔNG
42.- Tam Thái Tử (Na Tra)
43.- Lữ Đồng Tân (Phù Hữu Đế Quân)
44.- Chú Sanh Nương Nương (Bà Chúa Thai Sanh)
45.- Thái Âm Nương Nương (Nguyệt Nương)
46.- Nguyệt Hạ Lão Nhân (Nguyệt Lão)
47.- Môn Thần
48.- Hòa Hợp Nhị Tiên (Hàn Sơn — Thập Ðắc)
49.- Pháp Chủ Công
50.- Tế Công Hoạt Phật–Phụ lục:- Tế Công Thánh Huấn
51.- Thất Nương Mụ (Má)
52.- Sàng Mụ (Má)
53.- Thái Dương Tinh Quân
54.-Khai Chương Thánh Vương
55.- Tam Sơn Quốc Vương
56.- Thanh Thủy Tổ Sư
57.- Khôi Tinh
58.- Thương Hiệt Tổ Sư
59.- Bát Tiên (tổng quát)
60.- Tiểu sử của Bát Tiên (viết theo truyện Đông Du Bát Tiên)
61.- Bích Hà Nguyên Quân.
62.- Tam Tinh Phước Lộc Thọ.
63.- Vũ Sư (Thần Mưa)
64.- Phong Bá (Thần Gió)
65.- Long Vương
66.- Thờ Bạch Hổ
67.- Thiên Đình (cách tổ chức)
68.- Nhị Thập Bát Tú (hệ thống, tên sao, ý nghĩa, sao ngày nay theo Thiên văn)
69.- Thạch Cảm Đương (Đang) (bùa đá trấn yểm)
70.- Nam Cực Trường Sinh Đại Đế (Nam Cực Tiên Ông)
71.- Thái Ất Cứu Khổ Thiên Tôn
72.- Đông Vương Công (Mộc Công)
73. Đẳng cấp của Thần Thánh
74.- Giới thiệu tổng quát về Thần Thánh Trung Hoa (bài đầu tiên)
75.-Giới thiệu tóm tắt Thần Thánh Trung Hoa theo lịch sử
76.- Trung thiên Bắc Cực Tử Vi Đại Đế
(Hết Tập I–Xin xem tiếp Tập II )
1. NGỌC HOÀNG ĐẠI ĐẾ.
Nguyên danh của NGỌC HOÀNG ĐẠI ĐẾ là gì ?
Tiểu sử Đức Ngọc Hoàng Đại Đế như sau:-
NGỌC HOÀNG ĐẠI ĐẾ gọi tắt là NGỌC HOÀNG , cũng xưng là Hạo Thiên Kim Khuyết Điệt Tôn NGỌC HOÀNG ĐẠI ĐẾ hay Huyền Khung Cao Thượng NGỌC HOÀNG ĐẠI ĐẾ .
Đời nhà Tống, vua Chân Tông và Huy Tông đều có thánh hiệu nầy. Tống Chân Tông thì xưng là Thái Thượng Khai Thiên Chấp Phù Ngự Lịch Hàm Chân Thể Đạo NGỌC HOÀNG ĐẠI THIÊN ĐẾ . Tống Huy Tông thì xưng là Thái Thượng Khai Thiên Chấp Phù Ngự Lịch Hàm Chân Thể Đạo Hạo Thiên NGỌC HOÀNG THƯỢNG ĐẾ . Còn trong Đạo Kinh tôn xưng là Hạo Thiên Kim Khuyết Vô Thượng Điệt Tôn Tự Nhiên Diệu Hữu Di La Điệt Tôn NGỌC HOÀNG THƯỢNG ĐẾ .

*Y cứ vào “Cao Thượng Ngọc Hoàng Bản Hạnh Tập Kinh”, ở Hạo Thiên giới, có đức Quang Nghiêm Tịnh Lạc quốc vương và Hoàng hậu Bảo Nguyệt hạ sinh ra NGỌC HOÀNG ĐẠI ĐẾ . Khi vừa sinh ra, toàn thân tỏa hào quang. Trong nước tất cả đều được sung mãn, lúc còn nhỏ thì Ngài được thông minh sáng suốt, khi lớn lên thì tâm từ chan rãi khắp nơi, đem tiền bạc vật báu trong kho ra bố thí cho những kẻ nghèo nàn khốn khó, cô đơn không nơi nương tựa, đói rách tàn tật. Sau khi quốc vương Tịnh Lạc băng hà, thì Thái tử lên ngôi trị vì, đất nước rất phồn thịnh. Một thời gian sau, vua giao lại nước cho các đại thần, rồi vào trong núi Phổ Minh Hương Nham mà tu hành, trải qua ba ngàn hai trăm kiếp
chứng được kim tiên, lấy hiệu là “Tự Nhiên Giác Hoàng”, lại trải qua trăm ngàn kiếp nữa mới chứng Ngọc Đế.

1.- LÀ VUA CỦA MUÔN THẦN:
NGỌC HOÀNG ĐẠI ĐẾ là vua các cõi trời, các cõi tiên; là chủ của các cõi thánh, là Thần tối cao của ba động Tiên, của các Thần trong tam giới. Ngọc Hoàng có quyền ra mệnh lệnh cho chín từng trời, cai trị các thần trong năm non bốn biển. Đi đâu thì muôn thần theo làm tả hữu, giống như hoàng đế trần gian có các bề tôi theo hầu vậy. Ông Bạch Cư Dị có bài thơ rằng:-
“An kỳ tiện môn bối,
Liệt thị như công khanh
Ngưỡng yết Ngọc Hoàng đế,
Khể thủ tiền trí thành”
*Dịch:-
“Xung quanh nhiều kẻ hầu,
Giống như các quan chầu
Ra mắt đức Ngọc Đế,
Như thành kín, cúi đầu”
(các quan vây quanh như tường thành kín đáo vậy)

2.- CAI QUẢN HẾT THIÊN ĐẠO:-
NGỌC HOÀNG ĐẠI ĐẾ là hóa thân của Tam Thanh. Ngọc Hoàng đối với tam thanh giống như là trước thì không có mà sau thì diệu hữu, trước là Vô cực sau là Thái cực , trước thì vô vi sau là hữu vi vậy. Vì thế, Ngọc Hoàng là chủ tể của Tam tài, đứng đầu thiên địa nhân. Ngọc Hoàng điều khiển Tử Vi Bắc Cực Đại Đế điều hành ngang dọc của trời đất; khiển Câu Trần Thượng Cung Đại Đế điều hành Tam Tài, chấm dứt việc binh đao; khiển Hậu Thổ Hoàng Địa theo âm dương mà sanh sanh hóa hóa. Nói chung, khắp cả đất trời, núi sông đất lớn, tạo hóa âm dương …không có gì ở ngoài sự chưởng quản của NGỌC HOÀNG ĐẠI ĐẾ .

*VIỆC CÚNG TẾ:-
Ngày đàn sanh của NGỌC HOÀNG ĐẠI ĐẾ là mùng chín tháng giêng. Nơi các cung quán đền miếu của Đạo Giáo đều có cử hành nghi thức cúng tế, gọi là “Hội Ngọc Hoàng” . Đạo sĩ và tín chúng tụ hội tổ chức đại lễ “Trai thiên” (Lễ Chạp Trời) để cầu xin được ban bố phúc đức, thọ mạng dài lâu.
Ở hai tỉnh Phúc Kiến và Đài Loan, dân chúng gọi NGỌC HOÀNG ĐẠI ĐẾ là “Thiên Công” (Ông TRỜI), ngày mùng 9 tháng 1 gọi là lễ “Bái thiên công” (lạy ông Trời). Cả nhà già trẻ bé lớn , đều ăn chay, tắm gội sạch sẻ, dâng hương lễ bái, tụng kinh. Có nơi còn tổ chức hát ca vui vẻ. Miền bắc Trung Quốc còn có tập tục rước kiệu tượng Ngọc Hoàng đi vòng quanh khắp đường trong xóm ấp mình. Đến ngày 25 tháng chạp , các đạo quán và dân chúng làm lễ dâng hương tụng kinh để kính tiễn Ngọc Hoàng.
Huyền Thiên Thượng Đế
Theo tín ngưỡng dân gian từ xưa đến nay của người Trung Quốc thì luôn có tư tưởng “cảm ứng” giữa người và trời đất. Họ tin rằng có sự tương quan giữa việc tinh tú vận chuyển và mệnh vận con người. Trong số những tinh tú, tất cả đều di chuyển chỉ trừ “Sao Bắc Cực” là chẳng động, cho nên người ta đã thần thánh hóa gọi đó là “Bắc Đẩu Tinh Quân” , ý nói lên đó là một ngôi sao tôn quí nhất. Hình tượng hóa gọi là Huyền Thiên Thượng Đế .
Huyền Thiên Thượng Đế uy phong lẫm liệt, tám mặt sinh gió. Hình dáng là một vị mặc áo bào đen, tay cầm bảo kiếm, chân đạp lên rùa và rắn. Hai bên có Kim Đồng Ngọc Nữ tay cầm cờ đen theo hầu, gọi là hai tướng thủy hỏa. Nhưng nguyên hình của Huyền Thiên Thượng Đế là sự kết hợp của rùa và rắn tạo thành, tức là “lưỡng chỉ bà trùng”. Hình tướng rùa rắn hợp thành nầy, chính là kết quả của sự sùng bái tinh tú từ thời xa xưa tạo nên.

Huyền Thiên Thượng Đế gọi đầy đủ là “Hựu Thánh Chân Vũ Huyền Thiên Thượng Đế Chung Kiếp Tế Khổ Thiên Tôn” , cũng còn xưng các danh hiệu khác là “Bắc Cực Huyền Thiên Thượng Đế”, “Huyền Vũ Đế”, “Bắc Cực Đại Đế”, “Chân Vũ Đại Đế”, “Chân Vũ Đại Tướng Quân”, “Nguyên Thiên Thượng Đế”, “Khai Thiên Đại Đế”, “Khai Thiên Viêm Đế”, “Chân Vũ Đế”, “Khai Thiên Chân Đế”, “Thủy Trường Thượng Đế”, “Chân Như Đại Đế”, “Nguyên Vũ Thần”, “Bắc Cực Hựu Thánh Chân Quân”, “Nguyên Đế”, “Bắc Cực Thánh Thần Quân”, “Tiểu Thượng Đế”. Đến đời nhà Thanh thì sách vở văn hóa tôn xưng Ngài quá nhiều, gọi tắt là “Thượng Đế Công”, “Thượng Đế Gia”, “Đế Gia Công”.

Đạo gia nhận ra rằng, phương Bắc là nơi lạnh lẽo u ám, cũng là hồn con người trở về sau khi chết. Do đó, cho rằng phương Bắc rất huyền diệu, mà vị thống trị phương Bắc u ám đen tối nầy là “Huyền Thiên Thượng Đế ”.Niềm tin của quần chúng lớn dần, khi trải qua nhiều đời vua chúa tín ngưỡng cúng tế.
Đời xưa, gọi bảy sao phương bắc :- Đẩu, Ngưu, Nữ, Hư, Nguy, Thất, Bích chung một tên là “Huyền Vũ”, cũng để chỉ cho “Sao Bắc Đẩu”.
Căn cứ vào sách “Lễ Ký”, nói rằng “Tiền Châu Tước, hậu Huyền Vũ” (phía trước là chòm sao Châu Tước, phía sau là chòm sao Huyền Vũ). Châu Tước là để chỉ cho sáu sao phương Nam. Các nhà thiên văn Trung Quốc xưa, chia các vì tinh tú ra thành 28 chòm, gọi là “Nhị thập bát tú”, rồi lấy 28 chòm sao nầy làm giới hạn để định ra bốn “tổ” (hướng) Đông, Tây, Nam, Bắc. Mỗi tổ có 7 chòm sao, tưởng tượng đến các hình tượng con vật, kết hợp với lý luận năm phương năm sắc, thành ra :-
-phương Đông gọi là Thanh Long. (rồng xanh)
-phương Nam gọi là Châu Tước. (chim sẻ đỏ)
-phương Tây gọi là Bạch Hổ. (hổ trắng)
-phương Bắc gọi là Huyền Vũ (rùa rắn phối hợp)
như thế thành ra “Tứ Tượng”.
*Rùa là một trong “tứ linh” (long, lân, quy, phượng), còn rắn là một con vật linh thiêng thần thoại, người xưa rất tôn quí. Bảy sao phương bắc Huyền Vũ được tưởng tượng thành con vật phối hợp giữa rùa và rắn. Ngày xưa, Đạo giáo tôn xưng bốn vị Thanh Long, Bạch Hổ, Huyền Vũ, Châu Tước là bốn vị thần Hộ Pháp, nghĩa là bốn vị tiểu thần mà thôi. Nhưng sau đó, đột nhiên Huyền Vũ được trở thành vị thần lớn của Đạo giáo, là vị Thống Soái phụng lãnh mệnh lệnh của Ngọc Đế trấn giữ phương Bắc . Nhiều đời vua chúa phong tặng là “Chân Quân”, “Đế Quân”, “Thượng Đế”… ngày càng cao thêm . Triều đại nhà Tống sửa đổi “huyền vũ” thành ra “chân vũ ” , đến đời Tống Thần Tông phong là “Huyền Thiên Thượng Đế”, đó là tinh thần “nhân cách hóa” sự vật.
Theo quan điểm Đạo giáo, “huyền” là hợp hai thứ rùa rắn, ở phương bắc, màu đen nên xưng huyền. Mà phương Bắc là vị trí của đế vương, nên Huyền Vũ là “vua của bầu trời”, gọi là “Bắc phương Nhâm Quý chí linh thần” , là vị “ứng hóa thân của Kim Khuyết Chân Tôn” (Ngọc Đế).
Huyền Thiên Thượng Đế cũng là hóa thân của “Bắc Cực Huyền Vũ Tinh Quân” , Đạo giáo cũng còn tôn xưng Ngài là “Tam nguyên đô thống soái”, tức là giáo chủ của muôn pháp, thống quản cả 36 vị nguyên soái khác, có uy quyền vượt trội, sự linh nghiệm không ai hơn, là vị “Tối linh Tối thịnh” trong Đạo giáo, là vị thần minh lớn nhất. Như vậy, Huyền Thiên Thượng Đế là vị thần cao cấp nhất, được thờ phụng trong “Bắc Cực Điện” hay “Chân Vũ Điện”.

* Triều đại nhà Hán, gọi là miếu thờ “Huyền Vũ Chân Quân”. Đến đời Tống, vì vua khai quốc tên “DẬN” có liên quan ý nghĩa đến “Huyền” nên kỵ húy đổi “huyền vũ” thành “chân vũ”, nhưng đến Tống Chân Tông thì bỏ lệ kỵ húy nầy, trả “chân vũ” trở lại thành “huyền vũ”. Suốt cả ngàn năm, “Huyền Vũ Chân Quân” đều chỉ xưng là “Quân” hay “Sư” chứ chưa bao giờ xưng “Đế” .
Tương truyền vào cuối nhà Nguyên, ông Chu Nguyên Chương trong một lần thất trận, trốn vào miếu thờ “Chân Vũ” mà thoát khỏi nạn đuổi bắt của binh lính nhà Nguyên, nên sau khi lên ngôi lập ra nhà Minh, ông hạ lệnh cho trùng tu các miếu thờ “Chân Vũ”, tô đắp tượng bằng vàng, lại tự đề bút sắc phong miếu thờ thành “Bắc Cực Thần Điện” nơi tấm bảng treo trước cửa và gia phong cho Ngài thành ra “ Huyền Thiên Thượng Đế ”.

* Cũng theo truyền thuyết Đạo giáo , Ngài Huyền Thiên Thượng Đế vốn là một vương tử. Vào thời Huỳnh Đế, Ngài thoát thai nơi hoàng hậu Thiện Thắng ở Tịnh Lạc Viên. Lúc trẻ đã có tâm tu hành, lớn lên thành thanh niên uy dũng nhưng không muốn kế thừa ngôi vua. Về sau, được vị Nguyên Quân truyền trao “bí pháp”, lại được thiên thần trao tặng kiếm báu, vào Vũ Đương Sơn tu luyện, suốt 42 năm thì đắc quả sanh thiên. Nhân vì có công thống lãnh thiên binh thiên tướng chinh phạt giặc dữ thành công, nên Ngọc Đế phong cho Huyền Thiên Thượng Đế , trấn giữ phương Bắc.

* Còn theo truyền thuyết dân gian, Huyền Thiên Thượng Đế vốn là một người đồ tể, mỗ heo sinh sống. Lúc tuổi về già, ăn năn nghiệp sát sanh quá nặng, không tích chứa được công đức, nên quyết chí tu đạo, buông đao đồ tể, vào chốn thâm sơn tu tập. Ngài đã siêng năng tu tâm dưỡng tánh nhiều năm, nên được đức Quan Âm điểm hóa cho. Đức Quan Âm nói rằng, vì trước đây, Ngài đã sát sanh quá nhiều, phải làm lễ “Tẩy rửa gan ruột” mới có thể chứng quả. Ngài đã tin tưởng hết sức chân thành ,can đảm tự mỗ bụng mình ra, rồi đem ruột gan xuống sông tẩy rửa, cắt bỏ những phần bao tử và ruột bị hư thúi, làm đen cả khúc sông, cứ rửa mãi cho đến khi nước sông trong trở lại, mới đem gan ruột cho vào bên trong bụng may lại. Hành động nầy cảm ứng đến trời nên được đắc thành chánh quả, được phong là “ Huyền Thiên Thượng Đế ”. Từ đó mới xuất hiện điển cố “Phóng hạ đồ đao, lập địa thành Phật” (buông dao đồ tể, trọn nguyện thành Phật).
Nhưng những phần bao tử và ruột của Ngài cắt bỏ nơi sông, trải qua nhiều năm tháng hấp thụ tinh khí trời đất, biến thành hai con Yêu Rùa Và Yêu Rắn, làm hại người trần, Huyền Thiên Thượng Đế phải tự thân hạ giáng trần gian để thu phục hai con yêu nầy. Lúc đầu, Ngài địch không nổi với hai con yêu nầy, phải cầu thỉnh với “Bảo Sanh Đại Đế” trợ giúp. Nhờ vào uy lực của 36 thiên tướng ( 36 ngôi thiên cương) bao vây và nhờ có thần lực kiếm quang mạnh mẽ của “Phục ma Bắc đẩu thất tinh kiếm” mới đè bẹp được hai con yêu nầy.Nhưng hễ dở kiếm lên thì hai con yêu lại toan cựa quậy, ví thế Ngài phải dùng chân đạp hai con yêu nấy để kềm thúc chúng, mới trả kiếm lại cho Bảo Sanh Đại Đế được. Từ đó, rùa và rắn trở thành hai người hộ vệ hai bên tả hữu của Ngài.

*Lại có một truyền thuyết khác, ngày xưa có một người đổ tể và một vị ăn chay trường cùng đi trên con đường đến yết kiến Phật Quan Âm ở núi Côn Lôn. Lúc đi qua sông nhưng không có phương tiện để qua, vị ăn chay lòng trù trừ chẳng muốn đi tiếp, còn người đồ tể thì có lòng tha thiết muốn triều bái Phật, chẳng nệ sông chết liều mạng bơi qua sông, kết cuộc đến nơi. Nhưng vì trước đây ông đã sat sanh quá nhiều, sáu căn không thanh tịnh, nến không thể tiến vào bên trong được. Do vậy, người đồ tể tự mỗ bụng bày ra nội tạng để tỏ lòng chí thành . Do đó cảm động đến thiên đình, Ngọc Đế cho phép lấy bao tử của ông biến thành con rùa, còn ruột biến thành con rắn, chở linh hôn người đồ tể nầy lên cõi trời, trở thành Huyền Thiên Thượng Đế . Nhân vì ông ta tự mỗ bụng để chứng minh lòng thanh tịnh, nên đời sau tôn xưng là “Khai tâm Tôn giả” (tôn giả mở bày tâm)

*Trong “Thần dị truyện” có chép :- “Đức Chân Quân cầm kiếm, tróc nã yêu tinh khắp các nơi trong trời đất, khiến chúng sợ hãi mà qui phục. Tượng Ngài rất dữ tợn, áo mão không chỉnh tề, dưới chân có hai con rùa rắn. Rùa là nói loài yêu ở cõi trời, rắn là nói loài yêu ở dưới đất”.
*Còn sách “Đồ Chí” thì chép, Chân Vũ vốn là Thái Tử của Tịnh Lạc Vương, tu luyện ở Vũ Đương Sơn, kết quả được thăng thiên, phụng mệnh lệnh của Thượng Đế trấn thủ Bắc thiên môn, chân để trần, cầm cờ màu đen”.
*Sách “Kim Lăng chí” nói:- “Chân Vũ Đại Đế tức là bảy sao Huyền Vũ có hình tượng kết hợp rùa và rắn, nên để hình tượng rùa rắn nầy dưới chân Ngài”
*Sách “Bành Hồ Phi Lược” chép:- “Bắc Cực Chân Vũ Huyền Thiên Thượng Đế , trước là thần Huyền Vũ trấn phương bắc , Huyền vũ thuộc thủy, nước màu đen, nên áo mão và cờ đều màu đen. ………………….
(Đoạn kế nầy quá tối nghĩa không dịch được, kính nhờ quí cao nhân dịch giùm từ nguyên tác ở trên).
*Trong “Đài Loan huyện chí” có ghi :- “Miếu thờ Chân Vũ, có một ở phường Đông An, một tại phường Trấn bắc, thờ vị “Bắc Cực Hựu Thánh Chân Quân” .Ngoài ra các nơi khác có tôn tạo hình tượng như trấn An Bình, Thất Côn Thân ở cửa bắc, Lộc Nhĩ Môn …đều có tượng rùa rắn dưới chân. Khi họ Trịnh đến Đài Loan đã thấy có nhiều Miếu thờ Chân Vũ để làm phép trấn bình an cho cuộc đất”.
*Cách tạo hình tượng Huyền Thiên Thượng Đế là:- đầu đội mão vàng, tướng dạng oai nghiêm hiển hách. Mình mặc áo đen, có năm chòm râu dài, gương mặt từ ái hòa nhã. Tay phải cầm kiếm Bắc đẩu thất tinh, tay trái bắt ấn. Hai chân màu đỏ, chân phải đạp con rắn, chân trái dậm con rùa, sau lưng có giắt cờ đen, hai bên có Kim Đồng Ngọc Nữ tức là Thủy Hỏa nhị tướng theo hầu”.
*Tương truyền thuộc hạ của Huyền Thiên Thượng Đế gồm có bốn vị nguyên soái là :- Khang, Triệu, Lưu, Lâm nguyên soái. Ngài là phụ tá Thượng Đế Công để giữ an cung khuyết của thiên đình, đồng thời bảo hộ cho khắp hết sanh linh. Y cứ theo sách “Tam giáo suy thần đại toàn” (Thần thánh đầy đủ của tam giáo) thì Khang nguyên soái tên Diệu Uy là sao Long Mã chuyển thế, được Ngọc Đế sắc phong làm Nhân Thánh Nguyên Soái ; Triệu nguyên soái tên là Lãng Nhất, tự Công Minh, hiệu Vĩnh Xưởng, đời nhà Tần ở trong núi, chuyên ròng tu hành dắc đạo, công đức viên mãn, được Ngọc Đế phong làm Thần Tiêu Phó Tướng. Còn hai vị Lưu , Lâm nguyên soái là hai vị đi theo Huyền Thiên Thượng Đế để cầu đạo tu hành, rồi sau hộ vệ Huyền Thiên Thượng Đế thăng thiên, cũng được Ngọc Đế phong làm Thần Tiêu Phó Tướng.
Ngày vía của Huyền Thiên Thượng Đế là ngày mùng ba tháng ba âm lịch.
NGUYÊN THỦY THIÊN TÔN

*Đức Nguyên Thủy Thiên Tôn còn gọi là “Ngọc Thanh Nguyên Thủy Thiên Tôn”, là vị tối cao trong Tam Thanh, cũng là vị Tôn Thần hạng nhất của Thần Tiên Đạo Giáo. Theo “Lịch đại thần tiên thông giám” tôn xưng Ngài là “Vị Tổ chủ trì cõi trời”. Địa vị của Ngài tuy cao, nhưng lại xuất hiện muộn hơn Thái Thượng Lão Quân.
Hồi đầu của Đạo giáo không thấy nói đến Nguyên Thủy, trong “Thái Bình Kinh”, Tưởng Nhĩ Chú” cũng đều không thấy ghi tên Ngài, kể cả trong thần thoại xưa Trung Quốc cũng không thấy nói đến hành trạng Ngài. Danh xưng Nguyên Thủy xuất hiện sớm nhất trong “Chẩm trung thư” ghi là “Trước lúc hổn độn chưa phân rõ (thái cực), đã có “tinh hoa của trời đất” hiệu là “Nguyên Thủy Thiên Vương” sẵn bên trong, sau phân hóa thành hai phần (lưỡng nghi), Nguyên Thủy Thiên Vương ở phía trên cõi trời, ngẫng lên hút thiên khí, cúi xuống uống địa tuyền (suối đất ) trải qua vô số kiếp , cùng với Thái Nguyên Ngọc Nữ thông khí kết tinh mà sanh ra Thiên Hoàng Tây Vương Mẫu. Thiên hoàng sanh ra Địa Hoàng, Địa Hoàng sanh ra Nhân Hoàng, tiếp tục sanh ra con cháu là Bào Hi, Thần Nông. Cho nên bảo rằng : “Phía trên Đại La có bảy ngọn núi báu gọi là Huyền Đô Ngọc Kinh, có ba cung. Thượng cung là nơi ở của Bàn Cổ Chân Nhân, Nguyên Thủy Thiên Vương và Thái Thái Thánh Mẫu”. Như vậy, từ đây mới có danh xưng Nguyên Thủy Thiên Vương.
Đến thời kỳ Nam Bắc triều, trong sách “Chân linh vị nghiệp đồ” của Đào Hoằng Cảnh nước Lương, mới ghi danh hiệu Nguyên Thủy Thiên Tôn. Sách nầy nói rằng vị thần tối cao làm chủ tất cả là “Thượng thai hư hoàng đạo quân”, hiệu là Nguyên Thủy Thiên Tôn, cũng xưng là Ngọc Thanh Cảnh Nguyên Thủy Thiên Tôn. Nhưng trong sách nầy lại cũng có ghi vị “Nguyên Thủy Thiên Vuơng” được xếp vào vị trí thứ tư, gọi là “Tả vị đệ tứ thần”.

*Sách “Kinh Tịch Chí Tứ” đời Tùy giải nghĩa đặc tính của Nguyên Thủy Thiên Tôn và chư thần, nói rằng Nguyên Thủy Thiên Tôn sanh trước khi có trời, cho Ngài là “Thể của trời , còn mãi không mất. Mỗi khi mở ra trời đất, nhận cái đạo thể bí mật thần diệu đó mà sinh trưởng. Trời đất chẳng phải cùng có một lần, mà phải qua các trình tự:- diên khang, xích minh, long hán, khai hoàng, trải suốt bốn mươi triệu năm . Hàng thượng phẩm của chư Tiên có Thái Thượng Lão Quân, Thái Thượng Trượng Nhân, Thiên Hoàng Chân Nhân, Ngũ Phương Ngũ Đế và các Quan Tiên”.
Các đạo sĩ đời Tùy lại xưng Ngài là “Lạc Tĩnh Tín” . Như vậy, bắt đầu từ đời Tùy, Đường mới có xuất hiện các chuyện thần thoại nói về các vị thần tối sơ và nêu lên tín ngưỡng của tín đồ Đạo giáo đối với Nguyên Thủy Thiên Tôn.

*Liên quan đến danh xưng Nguyên Thủy Thiên Tôn , trong “Sơ Học Ký” quyển thứ hai mươi ba có dẫn theo “Thái Huyền Chân Nhất bản tế kinh” giải thích:-“Không gì tôn kính hơn, không gì cao cả hơn, là bậc duy nhất khởi đầu cho muôn vật, nên có tên là “Nguyên Thủy” , chuyển vận cái “Đạo” hết sức tôn quí, lại thường cai quản nhị thanh (thượng thanh và thái thanh) , ở trên các trời, nên xưng là “Thiên Tôn”.

*Sách “Lịch đại thần tiên thông giám” nói:- “Nguyên chính là gốc, thủy chính là khởi đầu, tức là khí tiên thiên vậy”. Điều đó nói lên Nguyên Thủy là nguồn gốc tối sơ của muôn vật, ở trên tất cả thần tiên, gọi là “Thiên Tôn” (tôn quí hơn cả trong hàng chư thiên).

* Căn cứ vào Đạo Kinh thì :- “Nguyên Thủy Thiên Tôn vốn là “Khí tự nhiên”, có trước vũ trụ vạn vật. Thể của nó còn mãi chẳng mất, cho dù trời đất có hủy diệt thì cũng chẳng ảnh hưởng gì đến sự tồn tại của nó. Cứ mỗi lần hình thành “trời đất mới” thì Thiên Tôn lại giáng lâm nhân thế, khai mở đạo pháp áo bí để độ chúng sanh. Chỗ độ người nầy là những phẩm cao nhất của thiên tiên, kể cả “Thái Thượng Lão Quân”, “Thiên Chân Hoàng Nhân”, các thần tiên năm phương cõi trời. Những lần hình thành “trời đất mới” đều có niên hiệu như là:- “Diên Khang”, “Xích Minh”, “Long Hán”, “Khai Hoàng” v.v…Mỗi niên hiệu kéo dài 41 triệu năm. Do đó, đức Nguyên Thủy Thiên Tôn ở nơi tầng cao nhất là cõi “Đại La Thiên” trong 36 cõi trời. Theo Ngọc Kinh diễn tả là, đất bằng vàng ròng , thềm bậc là ngọc thạch. Trong cung có bảy báu, ngọc quí, các vị Tiên Vương, Tiên Công, Tiên Khanh, Tiên Bá, Đại phu Tiên cùng ở điện trung ương và điện hai bên. Hình thái nầy là do người thế gian mô phỏng theo sinh hoạt của vua chúa trần gian mà tả ra.

*Như vậy, ta thấy quá trình biến hóa gốc từ “nguyên thủy” vốn đầu tiên là thuật ngữ triết học của Đạo gia, về sau mới được “thần hóa” dần dần trở thành Vị Tối Cao của các thần trong Đạo giáo, đứng đầu Tam Thanh. Nếu nhìn ở giác độ lịch sử thì việc chuyển từ quan điểm cá nhân của đạo gia trở thành quan điểm chung của đạo giáo cũng là điều dễ hiểu, cho việc tạo thành “Đấng tối sơ duy nhất” nầy.

*Cũng theo “Lịch đại thần tiên thông giám” mô tả về Nguyên Thủy Thiên Tôn “hào quang bao quanh đầu, toàn thân có 72 sắc”, cho nên trong điện thờ “Tam Thanh”, hình tượng Nguyên Thủy đầu có vầng hào quang, tay cầm viên linh đan màu đỏ; hoặc tay phải như đang bưng một vật gì còn tay trái thì ném cái gì đó ra ngoài. Hình tượng nầy mang ý nghĩa “trời đất chưa thành hình, còn hỗn độn chưa mở ra, muôn vật chưa sanh ra” để diễn ý “trạng thái vô cực” và “thời hỗn độn chưa phân rõ âm dương” ở vào đại thế kỷ thứ nhất.
Cho nên về sau, Đạo gia lấy ngày “ Đông Chí” mang nghĩa “dương sanh âm giáng, ngày ngắn đêm dài” làm ngày thánh đản của đức Nguyên Thủy Thiên Tôn .
Thời gian trải qua khá lâu, sự sùng bái Ngài được sâu rộng, trên là từ vua chúa , dưới đến thứ dân, không ai là chẳng thành tâm lễ lạy.

Nguyên Thủy Thiên Tôn
Nguyên Thủy Thiên Tôn còn được tôn xưng là “Nguyên Thủy Thiên Vương ” Ngọc Thanh Tử Hư Cao Thượng Nguyên Hoàng Thái Thượng Đại Đạo Quân , là Ông Tổ của Đạo Giáo. Ngài đã hiện hữu từ lúc “Thái nguyên” (lúc chưa mở ra vũ trụ vạn vật) cho nên được xưng là “Nguyên Thủy” (bắt đầu).
Theo truyền thuyết, lúc “Thái cực” chưa phân thành “Lưỡng nghi” , trời đất mặt trời mặt trăng chưa có, đã hiện hữu một vị “Bàn Cổ Chân Nhân”, là tinh hoa đầu tiên của vũ trụ, tự xưng là “Nguyên Thủy Thiên Vương “.
Trải qua thời gian tám kiếp số, mới phân thành hai nghi âm dương. Khi ấy, Nguyên Thủy Thiên Vương trụ tại Ngọc Kính Sơn, phía trên của trung tâm. Ngài đã hấp thu tinh hoa của khí trời và suối đất (thiên khí địa tuyền) mà sống.
Thông thường, dân gian hay lầm lẫn cho rằng Nguyên Thủy Thiên Tôn cùng với Ngọc Hoàng Thượng Đế là một vị, kỳ thực không phải thế.
*Căn cứ vào sách “Đào Hoành Cảnh Đích Chân Linh Vị Nghiệp Đồ”, chia các thần thành bảy cấp, để Nguyên Thủy Thiên Tôn ở chính vị của “Thượng Thanh”, Thái Thượng Lão Quân ở chính vị của “Thái Thanh”, còn Ngọc Hoàng Thượng Đế ở trung vị thứ nhất của cung thứ ba “Ngọc Thanh”.
Nói cách khác, trên Ngọc Hoàng Thượng Đế còn có Nguyên Thủy Thiên Tôn và Thái Thượng Lão Quân , mà hai vị nầy khác nhau, nên chủ tể chân chính của trời đất muôn vật phải là Nguyên Thủy Thiên Tôn .
Thế gian đem Nguyên Thủy Thiên Tôn cho đồng với Ngọc Hoàng Thượng Đế chẳng qua là tại tinh thần kính trời sợ thần, e rằng thiếu sự tôn kính mà thôi.
Phong tục dân gian cứ vào đêm trừ tịch, cử hành nghi thức cúng lễ Nguyên Thủy Thiên Tôn tại các điện thờ , bắt đầu từ 11 giờ 30 phút đêm ấy, số người tham dự quá đông, kẻ đến sau không thể chen chân vào lễ lạy được.
*Ngày vía của Nguyên Thủy Thiên Tôn là ngày mùng một tháng giêng.

Ngọc Hoàng Đại Đế
“Ông Trời” là để chỉ Ngọc Hoàng Thượng Đế , cũng tôn xưng bằng nhiều danh hiệu như:- “Ngọc Đế” , “Hạo Thiên Thượng Đế” , “Huyền Khung Cao Thượng Ngọc Hoàng Đại Thiên Đế”, “Hạo Thiên Kim Khuyết Vô Thượng Chí Tôn Tự Nhiên Diệu Hữu Di La Chí Chân NGỌC HOÀNG ĐẠI ĐẾ”.
NGỌC HOÀNG ĐẠI ĐẾ là vị thần minh cao cấp của Đạo giáo, địa vị gần nhất dưới Tam Thanh Tôn Thần. Nhưng trong con mắt của người thế tục Trung Quốc , NGỌC HOÀNG ĐẠI ĐẾ là vị thần tối cao, là vua của các thần khác.

*Theo truyền thuyết dân gian, NGỌC HOÀNG ĐẠI ĐẾ không chịu mệnh lệnh của vua khác, cai quản khắp nhân gian, thống trị hết thần tiên của ba giáo Nho, Đạo, Thích, điều động hết thiên thần, địa kỳ, nhân quỉ. Thiên thần là những vật tự nhiên được “thần hóa” như:- mặt trời, mặt trăng, sao, phong bá (thần gió), vũ sư (thần mưa), tư mệnh, Tam Quan đại đế, Ngũ Hiển đại đế v.v…đều dưới quyền của NGỌC HOÀNG ĐẠI ĐẾ . Địa kỳ (chi) cũng là những vật tự nhiên ở đất được thần hóa như:- thần Thổ Địa, thần Xã tắc, thần Núi non, thần Sông biển, thần Năm tháng, nói chung bao quát cả “bách thần”. Nhân quỉ là những nhân vật lịch sử sau khi chết được thần hóa, bao gồm : tổ tiên, những bậc công thần, những văn nhân v.v…
NGỌC HOÀNG ĐẠI ĐẾ thống lãnh trời, đất, người, thần linh ba cõi, cùng quản lý mọi sự thịnh suy tốt xấu của vũ trụ vạn vật . Về lãnh vực nầy, Ngài có các thuộc hạ như:- Văn Xương đế quân coi về sự học hành, Quan Thánh đế quân coi về việc mua bán, Xảo Thánh Tiên sư coi về công nghiệp, Thần Nông Tiên đế coi về nghề nông, Đông Nhạc đại đế cai trị các địa phương, cùng với những phụ tá như :- Thanh Sơn vương, Thành Hoàng gia, Thổ Địa công, Địa Cơ chủ. Ngoài ra còn có những vị coi về phần âm như:- Phong Đô đại đế và Thập Điện Diêm Vương …Tất cả đều dười quyền cai trị, chỉ đạo, phân bổ của NGỌC HOÀNG ĐẠI ĐẾ .

Trong cơ sở lý luận của Đạo giáo, có sự phân chia rõ rệt của ba giới: trời, đất, người. Trời thì có 13 tầng, một tầng là ba mươi ngàn dậm. Khu vực “Trời ngoài” gọi là “Vô cực”, còn khu vực “Trời trong” gọi là “Thái cực”. Thái Cực thiên lại phân làm năm thiên là :- Đông, Tây, Nam, Bắc và Trung Ương. NGỌC HOÀNG ĐẠI ĐẾ là vị thần tối cao, tất cả thần linh đều phải nghe theo lệnh của NGỌC HOÀNG ĐẠI ĐẾ . Sự phân chia Thái Cực thiên như sau:-

1.- Trung Thiên:- là nơi cư ngụ của NGỌC HOÀNG ĐẠI ĐẾ , nắm quyền điều khiển cả trên là ba mươi sáu “Thiên”, ba ngàn thế giới, lẫn dưới là bảy mươi hai “Địa”, tứ đại bộ châu có sanh linh đang sống.
2.- Đông Thiên:- do “Tam Quan Đại Đế” cai quản, chủ về việc ban phước tăng thọ, giải tai xá tội trừ nạn cho sanh linh.
3.- Nam Thiên:- do “Văn Hành Thánh Đế” cai quản, chủ về việc theo dõi ghi chép công tội , hay bổ nhiệm thăng giáng cấp của tất cả chư Thần.
4.-Tây Thiên:- do Thích Ca Mâu Ni cai quản, chủ về giáo dục tâm linh cho con người, dạy họ làm lành lánh dữ và qui y theo Phật để tu đạo giải thoát.
5.-Bắc Thiên:- do “Tử Vi Đại Đế” cai quản, chủ về việc ban cho tiền bạc, tài sản, cũng như họa phước con người.
*Theo truyền thuyết thì NGỌC HOÀNG ĐẠI ĐẾ chính là “hóa thân” của “Đấng Tối Cao Thái Cực” trong Tam Thanh, là vị được cổ nhân sùng kính hạng nhất. Ngọc Hoàng cư ngụ nơi “Ngọc Thanh Cung”, chưởng quản hết từ trên là 36 thiên, ba ngàn thế giới, các bộ thần tiên, tới dưới là 72 địa, tứ đại bộ châu. Nói tóm lại , là chưởng quản tất cả chư Thần, Tiên, Phật, cho đến triệu ức sanh linh… do đó mới tôn xưng Ngài là “Ngọc Hoàng Đại Thiên Tôn Huyền Linh Cao Thượng Đế”.

còn tiếp >>>>


Tin liên quan

Chia sẻ bài viết: 



Bình luận:

Hỗ trợ trực tuyến

Lê Công

0369.168.366

Nhà đất bán theo tỉnh thành
Nhà đất cho thuê theo tỉnh thành
Kinh Dịch
Tử vi
Huyền không Phi Tinh
Văn Hóa_Tín Ngưỡng
Thước lỗ Ban
Xen ngày tốt
Văn Hóa_Tín Ngưỡng
TIN NỔI BẬT

LÊ LƯƠNG CÔNG

Trụ sở: Số 31 - Mương An Kim Hải - Kenh Dương, Le Chan, Hai Phong

Tel: 0369168366 - Hotline: 0919.168.366 - Email: nhadatcongminh@gmail.com

Copyright © 2019 https://leluongcong.com/