Lời hay ý đẹp
25/11/2023 - 2:19 PMLê Công 128 Lượt xem

Ông thần cẩu.

Có một làng nọ thuê tôi về chuyển chỗ một con chó đá. Nó im lìm nằm đây lâu lắm rồi. Mấy trăm năm, bao thế hệ trôi qua, nó ngồi đầu làng dưới gốc cây đa cổ thụ. Mắt nó nhìn ra đường vào làng, bao mưa nắng mà vẫn làm nó không hết vẻ xù xì đáng sợ. Cái đầu gếch lên, nó ngồi đó, trông cho làng bình an. Các cụ bảo thế làng này nhờ nó trông đầu, xua đuổi ma mãnh và những thứ xấu xa. Dân đặt cho nó một chiếc bát hương, khi nào có đám cưới đám ma đi qua hay dịp lễ tết người ta sắp chút lễ mặn đặt trước nó. Cảm cái công trăm năm trung thành với dân với làng. Chó đá này một biểu tượng tâm linh hay một thứ quyền lực mềm tinh thần đang bảo vệ những người dân lành chất phác bao đời. Và dân làng gọi nó là ông thần cẩu.

Nhà việt kiều mời tôi về chuyển ông đi. Thần cẩu là một phần linh hồn của thôn. Chứng nhân bao đời, bao hỉ nộ ái ố của dân làng. Nhưng nhà ấy muốn thuê người chuyển đi. Vì đi xem các nơi, có ông thần cẩu ở đó thì người trong làng, cả đời chỉ bình bình làm ăn mà thôi, không thể phát đại cực phú gia, tỉ phú, không thể làm lãnh đạo cấp cao được.

Đêm đó tôi ngồi bên ông thần cẩu. Mời ông ly rượu tâm sự chuyện đời.

"Chúng mày hậu sinh có ăn có học thế mà tồi. Tao ngồi đây gần trăm năm rồi, quay lưng lại làng trông trộm cướp xua đuổi ma quái mà giờ chúng mày tính hắt đổ tao xuống sông"

Ông già rồi, dù gì đá thành tinh mà lại là tinh con chó thì sung sướng gì, sao không bằng bỏ đi, vân du giá hạc tang bồng ngắm trăng khắp nơi, há ngồi mãi chỗ này nó phí cả trăm năm ra ông ạ.

Kể anh nghe, trước khi về cái làng này đứng canh cổng. Tao chỉ là một hòn đá ở Thanh Hóa. Mấy ngàn năm, trơ trơ vô vị nhạt nhẽo lắm. Thế rồi, ngta băm bổ, đục khoét, cho tao cái hình dạng này. Họ chở tao bằng bè trên sông về đây. Họ yểm bùa lên tao, cho tao linh hồn, để tao hit linh khí đất trời. Được gần gũi với loài người mà dần dần thành tinh đấy.Tao cũng vì cảm cái công cho tao thấy mình có ích cho loài người chúng mày mà dù hóa thành yêu tinh tao vẫn ở đây. Giúp được chúng nó tí nào thì giúp. Thế mà giờ, giếng nước chúng nó lấp rồi, tao cũng sắp bị xúc đổ đi. Hồn làng này gần hết, còn cụ Đa già đang đứng đây, rồi cũng cỗi. Vướng víu chúng nó đốn hạ lúc nào không hay. Chúng mày bạc, bạc cả cái nhân tình.

Thôi cụ ạ,thời thế thế thời...

Ờ vẫn biết thế nhưng bọn quay lưng với cái hồn dân tộc. Phỉ nhổ lên những giá trị tinh thần mà cha ông chúng mày gây lên, nuôi cốt cách chúng mày, thì sớm muộn gì cuộc sống chúng mày cũng khô khan, cô độc và xấu xa mà thôi. Chúng mày đừng nghĩ cứ chạy theo phồn hoa văn minh đồng loại khác dòng máu Việt mà quay lại phỉ nhổ cái cũ. Phỉ nhổ lên văn hóa sinh hoạt đồng quê là hay. Hãy nhận những thứ phù hợp chứ đừng bỏ hết chúng tao đi. Chỉ có chúng tao, những linh hồn bình yên nơi chốn cũ. Hồn quê là thật sự, đem cho chúng mày sự bình an ngọt ngào và giang tay bảo vệ chúng mày, bảo vệ cái tâm hồn đang ngày một cằn cỗi héo úa kia mà thôi.

Ông đúng là cẩu thành tinh, triết lý giống người. Thôi khó khăn quá, nốt đêm nay là thăng rồi. Ông kể cho tôi nghe cái chuyện nào mà ông ám ảnh mãi của làng này đi!

Uh, tao trót tợp ba ngụm rượu nút lá chuối của mày. Đêm nay dốc bầu tâm sự với trăm năm một kiếp trông làng, đầu đường xó chợ rồi cũng không tha...

Năm Ất dậu làng này đói, nhưng không đến nỗi chết như xung quanh. Mấy nhà phú hào đem chia thóc gạo phát chẩn cho dân làng mà vẫn cầm cự tốt. Cả cái làng này rào lại, có duy nhất lối này vào, mà vào trước mặt tao. Dân tứ xứ lũ lượt đến ăn xin. Cấm cửa, ngoại bất nhập. Bọn hương lý chánh tổng để bảo vệ dân làng cắt tuần đinh đứng túc trực. Dân cũng chỉ là sống nhờ nhà giàu thôi, còn không biết đói đến bao giờ. Họ làm thế bảo vệ con cái, ích kỷ nhưng thời thế phải thế như mày vừa nói đấy.Tao nhớ một chiều hôm đấy. Có hai mẹ con con mụ ăn mày từ nơi đâu đến, gày rạc - chắc đói quá. Lay lắt cầm hơi đến nơi này thì muộn, thằng bé dặt dẹo bám vào váy mẹ trông khốn khổ. Làng được rào chặt, bọn tuần đinh đã về ăn tối, mẹ con nó cứ đứng bám vào cánh cổng tre ấy thều thào không ra hơi. "Mẹ con tôi đói quá, làng làm ơn..."

Ai nghe được lời nó đâu. Người thì xa, mà lòng thì đói lên tình thương cũng chả còn nhiều. Còn có mỗi tao nghe thấy, nhìn thấy. Mà mày biết đấy, tao là đá - lòng tao thương nhưng mồm cũng lạnh câm...

Sau con mẹ ăn mày cũng không chịu nổi nữa,miệng the thé thét lên:Ngã ngã!

Rồi nó ngã thật, Chết.

Thằng con cứ Hờ hơ, gọi mẹ ơi trong đêm. Tiếng trẻ khóc mẹ ai oán thê lương. Mà nó cũng sắp chết lả, chết đói đến nơi rồi. Tiếng khóc chào từ tạ của loài người làm tao cũng chảy nước mắt. Vùng vằng cái tinh khí tu luyện được ít lâu, tao chạy khắp làng, tao tru lên bắt chó cả làng tru theo. Chúng sợ tao chạy tán loạn, gầm gừ ầm ĩ. Cả làng dậy chạy theo ánh trăng đến ngoài cổng cứu được thằng bé ăn mày...

Sáng hôm sau, bọn lý dịch tiên chỉ trong làng quyết định: mỗi ngày nấu một bữa cháo phát chẩn ở đầu làng cho dân thập phương đến xin ăn. Mày ạ.,may mà nạn đói cũng qua. Tao cũng mừng để thằng bé ấy giờ thuê mày về chuyển tao đi đấy.

Ánh trăng đêm khuất sau căn nhà ba tầng, ông thần cẩu xù xì mắt vẫn hướng về xa ngoài làng chông chênh. Linh hồn ông bỏ đi, đi theo cụ đa già, cụ thần giếng tìm những mảnh linh hồn xưa cũ của làng xa xăm...

(Sưu tầm)

 


Tin liên quan

Chia sẻ bài viết: 


Xem thêm:
  • Ông thần cẩu
  • ,
  • ,

  • Bình luận:

    Hỗ trợ trực tuyến

    NHÀ ĐẤT LÊ CÔNG

    0919.168.366

    BÓI QUẺ & PHONG THỦY

    0369.168.366

    Nhà đất bán theo tỉnh thành
    Nhà đất cho thuê theo tỉnh thành
    Kinh Dịch
    Tử vi
    Huyền không Phi Tinh
    Văn Hóa_Tín Ngưỡng
    Thước lỗ Ban
    Xen ngày tốt
    Lời hay ý đẹp
    TIN NỔI BẬT

    LÊ LƯƠNG CÔNG

    Trụ sở: Số 31 - Mương An Kim Hải - Kenh Dương, Le Chan, Hai Phong

    Tel: 0919.168.366 - Hotline: 0919.168.366 - Email: nhadatcongminh@gmail.com

    Copyright © 2019 https://leluongcong.com/