Lời hay ý đẹp
31/08/2022 - 9:36 AMLê Công 287 Lượt xem

Người quân tử chỉ nghĩ về đức, kẻ tiểu nhân chỉ nghĩ về đất…

Khổng Tử là bậc thầy và triết gia lỗi lạc bậc nhất cõi Á Đông, được hậu thế suy tôn là ‘Vạn thế sư biểu’, ‘Đại thành chí thánh tiên sư’. Tuy nhiên, đã có một thời người ta hiểu lầm không ít về ông. Đọc 10 câu nói của Khổng Tử dưới đây, bạn sẽ hiểu rõ hơn về vị Thánh nhân này…

Câu mở đầu sách “Đại học” là: “Đạo của học thức lớn là làm sáng tỏ đức sáng, là thân thiết yêu thương người dân, là đứng ở nơi chí thiện”.

Làm sáng tỏ đức sáng có nghĩa là hoằng dương hiển lộ đức chính đại quang minh. Trong văn hóa truyền thống, Đức chiếm một bộ phận cực kỳ quan trọng. Đối với đức, Khổng Tử cũng nhiều lần luận thuật, từ những luận thuật đó có thể thấy được địa vị quan trọng của đức và lý giải đức đối với việc làm chính trị, làm người và việc học.

Làm chính trị (vi chính)

1. Dùng đức để làm chính trị, giống như sao Bắc Đẩu, dù ở yên vị trí của nó mà muôn vì sao khác đều hướng đến nó.

Nguyên văn: Vi chính dĩ đức, thí như Bắc thần cư kỳ sở nhi chúng tinh cộng chi.

(Trích: “Luận ngữ – Vi chính”).

Câu này đã làm nổi bật chủ trương xây dựng nền chính trị nhân đức của Khổng Tử. Đối với Nho gia, đức là phương pháp chủ yếu quản lý trị sửa quốc gia, đắc được lòng dân, sức dân. Chỉ có đức mới có thể cảm hóa, hiệu triệu người dân, mới có thể thực thi chính sách. Dùng đức để làm chính trị, giống như sao Bắc Đẩu trên trời, dù ở yên vị trí của nó mà muôn vàn vì sao khác đều hướng tới, vây quanh nó.

2. Dùng chính lệnh quản lý, dẫn dắt, dùng hình phạt để chỉnh đốn, người dân không phạm tội nhưng vô sỉ. Dùng đức để quản lý, dẫn dắt, dùng lễ để chỉnh đốn, người dân có liêm sỉ lại có nhân cách.

Nguyên văn: Đạo chi dĩ chính, tề chi dĩ hình, dân miễn nhi vô sỉ. Đạo chi dĩ đức, tề chi dĩ lễ, hữu sỉ nhi cách.

(Trích: “Luận ngữ – Vi chính”)

Tư tưởng chính trị của Khổng Tử chủ trương dùng đức giáo hóa, dùng lễ trị sửa. Vì vậy, ông đề ra 2 điểm trọng yếu để nhân tâm bách tính quy thuận, đó là đức và lễ. Dùng đức để dẫn dắt, dùng lễ để chỉnh sửa. Khổng Tử cho rằng chính lệnh và hình pháp khiến con người có thể tạm thời không phạm tội, nhưng dùng đức và lễ thì có thể cải biến, thiện hóa con người một cách không hay biết.

3. Đức người lãnh đạo như gió, đức của người dân như cỏ.

Nguyên văn: Quân tử chi đức phong, tiểu nhân chi đức thảo.

(Trích: “Luận ngữ – Nhan Uyên”)

Đây là câu trả lời của Khổng Tử khi Quý Khang Tử thỉnh giáo ngài về phép quản lý chính sự. Quý Khang Tử hỏi: “Nếu giết kẻ xấu, gần gũi với người tốt thì như thế nào?”

Khổng Tử trả lời: “Trị sửa chính trị tại sao phải cần giết chóc? Ngài trị sửa quốc gia tốt thì người dân tự khắc sẽ tốt lên. Ngài tâm hướng thiện thì người dân tự khắc sẽ hướng thiện. Tác phong của người ở trên giống như gió, tác phong của người ở dưới giống như cỏ, gió thổi phía nào thì cỏ rạp theo phía ấy”.

Đây chính là nhấn mạnh tầm quan trọng của phẩm đức người lãnh đạo, người làm chính trị.

Việc học (vi học)

4. Người có đức không cô độc, ắt sẽ có người gần gũi như láng giềng.

Nguyên văn: Đức bất cô, tất hữu lân.

(Trích: “Luận ngữ – Lý nhân”)

Người có đức thì không cô đơn, cô độc, nhất định sẽ có bạn bè. Bởi vì người có đức thì cho dù sống trong thời loạn cũng có bạn bè chí đồng đạo hợp, đồng thanh tương ứng, đồng khí tương cầu, như là ở có láng giềng vậy.

Bản thân Khổng Tử chính là minh chứng cho câu nói này. Khổng Tử có 3000 đệ tử, trong đó có 72 người hiền tài. Tuy sống trong thời loạn thế Xuân Thu nhưng ngài cũng không hề cô đơn.

5. Đức mà không tu, học vấn mà không học tập, nghe được việc nghĩa mà không thực hiện, có khiếm khuyết mà không sửa chữa, đó là điều ta lo lắng.

Nguyên văn: Đức chi bất tu, học chi bất giảng, văn nghĩa bất năng tỉ, bất thiện bất năng cải, thị ngô ưu dã.

(Trích: “Luận ngữ – Thuật nhi”)

Khổng Tử nói rằng ông lo lắng những điều sau: Phẩm đức không tu dưỡng, học vấn không học tập, nghe được việc nghĩa mà không thực hiện, có khuyết điểm mà không sửa chữa. Trong 4 điều lo lắng này thì “Đức mà không tu” đứng hàng đầu, bởi vì đức phải tu thì sau mới thành tựu, phải được bồi dưỡng và tu dưỡng thì mới có phẩm đức được.

6. Chí hướng ở đạo, nắm giữ ở đức, dựa vào nhân, vui chơi ở lục nghệ.

Nguyên văn: Chí ư đạo, cứ ư đức, y ư nhân, du ư nghệ.

(Trích: “Luận ngữ – Thuật nhi”)

Câu này có nghĩa là việc học thì lập chí vào học đạo, nắm chắc vào tu đức, dựa vào việc nhân nghĩa và vui chơi ở lục nghệ – tức lễ, nhạc, bắn cung, cưỡi ngựa, thư pháp, toán số. Bốn điều này là đầu mục giáo dục của Khổng môn. Tại sao lại ‘nắm chắc ở đức”? Bởi vì đạo thực hiện ra bên ngoài, đức tu dưỡng ở bản thân. Nếu muốn thực thi đạo khắp thiên hạ thì phải bắt buộc trước tiên nắm giữ đức bản thân, lấy đức làm căn cứ địa thì mới có thể đắc đạo, mới có thể thực thi đạo mà không bị thất đạo.

Làm người (vi nhân)

7. Chú trọng trung tín, hướng đến việc nghĩa, đó chính là tôn sùng đức.

Nguyên văn: Chủ trung tín, tỉ nghĩa, sùng đức dã.

(Trích: “Luận ngữ – Nhan Uyên”)

Đây là câu trả lời của Khổng Tử khi Tử Trương hỏi làm thế nào nâng cao phẩm đức, phân biệt rõ đúng sai chính tà. Đối với việc tôn sùng đức, Khổng Tử cho rằng, lấy trung thành và thủ tín làm cốt lõi, thấy việc nghĩa là tuân theo thì có thể nâng cao phẩm đức. Nếu không lấy trung tín làm cốt lõi, chỉ tranh công danh sự nghiệp bên ngoài thì đã rời xa đức rồi.

Khi Phàn Trì hỏi Khổng Tử làm thế nào sùng đức, tu bỏ cái xấu ẩn chứa và phân biệt được nghi hoặc, Khổng Tử nói: “Thực hiện trước rồi sau đó mới đắc được” thì đó là sùng đức. Đầu tiên thực thi, thực hiện rồi sau đó mới có thu hoạch, đó chẳng phải cũng là nâng cao đạo đức đó sao? Cùng một nội dung câu hỏi nhưng lại có hai câu trả lời khác nhau, bởi vì Khổng Tử giáo dục, dạy bảo tùy theo tố chất, khả năng tiếp thu của cá nhân, cũng là từ các góc độ khác nhau giảng về nhận thức đối với sùng đức.

8. Người quân tử chỉ nghĩ về đức, kẻ tiểu nhân chỉ nghĩ về đất. Người quân tử chỉ nghĩ về hình pháp, kẻ tiểu nhân chỉ nghĩ về ơn huệ.

Nguyên văn: Quân tử hoài đức, tiểu nhân hoài thổ. Quân tử hoài hình, tiểu nhân hoài huệ.

(Trích: “Luận ngữ – Lý nhân”)

Câu này nói rõ phẩm chất, nhân cách khác biệt giữa người quân tử và kẻ tiểu nhân thể hiện ở những suy nghĩ, mong muốn khác nhau. Người quân tử luôn nghĩ đến đạo đức, còn kẻ tiểu nhân thường nghĩ đến đất đai. Người quân tử luôn nghĩ đến hình pháp, pháp luật, chế độ, còn kẻ tiểu nhân chỉ quan tâm đến ơn huệ lợi lộc.

9. Người ta ca ngợi thiên lý mã không phải vì sức lực của nó, mà ca ngợi phẩm chất của nó.

Nguyên văn: Ký bất xưng kỳ lực, xưng kỳ đức dã.

(Trích: “Luận ngữ – Hiến vấn”)

Ký là loại ngựa tốt thời cổ đại, một ngày đi được ngàn dặm. Nhưng Khổng Tử nói, khen ngợi ngựa ký là thiên lý mã, không phải vì khen ngợi sức lực của nó, mà là khen ngợi phẩm chất của nó. Ngựa ký tuy có sức mạnh, có thể đi ngày ngàn dặm, nhưng quý là ở đức hạnh thuần phục thiện lương của nó.

Thế nên đối với con người mà nói, tài đức vẹn toàn thì cái đáng được ca ngợi cũng là đức. Nếu có tài mà vô đức thì có gì đáng được ca ngợi đây?

10. Nghe thấy tin đồn mà lan truyền thì nơi đó đạo đức đã bị mất rồi.

Nguyên văn: Đạo thính nhi đồ thuyết, đức chi khí dã.

(Trích: “Luận ngữ – Dương Hóa”)

Nghe thấy những lời đồn thổi trên đường liền lan truyền khắp nơi thì đó là phong thái xấu khi đạo đức đã bị mất. Đức là nhờ tu dưỡng nội tâm mà hình thành. Nghe lời hay hành vi đẹp thì học tập, suy nghĩ, chuyên tâm tu luyện, dần dần lặng lẽ, vô tri vô giác chuyển hóa đức hạnh bản thân. Còn những tin đồn thì nghe rất dễ, nói, truyền cũng rất dễ, không trải qua suy xét cân nhắc, lời thiện chẳng phải của mình, lời ác buột miệng tuôn ra, đối với phẩm đức mà nói thì đã hao tổn rồi.

Ngoài ra Khổng Tử còn nói: “Nói năng xảo biện thì loạn đức” (nguyên văn: Xảo ngôn loạn đức). Lời nói hoa mỹ khéo léo cũng đủ làm bại hoại đạo đức. Như thế có thể thấy tin đồn, lời đồn thổi, ‘tin vỉa hè’ đều có hại cho việc tu dưỡng đạo đức vậy.

 st : Lê Công


Tin liên quan

Chia sẻ bài viết: 



Bình luận:

Hỗ trợ trực tuyến

LÊ CÔNG

0919.168.366

PHÚC THÀNH

0369.168.366

Nhà đất bán theo tỉnh thành
Nhà đất cho thuê theo tỉnh thành
Kinh Dịch
Tử vi
Huyền không Phi Tinh
Văn Hóa_Tín Ngưỡng
Thước lỗ Ban
Xen ngày tốt
Lời hay ý đẹp
TIN NỔI BẬT

LÊ LƯƠNG CÔNG

Trụ sở: Số 12, Trực Cát , Vĩnh Niệm, Lê Chân, Hải Phòng

Tel: 0919.168.366 - Hotline: 0919.168.366 - Email: nhadatcongminh@gmail.com

Copyright © 2019 https://leluongcong.com/