Chùa Tép - Đền thờ Trung Túc vương Lê Lai, hai tên nhưng là một, nơi tưởng niệm và nơi an nghỉ của anh hùng Lê Lai đã liều mình cứu chúa. Vì thế trong năm có 2 ngày hội lớn là ngày 8 tháng Giêng và ngày 21 tháng 8 Âm lịch. Nhân dân ta có câu: “21 Lê Lai, 22 Lê Lợi”.
Thân thế và sự nghiệp người anh hùng liều mình cứu chúa1
Cuộc kháng chiến chống quân Minh giành lại giang sơn Tổ quốc, đã xây dựng nên nước Đại Việt phát triển trong 354 năm. Để có được trang sử vẻ vang đó, những nhân tài xuất chúng đã trải qua nhiều hy sinh gian khổ, đặc biệt là thời kỳ “Nhen lửa”.
Vào ngày 12 tháng 3 năm Ất Mùi (1415), bốn người là: Lê Lợi, Lê Lai, Đinh Liệt, Nguyễn Thận ngồi dưới gốc cây đa cổ thụ Phật Hoàng, bàn đường lối bình Ngô Lam Sơn tụ nghĩa và tôn Lê Lợi lên làm Lam Sơn động chủ. Cuộc khởi nghĩa Lam Sơn bắt đầu từ đây.
Tương truyền, gia đình Lê Lai là quý tộc thuộc người dân tộc Mường ở vùng miền Tây Thanh Hóa. Cụ thân sinh là ông Lê Kiều, mẹ là Lê Thị Kiệu và sinh được 2 người con trai. Con cả là Lê Viết Giản, thứ là Lê Lai.
Lê Lai sinh năm 1355 tại làng Dựng Tú, sách Đức Giang, huyện Lương Giang, phủ Thanh Hoa. Địa danh đó thời nhà Nguyễn là làng Tép, nay là làng Thành Sơn, xã Kiên Thọ, huyện Ngọc Lặc, tỉnh Thanh Hóa. Tầm vóc thân thể Lê Lai cao to, da ngăm đen, tính tình cương trực, chí khí cao cả, lẫm liệt, dung mạo khác thường. Là con nhà quý tộc nên được học hành đến nơi, đến chốn.
Hai ông Lê Lai và Lê Lợi, lệch nhau về tuổi đời, nhưng cùng chí hướng, nên rất thân nhau. Hai ông thường hay đến khu rừng bìa làng Tép gọi là Gò Sánh để đàm đạo thế thái nhân tình, bình quốc sự (nay là khu đền thờ Trung Túc Vương Lê Lai). Do vậy lòng yêu nước, căm thù giặc được nung nấu trong lòng hai ông đã lên đến đỉnh điểm. Lê Lợi có người bạn tâm đầu ý hợp bên cạnh đã tạo cho ông có ý chí quyết tâm cao hơn, nên ông đã đi khắp vùng để thăm dò ý nguyện của các hào kiệt tráng sĩ và thu hút nhân tâm. Sau khi Lê Lợi nắm bắt được thực tế, thì bàn với Lê Lai: “Ông phải là người đầu gia nhập đội quân Lam Sơn để thu hút các hào kiệt bốn phương về Lam Sơn tụ nghĩa”. Tháng 2 năm Ất Mùi (1415) đã có 3 người gia nhập gồm: Lê Lai giờ Thìn ngày 6-2-1415 (Ất Mùi) ; Đinh Liệt giờ Dậu ngày 8-2-1415 (Ất Mùi) ; Nguyễn Thận giờ Thìn ngày 9-2-1415 (Ất Mùi) (Nguyễn Thận làm nghề chài lưới, người sau này trao thanh kiếm Thuận Thiên lấy được ở lòng sông, trao cho Lê Lợi).
Đến ngày 12-3 Ất Mùi, người tôn Lê Lợi lên làm Lam Sơn động chủ. Từ đó cuộc khởi nghĩa được đi vào chiều rộng lẫn chiều sâu ở các làng mạc của đất nước, được toàn dân ủng hộ, tuyển mộ được nhiều nghĩa sỹ yêu nước về Lam Sơn tụ nghĩa.
Ngày 20-5 Ất Mùi (1415), Lê Lợi đã thành lập Hội đồng mưu lược gồm 9 người: Lê Lợi, Lê Lai, Lê Văn Linh... Và sáng ngày 1 tháng Hai năm Bính Thân (1416), trên đất Lũng Nhai, Lê Lợi đã cùng với các đồng chí của mình (18 người) tuyên thề với đất nước, quê hương, hạ quyết tâm cho sự nghiệp giải phóng dân tộc (Hội thề Lũng Nhai).
Với sự sáng suốt của Hội đồng mưu lược tối cao và hiệu lực tinh thần của Hội thề Lũng Nhai, cuộc khởi nghĩa được củng cố bảo toàn lực lượng và giành thắng lợi đến ngày toàn thắng. Đêm ngày 22/4/ Kỷ Hợi (1419), Hội đồng mưu lược tối cao họp chủ yếu bàn cách cứu vãn tình thế hiểm nghèo, ngàn cân treo sợi tóc, vì quân Minh vây trùng điệp vùng Linh Sơn... Lê Sát, Đinh Bồ, Lê Thạch, Lê Thụ tỏ thái độ đánh đến người cuối cùng; ít ra cũng giết được 5, 6 ngàn tên địch. Đinh Liệt đứng dậy nói: “Tinh thần hy sinh dũng cảm của tướng sĩ nghĩa quân ta còn qúy hơn vàng ngọc, song sự hy sinh để rồi cuộc khởi nghĩa cũng đi theo luôn, chỉ để lại hồi âm cho mai sau thì không bằng phải bàn bạc suy nghĩ kỳ tìm mọi cách để cứu lấy nghĩa quân sống và tiếp tục hoàn thành đại sự ...”.
Bình Định Vương và một số tướng lĩnh tỏ thái độ tán đồng cách đặt vấn đề của Tướng Đinh Liệt. Lê Lai ngồi cạnh Đinh Liệt và Lê Lợi ung dung đứng dậy nói: “Tôi nguyện làm Kỷ Tín của Hán Cao Tổ...”. Bình Định Vương và tướng sĩ cảm động đến rơi lệ không ngớt. Lê Lợi ôm chặt lấy Lê Lai nói: “Lịch sử lưu danh vĩnh thùy bất hủ”. Đúng giờ Thìn ngày 29/4/ Kỷ Hợi (1419), tại địa danh Trịnh Cao trên núi Linh Sơn, Lê Lai nhận áo hoàng bào của Bình Định Vương, đem 500 quân và 2 thớt voi chiến, thẳng hướng Đông Bắc tiến đánh vào quân Minh, phá vòng vây. Ông chiến đấu đến lúc sức kiệt, để cho giặc bắt và chịu cho chúng giết. Ông đã hy sinh, cứu lãnh tụ Lê Lợi, bộ tham mưu và nghĩa quân thoát khỏi nguy cơ bị tiêu diệt (Quân Minh tưởng đã giết được Lê Lợi, tìm rút về Tây Đô). Khi Lê Lai xuất quân, Lê Lợi cho thám tử bám theo để xem chúng hại và chôn Lê Lai ở đâu để tính chuyện sau này.
Thoát được vòng vây, cuộc khởi nghĩa Lam Sơn đã giữ lại được và tiến hành cuộc kháng chiến thần kỳ, giành lại được giang sơn đất nước. Ngày 22-11 Đinh Mùi (1427), giờ thìn ngày 15-3 Mậu Thân (1428), Lê Lợi đăng quang chính thức lấy niên hiệu là Thuận Thiên Hoàng Đế.
Thuận Thiên Hoàng Đế thứ nhất (1428), Nhà Vua truy phong tướng Lê Lai “Đệ nhất khai quốc công thần suy đồng hiệp đức mưu bảo chính Lũng Nhai công thần là Thiếu úy”. Thuận Thiên Hoàng Đế thứ hai, tháng 12 - Kỷ Dậu (1429), Nhà Vua sai Nguyễn Trãi viết 2 bản lời thề ước và lời nhớ ơn Lê Lai đặt vào hòm vàng và phong Thái úy, trân trọng đặt trong cung điện của mình... Đồng thời chiếu chỉ cho thôn Dựng Tú lập đền thờ Ngài tại Làng Tép và cắt cho 10 mẫu ruộng điền để phục vụ tế lễ tứ thời bát tuyết.
Ba người con của Lê Lai là: Lê Lô, Lê Lộ, Lê Lâm cùng vào đội quân Lam Sơn một giờ, một ngày: Giờ Ngọ, ngày 29 tháng Chạp Bính Thân (1416). Lê Lô là Thiếu úy đi đánh thành Nghệ An hy sinh năm Ất Tỵ (1425). Thái bảo Lê Lộ là Thái úy ra trận bị trúng tên độc và hy sinh ngày 20-9 Giáp Thìn (1424). Lê Lâm đã vượt qua được cuộc kháng chiến gian khổ, đến được ngày toàn thắng. Sau này, ông cùng Nhà Vua đi dẹp giặc Ai Lao và bị trúng tên độc nên hy sinh ngày 16-5 Canh Tuất (1430).
Vậy là từ khi Lê Lợi nhen lửa Lam Sơn cho đến ngày đất nước không còn sạch bóng quân xâm lược gia đình Lê Lai từ ông đến cháu nội có 5 tướng kế tục nhau cùng nhà Lê dựng nước và giữ nước phồn vinh, thịnh vượng.
Đền thờ Lê lai và lễ hội 21 tháng Tám Âm lịch hằng năm
Đền thờ xây trên một khu đất cao gần 2m so với mặt ruộng, cảnh quan uy nghiêm, thoáng mát, có nhiều cây cổ thụ hàng trăm năm.
Nhìn tổng thể, đền ở thế Long chầu hổ phục thật là sơn thủy hữu tình. Nếu đi từ Nam ra Bắc trên đường Hồ Chí Minh đến xã Kiên Thọ, làng Kiên Chí (Làng Trọc) phóng tầm nhìn ra phía trước ta thấy ngôi đền thấp thoáng trong lùm cây đại thụ rất huyền ảo. Đền thờ đã trải qua nhiều lần tôn tạo. Đến năm Bảo Đại thứ 14 (1939), đền được xây dựng bằng gạch lợp ngói, cột, xà dui mè trong đền đều là gỗ lim. Đền được kiến trúc hài hòa 2 lớp nhà hình chữ “đinh” nằm trên vườn đồi ngoảnh hướng Đông Nam. Hướng này theo thuyết phong thủy là hướng thần linh, bát nhã (trí tuệ), thế đất long chầu hổ phục, tạo nên không gian khoáng đãng thoáng mát.
Đền thờ Lê Lai được gắn liền với Di tích lịch sử Lam Kinh, được Bộ Văn hóa Thông tin trùng tu tôn tạo lại năm 1997 khang trang, đẹp đẽ hơn. Trong đền có bức hoành phi “Dịch bào thế quốc”.
Trước đền là 2 cây đại, tương truyền có từ lúc Lê Lợi cho dựng đền. Qua cửa Tam quan sẽ xuống hồ bán nguyệt, hồ có đường kính 60 mét. Bờ hồ có tường hoa lát gạch để bảo vệ hồ được lâu bền. Khi ở bậc xuống hồ, ta phát ra âm thanh tiếng động sẽ có tiếng vọng lại. Thật là kỳ ảo! Đó là nơi tụ sơn tụ thủy.
Chùa Tép - Đền thờ Trung Túc vương Lê Lai, hai tên nhưng là một, nơi tưởng niệm và nơi an nghỉ của anh hùng Lê Lai đã liều mình cứu chúa. Vì thế trong năm có 2 ngày hội lớn là ngày 8 tháng Giêng và ngày 21 tháng 8 Âm lịch. Nhân dân ta có câu: “21 Lê Lai, 22 Lê Lợi”. Lịch sử ghi rằng, trước lúc băng hà, Vua Lê Thái Tổ còn dặn lại các hoàng tử và hoàng tộc phải cúng giỗ Công thần đệ nhất Lê Lai trước ngày giỗ của mình một ngày. Ngày đó trời thường gió thảm mưa sầu như thương tiếc người anh hùng vĩ đại vì nước quên mình cứu lấy giang sơn xã tắc. Nhân dân khắp nơi nô nức về dự hội để tưởng nhớ công đức uy danh của ngài.
TS Lưu Minh Trị
Chia sẻ bài viết:
LÊ CÔNG
0919.168.366
PHÚC THÀNH
0369.168.366
Một số cách an sao vòng Trường Sinh trong tử vi
TÍNH CÁCH, MẪU NGƯỜI, TRONG LÁ SỐ TỬ VI
7 nguyên tắc cơ bản sau cần phải xem kỹ trước khi bình giải một lá số Tử Vi
THẾ NÀO LÀ TUẾ PHÁ & NGŨ HOÀNG ĐẠI SÁT
BÍ QUYẾT SONG SƠN NGŨ HÀNH VÀ THẬP NHỊ THẦN ĐẠI PHÁP (TIÊU SA NẠP THỦY THEO THỦY PHÁP TRƯỜNG SINH)
Ý nghĩa của việc thờ bàn thờ Ông Địa
“BẢN GỐC” CỦA THƯỚC LỖ-BAN DÀNH CHO CÁC BẠN THẬT SỰ HAM MÊ PHONG THỦY !!!
LÊ LƯƠNG CÔNG
Trụ sở: Số 12, Trực Cát , Vĩnh Niệm, Lê Chân, Hải Phòng
Tel: 0919.168.366 - Hotline: 0919.168.366 - Email: nhadatcongminh@gmail.com
Copyright © 2019 https://leluongcong.com/