Lời hay ý đẹp
07/04/2022 - 12:06 PMLê Công 613 Lượt xem

Nếu đã gắng sức mà chưa thấy thành công thì bạn nên nhớ những điều này:

Ở đời ai cũng đã có lần thất bại. Đức Thích Ca đã thất bại nhiều năm rồi mới tìm thấy chân lý ở dưới gốc Bồ Đề. Đức Khổng Tử đã thất bại trong suốt quãng đời bôn ba đi tìm một minh chúa để thực hành đạo của mình và chỉ thành công trong công việc trứ tác lúc về già. Một danh tướng như Nã Phá Luân cũng thua ở Ai Cập, Nga, Leipzig và Waterloo. Văn hào bậc nhất của Nga là Dostoievsky viết hàng chục tác phẩm cũng chỉ được bốn năm tác phẩm là bất hủ, còn thì tầm thường. Chịu thất bại nhiều nhất là các nhà phát minh, thí nghiệm cả trăm lần mới được một lần thành công: Alexander Fleming tìm ra được chất Pénicilline rồi mà phải đợi hơn mười năm sau mới chế tạo được nó một cách rẻ tiền; Bernard Palissy phải đốt tất cả đồ đạc và sàn nhà rồi mới phát minh được cách làm đồ gốm ; còn Albert Einstein, bực kỳ tài cổ kim, đã nói: trăm lần suy nghĩ thì có tới chín mươi lần sai.

Bạn mới ra đời, nếu có thất bại liên tiếp trong vài năm thì đừng nên lấy làm buồn, chỉ nên coi là một cái phúc; vì thất bại hồi trẻ, trong khi còn đủ sức để chiến đấu còn hơn là về già mới thất bại như Nã Phá Luân để rồi mang bệnh ung thư chết lần mòn ở đảo Sainte Hélène.

Vả lại có thất bại rồi mới có kinh nghiệm và nếu ta rút được một bài học trong mỗi lần thất bại để sửa đổi lại lối suy nghĩ, lối làm việc thì mỗi thất bại sẽ giúp ta tiến lại gần sự thành công một chút.

Đọc tiểu sử hai anh em Wright (Wiber và Orville), những người đã phát minh ra phi cơ, bạn sẽ hiểu rõ điều ấy. Mới đầu họ chế tạo một cái diều có hai từng cánh, điều khiển bằng dây, năm 1900 đem thí nghiệm ở Kitty Hawk, máy chỉ liệng được từ đỉnh đồi đến chân đồi. Năm sau họ chế tạo được một máy liệng lớn, cũng đem thí nghiệm ở chỗ cũ, bay được chín thước rưỡi. Tất nhiên họ chưa mãn nguyện, về nhà nghiên cứu lại, làm thử trên hai trăm kiểu máy bay nhỏ, rồi năm sau nữa lại thí nghiệm một lần nữa: máy cất cánh được một trăm tám chục thước, nhưng phải nhờ sức gió đưa đi. Như vậy chưa thể nói là thành công. Lần này họ quyết tâm tự tạo lấy gió, nghĩa là lắp động cơ và cánh quạt vào máy liệng. Năm 1903, công việc hoàn thành, lại thí nghiệm: phi cơ chỉ cất cánh được có vài thước, rồi giảm vận tốc, hạ cánh xuống chân đồi. Các người đi coi đều tỏ vẻ thất vọng, nhưng hai ông không nản chí, về nhà cải thiện lại, năm sau nữa phi cơ bay được năm phút. Tính ra trước sau hai ông đã bay thử cả ngàn lần trong mấy năm rồi mới thành công.

Hiện nay các nhà bác học phóng vệ tinh lên mặt trăng cũng phải thất bại cả trăm lần, mà tôi chắc rằng mỗi lần thất bại chỉ làm cho họ vững tâm thêm vì nhờ thất bại mà họ rút thêm được kinh nghiệm. Vì vậy tôi cho lời này của Henri Pigozzi, giám đốc hãng Simca là đúng: “Người ta không thể bảo rằng chỉ một sự thành công xảy ra đúng một lúc thuận tiện nào đó là đủ để giảng được đời hoạt động của một người. Sự thực tôi nghĩ rằng đời tôi là kết quả của rất nhiều sự thất bại”. Biết lợi dụng sự thất bại một cách thông minh, đó là bí quyết để thành công.

.

Làm một công việc cũng y như đi một con đường. Công việc càng quan trọng thì con đường càng dài. Tôi còn nhớ hồi mười tuổi, ba tôi đã mất, một người anh họ dắt tôi về thăm quê nội lần đầu. Cách đây bốn chục năm, chưa có xe đò trên đường Hà Nội – Sơn Tây, chúng tôi phải đi xe kéo. Đường thì trải đá, xe lại bánh gỗ, lắc quá. Chúng tôi ngồi xe cả một ngày mới tới Sơn Tây; tá túc tại nhà một người bà con một đêm, sáng hôm sau lại ngồi xe kéo lọc cọc tiến lên Phủ Quảng cách tỉnh Sơn Tây 11 cây số. Ngán ngồi xe quá rồi, chúng tôi đi bộ về nhà. Riêng tôi thấy mệt lắm, chỉ mong chóng tới nhà, luôn luôn hỏi anh tôi: “Đã sắp tới chưa?” Anh tôi đáp: “Bằng từ nhà tới chợ Đồng xuân nghĩa là khoảng một cây số”. Từ Phủ Quảng, chúng tôi đi độ một cây số đến bờ đê Nhị Hà, ngồi nghỉ trong một cái quán canh, nhìn cảnh núi Tản uy nghi, xanh thẳm ở trước mặt. Anh tôi chỉ những vạch trắng đều đặn ở lưng núi, bảo đó là những nhà nghỉ mát của người Pháp.

Rồi chúng tôi lại đi chừng một cây số nữa, tới đầm làng Tây Đằng, xuống rửa mặt ở bờ đầm và ngắm những bông sen. Một lúc sau chúng tôi lại đi, cũng độ một cây số nữa tới chợ Phú Xuyên, vào quán uống một bát trà vối, ăn một cái bánh nhợm. Cứ như vậy, đi độ một cây số anh tôi lại kiếm một chỗ cho tôi nghỉ, giảng cho tôi về địa thế, di tích trong miền: đây là đền một ông Nghè quê ở nơi khác, về già đến làng này dạy học; kia là đình một làng thờ một bà tướng giúp hai bà Trưng đành đuổi Tô Định. Rốt cuộc, trưa hôm đó chúng tôi tới nhà sau khi đi bộ sáu cây số mà không thấy đường dài.

Đường càng dài thì càng nên chia ra nhiều chặng; và ai muốn làm nên sự nghiệp nên coi mỗi lần thất bại như một chặng đường phải qua. Nếu ta biết rút kinh nghiệm thì mỗi lần thất bại là một lần vượt được một chặng đường mà tới gần đích hơn một chút.

.

Tôi thường nhận được những thư của các bạn trẻ phàn nàn rằng tuổi đã lớn mà chưa làm nên được sự nghiệp gì cả. Mới tuần trước, một bạn hỏi tôi hai mươi lăm tuổi mà chưa thành công, có phải là trễ không. Tôi không hiểu bạn ấy cho tiếng “thành công” cái nghĩa gì? Nếu đậu Tú tài mà là thành công thì hai mươi lăm tuổi chưa thành công, quả là trễ, trễ lắm! Nếu cho có nhà lầu xe hơi là thành công thì vô số người hoặc nhờ tổ ấm, hoặc nhờ buôn chợ đen một chuyến, tuổi đó cũng đã có thể thành công được rồi. Nhưng nếu hiểu thành công là gây được một sự nghiệp có ích cho quốc gia, xã hội thì tuổi đó là sớm quá. Những cây quý nhất là những cây chậm lớn. Cây so đũa chỉ trồng một năm là cao bằng đầu người, nhưng cây sao phải mười năm mới cao được hai thước.

Tôi không trách các bạn trẻ mới ba chục tuổi đã phàn nàn là chưa làm nên được cái gì. Đó là một tật chung của những người có nhiệt huyết. Hồi mới ở trường ra, tôi cũng đã có lần nghĩ rằng có muốn làm cái gì thì làm trước khi bốn mươi tuổi, chứ sau cái tuổi đó, sức suy rồi, còn hoạt động gì được nữa. A! Thì ra đời người chỉ có bốn chục năm thôi ư? Bỏ đi hai mươi lăm năm đầu sống nhờ gia đình, thì chỉ còn có mười lăm năm làm việc thôi ư? Đáng buồn nhỉ? Nhưng bây giờ đây, năm chục tuổi rồi, tôi mới hiểu rằng có làm được việc gì là từ hồi bốn mươi tuổi trở đi, và càng lớn tuổi, càng có kinh nghiệm, chúng ta mới càng có ích cho xã hội. Hầu hết các chính khách, ngoài năm chục tuổi mới được giao phó những trách nhiệm quan trọng.

Riêng về ngành nghệ thuật, có những thiên tài thành công rất sớm, như Mozart, André Chénier, Vương Bột… dưới hai, ba mươi tuổi đã sáng tác được những nghệ thuật bất hủ, nhưng cũng có một số đông càng già tài càng cao. Victor Hugo gần sáu chục tuổi mới bắt đầu viết tập La légende des siècles, 80 tuổi mới xong; 60 tuổi mới hoàn thành bộ Les misérables; Goethe 83 tuổi viết nốt cuốn Faust rồi thì mất; Sophocle hồi 89 tuổi viết Oedipe à Colone. Titien hồi 98 tuổi mới vẽ xong bức La bataille de Lépante.

Khổng tử nói đại ý rằng: Một người mà bốn mươi tuổi chưa làm được gì thì mới đáng buồn. Có lẽ ta nên hiểu câu đó như thế này: bốn mươi tuổi mà tài năng đức hạnh chưa thấy phát thì đáng buồn, chứ bốn mươi tuổi chưa thành công thì vẫn chưa nên buồn, vì có thể rằng bốn mươi mốt tuổi sẽ thành công.

.

Chưa thành công và thành công rồi chỉ cách nhau có một bước. Somerset Maugham viết trong mười một năm mà không đủ sống, có hồi phải nhịn đói. Nhưng một hôm một ông bầu gánh hát nọ kiếm một vở kịch để diễn tạm bèn lục tủ, lấy ra kịch Lady Federick của S. Maugham. Kịch đó đã nằm trong tủ từ mấy năm, vì ông ta cho là chẳng hay ho gì, không ngờ đem diễn lại được hoan nghênh lạ lùng, khắp thành phố Luân Đôn ai cũng nhắc tới. Thế là Somerset Maugham nổi danh, các ông bầu hát ở Luân Đôn tranh nhau xin kịch của ông, tiền tác giả chảy vào như suối, khỏi phải nhịn đói nữa mà tha hồ đi du lịch Châu Âu kiếm đề tài sáng tác.

Bob Ripley nói: “Một người có thể làm việc như mọi, không ai biết đến luôn trong mười năm, rồi nổi danh trong mười phút”. Đúng vậy. Chưa thành công và thành công cách nhau chỉ có năm, mười phút. Luôn trong mười hai năm, từ 1928 đến 1940, Fleming kiếm ra một thứ nấm có chất pénicilline, nhưng không sao chế tạo được pénicilline nguyên chất, nên chỉ một số bạn thân biết công trình của ông. Đột nhiên một ngày tháng tám năm 1941, đọc tờ báo The Lancet, ông hay tin một nhóm bác sĩ ở Oxford đã chế tạo được thuốc péniciline nguyên chất, ông chạy lại xem thì ra những bác sĩ đó tưởng ông đã chết, tiếp tục công việc của ông mà thành. Từ đó danh của ông nổi lên như sấm.

Magellan nuôi cái mộng đi vòng quanh thế giới từ hồi trẻ, đến năm 37 tuổi, yết kiến vua Charles Quint trình bày kế hoạch, được Charles Quint tin dùng, sai sửa soạn cuộc hành trình trong hai năm rồi một ngày tháng chín năm 1519, ông cầm đầu năm chiếc tàu mạo hiểm ra khơi, vượt Đại Tây Dương, cuối năm đó tới vịnh Ba Tây và theo bờ biển Nam Mỹ tiến xuống phương nam để tìm một con đường qua Ấn Độ. Sau bốn lần mừng hụt ở vàm sông Rio de la Plata, vịnh San Matias, vịnh Bahia de los Patos, vịnh Bahia de los Trabajos, ông phải ngừng lại ở San Julian bốn tháng cho qua mùa đông và tới ngày 18-8-1520 lại tiếp tục cuộc mạo hiểm. Ngày 21-10 thì gặp một cái vịnh nước đen thui, tức eo biển Magellan thông Đại Tây Dương với Thái Bình Dương. Thế là ông đã thành công sau mười mấy năm dự tính. Nhưng nếu chỉ mươi, mười lăm phút trước khi tìm ra được eo biển Magellan, ông nghe theo lời các thủy thủ mà bỏ chương trình, quay ngược về Ba Tây rồi về Châu Âu thì ông đã thất bại rồi.

Vậy bốn mươi tuổi hay năm mươi tuổi mà chưa thành công thì cũng đừng buồn, cứ tiếp tục thực hiện ý chí của mình đi, có thể rằng sự thành công, sẽ không xa đâu, chỉ cách bạn có vài tháng, vài ngày hoặc vài phút thôi đấy.

.

Sau cùng bạn nên nhớ có những thất bại được nhân loại ngưỡng mộ gấp ngàn lần những sự thành công, vì những thất bại đó rất có ích cho nhân loại. Bạn thử nhớ lại đời chúa Giê Su, không vợ không con, không có lấy một căn nhà lá, nghèo khổ, lang thang, lại chết yểu, bị đóng đinh trên thập tự giá hồi ba chục tuổi, đời người mà như vậy là hoàn toàn thất bại, phải không bạn? Vậy mà trong lịch sử nhân loại, có ai được sùng bài hơn ngài, có ai lưu được ảnh hưởng lâu bền hơn ngài?

Philippe Semmelweis, một y sĩ Hung Gia Lợi ở thế kỷ trước, cũng đã thất bại một cách đau đớn. Ông tìm ra được nguyên nhân chứng bệnh sốt sản hậu (fièvre puerpérale) nó làm cho sản phụ Châu Âu thời đó chết như rạ, có phòng chết không còn sót một người, có giường người nào vào nằm cũng chết, chết đến nỗi sản phụ mà phải vào dưỡng đường thì coi như là tận số rồi, quỳ xuống khóc lóc năn nỉ y sĩ cho được ra bờ sông bãi cỏ để đẻ. Nguyên do chỉ tại các y sĩ thời đó không biết rửa tay sạch sẽ trước khi khám bệnh, có khi mới mỗ một thây ma xong, tay còn bê bết máu mủ, chỉ nhúng vào một thùng nước dơ dáy, khoắng khoắng vài cái rồi đi thăm bệnh cho sản phụ, đỡ đẻ cho họ, thành thử họ bị lây mà chết. Ông chế ra một thứ thuốc sát trùng, bắt các y sĩ rửa tay thật kỹ, khử độc bằng thuốc sát trùng rồi mới khám bệnh. Kết quả trông thấy: số người chết trong có hai tháng hạ từ 50, 60% xuống 20%. Nhưng bề trên của ông vì ngu xuẩn, vì ganh tị, vì cố bám vào địa vị, không ai chịu nghe ông cả; ông chiến đấu hơn mười năm để truyền bá phương pháp của ông khắp Châu Âu, rốt cuộc thất bại. Chua xót quá vì thấy số sản phụ khắp nơi cứ chết oan mỗi năm hàng ức, hằng triệu người, ông hóa điên, lấy một lưỡi dao dính máu mủ của bệnh nhân, tự đâm vào tay mình để cho nhân loại thấy rõ nguyên nhân của bệnh, và ít ngày sau ông chết trong một nhà thương điên. Thời đó không ai biết ông, nhưng ngày nay y học phương Tây sắp ông vào bực ân nhân của nhân loại, ngang hàng với Pasteur.

Bạn thử so sánh những sự thất bại như vậy với những sự thành công của Hitler, Mussolini, sẽ thấy bên nào đáng trọng: một bên tuy thất bại mà gây được hạnh phúc cho nhân loại, nâng cao được tâm hồn của nhân loại; một bên thành công mà làm tiêu diệt hằng triệu người và làm cho hằng chục triệu người khác hóa ra nô lệ.

.

Chúng ta oán ghét ghê tởm Hitler, Mussolini nhưng chúng ta không thể khinh họ được. Vì ít nhất họ cũng có cái chí chiến đấu với Anh, Pháp, những nước đã hiếp đáp họ, để tạo cho dân tộc họ một địa vị hùng cường. Cái hạng người chỉ hiểu thành công theo cái nghĩa có nhà lầu và xe hơi mới là đáng khinh nhất. Bọn này không cho đời có một giá trị nào ngoài đồng tiền. Họ bảo họ chiến đấu để sống, nhưng sự thực họ chiến đấu không phải để có cơm ăn, áo mặc, mà để làm giàu hơn họ hàng, bạn bè, để vượt những kẻ trước kia ngang hàng với họ về phương diện tiền tài. Mục đích của họ chỉ là kiếm tiền, kiếm càng nhiều càng tốt, kiếm bằng mọi phương tiện, rồi kiêu hãnh khoe của. Tinh thần ganh đua để “thành công” đó là một nguyên nhân gây khổ não, chiến tranh cho nhân loại, và theo Bertrand Russell, một triết gia Anh được giải Nobel, thì tinh thần đó bắt đầu nẩy nở ở Mỹ, lan qua Âu Châu (1) và giới mại bản Mỹ hiện đương lần lần trở thành một giới mại bản quốc tế. Ở nước ta ngày nay hạng mại bản đó đang phát triển mạnh. Họ sống vội vã, không chịu nghỉ ngơi một lúc, suốt ngày lo chạy áp phe để kiếm tiền gửi ngân hàng, tậu đồn điền, không có thì giờ mà cũng không biết thưởng thức một cái thú cao nhã nào ở đời, coi rẻ tất cả những giá trị về tinh thần. Một xã hội nhiều những kẻ như họ là một xã hội sa đọa, lầm than. - Chú thích (1): Coi cuốn The conquest of happiness (Liveright publishing Corp).

Nếu bạn hiểu thành công như hạng mại bản đó thì tôi thành tâm chúc cho bạn thất bại; vì thành công đã chẳng lợi gì cho quốc gia, mà cũng chẳng lợi gì cho bản thân của bạn cả: bạn có được hưởng cái vui nào đâu, ngoài cái hãnh diện là có nhiều tiền hơn người ; mà chưa biết chừng con cái của bạn sẽ dễ sinh hư nữa đấy.

Tóm lại, đã làm việc không ai không mong thành công, nhưng chúng ta đừng quên rằng:

- Ở đời ai cũng phải trải qua nhiều lần thất bại

- Nếu ta biết rút kinh nghiệm sau mỗi lần thất bại thì tức là ta tiến lại gần sự thành công hơn một chút.

- Những cây quý nhất là những cây chậm lớn; tuổi càng cao kinh nghiệm càng nhiều thì sự nghiệp mới đáng kể.

- Chưa thành công với thành công rồi chỉ cách nhau có một bước; có thể rằng mới hôm qua còn thất bại mà hôm nay đã thành công.

- Có những sự thất bại đáng ngưỡng mộ gấp ngàn lần những sự thành công; mà trong những sự thành công thì sự thành công của bọn mại bản là thấp nhất.

Nghề Nghiệp: Nhà phê bình văn học Emile Fageut khi bàn về nghề nghiệp trong cuốn De la profession cho rằng: Cléanthe và Spinoza là hai tối đại triết gia, song họ trở thành triết gia vào những buổi nhàn nhạ, rảnh rang, nhất là vào những giờ giải trí; Cléanthe chuyên nghề xách nước, còn Spinoza chuyên nghề lau chùi ống kính thiên văn.

Bách khoa số 120 tháng 1 năm 1962.

 


Tin liên quan

Chia sẻ bài viết: 



Bình luận:

Hỗ trợ trực tuyến

Lê Công

0369.168.366

Nhà đất bán theo tỉnh thành
Nhà đất cho thuê theo tỉnh thành
Kinh Dịch
Tử vi
Huyền không Phi Tinh
Văn Hóa_Tín Ngưỡng
Thước lỗ Ban
Xen ngày tốt
Lời hay ý đẹp
TIN NỔI BẬT

LÊ LƯƠNG CÔNG

Trụ sở: Số 31 - Mương An Kim Hải - Kenh Dương, Le Chan, Hai Phong

Tel: 0369168366 - Hotline: 0919.168.366 - Email: nhadatcongminh@gmail.com

Copyright © 2019 https://leluongcong.com/