Triết học phương Đông có nguồn gốc từ những nền văn minh cổ xưa. Được khởi nguồn từ những tư tưởng vĩ đại của Khổng Tử, Lão Tử, cho đến những giáo lý sâu xa của Phật Thích Ca Mâu Ni.
Người ta thường nói, "Con đường chân lý không có dấu chân." Nhưng chính bộ sách này, với sự chắt lọc tinh hoa từ những bài học của các bậc thầy, như một tấm gương phản chiếu sự thật về con người và cuộc sống. Những giáo lý của Phật pháp trong sách, như những cánh hoa sen nở rộ giữa đầm lầy, khiến ta nhận ra rằng chính từ trong khổ đau, ta có thể tìm thấy hạnh phúc đích thực. “Chỉ cần tâm ta thanh tịnh, mọi thứ sẽ tự nhiên trở về với bản nguyên”.
1. ĐẠO: Con đường chân lý đưa con người trở về với bản thể thuần khiết, nơi hòa quyện giữa tâm hồn và vũ trụ mang lại an lạc và giác ngộ.
2. THIÊN: Khắc họa sự liên kết thiêng liêng giữa con người và thiên nhiên, chúng ta không chỉ tồn tại mà còn là một phần của vũ trụ bao la.
3. MẪN: Sức mạnh phía sâu trong tâm hồn, giúp ta nhận diện và nuôi dưỡng sức mạnh nội tại.
4. TÂM: Mọi hành động, ý nghĩ đều bắt nguồn từ tâm thức; nuôi dưỡng tâm hồn với tình yêu thương là chìa khóa mở ra cánh cửa hạnh phúc và bình an nội tại.
5. KHÍ: Cân bằng và khai thác khí đúng cách là bí quyết cho một cuộc sống tràn đầy sức sống và hài hòa.
6. LÝ: Mang đến ánh sáng về những đạo lý và quy luật tự nhiên. Trí tuệ thấu hiểu về lý chính là nền tảng vững chắc cho cuộc sống ý nghĩa và trọn vẹn.
7. TÍNH: Đi sâu vào bản chất vốn có của con người. Nhận thức chính là chìa khóa mở ra tiềm năng vô hạn, giúp ta khám phá những khía cạnh chưa được khai phóng của chính mình.
8. BIẾN: Sự biến đổi là quy luật vĩnh cửu của cuộc sống; chỉ khi chấp nhận và hòa mình vào dòng chảy của sự thay đổi, ta mới tìm thấy sự phát triển và tự do đích thực.
TINH - KHÍ - THẦN
Tuệ Tĩnh là ông tổ của nền y dược Cổ truyền Việt Nam, cụ khuyên bảo mọi người nên giữ gìn sức khoẻ bằng một câu thơ mà chúng ta thường nghe: “Bế tinh, dưỡng khí, tồn thần Thanh tâm, quả dục, thủ chân, luyện hình”. Hai câu thơ nhắc nhở bảy điều cốt yếu để giữ gìn sức khỏe, trong đó, câu đầu nêu lên ba yếu tố cần thiết và quý báu nhất đó là: Bế Tinh, Dưỡng Khí, Tồn Thần.
Vậy Tinh – Khí -Thần là gì? Chúng quan trọng thế nào trong cuộc sống chúng ta, chúng ta sẽ cùng tìm hiểu qua bài viết dưới đây:
Tinh – Khí -Thần là ba tố chất cơ bản trong cơ thể con người, chúng rất quan trọng tồn tại trong thể xác mỗi con người. Nó quyết định toàn bộ sự tồn tại và phát triển của con người đó, từ khi sinh ra, lớn lên và đến khi già đi.
Các Đạo gia cho rằng Tinh – Khí -Thần chính là “tam bảo” trong mỗi con người chúng ta, ba yếu tố này cũng chính là thể hiện: Bản Thể, Năng Lượng và Tinh Thần của mỗi người. Bản Thể là Tinh hoa, Năng Lượng là nghị lực và tinh thần là nền tảng của sự sống, là ba yếu tố chính duy trì các hoạt động sống của cơ thể con người. Con người muốn tràn đầy sức sống khi và chỉ khi nạp đủ năng lượng; cơ thể con người mới lúc đó mới có thể phát triển khỏe mạnh và ít bệnh tật.
Trong cuộc sống hiện đại, rất nhiều người trong chúng ta chưa nhìn nhận vấn đề này một cách đầy đủ, dẫn đến hiểu và thực hành không đúng, thành ra sức khỏe không được tốt như mong đợi, như Thúc Thư Tử xưa có nói: “Con người có được Tinh – Khí – Thần, nhưng lại tiêu hao nó, rò rỉ nó, không thể phát huy đầy đủ tác dụng. Thành ra, tinh không nhuận da dẻ, khí không gợi hoạt động, thần không đầy sớm muộn. Rồi đột nhiên mất đi chẳng khác gì cây lụi gốc khô. Đáng tiếc làm sao! “
Từ góc độ nguồn gốc, các khái niệm về tinh, khí và thần trong thuật nội giả của Đạo gia bắt nguồn từ triết học và y học thời Tiền Tần.
Chúng ta hãy cùng tìm hiểu về Tam Bảo này
1 : TINH
Thượng đan điền là rễ của tính, hạ đan điền là đài nâng mệnh. Chân nhân Bạch Ngọc Thiền nói: người ta khi ở trong bụng mẹ, cuống rốn nối liền với rốn mẹ, mẹ thở thì con thở, mẹ hít thì con hít. Nguồn dưỡng chất từ mẹ chuyển đến nuôi sống thai nhi. Đến lúc sinh ra, cắt cuống rốn đi phải tự hô hấp, lại nhận một chút khí phàm của mẹ cha ở hạ đan điền và gửi ở thận. Khí toàn thân đều thịnh vượng từ đây, như nước đổ về đông. Vì vậy, hạ đan điền là nền tảng của mệnh.
Tinh là các chất tinh hoa nuôi dưỡng con người. Cơ thể là một bộ máy trao đổi chất với thiên nhiên bằng cách ăn uống, hít thở. Các chất ăn uống qua tiêu hóa thành cốc khí, không khí được hít thở, cung cấp tông khí qua bộ máy hô hấp, cốc khí và tông khí kết hợp, cùng trở thành tinh chất nuôi cơ thể. Các cơ quan, các tạng (Tâm, can, tỳ, phế, thận) dùng các tinh chất ấy nuôi mình, đồng thời tạo thành các chất tinh tuý, tinh hoa. Tạng hàm nghĩa là kho tàng, là cơ quan tàng trữ các chất tinh hoa. Ở giai đoạn này, các tinh hoa là chất dự trữ để điều hòa các hoạt động của bản tạng. Phần tinh hoa của mỗi tạng dư thừa chuyển vào thận. Thận là “tổng kho” các thứ tinh. Sách nói thận tàng tinh. Sách cũng nói thận liên quan đến tủy trong cột sống, đến não. Não được gọi là “tủy hải” (bể tủy). Tinh của thận chuyển hóa lên tủy, tới não để nuôi tủy não. Tinh ở thận cũng tạo thành tinh sinh dục. Dịch hoãn của nam giới được gọi là ngoại thận. Khái niệm về thận trong y học cổ truyền rất rộng và rất quan trọng. Tóm lại, tinh trong bản thể là chỉ tất cả các chất dinh dưỡng trong cơ thể con người, được chia thành bẩm sinh và có được, là chất tinh hoa bao gồm cả tinh sinh dục, không phải là chỉ là tinh sinh dục.Tinh chất là nguồn nuôi dưỡng cơ thể.
Tinh chất bẩm sinh là Tinh tiên thiên do bẩm thụ từ cha mẹ khi sinh ra; “Con người sinh ra, trước tiên là bản chất”, bản chất không chỉ là yếu tố cơ bản cấu thành nên cơ thể con người, mà còn điều khiển toàn bộ quá trình sinh trưởng, phát triển, sinh sản và già đi của cơ thể con người.
Tinh hậu thiên sinh ra trong quá trình sống, do nhiều yếu tố tạo thành: năng lượng ngoại sinh, năng lượng nội sinh, huyết và các tinh chất do sự chuyển hóa của cơ thể, tất cả hợp lại mà thành. (Các tinh chất do chuyển hóa của cơ thể một phần tạo ra huyết, khí và các chất khác để các tế bào phát triển, một phần tạo ra tinh). Sau khi một người được sinh ra, chất dinh dưỡng của cơ thể được lá lách và dạ dày từ thức ăn ăn vào được gọi là "tinh hoa của tự nhiên có được". Sự chuyển hóa thành tinh hậu thiên diễn ra ở tủy sống và tủy của các xương lớn. Tinh chất chủ yếu do thận quản lý, người ta thường gọi là “tinh chất thận”. Tinh do thận tiết ra, mà thận là chủ của thủy nhận lấy tinh hoa của lục phủ, ngũ tạng mà tích trữ, cho nên ngũ tạng hưng thịnh thì tinh tràn đầy.
Tinh hội tụ ở hai tuyến thượng thận và lưu hành khắp cơ thể, ta cần biết rằng hai tuyến thượng thận có rất nhiều chức năng trong đó có chức năng tồn trữ và điều tiết tinh.
Tinh tham gia mọi hoạt động của cơ thể, nhất là hoạt động của các tuyến nội tiết. Đặc biệt đảm bảo sự hoạt động và hình thành những yếu tố giữ vững hoạt động sinh dục và các yếu tố duy trì nòi giống ở cả nam và nữ. Tinh lưu hành khắp cơ thể, giúp chống lại các yếu tố ngoại lai có hại cho cơ thể.
“Tinh” ở trong con người thể hiện qua những bộ phận hữu hình như: Da, lông, tóc, móng, gân, xương, cơ, mạch, tạng, phủ, các chất dịch (máu huyết, nước bọt, nước tiểu, nước mắt mũi, mồ hôi…). “Tinh” là thức ăn, uống đưa vào qua đường miệng, tất cả đều có nguồn gốc từ đất nên còn gọi là Địa khí. “Tinh” là chất hữu hình gồm chất cứng và chất lỏng, giống như đất và nước, có thể so sánh với Thổ đại và Thủy đại trong Tứ Đại được Đức Phật nhắc đến khi nói về cấu tạo cơ thể con người.
2. KHÍ
Khí là một dạng năng lượng, ở trong cơ thể người và các sinh vật, đó là dạng năng lượng sinh học, khí là chất li ti khó thấy như tinh khí của thức ăn chất uống lưu hành trong thân thể. Khí còn là sức hoạt động của nội tạng như khí lục phủ, khí ngũ tạng…
Tinh chất tạo thành khí, khí làm cho cơ thể hoạt động. Ở đây có thể hiểu khí theo nghĩa hẹp là năng lượng, năng lượng tạo thành nội lực làm cho cơ thể hoạt động. Ngược lại, khí (nội lực) làm cho bộ máy tiêu hóa, bộ máy hô hấp hoạt động để chuyển hóa các chất tạo thành tinh chất. Tinh là thứ vật chất, nếu không có khí không chuyển hóa được. Khí là sự hoạt động sinh lý (nội lực). Không có tinh chất, khí không tiếp tục hoạt động được. Sự hoạt động là thứ phi vật chất. Do vậy, theo thuyết âm dương, tinh thuộc phần vật chất là âm, khí thuộc phần phi vật chất là dương. Y học cổ truyền còn gọi âm tinh và dương khí. Âm tinh là cơ sở phát sinh và nuôi dưỡng dương khí. Dương khí là “động cơ” làm cho âm tinh chuyển hóa. Hai thứ ràng buộc nhau, không thể thiếu một thứ nào. Sự yếu kém rối loạn của thứ này ảnh hưởng xấu đến thứ khác và gây nên bệnh tật trong con người.
Khí chỉ sự hoạt động của nội lực, có thứ riêng theo từng bộ phận, ví dụ tỳ khí là sự hoạt động cơ năng của hệ tiêu hóa. Tâm khí là sự hoạt động cơ năng của hệ tuần hoàn tim mạch… Khí cũng có thứ chung của toàn thân, do khí của từng bộ phận hợp lại, chúng phải hoạt động nhịp nhàng, cân bằng với nhau, trong đó có sự hoạt động của hệ kinh lạc, được gọi là Kinh khí. Tạng làm chủ của khí chung toàn cơ thể là phế. Khí của một, hai bộ phận yếu kém, rối loạn sẽ hại tới khí chung toàn thân. Khí của toàn thân yếu kém, rối loạn dẫn tới cơ thể suy vong.
Đông y chia “Khí” trong con người thành nhiều loại: Khí tiên thiên, khí hậu thiên, nguyên khí, dinh khí, vệ khí, tông khí, khí ngũ tạng, tà khí…v.v… “Khí” được hít thở qua mũi, trao đổi qua da, qua huyệt, tất cả đều có nguồn gốc từ khoảng không nên gọi là Thiên khí. “Khí” vô hình, là lực đẩy, là áp suất để dẫn huyết, có thể so sánh với Phong đại – trong Tứ Đại mà Đức Phật nhắc đến khi nói về cấu tạo cơ thể con người.
Nguyên khí là thành phần chính của thận tinh, tinh khí thu được chỉ có vai trò dưỡng sinh, do đó khí thận do tinh thận chuyển hóa cũng chủ yếu là khí bẩm sinh, cụ thể là sinh khí.
3. Thần
Thần là thái cực, là huyền bí của đại não nơi cơ thể con người. Thần chủ đạo việc phối hợp khí hóa âm dương. Thần biểu hiện sức sống. Cho nên ‘còn thần thì sống, mất thần thì chết’. Thần sung mãn thì ngườì khỏe mạnh, thần suy kém thì người yếu đuối.
Thần là sự hoạt động về tinh thần, về sự hoạt động thần kinh, ý thức, cảm xúc và tư duy của con người, là biểu hiện ra bên ngoài của tinh, khí, huyết và tân dịch. Thần còn là biểu hiện tình trạng sinh lý, bệnh lý của lục phủ ngũ tạng trong cơ thể. Trong cơ thể khi khí huyết thịnh vượng, lục phủ ngũ tạng điều hòa thì tinh thần sung túc.
Thần là một dạng hoạt động đặc thù của khí. Nói cách khác, thần là sự biểu hiện tổng hợp cao cấp của khí. Khí nhờ tinh làm cơ sở, thì Thần cũng nhờ tinh làm cơ sở. Khí và thần đều thuộc dương, nhờ vào Tinh thuộc âm. Thần trở nên là một thực thể có khả năng chi phối, luôn ảnh hưởng tới khí, tới sự hoạt động cơ năng của các cơ quan. Con người là đông vật cao cấp, cho nên Thần trong con người là tư duy, cảm xúc, phản xạ, vận động (thực chất thần là vận động vì vận động đã bao gồm tất cả các yếu tố trước, có vận động vô thức và ý thức).
“Thần” ở thân thể là thân nhiệt, là hoạt động điều hòa, là khí sắc, là sự nhạy cảm trong tâm lý, được gọi là Nhân khí. Có thể so sánh “Thần” với Hỏa đại – trong Tứ Đại được Đức Phật nhắc đến khi nói về cấu tạo cơ thể con người. Những cảm xúc tiêu cực đều có thể ảnh hưởng xấu đến sự hoạt động cơ năng của tạng phủ, đến sức khoẻ. Ví dụ giận quá hại đến can, gây chứng mặt đỏ, nhức đầu, hộc máu. Tạng làm chủ, chứa thần là tâm.
Tóm lại
Quan hệ giữa tinh , khí, thần trong mỗi cơ thể là mấu chốt chủ yếu để duy trì sự sống. Mạng sống của con người bắt đầu từ tinh, sống được là nhờ khí, mà chủ sinh mạng lại là thần. Để cho pháp luân thường chuyển thì khí sinh tinh, tinh dưỡng khí, khí dưỡng thần, rồi thần lại hoá khí. Tam bảu tác động tương hỗ lẫn nhau. Tinh là cơ sở của thần, khí từ tinh hoá ra. Thần là mặt biểu hiện của khí. Sự thăng trầm của tinh, khí, thần quan hệ đến sự mạnh yếu của thân thể, sự mất còn của sự sống. Vì thế cổ nhân mới gọi tinh khí thần là tam bảo, là ba món bảo bối, tức là nguồn gốc sinh mạng của con người. Các đaọ gia coi thần là Thái cực nơi cơ thể con người. Thần chủ đaọ việc phối hợp khí hóa âm dương mà ta thường gọi là thần khí hay thần sắc. Nên thần mất tạng tuyệt, vì các tạng có nhiệm vụ như: can tàng hồn, tâm tàng thần, thận tàng tinh, phế tàng phách và tỳ tàng trí ý.
Do đó, qua quan sát Tinh-Khí-Thần ở một người mà biết được trạng thái khỏe-yếu của người đó và đề ra cách khắc phục phù hợp. “Tinh” vốn là chất hữu hình điều chỉnh qua thuốc và thức ăn. “Khí” vô hình, điều chỉnh qua hít thở và vận động là chính. “Thần” là tư duy, trí tuệ…điều chỉnh qua công phu tu luyện, kiên thức, nhận thức. Ở một mức độ nhất định, có thể dùng “Tinh” để điều chỉnh “Khí” và “Thần”, hoặc dùng “Khí” để điều chỉnh “Tinh” và “Thần”. Đối với “Thần” cũng vậy. Sức khỏe toàn diện là phải quan tâm đầy đủ đến Tinh-Khí-Thần. Tinh sai, khí thiếu, thần hư là trạng thái cơ bản của mọi bệnh tật nơi con người.
Chúc các bạn tràn đầy sức khỏe trong cuộc sống
phong thủy Thành Công
Chia sẻ bài viết:
LÊ CÔNG
0919.168.366
PHÚC THÀNH
0369.168.366
Một số cách an sao vòng Trường Sinh trong tử vi
TÍNH CÁCH, MẪU NGƯỜI, TRONG LÁ SỐ TỬ VI
7 nguyên tắc cơ bản sau cần phải xem kỹ trước khi bình giải một lá số Tử Vi
THẾ NÀO LÀ TUẾ PHÁ & NGŨ HOÀNG ĐẠI SÁT
BÍ QUYẾT SONG SƠN NGŨ HÀNH VÀ THẬP NHỊ THẦN ĐẠI PHÁP (TIÊU SA NẠP THỦY THEO THỦY PHÁP TRƯỜNG SINH)
Ý nghĩa của việc thờ bàn thờ Ông Địa
“BẢN GỐC” CỦA THƯỚC LỖ-BAN DÀNH CHO CÁC BẠN THẬT SỰ HAM MÊ PHONG THỦY !!!
Ngày Dương Công Kỵ Nhật - Chọn Ngày Giờ
Cách tính tháng đại lợi cưới hỏi cho từng tuổi
LÊ LƯƠNG CÔNG
Trụ sở: Số 12, Trực Cát , Vĩnh Niệm, Lê Chân, Hải Phòng
Tel: 0919.168.366 - Hotline: 0919.168.366 - Email: nhadatcongminh@gmail.com
Copyright © 2019 https://leluongcong.com/