Phổ khuyến
1- Khuyến tín Bốn chữ: “bất khả tư nghì” (chẳng khá nghĩ bàn) lược giải có 5 nghĩa:
1/. Người niệm Phật có thể vượt tắt ra ngoài tam giới ngay, chẳng phải đợi đoạn trừ hết mê hoặc.
2/. Cứ sanh sang Tây phương là được lên đủ cả 4 cõi Tịnh-độ, chẳng phải noi lên dần dần từng cõi một. Người niệm Phật sanh sang Tây phương là thành Bồ-tát bất thoái và nhất sanh bổ xứ ngay.
3/. Cứ chuyên trì niệm danh hiệu Phật thôi, chẳng cần đến phương tiện nào khác (tu thiền, quán tưởng v.v...).
4/. Trong một tuần 7 ngày có thể thành công, chẳng cần nhiều kiếp, nhiều đời, nhiều năm, nhiều tháng.
5/. Cứ trì niệm một danh hiệu Phật A Di Đà, tức là được chư Phật hộ niệm, chẳng khác gì người trì niệm danh hiệu hết thảy chư Phật. Năm ý nghĩa này, đều nhờ ở nguyện và hạnh chẳng thể nghĩ bàn của Phật A Di Đà. Giữ giới bất vọng ngữ trong ba đời, khi sanh ra có lưỡi rộng dài uốn lên đến mũi. Đức Thích Ca giữ giới bất vọng ngữ trong ba đại a tăng kỳ kiếp, lưỡi mỏng và rộng dài, che kín khắp mặt. Nay chư Phật lưỡi che khắp đại thiên thế giới, để nêu rõ chân thân thật xứng hợp với chánh lý Pháp-thân vậy. Trong sáu đoạn văn nói về sáu phương, đoạn nào chư Phật cũng nêu tên kinh này gọi là kinh: “Xưng tán bất khả tư nghị công đức, nhất thiết chư Phật sở hộ niệm” chính là căn bản lưu thông truyền bá kinh này. Pháp sư Cưu Ma La Thập thuận theo thế gian ưa nói vắn tắt, đặt tên kinh là “A Di Đà”. Thật khéo hợp với hạnh tu trì danh! Pháp sư Trần Huyền Trang dịch là kinh: “Xưng Tán Tịnh Độ Nhiếp Thọ”. Lời văn tuy có tường tận hay sơ lược khác nhau, nhưng chánh nghĩa vẫn không thêm bớt. — Trong các phương, phương nào cũng có Tịnh-độ, cớ gì chỉ tán thán riêng Tịnh-độ ở Tây Phương của Phật A Di Đà? — Xin thưa: Vì có 3 nghĩa: 1/ Khiến người mới vào đạo dễ nhận được tâm Bồ-đề của mình. 2/ Vì bản nguyện của Phật A Di Đà. 3/ Vì Phật A Di Đà với chúng sanh ở cõi này có duyên riêng. Chư Phật từ Pháp-thân hiển hiện ra hình tích, cốt để kết nhân duyên với đời (cả thế gian và xuất thế gian), hết thảy đều thần diệu chẳng khá nghĩ bàn. Các ngài đem giáo lý đại thừa tuyên dương vào hải hội (tức là vì cả thế giới). Các ngài lăn vào bể khổ (tức là vì chúng sanh đối trị tánh ác). Tâm nhân từ của các ngài khế hợp với tâm Thường Tịch Quang (tức là đệ nhất nghĩa). Vì thế mà vạn đức phải kính vâng các ngài, quần linh phải chầu về cả các ngài. Ta lại nên biết mầm thành Phật phải nhờ duyên mới khởi lên được. Duyên ấy tức là cả pháp giới. Vậy thì một niệm tức là hết thảy niệm, một chúng sanh tức là hết thảy chúng sanh. Một hương, một hoa, một thanh, một sắc... cho đến một khi chịu sám hối, được thọ ký, được xoa đầu, được dắt tay v.v... khắp cả mười phương, suốt cả ba đời, không một chỗ nào, không một giây phút nào mà không lan tràn dung hòa khắp cả. Cho nên cái nhân tăng thượng duyên này được gọi là pháp giới duyên khởi. Đó chính là cái nghĩa “biến duyên pháp giới” tức là tưởng niệm và kết duyên với cả mười phương pháp giới vậy (xem nghĩa viên biến trong kinh Hoa Nghiêm quyển 2). Như thế người tu ở ngôi thấp kém (thì vẫn chẳng ra ngoài pháp giới) vẫn có thể quyết chí chuyên cầu vãng sanh về Tây phương. Và người tu ở ngôi cao xa (thì còn pháp giới nào nữa), đâu phải bỏ Tây phương để mong cầu riêng lấy thế giới Hoa Tạng. Hỏi: Chỉ nghe danh hiệu của chư Phật, mà chưa giữ được nghĩa kinh, thì có được chư Phật hộ niệm lên ngôi bất thoái không? Thưa: Cái nghĩa nghe ở đây có phần Cuộc và phần Thông. Về phần Cuộc thì như kinh Chiêm Xát nói: “Tâm tạp loạn nhơ bẩn, niệm danh hiệu ta, chẳng phải là đã được nghe danh hiệu của ta. Tâm chưa quyết định tin hiểu, chỉ được quả báo phước thiện thế gian, chẳng được lợi ích mầu nhiệm sâu xa rộng lớn. Niệm Phật đến chỗ “Nhất hạnh tam muội” mới thành quảng đại diệu hạnh đưa đến “Tương tự vô sanh pháp nhẫn”. Thế mới thật là đã được nghe danh hiệu mười phương Phật...”. Vậy thời chữ nghe ở kinh A Di Đà, cũng phải đến chỗ nhất tâm bất loạn mới đáng là “người đã đươïc nghe danh hiệu chư Phật, được chư Phật hộ niệm”. Còn nghĩa chữ nghe thuộc về phần Thông là: Tâm từ bi chư Phật chẳng khá nghĩ bàn, công đức danh hiệu chư Phật chẳng khá nghĩ bàn. Một khi được nghe danh hiệu Phật rồi, thì bất luận hữu tâm vô tâm, tin hay chẳng tin, đều đã thành thắng duyên. Huống chi Phật bình đẳng độ chúng sanh oán thân như nhau, không hề mỏi mệt. Miễn là được nghe danh hiệu Phật, tất là được Phật hộ niệm, còn nghi gì nữa? Kim Cương Tam Luận nói: Địa Bồ-tát về Biệt giáo hay Trụ Bồ-tát về Viên giáo, tự lực tu hành vào bậc “Đồng sanh tánh” mới được Phật hộ niệm. (Đồng sanh tánh là thấy được Phật tánh.) Niệm Phật, nhờ sức Phật thì mau hơn cứ tới ngôi “Tương tự vô sanh pháp nhẫn” đã được Phật hộ niệm. Dưới ngôi Tương tự ấy cũng đều được Phật hộ niệm. Theo nghĩa Thông, chỉ cần nghe danh hiệu Phật qua tai một lần, đồng thể pháp tánh đã phát ra một sức mạnh tức là đã gieo nhân tốt về sau, chẳng bao giờ mất. “Bất thoái” là đủ 3 ngôi bất thoái như trên đã giải thích, đồng một nghĩa với danh từ: “Nhất sanh thành Phật”. Bởi thế, Phật Thích Ca cố khuyên bọn ông Xá Lợi Phất đều nên tin chịu. Công đức được nghe danh hiệu Phật mầu nhiệm như thế, Phật Thích Ca và chư Phật mười phương đã nói mà lại còn không tin ư? 2- Khuyến nguyện Phật ân cần đến 3 lần khuyên phát nguyện. Phát nguyện tức là 2 pháp môn: “Hân và Yếm”. (Hân là hân hoan vui thích. Yếm là yếm ly chán bỏ.) a) Chán bỏ cõi Sa Bà vì tệ ác lắm! Phép này ứng hợp với 2 Hoằng Nguyện: “Chúng sanh vô biên thệ nguyện độ”, “Phiền não vô tận thệ nguyện đoạn”. b) Vui cầu sang An Lạc, vì yên tĩnh lắm! Phép này ứng hợp với 2 Hoằng Nguyện: “Pháp môn vô lượng thệ nguyện học”, “Phật đạo vô thượng thệ nguyện thành”. Vì có phát nguyện rộng lớn như thế, cho nên Phật mới bảo: “Những người ấy, đều được tới cõi A-nậu-đa-la-tam-miệu-tam-bồ-đề, chẳng hề lui chuyển” tức là đắc đạo Bồ-đề, lên ngôi bất thoái. Nhân mầu nhiệm và Quả mầu nhiệm của người niệm Phật đều chẳng bao giờ lìa khỏi Nhất tâm. Vậy thì cần gì phải đợi đến hết kiếp Sa Bà, mới sanh vào ao thất bảo! Ngay giờ phút ta có tín tâm, ta có phát nguyện, ta niệm danh hiệu Phật, thì bóng đài sen vàng tươi sáng đã hiện ra rồi. Ta không phải là người cõi Sa Bà nữa! 3- Khuyến hạnh Trí tuệ công đức của các đức Phật đều bình đẳng như nhau, nhưng sự giáo hóa thì có chỗ dễ chỗ khó: Ở cõi Tịnh-độ tu thành Bồ-đề thì dễ, ở cõi đời trược này khó lắm! Vì chúng sanh ở Tịnh-độ nói pháp thì dễ, vì chúng sanh ở cõi này nói pháp khó lắm! Vì chúng sanh ở trược thế, nói pháp Tiệm còn dễ, chứ nói pháp Đốn thì khó! Vì chúng sanh ở trược thế, nói các pháp Đốn khác còn dễ, nói pháp Đốn vượt tắt ngang sang Tịnh-độ, thì lại càng khó nữa! Vì chúng sanh ở trược thế, nói các pháp “diệu quán đốn tu đốn chứng vượt tắt ngang sang Tịnh-độ” đã chẳng dễ gì, thế mà nay lại nói cái pháp chẳng cần khó nhọc, chỉ trì niệm danh hiệu Phật A Di Đà, mà được lên ngay ngôi Bồ-tát bất thoái, thì thật là một khó khăn trong các khó khăn. Bởi thế mười phương chư Phật đều suy tôn đức Thích Ca là dũng mãnh. Ngũ trược ác thế: 1. Kiếp trược là thời đại tụ hợp toàn nhơ ác, không có hạnh tu niệm Phật, hứa hẹn cho mang cả ác nghiệp vượt tắt ra ngoài vòng kiếp trược thì thật khó cho những chúng sanh ở trong ấy được giải thoát. 2. Kiến trược là thời đại có 5 tà kiến sai sử con người mau lẹ lắm (ngũ lợi sử): a) Thân kiến: Si mê lầm tưởng thân và cảnh thật có. b) Biên kiến: Thiên về một bên. Hoặc theo chủ nghĩa đoạn diệt cho rằng thân chết là hết. Hoặc chấp thường cho rằng thân tuy chết mà linh hồn còn mãi. c) Kiến thủ: Cố chấp theo tà thuyết, tà đạo. d) Giới thủ: Học theo giới luật tà đạo. đ) Tà kiến: Không tin đạo Phật, bác lý nhân quả. Năm tà kiến này làm tối tăm mù quáng. Không có hạnh niệm Phật, y cứ vào lý nhân quả và vạn pháp duy tâm thì làm sao thức tỉnh được những chúng sanh này. 3. Phiền não trược là thời đại có 5 phiền não, nó sai khiến con người rất mạnh. Tham, sân, si, mạn, nghi, năm phiền não xấu xa này rất khó trừ (ngũ độn sử), luôn luôn ngấm ngầm rối loạn làm vẩn đục tâm tánh. Hạnh tu niệm Phật là một pháp môn nhận thấy tâm Phật ở ngay tâm phàm, chúng sanh nào cũng có Phật tánh. Nên pháp môn này không bỏ một ai. Dù thập ác ngũ nghịch mà biết sám hối cũng hứa hẹn cho vãng sanh. Mỗi tiếng niệm Phật là một hạt châu chuyển phiền não trược thành đời sống thanh lương. 4. Chúng sanh trược là thời đại 5 kiến trược và 5 phiền não trược (10 kết sử) cảm ứng hiện ra thân năm ấm. Các hữu tình quên mất Pháp-thân, mê muội nhận năm ấm là mình. Không có hạnh tu niệm Phật, mỗi niệm mỗi niệm trở về tánh giác Vô Lượng Quang thì làm sao đưa được hữu tình ra khỏi cái vòng luân hồi bảy thú. 5. Mạng trược. Đồng là một bản giác, chỉ vì 6 phù trần căn tứ đại ngăn cách khiến thành 6 công dụng khác nhau. Sáu căn sinh hoạt gọi là sống, hết hoạt động gọi là chết. Thời đại mạng sống con người non yểu gọi là mạng trược. Chúng sanh quên bản tánh Vô Lượng Thọ, nhận thân vô thường sanh tử là mình. Không có pháp môn niệm Phật là hạnh tu chẳng phí nhiều thời giờ thì làm sao những chúng sanh mạng yểu kịp giải thoát. Người niệm Phật, mỗi niệm mỗi niệm trở về tánh Vô Lượng Thọ tức là mỗi niệm mỗi niệm ra khỏi mạng trược. Tín Nguyện niệm Phật chuyển ngay được kiếp trược thành thanh tịnh hải hội. Chuyển ngay được kiến trược thành Vô Lượng Quang. Chuyển ngay được phiền não trược thành Thường Tịch Quang. Chuyển ngay được chúng sanh trược thành thân liên hoa hóa sanh. Chuyển ngay được mạng trược thành Vô Lượng Thọ. Thế cho nên mỗi một niệm Nam mô A Di Đà Phật là một niệm chứng được tâm Vô-thượng Bồ-đề. (Bí quyết của tông Tịnh-độ từ nghìn xưa, nay đại sư Trí Húc nhất đán mở tung ra cho mọi người thấy rõ.) Đức Thế Tôn đem quả Phật trao cho chúng sanh đời ngũ trược ác thế. Năng lực giáo hóa này chỉ có Phật Thích Ca cùng mười phương Phật mới có mà thôi. Loài người chúng ta: a) Hiện đang ở trong kiếp trược, quyết định bị vô lượng khổ não áp bức. b) Hiện đang ở trong kiến trược, quyết định bị cái trí xảo trá của bọn tà sư chỉ huy. c) Hiện đang ở trong phiền não trược, quyết định bị tham dục hãm hại và các nghiệp độc ác kích thích. d) Hiện đang ở trong chúng sanh trược, quyết định đành cam phận trong những cái thân bẩn thỉu mà còn mê cho là đáng yêu quý, cam chịu kém hèn sống đắng cay chết đọa đày mà không bao giờ ngờ rằng mình có đường lối thoát ly. đ) Hiện đang ở trong mạng trược, quyết định bị ma lực vô thường nuốt đời sống nhanh như tia lửa chớp nhoáng, trở bàn tay không kịp. Kiếp người chúng ta ví như ở trong nhà lửa cháy cả bốn bên rồi, mà vẫn cứ nô đùa bàn cãi suông chơi với nhau hoài. Chỉ có ai biết đích thực là một việc rất khó khăn, mới chịu giết chết cái tâm tham dục, mới biết quý phép tu: “Nhất hạnh” này. Chỉ vì thế mà đức Phật Bổn Sư phải hết lòng nói đi nói lại “khó lắm! khó lắm!” để cho chúng ta tỉnh ra. Có biết sợ mới lo tu. Đây là thâm từ phó chúc, bọn ta cần phải biết! Kết khuyến Pháp môn niệm Phật thật chẳng thể nghĩ bàn, rất khó tin, rất khó hiểu, đệ tử Phật không một người nào biết mà hỏi. Trí tuệ Phật soi thấy cơ duyên chúng sanh thành Phật đã chín. Mặc dầu không ai hỏi, tự Phật nói, khiến chúng sanh được 4 lợi ích (đây thích nghĩa 8 chữ: Hoan hỷ, Tín thọ, Tác lễ, Nhi khứ): 1. Phật nói pháp tu niệm Phật này, giống như một trận mưa hợp thời, làm cho nhân vật, cỏ cây mát mẻ, thấm nhuần, nẩy nở, lớn lên, thế gọi là Hoan hỷ (vui mừng). 2. và 3. Trong tâm không còn nghi hoặc một tơ hào gọi là Tín (tin). Lãnh nạp vào tâm chẳng giờ phút nào quên, gọi là Thọ (chịu). 4. Đem thân mạng quay về với Phật, ứng hợp với toàn thể pháp giới trùng trùng duyên khởi, thế gọi là Tác lễ (làm lễ). Người nghe kinh, tự mình đã thực hành, cứ một chiều tiến mãi không lui, đem kinh lưu thông truyền bá khắp nơi, báo đền ân Phật, thế gọi là Nhi khứ (rồi đi). Đi mãi suốt đời vị lai, giáo hóa cho mọi người vô cùng vô tận.
---o0o---
Chia sẻ bài viết:
LÊ CÔNG
0919.168.366
PHÚC THÀNH
0369.168.366
Một số cách an sao vòng Trường Sinh trong tử vi
TÍNH CÁCH, MẪU NGƯỜI, TRONG LÁ SỐ TỬ VI
7 nguyên tắc cơ bản sau cần phải xem kỹ trước khi bình giải một lá số Tử Vi
THẾ NÀO LÀ TUẾ PHÁ & NGŨ HOÀNG ĐẠI SÁT
BÍ QUYẾT SONG SƠN NGŨ HÀNH VÀ THẬP NHỊ THẦN ĐẠI PHÁP (TIÊU SA NẠP THỦY THEO THỦY PHÁP TRƯỜNG SINH)
Ý nghĩa của việc thờ bàn thờ Ông Địa
“BẢN GỐC” CỦA THƯỚC LỖ-BAN DÀNH CHO CÁC BẠN THẬT SỰ HAM MÊ PHONG THỦY !!!
LÊ LƯƠNG CÔNG
Trụ sở: Số 12, Trực Cát , Vĩnh Niệm, Lê Chân, Hải Phòng
Tel: 0919.168.366 - Hotline: 0919.168.366 - Email: nhadatcongminh@gmail.com
Copyright © 2019 https://leluongcong.com/