Văn Hóa_Tín Ngưỡng
29/11/2020 - 3:44 PMLê Công 881 Lượt xem

Tiếp phần trên 

Nầy Tu-Bồ-Đề! Ta nhớ lại hồi thuở trước đức Phật Nhiên-Đăng ra đời, vô-lượng vô-số kiếp về quá-khứ, Ta gặp đặng tám-trăm bốn-nghìn muôn-ức na-do-tha các đức Phật, lúc ấy Ta thảy đều hầu-hạ, cúng-dường, không có luống bỏ qua.

Về đời mạt-thế sau nầy, nếu có người hay thọ-trì, đọc-tụng kinh nầy, thời công-đức của những người ấy có được, nếu đem so sánh với công-đức cúng-dường các đức Phật của Ta trong thuở trước, thời công-đức của Ta sánh không bằng một phần trăm, một phần nghìn, muôn, ức, cho đến tính đếm thí-dụ đều chẳng bằng được.

Nầy Tu-Bồ-Đề! Về đời mạt-thế sau nầy, nếu có trang thiện-nam, người thiện-nữ nào, thọ-trì, đọc-tụng, kinh nầy, công-đức của những người đây đặng, nếu Ta nói đủ hết cả ra, hoặc có kẻ nghe đó, trong lòng liền cuồng-loạn, nghi-ngờ, không tin.

Nầy Tu-Bồ-Đề! Phải biết rằng, vì nghĩa-lý của kinh nầy chẳng thể nghĩ-bàn được, nên quả-báo cũng không thể nghĩ-bàn được!”

Bấy giờ, ông Tu-Bồ-Đề bạch với đức Phật: “Bạch đức Thế-Tôn! Trang thiện-nam, người thiện-nữ, phát tâm Vô-thượng Chánh-đẳng Chánh-giác, phải trụ-tâm như thế nào? Phải hàng-phục tâm mình như thế nào?”.

Đức Phật bảo ông Tu-Bồ-Đề: “Trang thiện-nam, người thiện-nữ, phát tâm Vô-thượng Chánh-đẳng Chánh-giác đó, thời phải sanh-tâm như vầy: Ta phải diệt-độ tất cả chúng-sanh, diệt-độ tất cả chúng-sanh xong, mà không có một chúng-sanh nào thiệt diệt-độ.

Bởi vì sao? Nầy Tu-Bồ-Đề! Nếu Bồ-tát mà còn có tướng ngã; tướng nhân, tướng chúng-sanh, tướng thọ-giả thời chính là chẳng phải Bồ-tát.

Vì cớ sao? Nầy Tu-Bồ-Đề! Vì thiệt ra không có pháp chi phát-tâm Vô-thượng Chánh-đẳng Chánh-giác cả?

Nầy Tu-Bồ-Đề, nơi ý của Ông nghĩ thế nào? – Ở nơi chỗ đức Phật Nhiên-Đăng thì Như Lai có pháp chi mà được thành Vô-thượng Chánh-đẳng Chánh-giác chăng?”

“Bạch đức Thế-Tôn! Không, như chỗ con hiểu nghĩa-lý của lời Phật dạy, thời ở nơi đức Phật Nhiên-Đăng, Đức Thế Tôn đã không có pháp chi mà được thành Vô-thượng Chánh-đẳng Chánh-giác cả.”

Đức Phật dạy rằng: “Đúng thế! Đúng thế! Nầy Tu-Bồ-Đề! Thiệt không có pháp chi đức Như-Lai đặng Vô-thượng Chánh-đẳng Chánh-giác.

Nầy Tu-Bồ-Đề! Nếu còn có pháp nào mà đức Như-Lai được Vô-thượng Chánh-đẳng Chánh-giác, thời đức Phật Nhiên-Đăng bèn chẳng thọ-ký cho Ta rằng: “Ông ở đời sau sẽ được thành Phật hiệu là Thích-Ca Mâu-Ni.”

Bởi thiệt không có pháp chi để được Vô-thượng Chánh-đẳng Chánh-giác, cho nên đức Phật Nhiên-Đăng đã thọ ký cho Ta, mà nói lời nầy:

“Ông ở đời sau sẽ được thành Phật hiệu là Thích-Ca Mâu-Ni.” Bởi vì sao? Vì Như-Lai đó chính là nghĩa các pháp như-như.

Nếu có người nói rằng: Đức Như-Lai được thành Vô-thượng Chánh-đẳng Chánh-giác.

Này Tu-Bồ-Đề! Thiệt ra không có pháp chi mà đức Phật được Vô-thượng Chánh-đẳng Chánh-giác.

Này Tu-Bồ-Đề! Vô-thượng Chánh-đẳng Chánh-giác của đức Như-Lai chứng được, trong đó không thiệt, không hư, vì thế đức Như-Lai nói, tất cả pháp đều là Phật-pháp.

Này Tu-Bồ-Đề! Tất-cả pháp mà đức Phật nói đó, chính chẳng phải tất-cả pháp, cho nên gọi là tất-cả pháp.

Này Tu-Bồ-Đề! Ví như thân người cao lớn.”

Ông Tu-Bồ-Đề bạch rằng: “Bạch đức Thế-Tôn! Đức Như-Lai nói thân người cao lớn, chính là chẳng phải thân cao lớn, đó tạm gọi là thân cao lớn”.

“Nầy Tu-Bồ-Đề! Bồ-tát cũng như thế. Nếu nói lời như vầy: Ta sẽ diệt-độ vô-lượng chúng-sanh, thời vị đó không gọi là bực Bồ-tát.

Bởi vì sao? Nầy Tu-Bồ-Đề! Thiệt không có pháp chi gọi là Bồ-tát.

Vì thế, Như Lai nói tất cả pháp, không ngã, không nhân, không chúng-sanh, không thọ-giả.

Nầy Tu-Bồ-Đề! Nếu Bồ-tát nói như thế nầy: Ta phải trang-nghiêm Phật-độ, thời vị ấy không gọi là bực Bồ-tát.

Bởi vì sao? Vì Như-Lai nói trang-nghiêm Phật độ đó, chính chẳng phải trang-nghiêm, đó tạm gọi là trang-nghiêm.

Nầy Tu-Bồ-Đề! Nếu Bồ-tát thông-đạt được lý không-ngã, không-pháp đó, thời Như-Lai gọi là thiệt phải bực Bồ-tát.

Nầy Tu-Bồ-Đề! Nơi ý của ông nghĩ thế nào? Đức Như-Lai có nhục nhãn chăng?”

“Bạch đức Thế-Tôn! Đúng thế, đức Như-Lai có nhục-nhãn.”

“Nầy Tu-Bồ-Đề! Nơi ý của ông nghĩ thế nào? Đức Như-Lai có thiên-nhãn chăng?”

“Bạch đức Thế-Tôn! Đúng thế. Đức Như-Lai có thiên-nhãn.”

“Nầy Tu-Bồ-Đề! Nơi ý của ông nghĩ thế nào? Đức Như-Lai có huệ-nhãn chăng?”

“Bạch đức Thế-Tôn! Đúng thế. Đức Như-Lai có huệ-nhãn.”

“Nầy Tu-Bồ-Đề! Nơi ý của ông nghĩ thế nào? Đức Như-Lai có pháp-nhãn chăng?”

“Bạch đức Thế-Tôn! Đúng thế. Đức Như-Lai có pháp nhãn.”

“Nầy Tu-Bồ-Đề! Nơi ý của ông nghĩ thế nào? Đức Như-Lai có Phật-nhãn chăng?”

“Bạch đức Thế-Tôn! Đúng thế. Đức Như-Lai có Phật-nhãn.”

“Nầy Tu-Bồ-Đề! Nơi ý của ông nghĩ thế nào? Như bao nhiêu cát trong sông Hằng, đức Phật có nói là cát chăng?”

“Bạch đức Thế-Tôn! Đúng thế, đức Như-Lai nói là cát.”

“Nầy Tu-Bồ-Đề! Nơi ý của ông nghĩ thế nào? Ví như có bao nhiêu cát trong một sông Hằng, thì cũng có số những sông Hằng, bằng số cát như thế, cõi Phật như bao nhiêu số cát trong những-sông-Hằng đó, như thế, cõi Phật có nhiều chăng?”

“Bạch đức Thế-Tôn! Rất nhiều!”

Đức Phật bảo ông Tu-Bồ-Đề: “Bao nhiêu thứ tâm-niệm của tất cả chúng-sanh trong ngần ấy cõi nước, đức Như-Lai đều biết rõ. Bởi vì sao? Vì đức Như-Lai nói các thứ tâm đều là chẳng-phải-tâm, đó gọi là tâm. Vì cớ sao thế? Nầy Tu-Bồ-Đề! Tâm quá-khứ không có chi mà đặng, tâm hiện-tại không có chi mà đặng, tâm vị-lai không có chi mà đặng.

Nầy Tu-Bồ-Đề! Nơi ý của ông nghĩ thế nào? Như có người đem bảy thứ báu, đầy cả cõi tam-thiên đại-thiên để dùng bố-thí. Do nhơn-duyên như thế, người ấy có được phước, có nhiều chăng?”

“Bạch đức Thế-Tôn! Đúng thế. Người đó, do nhân-duyên ấy, được phước rất nhiều.”

“Nầy Tu-Bồ-Đề! Nếu dùng phước-đức là có, hữu-vi, thì đức Như-Lai chẳng nói là được phước-đức nhiều. Do vì phước-đức là không, vô-vi, nên đức Như-Lai mới nói là được phước-đức nhiều.”

“Nầy Tu-Bồ-Đề! Nơi ý ông nghĩ thế nào? Có thể do sắc-thân cụ-túc, mà thấy được đức Phật chăng?”

“Bạch đức Thế-Tôn! Không. Chẳng nên do sắc-thân cụ-túc mà thấy được đức Như-Lai. Bởi vì sao? Vì đức Như-Lai nói sắc-thân cụ-túc, chính chẳng phải sắc thân cụ-túc, đó tạm gọi là sắc thân cụ-túc.”

“Nầy Tu-Bồ-Đề! Nơi ý ông nghĩ thế nào? Có thể do nơi các tướng cụ-túc mà thấy được đức Như-Lai chăng?”

“Bạch đức Thế-Tôn! Không. Chẳng nên do nơi các tướng cụ-túc mà thấy được đức Như-Lai. Bởi vì sao? Vì đức Như-Lai nói các tướng cụ-túc, nhưng chẳng phải cụ-túc, đó tạm gọi là các tướng cụ-túc.”

“Nầy Tu-Bồ-Đề! Ông chớ nói rằng đức Như-Lai nghĩ thế nầy: Ta nên có chỗ thuyết pháp, ông đừng nghĩ như thế. Bởi vì sao? Vì nếu người nào nói rằng: Đức Như-Lai có thuyết-pháp, thời là hủy báng đức Phật, không hiểu được nghĩa-lý của Phật nói.

Nầy Tu-Bồ-Đề! Thuyết pháp đó chính thiệt không có pháp chi nói được, đó tạm gọi là thuyết pháp.”

Bấy giờ, ông Huệ-Mạng Tu-Bồ-Đề bạch đức Phật rằng: “Bạch đức Thế-Tôn! Trong thời vị-lai, chừng có chúng-sanh nào nghe nói pháp nầy mà sanh lòng-tin chăng?”

Đức Phật dạy rằng: “Nầy Tu-Bồ-Đề! Chúng-sanh kia chẳng phải chúng-sanh, cũng chẳng phải là không-phải-chúng-sanh. Bởi vì sao? Nầy Tu-Bồ-Đề! Những chúng-sanh, chúng-sanh đó, đức Như-Lai nói chẳng-phải chúng-sanh, đó tạm gọi là chúng-sanh”.

Ông Tu-Bồ-Đề bạch với đức Phật rằng: “Bạch đức Thế-Tôn! Đức Phật chứng được Vô-thượng Chánh-đẳng Chánh-giác là không có chỗ chi là được sao?”

Đức Phật dạy rằng: “Đúng thế! Đúng thế! Nầy Tu-Bồ-Đề! Ta ở nơi Vô-thượng Chánh-đẳng Chánh-giác, nhẫn đến không có chút pháp chi có thể gọi là được đó mới gọi là Vô-thượng Chánh-đẳng Chánh-giác”.

Lại nữa, nầy Tu-Bồ-Đề! Pháp đó bình đẳng, không có cao, thấp, đó gọi là Vô-thượng Chánh-đẳng Chánh-giác.

Do vì không ngã, không nhơn, không chúng-sanh, không thọ-giả, mà tu tất cả pháp lành, liền được Vô-thượng Chánh-đẳng Chánh-giác.

Nầy Tu-Bồ-Đề! Pháp lành đã nói đó đức Như-Lai nói chính chẳng phải pháp lành đó tạm gọi là pháp lành.

Nầy Tu-Bồ-Đề! Như trong cõi tam-thiên, đại-thiên, có bao nhiêu núi chúa Tu-Di, nếu có người góp cả bảy thứ báu lại, bằng những núi Tu-Di đó, đem dùng mà bố-thí.

Nơi kinh Bát-Nhã Ba-La-Mật nầy nhẫn đến một bài kệ bốn câu v.v… nếu có người thọ trì, đọc-tụng, giảng nói cho kẻ khác nghe, thời phước-đức của người bố-thí trước, sánh không bằng một phần trăm, một phần nghìn, muôn ức, cho đến tính đếm thí-dụ đều chẳng bằng được.

Nầy Tu-Bồ-Đề! Nơi ý của ông nghĩ thế nào? Các ông chớ cho rằng đức Như-Lai nghĩ như vầy: Ta phải hóa-độ chúng-sanh. Nầy Tu-Bồ-Đề! Ông đừng nghĩ như thế. Bởi vì sao? Vì thiệt không có chúng-sanh nào đức Như-Lai độ cả. Nếu có chúng-sanh mà đức Như-Lai độ đó, thời đức Như-Lai còn có tướng ngã, nhơn, chúng-sanh, thọ-giả.

Nầy Tu-Bồ-Đề! Đức Như-Lai nói có ngã đó chính chẳng phải có ngã, mà kẻ phàm-phu lại cho là có ngã.

Nầy Tu-Bồ-Đề! Phàm-phu đó, đức Như-Lai nói chính chẳng phải phàm-phu, đó tạm gọi là phàm-phu.

Nầy Tu-Bồ-Đề! Nơi ý của ông nghĩ thế nào? Có thể do nơi ba- mươi-hai tướng mà xem là đức Như-Lai chăng?”

Ông Tu-Bồ-Đề bạch rằng: “Đúng thế! Đúng thế! Do nơi ba mươi hai tướng mà xem là đức Như-Lai”.

Đức Phật dạy rằng: “Nầy Tu-Bồ-Đề! Nếu do nơi ba mươi hai tướng mà xem là đức Như-Lai đó, thời vua Chuyển-Luân-Thánh-Vương chính là đức Như-Lai rồi!”

Ông Tu-Bồ-Đề bạch với đức Phật rằng “Bạch đức Thế-Tôn! Theo như con hiểu nghĩa-lý của đức Phật nói, thời chẳng nên do nơi ba-mươi-hai tướng mà xem là đức Như-Lai”. Bấy giờ đức Thế-Tôn liền nói kệ rằng:

Nếu dùng sắc thấy ta,

Dùng tiếng tăm cầu ta,

Người ấy tu đạo tà!

Chẳng thấy được Như-Lai.

Tu-Bồ-Đề! Nếu ông nghĩ thế nầy: Đức Như-Lai, không phải vì có tướng cụ-túc mà được Vô-thượng Chánh-đẳng Chánh-giác!

Tu-Bồ-Đề! Ông cũng đừng nghĩ như vầy: Đức Như-Lai há chẳng do nơi tướng cụ-túc mà được Vô-thượng Chánh-đẳng Chánh-giác sao?

Tu-Bồ-Đề! Nếu ông nghĩ như vầy: Người phát tâm Vô-thượng Chánh-đẳng Chánh-giác nói các pháp đều đoạn diệt. Ông đừng nghĩ như thế. Bởi vì sao? Vì nơi các pháp, người phát tâm Vô-thượng Chánh-đẳng Chánh-giác không nói tướng đoạn diệt.

Nầy Tu-Bồ-Đề! Nếu Bồ-tát đem bảy thứ báu đầy cả những cõi nước bằng số cát sông Hằng để làm việc bố-thí.

Nếu lại có người biết lý vô-ngã của tất cả pháp mà đặng thành nhẫn trí. Vị Bồ-tát nầy được công-đức hơn phước-đức của vị Bồ-tát trước. Bởi vì sao? Nầy Tu-Bồ-Đề! Vì các vị Bồ-tát không nhận lấy phước-đức.”

Ông Tu-Bồ-Đề bạch với đức Phật rằng: “Bạch đức Thế-Tôn! Tại sao các vị Bồ-tát không nhận lấy phước-đức?”

“Nầy Tu-Bồ-Đề! Vị Bồ-tát phàm có làm việc phước-đức thời chẳng nên tham-trước, vì thế nên nói là chẳng nhận lấy phước-đức.

Nầy Tu-Bồ-Đề! Nếu có người nói: Đức Như-Lai hoặc đến, hoặc đi, hoặc ngồi, hoặc nằm, thời người ấy không hiểu nghĩa của Phật nói. Bởi vì sao? Vì Như-Lai đó, không từ nơi nào lại, mà cũng không đi về đâu, nên gọi là Như-Lai!

Nầy Tu-Bồ-Đề! Như có trang thiện-nam, người thiện-nữ, đem cõi tam-thiên đại-thiên đập nát ra vi-trần. Nơi ý ông nghĩ thế nào? Các vi-trần đó có nhiều chăng?”

Ông Tu-Bồ-Đề bạch rằng “Bạch đức Thế-Tôn! Rất nhiều. Bởi vì sao? Vì nếu những vi-trần đó là thiệt có, thời đức Phật chẳng nói là những vi-trần.

Vì cớ sao thế? Vì đức Phật nói những vi-trần chính chẳng phải những vi-trần, đó tạm gọi là những vi-trần.

Bạch đức Thế-tôn! Cõi tam-thiên, đại-thiên của đức Như-Lai nói, chính chẳng phải thế-giới, đó gọi là thế-giới. Bởi vì sao? Vì nếu thế-giới là thiệt có ấy, thời là một hợp-tướng.

Đức Như-Lai nói một hợp-tướng chính chẳng phải một hợp-tướng, đó tạm gọi là một hợp-tướng”.

“Nầy Tu-Bồ-Đề! Một hợp-tướng đó bèn là chẳng thể nói được, chỉ nơi kẻ phàm-phu tham trước việc ấy thôi.

Nầy Tu-Bồ-Đề! Như có người nói: Đức Phật nói ngã-kiến, nhân kiến, chúng-sanh-kiến, thọ-giả-kiến. Nơi ý của ông nghĩ thế nào? Người ấy hiểu nghĩa-lý của Phật nói chăng?”

“Bạch đức Thế-Tôn! Không. Người ấy không hiểu nghĩa-lý của đức Phật nói. Bởi vì sao? Đức Thế-tôn nói ngã-kiến, nhân-kiến, chúng-sanh-kiến, thọ-giả-kiến, chính chẳng phải ngã-kiến, nhân-kiến, chúng-sanh-kiến, thọ-giả-kiến, đó tạm gọi là ngã-kiến, nhân-kiến, chúng-sanh-kiến, thọ-giả-kiến”.

“Nầy Tu-Bồ-Đề! Nơi tất cả pháp, người phát tâm Vô-thượng Chánh-đẳng Chánh-giác phải biết như thế, thấy như thế, tin hiểu như thế, chẳng sanh pháp-tướng.

Nầy Tu-Bồ-Đề! Pháp-tướng nói ra đó, đức Như-Lai nói chính là không phải pháp-tướng, đó tạm gọi là pháp-tướng.

Nầy Tu-Bồ-Đề! Như có người đem bảy thứ báu đầy cả vô-lượng vô-số cõi nước để làm việc bố-thí. Như có trang thiện-nam, người thiện-nữ nào, phát tâm Bồ-đề, thọ-trì kinh nầy, nhẫn đến một bài kệ bốn câu v.v… tự mình thọ-trì, đọc-tụng, lại giảng cho kẻ khác nghe, thời phước-đức của người nầy hơn người trước.

Giảng nói cho người khác nghe như thế nào? : – ” Không chấp lấy nơi tướng, như-như chẳng động?”

Bởi vì sao?

Tất cả những pháp hữu-vi

Khác nào mộng, huyễn, khác gì điện, sương.

Như bóng nước, như ảnh-tượng.

Xét suy như thế cho thường chớ quên!

Đức Phật nói kinh nầy xong, ông Trưởng-Lão Tu-Bồ-Đề cùng với các vị Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-Ni, Ưu-Bà-Tắc, Ưu-Bà-Di, tất cả Trời, Người, A-Tu-La v.v… trong thế-gian, nghe những lời của Đức Phật dạy, thảy đều rất vui mừng, tin nhận, vâng theo tu hành.

NAM-MÔ BÁT-NHÃ HỘI-THƯỢNG PHẬT BỒ-TÁT MA-HA-TÁT. (3 lần)

KIM-CANG CHÂN-NGÔN

Án, hô-rô, hô-rô, xả-duệ, mục-khế, tá-ha. (7 lần)

PHỔ HỒI-HƯỚNG CHÂN-NGÔN

Án, Ta-ma-ra, Ta-ma-ra, Nhĩ-ma nẵng tát cót-ra – Ma-ha, chước-ca-ra hồng. (7 lần)

Nhứt hồi hướng: Chân-như thiệt-tế tâm tâm khế hiệp.

Nhị hồi hướng: Vô-thượng Phật-quả, bồ đề niệm-niệm viên mãn.

Tam hồi hướng: Pháp-giới nhứt-thiết chúng-sanh đồng-sanh tịnh-độ.

TÁN VIẾT

Kim-cang công-đức,

Diệu-lý nan lương,

Như-Lai vị chúng quảng tuyên-dương.

Thọ thí ngộ chân-thường,

Dĩ chư hoa hương.

Phổ tán Pháp-Trung Vương.

NAM-MÔ KỲ-VIÊN HỘI-THƯỢNG PHẬT BỒ-TÁT MA-HA-TÁT. (3 lần)

MA-HA BÁT-NHÃ BA-LA-MẬT-ĐA TÂM KINH

Quán-tự-tại Bồ-tát hành thâm Bát-nhã Ba-la-mật-đa thời, chiếu kiến ngũ-uẩn giai không, độ nhất thiết khổ ách.

Xá-Lợi-Tử! Sắc bất dị không, không bất dị sắc, sắc tức thị không, không tức thị sắc, thụ, tưởng, hành, thức, diệc phục như thị.

Xá-Lợi-Tử! Thị chư pháp không tướng, bất sanh, bất diệt, bất cấu, bất tịnh, bất tăng, bất giảm. Thị cố không trung vô sắc, vô thụ, tưởng, hành, thức, vô nhãn, nhĩ, tỷ, thiệt, thân, ý; vô sắc, thinh, hương, vị, xúc, pháp; vô nhãn giới, nãi chí vô ý-thức-giới, vô vô-minh, diệc vô vô-minh tận, nãi chí vô lão tử, diệc vô lão tử tận; vô khổ, tập, diệt, đạo; vô trí, diệc vô đắc, dĩ vô sở đắc cố. Bồ-đề tát-đỏa y Bát-nhã Ba-la-mật-đa cố, tâm vô quái ngại; vô quái ngại cố, vô hữu khủng bố, viễn ly điên đảo mộng tưởng, cứu cánh Niết-bàn. Tam thế chư Phật y Bát-nhã Ba-la-mật-đa cố, đắc A-nậu-đa-la-tam-miệu tam bồ-đề.

Cố tri Bát-nhã Ba-la-mật-đa, thị đại thần chú, thị đại minh chú, thị vô thượng chú, thị vô đẳng đẳng chú, năng trừ nhứt thiết khổ, chân thật bất hư.

Cố thuyết Bát-nhã Ba-la-mật-đa chú, tức thuyết chú viết:

Yết-đế yết-đế, ba-la yết-đế, ba-la-tăng yết-đế, Bồ-đề tát ba ha. (3 lần)

TỰ QUY Y

Tự Quy y Phật, Đương nguyện chúng sanh, Thể giải đại đạo, Phát Vô-thượng tâm.
Tự Quy y Pháp, Đương nguyện chúng sanh , Thâm nhập kinh tạng, Trí tuệ như hải.
Tự Quy y Tăng, Đương nguyện chúng sanh, Thống lý đại chúng, Nhất thiết vô ngại.

HỒI HƯỚNG

Nguyện đem công đức này

Hướng về khắp tất cả

Đệ tử và chúng sanh

Đều trọn thành Phật đạo.

st: Lê Công

 hết 


Tin liên quan

Chia sẻ bài viết: 



Bình luận:

Hỗ trợ trực tuyến

Lê Công

0369.168.366

Nhà đất bán theo tỉnh thành
Nhà đất cho thuê theo tỉnh thành
Kinh Dịch
Tử vi
Huyền không Phi Tinh
Văn Hóa_Tín Ngưỡng
Thước lỗ Ban
Xen ngày tốt
Văn Hóa_Tín Ngưỡng
TIN NỔI BẬT

LÊ LƯƠNG CÔNG

Trụ sở: Số 31 - Mương An Kim Hải - Kenh Dương, Le Chan, Hai Phong

Tel: 0369168366 - Hotline: 0919.168.366 - Email: nhadatcongminh@gmail.com

Copyright © 2019 https://leluongcong.com/