Bài viết phong thủy
13/11/2023 - 4:05 PMLê Công 294 Lượt xem

KIÊNG KỴ TRONG TANG MA, MỒ MẢ

 1/. KIÊNG KỴ TRONG TANG MA

- Kiêng đem thi hài của người chết ở nơi khác vào làng: Theo quan niệm dân gian, người chết là thuộc về cõi âm, nếu mang thi hài của người tắt thở ở nơi khác vào làng là đã mang âm khí vào làng, gây tai họa cho cả làng. Vì vậy, mà trong trường hợp có người chẳng may tắt thở ở nơi khác thì gia đình phải dựng lán ở ngoài đồng, quàn thi hài thân nhân và tổ chức lễ tang ở đó; ngày nay chỉ còn 1 số vùng áp dụng như vậy - thường vẫn cho về nhà để làm thủ tục phát tang thăm viếng. 

Ngoài việc không cho người làng chết ở nơi khác được đưa thi hài vào làng, người ta còn kiêng không cho đưa ma người làng khác qua làng mình vì theo quan niệm xưa, đó cũng là một hình thức đưa âm khí vào làng nên sẽ khiến cho súc vật trong làng bị dịch bệnh chết hàng loạt, người trong làng lục đục…

Kiêng để nước mắt rơi vào thi hài người chết: Dân gian ta quan niệm rằng: sống gửi, thác về”, có nghĩa là con người sống ở trần gian chỉ là ngắn ngủi, tạm bợ, khi chết đi là bắt đầu một cuộc sống mới khác ở cõi vĩnh hằng. Vì vậy mà phải để cho người chết dược thanh thản ra đi. Nếu ai để nước mắt khóc thương rơi vào thi thể người quá cố thì sẽ làm cho họ lưu luyến cuộc sống trần gian nên linh hồn không siêu thoát được, cứ luẩn quẩn, ám ảnh bên người đó khiến cuộc sống của họ gặp nhiều bất trắc.

- Kiêng mai táng vào những ngày trùng tang, vì người tin rằng mai táng vào ngày đó sẽ có thần trùng về bắt con cháu trong nhà đi nên những ngày sau đó trong nhà sẽ liên tiếp có người chết.

- Cha mẹ kiêng đi đưa tang con cái. Sở dĩ dân gian ta kiêng việc cha mẹ đi đưa tang con cái vì đây là một việc làm trái với lẽ thường: Con cái phải phụng dưỡng, tiễn đưa cha mẹ. Những nhà có người chết trẻ (con chết trước cha mẹ) được xem là một sự vô phúc, người ta xem người con chết trẻ đó là bất hiếu với cha mẹ. Vì vậy mới có câu “Người đầu bạc không đi tiễn kẻ đầu xanh”.

- Kỵ cho người chết mang theo đồ vật của người sống như quần áo, khăn, tất, đồ trang sức: Theo quan niệm dân gian, những đồ vật của người sống đã được họ mang trên mình nên mang hơi của người này. Nếu để người chết mang đi, tức là đã chôn một phần hơi của người sống khiến cuộc sống của người này không được trọn vẹn.

- Kiêng mặc quần áo thừa và nằm giường của người chết: Quần áo và giường nằm là những vật thân thiết đối với người chết lúc sinh thời. Vì vậy mà khi đã sang thế giới bên kia, người ấy vẫn nhớ tới những vật dụng này của mình. Nếu ai lấy những vật dụng đó của người chết để dùng thì sẽ bị âm hồn của người chết về đòi lại và làm cho đau ốm quặt quẹo, thậm chí có thể bắt theo. Theo quan này mà người ta thường đem đốt tất cả quần áo, giường nằm và cả một số vật dụng quen thuộc của người chết với mong muốn người chết sẽ nhận được nó ở cõi âm.

- Kiêng không cho chó, mèo, chuột đến gần thi hài người chết khi chưa nhập quan: Theo quan niệm cũ, nếu để những con vật này nhìn vào mắt người chết thì sẽ xảy ra hiện tượng quỷ nhập tràng, tức là những con vật này biến thành quỷ đội lốt người đi ăn thịt những người đang sống trong nhà. Thực tế thì các con vật này không thể biến thành quỷ để ăn thịt người được, nhưng đã từng có hiện tượng mèo nhảy qua xác người chết làm người đó đứng thẳng dậy rồi lại đổ xuống ngay nên dân gian rất sợ, cho rằng có quỷ nhập tràng. Ngày nay, khoa học đã giải thích rằng, mèo, chó và chuột là những con vật tích điện dương rất mạnh, trong khi đó thi hài người chết lại tích điện âm; khi một trong các con vật này nhảy qua người chết thì hai dòng điện âm dương sẽ hút nhau nên mới xảy ra hiện tượng nói trên.

- Kiêng không cho cha mẹ hay con cái của nạn nhân bị tai nạn sông nước vào nhìn thấy họ khi đang được cứu chữa: Theo quan niệm xưa, khi người bị tai nạn sông nước đang được cứu chữa mà để cho cha mẹ hoặc con cái của họ vào thì sẽ không thể cứu chữa được nữa.

- Kiêng tháo dây thừng cho người chết vì thắt cổ: Nếu có người thắt cổ chết, người ta tuyệt đối không tháo dây thừng để hạ tử thi xuống mà phải lấy một con dao to và sắc chém đứt sợi dây để tử thi rơi xuống. Người xưa cho rằng sợi dây thắt cổ là sợi dây oan nghiệt, nếu tháo sợi dây để hạ thi hài xuống thì thần thắt cổ vẫn còn theo đuổi gia đình này để mỗi đời bắt đi một người bằng cách tự thắt cổ chết. Còn nếu chém đứt sợi dây là đã trừ khử được thần thắt cổ, cái chết oan nghiệt nói trên sẽ không còn xảy ra với gia đình đó nữa.

- Trong vòng ba năm sau khi có đại tang, con cháu trong gia đình phải kiêng không được đến nơi đình đám, hội hè, cưới hỏi; kiêng đến nhà người khác trong dịp đầu năm. Bởi vì theo quan niệm dân gian, trong gia đình có đại tang thì tất cả các thành viên đều mang sự lạnh lẽo, u ám nên nếu họ tham dự vào các ngày vui của tập thể của gia đình khác thì sẽ đem theo sự lạnh lẽo, không may mắn đến.

- Trong nhà có tang thì mọi người kiêng dùng đồ màu đỏ hay đồ có màu sắc sặc sỡ, con cháu kiêng ăn mặc đẹp, đi dày dép, trang điểm.

- Trong nhà có đại tang thì con cháu đến tuổi dựng vợ gả chồng phải kiêng đủ ba năm mới được tổ chức lễ cưới, hỏi; ngày nay thường qua giỗ đầu và các trường hợp, cháu nhỏ, tuổi học sinh, người đang cần giao dịch công việc xã hội có thể xả tang ngay tại mộ phần khi làm xong thủ tục chôn cất.

- Thời xưa, các sĩ tử có đại tang phải kiêng đi thi, bởi vì triều đình cấm những người có đại tang vào trường thi.

 2/. KIÊNG KỴ TRONG VIỆC CHĂM SÓC MỒ MẢ

a/. Kiêng kỵ trong việc để mả

Người Việt Nam ta có tục chôn cất người chết và chăm sóc mộ phần một cách chu đáo chứ không hỏa thiêu như một số nước Tây Âu khác. Đối với một người qua đời cần phải có hai lần mai táng, lần đầu là chôn thi hài người chết để trong áo quan bằng gỗ, gọi là hung táng; lần thứ hai là bốc mả lên, đựng hài cốt người chết vào tiểu đem chôn ở nơi khác, gọi là cát táng. Ngôi hung táng gọi là mả và phải đắp hình chữ nhật, ngôi cát táng gọi là mộ và phải đắp hình tròn.

Theo phong tục của người Việt Nam, chăm sóc mộ phần tổ tiên là một việc hệ trọng nên có rất nhiều điều kiêng kỵ xung quanh công việc này, cụ thể như sau:

- Kiêng trèo lên mả, kiêng đụng cuốc thuổng vào mả: Theo quan niệm dân gian, nếu trèo lên mả hay dụng cuốc thuổng vào mả (đặc biệt là ba ngày sau khi chôn cất) thì sẽ bị động mả, gia đình con cháu sẽ gặp tai họa.

- Kỵ để mặt trời soi vào thi hài khi cải cát: Người xưa cho rằng người chết thuộc cõi âm, còn mặt trời là dương, nếu để mặt trời trực tiếp dọi vào hài cốt thì hài cốt sẽ bị hao mòn, dần dần sẽ tiêu hết. Vì vậy, người ta thường làm lễ cải cát vào sớm hoặc trong đêm.

- Kỵ cải cát khi ngôi mả có một trong các hiện tượng sau:

+ Phần đất bên trên và xung quanh mả ngày một to ra, đầy thêm mặc dù không có ai đắp thêm.

+ Cỏ trên mả ngày một xanh tốt hơn hẳn cỏ ở chân mả và khu vực xung quanh.

+ Thấy con rắn vàng sống ở khu mả.

+ Khi mở tấm ván thiên ra thấy có dây tơ hồng quấn quanh thi hài.

+ Đất ở khu mả toả hơi ấm áp, trong huyệt khô ráo không có nước chảy hoặc có những giọt nước trắng đọng lại như sữa.

Người xưa cho rằng, những ngôi mả có một trong các hiện tượng trên là mả đã kết phát, nếu gia đình nào đào ngôi mả kết phát lên thì con cháu sẽ bị lụn bại, khốn khó nên người ta tối kỵ việc cải cát những ngôi mả này.

 b/. Kiêng kỵ trong việc chăm sóc mộ phần

Sau khi làm lễ cải cát, người ta đem hài cốt xếp vào trong một chiếc tiểu rồi chọn nơi đất tốt để chôn. Đây là ngôi mộ vĩnh viễn của người quá cố nên con cháu thường chọn đất và chăm sóc rất cẩn thận. Trong việc chăm sóc mộ phần này có những điều kiêng kỵ như sau:

- Kỵ đặt mộ ở thế đất có dòng nước xoáy vào chân mộ, có đường đi đâm thẳng vào trước mặt mộ: Người ta cho rằng, nếu mộ bị nước xoáy lâu ngày thì dễ bị mất mộ; mộ bị con đường đâm thẳng vào là thế đất không tốt. Nếu đặt mộ ở những nơi nói trên thì mộ dễ bị “động”, con cháu gặp nhiều rủi ro trong làm ăn, sức khỏe, cuộc sống.

- Kỵ đặt mộ ở rìa đường, ở thế đất có tên là đuôi rắn, tai trâu, tai voi, vó ngựa: Theo quan niệm dân gian, những thế đất trên đều không tốt. Nếu đặt mộ ở nơi này thì con cháu sẽ bị người khác đè đầu cưỡi cổ và suốt đời nghèo túng.

- Kỵ đặt mộ ở nơi mà ngay trước mặt đã có mộ của nhà khác án ngữ: Người ta quan niệm rằng, ngôi mộ nào mà có mộ của nhà khác án ngữ ngay trước mặt thì bao nhiêu bổng lộc người ta hưởng hết, còn bao nhiêu tai họa thì mình phải hứng chịu cả.

- Kỵ đặt mộ theo hướng xung với tuổi của người nằm dưới mộ: Dân gian quan niệm nếu đặt mộ theo hướng này thì trong nhà không yên, con cháu không khá được.

- Kỵ rễ cây đâm xuống xuyên vào trong tiểu, kỵ tiểu trơ ra khỏi mô đất, kỵ mất nắp tiểu để hở hài cốt ra ngoài:

Người xưa quan niệm rằng, những ngôi mộ bị một trong các hiện tượng trên là do con cháu không chăm nom cẩn thận. Gia đình nào để mộ phần như vậy thì gia phong ngày một xuống dốc, bại họai, trong nhà luôn luôn có sự mâu thuẫn, lục đục...

Công 


Tin liên quan

Chia sẻ bài viết: 



Bình luận:

Hỗ trợ trực tuyến

Lê Công

0369.168.366

Nhà đất bán theo tỉnh thành
Nhà đất cho thuê theo tỉnh thành
Kinh Dịch
Tử vi
Huyền không Phi Tinh
Văn Hóa_Tín Ngưỡng
Thước lỗ Ban
Xen ngày tốt
Bài viết phong thủy
TIN NỔI BẬT

LÊ LƯƠNG CÔNG

Trụ sở: Số 31 - Mương An Kim Hải - Kenh Dương, Le Chan, Hai Phong

Tel: 0369168366 - Hotline: 0919.168.366 - Email: nhadatcongminh@gmail.com

Copyright © 2019 https://leluongcong.com/