Kinh nghiệm trong dân gian
16/12/2021 - 9:58 AMLê Công 611 Lượt xem

HUYỀN TẪN PHÁT VI
Phần 1

1. Bàn về tiên thiên thái cực

Thầy thuốc mà nghiên cứu sâu được đồ hình thái cực thì biết chân lý của Thái cực ở trong nhân thể.

Kinh dịch nói: “Thái cực sinh lưỡng nghi”. Chu Công sợ người ta không hiểu nên

chế thành đồ hình thái cực, từ vô cực thành ra thái cực. Vô cực là bầu thái cực chưa sinh ra. Bầu thái cực là khí âm khí dương đã phân hóa rồi. Chữ nhất ( 一), chữ trung ( 中) chia ra bầu thái cực, tượng hình chữ trung tức là tượng hình bầu thái cực. Chữ nhất tức là số lẻ của Phục Hy, chữ nhất mà vòng tròn tức là vô cực.

Đã nói là tiên thiên thái cực thì trời còn chưa có vốn thuộc vô hình, làm theo Phục Hy lại vạch một số lẻ. Chu Công lại vạch một vòng tròn lại hóa thành hình tích rồi ư? Xin trả lời: đó là sự bất đắc dĩ mà phải gợi ý cho người hậu học đó thôi. Người ta sinh ra ở khoảng giữa hai khí trời đất thì trong nhân thể cũng có cả hình tượng thái cực, há không nên lưu tâm nghiên cứu hay sao! Trong Y quán nói: xét hình đồ đồng nhân xưa vẽ một hình tượng mà sự huyền diệu của thái cực trong nhân thể cũng giống như thế.

2. Bàn về thái cực trong cơ thể con người

Hai quả thận trong nhân thể hợp lại thành một hình Thái cực, hai quả thận đều thuộc hành thủy, bên tả là âm thủy, bên hữu là dương thủy, lấy bên hữu làm mệnh môn là không đúng. Mệnh môn ở khoảng giữa hai quả thận. Kinh dịch nói: “Thiên nhất sinh thủy” là như thế, bên tả mệnh môn có một cái vòng nhỏ mà đen, ấy là huyệt chân thủy, bên hữu có một cái vòng nhỏ mà trắng đấy là huyệt tướng hỏa, một thủy một hỏa, đó đều là vô hình, nó vận hành ngầm ngày đêm không bao giờ ngừng, mệnh môn ở trong nhân thể kèm với xương sống ngang đối với rốn, từ trên đếm xuống thì ở chỗ đốt xương sống thứ 14, từ dưới đếm lên thì ở chỗ đốt xương sống thứ 7.

Nội kinh nói: “Chính giữa chỗ bên đốt xương sống thứ 8 có một quả tiểu tâm, bên tả là một quả thận thuộc âm thủy, bên hữu là một quả thận thuộc dương thủy đều cách ngang ra một thốn 5 phân, khoảng giữa là cung mệnh môn ở, tức là có vòng tròn trắng ở giữa đồ hình thái cực (Nguyên dương, Long hỏa, Mệnh hỏa, Chân dương đều là tên riêng của Mệnh môn) là thứ hỏa vô hình mà có tình tứ, có thần minh, là tổ của chân dương, là gốc của nguyên khí; lấy chữ mệnh môn đặt tên là vì mệnh ở khoảng giữa, hai quả thận ở hai bên tả hữu, khi mở khi đóng như cái cửa, một khí dương ở khoảng giữa hai khí âm cho nên thành ra quẻ khảm, yên tĩnh mà đóng kín cho nên nuôi ngầm được chân thủy nhất âm, chuyển động mà mở toang cho nên cổ động được Long lôi tướng hỏa. Tác dụng của hai quả thận là sinh sôi nảy nở không bao giờ hết, cấp dưỡng lên quả tim mãi mãi không cùng, chỉ có một thứ khí chân âm chân dương đó thôi. Họ Triệu cho mệnh môn là chân quân chủ, ví như một triều đình, điện Hoàng cực là quả tim, là nơi nhà vua sáng ra phán xét mọi việc, cung Kiền thanh là quả thận là nơi nhà vua tối vào yên nghỉ. Chỉ chỗ điện Hoàng cực mà cho rằng đó là nhà vua thì có được không?”. Cho nên nói: “Nhà vua không anh minh thì 12 quan chức bị nguy hại” như thế thì quả tim không phải là quân chủ đâu.

Trong Nội kinh không thấy có tên Mệnh môn, tên gọi Mệnh môn là xuất xứ từ điều 36 sách Nạn kinh của Biển Thước, mà trong đó lại nói: “Thận có hai quả, bên tả là thận, bên hữu là mệnh môn, ở đàn ông để tàng chứa tinh, ở đàn bà để giữ dạ con”, vậy thì thận bên hữu đã chứa tinh của đàn ông thì thận bên tả sẽ chứa gì? Dạ con của đàn bà sao lại giằng giữ lệch về bên hữu? Vì là mệnh môn ở khoảng giữa hai quả thận không lệch về bên hữu tức là cửa dạ con của đàn bà. Dạ con là nơi thận tàng chứa tinh ở khoảng huyệt Quan nguyên, Khí hải, tinh của đàn ông hay huyết của đàn bà đều tụ vào đó, là khí của chân nhất tiên thiên nên nói rằng chân dương ở trong thận, là nguồn sinh hóa của thân thể, hai quả thận thuộc thủy có chia ra âm dương, mệnh môn thuộc hỏa ở khoảng giữa hai quả thận, chớ không thiên lệch về bên hữu.

Chân khí của ngũ tạng chỉ thận làm căn bản. Chử Tề Hiền nói: “Con người sinh ra bắt đầu thụ thai là do ở mạch Nhâm, duy có mệnh môn có đầy đủ trước, rồi sau mới thành ngũ tạng” thì thấy ngay mệnh môn là chủ chốt của 12 kinh, cho nên phép dưỡng thân cũng như chữa bệnh phải cho mệnh môn là Quân chủ mới thích đáng, mà còn phải lưu ý một chữ “hỏa”, đã nói là cửa của sinh mệnh, hỏa lại là vật rất báu trong nhân thể, cớ sao những kẻ dưỡng sinh đời sau không biết tiết dục để bảo vệ lấy nó mà cứ ngày đêm tàn hại hỏa ấy mãi. Hỏa đã bị bệnh mà người chữa bệnh lại không biết nuôi dưỡng nó cho ấm áp, thường cứ dùng thuốc hàn lương để trực tiếp dập tắt nó thì còn trông gì có sinh khí nữa. Mệnh môn là hỏa quân chủ, là hỏa ở trong thủy, phải dựa vào nhau mà luôn luôn không được tách rời, hỏa thừa thì thủy không đủ, một mảy may cũng không dám khử hỏa, phải bổ thủy để sánh ngang với hỏa là làm mạnh phần chủ thủy lên để chấn áp phần hỏa. Chân hỏa không đủ vì thấy chân thủy có thừa, cũng bất tất phải tả bớt thủy, phải bổ hỏa ở trong thủy là bổ nguồn chân hỏa để làm tiêu tan mây mù ở phần âm. Cái gọi là “nguồn” với “chủ” đó đều là khí huyền diệu thuộc tiên thiên vô hình, chứ không phải nói tâm là hỏa mà bắt nguồn ở can, thận là thủy mà sở chủ thuộc phế. Vì rằng tâm, tỳ, thận, can, phế đều là loại hữu hình thuộc hậu thiên, nên đem hỏa vô hình để sánh với thủy vô hình, thực là dò được quân chủ để tìm nó, đó là cái lẽ đồng khí tương cầu, tìm nhau thì rất dễ gặp, cho nên nói rằng: “Biết được cốt yếu, nói một lời là hiểu hết”. Còn như phong, hàn, thử, thấp, táo, hỏa mà cảm vào thận thể ấy chỉ là khách khí, nếu chủ khí vững vàng thì khách khí không thể lọt vào được. Đời nay bàn về chuyện làm thuốc chỉ biết có khách tà thì trừ đi, xem thường không chú ý đến chủ khí là cớ sao? Phỏng có nói đến giữ vững chủ khí thì cũng chỉ khuyên chú ý đến tỳ vị là chủ của thân thể, đâu có viết Cấn thổ là Ly hỏa sinh ra, Khôn thổ lại là Khảm thủy sinh ra đó ư? Lãn tôi xét, hễ mà Long hỏa bốc lên cũng có thể đốt cháy được cây cỏ, cho nên chứng hiện ra các loại thượng tiêu phiền nóng, hầu khô, họng đau, má hồng, mắt đỏ, cùng với chứng thủy suy hỏa bốc lên không phân biệt gì khác, duy có chứng miệng khô lại càng nghiệm hơn (khô với khát khác nhau) tức khắc nên uống Bát vị để ôn thận dẫn hỏa về nguyên chỗ, nếu nhận lầm là chân thủy suy hỏa bốc lên mạnh mà cho uống Lục vị tất sinh tai biến lớn (thủy thực suy tất có chứng uống nước dữ) do Long hỏa sợ âm hàn mà bốc lên, ấy là thủy có thừa, hễ đầy thì tràn, nếu lại bổ thủy nữa thì dương hỏa phải diệt. Đó là trong bài thuốc của thánh nhân có chỗ nhiệm màu, tôi thường thí nghiệm mà tự hiểu được, xin đem công bố để mà bổ xung cho ý nghĩa Dưỡng sinh được đầy đủ (Tôi còn một bài bàn trong tập Châu ngọc cách ngôn, nên tham khảo thêm).

Huyệt tướng hỏa ở vòng trắng bên hữu, cũng gọi là chân hỏa, gọi là khí thiếu hỏa vô hình, chịu mệnh lệnh của mệnh môn quân hỏa mà lưu hành (chân thủy cũng theo tướng hỏa mà lưu hành từ giờ dần đến giờ thân, đi ở phần dương 25 độ, từ giờ dậu đến giờ sửu đi ở phần âm 25 độ, ngày đêm chu lưu khắp ngũ tạng lục phủ, hễ ngưng trệ thì sinh bệnh, tắt đi thì chết. (Lúc trai gái giao cấu với nhau thì trước hết hỏa hội, rồi sau tinh mới tụ, cho nên nói hỏa ở trước thủy). Tam tiêu tướng hỏa là chức vụ bầy tôi (tam tiêu cũng gọi là tướng hỏa), bẩm mệnh ở tướng hỏa (tức là cái vòng trắng, lại nói: vòng trắng là thiếu hỏa của tam tiêu) mà lưu hành chu lưu khắp trăm tủy. Cho là mệnh môn cũng như Nhà vua không tự làm mà chỉ ban hành mệnh lệnh. Tướng hỏa cũng như vị tể tướng, thay nhà vua để thi hành mọ công tác, đó là hỏa vô hình của tiên thiên cùng với hỏa hữu hình của hậu thiên không giống nhau (tâm hỏa là hỏa của 5 tạng 6 phủ), hễ ham say tình dục đến nỗi tướng hỏa suy thì chân âm trong thận bị hàn (vì chân âm thắng), long hỏa không có nơi ẩn náu mà bốc nổi lên trên, nên uống bài Bát vị để làm ấm áp căn cứ củ nó, khiến cho long hỏa trở xuống. Huyệt chân thủy ở vòng đen bên tả, cũng gọi là chân âm nguyên âm, cũng là vô hình, đi lên theo xương sống đến trong não là cái bể của tủy, lọc tân dịch dồn vào mạch để nuôi vinh huyết bảo vệ khí, dồn đưa vào lục phủ ngũ tạng để ứng với số khác, cũng theo tướng hỏa đi ngầm trong thân thể, cùng với thủy hữu hình của hậu thiên, đều do hai thận sở chủ mà không giống nhau. Có khi chân âm đó đến bồi dưỡng cho tướng hỏa, nếu không có thứ thủy này thì chân dương nguyên khí của mệnh môn cũng phải suy.

Phàm chân thủy với tướng hỏa cốt phải cân đối, không nên chênh lệch bên hơn bên kém, cho nên nói dương bắt rễ ở âm, âm bắt rễ ở dương, nếu chân thủy suy thì tướng hỏa cháy một mình. Cho nên nói: thiếu hỏa biến thành tráng hỏa mà làm tiêu mòn khí, bốc nổi lên tam tiêu, nên uống bài Lục vị để mạnh thủy mà chế hỏa.

Dương thủy: Quả thận bên hữu là dương thủy, là thủy hữu hình, có thể tả được, ở trong nhân thể hợp lại thành một nửa của bầu thái cực. Vòng trắng bên hữu là tiên thiên trong hậu thiên.

Âm thủy: Quả thận bên tả là âm thủy, là thủy hữu hình có thể tả được, ở trong nhân thể hợp lại thành một nửa của bầu thái cực. Vòng đen bên tả là tiên thiên trong hậu thiên. *

Hải Thượng Lãn Ông Y Tôn Tâm Lĩnh

 


Tin liên quan

Chia sẻ bài viết: 



Bình luận:

Hỗ trợ trực tuyến

LÊ CÔNG

0919.168.366

PHÚC THÀNH

0369.168.366

Nhà đất bán theo tỉnh thành
Nhà đất cho thuê theo tỉnh thành
Kinh Dịch
Tử vi
Huyền không Phi Tinh
Văn Hóa_Tín Ngưỡng
Thước lỗ Ban
Xen ngày tốt
Kinh nghiệm trong dân gian
TIN NỔI BẬT

LÊ LƯƠNG CÔNG

Trụ sở: Số 12, Trực Cát , Vĩnh Niệm, Lê Chân, Hải Phòng

Tel: 0919.168.366 - Hotline: 0919.168.366 - Email: nhadatcongminh@gmail.com

Copyright © 2019 https://leluongcong.com/