1/. Thân trung ấm.
Sau khi tắt thở, thần thức (còn gọi là linh hồn) người chết, nếu chưa được giải thoát, phần nhiều trải qua giai đoạn tối tắm mờ mịt, đến ba ngày sau sau mới biết mình đã chết. Khi đó, người chết bắt đầu đi vào thân trung ấm, thấy được những kẻ thân thuộc của mình, nên đắn đo tự hỏi không biết ta đã chết chưa. Vì thế, hơn lúc nào hết, con cháu người thân nên luân phiên niệm Phật, để nhờ oai lực Phật dắt dìu người thân đã chết về cõi Tịnh độ.
Khi con người bỏ thân xác này, chuyển qua một thế giới mới, chính họ đang ngơ ngác không biết đi đường nào cho phải, thế nên phải nhờ vào phương pháp niệm Phật để cứu độ cho họ. Việc gia đình mời được những bậc thiện tri thức khai thị cho họ biết đường vãng sanh về cõi Phật là điều vô cùng trọng yếu. Lúc này người vừa chết chưa được giải thoát, nên quanh quẩn trong gia đình và người thân. Họ cũng kể lể khóc than, nhưng những người thân trong gia đình hoàn toàn không hiểu được. Rồi người chết buồn rầu giận dữ, khóc lóc, thấy người thân con cháu gọi đến tên mình rồi than khóc, thấy hình ảnh mình cùng các phẩm vật bày trên bàn thờ, họ tự nhủ “Ta đã chết rồi sao?”. Lúc ấy họ hết sức đau khổ, muốn đến nói với gia đình rằng “Tôi còn sống đây!”, nhưng không ai thấy nghe cả. Việc này khiến người chết giận dữ, bỏ đi, không nghĩ đến cảnh giới lành dữ thế nào. Đây là tình trạng những hương linh đang sống trong cảnh khổ bơ vơ không nơi nương tựa, sắp đi vào các đường ác. Lúc này thân trung ấm, hay linh hồn có yêu mến người thân gia đình bao nhiêu đi nữa, nhưng vì âm dương cách trở cũng không thể đến với nhau được. Vì thế, để tránh đi vào đường ác, thân trung ấm nên yên lòng niệm Phật A-di-đà hay bồ tát Quan Thế Âm, cầu xin các Ngài cứu độ. Đây cũng là lúc gia đình phải hết lòng niệm Phật để cứu độ người thân đang ở thân trung ấm bơ vơ.
Lúc đó có trận cuồng phong dữ dội thổi đến, nào đá lỡ sấm dậy, có những hạng người mặt mày hung dữ làm cho thân trung ấm khiếp sợ, thân này bèn chạy khắp nơi tìm nơi ẩn nấp như cầu cống, miếu, các lăng tháp… Khi đó thân trung ấm cực kỳ buồn khổ, sợ hãi, không có nơi nương tựa, rất muốn làm lại thân người nhưng không được, vì thi thể của mình trước kia bị gia đình người thân bỏ vào hòm, hay chôn xuống đất, hoặc đã hỏa táng rồi, không có thân xác nào nhập vào được. Đang lúc khiếp sợ đó, thân trung ấm thấy có những luồng ánh sáng yếu ớt của lục phàm hiện ra: ánh sáng cõi Người, Trời, A tu la, địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh. Các luồng ánh sáng đó chiếu đến, người chết cảm với luồng ánh sáng nào thì luồng ánh sáng đó sẽ sáng lên. Ánh sáng cõi Trời màu hơi trắng. Ánh sáng cõi Người màu hơi vàng. Ánh sáng cõi A tu la màu hơi lục. Ánh sáng địa ngục màu khói đen. Ánh sáng ngạ quỷ màu đỏ. Ánh sáng súc sanh màu hơi xanh. Ánh sáng hào quang của các cõi Phật thì sáng rực rỡ. Nhưng vì nghiệp lực nặng nề, người chết khi thấy các hào quang sáng chói của cõi Phật thì sợ hãi, chỉ ưa thích các ánh sáng yếu ớt dễ chịu trong lục đạo là địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh, Trời, Người, A-tu-la chiếu đến, nên tham đắm liền đầu thai vào lục đạo chịu khổ mãi trong vòng luân hồi. Vì thế, nếu đã biết được, ta cần phải tránh xa lục đạo ra. Khi thấy hào quang sáng chói mãnh liệt thì biết đó là hào quang của chư Phật, không
nên sợ hãi, không khiếp nhược, lập tức niệm Phật A-di-đà, bồ tát Quán Thế Âm, đem toàn thân nương vào đó, tức khắc sẽ được sanh về cõi Phật an vui, xa lìa khổ não trong sáu đường khổ.
Có khi người chết vì nghiệp duyên quá nặng nên lang thang trong cõi âm, thấy nhiều cảnh tượng rất ghê sợ như: tối tăm, bão táp, sấm sét, sương mù v.v… thì khiếp sợ quá đỗi, phải tìm phương trốn tránh, bỏ cả thân mạng mà tuôn chạy. Khi ấy họ lại thấy ở trước mắt có núi đèo, hang hố, cây cối, bụi rừng. Vì muốn vội vàng tránh thoát, nên họ không kịp lựa chọn phải vào chỗ nào, chỉ cần biết phải nấp vào một nơi nào đó. Khi có chỗ nấp thì không muốn ra khỏi nữa, sợ rằng nếu ra khỏi sẽ bị khổ sở. Rốt cuộc họ không ngờ mình đã trở lại thọ thân hèn hạ và chịu thêm nhiều đau khổ!
+Nay xin lược thuật nghiệp thức của kẻ chết, nếu sắp sanh vào đường A-tu-la, sẽ có các hiện tượng như sau: thấy những vườn cây khả ái và những vầng lửa lẫn lộn chuyển xoay. Nếu người chết thấy những cảnh tượng ấy mà sanh lòng vui vẻ đi đến đó, tức là đầu thai vào đạo A-tu-la.
+Nếu nghiệp cảm của kẻ chết sắp sanh vào đường súc sinh, thì họ tự cảm thấy có núi non, hang hố, vực sâu hiện ra trước mắt, nếu muốn vào trong đó tức là đầu thai vào đường súc sinh.
+Nghiệp cảm của kẻ chết nếu sắp sanh vào đường ngạ quỷ thì họ sẽ tự thấy có một bãi sa mạc không cây cối, hoặc có những hang hố, cỏ cây khô héo… Đó là cảnh tượng của ngạ quỷ, nếu sanh vào trong đó thì luôn luôn chịu đói khát và hết sức khổ sở.
Nếu nghiệp cảm của người chết sắp sanh vào địa ngục, thì họ cảm thấy trong thân mình như bị gió lạnh áp bức. Rồi họ lại tự thấy những ngọn lửa của địa ngục bốc lên, vì ưa sự ấm áp, nên vội đi vào trong đó. Nếu kẻ chết sanh vào địa ngục Đại hàn, thì trước hết cảm thấy trong thân mình như bị chạm phải luồng gió nóng, hay bị lửa đỏ nung đốt, cho nên khi hơi mát trong địa ngục đại hàn bốc lên, họ cảm thấy sảng khoái dễ chịu. Vì ưa mát mẻ nên vội vàng đi vào trong cảnh ấy, lập tức họ sẽ bị bó buộc không thể nào tránh thoát được nữa.
Hơn nữa, nếu lúc còn sống, trong khi gây nghiệp, thường có bạn bè hùa nhau giúp đỡ, thì khi lâm chung người chết sẽ thấy bạn bè đồng nghiệp với mình ngày trước hiện ra trước mắt. Khi đó vì xúc động, nhớ đến tình cảm ngày xưa, người chết vội vàng chạy đến với bạn. Nhưng khi đã đến rồi, thì cảnh ấy hoàn toàn thay đổi, người chết phải chịu mọi điều khổ sở.
Nếu biết được thế, khi thấy những cảnh tượng trên, ta phải giữ vững tâm chí, chớ nên vội vàng đi đến, cần phải nên chăm lòng cung kính niệm danh hiệu Phật A-di-đà, để cầu Ngài đến cứu độ cho mình là tốt nhất.
2/. Chuyển sinh vào loài bàng sinh.
Theo nghiệp cảm, người chết nếu sinh vào bàng sinh thì có thể thành một trong bốn loài: Thai, noãn, thấp, hóa.
a/. Đọa vào loài thai sinh và noãn sinh.
Nếu người nào lòng xan tham tật đố nặng nề, thì sẽ đầu thai làm các loài như: chó, mèo… (thai sinh). Còn ai lòng sân hận quá nặng, thì đọa làm loài rắn rết, bò cạp… (noãn sinh). Còn người nào lòng dâm dục nặng nề, thì đọa làm loài uyên ương, chim tước, chim cáp v.v… (vì những loài này dục tình lắm nặng nề). Người nào ưa chơi bời trụy lạc, thì đọa làm loài vượn, khỉ v.v… (thai sinh).
Tóm lại, cội gốc của tội lỗi là do ở ngu si mà ra.
Có khi người chết bỗng thấy những loài hữu tình đồng loại vừa ý, nên vội vàng chạy đến. Tuy các loài này cũng nương theo nhân duyên hòa hợp của cha mẹ mà đầu thai, nhưng những điều kiện trói buộc của thế giới này đơn giản hơn so với đường vào cõi Người, cho nên rất dễ bị đọa vào.
b/. Đọa vào loài thấp sinh.
Loài thấp sinh là loài nương vào chỗ ẩm thấp mà sinh sống. Người chết có khi vì ngửi được mùi vị của chỗ mình sắp đến thọ sanh, sanh lòng ưa đắm, liền đến đó nương vào. Chỗ thấp sinh là những nơi ẩm thấp, bùn lầy nhơ nhớp, người chết lấy đó làm tự thể, chứ nơi đó không có tinh huyết của cha mẹ hòa hợp. Khi đi đến nương vào chỗ ẩm thấp để thác sanh, người chết bạ vào vật gì mục nát, hoặc là phân bón v.v… tùy theo nghiệp lực của mình mà đến gần gũi ưa đắm thác sanh.
c/. Đọa vào loài hóa sinh.
Hóa sinh là những loài rồng, loài chim kim sí. Cũng là gốc ở trong bốn loài: thai, noãn, thấp, hóa mà ra, nhưng nó là loài hóa sinh đặc biệt, được hưởng thọ sự sung sướng như các cõi Trời. Tuy nhiên, những loài này thuộc về súc sanh, một trong ba ác đạo, chúng vẫn không thoát khỏi sanh tử luân hồi và phải chịu nhiều khổ não khác.
ST: Công Minh
Chia sẻ bài viết:
LÊ CÔNG
0919.168.366
PHÚC THÀNH
0369.168.366
Một số cách an sao vòng Trường Sinh trong tử vi
TÍNH CÁCH, MẪU NGƯỜI, TRONG LÁ SỐ TỬ VI
7 nguyên tắc cơ bản sau cần phải xem kỹ trước khi bình giải một lá số Tử Vi
THẾ NÀO LÀ TUẾ PHÁ & NGŨ HOÀNG ĐẠI SÁT
BÍ QUYẾT SONG SƠN NGŨ HÀNH VÀ THẬP NHỊ THẦN ĐẠI PHÁP (TIÊU SA NẠP THỦY THEO THỦY PHÁP TRƯỜNG SINH)
Ý nghĩa của việc thờ bàn thờ Ông Địa
“BẢN GỐC” CỦA THƯỚC LỖ-BAN DÀNH CHO CÁC BẠN THẬT SỰ HAM MÊ PHONG THỦY !!!
LÊ LƯƠNG CÔNG
Trụ sở: Số 12, Trực Cát , Vĩnh Niệm, Lê Chân, Hải Phòng
Tel: 0919.168.366 - Hotline: 0919.168.366 - Email: nhadatcongminh@gmail.com
Copyright © 2019 https://leluongcong.com/