Nhân Tử Nguyễn Văn Thọ
Trong các sách Dịch, bao giờ cũng có những hình mô tả Hà Đồ, Lạc Thư, nhưng bàn về Hà, Lạc thì lại hết sức vắn gọn. Chúng ta cần phải khai triển cho rõ ràng hơn.
Hà Đồ, và Lạc Thư đều bàn về lẽ sinh thành của vũ trụ quần sinh, đều chủ trương lẽ Thiên Địa vạn vật đồng nhất thể, và Nhất Thể tán vạn thù, Vạn thù qui Nhất Thể, đều chủ trương Vạn vật phát xuất từ một Tâm Điểm, phóng phát ra ngoài, rồi cuối cùng lại qui hướng về Tâm Điểm ấy.
Tục truyền đời vua Phục Hi 伏 羲, có con Long Mã, hiện ra nơi sông Mạnh Hà, trên lưng có mang một hình đồ, và vì vậy gọi là Hà Đồ.
Hà Đồ nguyên thuỷ có 55 điểm đen trắng , phân phối như sau:
Vua Phục Hi, nhân đó tạo ra Tiên Thiên Bát Quái và Lục Thập Tứ Quái.
Lạc Thư, theo Kinh Thư, thời sau khi vua Đại Võ trị thuỷ thành công đã được Trời ban Lạc Thư cho, và nhân đó vua sáng chế ra Hồng Phạm Cửu Trù 洪 範 九 疇 tức là phép cai trị xã hội nhân quần.
Văn Vương 文 王 nhân đó tạo ra Hậu Thiên Bát Quái.
Sau này các Đạo Gia nghiên cứu thêm và cho rằng Lạc Thư cũng còn dạy lẽ Qui Nguyên Phản Bản.
Lạc thư nguyên thuỷ được trình bày như sau:
Hà Đồ sinh Tiên Thiên Bát Quái, đi theo chiều thuận. Lạc Thư sinh Hậu Thiên Bát Quái, đi theo chiều nghịch. Thuận là Thuận chiều kim đồng hồ, Âm Dương không bao giờ chống đối lẫn nhau, lấy Tình Thương yêu, nhân nghĩa làm tiêu chuẩn. Nghịch là ngược chiều kim đồng hồ, lấy mâu thuẫn, ghen ghét kình chống nhau làm căn bản.
Khi Trời sinh ra con người đã trao cho hai sứ mạng:
Làm người.
Làm Trời, Phật, Thánh, Tiên.
Sứ mạng thứ 2, hay hạng người thứ 2 hiện nay rất hiếm, vì con người đã dần dần làm mất Lương Tâm, mất Tiên Cách của mình. Hạng người này theo Tiên Thiên, sống hồn nhiên, tiêu sái, vô tư vô dục, thương yêu lẫn nhau, coi người như mình. Các Đạo lớn trong thiên hạ đều dạy con người tìm lại Thiên Đạo này để mà theo, mà giữ. Đạo này vốn hằng hữu trong ta không cần nhập cảng. Chính vì thế mà Trung Dung viết: Đạo bất khả tu du li dã 道 不 可 須 臾 離 也 (Đạo không rời ta một phút giây). Đó là Đạo Tiên Thiên dạy ta đi theo chiều Thuận, nghĩa là phải Thuận Thiên, sống theo ý Trời như vậy mới có thể PHỐI THIÊN (Trung Dung chương 26, ĐĐK, chương 68, Nirvana (phối Thiên). Ta có đi theo chiều kim đồng hồ, thì mới theo được đúng thời giờ, mới Qui Nguyên Phản Bản được. Như vậy chúng ta sẽ tiến hoá về Nguyên Bản, về Trời. Thật là vô cùng qúi giá.
Còn làm người thì dĩ nhiên là ai cũng làm được, khác nhau ở chỗ làm hay hoặc làm dở. Làm người là sống trong Hậu Thiên, trong dở dang chếch mác, trong phóng túng dục tình, trong mê loạn, trong vô thường. Sống trong Hậu Thiên là chỉ lo giải quyết công việc, giải quyết vấn đề, thích ứng với hoàn cảnh, chứ ít khi chịu tiến hoá thêm. Vì đi ngược chiều kim đồng hồ nên càng ngày càng xa trời và đến lúc chung cuộc chỉ nắm được Hư vô mà thôi.
Như vậy:
Hà Đồ là Tiên Thiên, là Vô Vi.
Lạc thư là Hậu Thiên, là Hữu Vi.
Có thể chia cuộc đời ta thành hai: Nửa đời trước để lo làm người, kiếm cơm áo, danh vọng. Nửa đời sau lo làm Thần Phật Thánh tiên.
Khi khảo về Công Giáo, tôi có bình đại luận về con người của Thánh Paul trong 1 Cor. 44- 49) như sau:
Thánh phàm 2 nét ghép thành Nhân
Phàm ấy Nhân Tâm, Thánh ấy Thần (1 Cor. 44)
Tâm hình hiện trước, Thần kế tiếp (1 Cor. 46)
Thần: Trời, Tâm Đất, lẽ tương phân (1 Cor. 47, 48)
Tâm Đất dĩ nhiên vương sinh diệt, (1 Cor 49)
Thần Trời, nên mới thoát chuyển luân (1 Cor 44)
Tâm Đất tử vong đành số kiếp (1 Cor 49)
Bất tử trường sinh chỉ có Thần (1 Cor 44)
Con người có Phàm Tâm sống theo Lạc Thư,
Có Thiên Tâm sống theo Hà Đồ.
Chỉ có Thiên Tâm mới bất tử,
Còn Phàm Tâm sống trong luân hồi sinh diệt.
Có cái lạ là Phàm Tâm hiện ra trước, Thiên Tâm hiện ra sau, cho nên con người phần nhiều, lúc cuối đời mới lo tu tỉnh.
Sống theo Thiên Tâm là sống theo con người mới (Eph. 4, 24; Col 3, 10). Sống theo Phàm Tâm là sống theo con người cũ (Éph 4, 22; Col. 3, 9).
Cái Phàm Tâm trong ta gồm thất tình lục dục, chính là cái Tiểu Ngã biến Thiên của Nhà Phật, cái Nhân Dục của Khổng, Cái Tâm của Đạo Lão, vì Đạo Lão dạy TÂM TỬ THẦN HOẠT 心 死 神 活 (Cái hồn phải chết đi cho cái Thần sống động).
Chung qui Đạo nào cũng dạy bỏ cái biến thiên mà trở về với cái bất biến.
Bỏ biến thiên là Đạo của Lạc Thư. Về với bất biến là Đạo của Hà Đồ. Đó là Đại Đạo trong thiên hạ.
Ví dụ ta coi vũ trụ này là một vòng tròn, thì Tâm Điểm của vòng tròn đó là Trời, là Đạo.
Chiều đi từ tâm điểm Vòng Tròn ra bên ngoài là chiều đi ra, là chiều Hướng ngoại là chiều Lạc Thư, là chiều sinh nhân, sinh vật.
Chiều đi từ vòng tròn bên ngoài vào Tâm Điểm là chiều hướng nội, là chiều sinh thánh, sinh thần la chiều quy nguyên phản bản.
Đi Theo chiều thuận là hướng Ngoại, là xoay lưng lại với Trời, là Bối Thiên, là lo chuyện vật chất. Đó là chiều Âm.
Đi theo chiều Nghịch, là hướng Nội, là đi theo Trời. Đó là chiều Dương.
Chiều Âm đi trước, chiều Dương đi sau. Cho nên Dịch Kinh mới nói: Nhất Âm, nhất Dương chi vị Đạo, kế chi giả Thiện dã Thành chi giả, tính dã 一 陰 一 陽 之 謂 道 繼 之 者 善 也 成 之 者 性 也 (Âm Dương đắp đổi Đạo Trời, Theo thời tốt đẹp, suốt thời toàn chân.)[1]
Theo được con đường tiến hoá ấy đã là tốt đẹp, đi tới cùng đừng tiến hoá ấy, sẽ thực hiện được Thiên Tính của mình.
Như vậy chúng ta đã từ Trung Cung, Thiên Đình mà đi ra, rồi dần đà lại tìm về Trung Cung, Thiên Đình đó. Trung Cung đó hay Trung dung chính là Tâm Điểm tâm hồn của chúng ta.
Thánh hiền xưa gọi đó là Trung, là Nhất. Trung hay Nhất chính là Trời, hay là Tinh Hoa của con người.
Khi sinh ra con người, thì trời cũng phú cho chúng ta cái Trung, cái Nhất ấy. Khi là Trung Cung, thì chữ Hán viết là Trung (中), khi truyền xuống con người thì chữ Hán viết là Trung (忠 hay 衷) nghĩa là Trời hay Thái Cực cũng đã xuống theo vào lòng chúng ta, (chữ Trung 中 và chữ tâm 心); Chữ Trung sau có chữ Trung và chữ Y 衣 là áo bị xé ra làm 2 mảnh ôm lấy chữ Trung ở giữa, nghĩa là: Trời ở trong ta và cũng mặc áo xống như chúng ta.
Chính vì thế mà Kinh Thư viết: «Duy Hoàng Thượng Đế giáng Trung vu hạ dân, nhược hữu hằng tính.» 惟 皇 上 帝 降 衷 于 下 民 若 有 恆 性 (Chỉ có Thượng đế ban cho con người một chữ Trung, để cho con người có tính hằng cửu.) Trung này chính là Trời và là chữ Trung nằm gọn trong 2 mảnh chữ Y 衣. Chính vì vậy mà con người có tính hằng cửu, bất biến. Vì Trung là hoàn thiện, nên con người phải sống hoàn thiện, hợp lẽ tự nhiên, theo đúng bản năng bản tính của mình.
Vì Trung là Tâm điểm vũ trụ, tâm điểm vòng Dịch, và Tâm điểm con người, nên bao giờ cũng không thiên lệch bên nào, ứng nghiệm từng giờ, từng phút mọi cử động của trời đất. Vạn vật nhờ đó mà sống trong quân bình. Nó là cái hiện thời mà ứng với mỗi thời nên gọi là Trung, là Trúng, là đúng tiết hợp duyên. Trung cũng là giữa, là nơi phát xuất và qui nạp. Chính vì thế mà triết lý Âu Châu xưa nói: Alpha= Omega, và Dịch thì nói: Nguyên thuỷ phản chung. Trung có thể nói là Thiên lý lưu hành, nhưng cũng là Trung điểm bất biến của hai đồ biểu Hà Đồ và Lạc Thư. Vì Trung là Tâm điểm vũ trụ, nên nó cũng là Nhất. Nhất hay Trung là Nguyên Nhân cho cuộc tạo hoá, sinh thành.
Bây giờ ta trở lại 2 đồ biểu. Cái quan yếu của Tu Hành là chữ Trung và chữ Nhất.
Trung là Tâm điểm của 2 đồ. Trung này chính là Thái cực, Nguyên Lý của vũ trụ, Càn Khôn, Đạo Lão gọi đó là Huyền Tẫn chi môn 玄 牝 之 門, là Cánh cửa Âm (Tẫn), Dương (Huyền), hay Huỳnh Đình 黃 庭 (Huỳnh là màu vàng, màu của Trung Thổ), hay Mậu Kỷ Thổ 戊 己 土.
Mậu thổ 戊 土 là Dương 陽, là Khảm 坎, là Long 龍, là Hống 汞, là Thần 神, là Tính 性, là Đạo tâm 道 心.
Kỷ Thổ 己 土 là Âm 陰, là Ly 離, là Hổ 虎, là Diên 鉛, là Hồn 魂, là Mệnh 命, là Tinh 精.
Ở Trung Cung Mậu Kỷ này Khảm Ly phải hợp nhất, đó là Thủ Khảm điền Ly biến Ly thành Kiền 取 坎 填 離 變 離 成 乾, Long Hổ phải hợp nhất; Diên Hống phải hợp nhất, Thần Hồn phải hợp nhất, Tính Mệnh phải hợp Nhất, Đạo Tâm, Nhân Tâm phải hợp Nhất, như vậy Đan luyện mới thành, như vậy mới là Phản Bản Hoàn Nguyên. Đại Đơn chính là dạy con người đạo: Qui Nguyên Phản Bản vậy. Như vậy người xưa dạy phải tìm cho ra Trung Điễm vũ trụ, Trung điểm Tâm Hồn để làm nơi tu luyện vì nơi đó là Chỗ Trời Người gặp gỡ.
Ngoài ra công phu tu luyện còn xoay quanh mấy chữ Trung, chữ Nhất:
Đạo Nho dạy:
Nhân tâm duy nguy, 人 心 唯 危
Đạo tâm duy vi. 道 心 唯 微
Duy Tinh, duy Nhất, 唯 精 唯 一
Doãn chấp quyết Trung. 允 執 厥 中
Lòng của Trời siêu vi huyền ảo,
Lòng con người điên đảo, ngả nghiêng
Tinh ròng chuyên nhất ngày đêm,
Ra công ra sức giữ nguyên lòng Trời.
Đạo Lão dạy: Thủ trung bão nhất 守 中 抱 一.
Chúng ta phải tiến tới Trung, tới Nhất, tức là tới Tinh Hoa Toàn Thiện, phải tiến tới Trời, tức là tới Bản Thể siêu vi, thuần khiết của mình.
Lạc Thư và phương pháp khắc kỷ, tu thân, qui nguyên phản bản của các Đạo gia.[2]
Các Đạo gia vì chuyên lo tu luyện bản thân, nên theo Lạc Thư mà suy ra những cơ cấu tâm linh, cũng như các phương pháp hữu hiệu để sửa sang chếch mác, dở dang trong tâm hồn, ngõ hầu Qui Nguyên Phản bản 歸 元 返 本.
Về phương diện Triết Học, các Ngài dựa vào Hà Đồ, Lạc Thư mà nhận định rằng trong con người có 2 phần Âm Dương: ấy là Nhân Tâm (Âm) và Đạo Tâm (Dương); Ấy là Người (Âm) và Trời (Dương).
Trời hay Đạo Tâm gồm có:
Ngũ nguyên 五 元:
a) Nguyên Tính元性, b) Nguyên Thần 元 神, c) Nguyên Tình 元 情, d) Nguyên Tinh 元 精, e) Nguyên Khí 元 氣.
Trời Hay Đạo Tâm ở Trung Ương và ở Tứ Chính 四 正 (Bốn phương chính).
Ngũ Đức 五 德:
a)Nhân 仁, b) Nghĩa 義, c) Lễ 禮, d) Trí 智, e) Tín 信.
Nhân Tâm hay con người gồm có:
Ngũ vật 五 物:
a)Du Hồn 游 魂, b) Thức Thần 識 神, c) Quỉ Phách 鬼 魄, d) Trọc Tinh濁 精, e) Vọng Ý 妄 意.
Ngũ tặc 五 賊:
a)Hỉ 喜, b) Lạc 樂, c) Nộ 怒, d) Ái 愛, e) Dục 欲.
Ngũ vật, Ngũ Tặc ở bốn phương bàng (Tứ Duy 四 維). Tuy nhiên Vọng ý và Dục không có sở cư vì đã phân tán ra bên ngoài và gây nhiễu loạn ở đó.
Ở Hà Đồ, 5 số chẵn bao giờ cũng kết đôi với 5 số lẻ. Các Ngài suy ra: Trên bình diện Lý Tưởng, Nhân Tâm và Thiên Ýbao giờ cũng hoà hợp nhau. Tức là Thiên Nhân hợp Nhất, chí thành, chí Thiện.
Ở Lạc Thư , trái lại, các số Âm Dương, chẵn lẻ đều đứng riêng rẽ. Các ngài suy ra: Trên bình diện thực tế, Nhân Tâm thường xa cách Thiên Tâm, xa cách với Thiên Lý, thương gàng quải, chia phôi với nhau, y như «Phu Thê phản mục», kẻ Nam người Bắc quay lưng, thay vì quay mặt lại với nhau.
Ở Lạc Thư, chúng ta thấy Âm Dương, Ngũ hành tương khắc. Các Ngài suy ra rằng: Nhân tình, Nhân dục thường chống đối, thường đi ngược với Thiên Chân, Thiên Lý vì thế mới có cảnh đảo điên, thác loạn trong trần hoàn, cũng như trong con người.
Ở Lạc Thư, nếu chỉ quan sát vòng ngoài, thì ta thấy Âm khắc Dương. Các Ngài suy ra rằng: Nhân tình, Nhân dục trên bình diện thực tế, đã lấn át, đã che lấp mất Thiên Lý, Thiên Chân, nên Tính Trời không thể phát huy; Ngũ Nguyên, Ngũ Đức hầu như thoái vị, để cho Ngũ tặc, Ngũ vật nhảy ra chấp chính, rông rỡ làm càn. Các ngài mô tà sự rối loạn ấy bằng bản đồ Lạc Thư sau:
Tuy nhiên, các Ngài chủ trương rằng: sự thác loạn, đảo điên này vẫn có thể sửa chữa được. Ta vẫn có cách dẹp nhân tình, nhân dục, cho vừng dương Thiên Tính, Thiên đức hiện ra với vầng hào quang ngũ sắc: Nhân, Nghĩa, Lễ, Trí, Tín.
Làm sao khắc phục dược Nhân Dục, Nhân Tình?
Muốn khắc phục được Nhân Dục, Nhân Tình, các Đạo Gia chủ trương chỉ cần áp dụng định luật Âm Dương tương khắc. Thay vì để cho Âm khắc Dương, Âm thắng Dương như trước, ta đảo lộn tình thế, nghĩa là làm sao cho Dương khắc Âm, Dương thắng Âm.
Muốn chế ngự Ngũ Tặc, Ngũ vật, nhân dục, nhân tình, để Ngũ Nguyên, Ngũ Đức hiển dương, ta phải có đường lối nhất định hẳn hoi.
– Muốn qui nguyên phản bản, điều kiện tiên quyết là phải tin tưởng mãnh liệt rằng: Thái Cực hay Trời luôn ngự trị trong tâm khảm mình. Niềm tin sâu xa vững mạnh này sẽ làm tan biến hết mọi ưu tư sầu muộn (lục quí Thuỷ, Trọc Tinh Ai), và làm cho thần trí trở nên sáng láng (Nhất Nhâm Thuỷ, Nguyên Tinh Trí)
Thần trí trở nên sáng láng sẽ giúp con người tháo gỡ được tục luỵ, không còn đắm đuối trong những thú vui vật chất hạ đẳng, mà chỉ yêu chuộng những lạc thú tinh thần cao thượng. (Nhị Đinh Hoả, Thức Thần Lạc)
– Khi tâm hồn đã trở nên thanh khiết, thoát tục như Minh Nguyệt Thanh Phong, con người sẽ uy nghi, trang trọng, phong thái Thần Tiên sẽ dần dần hiển lộ ra. (Thất Bính Hoả, Nguyên Thần Lễ)
– Khi đã lễ nghi trang trọng, khi phong thái Thần Tiên đã hiển lộ ra, Tâm thần sẽ trở nên bình thản, và những sự giận hờn sẽ không còn cơ hội phát sinh. (Tứ Tân Kim, Quỉ phách Nộ). Mọi hành vi, cử chỉ con người nhất nhất sẽ hợp nghĩa lý. (Cửu canh Kim, Nguyên tình Nghĩa)
-Đời sống khi đã khuôn theo nghĩa lý, con người sẽ trở nên nhân đức, hoàn thiện. Đã nhân đức hoàn thiện, nhân dục sẽ tiêu ma, (Tam Giáp Mộc, Nguyên Tính Nhân, Khắc Dục Phản Tín) và con người sẽ trở về Trung Cung, phối hợp cùng Thái Cực, cùng Thượng Đế (Mậu Nguyên Khí).
– Đó là lẽ Phản Bản, Qui Nguyên và các lớp lang, tuần tự để tu thân, tiến đức mà các Đạo gia suy diễn ra từ Lạc Thư.
Các Ngài mô tả sự diễn tiến của công trình Khắc Kỷ Phục Lễ, Qui Nguyên Phản Bản bằng đồ bản Lạc Thư với các lời chú thích sau đây:
Tóm lại, đối với Đạo Gia, nguyên động lực mãnh liệt nhất có thể hoán cải tâm hồn con người , đó là niềm tin vững mạnh có Thượng Đế đáy lòng.
Chỉ khi nào nhìn nhận ra có Thượng Đế, có Thái Cực ở trong tâm khảm mình, bấy giờ con người mới thực sự vươn lên, thực sự hoán cải tâm hồn để trở về kết hợp cùng Thượng Đế.
Thiệu Khang Tiết viết: Vạn vật tòng Trung nhi khởi, tòng Trung nhi chung. (Vạn vật khởi đầu từ Trung và kết thúc ở Trung).
Cho nên nhìn nhận ra Thái Cực, hay Trời, hay Chân Tâm, hay Đạo ở trong ta là bí quyết then chốt cho chúng ta qui Nguyên, phản Bản, cho chúng ta làm Thần, Phật, Thánh Tiên. Các đạo giáo gọi lúc mình tìm ra Trời, ra bản lai diện mục của mình là lúc Giác Ngộ. Dịch Kinh cho rằng Con Người giác ngộ, khi học quẻ Phục. Thoán truyện quẻ Phục viết: Phục kỳ kiến Thiên Địa chi tâm hồ? 復其見天地之心乎 (Phục rồi được thấy Thiên tâm). Mà thấy Thiên Tâm chính là thấy Đạo, thấy Trời.
Con người chỉ có thể quay về với Đạo, với Trời vào lúc 35, 36 tuổi, khi đã sống và đã làm bổn phận con người. Kinh Dịch tả khi con người hồi phục là lúc nửa đêm, ngày Đông Chí, tháng 11 ta, là lúc Nhất Dương lai phục, khi lòng con người hết sức vắng lặng. Khi ấy mặt trời đi vào chòm sao Hư, mà Hư chính là Hư Cực Tĩnh Đốc. Tuy nhiên sau này, các Đạo gia cho rằng Giác ngộ không nhất thiết là phải vào lúc nửa Đêm, ngày Đông Chí, nên đã gọi lúc Giác Ngộ là Hoạt Tí.
Có thể nói rằng Giác Ngộ hay Hồi Phục đó là điều kiện tiên quyết để làm Thánh Hiền, Tiên Phật. Đó chính là lúc con người vứt bỏ phàm tâm, mà mặc lấy Thiên Tâm.
Công giáo không nói xác quyết về điểm này, mà chỉ nói đại khái: «Các ngươi hãy tỉnh thức vì không biết ngày nào chúa chúng ta đến.» (Mat. 24, 42; 25, 23; 26, 38; 26, 41; Marc 14, 34; 14, 38; Luc 12, 37)
Đạo Lão dạy phải dùng Chân ý, mà Chân Ý chính là Nhất Tức sinh cơ 一 息 生 機, hay Minh Thiện phục Sơ 明 善 復 初, hay Nhất Dương lai phục 一 陽 來 復 trong đơn thư.
Các bậc giác ngộ thường hay làm thơ khi giác ngộ, như trong quẻ Phục có bài thơ của Chu Hi và của Thiệu Khang Tiết.
Chúng ta tóm tắt Hà Đồ bằng mấy bài thơ sau:
Hiểu Thông chữ Nhất, được Kim Đan.
Nhìn kỹ Hà Đồ tỏ lối đàng.
Vượt tượng, vượt hình tìm diệu quyết,
Băng qua ngoại cảnh , thấy Tiên Ban.
Băng qua ngoại cảnh, thấy Tiên Ban,
Vào nơi Chính Vị, vận Trần hoàn,
Đẩu bính, Tuyền Ki hằng với biến,
Biến Hằng trông tỏ nhẽ Tuần hoàn.
Biến Hằng trông tỏ nhẽ Tuần Hoàn,
Âm ngoài bao bọc lấy Dương quang,
Hoà Hợp Âm Dương nơi Thái Cực,
Mới hay trời đất chẳng ly tan.
(Phỏng dịch bài thơ vịnh Cổ Hà Đồ trong Phục Mệnh Thiên, tr. 3)
Ba năm một mối mấy ai hay,
Thu gọn 3, 5 , đức mới dày.
2, 3 cộng lại thành 5 chẵn,
4, 1 gom vào cũng Ngũ ngay.
Hoà hợp 4 phương đều Ngũ cả,
Tiềm tàng Tâm Điểm sẵn 5 bày.
Ba 5 hợp lại thành Chân Nhất,
Chân Nhất Kim Đơn ấy Thánh Thai.
(Phỏng dịch 1 đoạn văn trong Ngộ Chân trực chỉ).
Phanh phui ba lớp Đất, Người, Trời,
Châu ngọc Hoá Công mở thử coi,
Bí quyết Hi Di vùi chính giữa,
Tấc gang mà vẫn biệt tăm hơi,
Biệt tăm tuy thị chẳng xa xôi,
Cố gắng rồi ra sẽ được Trời.
Chớ tưởng Bồng Lai là ảo vọng,
Bồng Lai, Tiên cảnh tại lòng người.
(Phỏng dịch bài thơ trong Phục Mệnh Thiên, tr, 4)
Chúng ta có thể tổng luận về Lạc Thư bằng những vần thơ sau:
Hà Đồ rồi đến Lạc Thư,
Vuông tròn vẹn lẽ doanh hư đất trời.
Hà Đồ là đạo của Trời,
Lạc Thư là đạo của người chẳng sai
Một xuôi, một ngược chia hai,
Nhưng mà sinh xuất, phản hồi mhư nhau.
Một tâm biến hoá nhiệm mầu.
Vành ngoài biến ảo, tầng sâu như thường.
Lạc thư mà rõ Trung ương,
Số 5, Thái cực hiển dương khác nào.
Lạc thư hãy xét tiêu hao,
Âm Dương điên đảo thấp cao mấy hồi.
Trước là Kim Hoả đổi ngôi,[3]
Phải rèn, phải luyện, phải tôi mới thành.
Âm Dương bày tám chung quanh,
Dương thời Tứ Chính, Âm đành Tứ Duy.
Âm Dương, chẵn lẻ hai bề,
Dưới trên ngang dọc, đề huề 15,
Bốn phương tám hướng tương dung,
Từng đôi hợp lại, cộng chung đều 10.
Vì đâu thác loạn, rối bời,
Bóng Âm những muốn dập vùi ánh Dương,
Trọc Tinh dở thói ngông cuồng,
Nguyên Thần do đó ra tuồng hư hao.
Sầu bi nổi sóng rạt rào,
Còn chi lễ độ thanh cao ban đầu.
Thức thần tính toán nông sâu,
Nguyên Tình vì vậy ra mầu tổn thương.
Mải mê lạc thú tầm thường,
Mà quên nghĩa cả, buông tuồng nghêng ngang,
Rồi ra Quỉ Phách đa đoan,
Làm cho Nguyên Tính bàng hoàng suy vong.
Giận hờn nổi sóng đùng đùng
Còn gì Nhân Đạo mà mong xót vời.
Du Hồn táp cánh xa chơi,
Làm cho Nguyên Khí hao vơi tán loàn.
Mảng vui giữa chốn trần hoàn,
Há cần Tín Nghĩa, há màng Trung Trinh?
Vọng tâm, vọng ý đành hanh,
Làm cho tiêu tán Nguyên Tinh mới là.
Biển lòng sóng dục nhấp nhô,
Thần hôn, trí loạn, cơ đồ còn chi.
Biết bao điên đảo suy vi,
Chẳng qua là đã mất đi Tính Trời,
Điểm Trung đã mất thời thôi,
Con tim vô chủ, đường đời lao lung.
Đông tây xuôi ngược lung tung,
Chạy theo vật dục uổng công tháng ngày.
Trời kia âu cũng thương Người,
Qui Nguyên bày lẽ phản hồi Thiên Lương.
Sự đời phiền loạn nhiễu nhương,
Nhưng mà vẫn có mối rường ở trong,
Ngỡ là thác loạn rối tung,
Nào ngờ trật tự ung dung thường kề.
Hoàng lương muốn tỉnh giấc mê,
Tơ lòng phải rõ đoan nghê tỏ tường,
Lạc thư phải thấu Trung Hoàng,
Phải tin, phải biết Tâm xoang có Trời,
Tâm đà có chủ thời thôi,
Muôn điều rắc rối, tức thời phạt quang.
Xua Âm đã có Ánh Dương,
VừngDương vừa hiện, muôn phương sáng ngời.
Ngũ Trung Thái Cực hiện rồi,
Trọc Tinh, Quí Thuỷ tức thời tiêu ma.
Hết buồn Thần Trí sáng loà,
Nguyên tinh chủ chốt, điều hoà từ đây.
Trí tâm chẳng bợn trần ai,
Thức Thần êm ả liệu bài rút lui.
Chẳng còn sinh sự mua vui,
Uy nghi, lễ độ tuyệt với phong quang.
Nguyên Thần hiển lộ rỡ ràng,
Thời thôi quỉ phách kiếm đàng ẩn thân,
Còn đâu phẫn nộ, dữ dằn.
Một niềm trọng Nghĩa, mười phân vẹn mười
Nguyên tình thư thái, thảnh thơi,
Du Hồn sực tỉnh biết nơi tìm về,
Hết còn hoan hỉ, đam mê,
Đường nhân, nẻo đức thoả thuê tháng ngày.
Quang huy Nguyên Tính phơi bày,
Mây mờ dục vọng , đó đây tan dần,
Thế là Vọng phản thành chân,
Tín thành hiệp với Thiên Quân chẳng rời.
Thế là Nguyên Khí phục hồi,
Bản lai diện mục sáng ngời như xưa
Mê thời thác loạn lià xa,
Ngộ thời tề chỉnh vào ra cửa Trời.
Trọng Âm đời sẽ pha phôi
Trọng Dương đời sẽ sáng ngời hào quang.
Có tường Nhất Điểm Trung Hoàng
Rồi ra biết nhẽ lai hoàn bản nguyên,
Lạc Thư rất mực thâm uyên,
Chỉ vài con số khải huyền, xiển chân,
Mới hay chí Đạo cũng gần,
Lạc, Hà tạc sẵn trong Tâm mọi người.
Chia sẻ bài viết:
LÊ CÔNG
0919.168.366
PHÚC THÀNH
0369.168.366
Một số cách an sao vòng Trường Sinh trong tử vi
TÍNH CÁCH, MẪU NGƯỜI, TRONG LÁ SỐ TỬ VI
7 nguyên tắc cơ bản sau cần phải xem kỹ trước khi bình giải một lá số Tử Vi
THẾ NÀO LÀ TUẾ PHÁ & NGŨ HOÀNG ĐẠI SÁT
BÍ QUYẾT SONG SƠN NGŨ HÀNH VÀ THẬP NHỊ THẦN ĐẠI PHÁP (TIÊU SA NẠP THỦY THEO THỦY PHÁP TRƯỜNG SINH)
Ý nghĩa của việc thờ bàn thờ Ông Địa
“BẢN GỐC” CỦA THƯỚC LỖ-BAN DÀNH CHO CÁC BẠN THẬT SỰ HAM MÊ PHONG THỦY !!!
LÊ LƯƠNG CÔNG
Trụ sở: Số 12, Trực Cát , Vĩnh Niệm, Lê Chân, Hải Phòng
Tel: 0919.168.366 - Hotline: 0919.168.366 - Email: nhadatcongminh@gmail.com
Copyright © 2019 https://leluongcong.com/