30: Chọn bạn mà chơi.
Anh em bạn học, ai hay thì ta năng lui tới và cố bắt chước lấy cái hay. Ai dở thì ta chớ nên gần và cố làm điều hay cho người ta bắt chước.
Tiểu dẫn: Người học trò tốt.
Anh Năm ở xa mà hôm nào cũng đi học đúng giờ. Ở lớp học, anh có ý tứ và chăm chỉ. Bài học bao giờ cũng thuộc, bài làm bao giờ cũng hay, nên anh được ngồi trên. Đến giờ nghỉ, anh chơi tử tế với cả mọi người. Buổi học tan, anh không chơi vơ vẩn ở dọc đường. Ở nhà, lúc làm xong bài, anh lại giúp đỡ cha mẹ.
Thầy giáo được một người học trò tốt như anh Năm, lấy làm vui vẻ. Mà chúng tôi được một người bạn tốt, cũng lấy làm sung sướng. Ai nấy cũng muốn bắt chước anh Năm, cố làm cho được hay như anh.
Cách ngôn. – Gần đèn thì sáng.
31: Phải sạch sẽ
Ta phải giữ thân thể, quần áo, sách vở cho thật sạch. Có sạch thì người ta mới ưa. Bẩn thỉu (nhớp nhúa) thì ai cũng ghét.
Tiểu dẫn: Đứa bé ở sạch.
Khiết là một đứa bé ở sạch. Sáng dậy nó rửa mặt, rửa cổ, rửa tay. Rồi chải đầu, mặc áo, đi giày thật tiêm tất.
Khi nó viết, nó giữ không để mực dây ra tay. Sách vở của nó bao bọc sạch sẽ.
Khi nó chơi, nó giữ gìn quần áo, không để lấm, không làm rách.
Giải nghĩa: Tiêm tất = gọn gàng, tử tế.
Cách ngôn – Đói cho sạch, rách cho thơm.
(Sạch: nghĩa xa không phải dùng để nói tới việc tắm rửa hay giặt giũ, mà là để nói tới việc ngồi lựa rồi bỏ đi những hạt gạo mốc. Nghèo cho sạch, tức là nghèo thì cũng không được ăn gạo mốc rồi thành bệnh)
32. Có thứ tự.
Đồ vật xếp đặt có ngăn nắp, công việc làm ăn có trước sau, thế là có thứ tự. Thứ tự là một tính tốt. Ta phải tập cho có thứ tự ngay từ lúc còn bé.
Tiểu dẫn: Đứa bé có thứ tự.
Năm là một đứa bé có thứ tự. Áo nó treo trên mắc, đồ chơi nó xếp vào hòm; sách vở, bút, thước nó để trên bàn, hay xếp trong cặp; vật nào chỗ ấy, đâu vào đấy cả. Nên không hay mất mát bao giờ, khi cần đến cái gì là thấy ngay, không phải mất công, mất thời giờ đi tìm.
Cách ngôn. – Việc làm phải có thứ tự.
33: Phải chú ý.
Lúc học, ta không nên đãng (lãng) trí. Ta phải chú ý vào lời thầy giảng, thì học mới chóng tấn tới.
Tiểu dẫn: Đứa bé đãng trí.
Sáu là đứa bé hay đãng trí. Ở lớp học, nó chỉ thích nói chuyện, hay là nghênh ra ngoài sân.
Sáng hôm nay, thầy giáo hỏi học trò: “Các anh có biết con vật nào là vật to hơn cả không?"
Sáu không để tai nghe câu thầy hỏi, đứng dậy đáp ngay rằng: “Thưa thầy con ạ”.
Anh em cười ầm lên.
Thầy giáo cũng bậy cười mà bảo rằng: “Mày là con vật à? Nếu mày học hành cứ lơ đễnh như thế, thì ngày sau dốt nát, cũng chẳng khác gì con vật.”
Cách ngôn: - Học mà không chú ý thì chẳng học được gì cả.
34. Phải làm lụng
Ở đời ai cũng phải làm. Có làm thì mới có ăn. Làm việc là cái bổn phận thứ nhất của ta.
Tiểu dẫn: Ai ai cũng làm việc.
Cha anh làm việc cả ngày ở ngoài đồng hay trong xưởng thợ. Mẹ anh bán hàng ở ngoài chợ. Chị anh coi sóc các anh và trông nom cơm nước.
Thợ nề làm nhà; thợ rèn rèn sắt; thợ dệt dệt vải; thợ may may quần áo. Thầy thuốc chữa bệnh; thầy giáo dạy học trò.
Con ong gầy mật; con chim làm tổ hay đi kiếm mồi về nuôi con.
Các anh xem có phải là muôn vật trong trời đất đều làm việc cả không. Các anh còn nhỏ, chưa làm được việc gì, nhưng các anh cần phải học hành để ngày sau làm được việc có ích cho mình, cho xã hội.
Cách ngôn. – Có khó mới có miếng ăn.
(Lụng > đụng trong chung đụng. Nghĩa này rất cổ và hiếm gặp, đây là lời dặn của người lớn tuổi dành cho người trẻ tuổi, ý nói rằng vợ chồng phải “sinh hoạt” thì mới có thể có con. Do chuyện sinh con đẻ cái là rất quan trọng, nhưng lại là chuyện tế nhị, nên người xưa luôn dùng mật ngữ để nói về nó, nghĩa gốc của “lụng” ở đây là “phải chọt sâu vào”.)
35. Phải chăm học.
Ta phải chăm học, Không nên hơi váng đầu, sổ mũi đã lấy nê (cớ) mà xin nghỉ. Việc gì nên làm thì làm ngay, đừng để chậm trễ.
Tiểu dẫn: Buổi học cuối cùng.
Một buổi chiều, cơm nước xong, thầy anh Sửu gọi anh mà bảo rằng: “Ta nghe trong mình nhọc mệt, mà mẹ con đã già yếu rồi. Vậy từ mai trở đi thì con thôi học, ở nhà giúp đỡ thầy mẹ.”
Mấy lời đó làm cho anh Sửu buồn bã vô cùng. Từ khi anh đi học, nào có thiết gì đến học! Anh chỉ mê chơi, nay nghỉ, mai nghỉ. Bây giờ phải thôi học, thành ra dở dang, chẳng biết gì cả. Ấy cũng vì lúc đi học, anh không chuyên cần chăm chỉ nên mới chịu dốt cả đời.
Cách ngôn. – Có chăm học thì mới nên.
36: Không có thứ tự.
Đồ vật không để bề bộn, công việc làm hồ đồ, thế là không có thứ tự. Người không có thứ tự thường hay rối việc, mất thời giờ.
Tiểu dẫn: Đứa bé không có thứ tự.
Thằng Lân là một đứa bé nết na, nhưng nó phải cái tật không có thứ tự.
Trong phòng nó ở, đồ đạc, chăn chiếu ngổn ngang. Quần áo bạ đâu bỏ đó. Giày thì chiếc ở gầm giường, chiếc ở xó cửa. Trên bàn, sách vở bề bộn, quyền thì rách gáy, mất bìa, quyển thì nhọ nhem những mực. Bình mực thì không có nút, quản bút (viết) thì không có ngòi.
Thằng Lân không có thứ tự như thế, nên lúc nó cần đến cái gì, phải tìm mãi mới thấy.
Cách ngôn. – Không có thứ tự, thì hay tốn công hỏng việc.
39. Không có ý tứ.
Không có ý tứ thường làm hỏng việc, và có khi nguy đến thân. Vậy làm việc gì ta phải có ý tứ và cẩn thận.
Tiểu dẫn: Một đứa bé lơ đễnh.
Giấp có tính hay nghịch và làm cái gì cũng không có ý tứ. Ở bên láng giềng, người ta mua cát về đổ thành đống, để sắp làm nhà. Giấp đi qua hay nhảy vào giữa đống cát chơi. Một hôm, thợ nề đem vôi trộn với cát. Giấp không biết, cứ quen như mọi ngày, chạy từ xa nhảy vào giữa đống vôi, ngập quá đầu gối. Giấp không sao lôi chân lên được, kêu la rầm rĩ. Người láng diềng nghe tiếng, ra kéo nó lên, quần áo lấm hết những vôi. Về nhà, cha mẹ trông thấy, mắng đánh. Giấp kêu vạn xin chừa, từ nay không dám lơ đễnh như thế nữa.
Cách ngôn. – Làm việc gì cũng phải có ý tứ.
40. Tính ương ngạnh.
Đứa trẻ ương ngạnh là đứa trẻ làm cái gì cũng tự ý mình, ai nói thế nào cũng không được. Ương ngạnh thì ai cũng ghét.
Ta nên nghe lời những bậc phụ huynh dạy bảo, thì rồi mới nên được người ngay lành.
Tiểu dẫn. – Một đứa trẻ ương ngạnh.
Ngọ là đứa trẻ tinh nhanh, nhưng tính hay ương ngạnh. Nó đã làm cái gì, thì ai bảo làm sao nó cũng không nghe. Đã nhiều lần ở nhà bị cha mẹ đánh mắng vì nỗi cứng đầu cứng cổ.
Một hôm, đang buổi học, nó nói chuyện. Thầy bảo ngồi im, nhưng nó cứ nói. Thầy bắt nó đứng dậy, nó không đứng. Lúc tan buổi học, nó phải phạt ở lại hơn nửa giờ mới được về. Nếu nó cứ ương ngạnh như thế, rồi có ngày phải đuổi, không được học nữa.
Giải nghĩa: - Phụ huynh = phụ là cha, huynh là anh. Nói rộng là bậc ngang cha với anh mình.
Cách ngôn. – Cá không ăn muối cá ươn.
(Ngạnh: phần bén của mũi giáo, bén nhất nhưng cũng dễ bị mài mòn nhất)
41. Tính khoe khoang và hợm mình.
Những kẻ hay khoe khoang và hợm mình thì thật là dởm và khó chịu. Những kẻ như thế thì không ai ưa, mà ai cũng khinh bỉ.
Tiểu dẫn: Một đứa trẻ hợm mình.
Dần là con ông Bá, nhà giàu. Một hôm, Dần đóng quần áo vào, rồi đi ra đường, có ý khoe mình có quần áo đẹp. Gặp lũ anh Tí là bạn học, đến rủ Dần đi chơi. Dần lên mặt, nói rằng : «Chúng bay ăn mặc như thế kia, tao nào thèm đi chơi với chúng bay ! » Bọn anh Tí mắng lại rằng : Mày tưởng mày có quần lành áo tốt, là mày hơn người hay sao ? Mày là một thằng hợm mình, đi mà chơi với các công tử. » Nói xong bọn anh Tí đem nhau đi chơi, chuyện trò vui vẻ, để Dần lủi thủi với cái hợm của mình.
Cách ngôn : - Chớ nên khoe mình.
42. Tính nhát sợ.
Tại làm sao mà người ta hay sợ ? Sợ là tại có tính nhu nhược và không chịu nghĩ. Vậy khi có cái gì làm cho ta sợ, thì ta hãy xét xem có thật đáng sợ không đã, đừng có sợ hão mà người ta cười là nhát.
Tiểu dẫn: Thằng bé nhát sợ.
- Ba, ra vườn lấy cái rổ đem vào đây cho tao.
- Thưa mẹ, con sợ lắm.
- Sợ cái gì ?
- Trời tối lắm, con sợ ma.
- Ai bảo mày có ma ? Ma ở đâu ? chỉ nói nhảm thôi. Đi ra xách cái rổ vào đây cho tao. Con trai đâu mà nhát (non gan) thế.
Ba nghe lời mẹ, chạy ra vườn lấy cái rổ vào, ra dáng bạo dạn lắm.
Giải nghĩa : - Nhu là mềm ; nhược là yếu. Nhu nhược là kẻ yếu, không có can đảm.
Cách ngôn : - Đứa trẻ có can đảm không bao giờ sợ cái không đáng sợ.
43. Tính nói dối.
Nói dối là bụng nghĩ một đàng, mồm nói một nẻo. Ta không nên nói dối bao giờ. Nói dối là một tính rất xấu.
Tiểu dẫn: Đứa trẻ nói dối.
Ất là con người hàng nước ở trên bờ đê. Nó có tính hay nói dối. Đã nhiều lần nó kêu cháy để đánh lừa người ta mà cười. Một hôm, cha mẹ nó đi vắng, lửa bốc lên cháy nhà. Nó chạy vào trong làng kêu cháy rầm lên. Nhưng người ta cứ tưởng là nó lại nói dối để đánh lừa cho nên không ai ra cứu. Đến khi biết là cháy thật, thì chữa không kịp nữa. Bấy giờ Ất mới biết nói dối là dại và thiệt cho mình.
Cách ngôn : - Một lời nói dối, sấm hối bảy ngày.
(sấm hối = sám hối, tùy ngữ âm từng địa phương)
44. Tính nói xấu.
Đem chuyện xấu của người ta ra mà nói làm cho người ta mất danh giá, là mình xấu bụng không có độ lượng. Ta chớ nên nói xấu ai bao giờ.
Tiểu dẫn: Một đứa trẻ hay nói xấu.
Một hôm, ở nhà ông Mậu có mấy người đang ngồi uống nước, nói chuyện. Ông Mậu trông thấy anh Binh đi qua cửa, mới trỏ mà nói rằng : «Thằng bé kia là con ông Hai ở gần đây. Nó ngoan, lại học giỏi nữa. Nghe đâu thầy giáo khen nó lắm ». – Anh Ngọ ngồi gần đấy, thấy cha khen anh Bính, liền nói rằng : «Cha đừng tưởng Bính học giỏi đâu, vừa hôm kia đấy, nó không thuộc bài, bị thầy mắng. Người ta lại còn nói nó có tính tham ăn nữa đây. »
- Ông Mậu trừng mắt lên, mắng Ngọ rằng : « Không biết chuyện thằng Bính thực hư thế nào, nhưng hãy biết mày nói xấu nó, mày là một đứa hư rồi. Mày hãy giữ mình mày cho trong sạch, chớ nên nói xấu người ta ».
Giải nghĩa : Độ lượng = bụng rộng rãi.
Cách ngôn : - Soi chân mình rồi hãy soi chân người.
45. Tính mách lẻo.
Đứa trẻ hay mách lẻo làm cho anh em bạn phải phạt, là đứa trẻ bụng dạ hèn mạt, làm điều đáng khinh bỉ. Ta không nên mách lẻo.
Tiểu dẫn: Một đứa trẻ xấu bụng.
Anh Nhị nghỉ học một ngày, hôm sau đến trường nói dối thầy rằng : « Hôm qua con sốt, không đi học được. » Nghiêm ngồi ở cuối lớp, muốn làm cho Nhị phải phạt, đứng dậy mà mách rằng : « Thưa thầy, anh Nhị nói dối đấy ạ, hôm qua con trông thấy anh ấy đi câu với một người nữa ở ngoài bờ sông ». – Thầy giáo ngoảnh lại mắng Nghiêm rằng : « Tao có hỏi mày đâu, mà mày nói ? Thằng Nhị nói dối, có tội đã đành, nhưng mày mách lẻo như thế thì mày là đứa vô hạn ». Cả lớp nhìn Nghiêm ra dáng khinh bỉ lắm. Nghiêm thẹn đỏ mặt, cúi gầm đầu xuống.
Giải nghĩa. – vô hạnh = vô là không, hạnh là nết tốt ; nghĩa là không có nết tốt.
Cách ngôn. – việc mình mình biết, việc người người hay.
(lẻo: phần thịt ôi không ăn được, thường vất đi hoặc cho động vật ăn)
46. Tính hay chế nhạo (nhạo cợt).
Ta chớ nên chế nhạo ai bao giờ. Khi ta thấy ai gặp việc chẳng may, thì ta phải săn sóc hỏi han, tìm cách giúp đỡ người ta. Như vậy mới phải đạo làm người.
Tiểu dẫn: Đứa trẻ hay chế nhạo.
Giờ nghỉ học, học trò ra chơi ngoài sân, Giáp chạy ngã vào một cái cây, đứng ôm bụng mà khóc. Anh Nhân và mấy người nữa chạy lại săn sóc hỏi han.
Đinh thấy thế thì đứng cười và lại chê Giáp rằng : « Anh đau bụng đấy à ? Sao mà kêu khóc thế ? » Chẳng ngờ được một lát, Đinh cũng trượt chân ngã, đứng nhăn nhó kêu đau. Anh em thấy thế, ai cũng cười chê lại rằng : « Thế bây giờ anh đau răng đấy à ? »
Đinh vừa mới chê Giáp xong, bây giờ lại bị người ta chê mình, thật là đáng kiếp.
Cách ngôn. – Cười người hôm trước, hôm sau người cười.
47. Tính ghen.
Anh em, ai được sung sướng thì ta mừng ; bạn hữu, ai học hành được tấn tới thì ta vui. Ta chớ nên ghen tị với ai, chớ nên đem lòng làm hại ai bao giờ.
Tiểu dẫn: Một đứa trẻ hay ghen.
Mão thấy mẹ yêu em hơn mình, ra bộ ghen tị. Bà mẹ biết ý, mới gọi Mão mà bảo rằng : « Em con nó còn dại, chưa biết gì, cho nên mẹ phải yêu nó, chiều nó. Con thì đã lớn rồi, đã biết nghĩ, có lẽ nào lại muốn mẹ coi cũng như đứa con nít hay sao. Thế mà bao giờ con thấy mẹ yêu em thì con lại có ý không vui nghĩa là làm sao ? Con phải biết rằng : « Ghen tị như thế là một thói xấu, phải chừa đi mới được ».
Cách ngôn : - Ghen ghét là một thói xấu.
48. Tính tức giận.
Khi ta nói điều gì, hay làm việc gì, ta phải giữ mình, đừng có nóng nảy, tức giận. Tức giận lên thì thường quên mất cả lẽ phải, và có khi sinh ra làm xằng.
Tiểu dẫn: Vì tức giận mà bị ong đốt.
Đinh ra chơi ngoài vườn, thấy ở bụi cây có cái hoa đẹp, chạy lại hái, để vào mũi ngửi. Chẳng nhờ có con ong ở trong hoa, đốt ngay vào cằm, rồi bay đi mất.
Đinh tức giận đuổi đánh con ong. Bỗng thấy gần đấy có tổ ong, càng giận thêm, liền lấy hòn đá ném vào giữa tổ. Đàn ong bay ra, xúm lại đốt Đinh xưng cả mặt. Ấy cũng vì tức giận mà thành phải chịu đau.
Cách ngôn. – No mất ngon, giận mất khôn.
49.Tàn bạo.
Tàn bạo là một tính rất xấu. Người ta đối với kẻ hèn yếu hay giống súc vật, bao giờ cũng phải nhân từ thì mới phải đạo.
Tiểu dẫn: Một đứa trẻ tàn bạo.
Một hôm, Định trông thấy con chó nhà láng giiềng chạy vào nhà mình, nó liền đóng cửa lại, rồi lấy gậy đuổi đánh. Con chó kêu rầm lên và chạy đánh đổ vỡ cả đồ đạc. Định thấy vậy lại càng đuổi đánh mãi. Sau con chó tức lên, nhảy vào cắn chân Định một miếng thật đau. Định ngồi ôm chân mà khóc.
Giải nghĩa. – nhân từ = hiền lành, ăn ở có lòng thảo.
Cách ngôn. – Ta chớ nên tàn bạo.
50. Tính độc ác.
Những điều độc ác thì ai cũng ghét. Bé mà độc ác thì lớn lên thành ra người bất nhân.
Tiểu dẫn: Một đứa độc ác.
Thằng Quý là một đứa độc ác, chơi với ai chỉ tìm cách hại người ta. Một hôm, ở lớp học, nó lấy bút của Nhân ngồi bên cạnh, cắm vào khe bàn, làm cho ngòi bút quằn lên. Đến khi thầy giáo bảo học trò viết ám tả, Nhân cầm đến bút thì thấy ngòi bút hỏng, không biết làm thế nào, mới ngồi khóc.
Trước thầy giáo đã trông thấy thằng Quý nghịch bút, lúc ấy mới biết là bút của Nhân, bèn gọi Quý lên mắng và bắt phạt, rồi lấy ngòi bút khác cho Nhân.
Giải nghĩa. – Bất nhân = bất là chẳng, nghĩa là bạc ác, không lương thiện.
Cách ngôn. - Ở hiền gặp lành, ở ác gặp ác.
*
Chủ biên: Trần Trọng Kim
Giải nghĩa cổ ngữ: Lang
Chia sẻ bài viết:
LÊ CÔNG
0919.168.366
PHÚC THÀNH
0369.168.366
Một số cách an sao vòng Trường Sinh trong tử vi
TÍNH CÁCH, MẪU NGƯỜI, TRONG LÁ SỐ TỬ VI
7 nguyên tắc cơ bản sau cần phải xem kỹ trước khi bình giải một lá số Tử Vi
THẾ NÀO LÀ TUẾ PHÁ & NGŨ HOÀNG ĐẠI SÁT
BÍ QUYẾT SONG SƠN NGŨ HÀNH VÀ THẬP NHỊ THẦN ĐẠI PHÁP (TIÊU SA NẠP THỦY THEO THỦY PHÁP TRƯỜNG SINH)
Ý nghĩa của việc thờ bàn thờ Ông Địa
“BẢN GỐC” CỦA THƯỚC LỖ-BAN DÀNH CHO CÁC BẠN THẬT SỰ HAM MÊ PHONG THỦY !!!
LÊ LƯƠNG CÔNG
Trụ sở: Số 12, Trực Cát , Vĩnh Niệm, Lê Chân, Hải Phòng
Tel: 0919.168.366 - Hotline: 0919.168.366 - Email: nhadatcongminh@gmail.com
Copyright © 2019 https://leluongcong.com/