Tử vi
26/06/2021 - 12:40 PMLê Công 593 Lượt xem

Cách An Sao Tử Vi

Bài Học Từ Lớp Tử Vi

An sao Tử Vi tùy theo Cục và ngày sinh. Các bạn mới làm quen với Tử Vi tạm thời xem bảng dưới đây, thấy ngày sinh ở cung nào thì an sao Tử vi ở cung đó:

Cách An Sao Tử Vi

Cách An Sao Tử Vi

Sau đây tôi xin minh họa bằng một hình an 14 Chính Tinh của hai vòng Tử Phủ và kế tiếp tôi sẽ dẫn giải rõ cách an, cũng như Nguyên Lý đưa đến những bảng an Sao Tử Vi theo các Cục đã lập thành ở trên.

Như hình trên ta thấy 14 chính tinh chia làm 2 nhóm:

a. Nhóm Tử Vi (theo một số sách an theo chiều nghịch) và một số an theo chiều thuận.

b. Nhóm Thiên Phủ, tất cả các sách đều an theo chiều thuận.

Như chúng ta biết "sao Tử Vi là chúa tể các sao là nơi tạo hóa biến sinh, chấp chưởng ngũ hành mà nuôi dưỡng vạn vật" (Tử Vi Đẩu Số Toàn Thư). Ví như Tử Vi là Càn - trời (Dương) có trước mới sinh ra Thiên Phủ là Khôn - đất (Âm). Vậy thì tại sao chòm sao Tử Vi (Dương) lại an ngược mà chòm sao Thiên Phủ (Âm) lại an xuôi, trong khi luật Dương thuận Âm nghịch là chìa khóa của Tử Vi? Tại sao vấn đề quan trọng như vậy lại không thấy ai bàn đến?

Thiển nghĩ, Cổ Nhân lập ra Tử Vi từ Tiên Thiên và Hậu Thiên - Bát Quái, nên đã dùng đồ hình Tiên Thiên - Bát Quái để an định 14 Chính Tinh (Cục của cung an Mệnh). Như ở trước đã có nói: Quá trình di chuyển của Tiên Thiên Bát Quái có thuận có nghịch. Bắt đầu là Càn (1), Đoài (2), Li (3), Chấn (4) đi ngược (vòng sao Tử Vi an theo Càn Đạo); Tốn (5), Khảm (6), Cấn (7), Khôn (8) đi xuôi (vòng sao Thiên Phủ an theo Khôn Đạo). Điều nầy đã xác định rõ ràng vòng sao Tử Vi phải an ngược và vòng sao Thiên Phủ phải an xuôi, vì đây là bản nguyên của sự hình thành Tử Vi Đẩu Số. Ta thấy Càn và Khôn hai nghi phân thời gian ở hai cung Tí, Ngọ (đối xung nhau), còn trong Tử Vi thì Tử Vi và Thiên Phủ cũng đối xung nhau ở hai cung Tị và Hợi. Hơn nữa, Càn Khôn phối nhau tiêu tức, đến Tỵ Càn Hợi Khôn và Dần Thân thành Thái Bỉ mà Tỵ Hợi có Tử Phủ đối xung, Dần Thân có Tử Phủ Đồng cung. Người sáng lập ra Tử Vi bám sát Dịch Lý!

Do đó, nếu chúng ta muốn an xuôi hay an ngược tùy ý thì dĩ nhiên là chẳng ai cấm cản, và vẫn có cùng đáp số; nhưng sẽ bị phạm vào những lỗi lầm của sự thiếu quan tâm về Âm-Dương hay thuận nghịch. Và ta sẽ bị bế tắc về nhiều khía cạnh như đa số các bậc tiền bối đương thời.

A. TỬ VI TINH HỆ: Chùm sao nầy gồm có Tử Vi, Thiên Cơ, Vũ Khúc, Thiên Đồng, Thái Dương, và Liêm Trinh. (Xem hình 14 Chính Tinh ở trên)

Khi biết được vị trí và an sao Tử Vi xong, theo chiều nghịch mà an Thiên Cơ, bỏ cách một cung từ Thiên Cơ an Thái Dương, sau Thái Dương an Vũ khúc, sau Vũ khúc đến Thiên Đồng, và cách 2 cung từ Thiên Đồng an Liêm trinh.

Thí dụ: Tử Vi ở cung Tỵ thì Thiên Cơ ở Thìn, bỏ cung Mão, an Thái Dương ở Dần, Vũ Khúc ở cung Sửu, Thiên Đồng ở cung Tí, bỏ cung Hợi, và cung Tuất, an Liêm Trinh ở cung Dậu.

B. THIÊN PHỦ TINH HỆ: Chòm sao Thiên Phủ an theo chiều Thuận. Các sao liên tiếp an theo các cung mỗi cung một sao như sau: Thiên Phủ, Thái Âm, Tham Lang, Cự Môn, Thiên Tướng, Thiên Lương, Thất Sát (bao giờ cũng đối diện Thiên Phủ), và riêng Phá Quân cách ba cung (bao giờ cũng đối diện Thiên Tướng).

Muốn biết sao Thiên Phủ ở cung nào, thì cứ lấy cung Dần là cung căn (số1) tùy theo đếm thuận hay nghịch đến sao Tử Vi ở cung số mấy thì an Thiên Phủ ngược lại ở cung số đó. Thí du: Tử Vi ở cung ngọ (từ cung Dần đến cung Ngọ là 5 cung tính thuận) thì an Thiên Phủ ở cung Tuất vì từ cung Dần đến cung Tuất là 5 cung đếm ngược lại. Nghĩa là sao Thiên Phủ cách an giống hệt sao Tử Vi, nhưng ngược lại. Xem bảng ghi vị trí của sao Tử Vi và Thiên Phủ hiện hành trên 12 cung dưới đây

Riêng cung Dần và cung Thân thì Tử Vi và Thiên Phủ bao giờ cũng đồng cung. Còn hai cung Tỵ và Hợi thì Tử Vi và Thiên Phủ bao giờ cũng đối nghịch nhau nếu Tử Vi ở Tỵ thì Thiên Phủ ở Hợi hoặc ngược lại.

NGUYÊN LÝ AN SAO TỬ VI

Đến đây, thiết tưởng cần phải đặt một vấn đề quan trọng nhất trong Tử Vi mà gần ngàn năm qua chưa nghe ai bàn đến. Thật ra không phải Cổ Nhân chẳng có ai biết, nhưng vì tất cả Cổ Nhân đều biết cho nên mới không ai thèm giải thích rõ ra làm gì. Cho nên thời nay chúng ta mới đành phải học vẹt. Biết rằng an sao Tử Vi phải an theo Cục và ngày sinh; nhưng theo bảng lập thành ở trên cho thấy sao Tử Vi thay đổi vị trí loạn xạ, và mỗi Cục mỗi khác nhưng có hệ thống tổ chức một cách chặt chẽ.

Rõ ràng Cổ Nhân đã có một công thức hẳn hòi mới có thể an định sao Tử Vi được. Và sao Tử Vi có an đúng thì mới có lá số, còn nếu an sai thì toàn bộ lá số trật lất. Vậy mà chưa thấy sách nào giải thích Nguyên Lý an sao Tử Vi cả! Nếu chỉ có bảng lập thành, lỡ tam sao thất bổn lộn mất một ngày nào trong 5 Cục đó thì sao? Ai dám cả quyết là không lộn? Dựa trên luận cứ nào và Nguyên Tắc nào mà chúng ta lại chắc chắn là không lộn, hoặc không sai?

Khi mới học Tử Vi chính những câu hỏi nầy đã ám ảnh tôi, nhưng lúc đầu mới nhập môn có biết Ất-Giáp gì đâu, nên đành phải có gì học nấy. Vả lại tôi tự học, không Thầy chân truyền nên có thắc mắc thì phải hỏi ở sách vậy! Nếu tất cả các sách đều không có câu trả lời thì đành ôm hận. (Đây là bệnh chung của tất cả những người hâm mộ Tử Vi)! Cho đến sau này, nhờ nghiền ngẫm Dịch Kinh tôi mới khám phá ra nhiều điều hữu ích cho Tử Vi mà xưa nay không có giải thích.

I. CÁCH AN SAO TỬ VI XƯA:

Từ xưa đến nay các cụ cứ dạy rằng: Nếu (đơn cử) là Thổ Ngũ Cục thì "một chu kỳ là 5 ngày: Mã, Trư, Long, Ngưu, Hổ", tức là ngày 1 Tử Vi ở Ngọ, ngày 2 ở Hợi, ngày 3 ở Sửu, ngày 4 ở Thìn, ngày 5 ở Dần. Qua đến chu kỳ 2 mỗi ngày tiến tới một cung, theo thứ tự Mã (qua Mùi), Trư (qua Tí), Long (qua Tị), Ngưu (qua Dần), Hổ (qua Mão). Qua chu kỳ 3 mỗi ngày tiến lên 2 cung. Qua chu kỳ 4 mỗi ngày tiến lên 3 cung. Qua chu kỳ 5 mỗi ngày tiến lến 4 cung. Qua chu kỳ 6 mỗi ngày tiến lên 5 cung. Lý do có 6 chu kỳ là vì một tháng có 30 ngày, mà Thổ Ngũ Cục một chu kỳ có 5 ngày (30 chia cho 5) nên thành 6 chu kỳ (30 ngày chia cho số Cục = số chu kỳ, những tháng thiếu có 29 ngày thì không tính).

Khổ nổi học một Cục thì dễ, còn phải học hết 5 Cục thì thật là nan giải. Vì cổ nhân chỉ dạy cách nhớ chứ không phải là một Nguyên Tắc, nếu là Nguyên Tắc thì phải có thể áp dụng cho cả 5 Cục chứ. Cho nên qua Hỏa Lục Cục thì bắt buộc phải nhớ Kê, Mã, Trư, Long, Ngưu, Hổ (vì một chu kỳ có 6 ngày).

Tại sao Thổ Ngũ Cục thì ngày 1 Tử Vi ở Ngọ, mà qua Hỏa Lục Cục thì ngày 1 Tử Vi ở Dậu, mặc dù hai người sinh cùng một ngày? Thấy như không có mạch lạc gì với nhau, làm sao mà nhớ nổi! Nhất là những người kém trí nhớ như tôi thì chịu (may mà tôi có computer để an lá số). Vả lại, tôi là người không thích học vẹt, nên cái gì không có Nguyên Tắc hay không chứng minh được thì không làm sao nhớ. Vì cố tìm tòi, cuối cùng tôi đã tìm ra được một Nguyên Tắc an sao Tử Vi.

II. NGUYÊN TẮC AN SAO TỬ VI:

Tôi nghĩ rằng Cổ Nhân đã dùng những yếu tố sau đây để làm thành Nguyên Tắc an định sao Tử Vi:

a. Cung Dần là nơi "tam Dương khai thái" nên là cung căn để an định: Mệnh, Thân cũng như vòng sao Tử Vi.

b. Chòm sao Tử Vi được áp dụng theo Tiên Thiên Bát Quái để an định.

c. Trong Tử Vi trục Dần, Thân là trục phân định Âm, Dương: Từ Dần đến Thân là Dương, còn từ Thân đến Dần là Âm.

d. "Chu Công lấy 5 ngày làm một tiết hậu, mỗi Tháng có 6 tiết hậu, mỗi Quái 6 Hào (tiết hậu) x 5 ngày thành 30 làm số ngày cho mỗi Tháng".

e. Trong 5 Cục: Thủy Nhị Cục (số 2 là Âm, nên đi nghịch), Mộc Tam Cục (số 3 Dương, nên đi xuôi), Kim Tứ Cục (Âm), Thổ Ngũ Cục (Dương), Hỏa Lục Cục (Âm), đều có phân định Âm Dương và vẫn theo định luật Dương thuận Âm nghịch (của Dịch Lý).

f. Biết rằng Thủy Nhị Cục thì mỗi chu kỳ là 2 ngày, Mộc tam Cục mỗi chu kỳ là 3 ngày,..., Hỏa Lục Cục chu kỳ là 6 ngày. Cổ nhân đã dùng con số của Cục để làm số ngày của chu kỳ!

Vài thí dụ để chứng minh:

Cục Dương, ngày 1 ở cung Dương và phát xuất ở bên trục Dương

Cục Âm, ngày 1 ở cung Âm, và phát xuất ở bên trục Âm

1. Nhìn hình Thổ Ngũ Cục ta thấy:

a. Chu kỳ một: Thổ Ngũ Cục là Cục số 5, mỗi chu kỳ có 5 ngày, vì là Dương Cục nên ngày 1 phát xuất đếm thuận bên trục Dương đến cung số 5 (cung Ngọ), nhưng những ngày lẻ sau đó thì đi nghịch. Còn ngày 2 thì phát xuất đếm nghịch bên trục Âm đến cung số 4 (cung Hợi), nhưng những ngày chẵn sau đó lại đi thuận (thấy không khác gì vòng Tử Vi (Dương) an nghịch, còn Thiên Phủ (Âm) an xuôi).

b. Cung Dần là căn cung, nên bắt đầu đếm số 1 ở cung Dần thuận đến cung số 5 (Ngọ) thì an ngày 1 ở đó. Rồi đếm ngược đến cung Hợi số 4 (5 - 1 = 4 vì sau mỗi ngày phải trừ đi 1) thì an ngày 2; vì số 4 là số Âm nên đếm nghịch đến Hợi. Lại đếm thuận đến cung số 3 là Cung Thìn thì an ngày 3; vì Dương số nên đếm thuận đến Thìn. Ngày 4 thì đếm ngược đến cung số 2 là Cung Sửu thì an ngày 4. Cuối cùng thì an ngày 5 ở Cung Dần. (Lý do ngày 5 ở cung Dần, vì Dần là Căn cung. Bất cứ Cục mang số gì, thì ngày mang số ấy đều ở cung Dần cả).

2. Nhìn hình Hỏa Lục Cục ta thấy:

Chu kỳ một: Ngày 1 ở cung Dậu, vì là Âm Cục nên đếm nghịch đến cung số 6 an ngày 1; rồi đếm thuận đến cung số 5 thì an ngày 2 (vì 6 - 1 = 5); lại đếm nghịch đến cung số 4 thì an ngày 3; rồi đếm thuận đến cung số 3 thì an ngày 4; lại đếm nghịch đến cung thứ 2 thì an ngày 5; rồi đếm thuận đến cung Dần thì an ngày 6.

* Dựa theo Nguyên Tắc trên, áp dụng cho các Cục khác vẫn giống nhau. Duy phải nhớ Cục Dương thì khởi thuận, còn Cục Âm thì khởi nghịch.

PHẦN ÁP DỤNG NGUYÊN TẮC

An sao Tử Vi với những ngày lớn hơn số Cục. Vẫn dùng thí dục của Thổ Ngũ Cục và Hỏa Lục Cục. Xem hình dưới đây:

Từ 2 hình này chúng ta có thể thấy được một cách tính toán chu kỳ an định sao Tử Vi của Cổ Nhân. Với những Nguyên Tắc sau đây:

1. Lấy số ngày lớn hơn Chu Kỳ (Số Cục) chia cho Số Cục, lấy số Dư làm ngày của Chu Kỳ đầu.

Ví dụ Thổ Ngũ Cục. Ngày 6 chia cho 5 dư 1. Số Dư là 1 thì ngày 1 của Thổ Cục an ở Ngọ. Ví Dụ là Hỏa Lục Cục. Ngày 8 chia cho 6 dư 2. Số dư là 2 thì ngày 2 của Thổ Cục an ở Ngọ.

2. Lấy số Thương làm số Cung tiến tới.

Ví dụ ngày 6 chia cho 5 dư 1. Số Dư là 1 thì ngày 1 của Thổ Cục an ở Ngọ. Số Thương cũng là 1 nên từ Ngọ tiến tới Mùi 1 cung an sao Tử Vi ở Mùi. Ví Dụ là Hỏa Lục Cục. Ngày 8 chia cho 6 dư 2. Số dư là 2 thì ngày 2 của Thổ Cục an ở Ngọ. Số Thương cũng là 1 nên từ Ngọ tiến tới Mùi 1 cung an sao Tử Vi ở Mùi.

3. Nếu số ngày chia cho Số Cục được tròn số, không có số dư, tức là số dư bằng 0 thì luôn đếm từ cung Dần mà khởi đi tuỳ theo Thương Số.

Ví dụ Thổ Cục ngày 15 chia cho 5 thì được 3 lần, tròn số, không có số Dư. Thương số là 3 vì chia được 3 lần. Do đó, bắt từ Dần đếm là 1 đến Mão là 2, đến Thìn là 3, nên ngày 18 của Hỏa Cục sao Tử Vi an ở Thìn.

Để áp dụng lý thuyết vào thực tế và rút ngắn, xin đơn cử vài thí dụ số ngày sinh lớn hơn số Cục như sau đây:

a. Tỷ như một người Kim Tứ Cục sinh ngày 25, thì ta lấy số ngày là 25 chia cho 4 (Tứ Cục) = 6 dư 1. Số dư là 1 thì ta biết từ cung an ngày 1 tiến lên 6 cung ta an ngày 25 ở đó. Như Kim Tứ Cục là Âm Cục ngày 1 phải khởi bên Trục Âm, vậy nên từ cung Dần ta đếm ngược 4 cung đến cung Hợi, ngày 1 khởi ở cung Hợi. Để tiến lên 6 cung, ta bắt đầu đếm 1 ở cung Tí... đến 6 ở cung Tỵ ta an (ngày 25) Tử Vi ở cung Tỵ.

b. Tỷ như người Thổ Ngũ Cục sinh ngày 18, thì ta lấy 18 chia cho 5 = 3 dư 3. Ngũ Cục là Dương Cục số 5, nên ngày 1 ở cung Ngọ (Dần đến Ngọ là 5 cung) thuộc Trục Dương. Theo cách an chu kỳ 1 thì ta biết ngày 1 ở cung Ngọ, ngày 2 ở cung Hợi, ngày 3 ở cung Thìn... do đó từ cung Thìn (ngày 3 là số dư) ta tiến lên 3 cung (chu kỳ 3) thì ngày 18 ở cung Mùi.

c. Tỷ như một người là Hỏa Lục Cục sinh ngày 23, ta lấy 23 chia cho 6 = 3 dư 5. Ta biết Hỏa Lục Cục thì ngày 1 ở cung Dậu, ngày 2 ở cung Ngọ, ngày 3 ở cung Hợi, ngày 4 ở cung Thìn, ngày 5 ở cung Sửu, ngày 6 ở cung Dần. Số dư là 5 cho ta biết ngày 5 ở cung Sửu tiến lên 3 cung (chu kỳ 3), nên ngày 23 ở cung Thìn.

d. Tỷ như một người là Mộc Tam Cục sinh ngày 27, ta lấy 27 chia cho 3 = 9 dư 0. Nếu số Dư là 0 tức là nó vừa tròn hết một chu kỳ, do đó bất kể Cục gì cũng đều dùng cung Dần làm ngày của Cục đó để khởi điểm. Vậy ngày 1 ở cung Dần, tính cung Dần là 1 vì bắt đầu từ 0 (số dư là 0), nên tiến lên 9 cung thì ngày 27 ở cung Tuất.

e. Tỷ như một người là Thủy Nhị Cục sinh ngày 4, ta lấy ngày 4 chia 2 = 2 dư 0. Vì dư 0 nên ta biết phải tính từ cung Dần là 1 và 2 ở cung Mão; thành ra ngày 4 ở cung Mão. Nếu đổi lại sinh ngày 3, thì ta lấy 3 chia cho 2 = 1 dư 1. Ta biết Thủy Nhị Cục là Âm Cục thì ngày 1 ở cung Sửu (vì từ cung Dần tính là 1 nghịch đến Sửu là 2, Âm Cục đi ngược), tiến lên 1 cung tức là nhằm cung Dần, nên ngày 3 Tử Vi an ở cung Dần.

Sỡ dĩ phần này tôi phải dài dòng vì sợ các bạn mới làm quen với Tử Vi không hiểu rõ!

( TÌM NƠI TỬ VI ĐỨNG ) 

Dùng ngày sinh:

An sao Tử Vi là cách rắc rối nhất trong Tử Vi, theo xưa. Nhưng nay có cách dễ dàng hơn, bất kỳ cục nào: Thủy nhị cục, Mộc tam cục, Kim tứ cục, Thổ ngũ cục, Hỏa lục cục. Dùng con số Cục và cung Dần làm đích, đi theo chiều thuận.

Ví dụ Kim tứ cục:

Xin bấm và hô: 1 lần 4 ở Dần, 2 lần 4 ở Mão, cho đến khi nào nghe con số hô đó BẰNG hay CAO HƠN ngày sinh mà không quá MỘT ĐƠN VỊ đang đếm thì dừng lại. Nếu là Bằng (tức ngày sinh chia chẵn cho Cục) thì dừng ở đâu Tử Vi an ở đó. Nếu số thừa cao hơn mà trừ ra là số Lẻ thì từ đó LUI mỗi CUNG 1 số cho đến khi nào hết số lẻ dừng ở đâu thì Tử Vi an ở đó. Nếu cao hơn mà trừ ra là số chẵn thì từ đó TỚI mỗi CUNG 1 số cho đến khi nào hết số lẻ, dừng ở đâu thì Tử Vi an ở đó.

Tóm tắt: Số ngày sinh chia cho số Cục, mỗi lần chia từ Dần tới 1 cung, chia chẵn: Tử Vi ở đó. Số thừa chẵn TỚI mỗi cung 1 số, số thừa lẻ LUI mỗi cung 1 số.

Ví dụ: Tuổi Nhâm Thân, Mệnh cung đóng ở Hợi, sinh ngày 21.

Kim tứ cục, 1 lần 4 ở Dần, 2 lần 4 ở Mão, 3 lần 4 là 12 ở Thìn, 4 lần 4 là 16 ở Tỵ, 5 lần 4 là 20 ở NGọ, 6 lần 4 là 24 ở Mùi. 24-21=3. Từ Mùi lui Ngọ : 1, lui Tỵ : 2, lui Thìn : 3. Vậy Tuổi Nhâm Thân sinh ngày 21 Tử Vi an ở Thìn.

Xuất xứ: Cách an Tử Vi này trích trong Sách Tử Vi của Vu Thiên Nguyễn Đắc Lộc, xuất bản tại Sài Gòn năm 1973.

Khi đã biết Tử Vi ở đâu rồi thì theo bài thơ an 14 chính tinh như sau:

1) Tử Vi, Thiên Cơ nghịch hành bàn (đi ngược), cách nhất (bỏ 1 cung) Dương (Thái Dương) Vũ (Vũ Khúc), Thiên Đồng đương, hựu cách nhị vị (bỏ 2 cung) Liêm Trinh địa không tam (bỏ 3 cung) phục kiến Tử Vi lang (thấy lại Tử Vi).

2) Thiên Phủ, Thái Âm, dự (rồi đến) Tham Lang, Cự Môn, Thiên Tướng, cập (rồi đến) Thiên Lương, Thất Sát không tam (bỏ 3 cung) Phá Quân vị (chổ), bát tinh thuận số tuế suy tường (8 sao này đi thuận).

Câu 1) An sao tùy theo vị trí chỉ định từ cung đã an sao Tử Vi, đi ngược.
Câu 2) An sao tùy theo vị trí chỉ định từ cung đã an sao Thiên Phủ, đi xuôi.

Lưu ý: Thiên Phủ ở vị trí đối cung với Tử Vi qua trục Dần Thân. Vậy 2 Cung Dần, Thân, Tử Vi và Thiên Phủ ở chung một cung.

Đến đây thì việc AN TỬ VI (phần chính tinh) đã xong.

Lê Công 

 


Tin liên quan

Chia sẻ bài viết: 



Bình luận:

Hỗ trợ trực tuyến

LÊ CÔNG

0919.168.366

PHÚC THÀNH

0369.168.366

Nhà đất bán theo tỉnh thành
Nhà đất cho thuê theo tỉnh thành
Kinh Dịch
Tử vi
Huyền không Phi Tinh
Văn Hóa_Tín Ngưỡng
Thước lỗ Ban
Xen ngày tốt
Tử vi
TIN NỔI BẬT

LÊ LƯƠNG CÔNG

Trụ sở: Số 12, Trực Cát , Vĩnh Niệm, Lê Chân, Hải Phòng

Tel: 0919.168.366 - Hotline: 0919.168.366 - Email: nhadatcongminh@gmail.com

Copyright © 2019 https://leluongcong.com/