Văn Hóa_Tín Ngưỡng
29/09/2023 - 11:55 AMLê Công 77 Lượt xem

B/ CHÁNH TÔNG I.

Khải tín 1- Y báo Chúng sanh:

Từ Đẳng-giác Bồ-tát đến nhân dân, những ai đang ở cõi An Lạc. Kinh nói về cảnh giới của hạng kém nhất khiến ta tự hiểu ở phẩm thượng thượng sự sung sướng đến thế nào. Cũng để so sánh với cõi Sa Bà sanh già bệnh chết, ân ái biệt ly, oán thù gặp gỡ, năm ấm lẫy lừng, bao nhiêu thống khổ. Những cái mà cõi Sa Bà gọi là vui, Phật gọi là hoại khổ vì từng sát na vô thường, vui gì cũng thành không, chỉ để lại nuối tiếc đau nhớ. Nước tám công đức: 1) Trong trẻo. 2) Mát mẻ. 3) Ngon ngọt. 4) Mềm nhẹ (có thể chảy ngược đi lên). 5) Nhuận trạch (khác với nước cõi Sa Bà làm thối nát tan rữa). 6) An hòa (không có sóng dữ). 7) Trừ đói khát. 8) Nuôi lớn thiện căn. Hoa sen bào thai một khi xòe nở, người vãng sanh lên ngay bờ ao, vào pháp hội thấy Phật nghe pháp. Hoa sen. Vi: hoa có hình mà không chất, toàn là ánh sáng. Diệu: các hoa đi qua lẫn nhau không chướng ngại. Hương: thơm. Khiết: vì không chất nên bụi bám vào đâu. Thai sen có 4 đức thì thân sanh ra cũng thế. Cảnh giới trang nghiêm đều do chí và hạnh hùng vĩ của Phật A Di Đà cảm thành. Chúng sanh cũng do nhân thiện căn, duyên phước đức mà được hưởng. Người tín nguyện cứ một niệm Phật là một thành công trang nghiêm Tịnhđộ. Phật và nhân dân, y báo chánh báo, toàn là ánh sáng thì đâu có ngày đêm. Dân Sa Bà cuộc đời là một đêm dài vô hạn. Ánh sáng đều nhờ mặt trời mặt trăng nên mới có ngày đêm, thành có thời gian hôm qua hôm nay và ngày mai. Chim hót ngày đêm sáu buổi thì đủ biết cõi An Lạc, chim cũng như người không có si nghiệp, không có tánh ngủ. Trước đem năm căn năm trần, sau riêng đem nhĩ căn và thanh trần để thích nghĩa thọ dụng. Bởi vì cõi An Lạc thu hút tất cả căn cơ trong pháp giới, cả năm trần đều là động cơ tu tập viên thông. Phật nay đang nói kinh ở cõi Sa Bà, cõi này nhĩ căn riêng thông lợi nên Phật đặc biệt đem tiếng nói pháp của cả hai loài hữu tình và vô tình để miêu tả cái vui giải thoát hiện tại và ngộ đạo ngày mai. Thính chúng cõi Sa Bà có thể tin mình có khả năng giác tỉnh nếu được ở cảnh ngộ này, do đây sẵn sàng phát nguyện vãng sanh. Ngũ căn: 5 gốc rễ: tín, tiến, niệm, định, tuệ. Phàm phu phát tâm Bồ-đề thường hời hợt nên dễ mất. Nay cần gần thiện tri thức nghe pháp học kinh để tâm Bồ-đề kiên cố. Như cái cây có gốc rễ mới có thể vững vàng dưới gió bão nắng sương. Ngũ lực: 5 gốc rễ đã có năng lực phát ra cành lá hoa trái. Tâm Bồ-đề chẳng những không bị các chướng ngại làm cho lui sụt mà còn có năng lực dũng mãnh trên cầu Phật Pháp dưới độ chúng sanh, cùng nhau phá ác tu thiện v.v... Thất Bồ-đề phần: 7 tâm trợ duyên giác ngộ. 1) Trạch pháp: trí tuệ khéo phân biệt chân ngụy. 2) Tinh tấn. 3) Hỷ. 4) Trừ: đoạn ác. 5) Xả. 6) Định. 7) Niệm. Tu hành cần định tuệ cân phân. Nếu tự thấy hôn trầm thì dùng 3 giác phần là trạch pháp, hỷ, tinh tấn để tự phấn chấn. Nếu tự thấy bồng bột xáo động thì dùng 3 giác phần trừ, xả và định để tự điều hòa. Tâm nhớ các pháp phải thời phải chỗ như vậy gọi là niệm. Bát chánh đạo: 1) Chánh kiến: Thấy theo Tứ Diệu Đế. 2) Chánh tư duy: Hằng quán sát: thân bất tịnh, thọ thị khổ, tâm vô thường, pháp vô ngã v.v... 3) Chánh ngữ: Lời nói từ tâm trí tuệ và từ bi. 4) Chánh nghiệp: Không sát sanh mà hộ sanh, không trộm cắp mà bố thí v.v... 5) Chánh mạng: 1. Không nuôi thân mạng bằng nghề ruộng vườn. 2. Không nuôi thân mạng bằng nghề thiên văn địa lý bói toán. 3. Không nuôi thân mạng bằng nghề xoay sở kinh doanh buôn bán. 4. Không nuôi thân mạng bằng nghề bùa chú tà thuật. Lại có 5 loại tà mạng: 1/- Giả hiện tướng tu hành cầu người cúng dường. 2/- Tự khoe công đức. 3/- Xem tướng xem bói. 4/- Giọng nói hống hách ra oai. 5 Nói khích khiến người bỏ của ra cúng. 6) Chánh tinh tấn: Tu đạo Niết-bàn. 7) Chánh niệm: Nhớ niệm các pháp chánh đạo và trợ đạo. 8) Chánh định: Dùng trí tuệ vô lậu ứng hợp vào thiền định. Còn nhiều pháp khác: Tứ niệm xứ, tứ chánh cần, tứ nhiếp, lục độ v.v... * Trong kinh mỗi đoạn nói xong Phật lại kết rằng: “Chỉ lấy công đức mà tạo thành được trang nghiêm thế đấy”. Đây là cố ý nói đi nói lại cho người tin sâu rằng: Tất cả đều do chí nguyện và hành vi của đức A Di Đà đã tạo thành, do chủng trí của ngài đã thực hiện. Và cũng do ba nghiệp thân miệng ý rất thanh tịnh của mỗi người tu đã cảm ứng mà biến hiện ra ở trong tâm thức của mình. Tâm Phật tâm chúng sanh cùng làm ảnh và chất cho nhau. Thí dụ như các ánh sáng của nhiều ngọn đèn cùng sáng khắp cả với nhau thì coi tựa như một ánh sáng. Hoàn toàn lý ấy đã thành ra sự, hoàn toàn sự vật ấy tức là lý thật. Hoàn toàn tánh ấy đã khởi ra hạnh tu. Hoàn toàn hạnh tu ấy đều ở trong tánh. Mong người học suy nghĩ sâu xa cho tỏ ngộ. Đừng bỏ cõi Tịnh-độ của Phật thật có mà chỉ bàn suông đến cái Tịnh-độ bóng ma, cái bóng duyên vọng tưởng ở trong tâm mình, đến nỗi cam chịu tiếng chê là thử tức, điểu không. Sư cụ Tuệ Nhuận giảng thêm: Chữ ảnh và chữ chất, Ngẫu Ích đại sư rút ở kinh Lăng Già quyển I. Phật thí dụ thức A-lại-da như cái gương rất lớn không bến bờ giới hạn. Vạn vật như bóng hiện trong gương. Chỗ có bóng ảnh chính là chất gương. Thân và Độ của Phật là ảnh thì tâm chúng sanh là chất gương. Thân và Độ của chúng sanh là ảnh thì tâm Phật là chất gương. Ý nói Phật ở trong tâm thức chúng sanh, chúng sanh ở trong tâm thức Phật. Tuy ở trong nhau mà không dính chặt lấy nhau chỉ như ảnh trong gương. Thử tức và điểu không là lời chế giễu những người nông nổi, ai nói sao bào hao làm vậy, không tìm hiểu sự thật. Nghe nói “Phật tức tâm” thì cứ lập đi lập lại Phật tức tâm, chớ không hiểu gì cả, khác nào con chuột kêu “tức, tức”. Lại nghe “vạn pháp đều không” thì cũng nói không mà chẳng hiểu gì, chỉ như chim vẹt kêu không, không. 2- Chánh báo Mục đích kinh này chỉ bày diệu hạnh trì danh cho nên Phật Thích Ca đặc biệt nêu ra câu hỏi rồi tự giải thích rõ ràng. Ý muốn đệ tử tin sâu vạn đức hồng danh không thể nghĩ bàn, để nhất tâm trì niệm không còn nghi ngờ gì nữa. Chỉ dùng 2 nghĩa Quang và Thọ để nói vô lượng nghĩa. Quang khắp mười phương (vũ) Thọ suốt ba đời (trụ) là toàn thể pháp giới. Từ nhất chân pháp giới này đã hiện ra thân và quốc độ Phật A Di Đà. Cho nên danh hiệu A Di Đà tức là tên của lý tánh bản giác. Bản giác của Phật và chúng sanh không hai. Khởi tâm cất tiếng niệm danh hiệu Phật là thủy giác. Người niệm Phật tập tỉnh thức. Bản giác, thủy giác không hai. Một niệm chúng sanh và Phật ứng hợp thì tâm niệm ấy là Phật. Niệm niệm ứng hợp thì niệm niệm là Phật. “Này Xá Lợi Phất, quang minh vô lượng chiếu mười phương cõi không đâu chướng ngại nên hiệu là A Di Đà”. Tâm yếu của hết thảy chư Phật là ở cả đây. Tâm linh con người yên lặng (tịch) mà thường soi sáng (chiếu) hiển nên ánh quang minh. Bởi Phật đã chứng triệt-để tâm tánh nên quang minh có thể hiển khắp. Phật nào cũng vô lượng quang. Pháp-thân, Báo-thân Phật nào cũng xứng tánh ở khắp mười phương. Nhưng quang minh của Ứng-thân thì tùy sự cần dùng. Có vị soi 1 do tuần, có vị soi 10, có vị soi 100. Chỉ có Phật A Di Đà soi vô lượng thế giới nên tên là Vô Lượng Quang. Vì từ lúc tu nhân, Pháp Tạng Tỳ-kheo phát 48 nguyện. Trong có một nguyện là quang minh thường soi khắp mười phương để tiếp dẫn tất cả chúng sanh có duyên về cảnh giới an lành của ngài. Không đâu chướng ngại: Hào quang Phật vẫn soi khắp nhưng người niệm Phật nhiều, đã kết duyên sâu dầy với Phật thì mới thấy rõ. Còn kẻ vô duyên vẫn không thấy. Ai có duyên với Phật, về ở cõi Phật thì sống lâu vô lượng như Phật. Kẻ vô duyên, ở cõi Sa Bà, vẫn già bệnh chết. Chân tâm bản tánh Chiếu mà vẫn Tịch nên không có quá khứ hiện tại vị lai, gọi là Vô Lượng Thọ. Pháp-thân vô thủy vô chung. Báo-thân hữu thủy vô chung. Phật nào cũng vậy, chỉ có Ứng-thân thì mỗi vị tùy nguyện tùy cơ, thọ mạng dài ngắn không đồng. Pháp Tạng Tỳ-kheo đã nguyện thọ mạng của Phật và dân đều vô lượng. Nay ngài đã mãn nguyện nên được tên là Vô Lượng Thọ. Chúng sanh đồng thể Quang Thọ với Phật, nếu được sanh về cõi An Lạc thì sẽ tự thấy viên hòa dung hợp với khắp mười phương. Thấy Phật A Di Đà tức là được thấy hết thảy chư Phật. Đã có thể tự độ tức là có khả năng độ được hết thảy chúng sanh. Vì Vô Lượng Thọ nên tất cả cõi An Lạc ai ai cũng là nhất sanh bổ xứ. Vậy chúng ta nên nhớ, rời bỏ tâm Vô Lượng Quang Thọ, chúng ta chẳng tìm đâu cho có được cái danh hiệu Phật A Di Đà. Và rời bỏ danh hiệu Phật A Di Đà thì cũng thật khó cho chúng ta chứng được triệt-để cái tâm Vô Lượng Quang Thọ. Tôi cầu nguyện quý ngài nên để ý nghĩ kỹ về 2 nghĩa này. Tôi cầu nguyện quý ngài nên tìm hiểu sâu xa 2 nghĩa này. Chư Phật thành đạo, vị nào cũng có 2 phần Bản (căn bản cỗi gốc) và Tích (hình tích dấu vết). Chúng ta chẳng thể suy lường được phần Bản. Về phần Tích thì đức A Di Đà thành Phật ở thế giới An Lạc đã 10 kiếp. Ngài tu cho mình thành Phật, mà đồng thời cho tất cả chúng sanh thành Phật. Vậy ta đem tâm tín nguyện niệm Phật, thì niệm niệm thành cho mình, đồng thời cũng thành cho tất cả chúng sanh. Kinh gọi như thế là “nhất thành, nhất thiết thành”. II. Khuyên phát nguyện Văn kinh nêu chỉ cho thấy Nhân và Duyên vô thượng. Đặc biệt khuyên cầu vãng sanh Tịnh-độ vì mang ác nghiệp mà về cõi thánh, rẽ ngang ra khỏi tam giới, ở cõi Đồng Cư mà đủ cả 4 Tịnh-độ, được nghe pháp luân của cả 4 giáo môn, được thấy cả 3 thân Phật, chứng đủ 3 ngôi bất thoái, được nhất sanh bổ xứ. Phật chỉ điểm cho bao nhiêu công đức tuyệt vời như thế, thỉnh người có chí lưu tâm nghiên cứu kỹ càng. Bất thoái: 1- Vị bất thoái: Địa vị tứ thánh (chẳng đọa lục phàm). 2- Hạnh bất thoái: Hạnh Bồ-tát thường hóa độ chúng sanh chẳng đọa nhị thừa. 3- Niệm bất thoái: Tâm tâm niệm niệm như dòng nước chảy vào bể Nhất Thiết Trí. Người phạm tội ngũ nghịch, mười ác, nếu tín nguyện mỗi ngày chí tâm niệm 10 tiếng Nam mô A Di Đà Phật, cho đến lúc chết tâm không điên đảo thì được vãng sanh hạ hạ phẩm ở cõi Đồng Cư, cũng được đủ ba ngôi bất thoái. Nếu chẳng chứng được tâm tánh đến cực điểm, chẳng có đại công trì danh, chẳng có nguyện lớn của Phật A Di Đà, thì làm gì có sự lạ như thế. Lại nữa một đời giáo hóa của đức Thích Ca, chỉ có kinh Hoa Nghiêm nói đến pháp môn viên đốn tu một thân thành Phật. Than ôi! Cái thuyết phàm phu lên ngôi bổ xứ là một khởi xướng khó suy lường, lại có ở ngay trong bổn kinh A Di Đà này. Nếu mổ tim vẩy máu ra mà khiến thiên hạ tin được, việc này tôi nghĩ cũng nên làm. Phẩm cuối kinh Hoa Nghiêm đức Phổ Hiền nói 10 hạnh nguyện, chỉ đường cho cả hải hội Hoa Tạng về cõi An Dưỡng. Thế thì cũng kinh Hoa Nghiêm nói, cái mầm nhân để tạo ra quả Nhất Sanh Viên Mãn ấy, chính là tín nguyện vãng sanh cõi Phật A Di Đà. Cõi Sa Bà chúng ta, được nghe được thấy các thánh nhân thật đã quá hiếm huống chi thân cận. Thời Phật tại thế, thánh nhân tuy nhiều nhưng làm gì có khắp trong nước. Ngày nay y theo kinh A Di Đà, chỉ cần tu một nghiệp niệm Phật liền được về cõi Tịnh-độ Đồng Cư, được các thánh nhân làm thầy làm bạn, cùng diệt vô minh, cùng lên Diệu-giác. Bởi vì niệm Phật cũng gọi là tịnh nghiệp, là nghiệp vô lậu bất tư nghì, là nghiệp có nhiều thiện căn làm nhân, có nhiều phước đức làm duyên, cho nên mới đồng nghiệp với các thánh nhân mà được cảm ứng đồng về chung ở. Vậy ta nên biết cái nhân duyên đại sự của loài người chúng ta là cái cửa ải đi sang cõi Đồng Cư này, một cửa ải rất khó lòng ra thoát. Chúng ta phải hiểu rõ sức mạnh lời nguyện của Phật A Di Đà, công đức của danh hiệu Phật và tâm tánh con người chẳng thể nghĩ bàn. Khi ấy chúng ta mới chịu phát đại thệ nguyện. Thâm tín và phát nguyện tức là tâm Vô-thượng Bồ-đề. Tín và Nguyện là kim chỉ nam đưa chúng ta về Tịnh-độ. Nếu Tín Nguyện kiên cố thì lâm chung chỉ 10 niệm hoặc 1 niệm cũng quyết định vãng sanh. Còn như không có Tín Nguyện, chỉ niệm Phật để đè nén vọng tưởng, thì dù niệm khít khịt như tường vách, gió thổi không lọt chăng nữa cũng không kết quả. Kinh Đại Bản A Di Đà cũng lấy việc phát Bồ-đề nguyện làm thiết yếu. III. Lập hạnh Chỉ cái Nhân vô thượng để một lần nữa khuyên người cầu Quả vô thượng. Tâm Bồ-đề là thiện căn (gốc lành), là cái nhân thân thiết. Còn bố thí, trì giới, thiền định v.v... đều là phước đức, tức là duyên trợ giúp tâm đạo nẩy nở. Thanh-văn Duyên-giác, thiện căn Bồ-đề ít lắm. Nhân thiên tu phước nghiệp hữu lậu (còn phiền não: tham, sân, si, mạn, nghi, tà kiến), phước đức cũng ít lắm, chẳng thể vãng sanh Tịnh-độ. Chỉ có Tín Nguyện, trì danh, mỗi niệm thiện căn rất nhiều, phước đức rất nhiều. Niệm Phật tâm còn tán loạn, phước đức thiện căn đã nhiều vô lượng, huống chi nhất tâm bất loạn. Tâm người niệm Phật cảm động đến tâm Phật, tâm Phật ứng hợp với tâm người, giống như bàn in. Như thế thì Phật A Di Đà và các thánh chúng, tuy tâm các ngài chẳng ở đâu lại mà chính các ngài có lại thật, cúi xuống tiếp dẫn mình. Người tu tịnh nghiệp, tâm mình cũng chẳng đi đâu mà chính mình có đi thật, mang thể chất gởi trong hoa sen báu. Phật Thích Ca nói: “Thiện nam tử, thiện nữ nhơn niệm Phật”. Vậy hạng người nào được gọi là thiện nam, thiện nữ? Bất luận tại gia, xuất gia, sang, hèn, già, trẻ, thiên, nhân, a tu la, súc sanh, ngạ quỷ, địa ngục, noãn sanh, thai sanh, thấp sanh, hóa sanh, bất luận ai đã được nghe danh hiệu Phật A Di Đà, tức là cái “quả thiện căn” trồng từ nhiều kiếp, nay đã thành, đã chín, thì những người ấy dù có phạm tội ngũ nghịch, thập ác, cũng đều được gọi là “thiện”. A Di Đà Phật, vạn đức hồng danh, niệm danh hiệu ấy để vời công đức ấy đến với mình. Đây là một phép tu rất giản dị, rất thẳng mau. Chẳng có Tín Nguyện thời tuy có được nghe, cũng như chẳng được nghe, chỉ gieo duyên thiện căn về nhiều kiếp sau. Chẳng gọi được là Văn tuệ. Luôn luôn niệm danh hiệu Phật A Di Đà chính là Tư tuệ. Có 2 lối chấp trì: 1. Sự trì tin có Phật A Di Đà ở Tây phương thật sự, nhưng chưa hiểu được thế nào là “Tâm mình tạo tác ra Phật, tâm mình chính là Phật” (thị tâm tác Phật, thị tâm thị Phật), chỉ quyết chí cầu sanh Tịnh-độ, lúc nào cũng như con thơ nhớ mẹ không quên. 2. Lý trì tin Phật A Di Đà cõi Tây phương đã sẵn có ở tâm mình, lấy danh hiệu Phật ấy, làm cảnh giới trụ tâm, khiến cho an định mà tuệ vẫn sáng chiếu (tuy lý trì mà chẳng bỏ sự trì). Chấp trì danh hiệu Phật A Di Đà từ 1 ngày cho đến 7 ngày. Nghĩa là phải cho kỳ được “nhất tâm bất loạn”. Lợi căn niệm 1 ngày được bất loạn ; độn căn phải 7 ngày ; trung căn không nhất định, hoặc 2 ngày, hoặc 3, 4, 5, 6 ngày mới được bất loạn. Đây là một phương pháp định kỳ tu. Hạ căn có khi bao nhiêu lần 7 ngày vẫn chưa được. Lại có nghĩa nữa, lợi căn giữ luôn được 7 ngày tâm chẳng loạn ; độn căn chỉ giữ được 1 ngày. Còn trung căn thì không nhất định, có người giữ được 6 ngày, có người giữ được hoặc 5, hoặc 4, hoặc 3, hoặc 2 ngày mà thôi. Nhất tâm cũng có 2: Sự nhất tâm và Lý nhất tâm. 1. Bất luận sự trì hay lý trì, hễ phục trừ được mọi phiền não: tham, sân, si, mạn, nghi, tà kiến, diệt kiến-hoặc và tư-hoặc, cả 2 đều là sự nhất tâm. 2. Bất luận sự trì hay lý trì, hễ thấy được Phật của tâm tánh mình, thì cả 2 đều được lý nhất tâm. Sự nhất tâm thì chẳng bị kiến-hoặc tư-hoặc làm rối loạn. Lý nhất tâm thì chẳng bị những tà thuyết nhị biên làm rối loạn. Đó là Tu tuệ. Tâm mình chẳng bị kiến và tư làm rối loạn, cho nên vãng sanh về cõi Đồng Cư, hoặc cõi Phương Tiện. Tâm mình chẳng bị tà thuyết nhị biên làm rối loạn, vãng sanh về cõi Thật Báo Trang Nghiêm, hoặc cõi Thường Tịch Quang. Ngài Đại Thế Chí, trong kinh Lăng Nghiêm, nói về pháp trì danh này bảo rằng: “Chẳng cần đến pháp phương tiện nào khác mà cũng khai ngộ được tâm của mình” nghĩa là không cần tu thêm các pháp quán hoặc thoại đầu v.v... cứ một bề nhất tâm trì danh là đủ. Nên biết đối với người có mắt thì cố nhiên người ta tự thấy ánh sáng mặt trời đâu có cần phải thắp đèn thêm. Đối với người mù thì ánh sáng mặt trời còn chẳng thấy, đốt đèn thêm ích gì? Hỏi: Kinh dạy 10 niệm được vãng sanh, vậy cần gì phải niệm những 7 ngày? Đáp: Bình thời không có công phu tập cho được nhất tâm bất loạn, lâm chung chắc gì niệm Phật nổi được 10 tiếng. Ngũ nghịch thập ác lâm chung 10 niệm vãng sanh là những người đã có thiện căn phước đức từ nhiều đời, lâm chung gặp thiện tri thức chỉ dạy, liền đủ Tín Nguyện. Vạn người khó có một người may mắn như thế. Quán Kinh nói: Một niệm danh hiệu Phật diệt trừ 80 ức kiếp sanh tử trọng tội. Cũng như mặt trời đã mọc thì tối tăm cả bao nhiêu kiếp cũng tan. Hỏi: Người niệm Phật mà tâm tán loạn, cũng trừ được tội chăng? Thưa: Công đức của danh hiệu Phật bất khả tư nghì, sao chẳng trừ được tội. Chỉ có điều không chắc có được vãng sanh. Vì thiện căn tán loạn man mác như thế, khó lòng địch lại được bao nhiêu tội ác tích lũy từ vô thủy. Phải biết rằng những tội ác ấy, giá mà có thể-tướng, thì cả hư không cũng không chứa được hết. Tuy rằng một đêm một ngày niệm được 10 vạn tiếng A Di Đà, mỗi tiếng diệt được 80 ức kiếp sanh tử trọng tội, niệm đủ 100 năm cũng chẳng tiêu hết tội nghiệp. Vì những tội đã diệt ít lắm chỉ bằng một tí đất ở đầu móng tay thôi. Những tội chưa diệt hãy còn nhiều bằng cả quả đất. Chỉ có người nào niệm Phật nhất tâm bất loạn, mới có sức mạnh như một kiện tướng phá vòng vây. Cả ba quân đoàn cũng chẳng ngăn lại được. Nhưng dù sao, thì mỗi một tiếng niệm Phật đã là một hột giống thành Phật rồi, ngọc kim cương chẳng bao giờ hoại. Tôi xin cúi đầu cầu nguyện các vị xuất gia, tại gia, người trí, người ngu, đối với pháp môn niệm Phật, viên đốn, giản dị, mau lẹ này chớ coi là khó mà sanh thoái lui ; chớ coi là dễ mà sanh lười chẳng cố gắng ; chớ coi là nông cạn mà khinh miệt ; chớ coi là quá sâu mà chẳng dám thọ trì. Danh hiệu Phật A Di Đà trì niệm đây, là danh hiệu chân thật, chẳng khá nghĩ, chẳng khá bàn. Cái tâm tánh mình đang trì niệm đây, cũng chân thật lắm, chẳng khá nghĩ, chẳng khá bàn. Trì niệm một tiếng là một tiếng chẳng khá nghĩ, chẳng khá bàn (người đọc đến câu này, nên biết giờ phút này là giờ phút đóa hoa Ưu đàm bát la xuất hiện), mình trì niệm được 10 tiếng hay 100, 1000, 10.000 tiếng hay vô lượng, vô số tiếng, thì tiếng nào tiếng nào cũng đều là chân thật, chẳng khá nghĩ, chẳng khá bàn vậy. * “Xá Lợi Phất ơi, ta thấy lợi thế, cho nên nói thế”. Đây là nói cái lợi tới giờ phút sắp chết mà tâm mình chẳng điên đảo. Tự lực tu hành ở Sa Bà, lúc sắp chết là lúc đến “cửa ải tử sanh”, rất khó đủ lực giải thoát. Chẳng nói những kẻ tu hành ngoan cố, trí tuệ ngông cuồng, buồn tủi không kết quả. Ngay những thiền gia đốn ngộ lâm chung, “tập khí” bằng sợi tơ còn sót cũng thừa sức mạnh lôi đi trụy lạc. Vĩnh Minh thiền sư bảo rằng: “Ấm cảnh nếu thấy hiện ra, chỉ chớp mắt là theo nó”. Nghe lời này, thật rùng mình lạnh buốt trái tim! Người tu được quả đạo thứ nhất tiểu thừa rồi mà đầu thai vẫn mê muội. Bồ-tát cách thân ngũ ấm vẫn hôn mê. Chỉ có tín, nguyện, trì danh, nhờ sức Phật giúp thêm mới thoát khỏi cái giờ phút hiểm nguy ấy. Nguyện lực từ bi của Phật A Di Đà mạnh lắm, Phật cùng thánh chúng hiện ra trước mặt an ủi dẫn đường, khiến tâm ta không điên đảo mà tự tại vãng sanh. Phật Thích Ca biết rõ chúng sanh, giờ phút lâm chung, có cái khổ điên đảo rối loạn nên ân cần khuyên đi, khuyên lại, phải phát nguyện. Vì nguyện có sức mạnh khiến niệm Phật. Có niệm Phật mới bảo đảm thoát được cái đau khổ nhất đời này. (Lời nói thiết tha, nên khắc xương ghi dạ). Tâm Tín Nguyện chẳng phát khởi thời tâm sanh thiện, vui cầu cõi tịnh, với tâm phá ác, chán bỏ cõi uế, đều chẳng sanh được, huống chi tâm liễu ngộ vào tới lý Phật. Vậy chỉ có “sự trì danh” cầu được thấy Phật khác rồi mới tỏ ngộ được “lý trì danh” là thấy Phật mình. Thấy Phật A Di Đà và Thánh chúng hiện ra, tức là Phật của tâm tánh mình đã hiện ra. Vãng sanh về quả đất kia được thấy Phật, được nghe pháp, nhờ đấy thành tựu trí tuệ. Pháp môn niệm Phật này thâm diệu lắm, phá hết thảy lý luận suông, diệt hết thảy ý kiến tà. Chỉ có những bậc đại sư, như các ngài Mã Minh, Long Thọ, Trí Giả, Vĩnh Minh v.v... mới triệt-để gánh vác được. Còn những người giàu trí tuệ thế gian, tài thông minh biện bác, dùng hết sức suy nghĩ, càng suy nghĩ càng xa, chẳng bao giờ tới. Những người này lại không bằng mấy ông, mấy bà thật thà chất phác chịu khó niệm Phật, cảm thông được trí tuệ Phật, thầm hợp được đạo mầu. Một câu: “Ta thấy lợi thế, cho nên nói thế”, rõ ràng là mắt Phật thấy, tiếng Phật nói, để ấn định cái sự thật ấy, sao còn trái lời Phật, chống lại Phật, mà chẳng thuận theo? -


Tin liên quan

Chia sẻ bài viết: 


Xem thêm:
  • B/ CHÁNH TÔNG I
  • ,
  • ,

  • Bình luận:

    Hỗ trợ trực tuyến

    Lê Công

    0369.168.366

    Nhà đất bán theo tỉnh thành
    Nhà đất cho thuê theo tỉnh thành
    Kinh Dịch
    Tử vi
    Huyền không Phi Tinh
    Văn Hóa_Tín Ngưỡng
    Thước lỗ Ban
    Xen ngày tốt
    Văn Hóa_Tín Ngưỡng
    TIN NỔI BẬT

    LÊ LƯƠNG CÔNG

    Trụ sở: Số 31 - Mương An Kim Hải - Kenh Dương, Le Chan, Hai Phong

    Tel: 0369168366 - Hotline: 0919.168.366 - Email: nhadatcongminh@gmail.com

    Copyright © 2019 https://leluongcong.com/