Lời hay ý đẹp
02/11/2023 - 11:59 AMLê Công 506 Lượt xem

SÁCH QUÝ CHO GIÁO DỤC ĐƯỢC VIẾT VÀ IN RA TỪ1933 .

LUÂN LÝ GIÁO KHOA THƯ

(Sách tập đọc và tập viết)

LỚP ĐỒNG ẤU

CHƯƠNG THỨ NHẤT: BỔN PHẬN ĐỐI VỚI GIA TỘC

1. Gia tộc:

Người ta ai cũng có gia-tộc, nghĩa là có ông bà, cha mẹ, chú bác, cô dì, anh em, chị em. Ta khôn lớn lên, ta học tập được thành người, cũng là nhờ có gia-tộc. (gia: nhà, tộc: liên hệ - nhiều thế hệ có liên kết với nhau)

Tiểu diễn – Một gia-tộc: Nhà tôi có ông bà, cha mẹ, anh em và chị em tôi.

Cha tôi thì đi làm để nuôi cả nhà. Mẹ tôi thì trông nom dạy bảo chúng tôi, và coi-sóc mọi việc trong nhà. Chúng tôi lúc nào cũng nết-na dễ bảo, để cho ông bà, cha mẹ được vui lòng.

Kể cả người trong họ thì còn có chú bác, cô dì, anh em, chị em họ, là những người cùng máu mủ với tôi.

Cách ngôn – Con có cha như nhà có nóc.

(tiểu diễn: một ví dụ nhỏ)

2. Yêu mến cha mẹ

Cha mẹ hết lòng yêu mến con, lúc nào cũng lo tính cho con được sung sướng. Vậy kẻ làm con phải hết lòng yêu mến cha mẹ.

Tiểu dẫn – Một đứa con biết yêu mẹ.

Tí lên sáu tuổi, tính rất ham chơi. Một hôm, nó đang vui chơi với lũ trẻ, thấy mẹ nhức đầu, lên giường nằm. Nó thôi, không chơi nữa, chạy ngay lại sờ trán mẹ mà hỏi rằng: "Mẹ làm sao thế? – Mẹ nhức đầu lắm. – Để con bóp đầu cho mẹ chóng khỏi nhé!" Nó vừa nói, vừa trèo lên giường, ngồi bóp đầu cho mẹ.

Cách ngôn: Dạy con con chớ quên lời,

Mến yêu cha mẹ suốt đời mới nên.

(tiểu dẫn: một mô phỏng nhỏ)

3. Kính trọng cha mẹ

Con mà yêu mến cha mẹ, thì bao giờ cũng kính trọng cha mẹ. Kính trọng nghĩa là ăn ở có lễ phép, và lúc nào cũng ngoan ngoãn từ tốn gọi dạ bảo vâng.

Tiểu dẫn – Đứa bé ngoan.

Hợi hãy còn bé mà đã biết ăn ở như người lớn. Cha mẹ yêu nó và chiều nó lắm, vì chỉ có một mình nó mà thôi. Tuy vậy mà nó chẳng hề dám làm nũng bao giờ.

Khi cha mẹ hỏi han gì, nó trả lời rất cung kính; sai bảo gì, nó vui lòng làm ngay,

Hợi là một đứa bé có lễ phép, ai cũng yêu mến.

Cách ngôn: Thờ cha kính mẹ ấy là người ngoan.

4. Vâng lời cha mẹ

Cha mẹ là người đã trải việc đời, biết rõ điều hơn lẽ thiệt. Vậy cha mẹ có dặn bảo điều gì, ta phải vâng lời.

Tiểu dẫn: Đứa bé biết vâng lời.

Bính và Đinh dắt nhau đi chơi. Bính muốn ra chơi ở gần bờ ao, rủ Đinh cùng đi.

Đinh nói: Cha mẹ tôi vẫn bảo tôi rằng: trẻ con không nên chơi gần bờ ao, vì lỡ trượt chân ngã xuống ao thì ướt cả quần áo, và có khi chết đuối. – Bính nói: Anh cứ ra chơi với tôi, cha mẹ anh đi vắng biết đâu mà sợ. – Đinh lắc đầu nói: Cha mẹ tôi đã dặn câu gì, thì lúc vắng mặt cũng như có mặt, tôi chẳng dám sai lời.

Cách ngôn: Cá chẳng ăn muối cá ươn.

Con cưỡng cha mẹ trăm đường con hư.

5. Biết ơn cha mẹ.

Cha mẹ nuôi con, công trình khó nhọc, kể sao cho xiết. Vậy phận làm con phải biết đền ơn cha mẹ.

Tiểu dẫn: Một đứa bé có hiếu.

Một hôm, Mão đi học coi bộ buồn rầu lắm; đến giờ chơi, cứ đứng một chỗ, anh em chơi đùa cũng mặc. Thầy lấy làm lạ, mới hỏi: "Con nghĩ gì mà thừ người ra thế? – Thưa thầy, sáng hôm nay mẹ con ở nhà ngã đau lắm, không đi chợ được, nên con buồn".

Thầy ngoảnh lại bảo các học trò đứng xung quanh đấy rằng: Các anh nghe đấy, Mão từng này tuổi mà đã biết thương cha mẹ như vậy, thật là đứa bé có hiếu.

Cách ngôn: Công cha như núi Thái sơn

Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra.

6. Giúp đỡ cha mẹ

Ta còn ít tuổi, chưa làm được công việc nặng nề, cũng nên giúp đỡ cha mẹ để cha mẹ được vui lòng.

Tiểu dẫn: Bé làm việc nhẹ.

Cha anh Dần làm nghề thợ mộc, mẹ anh đi chợ bán hàng. Ngày nào cũng sáng sớm đi, đến tối mịt mới về. Anh thấy cha mẹ phải làm ăn vất vả như thế, mà anh thì chẳng đỡ đần được việc gì, trong bụng lấy làm áy náy. Nên sáng nào anh cũng dậy sớm, trước khi đi học, thì lấy chổi quét nhà, và làm những việc nhẹ để giúp đỡ cha mẹ.

Cách ngôn: Làm con sớm tối phải đỡ đần cha mẹ.

7. Phải thật thà với cha mẹ

Làm con phải lấy bụng thật thà ngay thẳng mà ở với cha mẹ. Hoặc khi có lầm lỗi điều gì cũng không được giả dối.

Tiểu dẫn: Thú tội.

Một hôm cha mẹ đi vắng, cậu Giáp ở nhà chơi đùa với lũ trẻ, đánh vỡ một cái bát cổ.

Khi mẹ về, thấy thế, giận lắm, hỏi: "Đứa nào đánh vỡ cái bát này đây?" – Cậu Giáp run sợ, nhưng đánh bạo nói rằng: "Lạy mẹ, con trót dại, lỡ tay đánh vỡ, xin mẹ tha cho con". Mẹ khoan thai bảo: "Con chơi nghịch dại thế, làm hại mất cái bát quý của mẹ. Đáng lẽ thì con phải đòn, nhưng đã biết thú thật, thì mẹ tha cho. Từ rày phải có ý tứ."

Cách ngôn: - Có lỗi thì phải thú thật.

8. Anh em chị em

Anh em, chị em trong nhà, nên hòa thuận và nhường nhịn lẫn nhau, chớ nên tranh giành, cãi cọ nhau để cha mẹ phải phiền lòng.

Tiểu dẫn: Nhường lẫn nhau.

Nhà ông Bá được một gái là Lan và hai giai là Giáp và Ất.

Một hôm, có nhà hàng xóm đem cho hai cái bánh. Ông Bá đưa cho ba con, bảo chia nhau mà ăn. Lan nói: chị hơn tuổi, chị không ăn, để mỗi em một cái, khỏi phải cắt ra mà chia. Ất nói: em bé nhất, em xin nhường cho chị và anh. Giáp nói: chị lớn hơn thì phần chị một cái, và một cái thì phần Ất, vì nó là em bé nhất. Còn tôi thì lần sau tôi hãy ăn cũng được. Ba chị em cứ nhường nhau mãi. Cha thấy vậy, lấy làm vui lòng mà bảo rằng: "Các con nhường nhịn nhau là phải, nhưng cứ thế mãi thì làm thế nào? Thôi đưa đây thầy chia cho". Nói đoạn, người cha lấy bánh chia làm ba phần rồi đưa cho ba con.

Tiểu dẫn: Anh em như thể tay chân.

9. Đối với ông bà

Ông bà yêu cháu chẳng khác gì cha mẹ yêu con. Vậy nên cháu phải kính mến ông bà cũng như cha mẹ.

Tiểu dẫn – Đứa cháu ngoan.

Ông bà anh Ngọ đã già: ông thì đầu râu tóc bạc, bà thì răng rụng lưng còng. Cha mẹ anh Ngọ ngày ngày ra đồng làm ruộng, chỉ có anh ở nhà với ông bà.

Anh rất yêu mến và kính trọng ông bà nên lúc nào anh cũng chơi quanh quẩn ở nhà. Trẻ con hàng xóm đến rủ anh đi chơi, anh cũng không đi.

Mỗi khi ông bà gọi, thì anh dạ mà chạy ngay đến. Anh chăm chỉ hầu hạ, nào lấy kính để ông xem sách, nào lấy cối để bà giã trầu. Anh hầu hạ được việc gì, thì trong bụng lấy làm vui vẻ lắm.

Cách ngôn: Có ông bà mới có cha mẹ.

10. Thờ phụng tổ tiên

Tổ tiên là những bậc sinh ra ông bà cha mẹ mình. Vậy mình là dòng dõi của tổ tiên, phải thờ phụng tổ tiên để tỏ lòng nhớ ơn.

Tiểu dẫn: Nhà thờ ông vải. (ông vải: nghĩa xa là tổ tiên, nghĩa gần là gia tiên)

Ngày tết nguyên đán, mọi người trong họ đều đến nhà thờ, để lễ tổ.

Hôm ấy, ông Lý và các con cũng đi lễ tổ. Khi đến nhà thờ ông Lý giảng cho các con nghe rằng: "Đây là nhà thờ của họ ta, để thờ cúng tổ tiên, vậy nên nhân ngày mồng một tết, chúng ta là cháu chắt, phải đến lễ để tỏ lòng kính nhớ."

Cách ngôn: Chim tìm tổ, người tìm tông.

11. Người trong họ. (họ: nghĩa xa là cùng lời nói, tiếng nói. Nghĩa gần là họ trong họ hàng làng xóm)

Đối với mọi người trong họ, bất cứ xa gần hay nội ngoại ta phải ăn ở cho tình thân ái, chớ nên chểnh mảng thờ ơ như người dưng nước lã.

Tiểu dẫn: Một tập tranh

Thìn đang giở tập tranh ra xem, thấy Xuân và Hạ là em họ đến chơi, vội vàng cất ngay vào trong tráp.

Mẹ anh Thìn trông thấy, bảo rằng: "Con không nên thế, lấy tranh ra cho Xuân và Hạ cùng xem. Anh em trong họ với nhau, mà có mấy tờ tranh cũng giấu, không cho nhau xem, thế chẳng hóa ra lại tệ hơn người ngoài hay sao."

Thìn vâng lời mẹ, lấy ngay tranh cho Xuân và Hạ xem.

Cách ngôn: Một giọt máu đào hơn ao nước lã.

12. Tôi tớ trong nhà (tớ: nghĩa xa là cái bóng dưới chân, nghĩa gần là một cách gọi nhẹ hơn của “tôi”)

Tôi tớ ở với mình, giúp công việc cho mình, cũng như người nhà mình. Mình phải lấy bụng khoan hòa, nhân ái, công bằng mà xử với tôi tớ.

Tiểu dẫn: Cách đối đãi với tôi tớ.

Một hôm, anh Mậu đang quát mắng đầy tớ, người cha thấy vậy, mới bảo rằng: "Kẻ đầy tớ ở với ta, giúp ta được bao nhiêu công việc. Nào quét nhà, gánh nước, nào chẻ củi, nấu cơm, làm đủ mọi việc, thật là vất vả khó nhọc. Ví không có đầy tớ, liệu con có làm lấy được không? Vậy đối với đầy tớ, ta phải nên ăn ở cho có lượng, đừng có hơi một tí đã quát tháo lên như thế".

Cách ngôn: Người ở xét công.

(Đầy tớ: nghĩa xa là cái bóng có đầy đủ hình hài, thuở xưa đầy tớ là từ chuyên dùng trong tâm linh, dùng để gọi vong hộ mệnh. Về sau chuyển sang cách dùng trong văn hóa thì là người giúp việc)

13. Người quen thuộc với nhà mình.

Những người quen thuộc cha mẹ ta là những bậc tôn trưởng. Đối với những bậc ấy, ta phải kính nhường và ăn ở cho có lễ phép. (tôn: đưa lên. Tôn trưởng: đưa lên rất cao)

Tiểu dẫn: Đứa trẻ vô phép.

Một hôm, ông Bá đánh cờ chơi với bác Phó là anh cả thằng Thìn. Ông Bá xưa nay vẫn cậy mình là người cao cờ. Hôm ấy đánh thua luôn mấy ván.

Thìn đứng cạnh, cứ mỗi lần thấy ông Bá thua, lại cười ầm lên. Bà mẹ ngồi may ở chái bên, làm thinh như không nghe tiếng. Nhưng lúc ông Bá về rồi, ba mẹ với gọi Thìn lại mắng rằng: "Lúc nãy mày cười với ông Bá như thế, là vô phép với một người bạn của nhà ta. Mày hư lắm! Tôi hôm nay tao không cho mày đi chùa nữa."

Thìn biết mình có lỗi, đứng cúi mặt xuống, không dám nói gì, và từ đấy trở đi nó ăn ở có lễ phép với cả mọi người.

Cách ngôn: Kính bạn cha cũng như cha.

14. Một nhà xum họp (Xum: ăn chung một nồi. Họp: bàn chung, nói chung một chuyện)

Những ngày đông đủ cả ông bà, cha mẹ, chú bác, cô dì, anh em, chị em là những ngày vui hơn cả. Cái cảnh một nhà già trẻ, xa gần được xum họp với nhau, thật là sung sướng.

Tiểu dẫn: Một nhà đông đủ.

Anh Xuân mới thi đậu bằng tiểu học Pháp – Việt. Anh về nhà nghỉ hè. Ông bà, cha mẹ, anh em, chị em đón rước anh rất là vui vẻ. Họ hàng, bà con được tin anh về, tấp nập đến chơi, kẻ mừng người hỏi, ân cần vồn vã. Còn anh Xuân đằng đẵng mấy tháng trời ở tỉnh, nay được về nhà, gặp cha mẹ họ hàng thì trong bụng cũng lấy làm hớn hở.

Cách ngôn: Chẳng gì vui bằng cái cảnh một nhà xum họp.

15. Một nhà hòa hợp (Hòa: hai người đứng dối diện nhau, hai bàn tay của người này nắm lấy hai cẳng tay của người kia, gương mặt vui vẻ)

Người một nhà phải âu yếm hòa thuận với nhau. Có âu yếm hòa thuận, thì mới có sức mạnh và làm ăn mới được thịnh vượng.

Tiểu dẫn: Một quả cam

Một người mẹ cho con một quả cam. Con cầm lấy, nhưng không ăn, chạy ngay ra sân đưa cho em bé. Thằng bé cầm lấy rồi nói rằng: tôi không ăn, để đem cho cha ăn cho mát ruột. Nói rồi nó chạy ra đồng đưa cam cho cha nó. Người cha cầm lấy, nhưng cũng không ăn, lại đem về cho vợ. Thành ra quả cam từ tay người mẹ cho, rồi lại về tay người mẹ. Cái cảnh một nhà âu yếm nhau như vậy, thật là đáng quí.

Cách ngôn: Thuận vợ thuận chồng, tát bể đông cũng cạn.

(Thuận: một người đi trước, một người đi sau, cùng vác trên vai một cái cây, khi luôn vác cùng phía vai rồi đổi bên cùng lúc thì gọi là thuận)

16. Nghĩa gia tộc (phiến đá trơn thì gọi là vô, phiến đá có khắc hoa văn gọi là nghĩa, nếu hoa văn có nội dung thâm sâu cần diễn giải thì gọi là ý. Nghĩa gia tộc ở đây được coi như một gia tộc có nhiều thứ tốt được lưu truyền lại).

Ta phải giữ lấy cái nề nếp của nhà ta, cố làm cho ông cha được vẻ vang thêm lên. Đừng làm điều gì xấu xa, phạm đến danh tiếng nhà ta

Tiểu dẫn: Đứa bé mất dạy

Dần là đứa bé ngỗ nghịch, cứ hay ném gạch sang nhà bên cạnh. Một hôm, ném thế nào vào đầu con người ta. Bà cụ láng giềng chửi ầm lên. Mẹ nó nghe tiếng, gọi nó vào, vừa đánh vừa mắng rằng: "Mày làm gì để người ta chửi bới như thế? Thật là con nhà mất dạy, làm nhục đến mẹ cha. Mày thử nghĩ xem mày đã làm được công trạng gì chưa, mà để người ta sỉ nhục ông cha như thế?"

Cách ngôn: Giấy rách phải giữ lấy lề

tiếp chương 2>>>>


Tin liên quan

Chia sẻ bài viết: 



Bình luận:

Hỗ trợ trực tuyến

LÊ CÔNG

0919.168.366

Nhà đất bán theo tỉnh thành
Nhà đất cho thuê theo tỉnh thành
Kinh Dịch
Tử vi
Huyền không Phi Tinh
Văn Hóa_Tín Ngưỡng
Thước lỗ Ban
Xen ngày tốt
Lời hay ý đẹp
TIN NỔI BẬT

LÊ LƯƠNG CÔNG

Trụ sở: Số 12, Trực Cát , Vĩnh Niệm, Lê Chân, Hải Phòng

Tel: 0919.168.366 - Hotline: 0919.168.366 - Email: nhadatcongminh@gmail.com

Copyright © 2019 https://leluongcong.com/