Kinh Dịch
15/08/2020 - 4:18 PMLê Công 1309 Lượt xem

Quẻ 8:    ::::|: Thủy Địa Tỷ (比 bǐ)

Quẻ Thủy Địa Tỷ, đồ hình ::::|: còn gọi là quẻ Tỷ (比 (bi3), là quẻ thứ 08 trong Kinh Dịch.

* Nội quái là ☷ (::: 坤 kun1) Khôn hay Đất (地).

* Ngoại quái là ☵ (:|: 坎 kan3) Khảm hay Nước (水).Khảm trên; Khôn dưới

quẻ 8: thủy địa tỷ .

Quẻ 8:    ::::|: Thủy Địa Tỷ (比 bǐ)

 Quẻ này là quẻ Thủy Địa Tỉ. Khôn hạ cũng là Nội Khôn. Khảm thượng cũng là Ngoại Khảm. Khảm tượng Thủy, Khôn tượng Địa, nên tên quẻ đọc bằng Thủy Địa Tỉ.

 TỰ QUÁI

 Tự quái: Sư giả chúng dã, chúng tất hữu sở tỉ, cố thụ chi dĩ Tỉ, Tỉ giả tỉ dã. 序卦: 師者衆也, 衆也必有所比, 故受之以比. 比者比也.

 Ý sắp đặt thứ tự quẻ. Sau quẻ Sư tiếp lấy quẻ Tỉ là vì cớ sao?

Bởi vì Sư nghĩa là chúng, nhân chúng đông mới thành được Sư, nhân chúng đã đông, tất phải liên lạc, thân phụ với nhau. Vậy nên sau quẻ Sư, tiếp lấy quẻ Tỉ. Tỉ nghĩa là thân phụ, có ý liên lạc dây dính với nhau.

Theo về thể hai quẻ, Khảm trên, Khôn dưới, tượng là nước ở trên đất, nước thấm vào đất, đất hấp lấy nước, không gì thân phụ hơn. Vậy nên đặt tên quẻ bằng Tỉ.

 SOÁN TỪ

 Tỉ, cát, nguyên phệ, nguyên vĩnh trinh, vô cựu. Bất ninh phương lai, hậu phu, hung. 比吉, 原筮, 元 永 貞, 无咎. 不寧方來, 後夫凶.

 Tỉ, cát, nguyên phệ, nguyên vĩnh trinh, vô cựu.

 Tỉ cát nghĩa là đã tỉ, tức là tốt lành rồi.

Nguyên lí ở trong trời đất, không vật gì cô lập mà nên, nhỏ từ một nhà, lớn đến một nước, một xã hội, một thế giới, chẳng bao giờ ròi rạc mà thành một đoàn thể. Vậy nên, tất phải loài nào theo loài nấy, chủng tộc nào theo chủng tộc nấy, liên lạc, thân phụ với nhau. Lại suy ra, loài này với loài nọ, chủng tộc này với chủng tộc nọ, liên lạc, thân phụ với nhau. Đoàn thể đông đến bao nhiêu, thời hạnh phúc lớn đến bấy nhiêu. Đó là nghĩa hai chữ Tỉ cát.

Tuy nhiên làm nên được tỉ, há phải dễ đâu, tất phải có đạo lí, có phương pháp, có quy mô, mới mong tỉ được, mà cội gốc lại cốt ở người đầu bầy tỉ.

Quẻ này năm hào âm, toàn phụ thuộc vào một hào dương là Cửu Ngũ. Ngũ lại ở địa vị chí tôn, chính là người đầu bầy trong đám Tỉ. Hễ người nào xử vào địa vị Cửu Ngũ, tất phải xem xét kĩ càng ở trong mình, trông nom tính toan ở phía người, nghĩ làm sao cho gánh nổi trách nhiệm người tỉ mình, với mình tỉ người. Ví như: Người có điều nghi mà phải bói quẻ đến hai lần. (Nguyên: hai lần; Phệ: bói quẻ).

Khi đã suy xét kĩ rồi, thấy được mình có đức nguyên vĩnh trinh, mà những người tỉ với mình cũng tin mình là có đức nguyên vĩnh trinh. Nguyên: tốt lành lớn; vĩnh: dài lâu, hữu thủy hữu chung; trinh: chính đáng, vững bền. Trong đám Tỉ, mà đủ cả nguyên vĩnh trinh như thế, thời không tội lỗi.

 Bất ninh, phương lai, hậu phu, hung.

 Trên đây đã nói: Cửu Ngũ đủ đức “nguyên vĩnh trinh”. Thế là đức tôn vị cao, quần chúng thân phụ với ngườì ấy. Nếu trong thời kì đó còn có việc trắc trở là bất ninh, thời càng nên tìm cách chiêu lai lấy nhau, dắt nhau thân tỉ với Cửu Ngũ. Nếu không thế mà hờ hững rù rờ, đến nỗi làm một người lạc hậu, tất nhiên bị bài xích ra ngoài đám Tỉ.

Thích tóm lại, Tỉ chắc là lành, nhưng phải suy xét cho kĩ. Nếu đã được nguyên vĩnh trinh, thời vô cựu.

Giả phỏng còn có chốn trắc trở, cũng nên gấp lo đến mau; giả phỏng có người nào chậm chạp để đến nỗi mất cơ hội thành ra người đến sau hết người ta, tất mắc lấy hung.

 PHỤ CHÚ: Nghĩa Soán từ này đại ý nói: Loài người cần phải thân tỉ, mà trong đám Tỉ tất phải có người đầu bầy. Xét xem lời trong quẻ, thời đó chỉ vào người nguyên thủ trong một nước, nhưng đạo lí Kinh Dịch há phải chấp nhất đâu. Tỷ như Người làm đầu mục trong một hương thôn, người lãnh tụ trong một đảng hoặc làm đầu bầy trong một đám công nhân, thảy gọi bằng người chủ trong đám Tỉ được, mà những người đứng địa vị ấy, tất phải có đức nguyên vĩnh trinh như Cửu Ngũ mới gánh nổi công việc Tỉ.

 SOÁN TRUYỆN

 Soán viết: Tỉ cát dã, tỉ phụ dã, hạ thuận tòng dã. Nguyên phệ, nguyên vĩnh trinh, vô cựu, dĩ cương trung dã. Bất ninh phương lai, thượng hạ ứng dã; hậu phu hung, kì đạo cùng dã.

彖曰: 比吉也, 比輔也, 下順從也. 原筮, 元永貞, 无咎.,以剛中也. 不寧方來, 上下應也; 後夫凶, 其道窮也.

 Soán viết: Tỉ cát dã, tỉ phụ dã, hạ thuận tòng dã.

 Tỉ: Thân yêu giùm giúp nhau vậy. Ngũ ở trên mà bao nhiêu người dưới tất thảy thuận vậy (Phụ:

giùm giúp).

 Nguyên phệ, nguyên vĩnh trình, vô cựu, dĩ cương trung dã. Bất ninh phương lai, thượng hạ ứng dã; hậu phu, hung, kì đạo cùng dã.

 Đây là lấy thể quẻ thích lời quẻ, cương trung chỉ vào Cửu Ngũ. Vì hào ấy có đức dương cương mà lại đắc trung, mới được như lời quẻ: nguyên phệ, nguyên vĩnh trinh, vô cựu.

Bất ninh phương lai là bảo năm Âm theo Cửu Ngũ, người trên kẻ dưới ứng với nhau. Hậu phu, hung là vì đến lúc cuối cùng [mới tới] tỉ, thời đường lối tỉ đã cùng cực rồi (Chữ đạo này nghĩa là đường).

Đương lúc người xúm nhau thân tỉ với Ngũ, mà mình lại chậm chạp đến cuối cùng mới tới, tất nhiên đường lối tỉ không còn. Thế là đạo cùng.

 ĐẠI TƯỢNG TRUYỆN

 Tượng viết: Địa thượng hữu thủy, Tỉ. Tiên vương dĩ kiến vạn quốc, thân chư hầu. 象曰: 地上有水, 比. 先王以建萬國, 親諸侯.

 Khôn dưới; Khảm trên. Khôn là đất, Khảm là nước, trên đất có nước thời thấm dính chẳng gì hơn nên đặt tên quẻ bằng Tỉ.

Xem tượng ấy, tiên vương mới nghĩ ra cách làm Tỉ. Đám Tỉ rất lớn tất phải tỉ cả thiên hạ, mà muốn tỉ được cả thiên hạ tất phải có cơ quan thống nhất, nhóm ngàn vạn đoàn thể ít nhỏ lại làm nên đám đông lớn, mới có thể tỉ được cả thiên hạ. Vậy nên, tiên vương dựng ra vạn quốc, thân ái lấy chư hầu, khiến cho những vua chư hầu bắt chước lấy mà thân ái nhân dân nước họ, mà chư hầu của các nước lại đại biểu nhân dân nước họ mà thân tỉ với tiên vương. Đó là đạo lí của tiên vương thân tỉ thiên hạ.

 PHỤ CHÚ: Tượng từ đây cũng chỉ theo về thời đại còn chế độ phong kiến. Tuy nhiên, bây giờ ở về đời giai cấp chưa tiêu diệt, thời không chế độ phong kiến mặc dầu, nhưng mà cái cách thượng hạ tương thân, chính là phương châm duy nhất ở trong thì Tỉ.

 HÀO TỪ VÀ TIỂU TƯỢNG TRUYỆN

Sơ Lục: Hữu phu, tỉ chi, vô cựu. Hữu phu doanh phẫu, chung lai hữu tha cát.初六: 有孚, 比之, 无咎. 有孚盈缶, 終來有他吉.

 Sơ Lục ở về đầu hết thì Tỉ, bao nhiêu dây liên lạc ở tương lai thảy múi manh ở lúc ấy, nếu không thật chắc ở lúc đầu, tất chẳng mặn nồng đến lúc cuối; vậy nên đương địa vị Sơ Lục là Tỉ chi thỉ, tất phải gốc ở lòng thành tín mà thân tỉ với nhau, có cái gốc thành tín tỉ với người thời không tội lỗi (Phu: thành tín).

Tuy nhiên, tòng lai cảm cách được người, chỉ gốc ở đức chí thành, mà đức chí thành tất phải hoàn toàn đầy đủ. Ví như: Trữ đầy vật ở trong ang, tượng là hữu phu doanh phẫu. Phẫu: cái ang; doanh: đầy dặc. Tấm lòng hữu phu mà quả được doanh phẫu; hữu chư trung, tất hình chư ngoại, cơ sở càng dài, thời người tín tùng càng thêm nhiều mãi, chẳng những công hiệu ở hiện tại thôi mà kết quả ngày sau chắc còn có việc tốt lành khác nữa.

Chữ tha này không phản đối với chữ ngã, chữ kỉ, như chữ lợi kỉ, lợi tha trong Kinh Phật.

 Tượng viết: Tỉ chi Sơ Lục, hữu tha cát dã. 象曰: 比之初六, 有他吉也.

 Người ở vào địa vị Sơ Lục, mà được hữu phu doanh phẫu, tự thỉ chí chung, tất nhiên được cát lâu dài vậy.

Lục Nhị: Tỉ chi tự nội, trinh cát. 六二: 比之自內, 貞吉.

 Lục ở vị Nhị là đắc trung, đắc chính, ở trên có Cửu Ngũ chính ứng với mình. Cửu Ngũ ở Ngoại Quái là phía ngoài, Lục Nhị ở Nội Quái là phía trong. Vì Lục Nhị, có đức nhu thuận, trung chính mà lên ứng với Cửu Ngũ. Thế là tự trong mà tỉ với ngoài. Theo như mắt thế tục thời ở dưới với lên trên e cũng là một phường mị quý cầu vinh chăng. Nhưng không phải thế, tự bản thân Nhị vẫn trung chính, gặp được Ngũ cũng trung chính, trung chính với trung chính ưa nhau, đạo đồng chí hợp, tự trong mà tỉ đến ngoài, chỉ đi một lối chính đáng mà mình được tốt lành.

 Tượng viết: Tỉ chi tự nội, bất tự thất dã. 象曰: 比之自內, 不自失也.

 Nhị ở Hạ Quái là người bậc dưới, Ngũ ở Thượng Quái là người bậc trên; người bậc dưới lên theo người bậc trên, chẳng phải là khuất kỉ thất thân hay sao? Khổng Tử sợ người nhận lầm như thế, mới nói rằng: Tỉ chí tự nội, nhưng không phải tự thất như ai. Duy trung chính kết hợp với trung chính chỉ là đạo lí đương nhiên mà thôi.

 PHỤ CHÚ: Ba chữ “bất tự thất” là ý thánh nhân cốt dạy cho ta quý trọng lấy nhân cách (Nhân cách là tư cách một con người). Tất phải phú quý bất năng dâm, bần tiện bất năng di, uy võ bất năng khuất 富貴不能淫, 貧賤不能移, 威 武不能屈, mới là đúng.

Xưa nay, việc trong thiên hạ, sở dĩ làm nên sự nghiệp lớn tất cần có hai hạng người: Một là hạng người có tài đức, hai là hạng người có thế lực. Hai hạng người ấy tất phải nhờ nhau mà làm nên. Người có thế lực chịu khuất với người có tài đức là biết tôn quý người tài đức mà quên thế vị của mình. Người có tài đức giúp giùm cho người có thế lực mà đem thân ra gánh việc đời. Như thế, thời hai bên giùm giúp nhau, mới có thể đại hữu vi được. Nếu một bên thời ỷ có thế lực mà không tôn trọng lấy người có tài đức, một bên thời tự khinh rẻ tài đức mình, mà cầu cạnh với người có thế lực, thế thời về phần người có thế lực mắc lấy tội thất nhân, về phần người có tài đức mắc lấy tội thất kỉ (thất kỉ: mất giá trị của mình, tức là tự thất). Mình đã tự thất, thời người không quý trọng đến mình, đã không quý trọng mình, tất nhiên nói không nghe, phô không cứ, làm gì nên được việc tỉ thiên hạ.

Vậy nên, Tượng Truyện có ba chữ bất tự thất. Xưa có ông Y Doãn chờ vua Thang tam sính, ông Khổng Minh chờ Lưu tiên chúa tam cố mới chịu ra giúp chúa cứu đời. Hai ông ấy há phải cố ý làm cao đâu, chỉ vì có tôn trọng nhân cách mình, mới mong duy trì được nhân cách một nước, một thế giới. Lục Nhị chờ Cửu Ngũ hạ ứng với mình mới chịu Tỉ, chính là nghĩa ấy.

Lục Tam: Tỉ chi phỉ nhân.六三: 比之匪人.

 Hào Lục ở vị Tam là tự giữa bản thân mình đã âm nhu lại bất trung, bất chính, vả lại, địa vị hoàn cảnh của Tam, cưỡi trên mình là Lục Tứ, đỡ dưới mình là Lục Nhị, chung quanh rặt một bầy âm nhu, chính là một đoàn tiểu nhân hiểm ác thân phụ với nhau, còn gì có việc tốt nữa! Nên Hào từ nói rằng: Tỉ chi phỉ nhân.

Nghĩa chữ phỉ, cũng như nghĩa chữ phi; phỉ nhân: những hạng người chẳng ra người.

Vì sao mà Hào từ không nói hung, hối, lẫn. Xưa nay đã phỉ nhân tất nhiên xấu, còn nói hung, hối, lẫn làm gì.

 PHỤ CHÚ: Lục Nhị nguyên là một hào trung chính, vẫn quân tử. Mà theo giữa bản thân Lục Tam thời lại xem bằng phỉ nhân. Đây là nghĩa đặc biệt, chỉ thủ tượng bằng âm tỉ với âm. Gia dĩ bản thân Lục Tam bất trung, bất chính, hễ đã tỉ với Tam tất cũng là người bất trung, bất chính, đồng ác tương tế.

Thánh nhân theo mỗi địa vị mỗi hào mà lập nghĩa khác nhau, mới là Dịch lí biến hóa.

 Tượng viết: Tỉ chi phỉ nhân, bất diệc thương hồ? 象曰: 比之匪人, 不亦傷乎?

 Thương: thảm hại, cũng có nghĩa là tội nghiệp. Ý Tượng Truyện nói rằng: Ở giữa thì Tỉ mà đụng lấy phỉ nhân, chẳng cũng đáng tội nghiệp lắm hay sao?

 PHỤ CHÚ: Theo nghĩa chữ Tỉ, chẳng những mình tỉ với người là tỉ, mà người tỉ với mình cũng là tỉ.

Lệ như: Chốn ở tất có láng giềng, đi học tất có bầu bạn làm quen tất có đồng liêu làm việc tất có phe đảng, cho đến như vợ kén chồng, chồng kén vợ, tớ kén thầy, thầy kén tớ, tổng chi là tỉ; vô luận đám nào, hễ đụng lấy phỉ nhân, tất nhiên hỏng. Vậy nên chọn người mà tỉ, chúng ta rất nên chú ý.

Lục Tứ: Ngoại tỉ chi, trinh cát. 六四: 外比之, 貞吉.

 Hào Lục ở vị Tứ, bản thân vẫn đắc chính, nhưng vì âm nhu, chẳng đủ tài hữu vi, phải cầu tỉ với bậc dương cương mới mong có việc làm, đó là lẽ tự nhiên. May thay! Vì Tứ được gần Cửu Ngũ, Cửu Ngũ dương cương, trung chính, lạì ở ngôi tôn, thiệt là một bậc người đáng thân tỉ. Lục Tứ ngó lên mà thân tỉ với Cửu Ngũ, ấy là thân với người hiền và tỉ với người trên. Theo đạo lí, thời tỉ được trinh chính mà cát. Chữ ngoại chỉ vào Cửu Ngũ, chữ ngoại đây chẳng kể bằng quẻ, mà kể bằng hào, hễ xem xuống là Nội, xem lên là Ngoại.

 Tượng viết: Ngoại tỉ ư hiền, dĩ tòng thượng dã. 象曰: 外比於賢, 以從上也.

 Lục Tứ tỉ với Cửu Ngũ là thân tỉ với kẻ hiền ở ngoài mà cũng là phục tòng với bậc trên vậy.

Chữ hiền, chữ thượng chỉ vào Cửu Ngũ.

Cửu Ngũ: Hiển tỉ, vương dụng tam khu, thất tiền cầm, ấp nhân bất giới, cát. 九五: 顯比, 王用三軀, 失前禽, 邑人不誡, 吉.

 Nghĩa hào này, đạo lí rất lớn, từ ý rất tinh thâm, mà văn lí rất vi diệu, khó dịch cho đúng, đây chẳng qua dịch vừa sáng nghĩa từng chữ một:

Hiển: quang minh; dụng: làm; khu: lùa đuổi; thất: mất, bỏ ngơ; cầm: loài thú; ấp: xung quanh láng giềng; giới: ngăn ngừa; hiển tỉ: đạo Tỉ rất quang minh; tam khu: đuổi ba mặt; tiền cầm: giống thú ở mặt phía trước; ấp nhân: người xung quanh láng giềng; bất giới: không dặn bảo ngăn ngừa.

Bây giờ dịch luôn đại ý:

Hào Cửu ở vị Ngũ là dương cương lại trung chính, Ngũ là vị chí tôn ở trong quẻ. Có đức dương cương, trung chính, mà lại ở vị chí tôn, xử đúng vào thời đại Tỉ, năm âm trong quẻ tất thảy phục tòng nhất dương, tượng là bậc thánh nhân hữu đức hữu vị, lấy đạo đại công vô ti mà thân tỉ thiên hạ, vả thiên hạ cũng vui lòng thân tỉ với thánh nhân. Đạo Tỉ đến đó, thiệt rất quang minh chính đại, ấy là hiển tỉ.

Ví dụ: Việc đi săn, thời theo tâm lí của thánh nhân, giá phỏng có bủa lưới bắt cầm thú nhưng chẳng bủa tròn cả bốn mặt, chỉ có đuổi ba mặt là mặt hậu, mặt tả, mặt hữu, còn mặt tiền thời bỏ trống, để cho những loại cầm thú có đường thoát ra. Nếu loài cầm thú ở mặt trước mà thoát ra hết, ư tâm lí thánh nhân cũng vẫn bỏ ngơ nó, vì sẵn đức hiếu sinh bất sát nên chẳng thiết nó vào lưới hết cả; tâm thánh nhân như thế nên nỗi những người xung quanh láng giềng Ngài cũng vui lòng chiều ý Ngài mà chẳng dặn bảo nhau đón giống cầm vào lưới.

Ba câu ấy, chỉ là mượn việc săn mà thí dụ, nghĩa là: Thánh nhân tự mình tuyên bố đạo đức, tu minh chính trị, mà thiên hạ tự nhiên thân tỉ với mình. Nếu có ai bất phục, thánh nhân cũng chẳng cưỡng ép họ phải phục với mình. Tỉ như tam khu thất tiền cầm vậy; ấp nhân bất giới là cảm hóa ảnh hưởng rất sâu xa.

Chẳng những giữa bản thân thánh nhân đã đại công vô tư như thế, mà người ở chung quanh thánh nhân thảy đạo đức hóa nên chẳng ai cần cấp về tư lị. Như thế thật chẳng gì tốt hơn nên Hào từ nói cát, nhưng chữ cát đây chỉ tán tụng cho ấp nhân, còn như thánh nhân thời chẳng cần nói cát. Chữ vương chỉ vào bậc thánh nhân ở địa vị Cửu Ngũ.

 PHỤ CHÚ: Ở trong loài người tất cần có Tỉ, nhỏ thời một người tỉ với một người, suy rộng ra, thời một nước tỉ với một nước.

Nhưng tỉ với nhau bằng đạo đức nhân nghĩa là tỉ bằng thành tâm. Nếu tỉ nhau bằng uy quyền áp chế là tỉ bằng giả dối. Hễ thành tâm thời đáo để càng tương thân, giả dối thời cuối cùng tất tương phản, tạo nhân tuy giống nhau, mà kết quả thời xa nhau lắm.

Thử xem chính sách thực dân của các nước văn minh ở đời nay, chỉ là bọc tròn lưới mà bắt cầm, có đâu mở lưới cầm ra, mặt ngoài tuy nói văn minh, mà mặt trong cực kì u ám. Thử hỏi cách tỉ người mà như thế, bảo chẳng hung có được chăng?

 Tượng viết: Hiển tỉ chi cát, vị chính trung dã; xá nghịch thủ thuận, thất tiền cầm dã; ấp nhân bất giới, thượng sử trung dã. 象曰: 顯比之吉, 位正中也; 舍逆取順, 失前禽也; 邑人不誡, 上使中也.

 Cái tốt vì hiển tỉ mà được đó là vì Cửu Ngũ xử vào vị đắc chính, đắc trung vậy.

 PHỤ CHÚ: Sở dĩ đặt chữ chính ở trước chữ trung là có ý quý hóa chữ trung. Bởi vì đạo lí trong thiên hạ, thường có chính mà không trung, thời chưa chắc đã tốt. Nếu đã trung, thời không bao giờ chẳng chính. Chữ trung bao bọc được chữ chính. Chữ chính chẳng bao bọc được chữ trung. Vậy nên nói chính trung.

Xả nghịch thủ thuận, thất tiền cầm dã, Hào từ nói rằng: Thất tiền cầm, chỉ nói thí dụ, cái gì mà nó tự vào mới lấy, cái gì mà nó tự quay ra, thời thây kệ nó, nghĩa là: Ai thuận với ta thời ta vẫn hoan nghênh, mà ai nghịch với ta, ta cũng chẳng đeo đuổi.

Ấp nhân bất giới, thượng sử trung dã. Ấp nhân bất giới là vì sao? Là vì kẻ trên sai sử họ bằng đạo trung thời họ cũng theo như kẻ trên mà làm đạo trung, chẳng cần phải răn bảo vậy.

Chữ trung này, có ý như chữ công, không bênh riêng về phe nào, cũng không ghét riêng về phe nào.

Thượng Lục: Tỉ chi vô thủ, hung.上六: 比之无首, 凶.

 Thượng Lục này ở cuối cùng quẻ Tỉ là Tỉ chi chung. Lục ở vị Thượng là nhu âm chi cực lại bất trung. Vì tính chất Thượng xấu như thế, thời kết quả chẳng ra gì, dầu Thượng có tỉ với ai, tất nhiên cũng vô chung, nhưng tòng lai, đạo lí thân tỉ với nhau, từ vợ chồng, bầu bạn, cho đến quốc gia, xã hội chẳng bao giờ đầu đã tốt lành, mà sau lại xấu dữ. Thượng Lục này sở dĩ tỉ mà vô chung chính vì lúc tạo nhân khi đầu đã vô thủ. Vậy nên nói rằng: Tỉ chi vô thủ, chữ thủ cũng như nghĩa chữ thỉ: đầu chuyện là thủ, thủ là đầu, đuôi chuyện là vĩ, vĩ là đuôi; không đuôi là bởi vì không đầu, không đầu là vô thủ, Hào từ truy nguyên cho đến lúc tạo nhân.

 PHỤ CHÚ: Chữ vô thủ ở quẻ Càn, với chữ vô thủ này khác nhau, chữ thủ ở quẻ Càn cũng thủ là đầu, nhưng chỉ vào ngôi trên hết như nói đầu bầy; chữ thủ đây cũng thủ là đầu, nhưng chỉ lúc bắt đầu chuyện, như nói: đầu tiên.

 Tượng viết: Tỉ chi vô thủ, vô sở chung dã. 象曰: 比之无首, 无所終也.

 Nghĩa Tượng Truyện nói rằng: âm nhu bất trung chính, như Thượng Lục mà lại ở vào thời Tỉ đã cùng cực, chắc kết quả chẳng gì hay. Thế là vô sở chung đó vậy. Theo ở nơi kết quả mà tìm cho đến tạo nhân, chắc là lúc Sơ tỉ cũng chẳng ra gì nên nói rằng: Tỉ chi vô thủ.

 PHỤ CHÚ: Đọc suốt sáu hào quẻ Tỉ, hào Sơ là đầu hết quẻ Tỉ vì Sơ hữu phu nên thánh nhân chắc trước rằng: Chung lai hữu tha, cát. Đó là nhân tạo hóa, mà đoán trước được kết quả. Thượng Lục ở cuối cùng thì Tỉ nên thánh nhân răn rằng: Vô thủ, hung. Đó là thấy kết quả mà quay xét đến tạo nhân.

Vậy nên, chúng ta nhóm bạn, tìm thầy làm những việc thân tỉ với người, nên hết sức cẩn thận ở lúc thủ mà câu tỉ chi phỉ nhân ở Lục Tam, càng nên chú ý lắm.

(Theo Quốc Văn Chu Dịch Diễn Giải-Phan Bội Châu)

 


Tin liên quan

Chia sẻ bài viết: 



Bình luận:

Hỗ trợ trực tuyến

LÊ CÔNG

0919.168.366

Nhà đất bán theo tỉnh thành
Nhà đất cho thuê theo tỉnh thành
Kinh Dịch
Tử vi
Huyền không Phi Tinh
Văn Hóa_Tín Ngưỡng
Thước lỗ Ban
Xen ngày tốt
Kinh Dịch
TIN NỔI BẬT

LÊ LƯƠNG CÔNG

Trụ sở: Số 12, Trực Cát , Vĩnh Niệm, Lê Chân, Hải Phòng

Tel: 0919.168.366 - Hotline: 0919.168.366 - Email: nhadatcongminh@gmail.com

Copyright © 2019 https://leluongcong.com/