Trong giải đoán Hà Lạc, những chỉ dẫn về số mệnh bao giờ cũng đặt ta trước một sự lựa chọn: chủ thể có Mệnh hợp cách hay Mệnh không hợp cách, tỷ lệ những giá trị hợp cách và không hợp cách, chủ thể là tầng lớp người nào, quan chức, kẻ sĩ hay người thường, người thức thời hay không thức thời, chủ thể đang ở Thời nào,
Nơi nào, từ đó phải tham khảo những chỉ dẫn số mệnh ở những khía cạnh nào, để mà chỉ ra thật chính xác những gì sẽ diễn ra trong quỹ đạo cuộc đời của chủ thể. Chính vì thế có thể giải thích vì sao tám chữ Can Chi giống nhau, Cấu trúc Hà Lạc giống nhau nhưng số phận các chủ thể không bao giờ giống nhau. Vì sao những người sinh cùng ngày giờ với Vua Quang Trung lại không thể trở thành những Quang Trung hay một số phận gần như thế. Nhiều khi những dự đoán Hà Lạc tiềm ẩn dưới dạng những lời khuyên, nên thế này, nên thế kia. Quẻ Hằng chẳng hạn nói về đạo vợ chồng trong đời sống thường ngày, là quẻ đẹp, nhưng tượng quẻ và lời quẻ đầy những lời báo động, khuyên ta nên tránh điều này điều kia để giữ được đạo Hằng. Cái điều ta nên tránh chính là cái sẽ xảy ra trong đời sống vợ chồng mà Hà Lạc đã báo trước.
Tóm lại Hà Lạc dành cho ta một hành lang rộng rãi, hợp lý để làm chủ số phận mình, và điều này rất thích hợp với những con người thời nay.
b- Tính cách và số phận. Dự đoán Hà Lạc có rất nhiều chỉ dẫn về tính cách, và từ đó mà chỉ dẫn về số phận. Đây là một phương pháp có tính lô-gích cao. Ví dụ Hào 1 quẻ Càn có câu: Rồng còn ẩn dưới thấp, đừng dùng gì vội. Mệnh đề rồng ẩn vừa là Thời, vừa là Tính cách. Sức rồng đang mạnh, đức rồng cương kiên nhưng đang là thời sơ mỏng, cần kín đáo, thủ thế đợi thời. Đó là tính cách. Còn số phận là ở chỗ chưa thành sự nghiệp, chưa được dùng, chưa vội. Có những tính cách hình thành từ Mệnh (hành) nào đó, gặp quẻ nào đó. Ví dụ: Mệnh Mộc gặp quẻ Càn thì nhiều mơ mộng hão huyền, ít thực tế. Những tính cách nào hình thành từ một hào đại vận thường tác động trong phạm vi đại vận đó. Nhưng tính cách nào hình thành từ Mệnh (hành) gặp quẻ như người Mệnh Mộc vừa rồi thì nó đeo đẳng người đó suốt đời, cộng với những tính cách khác làm nên một số phận truân chuyên, nhiều khi chủ thể biết rõ mà không thoát ra khỏi.
c- Tham khảo Toán Tứ trụ. Gần đây trong nước ta mới lưu hành một cuốn sách dạy dự đoán bằng Tứ trụ của nhà dự đoán học Thiệu Vĩ Hoa, cháu 29 đời nhà Dự đoán học Thiệu Ung, tức Thiệu Khang Tiết danh tiếng. Điều thú vị là Tứ trụ tức tám chữ Can Chi Năm, Tháng, Ngày, Giờ sinh dùng trong môn Toán này cũng rất giống Hà Lạc, là phải tuân theo một cách nghiêm túc Tiết lệnh tháng.
Vì vậy hoàn toàn có thể tham khảo Toán Tứ trụ để bổ sung cho Toán Hà Lạc. Toán Tứ trụ có hệ thống Lục thân và Sao, Thần phản ánh rất rõ xu hướng nghề nghiệp của chủ thể (Văn võ, sức học, triển vọng sự nghiệp, chẳng hạn quan chức hay chuyên gia) hơn nữa có bảng Sinh Vượng Tử Tuyệt từ gốc Can ngày sinh cho thấy những ưu thế sinh học của chủ thể. Còn Toán Hà Lạc thì mạnh nhất là sự hình thành quỹ đạo đời người cho đến Năm, Tháng, thậm chí Ngày. Tôi trong thực tế thường sử dụng Toán Tứ trụ để bổ sung cho Toán Hà Lạc về dự đoán xu hướng sự nghiệp (như thiên mệnh văn chương của các nhà văn, toán tứ trụ phản ánh rõ hơn), ưu thế sinh học, và đặc biệt là vận hạn cho Năm và Tháng. Bạn đọc thành thạo cả hai thuật toán Hà Lạc và Tứ trụ, sau khi vạch 12 tháng Hà Lạc lại đối chiếu với 12 tháng Tứ Trụ trong một năm sẽ có nhận thức thú vị vô cùng về sự kỳ diệu của văn hóa phương Đông mà lâu nay chúng ta bỏ qua.
d- Cấp độ xét đoán. Đối với mỗi cách ứng xử trong mỗi thời và hoàn cảnh, Hà Lạc thường biểu lộ một thái độ xét đoán (đánh giá) theo những cấp độ khác nhau. Nhiều khi tiếng Việt không đủ để cô đúc cho gọn (nói cách khác bạn đọc chưa quen với những cách cô đúc gọn), chúng tôi buộc phải sử dụng từ phiên âm chữ Hán. Sau đây là một số từ miêu tả các cấp độ xét đoán.
Đọc các quẻ Dịch thường gặp bốn chữ Nguyên, Hanh, Lợi, Trinh, đó là bốn đức của quẻ, cũng gọi là bốn đặc tính của quẻ. Chỉ có 7 quẻ có đủ 4 đức, tiêu biểu nhất là quẻ Càn. Còn lại là những quẻ có từ 3-4 đức, 1-2 đức, có quẻ không có đức nào.
Nguyên là đầu tiên, lớn, trùm mọi điều thiện.
Hanh là hanh thông, thuận tiện, tập hợp các điều hay.
Lợi là nên, thỏa thích, hòa hợp các điều phải.
Trinh là chính đáng, bền chặt, gốc của mọi việc.
Ngoài ra ta thường gặp những xét đoán (đánh giá) như sau:
Tốt, là lành, là thuận lẽ trời, lẽ đời, đem lợi ích, may mắn đến cho người. Có quẻ tốt, có hào tốt. (Lời Kinh là Cát)
Xấu, dữ là ngược lại với tốt (Lời Kinh là Hung).
Xấu hổ là phiền muộn vì lỗi nhỏ, tật mọn (Lời Kinh là Lận).
Ăn năn là phạm lẽ phải, phàn nàn, đáng tiếc (Lời Kinh là Hối).
Không lỗi có 3 nghĩa là không sai phạm, không trách (lỗi) ai (cái gì) được; không đổ lỗi cho ai (cái gì) được (Lời Kinh là Vô cữu).
Trong 3 chữ Xấu, Xấu hổ, Ăn năn (Hung, Lận, Hối), thì Xấu (hung) nặng hơn Xấu hổ (lận); xấu hổ nặng hơn ăn năn (Hối). Không lỗi (vô cữu) thì không hay cũng không dở.
Đôi khi Lời Kinh nói về phương hướng cụ thể, xin hiểu như sau:
Đông Bắc: Hướng khí Dương bắt đầu tiến. Quẻ khuyên ta nên hành động mau, nên tiến, nên đương đầu với mọi khó khăn. Đông Bắc là phía động của khí Dương, phía Tây Nam là phía tĩnh của khí Dương. Thiếu Dương sinh thành ở phía Đông Bắc.
Tây Nam: Hướng khí Dương bắt đầu suy. Quẻ khuyên ta nên dừng lại, nên thoái lui, không nên tiến cũng không nên đương đầu. Ví dụ: Quẻ Kiển có câu: Kiển, lợi Tây Nam, bất lợi Đông Bắc. Có nghĩa quẻ khuyên ta ở thời Kiển, vận Kiển thì nên thoái lui, không nên đương đầu.
3- Sau đây là mấy cách thuộc Mệnh quý hiển:
a. Kiền: Người tuổi Ngọ mà được quẻ Kiền là cách Mã Tế Phong (ngựa phi trong gió). Được quẻ Đỉnh, Độn, Cấu cũng cách ấy. Tuổi Ngọ, Mùi được quẻ Đại Hữu là cách Thái Dương Đương Thiên (vầng Thái Dương trên trời).
b. Khôn: Người tuổi Sửu được quẻ Khôn là cách Ngưu Bội Phong (trâu phẫn chí về gió). Được quẻ Quan, Thăng cũng cách ấy.
c. Cấn: Người tuổi Dần, Tuất được quẻ Cấn là cách Cẩu Hổ Tiếu Phong (cẩu hổ cười gió). Được quẻ Cổ là cách Hổ Lộng Phong (hùm rỡn gió). Được quẻ Mông là cách Hổ Ẩm Thanh Tuyền (hùm uống nước suối trong).
d. Chấn: Người tuổi Thìn, Tị được quẻ Chấn là cách Vân Tòng Long (mây theo rồng). Được quẻ Ích là cách Ngư Hỏa Long Môn (cá hóa rồng).
e. Tốn: Tuổi Tị, Dậu được quẻ Tốn là cách Phụ Phượng Thừa Phong (bám cánh con phượng nhân có gió mà bay cao).
g. Ly: Tuổi Ngọ mà được quẻ Ly là cách Chu Tước Hồi Quân (phong thư trở về với chủ).
h. Đoài: Tuổi Dậu mà được quẻ Đoài là cách Trạch Thừa Ân (được ơn trên). Tuổi Dậu, Hợi mà được quẻ Quải thì cũng được cách ấy, được quẻ Trung Phu (sau Giữa Thu) là cách Hạc Minh Cửu Cao (hạc kêu ở chín tầng cao).
i. Khảm: Tuổi Hợi mà được quẻ Khảm là cách Huyền Vũ Đương Quyền. Tuổi Mão được quẻ Giải là cách Ngọc Thỏ Ngoạn Thiềm (ngọc thỏ ngắm trăng). Tuổi Thân được quẻ Tỷ, tuổi Thân, Thìn được quẻ Truân là cách Thỏ Ngoạn Ngân Thiềm (thỏ ngắm vầng trăng bạc). Tuổi Tuất, Hợi được quẻ Nhu là cách Thái Âm Thăng Thiên (vầng Thái Âm lên trời).
4- Mấy Cách thuộc Mệnh không tốt:
a. Tên quẻ Xấu mà không được Hóa Công, Thiên, Địa nguyên khí là xấu.
b. Đại, tiểu vận ở hào Sơ và hào Thượng (1 và 6) thì dù có gặp tai nạn cũng nhẹ thôi. Nếu ở các hào khác (2, 3, 4, 5) mà số âm dương không đủ, thêm gặp năm dương (Can chi năm dương) nếu có tai nạn càng nặng.
c. Quẻ chính Tiên thiên, Hậu thiên mà không có Hóa Công, Nguyên khí thì phải tìm ở quẻ Hỗ, không có nữa mới thực là xấu. Tuy xấu nhưng năm Lưu niên nào có thì năm ấy cũng tương đối khá hơn năm không có, nhất là những quẻ thuộc Thủy Hỏa.
d. Những tuổi Thổ mà gặp quẻ Tốn (Mộc), tuổi Kim gặp quẻ Ly (Hỏa), tuổi Thủy gặp quẻ Cấn (Thổ) là tương khắc, tuy xấu nhưng nếu có Nguyên khí thì cũng không đến nỗi tai họa quá.
e. Tiên, Hậu thiên gặp quẻ Thuần Ly thì hay đau mắt; gặp quẻ Cổ, Đại Quá, Minh Di thì hay bệnh tật; gặp quẻ Phệ Hạp, Vô Vọng, Tụng thì hay tranh chấp, kiện tụng; gặp quẻ Đại Tráng, Khuê, Bác, Truân dù làm nên sự nghiệp, nhưng vất vả gian nan.
g. Đại vận ở quẻ Hậu thiên mà thấy 3 hay 4 hào xấu liền thì dễ chết. 3 năm xấu liền cũng thế.
h. Người tư cách tầm thường, yếu, nghèo hèn mà gặp quẻ, hào rất tốt, bạo phát, thì hẳn là vất vả, có tai hoạ.
i. Hào vị tuy đẹp, nhưng không bằng quẻ Lưu niên đẹp. Hào vị xấu mà Lưu niên lại xấu, thế là xấu lắm.
5- Một vài ví dụ về Luận số của người xưa:
a. Có người đem số đến hỏi Khang Tiết tiên sinh: “Ít người đi tới được đến hào 5 Hậu thiên (đây là nói đến hào thứ 5 của hậu thiên, tính từ hào nguyên đường Hậu thiên là hào 1), đến hào 1 là đã có thể đoán được sinh, tử rồi. Thế mà có người chưa đầy 20 tuổi đã chết, lại có người thọ đến 8, 9 chục tuổi, là tại sao?” Tiên sinh trả lời: “Sách đã dạy hết các trường hợp, xem chưa kỹ đó thôi. Nên về xem lại, khỏi phải bàn luận”.
b. Trình Y Xuyên nói: “Ta có một người nô bộc tuổi Dương nam, mi thanh mục tú, số hắn được ngồi hào 4 quẻ Kiền. Thế mà hỏi ra thì bố hắn mất sớm, và đến năm 19 tuổi, hắn cũng bị chết bất ngờ. Đó là người tầm thường được quẻ rất tốt cũng ngại lắm.”
c. Tô Đông Pha đi đến Tuế vận được quẻ Bí. Thế mà ba tháng liền ông Tô ở tại Triều đều bị xui xẻo, ngộ biến, là tại sao? Ông Tô nói: “Ta tuy ngồi được hào vị đẹp, nhưng hành niên nửa xấu nửa tốt (ý nói các vận Tháng nửa xấu, nửa tốt) nên xảy ra thế, chứ không hận gì cả”
d. Sơn Cốc bảo với bạn rằng: “Tôi hiện ngồi ở hào 2 quẻ Truân. Phải hết 10 năm mới được về”. Khi tiên sinh bị an trí ở Dung Châu, liền bảo con rằng: “Trước đây ta ngồi hào 2 quẻ Truân, nay lại ngồi hào Thượng quẻ Phục (Mê phục hung. Mê muội không trở lại, xấu). Thôi hết về rồi.” Sau quả ông mất ở đó.
e. Phú Trịnh Công gặp hào lưu niên xấu, liền viết lên vách để cho con cháu nhìn thấy mà đề phòng cẩn thận.
g. Lý Văn Tịnh Công ngồi hào 2 quẻ Khôn, đến năm gặp hào 4 quẻ Ly (thiêu đốt ư, chết ư, bỏ ư) bèn bảo người nhà: “Sang năm ta chết”. Quả nhiên như vậy.
h. Phạm Văn Chính Công ngồi hào 2 quẻ Đại Hữu (xe lớn chở nặng) biết mình có tài kinh bang tế thế, liền ra giúp nước. Quả có thế thật.
6- Bài mẫu
Trước hết, xin coi đây là một bài mẫu về hình thức. Bởi về nội dung thì vô cùng, như đã trình bày trên.
Thuật toán Hà Lạc
I- Chủ thể: Tản Đà Nguyễn Khắc Hiếu. Nhà văn. Sinh 19 – 05 – 1889 giờ Tý (20-4-Kỷ Sửu). Đầu hè: 6 (hoặc 7) -5 – 1989. Giữa hè: 22 – 6 – 1989. Âm Nam (â/d). Mệnh Hỏa (thu lôi). Thượng nguyên. Sinh giờ khí dương. Can Chi: Năm Kỷ Sửu, Tháng Kỷ Tị, Ngày Ất Mùi, Giờ Bính Tý. (Theo Lịch và niên biểu… của Lê Thành Lân. Sdd). Mã số Can Chi: 9, 5-10; 9, 2-7; 2, 5-10; 8, 1-6.
II-Lập phương trình:
Số Âm 10 + 2 + 2 + 10 + 8 + 6 = 38 m30 mã số quẻ: 8 quẻ Cấn
Số Dương 9 + 5 + 9 + 7 + 5 + 1 = 36 m25 mã số quẻ 11 lấy 1 quẻ Khảm
III- Cấu trúc Hà Lạc (quẻ, nguyên đường, đại vận):
Tiên Thiên |
Đại Vận |
Hỗ |
Hậu Thiên |
Đại vận |
Hỗ |
Hỗ |
1 |
16-24 |
0 |
0 |
37-42 |
0 |
0 |
Sơn Thủy |
Địa Lôi |
Địa Sơn |
Lôi Thủy |
Trạch Lôi |
Hóa công: Chấn ở Hỗ Tiên thiên, Hỗ Hậu thiên. Thiên nguyên khí: (Ly) Không. Địa Nguyên khí: Cấn ở Tiên thiên, Hậu thiên. Dấu *: Hào nguyên đường, chủ mệnh. Cột đại vận ghi năm dương lịch để tính năm âm lịch tương ứng. 89 = 1889 năm Kỷ Sửu. Mệnh hợp cách ở mức trung bình. Hỗ Nhân Quả: Đổi dấu các hào 2, 3, 6.
IV- Lời Giải: Xét mệnh hợp cách: Quẻ trung bình, hào nguyên đường vị hào, lời hào tốt, có yểm trợ, sinh tháng nguyệt lệnh, có quần chúng hỗ trợ, có ưu tiên năng lượng (Hóa Công) và nguyên khí của trời đất (Địa nguyên khí). Mệnh Hỏa sinh tháng Tư chói ánh mặt trời tốt, được quẻ Khôn tốt, nhưng gặp quẻ Khảm bị nước dập lửa, không tốt (dễ gặp phản phúc) gặp các quẻ Cấn, Chấn cũng không tốt. Mệnh Hợp cách mức trung bình.
Quẻ giời đất cho là Sơn Thủy Mông nguyên đường hào 2. Tượng quẻ là dưới núi, suối mới chảy ra, chưa có hướng nhất định. Người quẻ Mông chan hòa trong thế giới trẻ thơ, dễ đi sâu vào khoa Nhi đồng, khoa giáo dục, tâm lý học trẻ em, có mệnh làm thày giáo. Người quẻ Mông như con suối mới xuất hiện dưới núi, còn ngơ ngác trước nhiều ngả đường nên không tránh khỏi sa vào vũng nước quanh co bùn nhơ, tham vàng bỏ nghĩa, bỏ gốc theo ngọn, bỏ chính theo tà, bị khốn trong vòng hôn ám, hối tiếc. Nhưng núi trên, suối dưới nên nhất định suối sẽ thành sông, quẻ Mông vẫn hanh thông. Người quân tử xem quẻ này mà quyết tâm nuôi dưỡng tính tình, đức độ để định hướng cho đời mình. Châm ngôn người quẻ Mông là 4 chữ Quả Hạnh Dục Đức (giữ nết, nuôi đức). Hoặc Hòa Quang Đồng Trần (Hòa ánh sáng với bụi đời). Quẻ Hỗ của quẻ Mông là Địa Lôi Phục. Phục là Phản, là Trở lại. Người quẻ Mông cần biết rằng với quẻ Phục, khí dương bắt đầu sinh, tốt lắm, nhưng cần giữ gìn sự yên tĩnh cho khí dương sinh, như người mẹ cần bảo vệ bào thai. Nên tĩnh không nên động. Cảnh giác trước mọi cám dỗ và trở lại với điều thiện, với cái tốt lành.
Người xưa có thơ rằng:
Tiến thoái ý chưa quyết
Lòng ngỡ việc chưa thành
Muốn nên danh và lợi
Đợi buổi nhất dương sinh
(ý nói hàng năm việc lớn nên đợi đến tháng 11, lệnh tháng là quẻ Phục. Quẻ này tiềm ẩn trong quẻ Mông).
Nguyên đường chủ mệnh hào 2 chi phối những năm tiền vận: Những năm tốt lành, có năng lượng phấn đấu, cương cường sáng suốt, bao dung những người dưới còn mờ tối, mở đường cho bản thân và xã hội. Phận dưới mà gánh vác việc trên. Hướng phấn đấu làm thày thiên hạ. Sẽ trở nên bậc hiền tài lớn, đại lượng, bao dung được mọi việc, giữ hòa khí với mọi người, trung hiếu vẹn toàn. Hoặc ít nhất thì cũng khởi gia lập nghiệp, vợ đảm, con quý. (Trong thực tế, Tản Đà là người học hành quảng bác, sớm ra đời gánh vác việc lớn, khởi gia lập nghiệp)
Thử coi một chặng đường đời.
Đại vận từ 22 đến 27 tuổi (1910-1915) hào 5 âm quẻ Sơn Thủy Mông. Có lòng chí thành, biết trọng người tài. Trẻ tuổi minh mẫn, dễ thành tài khi còn trẻ, nhờ phúc tổ được chọn ra đảm nhiệm việc lớn, công việc trôi chảy. Khi gặp khó khăn thì biết an phận thủ thường, hòa ánh sáng với bụi đời (hòa quang đồng trần), không điều tiếng gì. (Trong thực tế, những năm này ra Hà Nội học, tuy không vào trường học làm quan nhưng sớm được chọn vào việc làm báo, hòa ánh sáng với bụi đời là đây).
Năm |
Số nhị phân |
Tên quẻ |
Năm |
Số nhị phân |
Tên quẻ |
1910 1911 1912 |
0 1 0 0 0 1 |
Mông |
1913 1914 1915 |
1 0 0 0 1 0 |
Truân |
(Biểu diễn bằng hệ số nhị phân. Ghi năm Dương lịch để tính năm âm lịch tương ứng. Ký hiệu gạch dưới: hào chủ mệnh. Dòng in nghiêng: Diễn biến Nhân Quả. Hỗ Nhân Quả: Đổi dấu hào 2, 3, 6).
Năm Canh Tuất (1910) hào 5 quẻ Phong Thủy Hoán: Năm nay gặp cảnh phân tán, phải có chí lớn mới cứu thời hoán tán này được. Rút quân về, mở rộng đức ra. Có tài đức, đủ để người dưới khâm phục. Hoặc tỏ ra chí khí hơn người, dù chẳng phú quý cũng có tiếng tăm. Có thăng chuyển, có tiến thủ, có tai họa thì tiêu tan, cầu lợi được lợi.
Người xưa có thơ rằng:
Trên ra lệnh, dưới thi hành
Băng tan hiểm họa, gió thanh khí hòa.
Diễn biến Nhân Quả: (hào 5 quẻ Kiển) ở vị thế người quân tử, gặp gian nan, mừng được giúp sức. (Trong thực tế là do việc hỏng thi năm trước, năm nay về quê, rút quân về, ra sức học hành, mở rộng đức. Quyết định không thèm làm quan nữa, nghiên cứu văn chương Đông Tây, được các ông anh giúp đỡ).
Năm Tân Hợi (1911) hào 6 Thuần Khảm: Vô tài mà ở chỗ cực hiểm, tất nguy vong.
Nên ẩn cư nơi sơn lâm. Số xấu thì tổn thiệt cái thân, như con chim bị phá tổ, cốt nhục khó yên, sức khỏe kém, hình khắc nhiều. Trong năm phải trải qua đấu tranh gay go. Người xưa có thơ rằng:
Lo buồn đổi tiết sang thu
Một mình Nam Bắc dời khu mới thành
Diễn biến Nhân Quả: (hào 6 quẻ Tiệm) Chim hồng bay bổng tầng mây, vượt ra ngoài sự thường tình. (Trong thực tế là một năm gian nan, lo chuyện làm ăn, đi đây đi đó, nhưng trong lòng thư thái khác thường, như con chim hồng bay bổng tầng mây – Xem bài Tản Đà, ánh chớp trong đêm thế kỷ).
Năm Nhâm Tý (1912) hào 1 quẻ Thủy Trạch Tiết. Năm nay phải tự mình tiết chế, giữ chừng mực. Chẳng ra khỏi cổng, không lỗi. Liệu thời mà tự thủ thì khỏi nhục. Học rộng cổ kim, thấu lẽ thông, biến, giữ chức bên trong, hoặc việc công chính. Cẩn thận giữ gìn, không cạnh tranh thì khó mà tai hại. Tiến thủ được. Hoặc nên theo cái cũ (thủ cựu) thì hơn. Người xưa có thơ rằng:
Ngồi nhà tên tuổi thơm hương
Chờ ngày sáng sủa đi phương Bắc Đoài.
(Bắc Đoài: Tây Bắc).
Diễn biến Nhân Quả (hào 1 quẻ Gia nhân): Giữ chính được đạo nhà, thì chẳng khiếm khuyết gì. (Trong thực tế, về ở ấp Cổ Đằng với ông anh là Nguyễn Thiện Kế, trong cơn tâm bệnh đã tự “tiết chế” bằng cách nhịn ăn cơm, chỉ uống rượu, sau lại về quê, chỉ ăn toàn thịt, rồi mới lại “tập ăn cơm”. Trong khi đó vẫn chăm đọc sách, học cả văn phương Tây, học rộng cổ kim, thấu lẽ thông biến, mà vẫn giữ nghiêm đạo Nhà).
(còn tiếp)
Lê Công
Chia sẻ bài viết:
LÊ CÔNG
0919.168.366
Một số cách an sao vòng Trường Sinh trong tử vi
TÍNH CÁCH, MẪU NGƯỜI, TRONG LÁ SỐ TỬ VI
7 nguyên tắc cơ bản sau cần phải xem kỹ trước khi bình giải một lá số Tử Vi
THẾ NÀO LÀ TUẾ PHÁ & NGŨ HOÀNG ĐẠI SÁT
BÍ QUYẾT SONG SƠN NGŨ HÀNH VÀ THẬP NHỊ THẦN ĐẠI PHÁP (TIÊU SA NẠP THỦY THEO THỦY PHÁP TRƯỜNG SINH)
Ý nghĩa của việc thờ bàn thờ Ông Địa
“BẢN GỐC” CỦA THƯỚC LỖ-BAN DÀNH CHO CÁC BẠN THẬT SỰ HAM MÊ PHONG THỦY !!!
LÊ LƯƠNG CÔNG
Trụ sở: Số 12, Trực Cát , Vĩnh Niệm, Lê Chân, Hải Phòng
Tel: 0919.168.366 - Hotline: 0919.168.366 - Email: nhadatcongminh@gmail.com
Copyright © 2019 https://leluongcong.com/