Văn Hóa_Tín Ngưỡng
28/11/2020 - 2:47 PMLê Công 651 Lượt xem

TRUYỀN THUYẾT ĐẠI THÁNH TỪ ĐẠO HẠNH

Ngài họ Từ, tên Lộ, tự là Đạo Hạnh, sống vào thời Lý Nhân Tông, tu tại chùa Thiên Phúc trên núi Sài Sơn, thuộc phủ Quốc Oai, Sơn Tây. Là nhà tu hành nổi tiếng thông tuệ, uyên bác, có nhiều thuật pháp cao siêu, được đương thời và hậu thế xưng tụng là bậc đại thánh. Cha Từ Đạo Hạnh là Từ Vinh, thuở nhỏ xuất gia theo học đạo Phật, nhưng sau đó hoàn tục làm chức Đô sát ngạch tăng quan đời Lý, trong kinh thành. Những lúc rỗi rãi, Từ Vinh thường đến làng An Lãng ở phía tây kinh thành (tức làng Láng bây giờ) dạo chơi, rồi quen biết và lấy một người con gái làng ấy tên gọi Tăng Thị Loan. Ông bà sinh được hai người con, một gái một trai. Đạo Hạnh là con thứ hai. Nhà cũng làm ở trên mảnh đất phía Nam của làng ấy (nay là chùa Láng).
Về sau người ta bảo rằng kiểu đất mà ông Từ Vinh dựng nhà là kiểu đất quý, nên sinh được Từ Đạo Hạnh ngay từ nhỏ đã có khí cốt tiên Phật. Tuy vậy, khi đến tuổi cấp sách đến trường Từ Đạo Hạnh cũng chỉ chơi bời như mọi trẻ con khác và nếu có điều gì khác thường là ở chỗ: Từ Đạo Hạnh có những cử chỉ mà người xung quanh ít khi lường tới được. Bạn bè mà Đạo Hạnh kết giao ở tuổi thanh niên gồm có ba vị: Một là nho sinh tên gọi Phi Sinh, một là đạo sĩ tên gọi Lê Toàn Nghĩa và một nữa là người hay đàn hay hát tên gọi Phan Ất. Cả bốn người ban ngày thường hay tụ tập nhau lại để đá cầu, thổi sáo, đánh bài và bày ra các trò vui nhộn. Ông Từ Vinh, vốn quan tâm đến sự học hành và sự nghiệp của con sau này, đã nhiều lần trách mắng Từ Đạo Hạnh là đồ lêu lổng, dông dài, nhưng bên ngoài xem ra chàng ta cũng chẳng mấy biến chuyển.
Một hôm đêm đã khuya, ông Từ Vinh vào buồng học của con, thấy sách vở bày ra la liệt, ngọn đèn dầu lạc đã cháy gần tàn mà con ông vẫn đang tay cầm quyển sách, vừa học vừa ngủ gật. Ông hài lòng, biết là con vẫn chăm học, còn sự chơi bời ban ngày chẳng qua là thói thường của tuổi thanh niên. Sau đó ít lâu, nhà vua mở khoa thi Bạch Liên, quả nhiên, Từ Đạo Hạnh đã đỗ thứ nhất thật. Nhưng chẳng may, trong thời gian ấy, trước kỳ thi chỉ ít ngày thì ông Từ Vinh có xích mích với ông Diên Thành hầu nhà ở mạn cầu An Quyến cạnh sông Tô Lịch (Còn nhà của Từ Vinh ở An Lãng thuộc phía trên, cũng cạnh sông Tô Lịch). Trong nhà của Diên thành hầu có nuôi 1 vị Pháp sư tên gọi Đại Điên, pháp thuật cao cường. Đại Điên đã đến nhà, dùng bùa phép giết chết ông Từ Vinh, rồi vứt xác xuống sông. Xác trôi đến trước cửa nhà Diên thành hầu thì tự nhiên dừng lại, suốt một ngày quanh quẩn ở đấy, không chịu trôi đi. Đại Điên xuống tận nơi hét to lên rằng: “Người tu hành không được giận mãn kiếp. Sống chỉ là một trường đùa bỡn, còn chết mới thành đạo Bồ đề!”
Đại Điên vừa dứt lời thì xác Từ Vinh trôi đi liền, nhưng đến xã Nhân Mục thì lại dừng thêm một lần nữa. Người làng này thấy vậy cho là linh thiêng, bèn vớt lên hậu táng, rồi sau đó dựng lăng miếu và đắp tượng thờ, hàng năm tổ chức tế lễ vào ngày mồng 10 tháng giêng, là ngày giỗ của Từ Vinh. Bà Tăng Thị Loan, sau đó mấy tháng cũng buồn rầu mà chết. Mộ bà táng tại chùa Ba Lăng ở xã Thượng An. Sau này Từ Đạo Hạnh hiển đạt, chùa Ba Lăng (sau cải là chùa Hoa Lăng) được chọn làm nơi thờ cha mẹ của Ngài, gọi là chùa Thánh phụ và Thánh mẫu.
Lại nói về Từ Đạo Hạnh, sau khi đỗ đạt gặp lúc gia cảnh đau buồn, tang tóc như thế, nên không ra làm quan, mà ở nhà nung nấu ý chí phục thù cho cha. Một hôm, rình lúc Đại Điên đi ra ngoài dường, Từ Đạo Hạnh câmg gậy xông đến toan gây sự để đánh chết, nhưng chợt nghe trên không có tiếng hét lớn: “Không được! Thôi ngay đi!”. Thế là Từ Đạo Hạnh đành bỏ gậy xuống ra về, trong lòng vừa buồn bực vừa đau xót. Biết mình không có pháp thuật gì thì làm sao mà đánh lại Đại Điên được, nên Từ Đạo Hạnh cất công sang tận chùa bên Ấn Độ để cầu phép lạ. Tuy vậy, khi qua đất có người răng vàng ở, Đạo Hạnh thấy núi non hiểm trở không thể vượt qua được, bèn quay lại, tìm đến chùa Thiên Phúc ở trên núi Sài Sơn để ẩn cư. Từ đấy Từ Đạo Hạnh chuyên tâm đọc kinh Đại bi đà la. Đây là bộ kinh dày, nói về giáo lý của nhà Phật và cũng chứa đựng cả những thuật pháp cao siêu, mà phải là người thông minh, có trí lực, lại kiên trì, mới có thể đọc vàhiểu thấu nổi. Vậy mà Đạo Hạnh đã dày công, đọc đủ mười vạn tám nghìn (18.000) lần bản kinh ấy. Xem thế đủ biết, Ngài đã dụng công và kiên trì đến mức nào rồi!
Ở trước chùa Thiên Phúc nơi Ngài tu luyện ngày ấy có 2 cây thông cổ thụ, dân chúng trong vùng vẫn quen gọi là hai cây “rồng”. Do ngày nào cũng như ngày nào, Đạo Hạnh đều trông vào cây mà đọc thần chú lấy từ kinh Đại bi đà la ra, cho nên đến khi cây phải rơi rụng dần cành lá, rồi biến mất đi cả thì Ngài hiểu Đức Quan Thế Âm đã ứng hộ vào lời chú của Ngài. Từ đấy, Ngài lại càng ra sức đọc kinh và niệm chú nhiều và chăm hơn nữa, để cầu cho lời của Ngài được thấu đến tận Thiên cung.
Một hôm đang ngồi tụng niệm, quả nhiên Ngài thấy một Thần nhân cưỡi mây từ không trung sà xuống trước mặt, đứng lơ lửng chân không sát đất, mà nói: Đệ tử là Trấn Thiên vương, cảm phục thầy dày công tu luyện, lại kiên trì tụng kinh niệm Phật, nên lại đây để thầy sai khiến. Đạo Hạnh vô cùng hài lòng, gật đầu thu nạp Đệ tử, rồi hẹn khi nào cần sẽ thỉnh đến sau. Trấn Thiên vương lại biến lên mây bay đi liền. Vẫn canh cánh mối thù cha chưa trả được, một hôm Từ Đạo Hạnh xuống núi, cầm gậy ném xuống dòng nước đang chảy xiết. Gậy tự nhiên dựng đứng lên, rồi đi ngược cả dòng nước. Đạo Hạnh cả mừng, tự nhủ: “Phép của ta đã thắng được Đại Điên rồi!”
Thế là Đạo Hạnh thu lấy gậy, đi thẳng tới nhà Đại Điên. Vừa giáp mặt, Đại Điên đã cười khảy: “Thằng nhãi kia! Mày không nhớ chuyện lần trước hay sao mà còn dám đến đây?” Đạo Hạnh cả giận, chẳng thèm trả lời, nhưng miệng nhẩm thần chú thỉnh Trấn Thiên vương tới, rồi cứ thế cầm gậy đánh cho Đại Điên ngã dúi dụi. Đại Điên trở tay không kịp và trên không trung lúc ấy cũng tịnh không có một tiếng gì để ngăn lại như lần trước, vì vậy, chỉ được một lát thì Đại Điên đã lăn ra chết. Đạo Hạnh bèn kéo xác Đại Điên ra bờ sông Tô Lịch, rồi quăng xác xuống, như trước kia Đại Điên đã từng làm như thế với Từ Vinh.
Thế là thù xưa đã trả xong, mối tục lụy trong lòng Đạo Hạnh cũng lắng lại. Từ đó, Đạo Hạnh thường đi du ngoạn các nơi để tìm lại dấu Phật, nhất là ở các miền núi cao rừng thẳm và Ngài thỉnh thoảng cũng gặp gỡ, đàm đạo với các bậc cao tăng nổi tiếng đương thời. Một lần, tới vùng Thía Bình, nghe nói ơ chùa Bình Hóa có Kiều Trí Huyền là vị cao tăng, nên Ngài tìm đến ra mắt. trong khi đàm đạo về lẽ “chân tâm”, Ngài đọc một bài kệ như sau:
Cửu hỗn phong trần vị thức câm (kim)
Bất tri hà xứ thị chân tâm
Nguyện thừa chỉ giáo khai phương tiện
Tiện kiến bồ đề đoạn khổ tầm.
Dịch ý:
Lâu nay bị gió bụi làm vẩn nên không thấy được vàng
(Cho nên) không biết nơi nào mới đích thực là chân tâm
Nguyện được nghe lời chỉ giáo mở lòng
(Để) thấy được bồ đề, không phải khổ công đi tìm tòi.
Kiều Trí Huyền nghe xong, đọc lại bài kệ đáp lại:
Ngũ âm bí quyết diễn chân câm (kim)
Cá trung mãn nguyệt lộ thiền tâm
Hà sa giác thị bồ đề đạo
Nghĩ hướng bồ đề cách vạn tầm.
Dịch ý:
Bí quyết năm âm biểu hiện rõ ràng thực
Trong đó, đầy tháng sẽ lộ rõ lòng thiền
Cát ven sông nhìn thấy đó thực là Bồ đề (vậy)
(Còn) hướng tới Bồ đề mà đi tìm thì càng thêm xa cách.
Đạo Hạnh nghe thấy thế, trong lòng cảm thấy hoang mang quá, bèn cáo biệt, rồi tìm đến chùa Pháp Vân ở núi Pháp Linh, yết kiến thiền sư Phạm Hội. ĐaÏo Hạnh hỏi thiền sư: “Như thế nào là chân tâm?”. Thiền sư trả lời: “A nan cá chính là chân tâm”. Đạo Hạnh bỗng nhiên thấy tỉnh ngộ liền. Lời thiền sư thật giản dị: “Cái gì mà chẳng là Chân tâm”, vậy mà lại đúng với suy nghĩ và tâm niệm của Đạo Hạnh bấy lâu nay. Ngài bèn hỏi tiếp: “Thế nào là phép hành trụ?. Thiền sư lại trả lời: “Đói thì ăn, khát thì uống”. Đạo Hạnh càng tỉnh ngộ, bèn bái biệt thiền sư mà ra về, tiếp tục cuộc đời tu luyện như trước. Từ đó, phép lực của Ngài càng ngày càng mạnh, duyên thiền của Ngài càng ngày càng kết, đến nỗi các giống rắn núi, các loài thú đồng đều đến quấn quýt xung quanh, chờ Ngài sai bảo. Ngài lại biết cả các phương thuốc chữa bệnh cho dân sở tại đến cầu xin, hoặc “hô phong hóa vũ” để cứu những cánh đồng hoa mùa đang bị khô héo vì gặp hạn hán, v.v …
Tiếng tăm của Ngài vì thế mà truyền mãi ra xa, từ trong triều ngoài nội đến khắp mọi miền đất nước, ở đâu cũng thấy nhắc đến cả. Khi ấy vua Lý Nhân Tông đang trị vì, Ngài không có con trai, đi cầu tự mãi cũng không được. Em ruột của Nhân Tông là Sùng Hiền hầu (đều là con Lý Thánh Tông và Ỷ Lan Thái hậu) lúc ấy cũng chưa có con trai, thấy vậy, bèn mời Từ Đạo Hạnh đến nhà để cầu tự cho mình, ngõ hầu sau này con mình sẽ được làm Thái tử. Từ Đạo Hạnh nhận lời, nhưng là trong tình thế bất đắc dĩ. Nguyên do là năm Hội tường Đại khánh thứ ba (1112), ở phủ Thanh Hóa có người đưa tin về triều nói rằng: “Ở bãi bể có đứa trẻ kỳ lạ, tuổi mới lên ba, tự xưng là Hoàng tử, lại lấy hiêïu là Giác Hoàng, phàm vua làm điều gì, tuy ở nơi rất xa mà đứa trẻ ấy cũng đều biết cả”. Nhà vua cho quan trung sứ đến tận nơi xem, thấy đúng như tin đồn, bèn đưa đứa trẻ về Kinh đô , cho ở trong chùa Báo Thiên. Nhà vua đến chùa thấy quả nó cũng thông minh, linh lợi thực, đã muốn nhận làm con nuôi, nhưng quần thần thảy đều can là không nên. Họ nói: “Nếu đứa trẻ thật là linh dị ắt sẽ phải thác sinh vào nơi cung cấm thì sau này thì mới có thể lập được. Còn bây giờ làm như thế e chỉ rối thêm phép nước”. Lý Nhân Tông nghe lời, rồi cho mở đại hội bảy ngày bảy đêm, để cho các thiên thần, thiên tướng ở đâu thì về đầu thai nơi cung cấm.
Tuy đang tu hành ở chùa Thiên Phúc cách khá xa Kinh đô nhưng Từ Đạo Hạnh cũng biết được tin nay, Ngài lại còn biết thêm được điều mà nhiều người không biết, ấy là đứa trẻ ở bãi Thanh Hóa kia chính là nhà sư Đại Điên thác sinh mà thành. Nghĩ rằng Đại Điên hậu sinh mà được vào trong cung vua, rồi sau đó được làm Thái tử và lên làm vua thì sẽ gây tai họa cho mọi người, trong đó có cả bản thân và gia đình Ngài, vì Đại Điên chính là kẻ thù cũ của Ngài. Vì vậy, Ngài bèn ra tay diệt trừ Đại Điên hậu sinh (tức Giác Hoàng) trước. Ngài làm mấy tấm bùa, bảo chị gái giả làm người đi xem hội rồi nhân đó mà yểm (dán) vào chỗ Giác Hoàng đang ở. Quả nhiên, ba ngày sau Giác Hoàng tự nhiên phát bệnh, lúc sắp mất nói với mọi người rằng “Khắp các ngả đường đều có lưới sắt bủa vây, ta muốn thác sinh vào làm con của vua mà không có cách nào cả, vậy ta phải làm ma xuống chầu Diêm Vương thôi”. Nói rồi nhắm mắt, ngừng thở.
Khi tin Giác Hoàng chết báo về cung vua, Lý Nhân tông xiết bao tức giận. Ngài lập tức cho quan trung sứ phái lính đi bắt Từ Đạo Hạnh về nhà giam trong hoàng cung, bởi vì Ngài, theo lời đồn đại tin rằng Giác Hoàng là hậu sinh của Đại Điên, mà trước kia Đại Điên đã có thù với Từ Đạo Hạnh thật. Hơn nữa, chỉ có pháp thuật của Từ Đạo Hạnh mới có thể diệt trừ được Giác Hoàng như thế mà thôi. Nhưng khi Đạo Hạnh đang bị giam thì Sùng Hiền hầu đi ngang qua. Nghĩ rằng Đạo Hạnh đã trừ được Giác Hoàng thì ắt cũng có thể có cách để cầu tự cho mình sinh con trai, nên Sùng Hiền hầu xin Lý Nhân Tông tha cho Từ Đạo Hạnh, rồi mời Ngài về nhà ở một vài ngày. Cảm cái ơn cứu mạng của Sùng Hiền hầu, vì vậy, sau khi nghe Sùng Hiền hầu giải bày ước vọng, Từ Đạo Hạnh đã nhận lời và dặn thêm trước lúc ra về: “Bao giờ Phu nhân sắp đến ngày sinh thì phải cho người đến báo để tôi biết trước”.
Quả nhiên, khi về chùa Thiên Phúc, Từ Đạo Hạnh khẩn với thần núi, 3 năm sau Phu nhân của Sùng Hiền hầu có mang, rồi sinh ra Lý Dương Hoán, tức Lý Thần Tông sau này. Lúc người nhà của Sùng Hiền hầu lên chùa báo Phu nhân đang trở dạ thì Từ Đạo Hạnh đi tắm rửa , thay quần áo, rồi trở lại nói với các Đệ tử rằng: Mối nhân duyên của ta còn chưa hết. Ta phải tạm thác sinh làm đế vương trong thời hạn gần một kỷ (12 năm). Đến lúc ấy, nếu thấy thân thể ta rữa nát thì mới là lúc ta không còn ở cõi đời này nữa. Vì vậy, bây giờ các con chớ nên than khóc làm gì. Nói xong, Đạo Hạnh lại đọc bài kệ tiếp:
Thù lai bất báo nhạn lai quy
Lãnh tiếu nhân gian tạm phát bi
Vị cố môn nhân lưu luyến chước
Cổ sư kỷ độ tác kim sư.
Dịch ý:Thu tới không báo cho chim nhạn biết trước
Cười nhạt mà nhìn nhân gian đau xót
Khẽ bảo các Đệ tử (môn nhân) chớ nên luyến tiếc
Thầy xưa độ mới một kỷ lại hóa thành thầy này.
Dứt lời đọc, Từ Đạo Hạnh đang ngồi rồi bỗng nhiên mà hóa. Sách Việt điện U linh chép: Ngài “lên động tiên, đập đầu vào vách đá, nện chân lên bàn đá rồi hóa. Nay vết đầu và vết chân trên đá vẫn còn in”, xét ra cũng có phần nói quá về cái chết của Ngài. Lúc ấy các Đệ tử đang có mặt đông đủ. Mọi người vừa vô cùng thương tiếc, nhưng cũng vừa muôn phần cảm kích, bèn đặt thân xác của thầy vào khám thờ. Lạ thay, mấy tháng sau, rồi hàng mấy trăm năm sau, nhìn vào vẫn thấy nét mặt của thầy còn tươi như lúc còn sống và xung quanh lại có thêm mùi hương thơm nức. Ai ai cũng đều cho rằng thầy chính là tiên, là phật đã thác sinh xuống cõi trần này.
Lại nói về Phu nhân của Sùng Hiền hầu. Chính lúc bà đang trở dạ đẻ thì Từ Đạo Hạnh đã hóa, rồi nhập hồn vào đứa trẻ vừa mới ra đời đó. Sùng Hiền hầu và mọi người trong gia đình đều vô cùng mừng rỡ. Lạ thay, đứa trẻ cứ mỗi ngày mỗi khác, chỉ nuôi nấng sơ sài mà cũng chóng lớn, lại chưa học hành gì mà đầu óc cũng đã sáng láng, rồi càng lớn càng đẹp người và có nhiều tài cán lạ. Khi được ba tuổi thì Lý Nhân Tông đưa vào cung nuôi dạy, rồi cho lập làm Hoàng Thái tử. Đến khi Nhân Tông mất, Hoàng Thái tử được nối ngôi, trở thành vua Lý Thần Tông vào năm 1128.
Vào khoảng thời gian Từ Đạo Hạnh đang tu ở chùa Thiên Phúc, đã có rất nhiều Đệ tử đến học. Trong số các Đệ tử của Ngài, có một người thành tâm và sáng láng hơn cả, được Ngài rất mực tin yêu. Đó là Nguyễn Chí Thành quê ở Đại Hoàng (sau đổi là Gia Viễn) thuộc miền Ninh Bình. Biết là sau này thác sinh làm vua, đến năm 21 tuổi sẽ mắc trọng bệnh, nên Đạo Hạnh bày cho Chí Thành biết được cách chữa trị ngay từ bây giờ. Lại truyền cả tấm ấn cho Chí Thành và đặt tên cho là Minh Không. Khi Từ Đạo Hạnh đã hóa, Minh Không bèn rời chùa Thiên Phúc, về tiếp tục tu tại chùa ở quê nhà. Suốt 21 năm sau vẫn im hơi lặng tiếng, không ai hay biết.
Đúng năm Lý Thần tông hai mươi mốt tuổi thì bỗng nhiên nhà vua mắc phải bệnh lạ. Mình mẩy mọc đầy lông lá, còn tâm thần thì rối loạn, tiếng kêu đau đớn nhưng lại như tiếng cọp gầm rú, nghe rất là kinh khiếp. Tất cả danh y trong nước đều được vời đến chữa trị cho nhà vua, nhưng thảy thảy đều bó tay. Chính khi ấy, tại một ngôi chùa đang tu tại Gia Viễn (Ninh Bình), Minh Không đã truyền cho trẻ chăn trâu câu ca dao để chúng hát: “Muốn chữa Lý cửu trùng. Phải tìm Nguyễn Minh Không”. Và câu hát mỗi ngày mỗi truyền đi xa và chẳng mấy chốc đã tới tận Kinh đô . Triều đình hay tin, bèn cử sứ giả đi dò la trước, quả nhiên thấy có Nguyễn Minh Không thật. Sau đó, một viên tướng dẫn nhiều binh lính đi thuyền đến tận Gia Viễn, để mời Minh Không về Kinh đô chữa bệnh cho nhà vua.
Khi quan quân triều đình đến, lúc ấy đã gần trưa, Nguyễn Minh Không bèn bảo họ hãy cứ an tâm không phải lo đói. Quả nhiên, khi niêu cơm chín, hơn một trăm người ăn thực kỳ no, mà niêu cơm cũng không thể hết được. Khi mọi người ăn xong, Minh Không bảo họ: “Anh em hãy lên thuyền ngủ say cho đỡ mệt”. Họ nghe lời. Nhưng chỉ trong khoảnh khắc, Minh Không đã lại hóa phép cho thuyền cập bến ở ngay trước kinh thành. Và khi mọi người tỉnh dậy, thấy vậy, đều hết sức lấy làm lạ lùng lắm. Minh Không được viên tướng, sứ giả dẫn vào đến tận chỗ nhà vua đang nằm trong tẩm điện. Ở phòng ngoài lúc ấy cũng đang có mặt đông đủ các danh y tai mắt của triều đình vàcủa các phủ, trấn. Tất thảy bọn họ đều béo tốt, lại ăn mặc sang trọng. Khi thấy một nhà sư có vẻ quê mùa, cổ giả đến thì họ liền tỏ thái độ khinh khỉnh, biểu lộ ra cả nét mặt. Họ không thèm mở miệng đáp lại câu chào của Minh Không, hơn nữa, lại còn giương mắt ra nhìn, như ý muốn nói: “Chuông khánh chẳng còn ăn ai. Huống hồ mảnh chĩnh vứt ngoài bụi tre”. Cực chẳng đã, Minh Không phải rút từ trong túi áo ra một cái đinh dài 5 tấc, đem ấn nhẹ vào cột điện. Xong xuôi, Ngài bảo các danh y đang có mặt tại đó: “Nếu vị nào nhổ được cái đinh này, Minh Không tôi xin bái phục làm thầy!”
Khi Ngài nhắc lại lần thứ ba thì có một vài người mon men đến để nhổ thử. Nhưng cái đinh vẫn không nhúc nhích. Thế rồi, tất cả các danh y đều đến để lay, nhổ, mà cũng chẳng có kết quả gì. Đến lúc ấy, Minh Không mới nói: “Thôi, xin phép các vị, Minh Không tôi đành phải tự nhổ lấy vậy. Ở đời vốn có câu: Dẻ cùi đẹp mã mà!” Các vị danh y đã nhận được lời cảnh cáo. Tất cả bọn họ vừa thẹn thùng vừa kinh ngạc khi ấy sau đó Minh Không chỉ cần dùng hai ngón của bàn tay trái khẽ nhổ mà cái đinh đã phải bật ra, tựa hồ như người ta vẫn nhổ một chiếc lông gà, lông chim hay một sợi tóc vậy. Vào phòng Lý Thần Tông đang nằm, Minh Không lớn tiếng nói: Kẻ đại trượng phu được tôn lên làm thiên tử, giàu sang không ai sánh kịp, cơ sao còn phải phát bệnh cuồng loạn như vậy?
Nhà vua nghe thấy thế, đang gầm gừ bỗng nhiên run lên cầm cập. Minh Không bảo tên đại thần túc trực cho đun một vạc dầu lớn. Lại bảo đi tìm cho được 100 cái đinh và một cành hòe. Khi dầu sôi, Minh Không sai thả100 cái đinh vào đó. Một lát sau, Ngài tự tay thò vào vạc dầu vơ số đinh ấy vứt ra, đoạn, cầm cành hòe nhúng vào dầu sôi, rảy đều khắp mình nhà vua. Lạ thay, chỉ trong nháy mắt, lông lá trên người nhà vua tự nhiên rụng hết. Chẳng còn tiếng gầm gừ, cũng chẳng còn run sợ như lúc trước. Nét mặt nhàvui tươi tỉnh dần lên, giọng nói cũng trở lại bình thường. Nhà vua đã hoàn toàn khỏi bệnh. Sau đó, để thưởng công, Lý Thần Tông phong cho Minh Không làm quốc sư, lại ban cho mấy trăm hộ để hưởng lộc suốt đời. Niên hiệu Thái Bình thứ 22, Minh Không tạ thế, thọ 76 tuổi.
Về vua Lý Thần Tông, đúng như đại thánh Từ Đạo Hạnh đã báo từ trước khi Ngài hóa, là chỉ tạm tời làm vua trong gần một kỷ thôi. Quả nhiên, sau khi khỏi bệnh, Lý Thần Tông chỉ sống thêm được hai năm nữa. Nhà vua mất ở tuổi 23, vào năm 1138. Khi nhà vua vừa mất, ở chùa Thiên Phúc trên núi Sài Sơn tự nhiên có khí thiêng bốc lên, ai ai trông thấy cũng phải kinh hãi. Quan sở tại tâu lên, vua Lý Anh tông (con Lý Thần Tông) bèn sai đại thần đến làm lễ quốc tế, lại tôn phong Từ Đạo Hạnh làm “Thượng đẳng tối linh thần”. Khi ấy thân xác của Từ Đạo Hạnh vẫn còn nguyên trong khám thờ, không rửa nát lại có mùi hương thơm nức.
Gần 300 năm sau, khi ấy nhà Lý đã hết, cả nhà Trần và nhà Hồ sau đó cũng đã hết. Vào niên hiệu Vĩnh Lạc nhà Minh (1403 – 1424), nước ta đang bị ngoại bang xâm lược và đô hộ. Thi hành chính sách triệt phá văn hóa đến tận gốc, cùng với việc thu gom sách vở, giấy tờ, hiện vật văn hóa, … , hoặc đem về nước, hoặc đốt bỏ đi, bọn quan quân nhà Minh cũng không chừa đến cả “Chân thân” của Đại thánh Từ Đạo Hạnh. Khi đến núi Sài Sơn, lên chùa Thiên Phúc, bọn chúng nhìn vào khám thờ thấy Ngài vẫn còn nguyên vẹn, tươi tỉnh như khi đang sống, lại có mùi thơm từ đấy phát ra, chất củi vào rồi châm lửa đốt. Bọn giặc tàn bạo tuy vậy nhưng vẫn còn run sợ. Chúng lo Ngài sẽ hiển linh gây tai họa cho chúng, nên sau khi đốt cháy, chúng phải lượm lấy tro, đem luyện vào đất đắp thành tượng, rồi bỏ vào khám thờ, đưa lại vào trong chùa như cũ.
Đến niên hiệu Quang Thuận (1406 – 1469) đời vua Lê Thánh Tông, Trường Lạc hoàng hậu sai Thái úy Trình quốc công lên chùa Thiên phúc cầu tự. Khi đang làm lễ, tự nhiên có một phiến đá bay vào Đàn tràng, Trình Quốc công bèn mang về trình với Hoàng hậu. Ít lâu sau, Hoàng hậu mộng thấy rồng vàng đậu vào bên sườn, rồi có mang, sinh ra vua Lê Hiến Tông. Sau đó, để trả ơn, Hoàng hậu sai dựng am Hiển thụy ở cạnh chùa Thiên Phúc và khắc bia để ghi lại sự tích này.
Từ đó, chùa lại càng nổi tiếng linh thiêng. Mỗi khi có sự gì hệ trọng, dân chúng đều đến đây cầu đảo và nhận thấy việc gì cũng linh ứng. Tới nay, hương khói quanh năm không lúc nào dứt.

Chùa Thầy thờ “tiền Phật hậu Thánh”, tức là ngoài thờ Phật còn thờ thêm Thánh. Qua khảo sát thực tế cho thấy không chỉ chùa Thầy mà ở khu vực đồng bằng Bắc bộ còn có nhiều chùa thờ dạng này. Các Thánh thường được thờ ở dạng chùa “tiền Phật hậu Thánh” là các nhà sư có thật và “được nghĩ là có thật”, có nguồn gốc từ thời Lý -Trần (đa số là thời Lý), đã từng tu hành hay liên quan tới một ngôi chùa cụ thể. Họ được xem như những vị tổ khai sáng bởi có công xây dựng nên ngôi chùa đó. Do có công với địa phương dân làng nên sau khi chết, họ đều được dân tôn vinh thành Thánh, thờ trong các chùa liên quan. Cho tận đến hôm nay, vai trò của các Thánh trong đời sống tinh thần của dân địa phương vẫn hết sức quan trọng và chưa hề thay đổi. Việc thờ các thánh trong chùa, theo thời gian, từ chỗ chưa có nơi thờ riêng tiến dần đến việc có khu vực thờ riêng, được gọi là điện Thánh. Các điện Thánh thường là đơn nguyên kiến trúc đặt nằm phía sau thượng điện chùa hoặc có thể nằm ngay trong thượng điện, vẫn được tạo thành một không gian riêng biệt. Các vị Thánh được bắt gặp thờ ở Bắc Bộ là Thánh Từ (Từ Đạo Hạnh), Thánh Nguyễn (Nguyễn Minh Không), Thánh Dương Không Lộ, Thánh Giác Hải, và Thánh Bối (Nguyễn Bình An). Địa bàn phân bố các chùa dạng này tập trung ở các tỉnh thành: Hà Nội, Thái Bình, Nam Định, Hưng Yên, Hải Dương – thuộc lưu vực sông Hồng.
Trong hệ thống Thần linh dân gian người Việt, Thánh Từ Đạo Hạnh được xem như là Nhân thần, các nguồn tài liệu, thư tịch cho biết càng về sau Thánh càng có nhiều điểm thần bí, linh dị, khác hẳn người thường. Quá trình tu luyện, học Đạo, hành Đạo của thánh có nhiều phép thuật, có nhiều công lao hộ quốc an dân được tôn làm anh cả với hình tượng đầy phép thuật và quyền uy, thể hiện dưới hình tượng “vi Phật – vi Tiên – vi Tương” với 2 lần đầu thai làm vua, tương truyền là hậu thân của vua Lý Thần Tông và Lê Thần Tông.
Qua các thư tịch, tư liệu cổ còn cho biết Thánh Từ Đạo Hạnh là bậc cao tăng đắc pháp, có nhiều tài phép và thuật lạ, có công lao to lớn trong việc xây dựng, mở rộng quy mô cũng như tầm ảnh hưởng của chùa Thiên Phúc (chùa Thầy), biến nơi đây thành một miền đất Phật, một trung tâm của Phật giáo đương thời. Ở xứ Đoài, Hà Nội và vùng lân cận có nhiều chùa kết hợp thờ Phật với thờ Thánh Từ Đạo Hạnh. Ở xứ Nam, bao gồm Nam Định, Ninh Bình, Thái Bình là vùng đồng bằng mới khai phá, phổ biến ở nhiều chùa phối thờ Phật với thờ Thánh Dương Không Lộ, Nguyễn Minh Không. Tuy nhiên chùa Đại Bi (Đại Bi tự), Nam Giang, Nam Trực, Nam Định là một di tích hiếm hoi ở vùng hạ lưu châu thổ sông Hồng thờ Thánh Từ Đạo Hạnh. Tương truyền, sau khi cha bị Diên Thành hầu mượn tay pháp sự Đại Điên hại chết, Thánh Từ Đạo Hạnh đã đưa mẹ là bà Tăng Thị Loan về đây lánh nạn và dựng chùa tu hành.
Theo dân gian, chùa Bi được xây dựng từ thời Lý, tuy nhiên qua dấu vết khảo cổ học, các tư liệu Hán Nôm, phong cách kiến trúc cho thấy chùa Bi được xây dựng vào thế kỷ XVII, thời Hậu Lê. Tổng thể, chùa Đại Bi có kiến trúc, phong cách thờ tự theo kiểu “Nội công ngoại quốc”, còn gọi là dạng chùa trăm gian. Chùa quay hướng Nam, hướng của Bát Nhã, trí tuệ trên một thế đất đẹp, bằng phẳng nằm giữa thôn Giáp Ba. Theo phong thủy, đó là thế đất đẹp hình đầu rồng, hai bên có hai giếng nhỏ nhân dân hay gọi là mắt rồng. Cụm kiến trúc đầu tiên là Tam quan, nghi môn trong đó Tam quan không được xây ở chính trục thần đạo mà chếch về phía Tây. Sau Tam quan là cụm kiến trúc chùa chính gồm: Tiền đường Tam bảo ngoại Thờ Tam thánh, Tượng cửu long, Thất phật. Tam bảo nội ở giữa, bên phải là cung Thánh (cung cấm), bên trái là Tượng Quan âm nghìn mắt nghìn tay, tượng Quan âm toạ sơn. Tam bảo gồm tượng Tam thế. Cung thánh là một công trình kiến trúc bằng gỗ, chạm khắc tinh xảo hình chiếc kiệu mang đậm phong cách Hậu Lê, trong có khám thờ sơn son thiếp vàng. Trong cùng thờ bà Tăng Thị Loan (mẹ Thiền sư). Phía sau chùa thờ Phật là gác chuông hai tầng tám mái mang ý nghĩa dịch học, biểu hiện tư tưởng vũ trụ luận của người phương Đông với nhiều mảng chạm khắc tinh xảo. Cùng với Tam quan, chùa Phật là các công trình kiến trúc tiêu biểu. Cuối cùng là nhà Tổ. Bọc kín cụm chùa là hệ thống hành lang giải vũ mỗi dãy 20 gian kiểu tường hồi bít đốc cùng với phủ Mẫu tạo cho chùa có kiến trúc tiêu biểu của dạng chùa thờ Thánh Từ Đạo Hạnh.
Chùa Đại Bi còn lưu giữ được nhiều di vật, cổ vật, cổ thư rất có giá trị, tiêu biểu nhất là 10 tấm bia trong đó Văn bia cổ nhất khắc năm Kỉ Mùi (1679) đời Lê Hy Tông; 10 đạo sắc phong; Quả chuông lớn cao 2m đúc năm Minh Mạng thứ 18(1838).
Lễ hội ở chùa Bi nổi tiếng cả một vùng như hội chùa Thầy, hội chùa Láng (Hà Nội) phụng thờ Thánh Từ Đạo Hạnh. Tại các ngôi chùa này không chỉ diễn ra các lễ nghi của Phật giáo mà còn tổ chức lễ hội để phụng thờ Thánh Từ Đạo Hạnh. Việc phụng thờ Thánh ở nhiều nơi khác không chỉ do các nhà tu hành, các nhà sư tiến hành mà còn do các thầy chùa, có nơi còn gọi là ông Thống, bà Tự – là những người dân có uy tín, đức độ… được cộng đồng chọn, cử, tiến hành. Theo truyền thống, lễ hội chùa Đại Bi được bắt đầu từ ngày 21 đến ngày 24 tháng Giêng âm lịch hàng năm, trong đó có nhiều nghi lễ nhà Phật hoà nhập với tín ngưỡng dân gian. Theo lịch trình ngày 21: Lễ phát tấu, theo nghi lễ nhà Phật, ngày 22: rước kiệu của các thôn Vân Chàng, Giáp Tư, Giáp Ba lên sân chùa. Sau lễ tế của các thôn, tổ chức các trò chơi dân gian chọi gà, đấu vật, đánh đu, cờ người. Tối có múa rối đầu gỗ (ổi lỗi) diễn xướng thần tích của Thánh, lẽ sống nhân sinh, đạo lý của con người… đến ngày 24 hết hội, có lễ tạ Thánh. Ngoài ra, chùa Bi còn hội chợ Viềng, họp một phiên duy nhất vào ngày 8 tháng Giêng ở ngay bãi đất trống trước cổng chùa, người dân mua – bán cây giống, cây cảnh, đồ cổ, đồ cũ mang đậm dấu ấn một hội nông nghiệp, tạo thành một cặp chợ – chùa độc đáo.
Cho đến nay, vai trò, ảnh hưởng của Thánh trong đời sống nhân dân địa phương vẫn rất quan trọng, biểu hiện ở lễ hội phụng thờ Thánh, các lệ, tục, hèm của cuộc sống người dân. Ngay ở chùa Đại Bi có thể nhận thấy vai trò của Thánh hết sức quan trọng trong đời sống người dân, thể hiện ở kiến trúc của chùa. Tam quan chùa cùng với nghi môn được xây dựng trên cùng trục ngang, không đối xứng. Tam quan luôn đóng kín, chỉ mở trong những ngày hội chùa; lối đi chính là nghi môn cho thấy dấu vết của đền thờ Thánh đậm nét hơn chùa thờ Phật. Tam quan không xây ở chính giữa mà chếch về phía Tây, thẳng với cung thờ Thánh Từ Đạo Hạnh, cho thấy đó mới là trục thần đạo của chùa, thể hiện vai trò tối linh của Thánh, các công trình khác xây dựng đối xứng qua trục thần đạo. Biểu hiện rõ nét nhất Thánh là vị thần tối linh qua lễ hội phụng thờ Thánh. Theo tư liệu điền dã của chúng tôi, việc thờ Thánh quan trọng hơn thờ Phật, hay nói cách khác, lễ Thánh là chính. Người dân các thôn Vân Chàng, Giáp Tư, Giáp Ba và vùng lân cận khi lên chùa thường gọi là lễ Thánh, lễ vật dâng Thánh là chính, bao gồm cả lễ mặn còn lễ dâng Phật thông thường là hương đăng, trà, oản quả như các ngôi chùa khác. Người dân đi lễ không chỉ tập trung vào dịp lễ hội mà quanh năm.
Như vậy, tín ngưỡng thờ Thánh Từ Đạo Hạnh là biểu hiện đặc sắc của văn hoá Việt Nam, cùng với các vị Thánh/Thiền sư khác tạo nên một hiện tượng đặc biệt trong tín ngưỡng, tôn giáo, văn hoá Việt Nam, hình thành nên một dạng chùa độc đáo, chùa trăm gian, thuần Việt, nở rộ vào thế kỷ XVII và tồn tại đến tận ngày nay, thể hiện sức sống trường tồn của dân tộc Việt.

Lê Công

 


Tin liên quan

Chia sẻ bài viết: 



Bình luận:

Hỗ trợ trực tuyến

LÊ CÔNG

0919.168.366

PHÚC THÀNH

0369.168.366

Nhà đất bán theo tỉnh thành
Kinh Dịch
Tử vi
Huyền không Phi Tinh
Văn Hóa_Tín Ngưỡng
Thước lỗ Ban
Xen ngày tốt
Văn Hóa_Tín Ngưỡng
TIN NỔI BẬT

LÊ LƯƠNG CÔNG

Trụ sở: Số 31 - Mương An Kim Hải - Kenh Dương, Le Chan, Hai Phong

Tel: 0919.168.366 - Hotline: 0919.168.366 - Email: nhadatcongminh@gmail.com

Copyright © 2019 https://leluongcong.com/